Trọng Sinh Tên Ta Là Lâm Đại Ngọc

Chương 21



Bảo Ngọc chính là loại người không náo nhiệt không chịu được, thấy bọn chị em mở thi xã, vẫn thiếu Tương Vân, lập tức liền không thoải mái, hôm sau quấn quýt lấy lão thái thái, đòi đón nàng đến chơi. Lão thái thái đương nhiên không còn cách nào khác, đành sai người hôm sau đến đón Tương Vân. Ta cũng cao hứng, nàng biết chuyện thi xã, lập tức đòi xem những bài thơ làm lần trước.

Mọi người bắt nàng cũng phải làm một bài, nếu hay, sẽ cho vào, còn không, sẽ phạt nàng mời một bữa rượu rồi mới nói chuyện. Tương Vân nói: “Các người đã quên mời tôi, tôi chưa trách các người đâu, lấy vần hạn ra đây, tôi tuy không tài cán gì, nhưng cũng tình nguyện làm xấu mặt một phen. Nếu cho tôi vào hội, thì dù là quét nhà hay thắp hương tôi cũng làm.”

Mọi người cười ầm, Tương Vân cũng không nghĩ nhiều, lập tức viết ra hai bài:

I

“Hôm nọ thần tiên xuống cửa thành,

Lam điền trồng ngọc chậu xinh xinh

Sương Nga tính vẫn hay ưa lạnh,

Thiếu nữ lòng đâu nỡ dứt tình.

Tuyết ở nơi nào thu kéo lại,

Mưa từ đêm trước ngấn in rành,

Nhà thơ vui nhỏ, ngâm tràn mãi,

Nỡ để chiều hôm cảnh vắng tanh.”

II

“Thềm cỏ thông sang cửa tiết la

Này tường này chậu đẹp bao là.

Hoa vì thích sạch thành trơ trọi,

Người những thương thu dễ ngẩn ngơ.

Giọt lệ khô theo cây đuốc ngọc,

Rèm tình soi suốt bóng gương nga.

Nỗi riêng muốn ngỏ cùng dì Nguyệt,

Thềm vắng đêm mờ đã chán chưa!”

Mọi người đọc xong, mỗi người một câu, khen ngợi không thôi. “Thơ này mới đáng là thơ vịnh hải đường chứ! Thực đúng với tên hội là “Hải Đường xã”.

Tương Vân muốn hôm sau sẽ làm chủ nhà mời tiệc rượu, mọi người đồng ý, lại cùng nàng bàn luận một hồi những bài thơ hôm trước. Buổi tối, bệnh của ta đã tái phát nhiều ngày, liền bảo Tương Vân sang Hành Vu Uyển của Bảo Thoa nghỉ ngơi.

Ngày thứ hai, Tương Vân mời lão thái thái đến thưởng hoa, lão thái thái thấy nàng cao hứng, liền dẫn Vương phu nhân và Phượng tỷ đến vui cùng. Yến hội mở tại Ngẫu Hương tạ, Bảo Thoa đã chuẩn bị rượu và điểm tâm, còn có rất nhiều cua lớn. Hoá ra đến mùa cua rồi hay sao? Kiếp trước ta thích nhất là ăn cua, từ lúc đến đây ít có dịp ăn. Vì dù ở Lâm gia hay Giả phủ, đều rất chú ý ẩm thực dưỡng sinh, cho nên những đồ ăn có tính lạnh như tôm, cua ít được dùng.

Ăn một chốc, lão thái thái thấy mệt, liền về trước. Trước khi đi còn không quên dặn Tương Vân: “Đừng để Bảo ca ca và Lâm tỷ tỷ ăn nhiều, sẽ bị đau bụng.” Tương Vân dạ một tiếng, còn quay sang lè lưỡi với ta, ta chỉ cười cười tiễn lão thái thái.

Chờ chúng ta trở về, Tương Vân liền lấy ra thi đề, dùng kim ghim lên tường.

“Thứ nhất là ức cúc (nhớ cúc)

Thứ hai là phỏng cúc (tìm cúc)

Thứ ba là chủng cúc (trồng cúc)

Thứ tư là đối cúc (ngắm cúc)

Thứ năm là cung cúc (hái cúc)

Thứ sáu là vịnh cúc

Thứ bảy là là hoạ cúc

Thứ tám là vấn cúc (hỏi cúc)

Thứ chín là trâm cúc (nghe cúc)

Thứ mười là cúc ảnh

Thứ mười một là cúc mộng

Thứ mười hai là tàn cúc”

Tương Vân còn nói không có hạn vần, mọi người đều nói như vậy thật hay, nếu không sẽ rất khó. Mọi người tản ra, người ăn uống, người ngồi chơi, ai cũng thần người nghĩ thơ.

Trong nhà ngoài sân có mấy nha hoàn bà tử đang ngồi ăn, các vị tiểu thư trong viện, người ngồi câu cá, người ngắm liễu bay, lại có Nghênh Xuân nhàn rỗi dùng kim châm hoa mạt ly.

Ta uống một ngụm rượu, Bảo Thoa cũng đi tới, ta rót cho nàng một chén, Bảo Thoa không khách khí nhận lấy uống một hớp.

Xong, liền cầm cây bút đánh dấu lên đề “ức cúc” bên dưới viết một chữ “Hành”.

Ta cũng cầm bút, đến đánh dấu mục “vấn cúc” và “cúc mộng”, dưới viết một chữ “Tiêu”. Đều là thơ có sẵn, cứ việc dùng mà thôi.

Bảo Ngọc cũng cầm bút đi đến, nhận đề mục “phỏng cúc”, bên cạnh ghi chữ “Giáng”.

Thám Xuân nhận “trâm cúc”

Tương Vân đi tới, ghi chữ “Tương” bên cạnh đề “đối cúc” và “cung cúc”.

Mọi người thương nghị, bởi vì ở Sử gia có Chẩm Hà các, cho nên đặt biệt hiệu “Chẩm Hà cựu hữu” cho Tương Vân.

Ăn chưa xong bữa cơm, thơ đã hoàn chỉnh đâu vào đấy. Nghênh Xuân lấy ra một tờ giấy hoa tiên chép lại theo thứ tự đề mục, thơ người nào, bên dưới đều ghi biệt hiệu của người đấy.

ỨC CÚC

Ngóng gió tây về luống ngẩn ngơ,

Nhìn lau liễu tốt ruột vò tơ.

Vườn hoang, giậu vắng thu đâu nhỉ,

Trăng lạnh, sương trong mộng thấy chưa?

Lòng vướng vít theo đàn nhạn khuất,

Tai văng vẳng lọt tiếng chày thưa.

Thương mình gầy cũng vì hoa đấy,

Này tiết trùng dương hãy đợi chờ.

[Hành Vu quân]

PHỎNG CÚC

Gặp buổi sương tan hãy dạo chơi,

Thôi đừng rượu thuốc đắm say hoài

Dưới trăng hoa nở chừng bao giống,

Bên giậu thu về đã mấy nơi?

Dép nhẹ nhàng đi tình lại đượm,

Thơ run rẩy mãi hứng chưa vơi.

Hoa vàng ví biết thương thi khách,

Hứng rượu hôm nay chớ phụ người.

[Di Hồng công tử]

CHỦNG CÚC

Vườn thu cào sẵn khách rời chân,

Giồng khắp bên rào khắp dưới sân.

Nhờ được mưa đêm tươi vẻ lại,

Dính đầy sương sớm nở hoa dần.

Thu nhìn mát rượi thơ nghìn vận,

Hương rót say sưa rượu một tuần.

Thương tiếc thì nên chăm tưới bón,

Hãy cùng ngõ giếng lánh hồng trần.

[Di Hồng công tử]

ĐỐI CÚC

Trồng ở vườn riêng quý tựa vàng,

Khóm vàng khóm trắng đủ đôi hàng

Bù đầu lẩn thẩn ngồi gần giậu,

Ôm gối nghêu ngao hát những hương.

Đời được mấy người xa thói tục,

Đây là một bạn biết lòng chăng.

Bóng thu loang loáng đừng nên phụ,

Ngơ ngẩn nhìn nhau tiếc tấc gang.

[Chẩm Hà cựu hữu]

CUNG CÚC

Rượu ngọt đàn hay đón bạn hiền,

Lả lơi trên án bóng thuyền quyên.

Hương pha mùi móc người xa mấy,

Mắt ngắm cành thu sách quẳng liền.

Sương đẫm màu kia mơ chưa tỉnh,

Vườn chơi chiều nọ nhớ hay quên.

Ngông đời ta lại như ai đấy,

Đào lý xuân kia cũng biếng nhìn.

[Chẩm Hà cựu hữu]

VỊNH CÚC

Sớm tối ma thơ lẩn quất hoài,

Quanh rào tựa đá khẽ ngâm chơi.

Sương kề ngọn bút thơ giàu tứ,

Trăng rọi trên môi giọng ngát mùi.

Mối hận ngấm ngầm đề chật giấy,

Lòng thu giãi tỏ biết chăng ai?

Phẩm bình từ lúc nhờ Đào lệnh

Cao tiết nghìn thu rộn khắp nơi.

[Tiêu Tương phi tử]

HOẠ CÚC

Thơ rồi lại vẽ thực ngông cuồng,

Xanh đỏ lòng sao khéo vẩn vương?

Chụm lá vẩy ra nghìn giọt mực,

Trổ hoa nhuộm hắn mấy hằn sương

Nhạt nồng vẻ trội hoa vờn gió,

Gân guốc tay đưa thu đượm hương.

Đừng tưởng vườn đông mà hái bậy,

Dáng bình ta thưởng tiết trùng dương!

[Hành Vu quân]

VẤN CÚC

Chẳng biết thu đâu để hỏi chào,

Vườn đông lẩm nhẩm chắp tay vào.

Xa đời ngất ngưởng cùng ai đấy?

Biếng nở lừ đừ khéo chậm sao?

Vườn móc sân sương buồn kể mấy?

Nhạn về sâu ốm nhớ chăng nào?

Đừng cho không đáng cùng đời truyện,

Biết nói thì đây chuyện chút nào.

[Tiêu Tương phi tử]

TRÂM CÚC

Nay cắm mai trồng bận suốt ngày,

Lầu gương nào phải ngắt về bầy,

Yêu hoa công tử thành đeo bệnh,

Ngông chén Đào công lại quá say.

Tóc ngắn móc giây đường hẻm lạnh,

Khăn đầu hương nhuộm hạt sương bay.

Mắt đời ưa thích gì cao khiết.

Họ vỗ tay cười cũng mặc thây.

[Tiêu Hạ khách]

CÚC ẢNH

Gương thu từng lớp ngất lưng trời,

Lẩn lút trong vườn dạo bước chơi.

Đèn vướng hàng song rời rạc chiếu,

Trăng luồn khe giậu lập loè soi.

Bóng còn thoảng đó hồn dừng lại,

Sương vẩn in đây mộng tỉnh rồi.

Giữ lấy mùi thơm đừng xéo nát,

Mắt say nhập nhoạng mặc thây người.

[Chẩm Hà cựu hữu]

CÚC MỘNG

Bên rào say giấc tiết thu trong,

Trăng đấy hay mây hãy đợi cùng.

Hoa bướm tiên nào màng Tất lại,

Nặng thề bạn nhớ những Đào công.

Mơ màng theo nhạn đàn xao xác,

Sửng sốt thương sâu tiếng não nùng,

Tỉnh giấc, nỗi niềm ai đã tỏ?

Cỏ khô khói lạnh ngổn ngang lòng!

[Tiêu Tương phi tử]

TÀN CÚC

Móc đọng sương rơi luống phũ phàng,

Chén mừng tiểu tuyết tiết vừa sang.

Cuống vàng nhàn nhạt hương thoang thoảng,

Lá héo lơ thơ nhánh ngổn ngang.

Trăng xế nửa giường sâu rít giọng,

Mây đùn nghìn dặm nhạn thưa hàng.

Thu sau lại hẹn ta cùng gặp,

Tạm biệt xin lòng chớ vấn vương!

[Tiêu Hạ khách]

Mọi người xem bài nào khen bài đấy, tán dương nhau mãi không thôi. Lý Hoàn nói lần này, Tiêu Tương phi tử đứng đầu, ta vội vàng từ chối, cảm giác xấu hổ vô cùng, nghe những lời khen không thuộc về mình, chỉ có thể thay mặt Đại Ngọc nhận lấy. Cả nhà lại bình một hồi, thấy đói bụng lại cho người mang cua lên ăn.

Bảo Ngọc có hứng, liền làm một bài vịnh cua:

“Dưới bóng quế, càng cầm tay,

Ngông lên gừng dấm chua cay thưởng tràn.

Vương tôn sẵn rượu càng ham,

Anh chàng không ruột, bò ngang đi đời!

Quên của lạnh, mải ăn hoài,

Mùi tanh tay dính rửa rồi vẫn tanh.

Người đời chỉ thích ăn sành,

Kìa Pha Tiên cũng lo quanh suốt đời.”

Ta biết hôm nay chưa xong việc, bèn đem bài thơ cuối cùng viết ra:

“Giáo trường giáp sắt còn đây,

Nếm mùi trên chỗ mâm bày sáng choang.

Ngọc non đầy ắp đôi càng,

Mai chồi đỏ chói, mùi hương ngát lừng.

Đẫy đà tám vế còn chăng,

Giúp vui nghìn chén, ai nâng đến mời?

Gặp khi ngon miệng đẹp trời,

Quế vờn vã gió, cúc cười cợt sương.”

Bảo Thoa thấy vậy cũng hưng trí, bèn viết:

“Chén mời dưới bóng quế đồng,

Trùng dương khao hát, khắp vùng Trường An.

Trên đường nào thấy dọc ngang,

Khen chê chỉ thấy đen vàng trông ra.

Rửa tanh rượu với cúc xoa,

Muốn phòng chứng lạnh thì ta thêm gừng,

Vò dốc cạn mùi còn chăng?

Bến trăng kia những lúa lừng mùi thơm.”

Mọi người xem xong, đều nói đây quả thực là bài vịnh có một không hai, Bảo Thoa cũng thật có tài hoa.

Ở thế giới này, cơ hội duy nhất để nữ tử thể hiện tài hoa chỉ có thể là cùng tỷ muội trong nhà làm thơ luận thơ. Nghĩ đến những người hôm nay ngồi đây còn cùng nhau vui vẻ nói cười, sau này ai nấy đều ly tán bạc mệnh, ngay cả chính ta cũng không chắc chắn đi đâu về đâu, cũng không biết sẽ thế nào, không khỏi có chút ảm đạm.

Tan hội, mọi người tự quay về viện mình nghỉ ngơi. Tối đến, lại tụ họp ở chỗ lão thái thái, Phượng tỷ bỗng nhiên nhắc tới một lão bà bà tự nhận là họ hàng đến nhờ cậy Giả phủ. Lão thái thái muốn gặp, lòng ta biết, nhất định là già Lưu rồi. Bà là một trong số những nhân vật lương thiện ít ỏi của Hồng Lâu Mộng, ta chờ đợi đã lâu.

Mấy hôm sau quả nhiên già Lưu đến thăm thật, tuổi tuy lớn nhưng tinh thần vẫn tốt lắm, không thể phúc hậu đẫy đà như lão thái thái, nhưng vẫn rất khoẻ mạnh. Bà tiến vào, bị đám tỷ muội chúng ta trẻ trung mỹ mạo làm mê mắt, bối rối thỉnh an lão thái thái, miệng nói: “Chúc cụ khoẻ mạnh muôn tuổi!”

Lão thái thái cho người nâng dậy, lại bảo vợ Chu Thuỵ mang ghế cho ngồi, hai vị cao tuổi ngồi hàn huyên nói chuyện phiếm.

Phượng tỷ thấy lão thái thái thích, liền giữ già Lưu lại ăn cơm chiều, cho tắm rửa thay y phục, rồi lại đưa sang hầu chuyện lão thái thái. Già Lưu cũng là người biết nhìn sắc mặt người khác, liền kể chút chuyện thần tiên, Bồ Tát cho lão thái thái nghe. Lão tổ tông nghe xong quả nhiên cao hứng, liền giữ già Lưu ở lại chơi mấy ngày.

Bảo Ngọc lại chỉ quan tâm đến câu chuyện về cô nương rút củi ngoài trời tuyết, đợi lúc vắng người, mới lôi già Lưu sang một bên hỏi. Ta biết hắn đang hỏi cái gì, cũng biết vừa rồi già Lưu vì muốn nịnh lão thái thái mà bịa ra chuyện kể. Vừa tức vừa buồn cười, cũng không để ý nữa, mặc kệ hắn hoa si, ta cùng mọi người về Đại Quan Viên đi thôi. Bảo Ngọc cũng quá mức hoang tưởng rồi, ở chỗ nào nghe thấy có nữ tử mỹ mạo phong nhã, liền tơ tưởng không thôi, còn hận không thể đem tài nữ khắp thiên hạ về nhà mình, cũng thật khiến người ta phát nghẹn. Đại Ngọc là tài nữ, còn là tiên tử đầu thai, sao lại toàn tâm toàn ý với một nam nhân như vậy, có thể thấy tình yêu đều là mù quáng