Vượt Lên Hàng Đầu

Chương 9



Khi Edward Heath gọi điện về nhà thì Simon đã đi khỏi. Phải mất một tiếng sau Elisabeth mới nhắn được tin cho anh biết người đứng đầu của Đảng muốn gặp anh vào lúc hai rưỡi. Charles đang ở Ngân hàng khi trưởng ban tổ chức Nghị viện gọi điện để đề nghị họ gặp nhau vào lúc hai rưỡi chiều trước khi Hạ nghị viện bắt đầu làm việc.

Charles có cảm giác giống như một cậu học trò nghe giáo viên chủ nhiệm báo tới gặp tại phòng làm việc sau giờ ăn trưa vậy. Viên trưởng ban tổ chức gọi điện lần cuối cùng là để yêu cầu Charles phát biểu kết thúc cuộc họp, và từ đó họ hầu như không gặp lại nhau. Charles hay sốt ruột nên chỉ thích mọi người nói cho biết ngay vấn đề gì. Anh quyết định rời ngân hàng sớm hơn và ăn trưa tại Nghị viện để chắc chắn là không bị muộn so với giờ hẹn gặp buổi trưa hôm ấy.

Charles cùng một số nghị sĩ đến bên chiếc bàn lớn nằm giữa phòng ăn của các nghi sĩ và lấy chiếc ghế duy nhất còn trống cạnh Simon Kerslake. Hai người không được thân thiện cho lắm kể từ cuộc tranh quyền lãnh đạo giữa phái Heath và Maudling. Charles không coi trọng Kerslake lắm. Có lần anh nói với Fiona rằng Kerslake là một trong những hạt giống mới của phái Bảo thủ. Người hơi quá sức cố gắng, và anh không hề khó chịu khi nhìn thấy Kerslake bối rối trước sự từ nhiệm của Gould. Fiona là người duy nhất Charles nói thật điều này.

Simon nhìn Charles ngồi xuống ghế và tự hỏi không biết bao lâu nữa Đảng mình còn tiếp tục chọn những tay lính gác Estonia, những người dành nhiều thời gian làm tiền trong thành phố, rồi sau đó là ở Ascot hơn là thời gian làm việc ở Nghị viện - Điều này không có nghĩa là Simon chỉ nói ý kiến này riêng với những người tin cẩn của mình đâu.

Cuộc bàn bạc bên cạnh bàn ăn xoay quanh xu hướng đáng chú ý của kết quả cuộc bầu cử phụ mà Đảng Bảo thủ dành được ba ghế chủ chốt trong Nghị viện. Rõ ràng hầu hết những người ngồi bên bàn đều rất háo hức chờ đón cuộc tổng tuyển cử, mặc dù Thủ tướng không phải kêu gọi tuyển cử trong vòng ít nhất ba năm nữa.

Cả Charles lẫn Simon đều không gọi cà phê.

Vào lúc hai giờ hai mươi lăm phút. Charles nhìn thấy ông trưởng ban tổ chức Nghị viện rời khỏi bàn của mình ở trong góc nhà ăn, rồi bước về phía phòng làm việc của ông ta. Charles nhìn lại đồng hồ và chờ thêm một giây mới rời chỗ, trong khi các đồng nghiệp của anh bắt đầu sôi nổi tranh luận việc gia nhập thị trường chung.

Anh thong thả đi qua phòng hút thuốc rồi rẽ trái ở lối vào đi về phía thư viện. Sau đó, anh tiếp tục đi xuôi hành lang Ways Means cổ kính cho tới khi đi qua văn phòng của Đảng Đối lập ở phía tay trái. Bước qua cánh cửa vào sảnh của các nghị sĩ, anh lại đi băng qua sảnh đến văn phòng Tổ chức của Chính phủ đang cầm quyền. Anh bước dài vào phòng bà thư ký Norse, người được ngài Trưởng ban tổ chức rất quý, ngừng đánh máy.

- Tôi có cuộc hẹn với ông Trưởng ban – Charles nói.

- Vâng, ông Hampton, ông ấy đang đợi ông. Mời ông vào.

Charles lại tiếp tục đi xuôi hành lang và thấy ông trưởng ban đang đứng trước cửa văn phòng.

- Nào, mời anh vào, Charles. Tôi lấy cho anh uống một chút nhé.

- Ồ, không, cảm ơn ông. – Charles từ chối, trong lòng không muốn đợi lâu hơn nữa.

Ông Trưởng ban rót cho mình một cốc gin pha rượu mùi rồi ngồi xuống.

- Tôi hy vọng điều tôi sắp nói với anh sẽ được coi là một tin tốt lành. – Ngài Chủ tịch nghĩ rằng anh sẽ có ích trong nhiệm kỳ ở văn phòng tổ chức Nghị viện, và phải nói rằng tôi sẽ rất mừng nếu anh cảm thấy có thể tham gia vào làm việc với chúng tôi.

Charles muốn phản đối nhưng rồi đã kìm lại. – Vậy là tôi sẽ phải rời bỏ vị trí phụ trách môi trường hiện nay.

- Đúng vậy, hơn nữa, tất nhiên là vị ngài Heath còn muốn tất cả các nhân viên Văn phòng Tổ chức bỏ hết mọi công việc bên ngoài. Làm việc trong văn phòng này không phải là công việc bán thời gian.

Charles phải dừng một giây để sắp xếp ý của mình.

- Nếu tôi dừng công việc của tôi, tôi vẫn giữ được vị trí ở văn phòng Môi trường chứ?

- Tôi không có quyền quyết định chuyện này. – Ông Trưởng ban nói. – Nhưng không có gì là bí mật bởi vì Ted Heath đang chỉ định thay đổi một vài điểm trong thời gian trước cuộc bầu cử lần sau.

- Tôi được suy nghĩ về lời đề nghị này bao lâu?

- Có lẽ, anh sẽ cho tôi biết quyết định của anh vào lúc Đặt Câu hỏi ngày mai.

- Vâng, được thôi. Cảm ơn ông. – Charles nói. Anh rời khỏi Văn phòng Tổ chức Nghị viện rồi lái xe về quảng trường Eaton.

Simon cũng đến Nghị viện vào lúc hai giờ hai mươi lăm, năm phút trước cuộc gặp với Chủ tịch đảng. Anh cố gắng không suy đoán tại sao Heath lại muốn gặp mình, để tránh một cuộc họp chỉ đưa đến thất vọng.

Douglas Hugh, Chánh văn phòng, dẫn Simon đi thẳng tới chỗ ngài Heath.

- Simon, anh thấy thế nào nếu tham gia vào bộ Môi trường? – Đó là phong cách đặc trưng của Heath, không muốn mất thời giờ nói chuyện vòng vo, và sự đột ngột trong lời đề nghị làm Simon ngạc nhiên. Anh nhanh chóng lấy lại tự chủ.

- Cảm ơn ông, - anh nói. – Tôi muốn nói rằng… Vâng, tôi đồng ý… cảm ơn ông.

- Tốt lắm, hãy xem như anh đã nhận nhiệm vụ rồi nhé và bảo đảm là kết quả của hòm thư công bố cũng sẽ có hiệu quả như từ các hàng ghế sau của Nghị viện nhé.

Cửa phòng lại được người thư ký riêng mở ra, cuộc phỏng vấn đã kết thúc. Simon nhận thấy mình lại quay lại hành lang vào lúc hai giờ ba mươi phút. Phải mất mấy giây sau cảm giác về lời đề nghị ấy mới ngấm. Khi ấy, trong lòng hứng khởi, anh ào đến bên máy điện thoại gần nhất, anh quay số tổng đài của bệnh viện St. Mary và yêu cầu cho nói chuyện với bác sĩ Kerslake. Khi nói, giọng anh hầu như chìm hẳn vì những tiếng chuông của bộ phận báo hiệu công việc của một ngày bắt đầu vào lúc hai giờ ba mươi lăm phút, tiếp theo đó sẽ là giờ cầ nguyện. Một giọng nữ vang lên trong đường dây.

- Có phải em đấy không, em yêu? – Simon hỏi, gần như lạc hẳn giọng.

- Không phải đâu, thưa ông. Đây là người trực tổng đài. Bác sĩ Kerslake hiện đang trong phòng mổ.

- Liệu có thể gọi bà ấy ra ngoài không?

- Trừ phi ông đang đau đẻ, thưa ông.

-Sao hôm nay anh về sớm thế? – Fiona hỏi khi Charles bước qua cánh cửa trước.

- Anh cần nói chuyện với ai đấy? – Fiona không bao giờ có thể tin chắc là liệu có phải cô đang được nịnh không, nhưng cô không hề nói gì. Trong những ngày này những lúc ở cùng với anh thất quá hiếm hoi, và vậy là cô cảm thấy vui sướng.

Charles cố gắng nhắc lại với vợ gần như chính xác từng lời của cuộc nói chuyện với ngài Trưởng ban Tổ chức. Fiona vẫn yên lặng khi Charles đã đến lúc chấm dứt những lời độc thoại của mình.

- Vậy đấy, em nghĩ như thế nào? – Charles nóng lòng hỏi.

- Tất cả mọi chuyện là chỉ một bài phát biểu tồi tệ từ hàng ghế của những người phê bình, - Fiona nhận xét một cách gượng gạo.

- Đúng vậy, - Charles nói – nhưng dù có lật đi lật lại vấn đề này thì cũng không đạt được điều gì nữa. Còn nếu như anh bỏ qua, rồi bọn anh sẽ thắng trong cuộc tuyển cử tới đây thì sao…?

- Anh sẽ bị gạt ra rìa.

- Thêm nữa, sẽ đơn độc ở hàng ghế sau trong Nghị viện.

- Charles, chính trị vẫn luôn là điều mà anh đặt tâm trí vào nhiều nhất. – Fiona nói, khẽ chạm tay vào má Charles. – Nên em thấy anh không có sự lựa chọn nào khác, và nếu chính trị đòi hỏi phải có một vài sự hy sinh nào đó, thì anh đâu có nghe em kêu ca phàn nàn.

Charles nhỏm dậy khỏi ghế và nói – Cám ơn em. Tốt hơn là anh đi gặp Derek Spencer ngay đây.

Khi Charles sắp sửa đi khỏi, Fiona nói thêm "Anh đừng quên rằng Ted Heath đã trở thành người đứng đầu của Đảng từ phòng Tổ chức Nghị viện đấy".

Lần đầu tiên trong ngày hôm đó, Charles mỉm cười.

- Hôm nay anh sẽ về ăn tối ở nhà với em chứ? – Fiona đề nghị.

- Tối nay thì không được. – Charles đáp. – Anh có cuộc họp bầu cử muộn.

Fiona ngồi lại một mình, thầm hỏi liệu có thể tiếp tục cuộc sống chờ đợi một người mà người đó dường như không cần đến sự thương yêu của mình.

Cuối cùng thì họ cũng nối máy cho anh.

- Chúng mình cùng ăn mừng tối nay nhé.

- Tại sao? – Elizabeth hỏi.

- Vì anh được mời vào nhóm những thành viên ghế hàng đầu phụ trách các vấn đề về môi trường.

- Chúc mừng anh, nhưng các vấn đề về Môi trường là gì vậy.

- Nhà cửa, đất đai đô thị, giao thông, nước, các khu nhà cổ, sân bay Stanted hay Maplin, đường hầm xuyên eo biển, công viên Hoàng gia…

- Thế họ có để lại việc gì cho người khác làm không?

- Đấy mới chỉ là một nửa thôi – những vấn đề thuộc khu vực ngoài trời là do anh quản lý. Anh sẽ kể cho em nghe trong bữa tối hôm nay.

- Ôi, quỷ thật, em không nghĩ là có thể đi trước tám giờ tối nay được, mà mình cần phải nhờ ai đó trông con nữa chứ. Việc này có thuộc vấn đề Môi trường không, Simon?

- Chắc chắn rồi, - Simon phá lên cười. – Anh sẽ lo chuyện đó và đặt bàn ở nhà hàng Grange vào lúc tám rưỡi.

- Anh có phải dự cuộc biểu quyết vào lúc mười giờ không?

- Anh sợ sẽ phải như vậy?

- Em hiểu rồi, lại uống cà phê và thuê người trông trẻ, - cô nói, rồi dừng lại một chút, - Simon.

- Anh đây, em yêu.

- Em rất tự hào về anh.

Derek Spencer ngồi sau chiếc bàn làm việc nặng nề của mình trên phố Thread Needle và chăm chú nghe những điều Charles nói.

- Ngân hàng sẽ cảm thấy thiếu anh nhiều đấy, - đó là những lời đầu tiên của ông Chủ tịch ngân hàng. – Nhưng ở đây không ai muốn cản trở sự nghiệp chính trị của anh đâu, nhất là tôi.

Charles nhận thấy Spencer không thể nhìn thẳng vào mắt anh trong khi nói.

- Tôi có thể nghĩ rằng tôi sẽ có cơ hội quay trở lại nếu tình hình của tôi ở Nghị viện thay đổi vì lý do nào đó không?

- Tất nhiên rồi, - Spencer trả lời. – Anh chẳng cần phải hỏi như vậy.

- Ông thật tử tế, - Charles nói, trong lòng thực sự cảm thấy nhẹ nhõm. Anh đứng dậy, nghiêng người về phía trước, bắt tay ông Chủ tịch thật chặt.

- Chúc may mắn, Charles – đó là những lời nói chia tay của Spencer.

- Nghĩa là ông không thể ở lại trong Ban lãnh đạo nữa hay sao? – Ronnie Nethercote hỏi khi nghe tin của Simon.

- Đúng thế, trong khi tôi ở văn phòng của những người Đối lập và chỉ giữ vai trò của Người Phát ngôn dự bị. Nhưng nếu chúng ta thắng lợi trong cuộc tuyển cử sắp tới và tôi có việc trong Chính phủ, thì tôi phải từ nhiệm ngay.

- Vậy là ông sẽ làm việc ở đây với tôi trong ba năm nữa phải không?

- Nếu như Thủ tướng không chọn ngày tuyển cử sớm hơn, hoặc chúng ta không thắng cử.

- Ông không phải lo lắng gì cho vấn đề thứ hai, - Ronnie nói. – Tôi biết tôi đã chọn được người giành chiến thắng vào cái ngày mà tôi gặp ông và tôi không nghĩ rằng ông hối tiếc vì đã tham gia Ban của tôi.

Một vài tháng trôi qua, Charles cảm thấy ngạc nhiên nhận ra anh rất thích làm việc ở Văn phòng Thư ký Nghị viện, mặc dù anh đã không sao giấu Fiona sự giận dữ của mình khi nghe tin chính Kerslake là người giữ vị trí của anh trong bộ Môi trường. Trật tự, kỷ luật và tinh thần đồng đội của công việc làm anh nhớ lại những ngày còn ở quân đội tại trung đoàn Lính gác Grenadier.

Charles là người có nhiều nhiệm vụ kể từ việc kiểm tra xem các Nghị viên có mặt đầy đủ ở các ban không, đến việc ngồi ở hàng ghế đầu trong Nghị viện và rồi cho đến việc tìm ra những quan điểm bảo vệ trong các bài phát biểu của các Nghị viên tại Nghị viện. Anh còn theo dõi xem có bất kỳ dấu hiệu không tán thành hay nổi loạn của các Nghị viên cùng hàng ghế của mình, đồng thời cũng vẫn nắm bắt xem có những sự kiện gì xảy ra đối với phe Đối lập trong Nghị viện.

Thêm vào đó, anh còn lãnh đạo năm mươi thành viên của riêng mình từ miền Trung cho đến Spepherd và phải bảo đảm rằng họ không bao giờ bỏ qua các cuộc bầu cử. Cứ đến thứ năm, anh lại phân phát những tờ giấy ghi những cuộc biểu quyết sẽ có trong tuần tiếp theo.

Simon cũng thích thú với vị trí mới của mình ngay từ những phút đầu tiên. Với cương vị của một thành viên cấp dưới trong bộ Môi trường anh được giao chuyên phụ trách về vấn đề giao thông. Trong suốt năm đầu tiên, anh đọc sách, nghiên cứu những bảng tóm tắt giới thiệu, gặp gỡ các lãnh đạo ngành Giao thông quốc gia, ngành Hàng không, đường thủy và đường sắt, rồi lại làm việc thâu đêm để nắm vững các kiến thức trong thời gian ngắn. Simon là một trong những số hiếm nghị sĩ, những người mà chỉ sau có vài tuần, trông đã có vẻ như lúc nào cũng đã ở vị trí các nghị sĩ ở hàng ghế đầu.

Peter thì lại là một trong những đứa trẻ to mồm, chỉ mới vài tuần tuổi mà đã lớn tiếng như thể nó đã ngồi ở hàng ghế đầu của các nghị sĩ rồi:

- Có lẽ sau này thằng bé cũng lại trở thành một chính khách thôi, - Elizabeth kết luận, khi cúi xuống ngắm nhìn cậu bé con trai.

- Cái gì đã làm em nghĩ như vậy – Simon hỏi.

- Nó không ngừng kêu la với tất cả mọi người, nó hoàn toàn bận tâm về bản thân mình và rồi ngủ khì ngay khi ai đấy đưa ra ý kiến.

- Người ta đang nói xấu về cậu con đầu lòng của tôi đây – Simon bế Peter lên và ngay lập tức cảm thấy hối tiếc ngay khi chạm vào phía dưới thằng bé.

Elizabeth ngạc nhiên không biết làm sao Simon có thể dành nhiều thời gian cho con trai mình đến như vậy, thậm chí cô còn công nhận, khi được phỏng vấn trên báo Litlehampton News, rằng ông nghị sĩ ấy có thể thay tã khéo léo như một bà đỡ vậy.

Đến khi biết bò, Peter lục lọi mọi thứ, kể cả chiếc cặp của Simon nơi thằng bé thả vào những chiếc kẹo chocola dính, dây cao su, dây buộc và cả món đồ chơi yêu thích của mình nữa.

Một lần Simon mở chiếc cặp trước mặt mọi người trong cuộc họp của bộ Môi trường Dự bị, thì thấy chú gấu Teddy Heath mà Peter đã vần cho nhầu nát nằm ngay trên tập giấy tờ của mình. Anh đẩy con thú nhồi bông sang bên lộ ra "bản kế hoạch tương lai của Chính phủ Bảo thủ".

- Phải chăng đây là một hiểm họa cho Chính phủ – Vị Chủ tịch đảng Đối lập cười hỏi.

- Con trai tôi, hay là con gấu này sao? – Simon hỏi lại.

Vào năm thứ hai, khi Peter đi đã vững, Simon bắt đầu có chính kiến riêng của mình về những vấn đề mà Đảng của anh phải đối mặt. Mỗi tháng qua đi, cả hai đều thêm tự tin và lúc này điều mà Simon muốn là tổ chức được cuộc Tổng tuyển cử bầu cho Harold Wilson. Còn điều mà Peter muốn là một quả bóng.

Bỗng nhiên tin tức về cuộc Tổng tuyển cử được đưa lên truyền hình. Cứ như thể đảng Bảo thủ đang giành được nhiều phiếu bầu, còn đảng Lao động đã liên tiếp thắng lợi trong những cuộc sơ cử vào đầu năm 1970.

Khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào tháng Năm khẳng định lợi thế của đảng Lao động, Harold Wilson tới đệ kiến với Nữ hoàng tại điện Buckingham và yêu cầu Nữ hoàng giải tán Nghị viện. Cuộc Tổng tuyển cử được ấn định vào ngày 18 tháng 6 năm 1970. Báo chí tin tưởng rằng Wilson đã lại một lần nữa làm đúng, và rồi sẽ đưa Đảng mình tới thắng lợi lần thứ ba một cách điệu nghệ mà không ai trong lịch sử chính trường đạt được. Mọi thành viên của đảng Bảo thủ đều biết điều đó sẽ chấm dứt vai trò lãnh đạo của Edward Heath trong Đảng của mình.

Lịch sử chính trường đã không được dựng lên ba tuần sau đó bởi đảng Bảo thủ đã giành được Nghị viện với đa số phiếu. Nữ hoàng cho mời Edward Heath vào điện Buckingham và yêu cầu ông này thành lập Chính phủ. Ông hôn tay người trị vì đất nước và tuân theo sự ủy thác ấy.

Lần đầu tiên Simon Kerslake điều hành Đảng đa số phiếu có bốn người đóng vai trò quan trọng sau khi anh giành được 2.118 phiếu bầu ở Trung Conventry.

Khi ông bá tước già hỏi Fiona là Charles đã thắng với bao nhiêu số phiếu thì cô trả lời không rõ, nhưng cũng nhớ lại Charles đã nói với phóng viên rằng số phiếu ấy nhiều hơn phiếu của nhiều nghị sĩ khác chung với nhau.

Raymond Gould người đã phải thua với hai phần trăm thì nay bù lại giành được đa số phiếu là 10416. Người dân ở vùng Leeds ngưỡng mộ tính độc lập của nghị sĩ này, nhất là khi đó là vấn đề về nguyên tắc.