Thứ Tử Quy Lai

Chương 6: Được tổ mẫu* yêu quý.



*tổ mẫu (祖母): bà nội (gọi trang trọng)

Ăn xong bữa sáng, Ninh Uyên dặn dò chị em Bạch Đàn Bạch Mai ở lại quan sát hạ nhân trong Trúc Tuyên đường, còn mình thì mang Chu Thạch đi vấn an tổ mẫu của y – cũng chính là lão phu nhân Thẩm thị.

Thường ngày lão phu nhân Thẩm thị vẫn an dưỡng trong Thọ An đường, ít khi ra ngoài, cũng ít khi gặp khách, trông thoáng qua thì cảm giác tồn tại không mạnh, nhưng lại là người mà không ai trong Võ An bá phủ này dám coi thường.

Thẩm thị là đích nữ* của Hình bộ thượng thư Thẩm Ngạn. Trong thời gian Thẩm Ngạn đảm nhiệm chức vị đó, vẫn nổi danh là trong sạch trên chốn quan trường. Mỗi ngày Thẩm thị được mưa dầm thấm đất, cuối cùng cũng hình thành tính cách thanh quý cao ngạo y như phụ thân. Vậy nên sau này, khi Ninh Như Hải tuổi trẻ khí thịnh bị người vu oan rồi bị cách chức, đang định đấu lại một phen thì bà liền cản lại – nói ở lại chốn kinh thành này, nhìn đám tham quan vô lại đấu đá nhau thì thật là bẩn mắt, không bằng nhân cơ hội này để ra ngoài cho thanh tĩnh còn hơn, không cần thiết phải chấp vặt với chúng làm gì.

*đích nữ (嫡女): con gái của vợ cả.

Nước Đại Chu vốn trọng chữ hiếu, Hoàng thượng hiện nay cũng nổi tiếng là người con hiếu thảo, nên Ninh Như Hải cũng rất kính trọng mẫu thân mình. Vì vậy, dù Thẩm thị đã nói là không thích phiền phức, cũng bỏ đi tục vấn an sớm chiều cho con cháu; nhưng khi đến giờ vấn an, đầy đủ vãn bối trong nhà vẫn chen chúc đến Phúc Thọ viên, không ai dám qua loa cả.



Trong sảnh chính của Thọ An đường – Phúc Thọ viên, lửa than cháy rừng rực, làm cả không gian ấm áp tựa ngày xuân. Thẩm thị nằm nghiêng người trên tháp gỗ sưa ấm áp**, mái tóc được vấn gọn lên bằng trâm khảm noãn ngọc, khoác một tấm áo choàng lông cáo thêu hoa sen, bên chân còn phủ một tấm chăn hoàng kim bằng tơ tằm. Bà đang mỉm cười trò chuyện với người trong phòng, thì bạn già bên người là La ma ma đột nhiên bước vào từ cửa ngách, nhẹ nhàng nhún người xuống, nói: "Thưa Lão phu nhân, Tam thiếu gia vừa tới thỉnh an Người, hiện đang chờ ở ngoài ạ."

Căn phòng vốn đang náo nhiệt bỗng dưng im lặng lại.

"Tam thiếu gia?" Thẩm thị nhíu mày, hình như không nhớ trong phủ có người này.

Trong lòng La ma ma cũng nghi ngờ lắm – trước đây Tam thiếu gia này còn chẳng dám ra khỏi cổng viện, cũng chưa đến vấn an lão phu nhân bao giờ. Chẳng hiểu hôm nay cơn gió nào đã thổi y tới? "Là thiếu gia do Đường di nương ở Tương Liên viện sinh ra ạ, trước giờ vẫn nuôi ở Trúc Tuyên đường."

Ba chữ Đường di nương vừa nói ra xong, vẻ mặt Thẩm thị liền trở nên khó chịu.

Ở Đại Chu phân biệt giai cấp rất rõ ràng, nên người xuất thân cao quý như Thẩm thị cực kỳ chán ghét hạng kỹ nữ ti tiện. Khi Đường thị – Đường Ánh Dao mới vào phủ, bà đã làm loạn một trận với nhi tử; tuy rằng sau này đã thỏa hiệp, nhưng cũng chưa từng để vị Đường di nương kia vào mắt, thậm chí còn không hề để tâm đến đứa trẻ do nàng ta sinh ra.

"Ta còn tưởng là ai? Trước giờ nó đã đến thăm kẻ làm tổ mẫu như ta đây bao giờ đâu, sao hôm nay lại đến? Mà thôi, ta không nhận nổi thứ thăm hỏi của nó đâu; trời tuyết đường trơn, ngươi bảo nó về mau đi kẻo lạnh." Thẩm thị phất nhẹ tay áo, thậm chí còn chẳng cho dẫn người vào.

Dường như La ma ma đã đoán được bà sẽ nói thế từ trước, liền khẽ cúi người: "Tam thiếu gia cũng nói là sợ Người không muốn gặp mình, nhưng sắp đến Tết rồi, thiếu gia chỉ muốn đứng từ xa nhìn Người thôi, dập đầu rồi đi ngay ạ."

"...Đã thế thì cho nó vào đi." Thẩm thị không muốn tỏ ra khắc nghiệt quá, thấy La ma ma đã nói đến nước đấy rồi thì cũng cho người vào.

La ma ma vâng lời lui xuống. Chẳng mấy chốc sau, Ninh Uyên mặc đồ xám tro đã bước về phía này. Y thực sự không bước vào sảnh lớn, chỉ cung kính đứng ngoài cửa, khom người quỳ xuống về hướng Thẩm thị: "Tôn nhi Ninh Uyên xin được ra mắt tổ mẫu, chúc Người phúc như Đông Hải, thọ tỷ Nam Sơn ạ."

Bà nhướn mày lên, khẽ liếc qua y, thoáng kinh ngạc.

— Vì dáng quỳ của người ngoài cửa kia không phải kiểu phổ thông người ta hay làm, mà là một đại lễ cực kỳ trịnh trọng. Hai đầu gối y quỳ xuống, hai tay đặt sát đất, lòng bàn tay hướng lên trời, một tay niết phúc ấn, một tay niết thọ ấn, trán chạm đầu gối, toàn thân cuộn lại thành một đường cong hoàn hảo.

Đại lễ bái an này rất phổ biến ở triều trước, là cách để con cháu biểu lộ sự tôn kính bậc nhất với các bậc trưởng bối. Nhưng nhiều người lại cho rằng động tác của nó quá rườm rà, nên dần về sau này, nó dần dần bị mai một, có khi con cháu nhà thường dân còn chưa từng nghe kể về nó ấy chứ. Chỉ có nhà quý tộc trăm năm chốn kinh thành hoặc nhà có gốc làm quan, mới giữ lại truyền thống này.

Thuở nhỏ Tư Không Húc xuất thân hèn mọn, là hoàng tử không được sủng nhất; để chiếm được lòng yêu thích của Thái hậu, hắn liền bỏ công bỏ sức ra tìm một ma ma chuyên dạy lễ nghi của tiền triều về, chỉ để học được tư thế chuẩn mực nhất của đại lễ bái an. Ninh Uyên cũng học được tư thế này vào lúc đó.

Với xuất thân của Thẩm thị thì đương nhiên là bà nhận ra lễ tiết này. Sắc mặt bà thoáng chốc dịu xuống, ánh mắt nhìn y cũng bớt lạnh lùng hơn. Nhìn bóng lưng gầy yếu của y vẫn nhất mực quỳ, dù đau đớn đến run lên vẫn cố chịu không đứng dậy; trong lòng bà chợt thoáng qua một chút trìu mến. Dù thân nương của nó có là ai, thì nó vẫn là nhi tử của Ninh Như Hải, là tôn nhi của mình – nghĩ thế, bà liền mở miệng: "Mau đứng lên đi."

Ninh Uyên hơi lảo đảo đứng dậy, cắn cắn môi, đang định xoay người rời đi thì lại thấy Thẩm thị vẫy lại: "Ngoài trời lạnh lắm, mau vào đây cho ấm nào." Đoạn bà liếc sang La ma ma, La ma ma hiểu ý, liền sai người mang thêm một chiếc ghế vào phòng.

Những người còn lại trong phòng đều không hiểu gì cả, mặt ai nấy cũng tỏ vẻ ngạc nhiên – mới vừa nãy lão phu nhân còn lạnh nhạt với Tam thiếu gia đến nỗi không muốn thấy mặt người ta cơ mà, sao chỉ cần y hành lễ một cái, là thái độ của bà đã thay đổi hoàn toàn rồi?

Bọn họ không ai biết được – vào mấy chục năm trước, khi đại lễ này vẫn còn thịnh hành, là vừa đúng lúc Thẩm thị còn trẻ – chính bà cũng từng hành lễ với các bậc trưởng bối như thế. Bây giờ khi bà đã trở thành trưởng bối của người ta, lại không được con cháu vấn an như ngày xưa mình đã từng làm, nói thế nào thì trong lòng vẫn thấy mất mát. Mà hành động vừa rồi của Ninh Uyên lại vừa khéo trám vào nỗi mất mát ấy của bà, bà liền nghĩ đó là chút lòng thành vãn bối dành cho mình, nên cũng không khó khăn với người ta nữa, còn cho vào để tiếp chuyện.

Vào sảnh chính rồi, Ninh Uyên ngoan ngoãn ngồi xuống cái ghế mà La ma ma vừa cho người mang lên, đôi mắt quét một vòng quanh phòng. Đại phu nhân Nghiêm thị mặc một bộ váy tơ tằm màu xanh thẫm xen ngân tuyến, đoan trang ngồi bên trái Thẩm thị. Đối diện bà là Liễu thị bận đồ rực rỡ, sau đó là các di nương mỗi người một vẻ, các thiếu gia tiểu thư thì ngồi cạnh thân nương mình, chỉ có một người là ngoại lệ —

Bên cạnh tháp gỗ sưa của Thẩm thị là một bàn trà nhỏ, trên bàn là một bình trà nóng đang hâm trên bếp đồng. Ngồi cạnh Ninh Uyên đó là một thiếu nữ mới lớn, nom rất xinh đẹp đáng yêu, đẹp nhất là đôi mắt sáng ngời lấp lánh nước, trông như một đôi trân châu đen vậy. Nàng mặc một chiếc váy hồng đào, khoác áo lông chồn nhung, chỉ ngồi im thôi cũng như đang phát sáng.

Ninh Uyên nhìn nàng, nàng cũng nhìn lại. Đôi tay nàng đang đặt dưới lớp áo gấm của Thẩm thị, bóp chân cho bà.

Y nhận ra thiếu nữ này – là trưởng nữ của Liễu thị, Ninh Bình Nhi. Tuy nàng chỉ là thứ nữ***, nhưng cũng là thứ nữ được cưng chiều nhất phủ. Nàng rất hiểu chuyện, lại lanh lợi thông minh, là kỳ tài tinh thông cầm kỳ thi họa hiếm có. Không chỉ riêng trong Ninh phủ, mà trong tầng lớp quý tộc ở Giang Châu nói chung, nàng cũng rất nổi tiếng. Thảo nào các cháu chắt khác đều ngồi cách Thẩm thị rất xa, riêng nàng lại được đặc cách ở bên phụng dưỡng bà.

***thứ nữ (庶女): con gái của vợ thứ.

"Sáng nay dậy ta còn thấy lạ, sao tự dưng tuyết trong viện lại tan hơn nửa thế này. Hóa ra là xuất hiện thứ làm ông Trời cũng khó chịu này đây." Trương thị Trương di nương ngồi cách Liễu thị không xa, vừa lấy khăn lụa ra từ tay áo, chán ghét che nó trước mũi, còn không ngừng lẩm bẩm: "Trước giờ Thọ An đường vẫn luôn rất sạch sẽ, sao hôm nay lại bay vào một con thiêu thân thế này? Cái mùi nghèo kiết hủ lậu kia thật nồng nặc quá."

Giọng ả ta rất nhỏ, Thẩm thị không nghe thấy, nhưng kiểu chỉ chó mắng mèo lồ lộ này làm đám di nương và nha hoàn gần đó cười rộ lên.

Ninh Uyên thản nhiên ngồi. Trước giờ Trương thị vẫn dựa vào Liễu thị, hai người ngồi chung một thuyền, nên ả châm chọc y cũng là chuyện dễ hiểu. Nếu Trương thị đã lên tiếng trước, thì tiếp sau đây sẽ là Liễu thị thôi.

Quả nhiên, Trương thị vừa dứt lời là Liễu thị liền tiếp: "Thường ngày gặp được Uyên Nhi cũng khó khăn, hôm nay hẳn là lớn rồi, biết thế nào là hiếu thảo nhỉ, biết đến thăm lão phu nhân cơ đấy."

Lời này của ả chẳng khác nào đá chẹn họng, tuy nghe qua thì là khen ngợi, nhưng thực tế lại đang chỉ trích y bất hiếu, không biết sớm chiều thăm nom lão phu nhân.

Thực ra, vào khoảnh khắc y xuất hiện ở đây là ả đã khó chịu rồi – vì ả đã từng dặn dò Hạ Trúc, rằng tuyệt đối không được để lão phu nhân yêu thích y.

Vậy nên trước đây, chỉ cần Ninh Uyên có suy nghĩ muốn đi vấn lão phu nhân là Hạ Trúc sẽ cản lại, nói là vì thân nương của y mà lão phu nhân cũng rất ghét y, nói y xuất hiện trước mặt bà chỉ tổ làm bà ghét thêm, chẳng được thêm chút ích lợi nào, còn làm cuộc sống của y khó khăn hơn nữa.

Lúc đó Ninh Uyên nhát gan không hiểu chuyện, lại thêm đúng là Thẩm thị đã ra lệnh cấm cửa Đường thị thật, nên nào biết được – đây chỉ là mưu đồ của Liễu thị để y càng lúc càng mờ nhạt trong lòng Thẩm thị thôi. Vì thế mà trừ tiệc ngày lễ tết ra, thì y chưa từng chủ động đi vấn an Thẩm thị, làm bà càng quên đi sự tồn tại của đứa cháu này, cũng làm.... những kẻ bắt nạt và khi nhục y không còn kiêng dè gì cả.

Tiếc là giờ này, Liễu thị có nghĩ nát óc ra cũng không tưởng tượng được – cái đinh lớn nhất mà ả cắm bên người Ninh Uyên – Hạ Trúc – đã bị y nhổ phăng đi rồi.

Ả châm chọc thẳng ra như thế, đơn giản là để nhắc Thẩm thị nhớ – y vốn là một đứa cháu không biết hiếu thảo là gì.

Trong lòng y cười lạnh một tiếng. Lần này y đã tới đây, đương nhiên là đã chuẩn bị lý do đầy đủ, sao còn ngại Liễu thị miệng nam mô bụng bồ dao găm nữa. Y bước đến trước mặt Thẩm thị, quỳ xuống theo đại lễ bái an như vừa rồi: "Tôn nhi bất hiếu, xin tổ mẫu nhận lấy một quỳ này của cháu, cháu sẽ vui vô cùng."

Thẩm thị không cho y đứng dậy ngay, mà thản nhiên mắng một câu: "Thằng bé này, có khi là lần đầu tiên đến Phúc Thọ viên này của tổ mẫu cũng nên."

"Xin tổ mẫu đừng tức giận. Là cháu ốm yếu từ nhỏ, sợ làm lây khí bệnh cho Người, nên mới không dám đến đây thỉnh an. Giờ đây cháu đã lớn, thân thể khỏe mạnh lên nhiều, chắc mẩm hẳn không sao, liền lập tức đến đây tìm Người, đầu tiên là để vấn an, thứ hai là để nhận tội." Y vẫn quỳ, nói.

"Ốm yếu?" Thẩm thị nhướn mày: "Sao ta không biết gì về chuyện này cả? Nào có cái đạo lý tôn nhi bệnh tật mà tổ mẫu lại không biết được? Chẳng lẽ là hạ nhân trong viện cháu lười biếng, không báo cáo lên phía trên chăng?" Rồi nghi ngờ nhìn sang Nghiêm thị: "Tình trạng của thằng bé này tệ như thế, thân làm mẫu thân như con cũng không biết gì?"

Nghiêm thị sợ hãi đứng dậy, đang định đáp thì bị Ninh Uyên đoạt lời: "Xin Người đừng trách cứ mẫu thân, là Uyên Nhi cố ý giấu chuyện này đi. Mẫu thân chăm sóc đại ca đã cực nhọc lắm rồi, Uyên Nhi có bị bệnh nặng đâu, sao có thể làm mẫu thân thêm mệt được. Mà tổ mẫu vốn là người nên được yên bình nhất, sao cháu có thể làm phiền Người vì chuyện vặt vãnh ấy? Nếu cháu làm Người phiền lòng, lại ảnh hưởng đến thân thể, thì là lỗi của cháu rồi. Vậy nên cháu vẫn bảo hạ nhân, rằng không được nói việc này cho người ngoài biết."

Nghiêm thị ngạc nhiên liếc qua Ninh Uyên một cái – sự thật thế nào bà là người biết rõ nhất, chỉ là cứ nghĩ y sẽ nhân dịp để tố cáo mình, nhưng không hiểu sao... lại cho bà một bậc thang.

Ánh mắt Thẩm thị dịu xuống, nhìn qua Nghiêm thị, rồi lại nhìn Liễu thị ở đằng xa: "Tam tức phụ**** à, trước giờ đại tức phụ phải chăm sóc Trạm Nhi, tính nhị tức phụ lại không thích quản chuyện, nên chuyện trong phủ mấy năm nay vẫn do một tay con xử lý. Con có biết chuyện Uyên Nhi ốm đau không?"

****tức phụ (媳妇): con dâu. Tôi định để là "dâu ba" đấy nhưng... .___.

Liễu thị không ngờ mình đột nhiên bị hỏi, nhất thời hơi sợ, đành phải nói theo: "Con, con cũng không biết...."

"Tổ mẫu à, trong phủ có nhiều việc lộn xộn như thế, sao nương có thể lo liệu chu toàn được ạ. Tam ca đã có ý muốn giấu diếm, ngay cả mẫu thân cũng bị lừa, thì sao nương cháu lại biết được. Tam ca thấy thế có phải không?" Ninh Bình Nhi đúng lúc mở miệng, nói xong còn chớp chớp mắt nhìn y, nom hồn nhiên vô cùng.

"Bình Nhi muội muội nói rất đúng. Thân là vãn bối, có thể làm trưởng bối bớt chuyện phiền lo thì đã là chữ hiếu lớn nhất rồi." Ninh Uyên cũng cười theo – chỉ là nụ cười kia có bao nhiêu lạnh lùng, thì chắc chỉ mình y mới biết được.

Đương nhiên y sẽ không nghĩ muội muội luôn tỏ ra ngây thơ này là kẻ dễ đối phó. Trên thực tế, y đã được thể nghiệm rất rõ cái lòng dạ kín đáo mà độc ác của nàng rồi. Hơn nửa chuyện Liễu thị làm ra là có nàng đứng sau bày mưu tính kế, chỉ là nàng luôn giả bộ tiểu thư khuê các điển hình trước mặt người ngoài thôi. Trước đây, y cũng đã bị cái vẻ ngoài ấy đánh lừa, cứ nghĩ nàng là một muội muội bình dị gần gũi; để rồi lần lượt rơi vào cái bẫy mà Liễu thị giăng ra, cuối cùng là bị Ninh Như Hải đuổi khỏi phủ.

"Mà thôi, cháu đã có lòng rồi thì ta cũng không làm khó nữa. Nếu hôm nay người cháu đã khỏe rồi, vậy sau này thường xuyên đến chỗ ta hơn đi. Ta không quan tâm mấy thứ khí bệnh vớ vẩn đó, hơn nữa, sao lại có chuyện tổ mẫu ghét bỏ tôn nhi của mình được?" Thẩm thị gật gù, vô thức đánh giá tôn nhi chẳng gặp được mấy lần này. Thấy y tuy rằng gầy yếu, nhưng khuôn mặt lại tuấn tú, đôi mắt anh khí bức người, thái độ bình tĩnh hơn xa người cùng lứa; tuy rằng đang quỳ, nhưng lưng vẫn thẳng tắp, có phần quyết đoán cứng cỏi hơn cả Ninh Như Hải khi còn bé; nên lòng bà càng yêu thích y hơn.

"Cháu mau đứng lên đi, kẻo quỳ lâu chân lạnh." Nói rồi, Thẩm thị mỉm cười đứng dậy, tự tay nâng Ninh Uyên lên. Cảm nhận được bàn tay lạnh lẽo của đối phương, bà nhướn mày, lạnh lùng nói: "Thường ngày là kẻ nào hầu hạ cháu? Dù thế nào thì cháu cũng là thiếu gia của Ninh phủ, quần áo cũ thì cũng thôi, nhưng thiếu là thế nào? Trời lạnh mà lại ăn mặc phong phanh như thế, đồ đông của cháu đâu hết rồi?"

Ninh Uyên lại càng hoảng sợ, vội vàng rụt tay lại, trốn tránh đáp: "Dạ... Là cháu vội đi nên quên mặc, không liên quan gì đến hạ nhân đâu ạ..."

Tuy Thẩm thị già nhưng vẫn chưa lẫn, không phải y nói thế nào thì bà cũng tin. Vừa biết y ốm mà cả tức phụ chuyên quản việc nhà cũng không biết, là bà đã nghi rồi. Bà xuất thân là khuê tú chốn danh môn, xưa nay chú ý nhất là danh tiếng của gia tộc. Thường ngày không thấy thì bà có thể mắt nhắm mắt mở cho qua, nhưng một khi đã biết trong phủ có chuyện chèn ép con thứ, thì sao lại để im được. Nếu chuyện này truyền ra ngoài cho người ta biết, thì cái mặt già như bà chịu sao cho nổi?

Rõ ràng là Ninh Uyên đã phải chịu uất ức, nhưng lại không hề có ý muốn tố cáo, ngược lại luôn miệng nói là tại mình, để không làm trưởng bối mất mặt – trong mắt Thẩm thị, đó là thái độ cực kỳ biết điều. Cũng chính vì thế, mà bà lại càng tức giận với kẻ dối trên gạt dưới trong phủ hơn.

Nhưng y đã nói thế làm bà cũng không tiện nói nhiều. Lòng thầm khen y ngoan ngoãn hiểu chuyện, bà tiện tay kéo tấm áo choàng lông cáo của mình xuống, khoác lên người y: "Thằng bé ngốc nghếch này, sau này nhớ mặc ấm rồi hẵng ra ngoài nhé. Nếu cháu có bị lạnh mà ốm, thì tổ mẫu sẽ đau lòng lắm đấy."

Lời nói này chính là một tín hiệu cho những người ở đây biết – bà đã nhận tôn nhi này rồi. Sau này nếu có người muốn bắt nạt y, vậy phải xem xem họ có coi bà già này ra gì không nhé.

Nhất thời, trong phòng xuất hiện đủ loại biểu cảm. Các di nương không có con cái thì là vẻ mặt chờ xem náo nhiệt; Nghiêm thị vẫn bình tĩnh như cũ, chỉ khó hiểu nhìn Ninh Uyên. Chỉ có mình Liễu thị là mặt mày xanh mét, chiếc khăn đang giấu dưới tay áo cũng bị ả vò chặt lại, nhăn nhúm thành một cục.