Tuổi Thanh Xuân (Cảm Ơn Đã Luôn Ở Đây)

Chương 14



Ngồi trong lớp học, điện thoại trong tay Vy rung lên liên tục, không cần nhìn cũng biết là ai đang gọi. Cô nóng ruột nhìn thầy giáo đi đi lại lại trên bảng, miệng vẫn tiếp tục bài giảng. Chuông giải lao đã reo lên mà thầy không hề có dấu hiệu dừng lại, cô nhẹ nhàng vơ hết sách vở vào trong cặp, xong việc mắt lại tiếp tục nhìn theo quỹ đạo chuyển động của thầy giáo. Thấy thầy giáo không có dấu hiệu dừng lại, cô nhấp nhổm không yên, trong lòng cầu mong thầy thương tình cô mà cho cả lớp giải lao.

- Được rồi, chúng ta sẽ tiếp tục sao giờ giải lao.

Nhấp nhổm cả buổi chính là để chờ câu nói này, giống như tù binh vừa được giải thoát, Vy chạy như bay ra ngoài cửa. Lạch bạch ra đến bãi đỗ xe, Hà đã đứng chờ cô, dường như là còn nhăn nhó vì phải đứng rất lâu.

- Bà làm cái gì mà lề mề thế hả?

- Thầy có ra đâu mà trốn, tôi chạy thục mạng ra đây này. – Vy thở hổn hển. – Ngọc đâu rồi?

- Nó có chịu trốn đâu, kệ đi, bọn mình cứ đi ra trước đi.

- Ê, mũ bảo hiểm của tôi đâu? – Lúc Hà nổ máy, Vy chợt nhớ ra một chi tiết quan trọng.

- Chết, mang có một mũ thôi.

- Đi mà không có mũ bảo hiểm là công an phạt đấy, làm nào bây giờ?

Vy và Hà nhìn xung quanh xem có thể tìm cách gì không. Hà bảo Vy đi mượn tạm bác bảo vệ nhưng cô nhớ lần trước cũng từng mượn một lần, bác ấy không có thì biết làm thế nào được. Nhìn thấy các xe khác treo đầy mũ bảo hiểm, cô đột nhiên “thèm muốn” không thôi, bây giờ mới thấy cái mũ bảo hiểm nó quý giá nhường nào.

- Hay… mượn tạm xe bên cạnh đi này, người ta để mũ ngay ở ngoài đó. – Hà gõ gõ lên đầu xe đầy vẻ suy tư. Cả rừng mũ ở đây không mượn thì có lỗi với bản thân quá.

- Mượn tạm á? Như thế có được không? Giống ăn trộm quá đi à!

- Ăn trộm đâu mà ăn trộm! Đằng nào cũng chưa tan học, chỉ cần đến trước giờ về, trả lại chỗ cũ chẳng ai phát hiện ra đâu.

Vy vốn nhát gan, chẳng dám làm những trò “mượn tạm” thế này, cô đứng phân vân không thôi. Trong lúc cô đang lưỡng lự, Hà nhanh tay lấy cái mũ bảo hiểm của xe bên cạnh đưa ra cho cô.

- Không được mà!

- Bà không đội thì tôi đội. – Hà tháo mũ trên đầu ra đưa cho Vy. – Lằng nhằng quá đi mất. Đi nhanh về nhanh còn trả người ta.

Hết cách, Vy đành phải nghe lời Hà. Hai đứa đi xe máy đến một hàng ăn vặt cách trường không xa. Nghe mùi thịt nướng thơm nức mũi, cô mới cảm thấy bõ công trốn học ra đây ăn. Ngồi trong giờ mà cô cứ nghĩ đến xiên thịt nướng này mà không thể nào tập trung được. Quán ăn vặt này rất đông khách, với tiêu chí vừa rẻ vừa ngon, khách hàng quen thuộc ở đây đa phần là học sinh, sinh viên. Hà và Vy ngồi xuống một cái bàn trống, trong lúc chờ đợi thịt nướng được mang ra thì ngồi tán gẫu.

- Bà sướng nha! – Hà tủm tỉm cười.

- Sướng cái gì cơ?

- Thì Việt đó, hết được người ta tỏ tình rồi lại được mẹ người ta mời cơm thì chả sướng à?

- Sướng cái nỗi gì chứ! Bà không biết thì thôi, hôm đó ngồi ăn mà như cực hình tra tấn luôn.

- Cực hình tra tấn? Bà đùa à?

.

.

.

Quả thực để so sánh với cực hình tra tấn thì không đúng nhưng bữa cơm hôm đó cũng gần gần như vậy rồi. Lúc mẹ Việt trở về, thấy cậu ngồi cùng cô trong bếp thì đuổi cả hai ra ngoài ngồi chơi. Bà nhìn bộ dáng của Vy là biết cô không hay vào bếp, ở lại chỉ để vướng chân của bà. Rán nốt mấy quả trứng mới mua về, bữa cơm đã sẵn sàng. Ba người ngồi quây quần bên mâm cơm. Trước ánh mắt nhìn chăm chú của mẹ Việt, Vy ngồi khép nép, vô cùng không thoải mái. Cô biết tướng ăn của mình không được tốt, theo như bạn bè thường bảo, nhìn cô ai cũng nghĩ là thục nữ đến khi ngồi ăn với cô thì mới chính thức được mở rộng tầm mắt.

- Ăn nhiều vào nhé, không biết cơm có hợp khẩu vị cháu không. Tay nghề của bác không được tốt lắm.

- Dạ, không sao đâu ạ. Cháu thấy ngon lắm rồi ạ.

- Ăn cá đi này, con cá này tươi lắm, sáng sớm bác đi chợ nó còn giãy trong chậu đấy.

- Bác cứ để đó, cháu tự ăn được ạ.

Trong bữa cơm, mẹ cậu liên tục gắp thức ăn cho cô, đặc biệt là món cá. Sức ăn của Vy khá yếu, bình thường ở nhà cũng chỉ ăn một bát, thêm nữa là cô không thích mùi tanh của cá nhưng mẹ cậu đã gắp vào bát, cô không thể nào không ăn. Ngược lại làm bà nghĩ cô thích cá nên lại càng nhiệt tình hơn, cô bi kịch thật rồi! Khó khăn lắm mới ăn hết được một bát cơm, Vy vừa đặt nó xuống, mẹ cậu cau mày, nói:

- Cháu không ăn nữa à? Ăn ít thế thôi sao?

- Cháu no rồi ạ.

- Hay là bác làm không hợp khẩu vị?

- Không phải ạ, ở nhà cháu cũng ăn có một bát cơm thôi.

- Ăn ít thế lấy đâu ra sức khỏe, ăn nữa đi. Thằng Việt nhà bác bình thường phải ăn ít nhất là ba bát cơm thế này, cháu là con gái thì cũng phải ăn hai bát.

Không để cô từ chối, mẹ Việt cầm bát cô lên, tiếp tục múc thêm một bát nữa. Vy nhìn cơm chất đầy trong bát mà rơi lệ trong lòng. Ở nhà, nếu không ăn hết có thể nhờ bố mẹ ăn hộ hoặc đổ đi nhưng đây là nhà người ta, không ai ăn hộ cô cũng không thể đổ đi được. Cô chậm chạp ăn từng miếng nhỏ, cái mùi tanh từ dưới bụng ợ lên thật kinh khủng. Cô có cảm giác có con cá cứ đang nhảy múa trong bụng cô, khiêu khích cô đến toát mồ hôi lạnh.

- Mẹ, con cũng muốn ăn cơm mà! – Việt chìa cái bát cháo vừa mới ăn hết ra.

- Con mới xuất viện, phải ăn cháo một tuần, cơm chưa được ăn.

- Mẹ làm nhiều thế muốn trêu ngươi con à?

- Nếu đói thì đợi mẹ ra đầu ngõ mua cháo dinh dưỡng cho mà ăn.

Mẹ Việt đứng dậy, cầm theo một cái bát to đi ra ngoài ngõ. Bà vừa đóng cửa nhà lại, Vy liền đặt cái thìa trong tay xuống, thở dốc vuốt bụng.

- No lắm hả?

- Ừ, muốn nứt cả bụng ra rồi đây này!

- Mẹ mình là thế đấy, cậu thông cảm.

Không có mặt mẹ cậu ở đây, cô thoải mái ợ to một tiếng, cảm thấy bụng đã nhẹ nhõm phần nào. Bát cơm còn nhiều như thế, phải ăn đến bao giờ đây? Vy vuốt bụng, ăn nữa thì nôn cả ra mất. Cô chậm chạp lấy thìa gảy gảy miếng cơm trong bát thở dài đầy chán nản.

- Để mình ăn hộ cho. – Việt lấy bát cơm của cô, tự nhiên cầm thìa xúc ăn.

- Ơ, cậu làm cái gì vậy? Mẹ cậu bảo không được ăn cơ mà. – Quan trọng hơn đó là cái bát của cô!

- Không sao đâu, mình đã hỏi bác sĩ trước khi về rồi, chỉ cần không ăn quá nhiều dầu mỡ là được rồi, ăn một bát thế này chẳng nhằm nhò gì đâu.

- Nhưng…

- Đằng nào cậu cũng không ăn hết, mình thì đang thèm, một công đôi chuyện còn gì?

Cậu nói quá hợp lý nên cô chẳng còn chỗ nào để cãi nữa, đành để cậu ăn hộ mình. Việt ăn có vẻ rất ngon lành, có lẽ ở trong bệnh viện ăn cháo lâu quá nên thèm cơm. Một lúc sau, bát cơm vơi đến đáy, mẹ Việt cũng mở cửa vào nhà. Cô vội lấy lại cái bát để ở trước mặt mình.

- Về rồi đây, cháo đây này.

- Con không ăn nữa đâu. – Việt lắc đầu. – Mẹ cứ để cháo trong tủ lạnh, chiều con hâm lại ăn là được.

- Sao thế? Lúc nãy đói còn đòi ăn cơm cơ mà?

- Con ăn cháo ngán lắm rồi, đói cũng thế cả thôi.

Mẹ cậu không nghi ngờ gì cả, ngồi xuống tiếp tục bữa ăn. Vy lén lút nhìn Việt, dùng khẩu hình miệng nói câu cảm ơn. Sau bữa cơm, Vy xin phép đi về trước. Chân trước vừa ra khỏi cửa, chân sau đã chạy biến về nhà. Đúng là mẹ cậu chẳng làm gì cả nhưng vẫn tạo cho cô một áp lực vô hình khiến các dây thần kinh của cô căng lên như dây đàn. Nhưng cô lờ mờ nhận ra, sự băn khoăn của cô đối với Việt cũng nhờ đó mà xóa nhòa đi phần nào.

.

.

.

- Được, tôi duyệt thằng Việt đó rồi đấy!

- Hừ…

- Tốt với bà thế còn gì nữa? Tôi hỏi thật, thế rốt cuộc hai đứa bây giờ là quan hệ gì thế hả?

- Vẫn là bạn thôi.

- Tình thì cũng tỏ rồi, còn đòi bạn bè cái nỗi gì nữa?

- Không là bạn bè thì là cái gì, thú thực trong lòng mình cũng đang rất rối, tạm thời không muốn nghĩ đến chuyện tình cảm. Kệ đi tới đâu hay tới đó mà! – Vy lấy xiên thịt chọc chọc vào cái đĩa. – Thực ra tôi cảm thấy mình chưa sẵn sàng thôi. Sau vụ của Tuấn, tôi chẳng muốn nghĩ ngợi gì nhiều cả. Tuy chưa sâu sắc đến tình yêu nhưng ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm tình của tôi.

- Aizz, ai rồi cũng trải qua quãng thời gian như thế. Bà nên cảm thấy may mắn vì ít nhất thừa lúc chưa kịp để nó trở thành sâu sắc thì đã cắt đứt rồi.

- Ừ, tôi cũng nghĩ vậy. Thôi, không nói chuyện đó nữa, tôi vừa nghe một tin sốt dẻo đó!

- Tin gì?

- Bà nhớ anh Minh Tùng không? Cái anh mà học giỏi, được học bổng tiến sĩ toàn phần ở bên Mĩ ấy.

- Nhớ! – Mắt Hà sáng rỡ lên. – Sao sao?

- Anh ấy sắp có một buổi giao lưu với sinh viên đại học Bách khoa Hà Nội đó!

- Cái gì?

- Là thật đó! Nhưng mà hình như chỉ có sinh viên trong trường mới được đi thôi bà ạ. Buồn mất năm phút!

- Hơ, bà quên là thằng Việt nhà bà cũng là sinh viên trong trường à? Hỏi nó xem, biết đâu nó có cách cho bà đi.

- Ừ nhỉ, bà nhắc mới nhớ. Thế bà không muốn đi à? Sáng chủ nhật đó!

- Ôi, nếu được thì tôi đã đi rồi, hôm ấy tôi bị lớp phái đi tham dự cái gì mà phòng chống khủng bố rồi.

Ngồi tán gẫu mới được có một lúc mà thời gian cứ trôi vèo vèo, lúc nhìn đồng hồ thì chỉ còn cách thời gian tan học mười phút, hai đứa đứng dậy và ra về. Về đến nơi, Vy mới nhớ ra chuyện “mượn tạm” mũ bảo hiểm của người ta. Hiểu tính con bạn nhát không dám làm, Hà đành một mình cầm chiếc mũ đi vào trong nhà xe. Quan sát một vòng không thấy chủ nhân của chiếc xe đâu, cô nhẹ nhàng đặt chiếc mũ về chỗ cũ và nhẹ nhõm coi như xong chuyện, còn định bụng đi ra mắng Vy chỉ biết lo lắng thừa thãi. Đúng lúc cô quay mặt đi, có người đột nhiên nói:

- Thì ra là cậu lấy mũ của tôi!

- Hì… - Nói trước bước không qua, cô cười cười giả lả quay lại mới nhận ra chủ nhân của cái mũ mà cô đã “mượn tạm” không ai khác là Khánh.

- Cậu cũng giỏi thật đấy Hà ạ, làm tôi tìm từ nãy đến giờ!

- Xin lỗi, nhưng mà dù sao tôi cũng trả lại rồi, cậu bỏ qua cho tôi nhé!

- Bỏ qua? Sao cậu nói dễ nghe thế hả? Cậu có biết là vì cái trò của cậu làm tôi bực mình từ nãy đến giờ không hả?

- Thế cậu muốn thế nào nữa! – Hà cũng bị thái độ của Khánh chọc tức. Cô cũng đã hạ giọng rồi, cũng đã xin lỗi rồi mà cậu ta còn tỏ thái độ như thể cô là kẻ trộm thật vậy. Có kẻ trộm nào lấy cắp của người ta một lúc rồi trả lại như cô không?

- Đã mắc lỗi mà còn nói cứng?

- Lỗi cũng xin rồi, cậu còn muốn cái gì?

- Cậu…

Giọng nói của Khánh đầy vẻ tức giận. Cũng phải thôi, đột nhiên cái mũ bảo hiểm không cánh mà bay đẩy cậu vào tình huống không biết xoay sở thế nào, sau đó lại phát hiện người lấy là bạn cùng lớp mà cậu ta lại tỏ ra không có gì nữa chứ! Bác bảo vệ thấy hai cô cậu sinh viên đứng bên trong nhà xe nói qua nói lại, đi vào can thiệp.

- Cháu tìm được mũ rồi hả? – Thì ra bác cũng biết chuyện này. – Là cô gái này lấy?