Thụy Du Thiên Miên

Chương 46: Bảo Trân Truyền Thuyết Kiếm



Sáng hôm sau, Hội Tam Bảo khởi hành từ sớm. Theo như trên bản đồ của Ấn Không Đại Sư về bảo bối thứ hai ở Thổ quốc, họ phải tìm tảng đá băng vĩnh cửu trên núi Nam Cư, nơi đây đang cất giữ Huyền Bích Kiếm. 

Ra đến ngoài lều, Thuỵ Miên đi cùng với Thuý Như đã nhìn thấy Giang Hàn và Nhuận Ngọc cùng A Tảo và Thiết Ảnh đang đứng đợi bọn họ. 

Giang Hàn đang sắp xếp đồ đạc lên lưng ngựa, vẻ mặt sáng lạn tiêu sái; Nhuận Ngọc trên người vận một bộ xiêm y dân dã, tóc búi lên gọn gàng, khuôn mặt đầy đặn hạnh phúc, ánh mắt nàng ta đong đầy nhu tình, đôi má ửng hổng trong nắng sớm. Nhuận Ngọc dù phục trang đơn giản, không như lúc còn là đại công chúa của tộc nhân ngư, nhưng ở nàng lại toát ra vẻ đẹp mặn mà của người phụ nữ đang sống những tháng ngày hạnh phúc bình yên nhất. Nàng đứng cạnh phu quân của mình, thấy Thuỵ Miên và Hội Tam Bảo đến thì mỉm cười lại gần.

Nhuận Ngọc nhu mì nắm tay Thuỵ Miên nói: “Thuỵ Miên cô nương, ta biết cô và mọi người chuẩn bị rời đi. Ta và Giang Hàn cũng sẽ lên đường chu du thiên hạ; hôm nay chúng ta cũng sẽ khởi hành. Giờ ta đã là phàm nhân, không biết liệu có còn cơ hội gặp lại. Ta muốn cảm ơn cô nương và các vị đây đã hết lòng giúp sức cho phu thê chúng ta. Mối duyên này, ta đời đời nhớ mãi.”

Giang Hàn đưa tay ôm vai của Nhuận Ngọc, mỉm cười nói: “Giang Hàn và Nhuận Ngọc xin cảm tạ ơn giúp sức của các vị lần nữa. Chúng ta chúc cho mọi người lên đường bảo trọng bình an.”

Đắc Di thay mặt bái biệt: “Huynh và Trương phu nhân cũng vậy. Bảo trọng.”

Thuỵ Miên tò mò hỏi: “Huynh vẫn giữ cái tên Trương Giang Hàn?”

“Ta cả đời này sẽ không quên ân huệ của Bối Giang lão đại, nhờ có ơn cứu mạng của lão nhân mà ta còn sống, có thể gặp lại được Nhuận Ngọc. Vậy nên, ta vẫn sẽ giữ cái tên Giang Hàn mà Bối Giang đặt cho ta khi xưa.” Giang Hàn nghĩa khí nói, ánh mắt nhìn nương tử của mình chan chứa mãn nguyện.

Thuỵ Miên xiết chặt tay Nhuận Ngọc vỗ về: “Nhuận Ngọc, giờ ta phải gọi nàng là Trương phu nhân mới phải. Trải qua bao sóng gió cuối cùng nàng cũng đã được ở bên nam nhân của mình. Ta và mọi người thực tâm chúc hai người bách niên giai lão, tương kính như tân, tề nhân chi phúc(1). Mong cô nương và Giang Hàn giữ gìn. Ta tin rằng chúng ta có sẽ có duyên hội ngộ.”

(1)     Tề nhân chi phúc: cuộc sống phúc đức, nhiều con cháu

Thuý Như thì thào với A Tảo: “Ta phải đi bây giờ, ngươi cũng phải bảo trọng.”

A Tảo mắt rưng rưng: “Ta sẽ nhớ ngươi lắm. Chúc ngươi sớm hoàn thành nhiệm vụ. Khi nào rảnh, ta sẽ đến tìm ngươi. Giờ ta lên đường chu du cùng Nhuận Ngọc công chúa, ai biết sau này có đến thành Dược Trang của ngươi hay không. Nếu ta có dịp đến đó, ngươi nhớ giới thiệu công tử Mễ Lang cho ta gặp nhé.”

“Xuỵt xuỵt, Mễ Lang gì chứ. Ta nói là ta thích ăn khoai lang, khoai lang hiểu chưa?” Thuý Như vội vàng giơ hai tay lắc lấy lắc để, gương mặt đỏ bừng ngượng ngùng xoay người nhìn xung quanh.

Hội Tam Bảo đi từ thung lũng Dục Lạc đến địa giới của Thổ Quốc chỉ mất ba tuần. Trong ba tuần này, lại có thật nhiều chuyện xảy ra. 

Thứ nhất là đường đi vô cùng khó khăn, gập ghềnh sỏi đá, không được tứ thông bát đạt(1) như khi đoàn người từ Dược Trang thành đến Mãn quốc. 

(1)     Tứ thông bát đạt: giao thông tiện lợi, không có trở ngại

Chính vì vậy mà khi ngồi trong xe, Thuỵ Miên bị xóc nẩy vô số lần, có lúc còn vướng víu lao cả đầu vào thành xe, may là Mặc Cảnh nhanh tay ôm trọn lấy nàng. Những lúc thế này Đắc Di tâm tính bỗng trở nên khó chịu. Thuỵ Miên thở dài ngao ngán nhìn hắn thể hiện bản tính công tử đã quen sung sướng của mình, đòi gọi thêm một chiếc xe nữa, chia đôi Hội Tam Bảo ra thành hai nhóm. 

Đắc Di còn nói: “Ta bị thương, người vẫn chưa khỏe, ta muốn ngồi cùng xe với Thuỵ Miên, để nàng tiện bề chăm sóc.” 

Mặc Cảnh nghe vậy khinh thường phản đối: “Không có khả năng.”. Hai người tự đối tự đáp trong khi chẳng ai cho ý kiến gì khác.

Thuỵ Miên đành lên tiếng ngăn cản: “Ta biết Đắc Di ngươi vì bị thương, trong lòng khó chịu, không quen với xóc nảy trên đường nên mới vậy, nhưng chúng ta đi chung không phải tiện hơn nhiều lại đỡ gây chú ý sao? Lần này là Mặc Cảnh đúng, người đừng có vô lí nữa.” Đắc Di nhìn Thuỵ Miên muôn phần khí khổ(2) nhưng không ai có ý kiến gì, nên hắn đành chấp nhận bỏ qua.

(2)     Khí khổ: tức giận uất ức

Thuỵ Miên cũng nhân lúc đi đường rỗi rãi, không có việc gì làm mà tiếp tục sáng tác văn thơ, nhưng đường đi lại quá sóc nảy, khiến nàng đành bỏ dở ý định. Trái với vẻ hậm hực của Thuỵ Miên, Cát Uy tỏ ra đắc ý khi thấy nàng cứ đặt bút lại nghệch ngọac trên giấy mà không viết được từ nào, phải cuộn bó giấy cất đi. Vậy là thay vì sáng tác thêm truyện ngắn, nàng lại giở cuốn sách Đồ Y Thuật của Phó Kiện Đàm ra đọc. 

Điều hay là, Phó Kiện Đàm tuy ma men lại hay nói chuyện bí hiểm, trừ bài thơ bậy bạ hắn viết trên trang đầu tiên của quyển Đồ Y Thuật, thì những thông tin trong quyển sách này quả thật đặc sắc, thể hiện kiến thức rộng rãi uyên thâm của người viết. Không những lão sư miêu tả kỹ lưỡng về các loại nguyên vật liệu dùng để chế thuốc cùng hình vẽ đi kèm, Phó Kiện Đàm còn viết về vô số các loại độc, trong đó có cả chất độc mà Mộc Hải dính phải. 

Thuỵ Miên tâm đắc cuốn Đồ Y Thuật, dành nhiều thời gian chăm chú nghiên cứu. Nàng thích thú đọc những miêu tả về các loài cây cỏ kỳ lạ mà công dụng tuyệt vời, những loài này nàng chưa từng nhìn hay nghe thấy ở thế giới trước khi nàng xuyên không. Thuỵ Miên chỉ cho Thuý Như xem một đoạn nói về cây lan Tứ Tím. Lan Tứ tím bé xíu xinh đẹp, đem xay ra làm thuốc, rất dễ gây ảo giác. Trong sách lại có đoạn nói về rễ của cây thuốc Linh Quy, tuy hình thù xù xì xấu xí, nhưng có công hiệu rất tốt với những người mất lực thiếu máu. Còn rất nhiều các loại thuốc quý và cây cỏ kì lạ khiến người làm nghề y như Thuỵ Miên không khỏi mê đắm chìm mình trong cuốn sách. 

Nàng cũng thích thú nghiền ngẫm những thông tin về các loại độc dược, nhất là khi Hội Tam Bảo đang tiến vào Thổ Quốc, nơi được truyền tụng là mảnh đất trù phú của các loại độc thực vật thì việc hiểu biết về độc và thuốc giải độc lại vô cùng có lợi. Thuỵ Miên tự nhủ khi nào gặp lại Phó Kiện Đàm, nàng sẽ tặng cho lão sư thêm nhiều mẩu chuyện thú vị để thể hiện lòng biết ơn và kính hiếu. Phó Kiện Đàm lúc này đang ngồi uống rượu ở một nơi xa xôi, liên tục hắt hơi xổ mũi.

Lại nói đến, vì đường đi lại khó khăn, cả đoàn không thể tìm thấy quán xá hay bất cứ tửu lâu nào trên đường, nên trong ba tuần chu du, Hội Tam Bảo nằm gai nếm mật, ngủ bờ ở bụi, ăn uống kham khổ. 

Rắc rối thứ hai là, Đắc Di đã lần nữa tỏ tình với Thuỵ Miên làm nàng trằn trọc không thoải mái. Tối hôm thành thân của Nhuận Ngọc và Giang Hàn, khi Thuỵ Miên tìm đến trước cửa lều của Đắc Di, muốn nói lời cảm tạ vì hắn đã xả thân bảo vệ nàng nhưng lại không dám vào, Thuỵ Miên không hề biết, lúc nàng tìm đến, Đắc Di còn chưa ngủ. Thấy nàng đi lại phía ngoài cửa lều, hắn bên trong nóng lòng chờ đợi. Chỉ đến khi Bạch Hồ xuất hiện cướp nàng đi mất, Đắc Di hấp tấp xông ra ngoài mà không kịp gặp. Từ hôm đó đến nay, hắn thấy Bạch Hồ thế nào cũng không vừa mắt.

Thuỵ Miên không phải không muốn tìm đến cảm tạ Đắc Di, nhưng mỗi lần nàng muốn nói chuyện với hắn, nếu không phải do nàng tự thấy ngại ngùng, thì cũng có Bạch Hồ hay Thuý Như phá đám, rủ nàng làm cái này hoặc cái nọ. Thuỵ Miên cảm thấy rất có lỗi với Đắc Di, ân nhân của mình.

Rồi đến một ngày, khi cả đoàn dừng xe ngựa nghỉ ngơi trên con đường cát bụi mù mịt toàn sỏi đá, Đắc Di chủ động đến gặp Thuỵ Miên. 

Hắn trực tiếp bày tỏ: “Thuỵ Miên, ta có chuyện muốn nói với nàng, có thể gặp riêng được không?” Thuỵ Miên gật đầu đồng ý đi theo, cũng muốn nhân cơ hội này mà thổ lộ tấm lòng cảm kích.

Lúc chỉ còn hai người, Đắc Di nhìn nàng rồi nói: “Thuỵ Miên, khi trước ta đã giãi bày tình cảm của ta, nàng nói chưa muốn nghĩ tới chuyện nam nữ thường tình, muốn có thêm thời gian suy nghĩ. Ta chấp nhận đợi nàng. Ta cũng còn nhớ, nàng từng nói chưa tin tưởng ở ta, rằng chỉ có thể trao cho ta lòng tin khi đã cùng nhau trải qua sóng gió. Đến giờ, qua bao nhiêu chuyện, nàng liệu đã rõ tâm ý của ta?”

Thuỵ Miên mặt ửng đỏ, nhưng cũng không muốn né tránh, đây là cơ hội tốt để có thể nói rõ với hắn: “Đắc Di, ta đã biết huynh là thật lòng. Giờ thì ta đã tin. Huynh vì ta mà chịu nhiều vất vả, thậm chí suýt nguy đến tính mạng. Nếu ta còn không hiểu tình cảm của huynh, ta quả thật là người vô tâm.” Đắc Di chăm chú nghe Thuỵ Miên nói, mắt không rời khỏi, mang theo mong đợi và hy vọng.

Thuỵ Miên nói tiếp: “Ta thật sự cảm kích huynh vì ơn cứu mạng. Thật khó để có thể nói được với huynh những lời này. Thế nhưng, hiện giờ ta vẫn chưa thể cho huynh câu trả lời. Tình cảm của chính mình, ta không quản lí nổi.”

Đắc Di thoáng buồn rầu, nhìn Thuỵ Miên không bỏ cuộc: “Vậy còn Mặc Cảnh, nàng đối với hắn là thế nào?”

“Ngươi nói đi đâu vậy?” Thuỵ Miên bất ngờ hỏi lại. Đắc Di đột nhiên hỏi chuyện lạc đề, trong giọng mang theo ý giận dỗi làm nàng có cảm giác như mình là cô vợ bé ăn vụng bị bắt quả tang vậy. “Ta mới là không có ý đó. Mặc Cảnh đã có ý trung nhân. Chuyện này quả thật không liên quan đến hắn.”

Đắc Di nhìn Thuỵ Miên, nhẹ nhàng hỏi: “Vậy ư? Thuỵ Miên nàng có chút nào tình cảm với ta không, dù chỉ là một chút?”

Thuỵ Miên nhìn Đắc Di, nàng cũng đã từng tự hỏi mình như vậy. Nàng nghĩ đến cảnh Đắc Di cả người đầy máu, nhưng vẫn giơ cánh tay ra chắn trước người nàng, bảo vệ không cho ai làm hại nàng tại Mật Ngư Nhĩ, trả lời: “Bản thân ta cũng không biết thứ cảm xúc dành cho huynh có phải là tư tình nam nữ hay không. Nhưng ta với huynh trước mắt còn quá nhiều điều phải làm. Hãy đợi đến khi mọi việc hoàn thành, ta sẽ cho huynh câu trả lời, có được không?”

Đắc Di trong ánh mắt có chút an ủi: “Chỉ cần nàng có chút tình cảm với ta là ta đã vui rồi. Được, hãy để thời gian giúp ta chứng minh cho nàng, ta là thật tâm, nguyện sẽ không thay đổi.” 

Hắn nắm lấy tay Thuỵ Miên; nàng ngại ngùng nhưng không nỡ rút tay ra: “Thuỵ Miên, nhiều việc ta làm đều là bất đắc dĩ, nhưng có một việc ta cam đoan, tình cảm này của ta đối với nàng là thật lòng.” 

Thuỵ Miên ngạc nhiên thấy Đắc Di thiết tha giãi bày, như có chuyện gì đó hắn làm có thể sẽ khiến nàng hiểu lầm. Nàng suy nghĩ mãi cũng không ra, cuối cùng gật đầu trả lời: “Được, ta đã biết, hãy cho ta thêm chút thời gian…” 

Đắc Di còn định nói gì đó nữa thì Bạch Hồ bỗng lù lù xuất hiện, loanh quanh ở chân Thuỵ Miên mà õng ẽo ăn vạ.

Đắc Di vừa nhìn thấy Bạch Hồ liền lấy chân đá nhẹ vào mông nó một cái, vậy mà nó lập tức kêu gào, nằm lăn ra mặt đất, giơ bốn chân lên run rẩy đau đớn. Thuỵ Miên nhìn thấy thì vừa buồn cười lại vừa phải tìm cách giỗ dành, bế nó lên mà cưng nựng. Khi Bạch Hồ được Thuỵ Miên bế trên tay rời đi, nó ngẩng cổ qua vai nàng, ném lại cho Đắc Di ánh nhìn thách thức.

Khi đã gần vào đến biên giới của Thổ Quốc, Đắc Di giở cuộn bản đồ ra xem lại, lẩm nhẩm thông tin về Huyền Bích Kiếm: 

“Nam Cư Thổ Quốc băng sơn viễn

Huyền bích thiên kiếm đãi tâm nhân. 

(Núi Nam Cư Ở Nước Thổ có núi băng vĩnh cửu

Kiếm thần Huyền Bích đợi người có duyên đến quy phục)”

Hắn bàn bạc với mọi người: “Ngược lại so với lúc ở Mãn quốc, theo như bản đồ của Ấn Không đại sư, Hội Tam Bảo sẽ đến núi Nam cư trước, bảo vật được cất giấu trên đó. Tìm được bảo vật, chúng ta mới đi qua thành của Thổ quốc, để từ đó lên đường về Kỳ quốc.” 

Đắc Di vừa nhắc đến kinh thành của Thổ Quốc liền nhìn về phía Mộc Hải tiên sinh, hai tay tiên sinh lúc này đã nắm chặt lại thành nắm đấm.

Thuỵ Miên hỏi: “Ta nghe Bửu Toại kể rằng thanh Huyền Bích Kiếm là thanh kiếm có năng lực mạnh mẽ. Chẳng phải bảo kiếm là vật bất li thân của kiếm sĩ? Vậy các người có từng nghe nói đến một thanh kiếm nào như vậy trên giang hồ chưa?”

Cát Uy giải thích: “Tỷ hỏi rất hay. Thật ra trong giang hồ, nói về bảo kiếm hay bất kể một bảo vật gì đó có khả năng sát thương cao, tin đồn đều nhiều vô số kể, tam sao thất bản(1). Nhiều bang phái được lập nên cũng là dựa vào tiếng tăm của một vài cổ vật mà xưng bá anh hùng. Vậy nên, truyền thuyết về kiếm thuật thì rất nhiều, kiếm báu cũng xuất hiện khắp mọi nơi, thật giả lẫn lộn.”

(1)     Tam sao thất bản: chuyện được kể lại thay đổi khác đi rất nhiều

Mộc Hải liền nói thêm: “Đúng vậy, có được thanh bảo kiếm hay vũ khí tốt, chính là đã giúp kiếm sĩ có được lợi thế so với đối thủ đến hơn phân nửa. 

Vậy nên trong ba bảo bối trong truyền thuyết, thì thanh Huyền Bích Kiếm là được săn lùng nhiều nhất. Nhưng cũng chính bởi thanh kiếm quá khó tìm, mà đến giờ này, nó cũng chỉ như hai bảo vật kia, đều chỉ là câu truyện truyền miệng trong nhân gian.”

Cát Uy tiếp lời: “Chỉ có chúng ta, mới là người có khả năng tập hợp ba món báu vật, không phải chỉ vì chúng ta có bản đồ chính xác từ Ấn Không đại sư, mà còn vì ba món bảo vật này tương thông với nhau. Nếu Vọng Nguyệt Ước đã quy phục ca ca, thì sớm muộn hai bảo vật còn lại cũng sẽ về tay chúng ta”. Cát Uy nói rồi nhìn Đắc Di đầy tin tưởng và tự hào. 

Đắc Di gật đầu đáp lại, mỉm cười tự tin