Vị Gió Hè

Chương 4: Điều phiền muộn



Mắt nàng hơi cụp xuống, vài sợi tóc bị gió sớm cuốn lên phất phơ trước trán, được nắng mai chiếu vào mà lấp lánh ánh kim.

Nàng dời mắt nhìn cậu, vừa lúc bắt gặp ánh mắt khẩn trương mà mong mỏi của cậu, ngập tràn nỗi áy náy, khuôn mặt cậu thiếu niên sạch sẽ lại tươi tắn, như không khí trong núi buổi ban mai.

Chu Lạc thất thểu trở về nhà, ruột gan đều như đã cháy thành than.

Câu nói “không giống” kia xoắn xuýt trong lòng giống như một lưỡi dao đâm xoáy vào tim. Trong chớp mắt khi nghe thấy lời ấy, bao nhiêu kích động ào ào nổi lên, sau đều hóa hết thành tuyệt vọng và hối hận. Đúng vậy, cậu và những người mà cậu cho là không đáng kết bạn đều chẳng có gì khác nhau. Cậu cũng xấu xí chẳng kém gì họ.

Cậu vốn không phải loại người đó, nhưng giờ thì cậu đã trở thành như vậy, khiến nàng chẳng nguyện liếc nhìn cậu thêm lần nào nữa.

Con người nàng tốt đẹp biết bao, chỉ cần cho nàng chút xíu ơn huệ thôi, nàng cũng sẽ hết lòng tạc dạ. Nhưng cậu không xứng.

Cậu vẫn thường vì nghe những lời đồn thổi ác ý về nàng mà dao động, hoài nghi nhân cách của nàng, cậu đâu có tư cách nói chuyện ơn nghĩa với nàng, đâu có tư cách bắt nàng phải hòa nhã với mình?

Tai nghe chưa chắc đã là đúng, mắt thấy không hẳn đã là thật. Tại sao phải đến buổi tối hôm nay mới lĩnh ngộ được?

Cảm giác bại trận của tuổi trẻ giống như một cái mụn độc, nặn sao cũng không hết, chỉ có thể ôm lấy nó mà sống chết chịu đựng, trông chờ có thể được như sách nói, rằng thời gian sẽ chữa lành tất cả. Nhưng lần này, con mẹ nó tại sao thời gian lại chậm chạp như vậy!

Chu Lạc ngồi trên sân bóng rổ, ngước mắt lên nhìn bầu trời thu cao vời vợi. Đúng như lời Trần Quân nói, vừa qua trung tuần tháng Mười, tiết trời đột ngột chuyển lạnh, nhưng lạnh thì kệ lạnh, Chu Lạc đi đánh bóng vẫn mặc nguyên bộ trang phục bóng rổ mùa hè.

Trường học nằm trên sườn núi, tầm nhìn bao quát toàn bộ trấn, có thể nhìn được dòng Thanh Thủy mảnh mai, và cả cửa tiệm của Nam Nhã bên bờ sông. Cũng không biết nàng mấy ngày qua sống ra sao.

Sau ngày đó, Chu Lạc nghe nói, vì lần này Nam Nhã rất kiên quyết nên Từ Nghị bị bắt giam, trở thành trường hợp đầu tiên của trấn, gây ra một trận sóng to gió lớn. Nam Nhã lại một lần nữa yêu cầu ly hôn, Từ Nghị vẫn không chịu, nói rằng tình cảm vợ chồng còn tốt đẹp, dù thỉnh thoảng có đánh nhau nhưng không sứt mẻ gì, khiến nhân viên cục dân chính cũng phải đau đầu, Nam Nhã đệ đơn ra tòa, có người nói còn đang trong quá trình điều tra.

Chi tiết hơn thì Chu Lạc không biết.

Chu Lạc nhìn bầu trời mà thở dài.

Trần Quân lại gần, vỗ vai câu: “Dạo này sao thế, tơ tưởng cô nào à?”

“Tao vừa làm ra một chuyện rất mất mặt.” Chu Lạc buồn rầu nói.

“Đấy không phải sở trường của mày hả?”

Chu Lạc liếc cậu bạn một cái, nở một nụ cười hùa cực kỳ miễn cưỡng.

Trần Quân thấy cậu là phiền não thật, vội hỏi: “Sao thế? Nói ra thử xem tao giúp được gì không.”

Chu Lạc cũng không thể nói thật, đành não nề đáp: “Cũng không có gì, mộng xuân thôi.”

Trần Quân vừa nghe đến, hí hửng hỏi tiếp: “Gì cơ, mày mà cũng nằm mơ à, có phải mơ thấy người quen không?”

Chu Lạc trong lòng bề bộn, phản ứng cũng trì trệ: “Có ai lại mơ thấy người không quen không?”

“Hở, nhưng không phải mày nói là mộng xuân sao?”

Chu Lạc khựng lại nửa giây, liếc cậu ta một cái.

“Mày mơ thấy ai?”

“Nam Nhã đó.”

Chu Lạc chậm rãi liếm lợi một cái, nửa khắc sau, cười khan một tiếng. Chuông tan học vang lên, cậu đứng dậy xuống khỏi bậc thang, đi về phía phòng học.

Cậu bức bối muốn chết tới nơi rồi, chỉ hận không thể xông vào giấc mộng của Trần Quân chém giết một trận, bắt Nam Nhã về.

Cứ như đang đâm đầu vào ngõ cụt vậy.

Chu Lạc trở lại phòng học, một đám nữ sinh đang chen chúc trước tấm bảng đen phía cuối lớp làm bảng tin, chào đón Ma Cao trở về.

“Chu Lạc!” Trương Thanh Lý gọi cậu, nhóm con gái bên cạnh trao đổi ánh mắt với nhau.

“Gì vậy?”

Trương Thanh Lý nhét cho cậu một tờ giấy: “Chữ cậu đẹp, giúp bọn tớ chép lời bài ‘Người con thứ bảy’ (*) lên bảng đi.”

(*) Bài hát này được sáng tác nhân sự kiện Ma Cao được Bồ Đào Nha chính thức trao trả lại Trung Quốc vào năm 1999. 

Chu Lạc không có tâm trạng: “Tự viết đi.”

Trương Thanh Lý nhìn đám bạn học nữ, cảm thấy mất mặt, nhẹ giọng nói: “Giúp xíu đi mà, tớ còn phải viết đoạn khác nữa.”

Tay vẫn chìa giấy cho cậu.

Chu Lạc nhìn cô một cái, nhận lấy tờ giấy: “Viết đâu?”

“Đây!” Trương Thanh Lý chỉ vào góc trên bên trái tấm bảng. Chu Lạc cầm phấn chép lời nhạc, Trương Thanh Lý thì chép lịch sử Ma Cao dưới góc trái bảng. Chép theo hàng ngang, tốc độ viết của hai người không khớp nhau, khó tránh khỏi đụng phải nhau.

Chu Lạc thờ ơ nói: “Cậu viết cho xong đi rồi tôi viết sau.”

Trương Thanh Lý lúng túng, nói: “Cậu cứ viết đi! Tớ chuyển sang kẻ ô vuông bên cạnh là được.” Nói rồi cầm thước vẽ. Hai người đứng song song, chẳng dính dáng gì tới nhau nữa.

Những nữ sinh khác thỉnh thoảng lại cố ý va vào Trương Thanh Lý, khiến cô bạn liên tục đụng phải người Chu Lạc, Trương Thanh Lý quay ra xin lỗi Chu Lạc, rồi lại đỏ mặt quay sang đuổi đám bạn kia đi.

Chu Lạc im lặng không lên tiếng.

Đám nữ sinh kia cũng chẳng chịu xem sắc mặt người khác, không biết đường thôi, lại một lần nữa đẩy Trương Thanh Lý vào người Chu Lạc.

Chu Lạc mở miệng, không kiên nhẫn: “Còn nữa thì nghỉ luôn đấy!”

Trương Thanh Lý đỏ mặt, thét chói tai: “Khương Băng Băng, các cậu thôi đi!”

Lần này là nổi nóng thật sự.

“Đâu có làm gì đâu, bọn tớ đâu có cố ý đụng phải chứ.”

Cuối cùng cũng chịu yên, nhưng chưa được một phút, lại có người va vào Trương Thanh Lý một cái, cô lại lần nữa nhào vào người Chu Lạc.

“Bịch” một tiếng, Chu Lạc ném viên phấn đập lên mặt bảng, tạo thành một chấm trắng, viên phấn bắn ra xa.

Trương Thanh Lý bị dọa đến giật mình, những nữ sinh khác cũng nín thít.

Chu Lạc sầm mặt ra khỏi lớp.

Đám nữ sinh có lòng muốn giúp Trương Thanh Lý, chỉ có kẻ đần mới không nhìn ra. Thích một ai đó là như vậy, thân thể chỉ chạm một cái, trong lòng lập tức nở hoa. Lại không biết rằng nếu người kia không có ý sẽ thành phiền hà. Chu Lạc chẳng có tâm tư gì với Trương Thanh Lý. Mà phóng mắt ra cả trường học này, cũng không có nữ sinh nào lọt vào mắt cậu.

Đều không bằng Nam Nhã.

Chu Lạc nhớ đến Nam Nhã, trong lòng lại buồn bực chán nản.

Cậu nhớ đến sự dịu dàng của nàng, sự lạnh nhạt của nàng, sự nhu mì của nàng, sự sắc sảo của nàng; lại nhớ đến những bản rock nàng nghe, tập thơ ố vàng nàng thích, bộ xường xám nàng mặc; thậm chí nhớ cả cái lý không chừa ai của nàng; cảm thấy một cô gái như nàng mới thật sự đáng để tâm. Nhưng cậu lại cứ mãi không chạm tới gót chân nàng.

Rốt cuộc, Chu Lạc tới thư viện, tìm tập thơ cậu giấu trong góc phòng, mượn về.

Tay vừa lật liền gặp trúng bài thơ của cây bút người Tây Ban Nha Ángel González Muñiz, tựa đề “Ấy là yêu”:

Tôi nói với nàng:

– Đôi mắt em khiến lòng ta say mê

Nàng hỏi lại:

– Chỉ đôi mắt hay nhờ đường chuốt mi?

– Đôi mắt,

Tôi không do dự đáp.

Nàng cũng chẳng hề do dự,

Đem đôi mắt đặt vào tay tôi, rồi dò dẫm rời đi.  

Chỉ mấy dòng ngắn ngủi, vậy mà lại khiến sống lưng Chu Lạc lạnh toát.

Yêu là gì? Đó là câu hỏi mông lung mà các cô cậu mười sáu, mười bảy tuổi vẫn thường nghĩ đến. Là cái liếc mắt khi đưa bài, hay là sự nỗ lực rướn lên rổ bóng; là một nụ cười bẽn lẽn, hay là cái nắm tay len lén; là duyên nợ giữa Elizabeth và Darcy (*), hay là mối tình của Romeo và Juliet; là ngày qua ngày âm ỉ mà bền bỉ, hay là bừng bừng dữ dội thiêu rụi một đời.

(*) Tức Elizabeth Bennet và Fitzwilliam Darcy, cặp nhân vật chính trong tác phẩm “Kiêu hãnh và định kiến” của nhà văn Anh Jane Austen. 

Bài thơ này lại đưa ra một đáp án chân phương như vậy.

Là đem bộ phận người thích nhất trên cơ thể ta trao cho người, còn lại vẫn là của ta.

Xem lại bài thơ ngày đó đọc được, là của nữ thi sĩ người Ý Patricia Valdoga, phô bày sự trần trụi nguyên thủy.

Tất cả các bài thơ trong tập thơ này đều như vậy, cởi mở, kích động, xé toạc lớp mặt nạ để phơi bày ra bản chất của con người — về tình yêu, về cái chết, về bóng tối, về sự xấu xa, về cõi hư vô, về mọi mặt của nhân tính.

Chu Lạc được mở rộng tầm mắt, tràn trề vui sướng mà đọc một lèo hết cả tập thơ, có cảm giác như chỉ một đêm mà đã kinh qua hết thảy dày đặc mù sương của tuổi trưởng thành, trở nên thông tỏ sáng suốt.

Cậu nhanh chóng nhận ra việc mình chỉ vì liếc thấy tập thơ này mà gán cho Nam Nhã cái danh “không đứng đắn” thật nực cười biết bao, ngày hôm nay nhìn lại, mới biết bản thân đã ngu muội nhường nào.

Nhưng cậu lại càng thêm phấn khởi, dường như đọc tập thơ mà Nam Nhã cất giữ cũng là vượt qua thời không mà gặp gỡ tư tưởng của nàng, nhờ đó mà có thể đến gần nàng hơn đôi chút.

Thật hàm súc.

Chu Lạc nghĩ, Nam Nhã không thuộc về cái trấn nhỏ bé này, có lẽ, nàng còn chẳng thuộc về thời đại này. Linh hồn của nàng hẳn là phải thuộc về thế giới của một trăm năm sau.

Chu Lạc nằm trên giường, vừa kích động vừa hân hoan, mãi đến tận khi đêm đã khuya, đến chó mèo bên ngoài cũng đi ngủ hết rồi, cậu mới chìm vào cõi mộng.

Sáng sớm ngày hôm sau, trước khi đến trường, Chu Lạc lượn qua nhà trẻ của Uyển Loan, mang theo tâm trạng vui vẻ mà dựa vào cánh cổng sắm vai thần giữ cửa. Khi Nam Nhã đưa Uyển Loan đến thì trông thấy cậu, nhưng làm ngơ coi như không thấy.

Chu Lạc cũng không chịu thua, khom lưng tới trước mặt Uyển Loan, chìa hai bàn tay trống không ra cho cô bé xem, vỗ tay bốp một cái, trong tay lại biến ra hai que kẹo. Uyển Loan “oa” một tiếng há to miệng, mắt long lanh nhìn cậu.

Tim gan Chu Lạc nhũn ra như bún, nếu Nam Nhã cũng dễ dụ vậy thì thật tốt.

Chu Lạc: “Tặng con đấy.”

Mắt Uyển Loan sáng rỡ, ngẩng đầu tha thiết nhìn Nam Nhã.

Nam Nhã khẽ mỉm cười với cô bé, Uyển Loan nhận lấy kẹo que, lanh lảnh nói: “Cảm ơn anh Chu Lạc.”

“Tạm biệt mẹ.”

Nam Nhã nhìn theo Uyển Loan vào trường.

Chu Lạc đứng dậy, lại biến ra một que kẹo, cười toe một cái: “Còn một que cho chị này.”

Không đánh người đang cười, chiêu này là cậu ngộ ra tối qua.

Nam Nhã vẫn trơ trơ: “Mặt dày.”

Nói xong, quay người đi.

Chu Lạc bị nàng mắng mà cả người lâng lâng, bám sát phía sau, rất mặt dày mà luyên thuyên: “Gần đây, hết lần này tới lần khác bừng tỉnh đại ngộ, em đã hoàn toàn nhận thức được sự phiến diện, ngu muội và lệch lạc của mình. Em mượn tập thơ chị cất trong thư viện về đọc, thế mà tinh thần như được gột rửa vậy đó, chị nhìn em xem này, có thấy bừng bừng hào quang tươi mới không? … Không nhìn cũng không sao, em nói cho chị nghe, tập thơ kia ấy, viết hay lắm, nhưng mà em đọc không hiểu. Hay là, chị giải thích cho em chút đi, chúng ta hẹn một buổi cùng đàm đạo nhé.”

Nam Nhã dừng lại, nhăn mặt: “Chu Lạc…”

“Dạ!” Chu Lạc lập tức gọi dạ bảo vâng.

“Rốt cuộc cậu muốn làm gì?”

“Học hỏi đó!” Chu Lạc vô cùng nghiêm túc, “Nghe nói chị rất thích văn học, chị lại là đàn chị cùng trường cấp ba với em nữa, chúng ta không thể cùng luận bàn đàm đạo chút à? Trao đổi nhiều mới có thể cùng nhau tiến bộ đó đàn chị Nam Nhã!”

Đàn chị…

Cậu vô lại bao nhiêu, nàng lãnh đạm bấy nhiêu.

Nam Nhã phớt lờ, đi thẳng về phía trước. Chu Lạc lại dính như keo, theo nàng quẹo qua từng con hẻm nhỏ trên sườn núi.

Trong con ngõ xanh mướt, trên người nàng tựa như đang nở hoa, mà cậu thì là một con ong mật.

“À, đàn chị, chị thích thơ của ai? Em thích Whitman đó, chị thì sao?”

Bơ.

“Em thích nhất bài ‘Ôi Thuyền trưởng! Thuyền trưởng của tôi ơi!’ đấy.”

Bơ.

“Em biết bài này qua ‘Câu lạc bộ thi ca’ (*), đàn chị, chị xem phim đó bao giờ chưa? Hay cực luôn!”

(*) Phim “Dead poets society” (1989) của đạo diễn Peter Weir, giành giải Oscar cho hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc nhất năm 1990. 

Bơ.

“Bài này câu tiếp theo là gì ấy nhỉ? Ôi Thuyền trưởng! Thuyền trưởng của tôi ơi!” cậu chém gió vù vù, “Căng buồm lên, đưa tôi ra biển đón gió lướt sóng khơi…”

Nam Nhã không nhịn được nữa: “Ôi Thuyền trưởng! Thuyền trưởng của tôi ơi! Cuộc viễn du rùng rợn đã xong rồi. Con tàu đã vượt qua bao trở ngại. Cái đích ta tìm giờ đã đến nơi.” (*)

(*) Bài “O captain! My captain!” được Walt Whitman sáng tác để tưởng nhớ cựu tổng thống Mĩ A. Lincoln. Bản dịch thơ của Đào Xuân Quý (nguồn: thivien.net).

“Ồ, ra là vậy, chị thuộc hết rồi à? Đoạn sau thì sao, câu sau là gì thế?”

Lại cho cậu ăn bơ. Chắc là nhìn ra mánh của cậu rồi.

“Chị cũng không nhớ đoạn sau à?”

Khích tướng cũng không ăn thua.

“Vậy để em về đọc lại rồi chúng ta cùng thảo luận nhé. Tập thơ đó chị mua ở đâu thế, mấy bài trong đó hay ghê. Em cũng muốn mua một cuốn.”

Bơ.

“Bài nào em cũng thích hết, chị thích bài nào vậy?”

Vẫn bơ.

“Em thấy bài ‘Điều phiền muộn’ của nhà thơ Đức Gottfried Benn rất ý nghĩa.” Cậu thiếu niên thao thao bất tuyệt, bắt đầu đọc thơ.

Ví như đọc chẳng hiểu tiếng Anh

Lại nghe cuốn truyện kia hay lắm

Nhưng không ai dịch ra tiếng mình.

Ví như trời nóng thèm bia vại

Tay không rỗng ví chẳng cắc nào.

Cậu thiếu niên và nàng thiếu phụ cách nhau một đoạn, một lạnh lùng một nhiệt huyết, lại cùng nhau sóng vai trên con đường lát đá buổi sớm mai. Nàng mặc trên người chiếc xường xám hồng thắm, cậu khoác trên mình màu xanh áo học trò, nàng không nói một lời, cậu khe khẽ đọc thơ.

Đọc đến nửa chừng, chợt ấp úng:

“Phiền muộn ghê gớm khôn cùng… Là…”

Là gì nhỉ?

Cậu hình như quên rồi.

Cậu vò đầu bứt tai, cau mày cố nhớ lại: “Là…”

“Phiền muộn ghê gớm khôn cùng là” nàng nhàn nhạt tiếp lời, đọc:

Được nhà người ta mời làm khách,

Lại thấy nhà mình còn sướng hơn,

Cà phê nhà mình lại càng nhất,

Hết hứng chẳng nói chuyện nhân gian.

Điều phiền muộn nhất ư? Không có…

Còn chưa đọc hết, Chu Lạc đột ngột cắt ngang: “Điều phiền muộn khổ não nhất là: Muốn cứu vãn một mối tâm đầu, lại thành ra hỏng bét hết thảy, nhận lỗi mà không được khoan thứ, chẳng cách nào nghịch chuyển thời gian.”

Hỏng thật, hay thành công đây.

Nam Nhã làm thinh.

Chu Lạc len lén ngó nàng.

Mắt nàng hơi cụp xuống, vài sợi tóc bị gió sớm cuốn lên phất phơ trước trán, được nắng mai chiếu vào mà lấp lánh ánh kim.

Nàng dời mắt nhìn cậu, vừa lúc bắt gặp ánh mắt khẩn trương mà mong mỏi của cậu, ngập tràn nỗi áy náy, khuôn mặt cậu thiếu niên sạch sẽ lại tươi tắn, như không khí trong núi buổi ban mai.

Nam Nhã lại tiếp tục bước đi.

Lòng thầm thở dài, dù sao cũng chỉ là một cậu nhóc.

Đến trước ngã ba, nàng nhẹ nhàng nói: “Đừng đi theo nữa, sắp muộn học rồi kìa.”

Nghe giọng là biết nàng chấp nhận ký hòa ước rồi. Phiền muộn trong lòng Chu Lạc vèo cái bay biến sạch, hỏi: “Đàn chị, có vài bài thơ em thật sự không hiểu, lần tới tìm chị thỉnh giáo được không?”

Nam Nhã im lặng nửa khắc rồi mới “ừ” một tiếng khẽ đến mức suýt nghe không ra.

Chu Lạc nhảy cẫng lên như khỉ, ngoác miệng cười toe toét: “Em đi học đây!”

Nói xong còn chưa đi, hai mắt sáng rỡ long lanh nhìn chằm chằm Nam Nhã, mặt mũi tươi tỉnh chờ được phê chuẩn.

Nam Nhã hết cách, bất đắc dĩ nói: “Cho ngươi lui.”

“Gặp lại sau nha đàn chị!”

Cậu thiếu niên chạy vội vào con ngõ nhỏ, vừa chạy vừa chốc chốc quay đầu lại, hét với về phía nàng.

Điều phiền muộn buồn bực nhất là:

Lại không được chết khi vào hạ,

Khi đất trời sáng bừng sắc nắng,

Cầm xẻng đào đất cũng khoan thai.

“Gottfried Benn, cảm ơn ngài!”



Kể thêm một chút về nội dung của bộ phim “Dead poets society” để mọi người có thể hiểu rõ hơn. Phim kể về một giáo viên Anh văn đã truyền cảm hứng cho các học sinh của mình thông qua việc giảng dạy thơ ca theo một phương thức không chính thống, khuyến khích họ nhìn nhận cuộc sống thông qua những bài thơ và từ đó tạo nên phong cách riêng cho chính mình. Một nhóm học sinh của ông, thích thú với phương thức này, đã lén tái thành lập câu lạc bộ “Dead poets society”, một câu lạc bộ mà người thầy từng là thành viên trong đó khi vẫn còn là học sinh của trường nhưng bị ban giám hiệu cấm đoán và ép buộc phải dừng hoạt động. Câu lạc bộ đã giúp đỡ các thành viên hiểu rõ bản thân, có cá tính và có lập trường hơn. Biến cố xảy ra khi một thành viên đã lỡ để lộ thông tin về câu lạc bộ và bị hiệu trưởng ép hỏi danh tính của những thành viên còn lại bằng đòn roi. Sự cố này cũng khiến bố của một thành viên khác, người đã nhận ra niềm đam mê diễn xuất của mình thông qua sinh hoạt kịch ở câu lạc bộ bất chấp sự độc đoán muốn cậu thi vào Ivy League của bố mình, phát hiện ra đứa con trai mình đang ngầm đối nghịch với mình. Không đủ dũng khí để phản kháng lại bố mình, thành viên đó đã tự tử. Sợ hãi phải gánh trách nhiệm về cái chết của người bạn đồng hội, một thành viên khác trong câu lạc bộ đã đổ tội cho người thầy. Chuyện kinh động đến ban giám hiệu và người thầy bị sa thải, câu lạc bộ buộc phải giải tán. Khi người thầy đến lớp học để thu dọn đồ đạc ra đi, một học sinh, cũng là thành viên của câu lạc bộ, đã đứng lên bàn và đọc bài thơ “O captain! My captain!” để tiễn người thầy đáng kính của mình. Người thầy rất cảm động trước tấm lòng của cậu học sinh. Ông chào cả lớp rồi ra đi.