Tứ Mạc Hí

Quyển 2 - Chương 9



Đến nửa đêm tôi khát nước quá nên tỉnh dậy, nhắm mắt quờ quạng tìm cái mót điều khiển đèn. Bình thường trước khi ngủ tôi hay đọc sách, mót điều khiển thường để ở dưới cuốn sách. Kết quả là sờ soạng nửa ngày cũng không mò ra được cái gì. Giữa cơn mê man, tôi ráng căng mắt ra để đi bật đèn dưới dất, bỗng dưng có một mảng sáng khi tỏ khi mờ đập vào mắt, tia sáng mỏng manh rọi lên chiếc giường đôi cực lớn, chiếc chăn tơ lụa màu bạc, tôi ngẩn người mất 30 giây. Đây không phải là phòng của tôi, không phải là giường của tôi, cũng không phải là chăn của tôi. Tia sáng hắt lại từ phía sau tấm rèm mỏng cách đó vài bước, tôi đi chân trần xuống giường, xắn ống tay áo và ống quần ngủ lên vài bận, rón ra rón rén đi tới, lặng lẽ gạt tấm rèm mỏng đang rũ xuống đất. Sau tấm rèm mỏng lại có một bức mành châu bằng thủy tinh, tay tôi chạm vào tấm mành làm phát ra mấy tiếng đinh đang. Người đàn ông đang đứng tại quầy bar nhỏ rót nước thấy động nên nhìn qua, ánh mắt chạm vào người tôi.

Nơi đó là một phòng chiếu phim, trên màn ảnh lớn đang phát một bộ phim phóng sự về châu Phi, đối diện với màn ảnh là một bộ sô pha, trên mặt ghế có trải một tấm thảm lông mỏng, bên cạnh lại kê một chiếc điện thoại bàn. Đối diện với tấm rèm mỏng là một khung cửa sổ sát đất cực lớn, ngoài cửa sổ có thể thấy thác nước và bóng cây thấp thoáng. Nhiếp Diệc mặc một chiếc áo khoát bên ngoài áo ngủ, dùng một giọng điệu hết sức bình tĩnh mà nói chuyện với tôi: “Tỉnh rồi à? Qua đây uống nước này.” Những kí ức về tối hôm ùa về trong nháy mắt, nhưng chỉ đến đoạn tôi ngủ trên xe Nhiếp Diệc mà thôi.

Tôi đi qua nhận lấy ly nước, uống hai hớp, rốt cuộc thì cổ họng cũng bớt khô rát đôi chút. Tôi cầm ly nước, ở trước quầy bar đi tới đi lui, lại đi lui đi tới. Tôi nói: “Gian phòng này được bố trí không tệ, đây là ở trên núi à?” Nhiếp Diệc uống từng ngụm từng ngụm nước, tôi hỏi một đằng lại trả lời một nẻo: “Em ngủ say quá, nhưng mà hôm nay tôi đã hẹn chơi cờ với người ta cho nên mang em tới đây luôn. Đã gọi điện xin phép bác gái rồi, nói là đêm nay em sẽ ngủ lại đây. Vú Lâm giúp em thay áo ngủ.” Tôi nói: “Ah.”

Anh ấy nói: “Có muốn hỏi vì sao tôi lại chỗ này không?” Tôi kinh ngạc ngẩng đầu nhìn anh. Anh tiếp tục uống nước: “Vú Lâm cũng đã lớn tuổi, nếu buổi tối còn phải chăm sóc em thì cũng bất tiện cho nên tôi mới ở đây.” Anh đã ngồi lại trên ghế sô pha, hơi ngẩng đầu nhìn tôi: “Đừng căng thẳng nhé.”

Tôi nói: “Em không có căng thẳng.” Anh ấy nói: “Thật không?” Tôi nói: “Thật mà.”

Anh nói: “Em đã đi tới đi lui trước quầy bar được một lúc rồi.” Tôi mạnh miệng nói: “Rèn luyện thân thể thôi.” Vừa mới nói xong đã bị vấp vào chân ghế một phát, tôi nghe được một âm thanh nào đó phát ra từ thân thể mình, răng rắc. Tôi vịn người vào quầy bar, đứng đó tập thế Kim Kê Độc Lập. Nhiếp Diệc đặt ly nước xuống đi tới: “Sao thế?” Tôi nghiến răng hít vào một hơi: “Chân, chân bị trẹo rồi.”

4 giờ 37 phút sáng, tôi ở trong căn phòng nhỏ trên một quả núi nào đó của Nhiếp Diệc, ngồi trên ghế sô pha của anh, còn anh thì ngồi sếp bằng trên tấm thảm ở trước ghế sô pha, cầm một cái khăn lông bọc một túi nước đá chườm lạnh mắt cá chân cho tôi, màn hình phía sau biến thành màu trắng đen, đang chiếu một đoạn phim về chòm sao Tê Ngưu do camera không gian ghi hình lại. Cảnh tượng kia có thể nói là thật huyền ảo. Chúng tôi duy trì cái tư thế này đã được vài phút.

Nhiếp Diệc đột nhiên nói: “Mặt em đỏ quá, đau lắm sao? Hay là tôi chườm mạnh tay quá?” Căn phòng rất yên tĩnh, giọng nói của anh cũng theo đó mà hạ thấp, chất giọng vốn trầm ấm, nay lại được nén lại hết sức, kết quả là gợi cảm muốn chết. Chân phải tôi được kê lên đùi anh, tay anh đang đặt trên mắt cá chân tôi, tất cả tri giác đều tập trung nơi đó, cả người dường như chỉ còn một bộ phận vẫn còn sức sống. Đêm đen, sao trắng. Cây đen, thác nước trắng. Căn phòng đen, màn hình trắng. Không khí đen (ám muội), hô hấp trắng (dồn dập). Đen…màu đen, chắc không thể kiềm chế nổi khát vọng vĩ đại này mất thôi. Lúc này không khí mà bị giam lại giữa bốn bức tường thủy tinh thì nhất định là có rất nhiều axit amin, adrenalin tuyến giáp, peptit, phenyl, hormone tuyến yên tiết ra.

Tôi đưa một tay lên sờ sờ khuôn mặt, cố gắng duy trì vẻ mặt bình tĩnh, tôi nói: “Không đau, chỉ hơi nóng một chút, có thể mở cửa sổ ra không?” Anh nhìn tôi một hồi, đem cái chân thương binh của tôi đặt lên một tấm đệm mềm, để túi chườm đá lên cái rương bên cạnh, dùng khăn lông xoa xoa tay. Tôi hỏi anh: “Không cần chườm đá nữa sao?”

Anh không trả lời, lại đột nhiên vươn người áp sát, một tay khoát lên vai tôi, trong lúc tôi còn chưa kịp phản ứng đã thấy trán anh đã dán lên trán mình. Anh nhắm mắt lại, tôi dường như ngừng thở, mãi một lúc sau anh mới tách ra, nói: “Không phát sốt, chắc là bị trúng gió rồi.” Nói xong liền chìa tay lấy cái điều khiển từ xa mở cửa sổ sát đất, tiện thể mở luôn mấy tấm ván mộc trên trần nhà. Ở bên ngoài nóc nhà thủy tinh, những vì tinh tú tỏa sáng lấp lánh, gió núi vi vu thổi vào. Tôi trợn mát há hốc mồm nhìn anh chằm chằm.

Anh tiếp tục chườm đá cho tôi, thấp giọng nói: “Mặt đỏ, nóng trong người có thể là hiện tượng sinh lý, cũng có thể là hiện tượng bệnh lý, em ăn mặc phong phanh như vậy mà còn thấy nóng thì không bình thường chút nào. Nhưng cũng chưa đến nỗi phát sốt, có lẽ là mẫn cảm với nhiệt độ chỗ này.” Tôi nói: “Sao lúc đầu anh lại nghĩ ngay là em phát sốt?” Tôi nói giỡn với anh: “Nói không chừng mặt em đỏ chỉ là hiện tượng sinh lý thôi.” Làm bộ lơ đãng hỏi anh: “Hầy, bị đỏ mặt vì xấu hổ là hiện tượng sinh lý hả anh?” Anh hơi ngạc nhiên, ánh mắt hoài nghi rơi trên mặt tôi: “Xấu hôt? Phi Phi, em đang nói em sao?”

Tôi nói: “Dạ.” Anh nói: “Không thể nào.” Tôi hỏi anh: “Sao lại không thể chứ?”

Nhiếp Diệc nói: “Em vốn không có dây thần kinh xấu hổ.” Tôi truy vấn anh: “Sao em lại không có dây thần kinh xấu hổ, đó cũng chẳng phải là dây thần kinh cao cấp gì.” Thế mà anh lại bật cười.

Tôi nói: Anh cười cái gì?” Anh nói: “Nhớ tới một chuyện.” Tôi linh cảm đó không phải là chuyện tốt đẹp gì, nhưng lại nhịn không được mà hỏi anh: “Anh nhớ tới cái gì?” Anh nhìn tôi một cái: “Harry Potter đến trường Hogwards.”

Một sự trầm mặc cực lớn bao phủ lấy tôi. Tôi im re một lúc lâu mới mở miệng: “Nhiếp Diệc, có phải lúc đó anh nghĩ em bị thần kinh không? Em nói anh nghe, bình thường em không có hâm dở vậy đâu, khi đó em chỉ đang mua vui cho bà nội anh thôi.” Anh đứng dậy đi đổi túi chườm: “Đúng là rất buồn cười.” Lúc mở tủ lạnh anh nói: “Nhưng mà cũng rất đáng yêu.” Tôi chưa kịp phòng bị đã bị lời tán thưởng tựa như đầu đạn định vị của anh bắn trúng ngay tim, tôi ngây ngốc hồi lâu.

Anh cầm túi nước đá mới đổi quay về, một lần nữa ngồi trước mặt tôi, nhờ tôi: “Đưa ly nước giùm tôi một chút.” Tôi vẫn còn đang đờ đẫn, anh đành đứng dậy tự mình đi lấy ly nước. Lúc tôi nghĩ mình phải lấy nước cho anh thì anh đã uống cạn nử ly, nhìn tôi phục hồi lại tinh thần, hỏi tôi: “Sao lại phát ngốc như thế?” Tôi nói: “Nhiếp Diệc, anh vừa mới nói em dễ thương.”

Anh nhìn tôi dò xét, chờ tôi nói tiếp. Tôi nói: “Anh nói em cực kỳ ~~~ dễ thương.” Anh nói: “Cái chữ cực kỳ này có phải là em tự thêm vào không?”

Tôi nói: “Không nên câu nệ tiểu tiết, em cảm thấy rất cảm động.” Anh cúi đầu uống nước. Tôi ca ngợi anh: “Anh có mắt nhìn người ghê đó.”

Anh sặc một cái, ngẩng đầu nhìn tôi ba giây, nói: “Cũng có khả năng là hôm đó tôi bị hoa mắt.” Tôi nói: “Nhiếp Diệc, chúng mình có thể đối xử gần gũi với nhau hơn một chút được không?” Anh gật đầu: “Không sai, đúng là do hoa mắt rồi.”

Tôi nói: “Tiến sĩ Nhiếp, đêm qua em vừa mới liều chết cứu anh, anh có thể làm cho người ta có chút niềm tin vào câu danh ngôn ‘trong hoạn nạn mới thấy chân tình’ hay không?” Ngón tay anh khẽ gõ gõ vào túi chườm: “Phi Phi, chân của em còn đang nằm trong tay tôi.” Tôi nói: “Ah…”

5 giờ rưỡi sáng, Nhiếp Diệc mới xử lý xong thương thế trên chân tôi. Nghe nói vì uống rượu nên tối qua anh ngủ không ngon giấc, 3 giờ rưỡi đêm bèn đi xem TV, bỗng nhiên lại thấy buồn ngủ, định uống nước xong thì sẽ đánh thêm giấc nữa, ai ngờ tôi đột nhiên tỉnh dậy, còn tự làm trẹo chân mình. Lăn qua lộn lại một hồi thì cả hai đều không thấy buồn ngủ nữa, cứ thế ngồi trên sô pha tiếp tục xem phim tài liệu. Gió núi mát rượi, những ngôi sao yên lặng tỏa sáng khắp bầu trời, bóng cây lay động, tất cả những thứ phù phiếm ở nhà họ Tạ đêm qua chẳng khác nào giấc mộng Nam Kha. Ngoài cửa sổ có đặt một cái bàn to, phía trên bàn có bóng cây. Tôi nói với Nhiếp Diệc: “Ngày xưa, những cao nhân lánh đời thích đôt nến ngồi dưới tán cây chơi cờ.”

Anh đáp: “Nhà bên cạnh có một kỳ thủ cờ vây cấp 9, em có thể kêu người ta qua chơi thử xem.” Tôi nói: “Ý em là, chi bằng hai đứa mình chơi vài ván cờ giết thời gian?” Anh đem mấy tấm ván mộc trên trần nhà khép lại, nói: “Chân bị thương rồi thì phải đợi cho khỏe đã, vẫn nên đi ngủ một giấc thì hơn.”

Tôi nói: “Em không buồn ngủ, anh có muốn làm một giấc không?” Anh nói: “Không muốn.” Anh hơi gập chân, một tay chống vào gối phải, lấy cái điều khiển từ xa bật nhỏ tiếng TV lại, nói: “Tôi đã chọn bộ phim chán nhất, em mà xem thì sẽ thấy buồn ngủ ngay.”

Trên màn hình là phóng sự thám hiểm động Long Tức ở châu Phi, tôi xem một hồi, nói: “Năm ngoái em đã đi qua chỗ này rồi nè.” Anh nghiêng đầu nhìn tôi: “Nghe nói nước trong động là nước ngầm viễn cổ, mấy trăm vạn năm chưa từng thoát ra ngoài.” Tôi nói: “Đúng đó, vùng nước này bị kẹt bên trong, đã lâu lắm rồi mà người ta vẫn chưa khám phá cho tường tận cái động đó, bộ phim tài liệu này được ghi hình từ bốn năm trước, các nhà thám hiểm phát hiện ra mắt cá nheo vàng, nhưng trong động này có còn sinh vật nào còn sống hay không thì đến giờ vẫn không rõ.”

Anh hỏi tôi: “Em đã từng lặn xuống đó?” Tôi gật đầu, thầm thì với anh: “Nhưng anh đừng nói cho ba mẹ em biết nha, họ không có thích em đi thám hiểm, chuyến công tác lần đó cũng không phải là phân công cho em đâu, đó vốn là việc của Thuần Vu Duy, có một đài truyền hình mời anh ta hợp tác nên em xin đi cùng để mở mang kiến thức. À phải rồi, Thuần Vu Duy, anh không biết anh ta, anh ta là một thợ lặn thám hiểm dưới nước, hằng năm ngoại trừ công việc chính là đảm nhiệm các hạng mục thám hiểm ra thì anh ta còn dạy em lặn biển lúc rảnh rỗi nữa, mỗi khi em muốn đi tới mấy thủy vực nguy hiểm, anh ta đều luôn cộng tác với em, làm bạn lặn với em. Anh một tay chống má, nhìn tôi: “Em rất thích nước? Nước ở Long Tức Động thế nào?”

Tôi bật cười, hỏi anh: “Anh nghĩ nó nên có cái dạng gì? Thủy vực bị kẹt cứng một chỗ trăm vạn năm, bí ẩn, huyền bí, thực sự có khả năng kích thích các loại tưởng tượng lãng mạn. Trước khi lặn xuống nước em thậm chí còn nghĩ có khi nào ở độ sâu 100m sẽ có một cung điện bị quên lãng nào đó không?” Tôi lẩm bẩm: “Có khi nào dưới đáy nước vẫn còn sót lại những trụ đá lớn? Có thể là trên bề mặt đá có khắc những hoa văn cổ ca tụng thần mặt trời, hoặc là thần mặt trăng, hoặc là một vì thần thiên nhiên nào khác, hoặc giả ở dưới đó có các loại cá viễn cổ bơi qua bơi lại. Nếu thực sự có cảnh tượng như vậy thì em phải dùng lăng kính nào, điều chỉnh ánh sáng ra sao…” Anh nói: “Dụng cụ lặn nước tốt nhất hiện nay nhiều lắm cũng chỉ chịu được kháng áp ở 50m. Nếu muốn chụp ảnh ở độ sâu 100m thì em phải dùng tàu ngầm.” Tôi nói: “Bây giờ anh có thể để cho bán cầu não trái với mấy cái suy luận logic nghỉ ngơi một chút không, cứ để bán cầu não phải với trí tưởng tượng bay cao bước lên sân khấu đi?

Môi anh nhếch lên một chút, tựa như đang cười, anh nói: “Được rồi, rốt cuộc thì nước ở nơi đó ra sao?” Tôi ôm đầu gối, tựa đầu lên đó, cũng hơi cười cười, nhẹ giọng nói với anh: “Đương nhiên là không thể uống được.” Anh chế nhạo tôi: “Một phát hiện thật quan trọng.”

Tôi nói: “Được rồi, chỉ toàn là một màu đen thôi.” Tôi nhìn anh: “Đáy nước đen thui à, so với đáy biển thì đúng là hai thế giới khác nhau, cái loại màu đen vừa vĩ đại vừa yên tĩnh, ánh sáng yếu ớt phát ra từ đèn pha dường như bị nuốt hết trong nháy mắt, nói thật là em cực kì sợ hãi.” Anh nói: “Em cũng biết sợ?” Tôi gật đầu: “Đương nhiên, em sợ nhất là bóng đêm, nhất là tự nhiên tối đen như mực, ví dụ như nếu đột ngột cúp điện thì em sợ tới mức lập tức nhảy dựng lên.”

Vừa mới dứt lời, căn phòng đột ngột tối thui, tôi la lên một tiếng “Á”, bổ nhào qua ôm lấy Nhiếp Diệc như một con cua. Anh bật lại TV, hơi kinh ngạc: “Thì ra là thật.” Giọng nói tôi thực sự nghẹn ngào: “Bác sĩ Nhiếp, tốt nhất là không nên giỡn với anh.”

7 giờ 20 phút, tôi bị điện thoại di động đánh thức, vú Lâm tới đưa bữa sáng, quả thật bà là một người đã có tuổi. Tôi chào hỏi bà, tiện thể hỏi thăm Nhiếp Diệc đi đâu rồi, bà ấy nói Nhiếp Diệc dậy sớm đi chạy bộ, giọng nói rất khẽ khàng. Lại nói ở đây bình thường chỉ có Nhiếp Diệc lui tới cho nên không có đồ dùng cho phụ nữ, Nhiếp Diệc có bộ đồ thể thao hơi chật, tôi có thể mặc tạm. Tắm rửa xong tôi mặc bộ đồ thể thao của Nhiếp Diệc, tuy là size nhỏ đối với anh nhưng tôi mặc lên vẫn rộng kì cục. Tôi đứng trước gương nửa ngày, nhìn ngang nhìn dọc cũng thấy mình quá lỗi thời cho nên mới chạy vào phòng quần áo lục lọi mười phút, tìm được một cái mũ đánh golf, đội ngược ra sau ót, cuối cùng có một chút phong cách hip-hop. Chân phải bị thương hơi hơi đau nhức, tôi khập khiễng ra cầu thang đi xuống phòng khách, đi tới giữa chừng thì thấy vú Lâm đang ở tiếp khách, chiếc đồng hồ cổ điểm tám giờ, tôi thầm nghĩ khách nào mà tới sớm thế, định xoay người tránh mặt lại nghe thấy có người gọi chị Nhiếp.

Tôi đứng cách chiếc bàn tiếp khách mấy thước, hơi híp mắt nhìn vị khách đang đứng lên từ ghế sô pha. Tóc Hepburn, váy ngắn hồng nhạt thêu hoa văn màu bạc, cô gái này quả thực là xinh đẹp miễn bàn, tôi nói: “Cô Giản, chào buổi sáng.” Đứng bên cạnh Giản Hề là một người thanh niên mà tôi không quen, mặt áo T-shirt màu tím bạc phối với quần nhạt màu, dáng vẻ không tệ, nhưng không hiểu sao lại nhìn tôi với vẻ u ám. Khóe mắt Giản Hề hơi đỏ như vừa mới khóc, sắc mặt hơi trắng bệch. Cậu trai kia trầm giọng: “Hề hề, để anh đi tìm Nhiếp Diệc…” lại bị Giản Hề cắt lời: “Không cần, Nhiếp Nhân, thực sự không cần đâu.” Nghe người ta đồn Nhiếp Diệc có một cậu em họ kém cỏi, đoán chừng chắc là cậu này.

Giản Hề nhìn tôi, cô rặn ra một nụ cười, khi cười lên thì trên khóe miệng có hai lúm đồng xu, càng tăng thêm vẻ dễ thương, cô ấy cất giọng ngọt ngào: “Chị Nhiếp, mới sáng sớm mà đã đến đây quấy rầy thật là ngại quá, tối hôm qua em say rượu, sáng nay tỉnh lại cũng hơi đau đầu, Nhiếp Nhân đưa em lên Mộc Sơn tản bộ, tiện đường ghé qua thăm Nhiếp Diệc.” Ăn nói vô cùng lễ độ, tiến lùi hợp lý. Mẹ Nhiếp Diệc thích cô ấy cũng phải. Tôi nói: “Tôi cũng ở nhờ một đêm thôi, chắc chút nữa Nhiếp Diệc quay về đấy, hai người chờ chút ha.” Nhiếp Nhân cười lạnh nói: “Ở nhờ một đêm?” Ánh mắt như phóng ra lửa: “Cô là người quen của anh tôi?”

Rốt cuộc tôi cũng hiểu vì sao hắn tức giận, tôi nói: “Ừm.” Hắn nói: “Cô!” Tôi nói: “Mũ là của anh cậu, dép cũng vậy.”

Hắn cả giận nói: “Cô còn chưa có bước qua cổng nhà họ Nhiếp chúng tôi.” Tôi suy nghĩ một chút, hỏi hắn: “Cậu không ủng hộ tôi phải không?” Hắn lạnh giọng: “Đương nhiên là không ủng hộ!”

Tôi nói: “Được rồi.” Hắn nhắc lại: “Được rồi? Phản ứng kiểu gì vậy? Được rồi?” Tôi kinh ngạc: “Không phải sao?”

Hắn nói: “Tôi không ủng hộ cô, bác gái cũng không ủng hộ cô! Cô chỉ là người thừa thôi.” Tôi do dự nhìn hắn một cái, hỏi hắn: “Chắc bây giờ tôi nên khóc nhỉ?” Giản Hề đứng một bên thấp giọng khuyên Nhiếp Nhân: “Anh đừng như vậy, chẳng phải trên đường chúng ta đã nói rồi sao…” Không biết bọn họ trên đường đã thoả thuận cái gì nhưng Nhiếp Nhân quả nhiên im miệng. Giản Hề miễn cưỡng cười một cái với tôi, như là khó lòng mở lời, cuối cũng cũng lên tiếng: “Chị Nhiếp, có thể nói chuyện riêng với chị vài phút không?”

Khang Tố La sớm đã truyền vài kinh nghiệm cho tôi, nói rằng người nganh ngạnh thì không lo nhưng người mềm mỏng mới thật đáng sợ, Nhiếp Nhân thẳng như ruột ngựa, có tức giận cũng không thèm che dấu thì tôi còn biết đương đối phó, nhưng Giản Hề hành xử như vậy tôi lại không có cách nào từ chối, đang định gật đầu thì cửa chính đột nhiên bị đẩy ra, Nhiếp Diệc mặc bộ đồ thể thao đi vào phòng khách, lấy khăn mặt lau mồ hôi, ngẩng đầu nhìn tôi: “Phi Phi, nước.” Tôi khập khiễng đi rót nước cho anh, anh hơi sửng sốt: “Quên mất là chân em đang đau, cứ để đó anh tự lấy.” Tôi khập khiễng lui về.

Bầu không khí trong phòng khách rất cổ quái, Nhiếp Diệc đứng đằng kia không nhanh không chậm uống nước, một lúc sau, anh đặt ly nước xuống, khăn mặt vắt lên cổ, nhàn nhạt nói với Giản Hề và Nhiếp Nhân: “Hai người không quen cô ấy, không cần nói chuyện riêng.” Giản Hề nhu hòa nói: “Đúng là không đặc biệt cần, chỉ là nhìn qua chị Nhiếp có vẻ là người tốt,” nhẹ giọng nói tiếp: “Em đã khuyên dì rồi,” cô ấy gượng cười: “hơn nữa sau này chị Nhiếp sẽ gả vào nhà mình, trước sau gì cũng qua lại với nhau.” Trong lúc đó Nhiếp Diệc vẫn im lặng như là chăm chú lắng nghe những gì cô ấy nói. Giản Hề vừa dứt lời, anh nhẹ nhàng nói: “Sau này mấy người cũng không cần qua lại với nhau, cứ như vậy đi.”

Cuộc nói chuyện này đến đó thì chấm dứt, vừa như hàm chứa rất nhiều tin tức mà cũng vừa như không, bao nhiêu dấu chấm hỏi hiện lên trong đầu tôi. Nhiếp Diệc quét mắt nhìn tôi một cái, hỏi tôi: “Ăn sáng xong chưa?” Tôi gật đầu.

Anh nói: “Để tôi kêu tài xế đưa em đi bệnh viện.” Thẳng cho đến lúc tôi rời khỏi, Nhiếp Nhân và Giản Hề vẫn đợi trong phòng khách, đột nhiên tôi nhớ lại lời kể của Đồng Đồng, nói là Nhiếp Diệc, Nhiếp Nhân cũng Giản Hề, ba người họ chơi với nhau từ nhỏ đến lớn. Nhiếp Nhân vừa mới nói, tôi là một người thừa. Người thừa, cái từ này thực sự có rất nhiều thâm ý.