Thương Mấy Cũng Là Người Dưng

Chương 8: Thương



Tôi thường dùng chữ "thương" khi nói về tình cảm đôi lứa. Là thương, chứ không phải yêu.

Vì bản thân luôn chủ quan nghĩ, tình yêu dường như đi cùng với phù phiếm tuổi trẻ và dễ dãi thốt nên thành lời; còn tình thương thì ngay từ trong cách gọi đã trải dài viên mãn và vương vọng trân trọng. Tình thương, nghe còn gần với tình thân, nên ta hoàn toàn có thể tin vào sự gắn bó sắt son, chắt chiu bền chặt của thứ thâm tình này.

Nhưng dù "thương" hay "yêu" thì bản chất tình cảm vẫn là một món nợ lớn nhất của đời người - như quan niệm nhà Phật. Và để trả món nợ đó, chúng ta không còn cách nào khác là phải gánh vác hết vào lòng những yêu thương lẫn tổn thương, những vui cùng buồn, những hân hoan với bi ai, những cái nắm tay và cả lìa bỏ... Vì tình thương. không chỉ đơn thuần là thụ hưởng, là nhận lấy, là thụ động đợi chờ sự ban phát cảm xúc, mà hơn hết, đó còn là trách nhiệm, là chấp nhận, là cho đi tất cả không nề hà được mất thua thiệt - Đến độ khi đã trắng tay, vẫn luôn muốn dành phần tốt đẹp nhất cuối cùng còn lại cho người mình thương.

Vì lẽ đó, mà tình thương, ở cung bậc nào, cũng đáng để ta sống hết mình và quên mình vì nó. Dù có thất vọng, vẫn sẽ bao dung. Dù cho phụ bạc, vẫn luôn nhẫn nhịn. Dù ai quên lãng, mình vẫn thứ tha. Dù là đoạn tuyệt, lòng vẫn bất hối. Đó mới thật đúng nghĩa tình thương chân chính - thứ tình cảm không cần báo đáp, không cần đền trả sẵn sàng trao đi toàn vẹn - dù chỉ là cho một người chung đường ngắn ngủi cùng ta.

- Thương người đơn phương -

Bạn đã có bao giờ ngồi cạnh một người mà trong lòng luôn thấp thỏm muốn nói "Tui thương người nhiều lắm" nhưng rồi lại chẳng thể thành lời? Trời ơi, cái cảm giác đó, nó cắn đắng xốn xang vô cùng!

Những cuộc tình một mình như thế, chắc đâu đó trong chúng ta cũng đã từng một lần trải qua.

Thương mà không thể nói, muốn gần bên mà biết sắp phải rời. Rồi thì những lần ngồi cạnh nhau, vai khẽ chạm gần, những ngón tay đặt hờ run rẩy muốn nắm lấy rồi thôi, nhìn vào mắt nhau để thấy cả triệu niềm vui của mình trong ấy, sau này còn biết tìm được ở đâu?

Tôi vẫn nhớ đó là những buổi chiều tháng Tám ở Prague. Tôi và M ngồi cạnh nhau trên toa tàu metro chộn rộn. Cứ thỉnh thoảng lén nhìn M rồi bắt gặp ánh mắt M cũng lém lỉnh nhìn lại mình. Hai đứa cùng cười. Rồi cúi mặt. Rồi lại lén nhìn. Rồi lại chạm vào mắt nhau. Đoạn đường cành cạch và nhá nhem của metro cứ như băng qua hàng triệu năm ánh sáng, để hai con người ngồi đó bất biến với thời gian.

Vì chẳng thể là của nhau, nên một giây một khắc cũng có khác gì một vạn hay triệu năm? Nghĩa là có những chuyện vẫn ở nguyên đấy bất kể thời gian, chẳng tiến chẳng lùi, chẳng quân lãng cũng chẳng thể mong cầu thêm. Kỷ niệm đó, tình cảm đó, tựa những chuyến đi không có chiều về.

Có phải đau nhất là khi ở cạnh một người mà mình biết chắc dù không có mình thì họ vẫn cứ đường hoàng sống tiếp? Không hề mảy may? Không hề đau lòng?

- Thương một người đáng thương-

Thương một người cũng giống như chọn mua một đôi giày.

Nếu giày dép có số, thì ắt hẳn, tình thương cũng là một phần số của riêng mỗi con người, không ai giống nhau.

Cô em gái tôi - tạm gọi là Bata - mê mẩn anh chàng Giày Tây cùng công sở. Con gái vây quanh chàng ta thì nhiều vô kể. Cũng dễ hiểu. Thành đạt, điển trai, gu thẩm mỹ tốt, lại lịch lãm bặt thiệp với mọi người xung quanh. Bata không chọn lầm người. Quan trọng là, trong mắt Giày Tây có Bata không thôi.