Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 181: Hồi hai mươi (1)



Hiệp giả đại đạo vô nhân tẩu

Gian nhân tiểu lộ vạn khách hành

Đinh Lễ nghe hai ba câu là hiểu ý. 

Quân Ai Lao rõ ràng là có chuẩn bị, kéo binh cường mã tráng mà đến. Bằng không, quân Hậu Trần cũng sẽ không cần phải mất quá nhiều thời gian để đánh dẹp binh mã Ai Lao. Đặng Tất là người quyết đoán, biết nắm biết buông. Nếu nắm chắc ông sẽ không việc gì phải nhờ Lê Hổ đến cáo tri cho cậu lui quân bảo toàn lực lượng cả.

Đinh Lễ thân làm tướng, hiểu rõ việc mình cầm quân đứng chặn ở cửa thành không khác gì đê ngăn sông, đá giữa dòng. Không có chi viện, sớm muộn cũng bị quân Minh mài chết.

Thành thử, cậu chàng không đợi quá lâu, bèn quay đầu Đại Thắng hạ lệnh cho quân lui khỏi thành. Trần Ngỗi cưỡi ngựa chạy trước cùng Lê Hổ, dẫn binh đến nơi hội quân với Đặng Tất. Bản thân Đinh Lễ thì cố tình ghìm Đại Thắng lại, chạy sau cùng để bọc hậu. Quân Minh từng chứng kiến sự dũng mãnh của Đinh Lễ ở cổng thành, thế nên không dám liều lĩnh kéo ra khỏi thành truy đuổi. Đinh Lễ thấy quân địch đóng cổng thành, bèn giục mọi người rảo bước để thoát khỏi tầm tên của địch.

Lê Hổ và Trần Ngỗi trao đổi mấy câu. Sau khi biết chuyện quân Ai Lao thừa cơ tập kích đâm quân Trần một nhát ngay lưng, sắc mặt Giản Định thoắt cái sa sầm, trông như đang ngậm bồ hòn. Cũng khó trách... Trần Ngỗi không phải người không có đầu óc. Y biết bỏ qua cơ hội hôm nay, tương lai muốn hạ thành Cổ Lộng quả thực là chuyện khó bằng lên trời. Đồng nghĩa, công khổ nếm mật nằm gai, uốn lưng cong gối của Trần Triệu Cơ sẽ đổ sông đổ biển. 

Trần Ngỗi có khó chịu vì bị hai thuộc hạ qua mặt? Nếu như nói y không để trong lòng, bỏ qua được hết, thì là nói dối.

Thế nhưng, Giản Định càng trân trọng công lao của Trần Triệu Cơ. Mấy năm qua y không tiếc táng gia bại sản, không sờn vị quốc vong thân. Những chuyện ấy Trần Ngỗi đều có thể tưởng tượng. Thành thử, y không muốn Trần Triệu Cơ phải hi sinh vô ích.

Đi chừng hai dặm, thì nghe tiếng khí giới va chạm loẻng xoẻng truyền đến từ phía trước.

Trần Ngỗi vội hỏi:

“ Quân ta đang giao chiến với chúng ở Gián Khẩu? ”

“ Bẩm thánh thượng, đúng vậy. Cũng may thám báo của ta phát hiện quân địch từ sớm, Đặng đại nhân mới kịp thời kéo quân ra nghênh địch. ”

Trần Ngỗi nghiến răng, đột nhiên đưa tay giật thanh trường thương của một binh sĩ đi cạnh, đoạn giục ngựa phóng lên phía trước.

“ Lễ! ”

“ Biết rồi… chủ công yên tâm. ”

Đinh Lễ gật đầu, rồi cũng thúc gót vào hai bên bụng con Đại Thắng. Trâu thần lồng lên một cái, đoạn đuổi theo ngựa của Trần Ngỗi.

Quân Ai Lao và quân Hậu Trần giao chiến ở nơi sông Đáy tách làm ba, đến nay người dân vẫn quen gọi là ngã ba sông Gián Khẩu. Bên bờ sông chạy dọc một con đê dùng chống lũ. Quân Trần do Đặng Tất chỉ huy đang giao chiến với quân Ai Lao ở chân và cả trên bờ đê.

Trần Ngỗi hét lên một tiếng, xông thẳng vào chỗ hai quân đang giao chiến mà quét phạt liên tiếp, đâm chém lia lịa. Quân Ai Lao thực cũng chẳng phải vừa. Có kẻ nhằm lúc Trần Ngỗi không chú ý, lia đao toan chém đứt chân ngựa. Lại có những tên bị chém rụng cả một tay, vẫn hú hét lao lên bất chấp mỏm vai máu tuôn xối xả…

Đối phương đánh hăng máu, liều mạng, quân Hậu Trần cũng chẳng chịu kém. Nhất là lính ở hai phủ Diễn Châu, Nghệ An ( nay là tỉnh Nghệ An). Người nào người nấy đánh giết như thể đau không thấu, chết không sờn.

Đặng Tất ở trung quân thấy phía tây chiến trường có động, bèn dục thám báo phi ngựa đến kiểm tra. Thám quân rong ruổi ngựa đi độ tuần trà, thì quay lại cùng với Lê Hổ.

“ Quốc công… ”

“ Kim Ngô tướng quân đấy ư? Được. Ta đã biết rồi. Cậu lui xuống nghỉ ngơi trước đi. ”

Đặng Tất nhíu mày, rồi lại hạ lệnh.

Sự xuất hiện của Lê Hổ có nghĩa là cánh quân trấn giữ cửa thành đã đến hội họp với đại binh…

Đinh Lễ không theo cùng, chứng tỏ đang theo sau hộ giá. An toàn của Trần Ngỗi tạm thời không cần phải lo.

Chuyện tính tình Giản Định ra sao, Đặng Tất là người hiểu rõ nhất. 

[ Mặc dầu yêu ghét phân minh, thưởng phạt rạch ròi, nhưng phong thái hành động của thánh thượng lại thiên về cảm tính hơn là lí tính. Không biết thế là tốt hay xấu đây. ]

Có câu, một vạn cái lí không bằng một tí cái tình. Quả thực dân gian có phóng đại, nhưng thực ra đạo lí trong câu ca dao ấy lại vô cùng dễ hiểu.

Một vị vua hoàn toàn vô cảm, quyết định lí trí tuyệt đối thì có tốt không? Trên thực tế, người như thế cuối cùng chỉ khiến bản thân bị cô lập, rồi tự diệt vong. Bởi lạnh lùng vô cảm như thể trái tim bằng sắt, thì cũng có nghĩa là máu lạnh… Người như vậy chẳng những không khiến người ta thấy an tâm, trái lại cảm thấy bất an. Lòng dân mà không theo, thì có thành cao hào sâu, mưu trời mưu bể để mà làm gì? Đại Ngu diệt quốc mới có vài năm, bài học này chẳng phải vẫn còn mới nguyên đấy ư?

Ngược lại một vị vua trọng tình trượng nghĩa, thì có thể thu phục lòng người, một tiếng hô có thể khiến trăm họ cùng chung tay góp sức. Nhưng đồng thời, một quyết định cảm tính của ông có thể làm nước mất nhà tan, trăm họ lầm than khổ sở. Chuyện năm xưa Thục Phán Mị Châu, cơ đồ Âu Lạc đắm bể sâu vẫn còn chưa phủ bụi. 

Rốt cuộc thế nào mới tốt? Ai là minh quân... ai là hôn quân... trên đời này ai có thể phân giải?

Có lẽ chỉ có lịch sử, kết quả, mới là minh chứng tốt nhất.

Trần Ngỗi giết đang hăng, thì bỗng phía bên mé tả có tiếng ai nói xì xồ í ới gì đấy, nghe chẳng hiểu. Sát khí quyện trong gió, cuộn tung cùng bụi lướt qua da khiến Giản Định cũng phải rùng mình, đoán biết rằng có hãn tướng phe địch đang xông bổ tới. Toàn thân Giản Định thả lỏng ra, nhưng ánh mắt ngưng trọng hẳn, hơi thở sâu và đều tựa hồ chờ đợi một khoảnh khắc mảnh như sợi tơ.

Tiếng vó ngựa dồn lại rõ dần, rõ dần, thế rồi...

Thép gặp thép, đao hội thương...

Sau đó, một tiếng vang chát chúa bật lên lồng lộng, rúng động cả một góc đê. 

Binh khí của hai người đụng vào một phát trời giáng, rồi cùng dội ngược ra chỉ trong một sát na. Ánh mắt giao nhau giữa bán không, sắc bén chẳng thua gì trận đao thương hội kích vừa rồi. Dư kình theo báng thương truyền xuống khiến đôi tay Giản Định tê rần.

Tướng Ai Lao vung đao, quát lên xì xà xì xồ. Nói đoạn trở ngược lưỡi đao, chém ngay vào bả vai Giản Định. Giản Định đế gầm nhẹ một tiếng để trợ uy, đoạn vung thương chặn đứng lưỡi đao. Nào ngờ tướng Ai Lao đột ngột nghiêng vai vặn eo, khiến lưỡi đao đảo hướng từ chém thượng bàn quay qua tấn công vào hạ bàn. Trần Ngỗi thoáng giật mình, nhưng không kịp kéo cương ngựa né đi, đành phải lỏng tay cho thương tuột xuống một đoạn.

Keng...!!

Đao bén chém phăng cả báng thương, chỉ thiếu chút là xin luôn đôi chân trước con chiến mã của Giản Định. Thế nhưng Trần Ngỗi cũng không phải vừa. Tuy đao chiêu của đối phương quái dị, phương vị đánh biến ảo kì lạ, nhưng Giản Định vẫn bình tĩnh phá chiêu đón chiêu. Hai người đánh nhau năm chục hiệp, tạm ở vào thế quân bình.

Tướng Ai Lao đánh lâu không thắng, bèn nghiến răng trở đao dí vào mặt Trần Ngỗi. Giản Định vội vàng đề thương toan đỡ, nào ngờ ấy là một kì chiêu rất hiểm của đối thủ. Chỉ thấy tướng Ai Lao lật nghiêng bàn tay, thúc ngay đốc đao vào tay Trần Ngỗi nghe cốp một cái. Đốc đao bằng sắt đặc, đánh vào da thịt một cái là đã làm máu ứ lên tím bầm.

Trần Ngỗi hơi hoảng hồn, vội vàng vỗ thương vào mông ngựa một cái, quay đầu chạy. Tướng Ai Lao được đà thắng, vung đao đuổi theo.

Bất thình lình, Trần Ngỗi quay người xỉa thương một phát như trời giáng. Tướng Ai Lao bị một chiêu hồi mã thương của Giản Định làm bất ngờ, vội vàng múa đao lên đỡ.

Nào biết ấy chỉ là hư chiêu của Trần Ngỗi hòng thoát thân. Thương đánh nhứ ra sáu phần đã vội thu lại, còn ngựa chiến vẫn phi không dừng vó. Tướng Ai Lao vội vã biến chiêu, thành ra hết đà, không tiện truy sát thêm nữa. Nhưng đánh cho Trần Ngỗi phải cắm đầu chạy cũng đủ khiến sĩ khí của quân Ai Lao tăng mạnh.