Trái Tim Em Thuộc Về Đất

Chương 3



Ấp Undern, với những ô cửa kính nhỏ, ủ rũ quay mặt về phương Bắc. Đó là nơi mà những ảnh hưởng và ma lực đều chẳng tốt lành gì. Thậm chí là giữa tháng Năm, khi những bông tử đinh hương rộ lên sắc tím, tỏa bóng trên bãi cỏ, làm không khí thấm đẫm hương thơm; khi những chiếc lá dịu dàng hôn nhau âu yếm; khi những con chim két hót vang trời, thỏa sức lao vút từ độ cao xuống độ sâu của không gian xanh, và lại cất tiếng hót lanh lảnh – thì vẫn có gì đó ám ảnh nơi này khiến tim ta run rẩy. Không một chỗ nào ở đây có thể được coi là chốn riêng tư, và chỗ nào bị ám bởi sự ồn ã xưa cũ nhiều nhất thì chỗ ấy lại có sức quyến rũ mạnh mẽ nhất.

Ở Undern, bất kể chuyện gì xảy ra thì vẫn đều đều xảy ra; người nào đã từng sống ở đó giờ vẫn còn ở đó. Bãi cỏ dưới những tán cây rên rỉ trước nỗi đau cũ, hoặc vì những niềm vui đã mất vốn thê lương hơn cả nỗi đau trong cái cách nhại lại sự bất tử của chúng.

Chỉ vào giữa mùa hè những ô cửa sổ mới tắm trong ánh bình minh và hoàng hôn; khi đó chúng trông như bị nhuốm máu, nhìn đăm đăm ra bầu trời thanh khiết như những con mắt đỏ sọng, đui mù. Bên dưới tán đỗ quyên dày cộm và trong ánh mặt trời lén lút len lỏi xuống đám cây thủy tùng, đàn muỗi nhỏ li ti bí mật nhảy múa. Sự chuyển động yếu ớt của chúng khiến khu vườn càng thêm u tịch; sự nhỏ nhoi của chúng khiến khu vườn trĩu nặng nỗi buồn; đời sống ngắn ngủi của chúng khiến khu vườn trở nên già cỗi hơn gấp bội. Khi ấy hồ Undern đầy những bóng lá trông như vô số những cái lưỡi đang thè ra, còn mùi của bùn thì làm ô uế bầu không khí – nửa thì ngòn ngọt, nửa lại khiến người ta buồn nôn. Những bụi cây bị cắt cụt và đám ống khói xiêu vẹo tạo thành những cái bóng tối đen như tháp chuông trên cỏ, còn những cây hoa hồng lớn, đẹp trong cảnh đìu hiu, thì phô ra những bông hoa đỏ trắng, chen huých với đám cẩm tú cầu và những cụm hoa cơm cháy trông như những chiếc đĩa trắng. Anh đào rơi xuống vườn với sự đơn điệu không đổi, vẫn với số phận ấy, hệt như những giọt máu. Chúng nằm dưới những gốc cây chi chít nấm cho tới khi đám gà mái tới ăn, mổ sắc đẹp rực rỡ của chúng một cách rụt rè và thích thú giống như cái cách cuộc đời đã làm với trái tim của một nhà thơ. Trong vườn rau, đám gà mái lại thong thả thưởng thức bữa tiệc bên dưới khóm lý gai đỏ sum suê cành lá. Trong bức tường sa thạch bao quanh khu vườn bầy ong bắp cày mải mê làm tổ trong yên lặng, còn húng tây bà oải hương thì đã mọc um thành rừng, xóa sổ cả lối đi cũ. Đàn gia súc ngủ gà ngủ gật trên đồng cỏ, bầy chim đậu trong những tán cây rậm rạp; cụm hoa hiên rũ xuống như đám con gái lạc thú; nguyên lý cốt lõi của cuộc sống dường như ngủ say. Chính là lúc này, khi mùi hương của hoa tàn, của quả nẫu, của bùn và của gỗ thủy tùng nồng nặc, nơi này toát lên một trong những đặc điểm rất riêng của nó – một đặc điểm có tính gây nghiện và kích dục.

Vào mùa đông, thủy tùng và linh sam trông như những chiếc lông chim trong đám tang đang ve vẩy và giống những nữ thần không đầu mặc áo choàng; khi đó những cây sồi lớn sẽ choảng nhau một cách điên loạn và, cúi gập thân, quất mình vào lớp băng trên hồ Undern và quật đen đét vào những bức tường nứt toác, như những kẻ chìm đắm trong cơn mê cuồng của sự hung ác. Đặc điểm thứ hai của Undern là tính tàn bạo. Những ai ở Undern vào mùa đông thảy đều như đã nằm dưới mồ, bị tuyết dày và sương giá cầm tù, hoặc gào lên trong câm nín vì gió táp. Vào một đêm tháng Giêng ngôi nhà dường như nằm ngoài cả không gian lẫn thời gian; sự chuyển động chậm chạp đáng ngại bắt đầu xuất hiện bên ngoài những ô cửa sổ mù lòa, và sự mềm mịn không gì thay đổi được của tuyết, trở nên nhòa nhạt trong đêm tối mênh mông, chôn mùa hè xuống sâu hơn bằng mối đe dọa mơn trớn không gì khuất phục được.

Nửa cánh cửa trước ngôi nhà được lắp kính để từ bên ngoài người ta có thể nhìn thấy một ngọn nến đang chập chờn cháy, và ngọn nến ấy trông cô độc đến khôn tả, giống như một con sâu phát sáng đang tìm lối thoát khỏi một chiếc hộp tẩm chất gây mê hay như một người đang tìm đường lên thiên đàng. Chỉ có bốn ô cửa sổ được thắp sáng, và chỉ hai ô được thắp sáng cùng lúc. Đó là ô của phòng khách của Jack Reddin, và cửa sổ phòng bếp của Andrew Vessons, và phòng ngủ riêng của họ.

Reddin, ông chủ của ấp Undern, không quan tâm nhiều đến sự từ bi trong cuộc đời hay những khúc cuồng tưởng đáng thương và những bi kịch khủng khiếp. Gã không có thời gian cho mấy thứ tầm phào như thế. Săn cáo, phối giống ngựa, và hiểu biết về các loại cũi là vốn sống của gã. Gã cứ thế tiến thẳng về phía trước, sống cứng rắn, rèn luyện khả năng sáng tạo qua công việc và thấy vậy là tốt. Mỗi năm ba lần, tại chỗ ngồi dành cho người của ấp Undern ở nhà thờ Wolfbatch, gã tuyên bố sẽ tiếp tục sống cuộc đời nghiêm túc, đứng đắn và ngoan đạo. Vào những lúc ấy, dưới ánh sáng màu hổ phách hắt ra từ cửa sổ đang nhảy nhót trên mái đầu gọn gàng của gã, khuôn mặt khá lạnh lùng của gã, như các cô gái nhà Clomber ở Wolfbatch nói, trông “thật hào hiệp, thật kiêu hãnh”. Khi họ và gã nói chuyện với nhau, các cô gừ gừ như một đàn mèo vờn chuột. Cô em vẫn đi săn, cố tìm cách gò cái cơ thể được vỗ béo quá đà của mình vào thói quen săn bắn, và thường cưỡi ngựa với cái mồm rộng ngoác và vẻ mặt khát máu dữ tợn đến mức người ta tin rằng chắc hẳn cô có nợ máu với cả loài cáo. Có lẽ, khi người ta giẫm lên một vệt máu đỏ thẫm, cô nghĩ mình đang giẫm đạp lên một số phận tàn ác bằng cách nào đó đã khiến đời cô thiếu vắng niềm vui; có lẽ, khi xả thịt một con vật bé nhỏ, cô hình dung mình đang xé tan những thế lực không thể chế ngự được của tình yêu và cái đẹp. Dù sao chăng nữa, cô chưa bao giờ bỏ lỡ cơ hội được gặp ông chủ của Undern, và cô cùng chị mình chưa bao giờ chấm dứt cuộc chiến thầm lặng dai dẳng giữa họ để tranh giành Reddin, người trước giờ vẫn phớt lờ họ, coi họ như mấy bà cô. Tất nhiên, gã thấp kém hơn họ, thấp kém hơn rất nhiều – gần như không hơn gì một gã nông phu, nhưng dẫu sao gã vẫn là một người đàn ông.

Reddin cứ tiếp tục cái cung cách đáng ngờ và hổ thẹn đó, còn người đàn bà tên Sally Haggard sống trong ngôi nhà tranh ở thung lũng lòng chảo lại chiếm ưu thế nhờ sắc đẹp mà những quý cô nhà Clomer sẵn sàng đem tất cả gia tài của họ ra để đổi lấy.

Kẻ ngụ cư còn lại của Undern, lão Andrew, thì sống quanh quỹ đạo của riêng mình, và hoàn toàn không được ông chủ đếm xỉa tới. Lão cắt tỉa đám thủy tùng – thành hình những con công, hình mâm xôi, và những chiếc bàn – hai lần một năm. Lão đang tỉa một cây thủy tùng thành hình thiên nga. Lão đã dành ra hai mươi năm trời cho công trình đó, và ấp ủ hi vọng sẽ hoàn thiện nó trong vài năm tới, khi những cành con phát triển đầy đủ thành chiếc mỏ thiên nga. Lão chưa bao giờ nghĩ nơi này không thuộc về lão, chưa bao giờ nghĩ sẽ phải rời khỏi đây. Mùa xuân lão có việc của mùa xuân, mùa thu lão có việc của mùa thu; vào mùa đông lão vẽ việc ra để làm trong nhà; và mùa hè, cũng giống như hầu hết mọi thứ ở nơi này, lão rơi vào trạng thái lơ mơ gà gật. Lão ngồi bên chiếc bàn bếp ố bẩn, nứt toác (chiếc bàn mà lão hiếm khi lau, và là cái bàn lão dùng để thử dao, chặt xương, thái thịt) và ngủ suốt những buổi chiều trong tiếng vo ve không dứt của lũ ruồi.

Khi Reddin gọi, lão hiếm khi trả lời, và chỉ hạ cố đến gặp gã khi lão cảm thấy chắc chắn mệnh lệnh gã sắp đưa ra là hợp lý.

Mọi lời của lão đều lấp lửng nước đôi, mọi động thái của lão đều mang tính chê bai dè bỉu. Reddin chẳng thèm để ý. Vessons đáp ứng những nhu cầu của gã, và gã luôn có những bữa ăn ngon miệng. Vessons là người độc thân. Ở một vùng nông thôn thừa thãi tình dục, chế độ ẩn tu đã tìm được một môn đồ trầm lặng nhưng cuồng dại. Nếu có lúc nào đó Vessons cảm thấy sự hiện diện của lão ở một nơi phối giống ngựa là trớ trêu, thì lão cũng chẳng bao giờ hé răng nói ra điều đó. Mím chặt môi với vẻ bất tán thành, lão lẳng lặng làm công việc của mình như thể lão nghĩ Tự nhiên nợ lão sự hàm ơn vì sức chịu đựng của lão trước cách nó vận hành. Tư lự và dè bỉu, lão đi tới đi lui trong lãnh địa đẹp đẽ tăm tối, xách xô thức ăn cho lợn hoặc thùng đựng tro hoặc đẩy xe ba gác đầy phân ngựa. Bụi đất trú ngụ trong những nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt lão, và lúc nào lão cũng quấn một miếng giẻ rách quanh vết đứt chân, đứt tay hay chỗ da bị phồng rộp. Lão là một con người cô đơn, như lão đã có lần nói với chính mình vào dịp hiếm hoi khi lão ngà ngà say tại quán Vũ Khí Của Thợ Săn; lão “không có mẹ, không có bố, không có con cái”. Lão thích sống đơn thân như thế hơn là sống với những mối ràng buộc gia đình. Lão sống với Reddin bởi vì lão và gã không bao giờ chuyện trò với nhau trừ khi cần thiết, và bởi vì lão không quan tâm đến Reddin và Reddin cũng chẳng thèm quan tâm đến lão.

Nhưng với ấp Undern thì lão không dửng dưng. Những mối dây ràng buộc ăn sâu như rễ cây bìm bìm, chắc như bộ rễ sồi chạm đến tận lớp bùn của hồ Undern, đã níu giữ lão ở đây với trang ấp này, làm kẻ nô lệ của cái đẹp mà lão không thể hiểu, của sự khiếp sợ mà lão không thể diễn đạt bằng lời. Khi lão lê bước trên những lối đi đầy bùn đất, “gieo khoai tây” hay cuốc đất; khi lão xén cỏ với một bông hoa hồng cài trên mũ trông kỳ dị và nực cười hơn bao giờ hết; và khi lão rung cho cây táo rụng theo cái kiểu hài hước khó ưa, như muốn nói. “Đấy! cái cây này, mi có quả thì phải chịu để người ta rung chứ sao!” – những lúc như thế lão có vẻ giống một thế lực vô hình hơn là một con người. Bởi vì, dầu cá tính của lão mạnh mẽ, cá tính của trang ấp này còn mạnh mẽ hơn. Một nửa con người lão là của đất, với tâm hồn của chuột sóc và bọ cánh cứng, lão là chất nguyên sinh tạo nên một nhà thơ tình cảm nồng nàn với nơi này.