Tiên Cô Bảo Kiếm

Chương 52: Bày trận cự địch



Trong trường kịch đấu, Kim Giáp Thần Hoắc Vạn Thanh và Phần Sương Báo Đằng Cao là dữ dội nhứt, bọn họ nội trong mười chiêu đầu chẳng ai chịu nhường ai nửa bước, trực tiếp nghênh chưởng nghe ầm ầm.

Sau một chưởng vừa dứt, Đằng Cao mặt đỏ rần lên thét dài một tiếng, rồi xông tới như con báo say máu tung tiếp một chưởng trí mạng vào giữa ngực Hoắc Vạn Thanh.

Hoắc Vạn Thanh vội đưa chưởng lên chống đỡ, thế nhưng lúc này chân khí trong người tiêu hao không ít, một chưởng phát ra nhưng lực bất tòng tâm, “bình” một tiếng, cả người bị bật mạnh về sau, ngực tợ hồ như vừa bị trúng một quả chùy ngàn cân, khí huyết đảo ngược không gượng lại nổi, chân lảo đảo thoái lùi sáu bảy bước.

Đằng Cao một chưởng đắc thủ, cười vang ha hả vô cùng đắc chí :

- Chẳng ngờ danh chấn thiên hạ Kim Giáp Thần chẳng qua cũng chỉ...

Nhưng hai tiếng “có thế” cuối câu chưa kịp nói ra hết, thì Kim Giáp Thần như con mãnh hổ trúng thương, dồn hết toàn bộ chân lực cuối cùng vào hai quyền, phóng cả người lao vào thí mạng.

Kim Giáp Thần vừa mới trúng một chưởng cực mạnh giờ lại lao vào với tốc độ kinh hồn thực nằm ngoài suy nghĩ của Đằng Cao, khi lão phát hiện ra thì cả người như chết khựng lại.

Chỉ vừa kịp đưa tay lên thủ trước ngực, thì “bình” một tiếng long trời đất, cả người tung hẳn lên khỏi mặt đất văng về sau tầm hai trượng rơi phịch xuống đất.

Hoắc Vạn Thanh vừa rồi trong cơn cực nộ đã dốc hết toàn lực mấy mươi năm khổ luyện vào một chưởng kết liễu đối phương này, cho nên khi Đằng Cao bắn người về sau thì Hoắc Vạn Thanh cũng không gượng lại được, hộc ra một vòi máu tươi, đồng thời ngã khụy xuống đất.

Ngọc Huyền Tử giám sát đấu trường thấy vậy liền phất tay ra hiệu cho hai môn đệ áo xám chạy đến đỡ lấy người Hoắc Vạn Thanh mang lùi về sau.

Huy Khâm Nghiêu lập tức lấy ra bình thuốc trị thương mà trước đó Vô Trụ thiền sư đã trao cho ông, mở lấy thuốc nhét vội vào mồm Hoắc Vạn Thanh.

Nên biết Hoắc Vạn Thanh trong người bị trúng “Tán công độc”, vừa rồi nhân đấu với Đằng Cao liền chín mười chưởng, độc tính đã phát tác, đến chưởng trí mạng cuối cùng, đã dốc hết bình sinh chân lực, cho nên nội tạng bị chấn động mạnh, xem ra nội thương chẳng nhẹ tí nào.

Lúc này, đấu với Bách Bộ Thần Quyền Viên Quảng Kiệt là Kiền Khôn Thủ Đồng Thế Xương cũng đã hơn ba mươi chiêu, nhân công lực bị thất tán cho nên trúng phải một quyền của Viên Quảng Kiệt vào vai, bật người về sau bốn năm bước, ngã người trên đất.

Viên Quảng Kiệt lúc ấy đắc thủ cười gằn một tiếng, rồi không bỏ lỡ cơ hội, nhảy người tới định bồi tiếp thêm một quyền kết liễu đời đối phương.

Đúng lúc ấy chỉ thấy hai bóng xám lướt tới chắn ngang trước mặt Đồng Thế Xương, kiếm múa tít vun vút bảo vệ.

Trong thế đánh tới cực nhanh không thâu hồi lại được, quyền của Viên Quảng Kiệt tuy đánh bật được hai tay kiếm thủ Võ Đương, thế nhưng gã cũng bị trúng một kiếm vào cánh tay, “ái” lên một tiếng rồi bật ra sau.

Hai tay kiếm thủ chỉ bảo vệ cho Đồng Thế Xương, để một kiếm thủ khác lo dìu Đồng Thế Xương về sau, rồi cũng tự động rút lui, không ham đánh nhau với Bách Bộ Thần Quyền Viên Quảng Kiệt.

Có thể nói trường huyết chiến đã đến đỉnh đầu, nguyên do cũng chỉ vì người của Bát đại môn phái đều trúng phải “Tán công độc”, nên quyết tốc chiến tốc thắng, ngoài ba mươi chiêu chỉ e khó kháng cự nổi.

Đến như Thương Cảnh Vân đấu với Lang Sơn Nhất Bái Sách Nghị Phu cũng đã thấy chuyển biến mạnh.

Thương Cảnh Vân rất cơ cảnh, thấy đối phương vừa cản kiếm của mình thì đã kịp phát hiện đối phương thuận tay ra chưởng, cười nhạt một tiếng rồi cũng tung tay trái một chưởng ra chống đỡ.

“Bốp” một tiếng âm trầm, hai chưởng đụng nhau, cả Sách Nghị Phu lẫn Thương Cảnh Vân đều bị chấn lùi về sau một bước.

Thương Cảnh Vân thường ngày cũng có tính tự thị tự cao, lúc này trực đấu chưởng với một nhân vật thuộc hàng bàng môn tả đạo, đương nhiên không coi vào đâu, nhưng chẳng ngờ một chưởng này song phương bình thủ, thì không khỏi giật mình kêu lên :

- Đại Lực Kim Cương chưởng!

Nguyên là Đại Lực Kim Cương chưởng phát ra vô thanh vô sắc, nội lực tiềm tàng ngay tại chưởng tâm, đến khi tiếp xúc với chưởng của đối phương thì mới bộc phát ra.

Sách Nghị Phu sau khi dùng tay trái tiếp Thương Cảnh Vân một chưởng, chuyển chiếc tiêu sang tay trái, cười hì hì nói :

- Thương chưởng môn nhân tiếp huynh đệ một chưởng nữa xem.

Nói rồi vận kình lực vào tay phát chưởng đánh ra.

Một chưởng đánh ra rất chậm, thế nhưng nhìn thì cũng biết ngay là Bích Không chưởng, nhưng thực chất bên trong có chỗ không giống.

Nên biết, Bích Không chưởng mỗi lần xuất ra kình phong cực mạnh, chưởng xuất là đã nghe tiếng kình, thế nhưng một chưởng đánh ra của Sách Nghị Phu vẫn âm nhu nhẹ nhàng.

Thương Cảnh Vân thân phận Chưởng môn nhân của một đại môn phái, đương nhiên đã nhận ra chỗ khác lạ này, thế nhưng cũng không nhường đối phương, dương thủ lên tiếp chiêu của đối phương.

Thế nhưng, khi hai chưởng chạm nhau, Thương Cảnh Vân bỗng nhiên cảm thấy trong cổ kình phong của đối phương còn hàm ẩn thêm một cổ kình phong sắc mạnh thứ hai, bất giác trong đầu chấn động mạnh, vội thốt lên :

- Í, Thôi Tâm chưởng!

Thương Cảnh Vân mấy mươi năm luyện kiếm đến độ tinh thâm, kiếm thông tâm, tâm động kiếm động, khi nãy bị cổ kình lực thứ hai chấn động mạnh vào tâm tạng, ý không nghĩ mà tự phát theo tâm, vung mạnh kiếm lên một đường.

Sách Nghị Phu thi thố đắc thủ một chưởng Thôi Tâm chưởng, còn chưa hết mừng, nằm mộng cũng không ngờ trong một tíc tắc ấy đối phương đột nhiên ra kiếm.

Nên biết, thông thường người ta hoặc ra chưởng và kiếm hai chiêu cùng một lúc, hoặc kiếm ra trước rồi nhân cơ đánh ra chưởng sau, đó là nguyên lý ra kiếm không cần vận nhiều kình lực, nhưng khi đã ra chưởng, kình lực toàn bộ tập trung ra kiếm vốn đã khó mà đề tụ chân lực vào kiếm càng khó hơn.

Lúc này tay trái nắm ống tiêu, vốn dụng tiêu bằng tay phải, đương nhiên trong cơn nguy cấp cũng vung tiêu lên cản đường kiếm lại, nhưng không thể nào điêu luyện và mạnh được bằng tay phải.

Chưởng tiếp xúc không phát ra thành tiếng nổ, nhưng khi cả người Thương Cảnh Vân bị chấn động bật ngược về sau thì cũng chính là lúc kiếm dụng hết tầm.

“Keng”

“Phựt”

Một tiếng binh khí chạm nhau kèm theo một tiếng chém ngọt.

Rồi một tiếng rú thảm thiết....

Thương Cảnh Vân bắn người rơi về phía sau, thì Sách Nghị Phu cũng bị chém xả một đường từ bả vai xuống đến tầm ngực, máu tuôn thành vòi ngã xuống, mắt còn trợn trừng như chưa kịp hiểu chuyện gì vừa xảy ra, đã tử mệnh tại đương trường.

Thương Cảnh Vân chân khí gần như cạn kiệt, phải chống kiếm gượng người lại nhưng đầu óc quay cuồng tối sầm rồi cũng thả người lăn quay trên đất.

Gần như cùng lúc này, đấu với Cửu Chỉ La Hán Chúc Tường Phù là Du Long Thần Kiếm Sử Truyền Đỉnh, đấu với Tương Tây song thi Bân Lôi, Bân Điện là Hoài Nam Tử Tế Triết Phu và Dịch Thanh Lan, đấu với Ngũ Xoa chân nhân và Phi Hồng Dực Sĩ, bốn người trước sau bị công lực thất tán đành phải bỏ đấu rút về sau cố thủ.

Bát đại môn phái rõ ràng là càng đấu càng bị thiệt hại nhiều, thế địch tự nhiên càng lúc càng dũng mãnh, tạo thành một áp lực rất lớn.

Ngọc Huyền Tử đứng giám sát đấu trường, nhìn thấy Thương Cảnh Vân chân lực thất tán, người đứng lên không nổi, vội vàng phái người ra dìu về sau, trong lòng lão lo lắng vô cùng. Nếu tình hình cứ như thế này thì tất cả mọi người sẽ bỏ mạng tại đây chớ chẳng nghi.

Thương Cảnh Vân sau khi được dìu về, xoa bóp án ma một hồi thì thần trí tĩnh lại, giọng thều thào nói :

- Ngọc Huyền đạo huynh hãy gọi mọi người thối lui. Đối phương đã ngầm thi gian kế, chúng ta càng động thủ thì độc tính càng phát tác nhanh, lúc này thoái lui tập trung tìm đường đột phá vòng vây mới hy vọng thoát nạn...

Ngọc Huyền Tử nói :

- Đạo huynh cứ tạm thời nghỉ ngơi, tình hình trước mắt chỉ sợ muốn ngừng lại cũng không còn kịp nữa rồi.

Thương Cảnh Vân thở dài than :

- Đây là đại kiếp vận!

Đương nhiên phải hiểu rằng, các cao thủ của Bát đại môn phái đến phó hội hôm nay đều là trụ cột của võ lâm Trung Nguyên, nếu như hôm nay bọn họ không bị đối phương hạ “Tán công độc” thì chẳng bao giờ bị thua nhanh đến như vậy.

Hiện tại trước mắt chỉ còn lại bốn người đang quyết đấu với Hỏa Linh Thánh Mẫu, Vô Trụ thiền sư đấu với Chúc Thiên Tùng, Mạnh Đạt Nhân đấu với Đoàn Bá Dương và Cam Huyền Thông đấu với Lạc Ban Đình.

Lại nói Võ Lâm Đại Lão Tống Trấn Sơn một kiếm trong tay chẳng khác nào rồng được gió, vùng vẫy kinh hồn, thế nhưng không ngờ đấu đến ngoài bốn mươi chiêu mà vẫn không hạ nổi Hỏa Linh Thánh Mẫu.

Trong đầu Tống Trấn Sơn lúc đấu nảy ra hai điều đáng nghĩ :

- Một là vừa rồi tận mắt chứng kiến Chúc Thiên Tùng khi đấu với Tống Văn Tuấn đã phá giải được Tống gia bách kiếm. Thứ hai là mọi người đã bị trúng “Tán công độc” của đối phương, nếu dốc toàn lực quyết đấu thì nội trong năm mươi chiêu, nếu không thắng được đối phương, khi mà chân lực bị thất tán thì cái bại sẽ là điều chắc chắn. Đến như bản thân lão là người có nội lực tinh thâm hàng thượng thừa, mà nhiều lắm cũng chỉ nằm trong bảy tám chục chiêu là nhiều.

Cho nên trong lòng ông ta có hai đường suy tính. Thứ nhất mỗi khi động thủ thì xuất chiêu phải là sát chiêu, nhất định trong vòng hai mươi chiêu phải hạ cho được Hỏa Linh Thánh Mẫu. Thế nhưng sau khi giao thủ với Hỏa Linh Thánh Mẫu thì mới biết là đối phương chẳng những công lực tinh thâm mà kiếm pháp tựa hồ như cũng kỳ dị vô cùng. Xem ra kế này không thông được. Chỉ sợ hiện tại đấu với bà ta phải ngoài năm trăm chiêu mới phân thắng bại.

Suy tính thứ hai là cố kéo dài trận đấu không thi triển chân lực, tránh cùng đối phương tiếp chiêu mà chỉ hóa giải, hoặc tránh né kiếm của đối phương mà thôi.

Hiện tại thì lão đang chọn phương sách thứ hai để đấu với Hỏa Linh Thánh Mẫu.

Lại nói Vô Trụ thiền sư cũng có suy tính giống như Tống Trấn Sơn, thanh trường kiếm trong tay thi triển Đạt Ma kiếm pháp thế rất uy mãnh, nhưng bên trong rất ít tụ nội lực, đấu nhau xem như bình thủ với Chúc Thiên Tùng.

Mạnh Đạt Nhân và Cam Huyền Thông phân đấu với hai tay Tả Hữu hộ pháp.

Mạnh Đạt Nhân vốn đa mưu túc trí nên cũng nhận ra tình hình lúc này, địch đông mình ít, đã vậy người nào cũng bị ngầm trúng “Tán công độc”, cho nên trong lúc đấu với Đoàn Bá Dương chỉ những lúc bất đắc dĩ mới tiếp chiêu của đối phương, còn lại đều né tránh hoặc hóa giải chiêu mà thôi.

Cam Huyền Thông nhất thân sở học so với Chưởng môn sư huynh Trịnh Huyền Phong có phần kém hơn, nhưng kiếm trong tay thi triển Bát Quái kiếm cũng thần tốc kỳ ảo không kém, có điều ra kiếm lấy tốc độ làm loạn kiếm đối phương là chính, chứ không tụ chân lực nhiều, cho nên đấu với Lạc Ban Đình cũng xem như bình thủ.

Đoàn Bá Dương người lùn thấp, nhưng sử dụng thanh trường kiếm dài gần như cùng với người lão, lúc này đánh rất hăng.

Mạnh Đạt Nhân chỉ nương theo thế kiếm đối phương mà hóa giải. Lão vốn thành danh với kiếm Lục Hợp kiếm pháp, nguyên lý lấy nhu khắc cương, mặc cho đối phương tấn công ào ạt, nhưng kiếm trong tay Mạnh Đạt Nhân lúc nào cũng hòa hoãn theo kiếm đối phương quấn lấy dứt không ra, điều đó khiến cho Đoàn Bá Dương càng thêm tức giận, mũi thở phì phì.

Mạnh Đạt Nhân cười thầm trong lòng, chính lúc này Thương Cảnh Vân hạ được Sách Nghị Phu thì cười lên hì hì cố tình nói lớn :

- Cam huynh, Thương chưởng môn đã lấy tiết tên họ Sách rồi, chúng ta đấu với hai tên hộ pháp này, cũng nên kiếm chút huyết của chúng mới được.

Cam Huyền Thông đương nhiên hiểu tâm ý, liền gật đầu phá lên một hồi cười nói :

- Hảo chúng ta phải thâu thập hai con chó cậy chủ cắn càn này.

Đoàn Bá Dương quả nhiên nghe vậy thì điên tiết gầm lên :

- Mạnh sói. Ngươi thật là lớn mồm, ông vặn cổ ngươi. Xem kiếm.

Mạnh Đạt Nhân thấy đối phương trúng kế phẫn nộ thì chỉ cười nhạt.

Khi thấy Đoàn Bá Dương vung tay kiếm chém mạnh vào bằng cả hai tay, hết sức bình sinh thì mừng khắp khởi. Kiếm chỉ thuận theo kiếm đối phương mà gạt nhẹ ra ngoài, quả là cao thủ dùng “tám lạng bạt thiên cân”.

Khi kiếm đối phương bị gạt chếch ra ngoài, thừa lúc đối phương hở sườn liền phóng chỉ theo chữ Hợp điểm vào huyệt Kỳ Môn dưới nách của Đoàn Bá Dương.

Lục Hợp thần chỉ là môn công phu cực kỳ lợi hại, xưa nay vốn thành danh “Thần chỉ” trong biệt môn này, huống hồ gì Đoàn Bá Dương bị chọc giận nên chỉ muốn lấy một kiếm trực đấu với đối phương, hở sườn quá rõ, khi ấy muốn nhảy né cũng không kịp.

“Hự” một tiếng, Đoàn Bá Dương cả người rung mạnh lên như quả cầu bị kim đâm vào ngã long lóc trên đất, thanh kiếm cũng rớt lăn theo người.

Mạnh Đạt Nhân không ham truy kích, đắc thủ liền nói lớn :

- Cam huynh, chúng ta không nên đấu nhiều.

Quả nhiên Cam Huyền Thông cũng tung người nhảy ngược về sau, để lại một mình Lạc Ban Đình đứng khựng người ngơ ngác.

Cả đấu trường giờ chỉ còn lại hai cặp là Tống Trấn Sơn đấu với Hỏa Linh Thánh Mẫu và Vô Trụ thiền sư đấu với Chúc Thiên Tùng.

Bát đại môn phái lúc này thêm Mạnh Đạt Nhân và Cam Huyền Thông còn bảo toàn chân khí tháo lùi phòng thủ, cho nên cũng cảm thấy lực lượng có phần mạnh lên một chút.

Hỏa Linh Thánh Mẫu nhìn thấy tình hình toàn đấu trường thì tức giận thét lên :

- Các ngươi là đồ ăn hại, còn không nhanh vào tấn công. Hôm nay tuyệt đối không thể để cho bất cứ tên nào thoát khỏi nơi đây.

Một tiếng quát này cũng đủ cho bọn Lạc Ban Đình chẳng dám chần chừ, liền cùng với Cửu Chỉ La Hán, Tương Tây song thi, Ngũ Xoa chân nhân và một số lâu la khác, nhào tới La Hán trận xông đánh.

Bọn Vu bà bà, Mải Hoa bà bà Trúc Tam Cô, Liễu Thanh Thanh và Hỏa Ma Nữ, lúc này cũng đã thấy rút binh khí nhảy xuống bậc thềm hợp cùng với bọn người kia tấn công.

Trong nháy mắt tình hình hoàn toàn đấu trường vốn một đấu một, giờ trở thành một cuộc hỗn đấu loạn đả, gặp đâu chém đó.

Ngọc Huyền Tử vốn chỉ đứng giám trận và phòng thủ tuyến sau, thấy tình hình chuyển biến không ổn, lúc này cũng liền cùng Huy Khâm Nghiêu, Mạnh Đạt Nhân và Cam Huyền Thông vận động toán La Hán trận nghênh chiến ác liệt.

Đến như bọn Tống Văn Tuấn, Trúc Tam Sơn, và Trịnh Huyền Phong từ đầu đến giờ chỉ tịnh dưỡng chân khí, giờ đây cũng gượng xuất kiếm chiến đấu một mất một còn. Xem ra trường huyết chiến đã đến hồi kịch liệt gay cấn nhất.

Tống Văn Tuấn rút kiếm xông tới Liễu Thanh Thanh thét lớn :

- Tiện nhân, bổn công tử lấy mạng ngươi.

Liễu Thanh Thanh đã xâm nhập vào Thiên Hoa sơn trang dưới cái tên là Xuân Mai, bấy giờ cười nhạt la lên :

- Ngươi tưởng đây là Thiên Hoa sơn trang ư?

“Keng”, chỉ tiếp nhau một kiếm đầu, chân khí trong người Tống Văn Tuấn lập tức thất tán, khiến cả người không trụ nổi, lảo đảo về sau.

Liễu Thanh Thanh đắc thắng xông tới định kết liễu đối phương, may lúc ấy có một đệ tử Thiếu Lâm tự vung kiếm đến cản đường, coi như cứu được Tống Văn Tuấn thoát hiểm.

Trúc Tam Sơn và Trịnh Huyền Phong cũng cùng là một cánh, chỉ tiếp được Vu bà bà và Mải Hoa bà bà một chiêu thì phải thối lui, muốn đấu nhưng lực bất tòng tâm, phải nhờ người của Thiếu Lâm đến tiếp ứng mới thoát nạn.

Mười tám tay cao thủ Thiếu Lâm tự bố trí La Hán trận vốn rất mật thiết nhưng lúc này vì hỗn đấu tạo thành những nhóm nhỏ, nhưng từng nhóm họp lại cũng tạo được một sức mạnh tổng hợp đủ để cự lại đối phương. Bọn họ tất cả chỉ dùng thiết trượng, lấy trường đấu làm sở trường, không để cho đối phương kịp áp sát tới người

Một trường hỗn đấu kinh thiên động địa, chỉ thấy trước quảng trường Trích Bát thiền viện người phóng nhao nháo, kiếm vung tua tủa, trượng bát ầm ầm, cuồng phong rít gió. Thật tận mắt chứng kiến mới thấy hết sự tàn khốc của sự tranh đoạt võ lâm Trung Nguyên.

Có lẽ phải ba bốn mươi năm mới thấy lại một trường huyết chiến ghê rợn như vậy, khiến người ta nhìn không khỏi phải thở dài.

Nên biết toàn bộ người của Bát đại môn phái lúc này như cùn đường, với họ sinh tử giờ đây để ngoài tâm, chỉ biết kháng cự với lũ ma đầu lâu được chừng nào hay chừng ấy, có lẽ là kháng cự đến khi nào không còn một người nào trong bọn họ nữa mới thôi.

Trong phút chốc đã nghe thấy vài tiếng rú thê thảm vang lên, rõ ràng đã có người trúng thương ngã lăn trên đất.

Thương Cảnh Vân nhìn thấy cảnh đấu trường máu đổ thịt rơi, gượng chống kiếm đứng lên hít sâu một hơi lấy hết sức lực nói lớn :

- Chư vị đạo huynh, đừng nghĩ gì đến huynh đệ, có thể đột phá vòng vây thì tập trung phá vây thoát thân. Chỉ cần Bát đại môn phái có người thoát khỏi đây, liên hợp với tất cả võ lâm Trung Nguyên nhất định sẽ trừ khử được lũ ác ma này. Nếu như chậm chân, có lẽ ngày hôm nay phải đồng ư quy tận tại Trích Bát thiền viện này.

Một lời này lão lấy hết hơi sức bình sinh cuối cùng để nói, vang như sấm, nhưng khi tiếng nói cuối cùng vừa dứt thì cả người không gượng nổi đổ ầm xuống trên nền gạch.