Tình Yêu Định Mệnh

Chương 2: Giải thích sao đây khi trời mưa



VÀO NGÀY THÁNH MÊĐA(1) THÌ

MƯA BỐN MƯƠI NGÀY LIỀN

Như chúng tôi đã kể ở chương trên, chàng trai ấy là tín đồ đạo Tin lành và chàng báo trước là trời sắp mưa.

Sự việc ban đầu thật rất bình thường, các độc giả sẽ thấy:

Chàng trai tóc hung dạo bước dọc bờ sông có vẻ đang chờ đợi một bạn trai hoặc một bạn gái. Từng lúc chàng dừng lại nhìn mặt nước rồi sau khi chán nhìn nước, chàng nhìn thảm cỏ; cuối cùng chán nhìn thảm cỏ, chàng ngước nhìn bầu trời.

Ta có thể thấy rõ đó là cử chỉ đơn điệu nhưng phải thừa nhận là vô hại. Nhưng một vài kẻ mừng lễ hội theo cách của họ lại cảm

(1)Ngày lễ thánh mồng 8 tháng 6

thấy khó chịu trước cách mừng lễ hội Lăngđi của chàng trai này. Rất nhiều gã thị dân lẫn một số học sinh và thợ thủ công lại lộ hẳn vẻ bực dọc trước việc chàng trai không hề chú ý tới họ.

- A! -Một giọng thiếu nữ thốt lên – Em không tò mò nhưng em muốn biết vì sao người đàn ông trẻ tuổi kia lại say sưa nhìn nước, nhìn đất, nhìn trời liên tục như thế.

- Em muốn biết chuyện này à, Pêret của trái tim anh? -Một gã thì dân trẻ vừa lẳng lơ uống rượu vang trong cốc của thiếu nữ nọ vừa uống tình yêu trong sóng mắt ả.

- Đúng thế, Lăngđri, em sẽ tặng cho ai nói cho em biết điều này một chiếc hôn mãnh liệt.

- A! Pêret, đối với một phần thưởng thật ngọt ngào như vậy, anh muốn em đòi hỏi một việc gì khó hơn kia.

- Em lại thích thế cơ.

- Em hãy cho anh bằng chứng của em?

- Bàn tay em đây.

Gã thị dân trẻ tuổi hôn bàn tay thiếu nữ rồi gã đứng lên.

- Em sẽ được biết chuyện này –Gã nói.

Kẻ được thiếu nữ gọi tên là Lăngđri liền đứng lên và đi gặp người ngắm cảnh đơn độc và câm lặng.

- Chà chà! Thưa ngài trẻ tuổi –Gã nói với chàng – Tôi không dám ra lệnh cho ngài nhưng muốn hỏi vì sao ngài lại nhìn bãi cỏ như vậy? Ngài đã mất vật gì chăng?

Chàng trai nhận ra người này nói chuyện với mình liền quay lại, lễ phép ngả mũ chào và đáp lại người hỏi hết sức lịch thiệp:

- Ngài nhầm đấy, thưa ngài, tôi có nhìn bãi cỏ đâu mà nhìn sông đấy.

Sau khi thốt ra vài lời này, chàng xoay qua hướng khác.

Lăngđri hơi chưng hửng: gã không chợ đợi câu trả lời lễ phép như vậy. Sụ lễ độ ấy làm gã xúc động. Gã quay lại nhóm của gã, gãi tai:

- Thế nào?-Pêret hỏi gã.

- Này, chúng mình lầm rồi – Lăngđri trả lời, vẻ khá thiểu não -Hắn không nhìn bãi cỏ đâu.

- Vậy hắn nhìn gì?

- Hắn nhìn sông nước.

Họ phá lên cười vào mũi viên sứ giả làm gã đỏ mặt vì xấu hổ.

- Và anh đã không hỏi vì sao hắn lại nhìn sông chứ?-Pêret nói.

- Không – Lăngđri trả lời - hắn ta xử xự thật lễ độ đối với anh làm anh nghĩ rằng sẽ thật sơ suất để hỏi hắn câu thứ hai.

- Hai cái hôn cho ai sẽ đi hỏi hắn vì sao hắn nhìn con sông – Pêret nói.

Ba hoặc bốn gã ham thích liền đứng lên. Nhưng Lăngđri nói rắng chính gã đã làm việc này thì để chính gã sẽ kết thúc.

Người ta công nhận lời tuyên bố của gã là chính đáng.

Vậy là gã quay trở lại với chàng trai tóc hung và hỏi lần thứ hai.

- Chà chà! Thưa ngài trẻ tuổi, tại sao ngài lại nhìn sông như vậy?

Cảnh cũ lại tái diễn. Chàng trai ngả mũ quay lại và đáp, vẫn lễ độ với kẻ hỏi mình:

- Xin ngài thứ lỗi, thưa ngài, tôi có nhín sông đâu, tôi nhìn trời đấy chứ!

Nói xong chàng trai chào gã và quay sang hướng khác.

Nhưng Lăngđri lúc đầu bị lúng túng bởi câu trả lời lần thứ hai giống như đã bị bối rối trước câu trả lời lần thứ nhất, tin rằng danh dự của gã bị xúc phạm và nghe thấy những tràng cười rộ của các bạn gã, gã lại thấy can đảm nắm lấy vạt áo chàng học sinh:

- Thế thì, thưa ngài trai trẻ - Gã khẩn khoản – xin ngài làm ơn nói cho tôi biết vì sao ngài nhìn trời?

- Thưa ngài- Chàng trai đáp- Xin ngài vui lòng cho tôi biết vì sao ngài hỏi chuyện này?

- Thế thì tôi sẽ xin giải thích thẳng thắn với ngài, thưa ngài trẻ tuổi.

- Ngài hẳn làm tôi vui lòng thưa ngài.

- Tôi hỏi ngài chuyện này vì những người của nhóm tôi cảm thấy bị châm chọc thấy ngài từ một giờ nay đứng bất động như một cái cọc và vẫn chỉ một hành động ấy.

- Thưa ngài – chàng học sinh trả lời- tôi đứng bất động vì tôi đợi một bạn thân của tôi, tôi đứng vì có đứng như vậy tôi mới nhìn thấy anh ấy từ khá xa. Vì anh ấy chưa đến, tôi lo lắng chờ đợi anh ấy và sự e ngại mà tôi cảm thấy đã đẩy tôi bước đi, tôi nhìn xuống đất để tránh giày của tôi không bị những mảnh bình rải rác trên bãi cỏ làm rách; rồi tôi nhìn sông để thư giãn sau khi đã nhìn đất, cuối cùng tôi nhìn trời để thư giãn sau khi đã nhìn sông.

Đáng lẽ gã thì dân coi sự giải thích rõ ràng như thế, có nghĩa là đúng sự thật trong sáng và giản dị thì gã lại cho rằng mình bị giễu cợt nên mặt đỏ bừng như những cây mào gà mà ta trông thấy đỏ rực trong những cánh đồng cỏ và đồng lúa mì từ xa.

- Và ngài có tính rằng, thưa ngài trẻ tuổi – Gã thị dân vừa thúc ép vừa chống tay lên hông trái vẻ khiêu khích và ngả người ra sau – ngài có tính đến việc ngài dành khá nhiều thì giờ vào cái trò chướng tai gai mắt này không?

- Tôi tính sẽ dành thì giờ vào việc này cho tới khi nào bạn tôi tới gặp tôi, thưa ngài nhưng…

Chàng trai ngước nhìn trời.

- Tôi không tin rằng tôi có thể chờ đợi sự hài lòng của anh ấy…

- Tại sao ngài không chờ đợi nữa?

- Bởi vì có một cơn mưa dữ dội sắp đổ xuống, thưa ngài, mà cả ngài, cả tôi, cả bất cứ ai đều không thể ở lại giữa trời trong mười lăm phút nữa.

- Ông nói rằng trời sắp mưa ư? – Gã tư sản nói với vẻ một người tin rằng người ta giễu cợt mình.

- Mưa rào, thưa ngài! – Chàng trai bình thản đáp.

- Hẳn là ông muốn đùa cợt đấy hẳn, hỡi người trẻ tuổi.

- Tôi xin thề với ngài tôi không hề muốn thế chút nào thưa ngài.

- Vậy thì ông muốn nhạo tôi phải không?- Gã thị dân giận dữ hỏi.

- Thưa ngài, tôi xin nói với ngài rằng tôi không hề có ý nào muốn đùa cợt với ngài cả.

- Vậy tại sao ông lại nói với tôi rằng trời sắp mưa trong lúc trời đang quang đãng như thế này? – Lăngđri gầm lên, ngày càng nổi giận.

- Tôi nói trời sắp mưa vì ba lý do.

- Ông có thể cho tôi biết ba lý do ây chứ?

- Xin sẵn sàng nếu điều đó làm ngài vui long.

- Điều đó làm tôi hài lòng.

Chàng trai lễ phép cúi mình vẻ ngụ ý “ông thật dễ thương thưa ông, nên tôi không có điều gì phải khước từ ông cả”.

- Tôi chờ nghe ba lý do của ông đây – Lăngđri nói, bàn tay nắm chặt lại và nghiến chặt răng.

- Lý do thứ nhất thưa ngài – Chàng nói – đó là hôm qua trời không mưa nên là lý do để hôm nay trời mưa.

- Ông nhạo báng tôi đấy hử, thưa ông.

- Không chút nào cả.

- Vậy thì chúng ta hãy xem lí do thứ hai.

- Lý do thứ hai là trời bị mây che phủ suốt đêm qua, suốt cả sớm mai và còn bị che phủ trong lúc này.

- Đây không phải là một lý do vì để trời mưa thì trời phải đầy mây, ông nghe rõ chứ?

- Ít ra đó là một khả năng.

- Nào, hãy xem lý do thứ ba của ông: chỉ có có điều tôi báo trước cho ông biết là không khá hơn hai lý do trên thì tôi nổi giận đấy.

- Nếu ngài nổi giận, thưa ngài, thì đó là vì ngài có tính cách đáng ghét đấy.

- A! Ông nói là tôi có tính cách đáng ghét phải không?

- Tôi nói là còn tùy theo điều kiện chứ không phải ngay lúc này.

- Lý do thứ ba, thưa ông, lý do thứ ba?

Chàng trai xoè bàn tay ra.

- Lý do thứ ba để trời mưa, thưa ngài, đó là trời mưa.

- Ông đoán rằng, trời mưa ư?

- Tôi không đoán, mà là khẳng định.

- Thật không thể tha thứ được- Gã tư sản không nén nổi thốt lên.

- Chỉ lát nữa chắc chắn sẽ xảy ra như vậy- chàng trai nói.

- Ông tin rằng tôi sẽ chịu đựng được điều này hử? – Gã thì dân tức điên người thét lên.

- Tôi tin rằng ngài sẽ không chịu đựng được điều đó hơn tôi – Chàng học sinh nói- và nếu tôi có một lời khuyên cho ngài thì đó là ngài hãy làm như tôi sắp làm là đi kiếm một chỗ trú ẩn.

- A! Thật quá quắt,- Gã tư sản gào lên và quay lại nhóm tư sản của gã.

Gã nói với tất cả những ai nghe được tiếng gã:

- Mọi người hãy lại đây! Hãy lại đây, cả những người khác nữa!

Gã thị dân tỏ ra cực kì hung hăng làm cho ai nấy nghe tiếng gọi của gã đều chạy lại.

- Có chuyện gì thế?- Những mụ đàn bà giọng chua như dấm hỏi.

- Chuyên gì xảy ra à?- Lăngđri cảm thấy được ủng hộ nói – Có những chuyện không tưởng tượng nổi xảy ra.

- Những chuyện gì thế?

- Chuyện là có một người hoàn toàn muốn tôi nhìn thấy sao giữa trưa.

- Tôi xin lỗi ngài, thưa ngài – Chàng trai nói hết sức nhã nhặn – trái lại, tôi đã nói với ngài rằng bầu trời đã bị mây che khủng khiếp.

- Đúng là một bộ mặt, thưa ông học sinh, ông có nghe thấy không? Đúng là một bộ mặt.

- Trong trường hợp này, đó là một bộ mặt xấu xa.

- Ông nói rằng tôi có bộ mặt xấu xa hả? – Gã thị dân rống lên chói tai do máu gã bốc lên tai nên đã nghe nhầm hoặc cố ý nghe nhầm – A! Thật quá quắt! Thưa quý vị, các vị có thấy là cái gã kì cục này đang giễu cợt chúng ta ư.

- Giễu cợt ư - Một tiếng nói cất lên – Chà, có thể đấy.

- Với tôi cũng như với ông, với tất cả chúng ta đây, đó là một tên đùa giỡn xấu xa muốn tiêu khiển đã nghĩ đến điều tồi tệ là mong muốn trời mưa để gây trò tinh quái đối với tất cả chúng ta.

- Thưa ngài, tôi xin thề với ngài rằng tôi không hề mong muốn trời mưa, xét rằng nếu trời mưa, tôi sẽ bị ướt đẫm như ngài và ở mức độ lớn hơn nhiều vì tôi cao hơn ngài tới tám đến mười phân

- Có nghĩa rằng ta là một giống chó nhỏ hả?

- Tôi không nói một lời nào như thế, thưa ngài.

- Một tên lùn hả?

- Đây là một lời nguyền rủa vô cớ. Ngài cao trên một mét sáu mươi, thưa ngài.

- Ta không hiểu cái gì giữ ta lại để không ném mi xuống nước! Lăngđri gào lên.

- A! Đúng đấy, ném xuống nước đi! Quẳng xuống sông đi! - Nhiều tiếng nói cất lên.

- Khi ngài ném tôi xuống nước, thưa ngài – Chàng trai nói với vẻ lễ độ bình thường – thì ngài cũng không kém bị ướt đẫm hơn.

Qua câu trả lời này chàng trai đã tỏ ra chỉ riêng chàng có trí tuệ hơn mọi người đã làm cho mọi người quay lại chống chàng. Một gã cao lớn sáp lại nửa giễu cợt, nửa đe doạ:

- Này, tên ác nhân – Gã nói với chàng - tại sao mày dám nói trời mưa trong lúc này hả?

- Bởi tôi cảm thấy có những giọt mưa.

- Mưa nhỏ giọt – Lăngđri thét lên – không có mưa thế mà nó nói là sắp có mưa lớn.

- Vậy là mày a tòng với một kẻ chiêm tinh hả? – Tên cao lớn hỏi.

- Tôi không a tòng với một ai cả, thưa ông – Chàng trai trả lời, bắt đầu nổi giận – cũng không cả với ông là người đã xưng mày tao với tôi.

- Quẳng xuống nước đi! Quẳng xuống nước đi! - Nhiều tiếng nói gào lên.

Thế là chàng học sinh cảm thấy giông tố nổi lên dữ dội liền nắm hai bàn tay lại chuẩn bị chiến đấu. Vòng người bắt đầu dày đặc vây lấy chàng.

- Này! - Một người mới tới nói – Mêđa(1) đấy!

- Mêđa là cái thá gì? - Nhiều tiếng hỏi cất lên.

- Đó là vị thánh mà hôm nay đúng là

(1)Mêđa: là giám mục, sinh ở Salăngxi năm 456. Ông mất ngày mồng 8-6-545.

ngày giỗ đấy - Một gã vui nhộn nói.

- Được! - Một gã nhận ra chàng trai liền nói – tên này không phải một vị thánh vì nó là một tên tà giáo.

- Một tên tà giáo! – Đám đông thét lên – Hãy ném tên tà giáo xuống nước đi! Hãy quẳng tên tín đồ Tin lành xuống sông đi! Ném tên vô đạo xuống nước đi!

Mọi tiếng nói đồng thanh nhắc lại:

- Quẳng xuống nước đi! Quẳng xuống nước đi! Quẳng xuống nước đi!

Chính những tiếng la ó này làm gián đoạn lễ hội mà chúng tôi đang miêu tả.

Đúng lúc ấy, Thượng đế như thật sự muốn đem đến cho chàng trai sự cứu giúp mà chàng rất cần tức là người mà chàng chờ đợi, một hiệp sĩ đẹp trai trạc hai mươi hai tuổi có bộ mặt cao sang như một quý tộc và qua dáng điệu rõ là một người ngoại quốc. Con người mà chàng trai chờ đợi như chúng tôi đã kể đang hối hả chạy đến, xuyên qua đám đông đã ở cách bạn chừng hai mươi bước chân đúng lúc chàng trai bị túm cả trước sau, cả chân lẫn đầu, giãy giụa hết sức mình.

- Cậu hãy giữ mình, Mêđa! – Người mới đến kêu to - Cậu hãy bảo vệ mình!

- Các người hãy coi đó chính là Mêđa! - Người vừa nói với chàng trai đó là to.

Coi việc mang cái tên ấy là một tội lỗi, cả đám đông gào lên:

- Ừ, Mêđa đấy! Ừ, Mêđa đấy! Hãy ném Mêđa xuống nước đi! Quẳng tên tà giáo xuống nước đi! Quẳng tên tín đồ Tin lành xuống nước đi!

- Làm sao một tên tà giáo lại dám cả gan mang danh một vị thánh vĩ đại như thế! – Pêret thốt lên.

- Quẳng tên phạm tội bất chính xuống nước đi!

- Và những kẻ đã tóm bắt Mêđa khốn khổ liền lôi chàng tới mép sông.

- Cứu mình với, Rôbơc! – Chàng trai kêu lên cảm thấy không thể chống đỡ nổi đám đông này và thây cái chết đã tới tột đỉnh của trò đùa.

- Ném tên kẻ cướp xuống sông đi! - Những mụ đàn bà gào thét, nổi cơn tam bành trong sự thù hằn cũng như trong tình yêu.

- Cậu hãy giữ mình, Mêđa! - Người lạ mặt vừa rút kiếm ra vừa hét lên - Cậu hãy giữ mình, mình đây!

Dùng bản kiếm quật bên phải, bên trái đám đông, chàng lăn mình trên thảm cỏ như một tảng băng. Nhưng chàng đến vào lúc đông nghẹt người và những cố gắng của chàng muốn đám đông này phải giãn ra đã trở nên vô ích: họ nhận đòn, rống lên vì đau đớn nhưng không giãn ra. Sau khi rống lên vì đau đớn thì họ rống lên vì điên dại.

Người mới đến với âm giọng lạ làm ta có thể nhận ra đó là người Êcôtxơ, quật đập túi bụi nhưng không thể tiến lên nổi hoặc nhúc nhích được chút ít và ban chàng sẽ nằm dưới nước trước khi chàng đến gần bạn. Hai mươi nông dân và năm, sáu gã lái đò trà trộn trong đám đông. Chàng Mêđa khốn khổ cố sức cấu những bàn tay, dùng chân đá hậu, nghiến răng nhưng mỗi giây chàng lại bị lôi đến gần mép sông.

Chàng trai xứ Êcôtxơ chỉ còn nghe thấy những tiếng kêu la của bạn chàng mỗi lúc một sát mép nước. Chàng không kêu nữa mà gầm lên và cứ mỗi tiếng gầm thét thì bản kiếm hoặc đốc kiếm của chàng lại giáng vào một cái đầu. Đột nhiên những tiếng la thét rộ lên gấp bội rồi là một sự im lặng, ta nghe thấy tiếng một thân hình nặng nề rơi tùm xuống nước.

- A! Lũ kẻ cướp! A! Lũ sát nhân! A! Lũ giết người – Chàng trai thét lên tìm cách đến sát con sông để cứu bạn hoặc chết cùng bạn.

Nhưng vô ích. Muốn xô đổ một bức tường đá hoa cương thì cũng y hệt như đối với bức tường thành sống này. Chàng lùi lại mệt lử, răng nghiến chặt, mép sùi đầy bọt, trán đẫm mồ hôi. Chàng lui đến đỉnh dốc để nhìn qua đầu đám đông nhưng chàng không thấy đâu Mêđa nhô lên mặt nước. Đứng trên đỉnh dốc, tay đặt trên đốc kiếm, khi không còn thấy gì xuất hiện nữa, chàng đưa mắt nhìn xuống đám đông hung hãn; ghê tởm nhìn bọn người ác độc này.

Đứng một mình, mặt tái xanh trong y phục màu đen, chàng giống như một thiên thần hủy diệt gập cánh lại để nghĩ ngơi chốc lát. Nhưng chỉ một lát sau, cơn điên lại sục sôi trong lồng ngực chàng như dung nham trong núi lửa đã dâng lên nóng bỏng tận đôi môi chàng.

- Tất cả lũ ngươi là đồ kẻ cướp – Chàng nói - tất cả lũ ngươi đều là sát nhân, tất cả bọn ngươi là đồ ô nhục! Các ngươi lấy bốn mươi người để sát hại, để dìm xuống nước một chàng trai khốn khổ không hề làm điều gì xấu cho các ngươi. Ta thách đấu với tất cả bọn ngươi. Bọn ngươi có bốn mươi người hãy lại đây, ta sẽ lần lượt giết cả bốn mươi, kẻ trước kẻ sau như lũ chó là bọn ngươi!

Bọn nông dân, tư sản và học sinh nhận được lời mời chết chóc ấy không ngăn nổi nỗi lo ngại sẽ có được sự may mắn trong một cuộc chiến đấu bằng gươm dáo với một con người tỏ ra sẵn sàng sử dụng kiếm một cách quyết liệt như thế. Thấy thế, người Êcôtxơ khinh miệt tra kiếm vào vỏ.

- Hỡi lũ đốn mạt! các ngươi là những kẻ vừa hèn nhát vừa đê tiện- chàng xoè bàn tay lên đầu đám đông nói tiếp – Nhưng ta sẽ trả thù cho cái chết ấy bằng cách ít khốn nạn như các ngươi bởi vì các người không xứng đáng với lưỡi gươm của nhà quý tộc. Vậy hãy lùi lại, bọn thô bỉ xấu xa! Và mưa, và mưa đã có thể tàn phá ruộng nho của các ngươi, làm đổ rạp mùa màng của các ngươi bằng cách mưa trút xuống cánh đồng của các ngươi số ngày bằng số người của bọn ngươi đã giết hại chỉ một người.

Thật không chính đáng nếu để vụ giết người này không bị trừng phạt, chàng rút ở thắt lưng ra một khẩu súng ngắn cỡ lớn bắn vào giữa đám người không cần ngắm. Chàng nói:

- Phó mặc cho Trời!

Trong tiếng súng nổ, tiếng đạn rít lên và một tên trong số người vừa xô đẩy chàng trai xuống nước thốt lên một tiếng kêu rên, đặt bàn tay lên ngực, lảo đảo và đổ sập xuống chết tươi.

- Còn nay, chào tạm biệt! – Chàng nói – Các ngươi sẽ còn nghe đến tên ta hơn một lần nữa. Tên ta là Rôbơc Stuya.

Vừa nói dứt lời này thì những đám mây chồng chất trên bầu trời từ sáng sớm đột nhiên vỡ ra và như chàng Mêđa tội nghiệp đã từng báo trước, một trận mưa như thác đổ chưa từng xảy ra trong các mùa mưa.

Những nông dân tất nhiên chạy đuổi theo chàng khi thấy những lời nguyền rủa của chàng trong chốc lát thực sự có hiệu qủa; nhưng tiếng sấm rền, nước tuôn xối xả thành thác, ánh chớp loá mắt như báo cho họ biết ngày tận thế buộc họ phải bận tâm hơn sự trả thù, tức là lúc này, tất cả mọi người đều mạnh ai nấy chạy.

Mưa trút ròng rã bốn mươi ngày không rớt.

Chính vì lẽ đó, thưa độc giả thân mến, chí ít chúng tôi tin rằng khi trời mưa vào ngày lễ thánh Mêđa thì mưa tầm tã bốn mươi ngày liền.