UAAG - Đội Điều Tra Tai Nạn Hàng Không

Chương 40: Thứ chiếu sáng cả thế gian này là ánh mặt trời, là niềm ấm áp, là sự thấu hiểu và dịu dàng chói chang hơn cả...



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Tác giả: Mạc Thần Hoan

Chuyển ngữ: Dú

**

Chương 40: Thứ chiếu sáng cả thế gian này là ánh mặt trời, là niềm ấm áp, là sự thấu hiểu và dịu dàng chói chang hơn cả ánh dương.




Không chỉ mỗi Rogge 318 là vụ tai nạn máy bay duy nhất không có kết quả.

Năm 2014, chiếc MH370 đã mất tích một cách bí ẩn trên Ấn Độ Dương. Mãi đến tận bốn năm sau, người ta vẫn không vớt được đủ xác máy bay, phía chính phủ tuyên bố ngừng vớt, dừng cuộc điều tra giữa chừng. Thế nhưng dù không hề vớt được xác máy bay nào giúp ích thì đội điều tra cũng đã tiến hành cuộc điều tra dài đến bốn năm ròng rã, đồng thời đăng hai bài báo cáo điều tra lên.

Bản đầu tiên là báo cáo điều tra giai đoạn giữa được tuyên bố vào năm 2015, dài 584 trang.

Bản thứ hai là báo cáo điều tra cuối cùng được tuyên bố vào năm 2018, dài 822 trang.

Sau khi Rogge 318 tuyên bố dừng cuộc điều tra lại, không phải Phục Thành chưa từng nghĩ tới chuyện vì sao đội điều tra không hề đăng một bản báo cáo điều tra nào trong suốt ba năm rưỡi. Và bây giờ thì anh đã biết rồi.

"Là vì anh vẫn luôn đè xuống, không công bố báo cáo điều tra?"

Âm bật hơi nóng rẫy khịt ra từ mũi Trác Hoàn: "Ừ."

Phục Thành lặng thinh một lúc lâu.

"Tại sao?"

Trác Hoàn nhướn mày: "Tại sao ư?"

Giọng Phục Thành thấp dần: "Đúng vậy, tại sao?"

"Em có biết kết quả mà họ muốn công bố là gì không?"

Phục Thành ngước mắt nhìn hắn.

"Rogge 318 giống như chiếc Malaysia Airlines kia, hoặc, nó giống vụ tai nạn Air France 447* hơn: Là loại máy bay tiên tiến nhất thời đó, chưa bao giờ xảy ra tai nạn hàng không; không có dấu hiệu gì mà đã đột ngột biến mất trên đại dương; máy bay rất mới, chưa từng có bản ghi chép bảo trì đặc biệt nào." Dừng đoạn, Trác Hoàn cụp mắt nhìn Phục Thành, "Trước khi hộp đen của Air France được vớt lên, người ta đã suy đoán đủ loại nguyên nhân có thể xảy ra. Nhưng kết quả cuối cùng là gì?"

(*Vụ tai nạn Air France 447 được xem là vụ tai nạn thảm khốc nhất trong lịch sử hãng hàng không Air France. Đọc thêm chi tiết tại đây:)

Phục Thành: "Hai phi công cùng mắc lỗi, lỗi lái máy bay. Đó là nguyên nhân chủ yếu."

Vụ tai nạn máy bay Air France 447, cũng tức là "Bonin kéo cần lái" nổi như cồn trong ngành, cũng nổi ngang với "Richard Dive" mà trước đó hay nhắc tới. Nó bị truyền miệng những người có sở thích (về hàng không) nhưng nghiệp dư, xem như một trò cười.

Nguyên nhân là do ống pitot* xảy ra lỗi nhỏ. Theo lí thuyết, đây chỉ là một lỗi chẳng đáng kể, cũng từng xảy ra trên các máy bay khác, song vì cơ trưởng có kinh nghiệm dày dặn hết ca đi nghỉ nên người phụ trách lái máy bay là hai cơ phó trẻ. Cả hai nhất thời cuống lên, tưởng máy bay đột ngột mất tốc độ, cũng thao tác sai làm máy bay bắt đầu hạ độ cao xuống thật.

(*Ống pitot là một thiết bị đo áp suất dùng để tính vận tốc của dòng chất lưu. Nó được ứng dụng rộng rãi để xác định vận tốc không khí trên máy bay, vận tốc nước trên tàu thủy, và vận tốc dòng chất lỏng, dòng khí trên các thiết bị công nghiệp. Ống pitot được dùng để đo vận tốc dòng chảy cục bộ tại một điểm nhất định trong dòng chảy và không đo được vận tốc dòng chảy trung bình trong đường ống hoặc ống dẫn. Trong vụ máy bay Air France 447, cơ quan an toàn hàng không Pháp BEA cho biết ống pitot đóng băng là một yếu tố góp phần vào việc gây ra vụ tai nạn đó.)

Dưới tình huống đó, cơ phó Bonin bắt đầu kéo cần lái một cách điên cuồng.

Kéo cần lái tức là nâng đầu máy bay lên, tạo thành thế bay chúc ngóc(1).

Ngặt nỗi vào giờ phút này đây, đối với một máy bay đã mất tốc độ, điều nó cần không phải chúc đầu lên mà là lao xuống dưới. Chỉ khi làm máy bay đâm đầu xuống dưới thì mới dựa theo nguyên lí động lực học khiến nó có thể đạt được sức đẩy bay lên.

Hai người luống cuống, một người hô "Đẩy cần lái", một người gồng sức kéo cần lái.

(*Nếu ai chưa hiểu thì đẩy cần lái sẽ khiến máy bay lao xuống, còn kéo cần lái về sau sẽ giúp máy bay chúc đầu lên.)

Cơ trưởng với kinh nghiệm dày dặn nhanh chóng chạy đến buồng lái toan cứu cái máy bay này. Song ngay cả đến ông cũng không biết đã xảy ra chuyện gì. Tại sao một cái máy bay không gặp trục trặc nào mà đẩy cần lái vẫn không thể chúc đầu lên được. Mãi đến thời khắc cuối cùng, cơ phó Bonin mới gào lên: "Tôi vẫn luôn kéo cần lái, tại sao không bay lên được chứ!"

Đến lúc này, cơ trưởng và một phi công khác mới hiểu ra, mới biết cậu đồng nghiệp này đã làm chuyện ngu xuẩn gì trong lúc cuống quýt!

Nó giống như việc lái một cái xe hơi mà bạn muốn rẽ phải nhưng lại đánh vô-lăng về phía bên trái vậy.

Đó là lỗi sai mà đến cả các sinh viên trường hàng không sẽ chẳng phạm phải, nhưng một phi công của công ty hàng không chính tông lại mắc.

Thế nên sau khi vớt được hộp đen của cái máy bay này, chẳng ai tin nổi sự thật của vụ tai nạn này cả. Tất cả những suy đoán trước đó bị phủ định hoàn toàn, như dã tràng xe cát, nghe thật nực cười. Nguyên nhân đơn giản đến nỗi có hơi buồn cười.

"Đoán cũng chỉ là đoán thôi, không ai biết sự thật là gì cả." Trong gió lạnh, Trác Hoàn hơi nghiêng đầu, trán lõa xoã vài sợi tóc khá dài. Đôi mắt luôn bình tĩnh nhìn Phục Thành với vẻ thản nhiên, giọng trầm xuống: "Rogge 318, em biết NTSB muốn công bố bản điều tra báo cáo gì không?"

Phục Thành: "Là gì?"

Trác Hoàn: "Khả năng thứ nhất là cơ trưởng tự sát. Khả năng thứ hai là xăng máy bay cạn kiệt, rơi xuống biển..."

"Nếu là em, em nghĩ truyền thông và đại chúng thích cái nào hơn?"

Phục Thành ngẩn ra, chẳng đáp lại.

Bàn tay đút trong túi anh rút ra, Trác Hoàn dí điếu thuốc cháy hết lên vách tường xi măng, tiện tay ném vào thùng rác. Hắn toan xoay người đi thì đột nhiên có một giọng nói vồn vã truyền tới theo gió từ sau lưng: "Đó là nguyên nhân anh không công bố báo cáo điều tra ư, thầy Trác?"

Trác Hoàn dừng bước, quay đầu, nhìn Phục Thành với ánh mắt nhìn kẻ thiểu năng.

Tôi đã nói đến cái nước này rồi mà em còn hỏi nữa hả?

Bỗng dưng bắt đầu nghi ngờ IQ của cấp dưới nhà mình, Trác Hoàn cười khẩy, đang định xổ một câu trào phúng thì ngọn gió đêm đông thổi qua làm hắn rét run cả mình mẩy. Vì giữ phong độ, hắn vội cắn chặt hàm răng run cầm cập, lại sải bước đi.

Song, khi hắn định cất bước.

"Trác Hoàn." Phục Thành lớn tiếng gọi.

Người đàn ông nọ chậm rãi xoay người lại.

Chàng trai mặc chiếc áo lông vũ màu trắng, cách một bức tường là phố phường dọc bờ biển Boston tấp nập. Phục Thành đút túi, nhìn Trác Hoàn với vẻ lặng yên, đoạn mở lời với giọng nghiêm túc, trịnh trọng và bình tĩnh: "Vậy còn tiền riêng bỏ ra để vớt hộp đen của Rogge 318..."

"Là vì sao?"

Không khí bất chợt ngưng lại.

Làn gió ùa tới từ mặt biển bỗng ngừng thổi, âm thanh sóng vỗ bờ cát cách đó không xa cũng lắng lại đầy bí ẩn như bị cách một màn nước.

Mãi lâu sau đó.

Trác Hoàn: "Cái đệt, Lina kể cả vụ này luôn rồi?"

***

Văn phòng UAAG, trụ sở điều tra chính.

Lina đương tập trung viết bản thảo họp báo đưa tin thì bàn bị người ta đập mạnh. Cô ngẩng đầu mỉm cười: "Reid hả? Hừm, trông sắc mặt anh không tốt lắm. Sao, vẫn còn bực à?"

Trác Hoàn hừ lạnh: "Em kể vụ anh vớt hộp đen cho họ rồi à?"

Lina sửng sốt: "Không." Cô nghĩ đoạn, lại nhìn Phục Thành đang đi xuống thang từ sân thượng ngay sau Trác Hoàn. Cô nhất thời hiểu ra mọi chuyện, bèn cười tủm tỉm: "Em là một người tôn trọng chuyện riêng tư của bạn bè. Anh làm em buồn lắm đấy nhé Reid, thế mà anh chả tin vào phẩm chất của em gì cả. Rõ ràng là em không tuồn vụ này ra. Nhưng đó cũng có phải bí mật gì đâu hả Reid? Anh gióng trống khua chiêng tiêu hàng đống tiền như vậy để vớt hộp đen lên, anh nghĩ sẽ có bao nhiêu người trong ngành không biết đến?"

Trác Hoàn: "..."

Lina nói một cách chân thành: "Cũng có phải chuyện gì xấu đâu nào, dù rằng vì nó mà anh đã phải nghèo túng và thất vọng. Cơ mà nó cũng chứng tỏ một vấn đề rằng Reid à, đồng nghiệp của chúng ta rất quan tâm đến anh. Chẳng lẽ anh không vui?"

Trác Hoàn: "..."

Đợi Trác Hoàn cười lạnh đi khuất bóng, Phục Thành mới bước tới trước bàn Lina: "Sao thầy Trác lại phát cáu vì chuyện này vậy?"

Phục Thành khá là khó hiểu. Sau khi anh vạch trần chuyện này, rõ là Trác Hoàn đã cực kì cáu kỉnh, còn cáu hơn việc cãi cọ với Lovince.

Lina nhún vai: "Tôi cũng không hiểu, chắc là lòng tự trọng lạ lùng của cánh đàn ông chăng? Hoặc là làm chuyện tốt không muốn người khác biết, sau khi bị bóc ra bèn thẹn quá hóa giận? Phục à, tôi nghĩ cùng là đàn ông, anh không nên hỏi tôi câu này mới phải. Làm sao tôi hiểu được đàn ông các anh, đằng nào các anh vẫn luôn vô lí thế rồi."

Phục Thành: "... Lina, tuy tôi không kì thị nhưng tôi cứ cảm thấy hình như cô nói sai điều gì đó."

Lina cười mỉm: "Vậy anh nghĩ Reid là một người dễ nói lí không?"

Phục Thành nghĩ ngợi: "Tôi nghĩ cô nói đúng."

Sau khi Trác Hoàn về bèn đứng một mình uống cà phê trong phòng trà nước, cúi gằm mặt không biết nghĩ gì.

Mười phút sau, cuối cùng nhân viên của UAAG mới thấy hắn động đậy.

"Đi rồi đi rồi, báo cáo cấp trên, mục tiêu đã hành động." Tô Phi đã quan sát lâu, hưng phấn khôn kể.

Chú Joseph đang viết báo cáo điều tra, chỉ có mỗi Lina và Phục Thành là thừa sức phản ứng với Tô Phi.

Lina vờ ra vẻ như rất thích thú: "Anh nghĩ Reid sẽ đi làm gì?"

Phục Thành suy tư: "Tìm Lovince?"

Tô Phi: "Không phải chứ, RIP vừa mới cãi một trận với Lovince cơ mà... Ờm..." Còn chưa dứt lời thì thấy Trác Hoàn chẳng thèm gõ cửa đã vênh váo bước vào văn phòng của Lovince.

Trong văn phòng của Lovince.

Vừa thấy đại gia Trác, da đầu Lovince tê rần, đứng phắt dậy. "Patrick, tôi sai rồi, cậu muốn viết thế nào thì viết thế ấy, được chưa? Đằng nào không phải tôi viết báo cáo mà là Joseph. Cậu đừng giận, cậu biết ý tôi không phải thế mà. Tôi biết nguyên nhân của vụ tai nạn này không thể định tính được, tôi cũng không thật sự nghĩ rằng đó là lỗi của phi công."

Trác Hoàn liếc gã: "Đúng là có đến 80, 90% là lỗi phi công thật."

Lovince: "..."

"Chết tiệt! Rốt cuộc cậu muốn như nào? Người nói không được đẩy lỗi hết cho phi công là cậu, mà nói là lỗi phi công cũng là cậu!"

Trác Hoàn: "Lẽ nào NTSB không định tỏ thái độ?"

Lovince: "Gì cơ?"

Ngón tay hắn gõ nhịp lên bàn, mặt tỉnh rụi: "Tiếp tục tìm hộp đen."

Lovince: "..." Gã không nhịn nổi nữa: "Rốt cuộc cậu muốn nói gì! Không phải chúng ta đã cho rằng hộp đen trôi dạt theo dòng biển rồi sao, nó trôi dạt đấy! Cậu thật lòng nghĩ rằng cứ mò kim đáy biển là ra à? Vụ này còn khó hơn vớt Rogge 318! Ít ra Rogge 318 là một cái máy bay, còn đây là hộp đen, một cái hộp đen lớn bằng vỏ máy tính, cậu muốn tôi phải ra biển mò kim thật?"

Trác Hoàn ngước mắt, ánh mắt bình tĩnh.

Không hiểu sao khi nhìn vào mắt hắn, cảm xúc nóng nảy của Lovince dần ổn lại. Gã ngồi lại ghế: "Xin lỗi, tôi hơi xúc động quá. Cậu bạn của tôi à, cậu có lời đề nghị nào hay thì đừng ngại nói. Song, tôi phải nói trước cho cậu hay, bản báo cáo điều tra của US Airways 4012 nhất định phải công bố, cả thế giới đang mong ngóng câu trả lời này. Nó không phải Rogge 318, xác máy bay của nó đã được vớt lên rồi, vả lại đây cũng không phải máy bay của Mạch Phi." Gã im bặt, nhưng vẫn thốt ra câu này: "Cậu không còn là nhà thiết kế chính của Mạch Phi nữa, NTSB sẽ không nể mặt cậu đến mức cậu nói không công bố là không công bố."

Dường như hắn không nghe được câu cuối của Lovince, vẫn điềm nhiên đáp: "Tôi đâu có bảo là không thể công bố báo cáo điều tra."

"Vậy cậu có đề nghị gì?"

"NTSB không nên từ bỏ việc tìm kiếm hộp đen. Ít ra các anh phải tỏ thái độ. Đó chính là yêu cầu của tôi, và sẽ không sửa nữa."

Ngày hôm sau, buổi đêm.

Người xem tivi ở nước Mỹ rất nhiều. Vào những năm 20, 30 của thế kỉ trước, tivi đã đặt chân đến hàng nghìn hộ gia đình, hầu như người Mỹ nào cũng lớn lên bên tivi. Cho nên dù Internet đã phát triển như bây giờ, số khán giả xem chương trình tivi ở nước Mỹ vẫn khả quan như trước.

Đến giờ CNN và Fox News phát sóng, rất nhiều người vừa hưởng thụ bữa tối vừa xem thời sự.

Bỗng, một dẫn chương trình nam với vẻ ngoài lạnh lùng, nghiêm túc cầm một bản thảo mới, anh ta đọc lướt qua rồi ngẩng đầu bắt đầu đưa tin: "Xin thông báo một tin thời sự như sau. Theo tin tức từ NTSB, buổi họp báo về US Airways 4012 sẽ được tổ chức tại Boston vào tháng sau, nguyên nhân vụ tai nạn đã được điều tra ra, đang bước vào giai đoạn tổng hợp cuối cùng. Đồng thời, NTSB và US Airways cùng tuyên bố treo tiền thưởng, nếu ai hay chuyện biết tin gì về hộp đen của US Airways 4012 thì hãy liên hệ với NTSB, tiền thưởng cao nhất lên tới 500,000 đô-la Mỹ. Dưới đây là giới thiệu sơ qua về hộp đen..."

Cùng lúc đó, chương trình thời sự của Canada cũng đưa tin giống hệt.

Tại trụ sở điều tra, Boston.

Lina xem phát sóng thời sự của CNN bèn lấy làm ngạc nhiên: "Treo tiền thưởng, Reid à, sao bỗng dưng anh nảy ra ý này vậy?" Cô quay đầu nhìn Trác Hoàn ngồi bên.

Hai ngày nay, tâm trạng của đại gia Trác vẫn chẳng khá khẩm, không muốn đếm xỉa đến ai.

Phục Thành suy nghĩ một lát: "Thật ra vị trí US Airways 4012 rất đặc biệt. Nó rơi xuống vùng biển Đại Tây Dương gần vịnh Boston, mà khu vực này lại nằm rất gần ngư trường Newfoundland."

Vừa nghe câu này, Tô Phi đã có hứng ngay: "Cá tuyết?"

Lina: "Và cả tôm hùm Boston nữa."

Ngư trường Newfoundland là một trong bốn ngư trường lớn nhất thế giới, cá tuyết và tôm hùm dồi dào.

(*Newfoundland và Labrador là tỉnh cực Đông của Canada. Tỉnh này thuộc khu vực Đại Tây Dương của Canada, gồm đảo Newfoundland và phần lãnh thổ Labrador tại đại lục, tổng diện tích là 405.212 kilômét vuông. Năm 2013, dân số tỉnh ước tính là 526.702.)

Phục Thành: "Đúng. Nếu nó rơi ở ngay giữa Đại Tây Dương như Air France thì đúng là không thể tìm ra được. Hoặc nếu nó rơi ở vùng biển ít người đặt chân tới như Rogge 318 thì cũng rất khó để lùng sục. Nhưng xung quanh vùng biển nơi US Airways 4012 rơi xuống lại là một trong những ngư trường phát triển nhất thế giới. Mặc dù từ những năm 90 của thế kỉ trước, ngư trường Newfoundland đã dần sa sút, nhưng thuyền đánh cá vẫn không hề ít đi. Hộp đen trôi dạt theo dòng biển, ngư trường Newfoundland lại là một nơi dòng biển hội tụ, không chừng sẽ có thể tìm được."

Tô Phi: "Có khi tìm không ra. Đây là mò kim đáy biển đó."

Phục Thành: "Không thử làm sao biết không thể thành công. Ít ra NTSB và US Airways đi tìm thì tức là họ chưa trực tiếp từ bỏ mà quyết định kết luận ngay. Thầy Trác cừ thật."

Ai nấy đồng loạt nhìn người đàn ông nào đó.

Tô Phi: "Ê RIP, khen anh kìa, anh không ừ hử gì à?"

Trác Hoàn cúi đầu nhìn màn hình laptop, ngón tay gõ lạch cạch trên bàn phím, không ngẩng đầu lên: "Cậu có cần phải phản ứng với mấy lời thừa thãi không?"

Mọi người sửng sốt: Thừa thãi?

Ngay sau đó, họ kịp ngộ ra.

Phục Thành: Thầy Trác cừ thật.

Trác Hoàn: Nói thừa.

Mọi người: "..."

Đại gia Trác vẫn là đại gia Trác.

Tất cả công việc điều tra đến đây đã xong hoàn toàn.

Tuy NTSB và US Airways cùng nhau treo tiền thưởng, song ai cũng biết đó là số tiền thưởng vô vọng. Cho dù có thuyền đánh cá vớt ở gần đó thì xác suất người ta vớt được hộp đen của US Airways 4012 vẫn cực kì nhỏ. Đúng như lời Trác Hoàn đã nói: Ít ra các anh cũng phải tỏ thái độ.

Các anh không nên buông bỏ bất cứ một hi vọng nào, cũng không nên chấm dứt một cách qua loa.

Chẳng một thành viên nào của UAAG biết lời Trác Hoàn đã nói với Lovince. Thậm chí đến cả Trác Hoàn cũng không biết rằng hôm qua Lovince đã thức trắng đêm, ngồi trong văn phòng hút thuốc đầy cả gạt tàn, giương đôi mắt chăng đầy tơ máu gửi đơn xin dài đến 32 trang cho trụ sở chính NTSB, cuối cùng mới xúc tiến vụ này.

Ở trang cuối cùng trong đơn xin, gã đã viết như thế này.

Tai nạn máy bay là điều không thể tránh khỏi.

Ngày 17 tháng 9 năm 1908, do cánh quạt xuất hiện vết rạn ứng suất mà Trung úy Lục quân Mỹ Thomas Selfridge đã hi sinh, trở thành vụ tai nạn hàng không có người chết đầu tiên trong lịch sử.(2)

Ngày 30 tháng 6 năm 1956, United Airlines 718 và Trans World Airlines 2 va chạm trên không, vì lẽ đó FAA thành lập.(3)

...

Từ xưa đến nay, tai nạn máy bay là không thể tránh khỏi, song tỉ lệ tử vong trong các vụ tai nạn đã từ 12% vào năm 1960 giảm xuống còn 0.16% vào năm 2012. Hàng năm, số máy bay bay lượn trên bầu trời tăng lên theo cấp số nhân bao nhiêu thì tỉ lệ xảy ra tai nạn lại giảm đi theo cấp số nhân bấy nhiêu.

Kể từ năm 1903 khi anh em nhà Wright giương cánh bay lên bầu trời(4), đến nay đã là 117 năm trôi qua.

Kể từ khoảnh khắc con người muốn rời khỏi mặt đất, ôm lấy bầu trời xanh thì đã định trước là họ đang tranh đoạt vùng đất bí ẩn kia với Thượng Đế.

Phi công là người, nhân viên điều tra cũng là người.

Dưới tình huống không tìm thấy hộp đen, chúng tôi đều biết rằng xác suất không phải do con người gây ra chưa tới 1%. Nhưng cậu Reid Irvin Patrick đã nói: "Tai nạn, chỉ có xác suất là 1 và 0."

Nếu đúng là lỗi phi công, thì giá trị đó là 1.

Nếu không phải lỗi phi công, thì giá trị đó là 0.

Trên đời này không bao giờ có cái xác suất 1% kia.

Với tiền đề đó, việc chấm dứt cuộc điều tra này, việc chỉ kết thúc bằng một bản báo cáo điều tra có phải là ước nguyện thuở ban đầu khi FAA thành lập, là kết cục mà NTSB muốn thấy hay chăng? Tôi bày tỏ sự nghi ngờ và quan ngại sâu sắc đối với việc này.

Trước khi sự thật xuất hiện, hãy đừng võ đoán linh tinh, càng đừng tin chúng là thật, đừng mù quáng và tự đại.

Người chết không biết nói, họ không biết biện bạch cho mình.

Dù chỉ là một khả năng bé nhỏ, chúng ta cũng không được bỏ qua.

Đó là mong muốn ban đầu khi NTSB thành lập, cũng là cái kết thật sự mà chúng ta nghĩ đến mỗi lần điều tra tai nạn hàng không. Mỗi một vụ tai nạn đều đang thôi thúc chúng ta sải bước lên vùng trời nọ; mỗi một lần hi sinh đều là những hi sinh vĩ đại, mà không phải vô nghĩa.

Làm sao chúng ta có thể chôn vùi những hi sinh cao cả đó được?

Bên bờ cát vịnh Boston, ngày 24 tháng 12, người nhà của 298 người gặp nạn đã tổ chức buổi tưởng niệm. Trong cái gió rét lạnh, tôi đã chứng kiến con gái mất bố mẹ run tay đặt bó hoa trước ánh nến; tôi cũng đã chứng kiến cặp ông bố bà mẹ cao tuổi nhìn nụ cười trên ảnh của con gái mà ôm nhau bật khóc.

Họ đã hi sinh, và rồi chúng ta phải tìm ra sự thật vì họ.

Sau đơn xin công bố bản báo cáo điều tra này đây, NTSB hãy tiếp tục vớt hộp đen của US Airways 4012, hoặc hãy tiến hành treo tiền thưởng công khai.

Thứ bị mai táng dưới dòng biển tối tăm và lạnh băng là 298 linh hồn ngóng trông sự thật, chưa bao giờ ngủ yên.

Xin hãy yên nghỉ.

.

Suốt cả đêm, đèn trong văn phòng Lovince chẳng hề tắt, tiếng gõ bàn phím vang rền.

Còn bên kia, trong phòng làm việc của UAAG, chú Joseph tóc hoa râm đeo kính nhìn con trỏ chuột nhấp nháy trên màn hình máy tính, viết đến mục nguyên nhân tai nạn của bản báo cáo điều tra.

Là một phi công Không quân hết sức ưu tú và kinh nghiệm phong phú, sau này lại điều tra tai nạn hàng không 17 năm ròng, thành thử đối với chú Joseph mà nói, viết một bản báo cáo điều tra là một việc dễ như trở bàn tay. Dù rằng Trác Hoàn đã đưa ra một yêu cầu cực kì ngặt nghèo, yêu cầu ông phải viết các nguyên nhân với độ dài giống nhau, thì tốc độ gõ của ông vẫn không hề lần lữa.

Ấy thế mà vào 5 giờ sáng, phương Đông hửng nắng, vầng sáng nhạt rực rỡ mọc lên từ biển cả, dần dần rọi tỏ. Lúc nó nhô lên hẳn, chú Joseph dừng bàn tay đánh máy lại.

Một bản báo cáo điều tra đạt tiêu chuẩn phải bao gồm bốn phương diện.

Toàn bộ báo cáo về quá trình vụ tai nạn hàng không.

Phân tích về quá trình tai nạn.

Báo cáo nguyên nhân đã điều tra ra.

Kiến nghị an toàn.

Điều tra một vụ tai nạn hàng không, ngoài việc truy tìm sự thật vì những người đã khuất ra thì còn phải đưa ra kiến nghị và tổng kết từ đó.

Chú Joseph đã mấy lần đặt tay lên bàn phím mà vẫn chẳng gõ ra nổi chữ nào.

Ông đã viết đến đoạn cuối của bản báo cáo này rồi, chỉ còn mỗi kiến nghị an toàn mà thôi.

Đôi mắt mỏi mệt nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính, từng đường tơ máu nổ tung trong nhãn cầu. Dưới mắt ông là quầng đen nhạt, ông đang mệt lử, nhưng thứ mệt hơn cả thể xác lại là linh hồn nặng trĩu và khó thở như kéo xe.

Trụ sở điều tra vào 5 giờ sáng hoàn toàn yên tĩnh.

Chú Joseph bước đến bên cửa sổ, mở cánh ra. Gió biển rét mướt ập vào mặt, đâm vào đáy lòng như dao cắt. Vào khoảnh khắc đôi mắt vốn dĩ đã quá nhức mỏi va chạm với làn gió bèn trào tuôn nước mắt. Boston tháng 2 vẫn lạnh căm căm, thật giống như Washington mười bảy năm về trước, tháng 1 mà lại có bão tuyết. Sau khi máy bay đâm xuống đất và vang tiếng nổ ầm trời, những cơn gió lạnh buốt không đếm xuể lùa vào khắp ngõ ngách của cái buồng lái nát bươm một cách mạnh mẽ.

Ông lạnh đến là khó thở.

Máu khắp người ông như ngưng đọng trong khoảnh khắc đó.

Cơ thể chẳng còn độ ấm nào, có tiếng khóc, có tiếng gào than. Sau đó, trong màn đêm mà xe cấp cứu, xe cứu hỏa luống cuống chạy đến, dường như ông nghe được giữa đống hoang tàn có ai đó dốc hết sức mình khẽ khàng buông một câu.

"Tôi xin lỗi."

Tưởng chừng như ảo giác, lại tưởng chừng như rõ mười mươi bên tai.

Đến hai ngày sau đó, ông tỉnh lại trong bệnh viện, khi ấy chỉ có mỗi Lovince – một nhân viên điều tra trẻ tuổi – đứng trước mặt ông nói cho ông hay rằng Michael Harrison đã chết ngay tại chỗ.

Kí ức ùa về như sóng thần ập vào mặt ông. Trong một thoáng ông bỗng chẳng phân biệt nổi cái gì đã thật sự xảy ra, cái gì là điều ông ảo tưởng ra sau khi bị tra tấn bởi nỗi đau khổ suốt mười bảy năm qua.

Ông nhắm mắt, gió lạnh len lỏi vào áo, ống tay áo làm cả người ông lạnh run.

Mười bảy năm trước, Lovince đã từng hỏi ông một câu ở bệnh viện, lúc đó câu trả lời của ông là Tôi không biết.

Có lẽ bây giờ ông đã có thể nói ra câu trả lời được rồi.

Lấy điện thoại ra, chú Joseph tìm tên của Lovince, gửi một tin nhắn cho gã.

Tôi nghĩ, là bởi vì tôi sợ.

Ngay sau đó, Lovince đáp lại: Vẫn đang ở trụ sở điều tra à?

Chú Joseph hơi ngạc nhiên: Phải, cậu cũng thế hả?

Cửa ban công bỗng dưng bị người ta gõ, sau khi đẩy cửa, chú Joseph bắt gặp nụ cười của Lovince: "Uống một chén không?"

Hai người tìm được mấy lon bia không biết bị ai giấu ở một góc trong phòng trà nước.

Chú Joseph: "Tôi chưa bao giờ uống cái này."

Lovince: "Ông bạn già của tôi ơi, giờ nào có ai quan tâm đâu, tìm được là ngon rồi!"

Hai người uống một lát.

Chú Joseph: "Nếu không phải láng máng hiểu ra điều gì đó thì tôi nghĩ tôi sẽ không thay đổi nhiều đến thế trong mười bảy năm nay được. Có lẽ cậu không biết đâu, ba tháng trước chúng tôi mới đến Boston, vài phi công của US Airways nhìn thấy tôi đã rất là sợ sệt. Ha, cậu nói coi kể cả trước đây tôi khủng bố như thế thì cũng đã mười mấy năm trôi qua rồi, bọn họ vẫn sợ tôi hả?"

Lovince: "Ông như thế nào chính bản thân ông còn chả rõ à, sao còn hỏi tôi?"

Chú Joseph lầu bà lầu bầu, uống một hớp bia.

Lovince vỗ vai ông: "Đừng để bụng quá. Mười bảy năm trước, khi NTSB viết báo cáo điều tra đã từng xem vấn đề giao tiếp trong phi hành đoàn làm một trong những nguyên nhân tai nạn và đề xuất với US Airways. Nhưng đó đã không phải nguyên nhân chủ yếu. Vụ tai nạn đó được gây ra bởi nhiều nguyên nhân ở mọi mặt: Thời tiết, kĩ thuật điều khiển của phi công, lỏng càng bánh xe, giao tiếp trong phi hành đoàn... Thậm chí nếu anh ta thật sự xin sự giúp đỡ của ông, xin ông hạ cánh thì ông bạn già của tôi ơi, ông có chắc là ông có thể không để xảy ra bất cứ chuyện gì chứ?"

"Trong từ điển của tôi không có hai chữ "Thất bại"!"

"Đối với người không sờn lòng thì không có chuyện thất bại?"

Chú Joseph: "..."

Lovince trêu: "Cái câu "Thủ tướng Sắt Bismarck" vẫn hợp ông hơn đấy Joseph ạ."

Hai người lại nhấp bia thêm lát nữa.

Dưới ánh mặt trời dần dần nhô lên cao, hai người đàn ông không còn trẻ đứng dựa vai nhau, vừa uống bia vừa ngắm ánh ban mai. Ánh nắng tươi đẹp nhưng không chói mắt chiếu rọi xuống hai gương mặt thinh lặng. Có lẽ ánh dương này quá ấm áp hay sao mà chú Joseph dần rơi nước mắt. Ông giơ lon bia lên, thủ thỉ với ánh mặt trời: "Tôi xin lỗi."

Lovince nhìn ông một cái, cũng giơ lon bia lên: "Chúc cho một ngày mai tốt đẹp hơn."

Mười bảy năm trước, Hard Joseph trẻ tuổi không hiểu tại sao một phi công xa lạ lại chẳng xin giúp đỡ từ mình. Ông chưa bao giờ đối xử khắt khe với cậu ta, cũng chưa bao giờ có xung đột. Họ căn bản không thân nhau.

Giờ đây, ông đã bước qua tuổi nửa trăm nhìn lại cuộc đời mình.

Sự thật đã không được biết đến, không một ai biết tại sao mười bảy năm trước Michael Harrison lại đưa ra quyết định đó.

Nhưng điều duy nhất mà ông biết là...

Thứ chiếu sáng cả thế gian này là ánh mặt trời, là niềm ấm áp, là sự thấu hiểu và dịu dàng chói chang hơn cả ánh dương.

*Tác giả:

Trác RIP: Em ấy khen tôi cừ, thử hỏi ai mà không biết?

Phục Chanh Chanh:... Sau này tôi không bao giờ nói nữa!

*Dú: Có thể nói đây là một trong số những chương làm tôi xúc động nhất. Xúc động đầu tiên là bởi lí do Trác Hoàn đưa ra cho việc không công bố bản báo cáo điều tra của Rogge 318. Xúc động thứ hai là đoạn Lovince viết trong đơn xin. Đằng sau mỗi một vụ tai nạn đều là những tổn thất về tính mạng, về của cải, và hơn tất cả, những người ở lại mới là những người chịu giày vò nhất. Người nhà của 298 những người gặp nạn hay chính một Joseph từng rất kiêu căng và hạch sách đều vậy. Sứ mệnh của các nhân viên điều tra thật cao cả biết bao, và những hi sinh dù thảm khốc kia vĩ đại đến nhường nào. Không một con đường nào là dễ đi, nó được dựng xây từ chính máu tươi của những người đã ngã xuống, để rồi đúc rút kinh nghiệm tránh giẫm vào vết xe đổ, để rồi tạo cơ hội tranh đoạt vùng trời bao la.

*Chú thích:

(1) Thế bay chúc ngóc: Chúc ngóc (Pitch) là kiểu chuyển động khi mũi của máy bay chúc lên trên hoặc chúi xuống dưới. Chuyển động chúc ngóc diễn ra xung quanh trục ngang của máy bay.

chapter content



(2) Vụ tai nạn năm 1908: Vụ tai nạn máy bay quân sự đầu tiên xảy ra năm 1908 là một trường hợp hy hữu. Chiếc máy bay do phi công Orville Wright lái đã không thể hạ cánh an toàn trên mặt đất mà thay vào đó, hạ cánh trên 3 ngọn cây. Viên phi công bị thương nặng còn Trung úy Thomas Selfridge, người cùng ngồi trên chiếc máy bay trở thành người đầu tiên thiệt mạng trong tai nạn loại này.

(3) Vụ tai nạn năm 1956: Vào 10h30 sáng ngày 30/6/1956, máy bay số hiệu 2 của hãng Trans World Airline va chạm với máy bay số 718 của hãng hàng không United State Airline trên vùng trời Arizona. Hậu quả là máy bay 718 đâm vào vách đá trong khi máy bay số 2 đâm xuống hẻm núi. Toàn bộ 128 hành khách và phi hành đoàn của cả hai máy bay đều bị thiệt mạng. Vụ tai nạn này đã buộc Mỹ phải chi 250 triệu USD để nâng cấp hệ thống kiểm soát không lưu cũng như thành lập Cục Hàng không Liên bang (FAA - Federal Aviation Administration) nhằm giám sát an toàn hàng không.

(4) Năm 1903 đánh dấu cho lịch sử Hàng không bằng chuyến bay của anh em nhà Wright người Mỹ, máy bay của họ có động cơ khả dĩ duy trì bay trong một khoảng cách vài trăm mét, tuy rằng chưa thể tự cất cánh mà vẫn phải bằng thiết bị phóng bằng vật nặng cho thả rơi và khi cất cánh, hạ cánh phải lựa theo chiều gió, nhưng thành công của họ cho thấy máy bay là hoàn toàn hiện thực và đã gây tiếng vang lớn trong dư luận, tạo động lực cho việc nghiên cứu phát triển ngành Hàng không.