Vọng Giang Nam

Quyển 1 - Chương 9: Lên cao ngắm gió thu



Bích thiên như tẩy, cát nhuốm tịch dương, cây cỏ điêu linh, thiên quân quá cảnh.

“Vừa mới ra khỏi Lương Châu đã thất thần ngắm trông, chẳng lẽ cảnh thu ở Bắc Cương lại khác Trung Nguyên đến thế ư?”

Chu Kỳ bừng tỉnh, quay ra thấy Hiên Viên Phù cũng đã buông địa đồ trên tay xuống, phóng mắt theo y ngắm nhìn quang cảnh phía xa.



“Hồi bẩm Vương gia, thiên hạ to lớn, đừng nói chi Tái Bắc Giang Nam cách xa ngàn nẻo, chỉ ngay phong cảnh Tô Châu và Lạc Kinh thôi cũng đã rất bất đồng rồi.”

Khóe miệng Hiên Viên Phù khẽ vẽ lên một nếp uốn nhợt nhạt: “Vậy ư?” – đã nhập Lương Châu nửa năm, Chu Kỳ rất ít khi thấy gã cười, nếu có cũng là kiểu cười lạnh lùng chế giễu hay cười khẩy mặt ngoài như trong ấn tượng, nụ cười khẽ nhếch mà thư thái như hiện giờ là lần đầu tiên.

Huyết thống Hiên Viên gia quả không tồi, ngay cả một gã mãnh phu cũng đeo khuôn mặt chính khí đậy ngoài lớp âm hiểm, Chu Kỳ nghĩ thầm trong bụng.

“Tô Châu và Lạc Kinh, Bản Vương đều chưa từng đi qua.” – đột nhiên, Hiên Viên Phù nói.

Chu Kỳ nhìn gã, không kinh ngạc là giả.

Hiên Viên Phù bình thản giải thích: “Khi bé thì ở Trường An, sau sáu tuổi, Bản Vương chưa từng ra khỏi Lũng Tây nửa bước.”

Chu Kỳ có phần cảm thông mà an ủi gã: “Kỳ thật, những nơi ta chưa từng đi qua ấy, khi chưa đặt chân tới thì ôm bao mong mỏi hứng thú, đến khi đích thân tới rồi mới nhận ra, à, nó cũng chỉ có thế thôi. Vương gia chưa đi qua cũng không có gì phải tiếc nuối cả.”

Hiên Viên Phù liếc nhìn y: “Không ngờ Chu công tử cũng biết an ủi người khác, quả là người phúc hậu.”

Chu Kỳ khó chịu phản bác: “Tuy rằng hạ quan có ngu dốt, nhưng từ trước tới giờ vẫn giúp người chí thiện, ôn nhu đôn hậu, giờ Vương gia mới nhận ra thật là làm hạ quan thấy đau lòng quá.”

Ném đại công văn địa đồ sang một bên, Hiên Viên Phù nhỏm dậy giãn gân giãn cốt. Vóc dáng người phương Bắc vốn đã cao to, mã xa cũng được chế tác rộng rãi hơn phương Nam rất nhiều, vậy mà Hiên Viên Phù đứng dậy vẫn thấy không đủ, chỉ đành phải khom lưng uốn gối.

Khi còn ở Giang Nam, Chu Kỳ là một trang anh tuấn ngang tàng, tới Trường An phương Bắc cũng được xem như công tử ngọc thụ lâm phong, nhưng đứng bên Hiên Viên Phù thì vẫn thấp hơn gã nửa cái đầu, khí thế cũng vì thế mà vơi mất bảy tám phần.

“Phượng Nghi,” – đột nhiên Hiên Viên Phù gọi y, “Kỵ thuật thế nào?”

Khóe miệng Chu Kỳ rõ giật khẽ một cái, dạo đây Tĩnh tây vương toàn dùng tên tự của y mà gọi riết, chả phải coi trọng y gì cho cam, chỉ e là đang ngấm ngầm cười nhạo tên tự y nữ tính thì có.

“Mặc dù không thể so với những dũng sĩ dưới trướng Vương gia, nhưng cũng không đến nỗi tệ lắm.”

Hiên Viên Phù xốc mành xe: “Ngỗi xe mãi cũng chán, vừa hay cuối thu quang đãng, không bằng ra ngoài cưỡi ngựa với ta?”

Hiên Viên Phù trên ngựa khác hẳn con người mà gã thường biểu hiện, vẻ âm trầm hỉ nộ vô thường trong Vương phủ biến mất tăm trong nháy mắt, thay vào đó là tâm trạng hăng hái, nghe chừng như hưng trí lắm. Người bên cạnh thấy tâm tình gã không tồi cũng thấy thoải mái theo, bầu không khí thanh bình hẳn.

Chu Kỳ vốn đã thích đi săn, khi còn ở Trung Nguyên cũng dăm bữa nửa tháng rượt cẩu phi ưng, vậy nên vẫn có thể đuổi kịp Hiên Viên Phù. Nhưng sau đó thì dần dà không ổn nữa, thể lực y bắt đầu không đủ để chống đỡ, xương cốt đã bắt đầu đau mỏi, chả bù Hiên Viên Phù thì như thể được sinh trưởng lên yên ngựa, gã vẫn ra roi thúc ngựa, phi băng băng như gió.

Chu Kỳ là một người vô cùng cao ngạo, cho dù có kiệt sức y vẫn cắn răng kiên trì.

Rốt cuộc thì sau khi đã được phát tiết thỏa thuê, Hiên Viên Phù cũng ghìm cương dừng lại.

Đôi mắt đầy sắc bén giờ đây lồ lộ rõ vẻ hí hửng khi gian kế được thực hiện: “Phượng Nghi, vẫn ổn chứ? Nếu không cố được thì chúng ta hạ trại lại đây, chờ khi ngươi khá hơn rồi khởi hành tiếp, thế nào?”

Chả thế nào hết! – Chu Kỳ cố nén oán giận, sắc mặt xấu tợn.

“Vương gia nhọc công lo lắng rồi, hạ quan chỉ thấy tinh thần vô cùng thư sướng, Vương gia không cần vì hạ quan mà kéo dài lịch trình, cứ như ngài đã quyết là được.”

Hiên Viên Phù xấu xa mà rằng: “Vốn Bản Vương còn lo lắng thân thể xương cốt Phượng Nghi ngươi không chịu nổi, ngươi đã nói vậy thì,” – gã quay đầu, phân phó với đám người cưỡi ngựa đằng sau, “Ra roi thúc ngựa, tranh thủ trước sớm mai tới Vĩnh Xương[1]!”

Chu Kỳ chỉ hận sao y không ngất quách đi cho rồi.

Vĩnh Xương cũng chưa phải là vùng đất tận cùng của Lũng Tây, song tại hành lang Hà Tây[2] cuối phía Đông, đi thẳng về hướng Tây một đoạn là tới chiến trường mà xưa nhà Hán đã mấy lần thảo phạt Hung Nô.

*

Trừ mấy lần ngẫu nhiên nghỉ ngơi ít ỏi giữa đường ra thì hầu như tất cả đều rong ruổi một ngày một đêm.

Vừa tới được hành quán Vĩnh Xương, Chu Kỳ đã tự lê thân về phòng, ngã xuống là ngủ li bì một mạch tới tận bữa tối mới bị gọi tỉnh.

Trương Khuê lớn giọng oang oang ngoài cửa phòng: “Chu lục sự, Vương gia truyền ngươi tới dùng bữa.”

Chu Kỳ cuốn chăn trùm đầu, thều thào vọng ra: “Làm phiền Trương giáo úy chuyển lời tới Vương gia, Chu Kỳ có công văn cần chỉnh lý, không thể đi.”

Tiếng bước chân Trương Khuê xa dần, Chu Kỳ nhỏm dậy ngồi trên giường, thỏa mãn hừ hừ mấy tiếng.

Tâm trạng thoải mái ấy chẳng kéo dài được bao lâu, chỉ lát sau Trương Khuê đã quay trở lại.

“Chu lục sự, Vương gia bảo, hôm nay không xong thì để mai làm, nếu ngươi không muốn làm thì để Trần Nhân làm hộ. Nói chung là, cơm vẫn phải ăn.”

Bị quấy nhiễu lảm nhảm nửa ngày làm Chu Kỳ nghe thôi đã thấy váng vất cả đầu óc, lại nhớ tới vị lục sự tên Trần Nhân cũng có cái bản mặt làm người ta khó chịu kia…

Cáu kỉnh tròng quần áo vào người, trong gương đồng, một người mang sắc mặt trắng bệch, cặp mắt hoa đào lúc này đã hõm sâu sắc đen xám, trông thật thê thảm. Chu Kỳ đẩy cửa, nhạt nhẽo nói với Trương Khuê: “Dẫn đường.”

Còn chưa tới chính đường đã nghe thấy tiếng người ồn ào huyên náo không gì sánh được vọng ra từ bên trong.

Tĩnh tây vương giá lâm, từ quan to quan nhỏ lân cận Vĩnh Xương cho đến quân sĩ tướng lĩnh đóng thủ đều đến góp mặt, một người không thiếu.

“Phượng Nghi,” – Chu Kỳ vừa định bụng kiếm một góc khuất nào đó ngồi thì chợt nghe tiếng Hiên Viên Phù gọi giật lại, “Mau, Bản Vương giới thiệu cho ngươi mấy vị.”

“Đây là Tả tướng quân Vũ Uy, Hồng Khôn tướng quân.”

“Đây là huyện thừa huyện Phiên Hòa[3], Hoàng đại nhân.”

“Đây là…”

Chu Kỳ đầu đau như búa bổ, mệt nhọc rệu rã, lại phải cố gắng chống đỡ ứng chén với rượu mời từ mọi người. Ròng rã một ngày trời chưa được hột cơm nào vào bụng, dạ dày đã ẩn ẩn nhức nhối, bữa tối ngay trên mặt bàn không xa đó, chỉ cần vươn tay là có thể lấy, song lại vì e ngại cấp bậc lễ nghĩa mà chẳng thế thoải mái ăn uống, quả là tra tấn khôn cùng.

“Chu Kỳ, Bản Vương có việc muốn nói với ngươi, lại đây.” – lúc này tiếng Hiên Viên Phù như cứu tinh kéo Chu Kỳ ra khỏi đám người hư tình giả ý kia.

Hiên Viên phù xé miếng bánh nướng trên tay, chia một nửa cho Chu Kỳ, bản thân gã cũng cắn một miếng.

Chu Kỳ từ tốn ăn từng miếng từng miếng nhỏ, sớm đã chẳng phân rõ mùi vị miếng bánh ra thế nào.

“Xuất môn tại ngoại, đừng kén cá chọn canh.” – Hiên Viên Phù chấm miếng bánh vào đĩa tương ớt, “Ít nhất cũng phải ở đây nửa năm, sau này ngày nào ngươi cũng phải đối mặt với chuỗi ngày thế này.”

Chu Kỳ trợn tròn hai mắt nhìn gã, vẻ mặt thoáng sững sờ xen lẫn hoảng hốt: “Vương gia không về Lương Châu nữa ư?”

Hiên Viên Phù liếc mắt nhìn y: “Chuyến này đi là để tuần tra biên phòng, ngươi không biết sao?”

Chu Kỳ gật đầu: “Hạ quan biết, nhưng tuần tra cũng không cần những nửa năm chứ?”

Hiên Viên Phù cười nhạt: “Quả nhiên là ăn chơi lu bù không quan tâm quốc sự.” – đoạn gã gắp một miếng thịt dê, nốc một ngụm rượu, “Gần đây Đột Quyết có dấu hiệu rục rịch, chúng triển khai mười vạn quân tại Cam Châu, được Tả hiền vương thân chinh dẫn đầu đóng quân tại Kỳ Liên thành.”

Sắc mặt Chu Kỳ ngưng trọng, cau mày dò hỏi: “Vương gia đã từng bẩm báo lên triều đình chưa?”

“Tất nhiên là có, làm sao?” – Hiên Viên Phù nhìn y.

Chu Kỳ khẽ lẩm bẩm: “Trước khi ta đến đây, hơn một năm nay triều đình chưa từng nhận được công báo từ Lũng Tây, triều đình và dân chúng đều cho rằng Lũng Tây thái bình thịnh trị.”

___________

1. Vĩnh Xương: là một huyện của địa cấp thị Kim Xương, tỉnh Cam Túc.

2. Hành lang Hà Tây: hay Hành lang Cam Túc, thuộc rìa là một phần của con đường tơ lụa, nằm ở trung tâm và phần phía tây của tỉnh Cam Túc.

2. Huyện Phiên Hòa: tên cổ của huyện Vĩnh Xương.