Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 22: Hồi bảy (4)



Thêm vài ngày trôi qua, quân Minh và quân Hồ giao tranh thêm vài trận nhỏ. Đáng ngờ ở chỗ sĩ tốt nhà Minh lúc thì hung hãn, khi thì bạc nhược, khiến người ta khó mà nhìn thấu quân tình của họ.

Hồ Xạ Hồ Đỗ thấy sự lạ, mới bẩm cáo lại với Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương. Trong soái trướng quân Hồ, người ngồi ở chủ vị đã không phải là Hồ Nguyên Trừng nữa mà là một thanh niên khác.

Người này mặc long bào màu vàng, đầu đội mão ngọc. Mặc dù tuổi đời trẻ hơn, song y trông lại già hơn Nguyên Trừng khá nhiều. Má hóp, mắt thâm đen có bọng và da dẻ có vẻ hơi tái. Trông Hồ Hán Thương như là bệnh nhân suy thận, đoán chừng là do hưởng lạc quá độ.

Khai Đại đế nghe tin thì vui mừng ra mặt, nói:

" Trời giúp Đại Ngu ta, địch quân rõ ràng đang tìm cách che mắt, muốn dùng ảo giác để kéo dài thời gian. Ta phải nhân cơ hội này phái đại quân quét tan đám người Minh ngu dốt này, khiến Hàm Tử quan một lần nữa nhuốm máu dân bắc quốc. ”

Hồ Nguyên Trừng suy ngẫm một lúc, lại can:

" Hoàng huynh chớ nóng vội, Trương Phụ là một tên cáo già dùng binh lão luyện. Nguyên Trừng sợ đây là gian kế của hắn. Thiết nghĩ… ”

Nào ngờ chưa nói dứt câu, thì Hồ Hán Thương đã sầm mặt lại:

“ Nguyên Trừng, có phải là vẫn ganh ghét với trẫm hay không? Là vì nhà ngươi sinh trước ta, nhưng lại không được vua cha truyền ngôi cho nên sinh lòng ấm ức? ”

Hồ Nguyên Trừng đáng lí là anh của Hán Thương, lại là con của chính thất Hồ Quý Li. Song vì Li cướp ngôi nhà Trần, danh bất chính ngôn bất thuận nên mới truyền ngôi cho người con thứ của mình với công chúa nhà Trần là Hồ Hán Thương. Vì là vua, nên dù sinh sau đẻ muộn Hồ Nguyên Trừng vẫn phải tôn Hồ Hán Thương làm anh, không thì dùng lễ quân - thần mà xưng hô.

“ Bệ hạ, thần luôn trung thành với Đại Ngu ta thì sao có thể có việc ấy được. Thế nhưng… ”

“ Ý ngươi là quả nhân nói láo, ngậm máu phun người đổ oan cho ngươi?! ”

Hồ Hán Thương lại híp khẽ hai mắt, trầm giọng xuống. Trong đôi mắt y thoáng hiện lên vẻ hung ác và ghen tị.

Hồ Nguyên Trừng vội quỳ một gối xuống, nói:

“ Muôn tâu thánh thượng, lòng trung của Nguyên Trừng với Đại Ngu ta có trời đất làm chứng. Nếu như thần dám hai lời, cam tâm để thiên lôi đánh chết không được toàn thây, muôn đời làm quỷ đói không được siêu sinh. ”

Hồ Hán Thương vỗ bàn, quát:

“ Ca ngợi giặc, gián tiếp hạ sĩ khí quân ta. Khá khen cho một Hồ Nguyên Trừng! Mi cũng nham hiểm lắm… Một trận thì thua tan tác, bỏ lại ba quân một mình chạy xuống Muộn Hải. Đã vậy còn để mất Thái Bình. Muộn Hải thắng lớn, song lại không truy kích quân giặc mà để chúng chạy đến Hàm Tử chỉnh đốn hàng ngũ. Nay lại ngăn cản quân ta ra trận, rõ ràng là muốn cho quân giặc có thời gian nghỉ ngơi củng cố lực lượng. Miệng thì nói trung, song bụng dạ mi thế nào? ”

Hồ Nguyên Trừng cắn răng, đang định nhận tội thì Hồ Xạ đã lên tiếng:

“ Muôn tâu thánh thượng, hai lần bại trận ấy là lỗi của toàn quân, chứ không thể trách tướng quốc được. Người đã tận lực chống giặc, lại còn trúng độc, mong thánh thượng đèn trời xét soi. ”

Hồ Đỗ cũng tiếp lời:

“ Hai trận thua, tội thằng Đỗ này không nhỏ. Nếu thánh thượng muốn phạt tả tướng quốc, chi bằng phạt Hồ Đỗ này trước đi! ”

“ Thánh thượng anh minh tự biết suy xét phải trái đúng sai, nào có đến lượt đám nô tài chúng ta chõ mồm vào? Phận làm nô tài như chúng ta, nên cẩn tuân thánh chỉ của thánh thượng mới phải. Còn như không tuân ý chỉ, tức là khi quân phạm thượng. ”

Mé phải lều có tiếng người nói oang oang. Hồ Đỗ, Hồ Xạ cùng nhìn qua, té ra là Nguyễn Tông Đỗ chứ không phải ai khác. Tướng lĩnh trong trướng cũng dần phân hoá ra làm hai bộ phận. Một số đứng về phe Tông Đỗ, phía còn lại ủng hộ hai người Đỗ Xạ bênh vực Hồ Nguyên Trừng.

Hồ Đỗ nóng tính, ăn nói chẳng mấy khi kiêng dè ai bèn quát luôn:

“ Thằng ăn mít bỏ sơ ăn cá bỏ lờ này! Nếu tướng quốc không cất nhắc, nhà ngươi có vị trí hôm nay hay không? Thế mà dám ngậm máu phun người, đổ oan cho tướng quốc! Chuyện thành Đa Bang thất thủ ta còn chưa tính sổ với nhà ngươi đâu! ”

“ Muôn tâu thánh thượng, đám người Hồ Đỗ Hồ Xạ dám kéo bè kết phái ủng hộ Hồ Nguyên Trừng, e rằng có dạ bất lương, không chừng là muốn mưu phản đấy ạ. Thần nghĩ phải nhốt cả hội lại, không khéo ảnh hưởng tới đại nghiệp kháng Minh thì chết dở.”

“ Nguyễn Tông Đỗ! Cái đồ mèo đàng chó điếm, gắp lửa bỏ tay người! Mày chết với tao! ” - Hồ Đỗ thấy đối phương ăn nói linh tinh, lại còn có ý chia rẽ đầu não tướng lĩnh nhà Hồ thì ức lắm. Y vơ vội hai thanh rìu chiến, nhảy qua bàn muốn lao về phía Nguyễn Tông Đỗ. Hồ Xạ thấy thế, vội cản:

“ Đỗ! Thánh thượng còn ở đây, đừng có làm càn. ”

Song đã muộn rồi. Nguyễn Tông Đỗ sao có thể để thời cơ này chạy thoát? Y vội vàng lên tiếng:

“ Đấy, thánh thượng người xem đi. Người hãy còn ngồi ở đây mà Hồ Đỗ đã dám khinh nhờn long uy, thế thì lúc vắng mặt người hắn còn kiêng dè gì nữa mà không nói những lời đại nghịch bất đạo?? ”

“ Ngươi… Bệ hạ, xin đừng nghe tên tiểu nhân này xàm tấu! ”

Hồ Đỗ nghiến răng kèn kẹt, nắm đấm xiết lại kêu canh cách. Song Hồ Hán Thương đang nhìn chằm chằm, y chẳng còn cách nào ngoài nén cơn giận lại.

“ Hứ! Không có lửa làm sao có khói? Thánh thượng, hay là… ”

“ Thôi đủ rồi… ”

Hồ Hán Thương khẽ nói, rồi giộng giộng ngón trỏ lên mặt bàn gỗ cứng. Y nhìn Hồ Nguyên Trừng, ánh mắt lộ rõ vẻ mong chờ. Người tướng quốc tài năng, linh hồn và trái tim của quân đội nhà Ngu sẽ lựa chọn ra sao?

Nén một tiếng thở dài, Hồ Nguyên Trừng khẽ nói:

“ Thánh thượng đã ra chiếu, người làm tôi không dám không nghe. Nhưng xin bệ hạ hãy nể tình Nguyên Trừng dốc lòng vì nước nhà mà ban cho thần ân huệ cuối cùng, ấy là trước khi thành Tây Đô thất thủ thì đừng xử tử thần, cũng đừng làm liên luỵ tới các tướng lĩnh thuộc hạ. Thất bại hai lần là do Nguyên Trừng vô năng, xin một mình lĩnh tội. ”

Trong trướng bồng, liên tiếp vang lên những tiếng “ Ôi chao ” của tướng lĩnh. Không ít người lên tiếng khuyên can, nhưng vô dụng. Hồ Xạ, Hồ Đỗ kiên quyết đứng ra muốn chịu phạt, song Hồ Nguyên Trừng khuyên can:

“ Bây giờ đang lúc cần người, hai người hãy nghe ta phò tá thánh thượng thật tốt. Chớ có gây sự bất hoà, chỉ khiến giặc Minh bên kia sông được lợi mà thôi, ” - Chàng nói xong, lại nhìn qua Nguyễn Tông Đỗ. Tên bại tướng ở thành Đa Bang khẽ chột dạ trước cái nhìn đầy thất vọng của Nguyên Trừng, song y vẫn nói kháy:

“ Ha? Chuyến này ra quân ắt là đại thắng, quân Minh mười mươi sẽ bị đánh tan. Khi ấy ngài tướng quốc đây chẳng phải được an nhàn hết kiếp hay sao? ”

“ Nguyễn Tông Đỗ! Nhà ngươi đúng là hạng tiểu nhân, chỉ biết tát nước theo mưa! ”

“ Giậu đổ bìm leo, đúng là quân đốn mạt mà… ”

Hồ Đỗ chửi không nói, lần này Hồ Xạ và các tướng khác cũng không nhịn nổi sự hèn mạt của Nguyễn Tông Đỗ nữa. Cả doanh trướng ầm ĩ cả lên, song đứng về phía Tông Đỗ chỉ lác đác vài người, đa phần đều là đám quan văn trong triều được theo xa giá để hầu Hồ Hán Thương.

“ Đỗ, Xạ. Những gì ta mới nói, hai người quên rồi chăng? ”

Hồ Nguyên Trừng sẵng tiếng.

“ Mạt tướng không dám… Nhưng tướng quốc cũng không nên nhận hết tội danh vào người như vậy! ”

“ Nguyên Trừng giờ là tội nhân, không còn là tả tướng quốc gì nữa. Trước thánh thượng điều tra chân tướng sự việc, mong mọi người đừng giữ xưng hô cũ, kẻo Nguyên Trừng phải tội khi quân. ”

Nói đoạn, chàng từ từ cởi mũ, tháo chiến bào rồi dâng hổ phù soái kì đại diện cho binh quyền cho Hồ Hán Thương. Hán Thương thu về được binh quyền vào tay, thầm cười trong dạ.

Hồ Nguyên Trừng bị hai binh lính của Khai Đại giải đi trong ánh mắt bất mãn của các tướng, nhốt trong lều chứa củi. Hai chân hai tay dù không bị trói hay gông, nhưng cũng chẳng được tự do mà luôn có lính lác túc trực canh giữ.

Tối ấy, Hồ Hán Thương cho gọi hai người Hồ Đỗ, Hồ Xạ vào gặp riêng.

Bên ngọn đèn dầu leo lét, trông Hồ Hán Thương càng thêm vẻ cô độc. Buồn đượm trong đôi mắt. Ấy là cái vẻ mặt của con người đã ngồi lên đỉnh cao nhất của xã hội phong kiến, chỉ để nhận ra trên cái ngai rồng ấy là cả một bầu trời trống vắng.

Hồ Đỗ còn căm chuyện của Nguyên Trừng, nên tỏ vẻ khó chịu ra mặt. Đến tận lúc vào lều y mới miễn cưỡng quỳ một gối, song đầu thì không cúi. Hồ Xạ ở bên cạnh thì vẫn giữ lễ quân thần, song hai đốm lửa vẫn cháy rừng rực.

Hồ Hán Thương phẩy tay, hàm ý miễn lễ, hai người vẫn không đứng lên. Y như cũng đoán được, bèn chậm rãi nói:

“ Ta biết, hai ngươi định xin tội cho Nguyên Trừng. Thực chất bản thân ta cũng biết anh ấy chịu oan… ”

Hồ Đỗ, Hồ Xạ thật không tin vào tai mình. Nếu Khai Đại trách tội họ, hay cấm họ nhắc tới chuyện hồi nãy thì hai người còn có thể hiểu và lí giải. Song, lần này vua Hồ chơi bài quá lạ và hiểm. Hai người tạm thời không biết nên phản ứng ra sao.

Sau cùng, Hồ Xạ mới lên tiếng:

“ Nếu là như thế, mạt tướng cầu xin thánh thượng xoá tội danh cho tướng quốc. ”

Hồ Đỗ cũng hậm hực:

“ Đúng vậy. Không thể có cái chuyện chó đen ăn vụng, chó trắng chịu đòn như thế. ”

Hai người dùng ánh mắt chờ mong nhìn qua, song chỉ đổi lại được cái lắc đầu nhè nhẹ của Hồ Hán Thương. Y ngồi lại xuống cái ghế con Nguyên Trừng vẫn hay ngồi, lướt nhẹ ngón tay lên mặt bàn không dính một hạt bụi. Kế, y mới nói, ngữ khí càng lộ vẻ cô đơn:

“ Trẫm cũng biết vậy, song các quan trong triều gây áp lực quá. Đám quan văn này đều là hạng tham sống, sợ chết. Nếu như không nghiêm phạt tướng đã bại trận, thì e trên triều sẽ tan đàn xẻ nghé. Cho nên, quả nhân mới buộc phải ra cái hạ sách này. Riêng cái tên Nguyễn Tông Đỗ thì còn có diệu dụng nên tạm tha. Thực ra, lòng trung của anh Trừng ra, lí nào Hán Thương này không rõ? Nhưng than ôi, làm vua, cũng có những khi mình không thể tự quyết định. ”

Hồ Đỗ nói luôn:

“ Hoá ra thánh thượng còn có nỗi khổ tâm. Hồ Đỗ ngu dốt không hiểu, từ đó tới giờ còn chửi thầm bệ hạ trong bụng. Đúng là đáng đánh. ”

Thế rồi Hồ Đồ tự vả miệng mình hai cái nghe chan chát. Hồ Hán Thương vội chạy ra giữ tay, nói:

“ Đỗ tướng quân anh dũng thiện chiến, làm người bộc trực thẳng tính. Trên triều nay hãy còn nhiều xiểm thần từ thời nhà Trần, những người như tướng quân đây thật cần lắm thay. Quả nhân đâu thể trách tội được? Nếu trẫm là khanh, ắt cũng tự chửi bản thân mình ngu ngốc. ”

Hồ Xạ nghe mà ngờ ngợ, song không tiện nói nhiều. Đến khi hai người diễn xong cái màn Lưu Bị ném A Đẩu, y mới hỏi:

“ Không biết bệ hạ cho gọi hai chúng tôi vào đây là có thánh chỉ gì muốn mật truyền? ”

“ Thực chất, ta muốn hai khanh dẫn theo một chi kì binh tấn công tập kích doanh trại nhà Minh ở hướng tây, Bản thân ta thì sẽ phái Tông Đỗ dẫn một nhánh khác công kích chính diện, dùng kế dương đông kích tây. Tên Nguyễn Tông Đỗ để Đa Bang thất thủ, bản thân lại chạy trước, lần này đáng làm tốt thí lắm. ”

Hồ Đỗ vỗ tay đánh chát một tiếng, khen:

“ Đúng! Loại tiểu nhân này nên có kết cục như vậy. ”

Hồ Xạ thì nói:

“ Chuyện này không phải việc nhỏ, mà can hệ tới sinh mạng toàn quân, thắng bại của cả cuộc chiến. Hạ thần có ngu ý muốn đến thăm tả tướng quốc, nhờ người dạy xem trận này nên đánh ra sao, công thế nào mới có thể toàn thắng. Thánh thượng cũng biết tả tướng quốc hàm oan, chắc hẳn sẽ hỏi ý kiến của ngài ấy, đúng không ạ? ”

“ Quả thực vậy, quả thực là vậy. Trận này mà thắng, thì công lao hai vị lớn lắm. Nguyên Trừng có công đầu, quả nhân sẽ mượn cớ “ lấy công chuộc tội ” để tha bổng anh, lại ngầm thưởng sau cũng chưa muộn. Quan trọng là ổn định triều cương, đoàn kết hậu phương để các vị tướng quân an tâm mà ra trận. ”

“ Quân vô hí ngôn, mong bệ hạ ghi nhớ những gì đã nói hôm nay, còn chuyện chinh chiến thì chúng thần xin hết lòng. ”

Hồ Hán Thương vừa cười, vừa nâng hai tướng dậy.

Ba người hàn huyên thêm mấy câu, Khai Đại mới lấy cớ việc quân gấp gáp không thể chậm trễ dù chỉ một khắc, bèn cho hai tướng lui. Còn lại một mình, Hồ Hán Thương mới quăng mình lên đệm, tay mân mê chiếc binh phù bằng đồng xanh.

“ Binh quyền, nắm được mi trong tay quả thực là thích tay. ”

Khai Đại đưa binh phù ra trước ngọn đèn. Ánh lửa cháy phản chiếu lên mặt đồng, hắt từng tia sáng nhè nhẹ vào mắt hắn. Hồ Hán Thương nhẹ nhàng hít vào một hơi, thầm nghĩ:

[ Phụ hoàng ơi là phụ hoàng, con nay đã có binh quyền trong tay, há có thể an phận làm con rối của người nữa?? Hay cho một con rồng không đuôi! Chẳng cần biết mi là thật hay giả, có thể khiến phụ hoàng ta phân tâm thì ắt là thứ tốt. Chờ đến khi đánh đuổi quân Bắc rồi, Khai Đại này sẽ đường đường hoàng hoàng tiếp quản triều chính. Ôi… sướng thật… ]

Nén không nổi một tiếng cười, Hồ Hán Thương gập mình lại, khẽ khúc khích.

Hồ Đỗ Hồ Xạ kéo nhau đi về phía căn lều nơi Nguyên Trừng bị giam. Lúc này đã là canh ba, mảnh trăng treo cao trên đỉnh đầu. Không khí đã lạnh dần, cái lạnh cuối năm quất vào da thịt.

Năm hết, Tết Nguyên Đán đã gần đến rồi. Song binh sĩ thì vẫn phải quật cường dựng giáo nơi sa trường. Đỏ au áo mới, cây nêu đầu làng, miếng bánh chưng xanh ngát, khoanh thịt mỡ thơm lừng, dưa hành chua chua, lại giòn tan tiếng pháo… đối với họ những vậy tạo nên không khí Tết ấy nghe sao mà xa vời quá. Loáng thoáng có tiếng lính thủ trại đi tuần nói với nhau: “ Phen này á, tớ mà lĩnh quân lương về thì kiểu gì cũng phải qua Quốc Tử Giám, xin các cụ một cặp câu đối về chưng trong nhà. ”

Hồ Đỗ Hồ Xạ đều nghe được, cũng thoáng hồi tưởng lại cái ngày còn ở Thăng Long. Tết đến xuân về, ba anh em thêm cả Lục Bình nữa thường mang pháo ra đốt, chạy khắp ba mươi sáu phố phường. Vào đêm ba mươi, tối trời, cũng ngót nghét canh ba như này, thay vì đón giao thừa thì ba đứa lại nghịch ngợm đi săn ma da ma trành. Từng đoạn từng đoạn hồi ức đều vui tươi, ấm áp, trong veo như tia nắng sớm đầu tiên của mùa xuân.

“ Xạ, mày sẽ không thực lòng tin ông ta chứ? ”

Đi được nửa đường, Hồ Đỗ chợt lên tiếng gọi.

“ Tin? Không tin? Giờ còn có tác dụng gì đâu. Chúng ta thắng, thì tướng quốc có cơ may được sống. Mà thua thì ngài ấy chắc chắn sẽ phải chết! Mày xem còn có lựa chọn nào ngoài đánh đây? ”

Hồ Xạ chậm rãi lắc đầu, than thở. Y cũng không ngờ Hồ Hán Thương vốn dĩ chỉ là một ông vua bù nhìn cho thái thượng hoàng Hồ Quý Li lại có tâm cơ sâu như vậy. Y và Hồ Đỗ bị đẩy vào thế cưỡi hổ chỉ trong một buổi chiều, vài câu nói. Nay dẫu biết phía trước là đầm rồng hang cọp, nhưng không xông vào không được.

Y có cảm giác mình như một món đồ chơi bị người ta quay trong lòng bàn tay, không thể tự chủ.

Hồ Đỗ gãi gãi đầu:

“ Tao cũng nghi nghi, mà không ngờ lại nham hiểm như thế. Ahhhhh! Đau đầu quá. ”

“ Mày bớt suy nghĩ lại đi, đầu óc mày không được như người ta đâu. ”

Hai tướng trêu đùa nhau một hồi, áp lực trên vai mới thoáng nhẹ đi phần nào. Lát nữa gặp Hồ Nguyên Trừng, cũng tiện che giấu hơn. Hai người không muốn tả tướng quốc thêm phiền lòng nữa.