Thứ Tử Quy Lai

Chương 22: Khách từ Hoa Kinh.



Ngày mười bốn tháng Hai, trăm hoa đua nở, ven sông liễu đã xanh mướt.

Giang Châu và Hoa Kinh được nối liền bởi một con sông lớn – sông Giang Hoa. Nửa tháng trước, băng trên sông đã tan, lại thêm nhiệt độ tăng cao do mùa xuân đến, nên rất nhiều loại du thuyền và thuyền buôn đã lũ lượt kéo đến, tấp nập di chuyển trên sông, nom cực kỳ náo nhiệt.

Trọn mười lăm ngày hàng năm – từ mùng mười tháng Hai đến mùng một tháng Ba – là thời gian dành cho lễ hội đặc trưng nổi tiếng của Giang Châu – hội Thưởng Liễu*. Dù Giang Châu nằm ở phía Bắc, mùa đông lạnh đến thấu xương, nhưng tốc độ trời chuyển ấm lại nhanh hơn Giang Nam nhiều. Chính vì thế, trừ cảnh tuyết mùa đông ra thì cảnh liễu rủ mùa xuân cũng là một trong ba thắng cảnh lớn của Giang Châu.

Nhờ sông Giang Hoa mà mỗi khi đến mùa xuân, rất nhiều quý tộc ở Hoa Kinh thích đến đây bằng con đường này. Thậm chí cả hoàng thất Đại Chu – Tư Không thị - cũng xây một hành cung ở ngoại thành Giang Châu.

---

Chưa đến trưa, ven sông đã chật ních đầy người. Cá sau mùa đông đóng băng là tươi ngon nhất, hấp dẫn rất nhiều người đến mua. Nhưng hôm nay thì hơi khác một chút – thứ hấp dẫn những người đứng ven sông không phải là thịt cá mỡ màng, mà là một con thuyền rồng khổng lồ đang từ từ trờ đến trên mặt sông.

Con thuyền rồng đó phải rộng mấy chục trượng, dài gần trăm trượng, lướt trên sông trông như một con quái vật lớn. Mỗi bên mạn thuyền có một con rồng vàng năm vuốt, dẫn nước hội tụ ở mũi tàu, tạo thành dáng vẻ đang ngửa đầu tranh đoạt minh châu.

Thuyền cao ba tầng, nơi nơi đều là rường cột chạm trổ, nạm đầy vàng ngọc. Dưới ánh mặt trời, cả con thuyền như đang phát sáng lấp lánh, nom cực kỳ xa hoa.

Trên boong thuyền trước, trừ binh sĩ hộ vệ bốn phía ra thì chỉ có vài công tử trẻ tuổi đang dựa vào lan can. Ai cũng quần áo lượt là, vừa thưởng thức phong cảnh ven sông vừa cười cười nói chuyện.

Một công tử mặc TSm mặc ngọc thêu kim tuyến trong đó nói: "Mười mấy năm sống ở Hoa Kinh, ta đã sớm nghe nói đến ba thắng cảnh lớn của Giang Châu – tuyết Đông, liễu Xuân và cá tuyết rồi. Tiếc là đã lỡ mất thắng cảnh thứ nhất, nhưng nhờ có phúc của Đại điện hạ, nên hẳn là chúng ta không bỏ lỡ hai thắng cảnh còn lại đâu."

Một công tử khác khoác áo choàng đỏ, ống tay và cổ áo đều thêu da thú, nói: "So ra thì ta nhỉnh hơn Diêu công tử một chút rồi. Ta đã ngắm hết ba thắng cảnh của Giang Châu từ mấy năm trước, lần này đến đây chỉ là để thử xem - cảm giác đi trên con Hải Long Vương này của Đại điện hạ thế nào thôi. Đúng là danh bất hư truyền – đi trên sông mà chẳng khác gì đi trên đất bằng, có khi ra biển cũng được!"

Công tử họ Diêu kia gật đầu phụ họa: "Mạnh công tử nói đúng lắm. Hoàng thượng ban chiếc thuyền Hải Long Vương này cho Đại điện hạ, là để thưởng công ngài ấy đã đi sứ Mông quốc. Từ đó có thể thấy hoàng ân cuồn cuộn, Đại điện hạ đúng là người được lòng vua nhất trong số các hoàng tử!"

Nghe vậy, Mạnh công tử bật cười: "Diêu công tử đang bẫy ta đấy à? Mấy chuyện đoán dò Thánh tâm như thế, Mạnh mỗ sao dám nói ra. Lỡ mà thốt ra câu nào hồ đồ, rồi bị trưởng bối trong nhà biết được, thì chắc chắn sẽ phải chịu gia pháp!"

"Mạnh công tử nói vậy sai rồi. Người là thế tử của Mạnh Quốc công, quanh năm hỗ trợ Quốc công trong thư phòng, hẳn là biết nhiều chuyện triều chính hơn chúng ta. Nếu thế tử không tiết lộ thêm đôi điều nữa, lỡ sau này chúng ta chọn sai phe thì chẳng phải sẽ gặp đại họa đó sao?" Một giọng nói trêu đùa vang lên.

Diêu công tử và Mạnh công tử nhìn sang thì thấy --- từ cầu thang gỗ gần đó, một công tử áo trắng đang đến đây. Người nọ tuấn tú lịch sự, gấm trắng trên người trắng bóng không chút tỳ vết, nom cực kỳ nổi bật.

Nhìn áo choàng của người đó, mắt Diêu công tử trợn to: "Quần áo của Ninh công tử... đừng nói là Tuyết gấm tinh phẩm nhé?"

Công tử áo trắng cười cười: "Đúng là không hổ danh công tử nhà Hộ bộ Thượng thư Diêu đại nhân. Mắt nhìn chuẩn lắm, liếc qua đã biết là Tuyết gấm tinh phẩm rồi."

Diêu công tử và Mạnh công tử liếc nhìn nhau, cũng cười đáp: "Ta chỉ may mắn đoán trúng thôi. Nghe nói mấy hôm trước, Hoàng hậu nương nương đã ban thưởng một cuộn tuyết gấm cho Tĩnh Tần nương nương. Mà Tĩnh Tần nương nương lại là cô cô của Ninh công tử - nên trên người ngươi không phải Tuyết gấm tinh phẩm thì là hàng Ngự phẩm* chắc?"

*Ngự phẩm: Hàng fake của Tuyết gấm tinh phẩm, chi tiết xem lại chương 13.

Nghe vậy, sắc mặt công tử áo trắng hơi méo đi. Nghe qua thì có vẻ Diêu công tử đang nịnh hót hắn, nhưng thực chất là đang châm chọc – châm chọc hắn phải bám theo ơn mưa móc của người ta, không thì cũng không mua được vải tốt như Tuyết gấm. Nhưng hắn cũng biết điều, biết chắc mình không đắc tội nổi hai vị trước mặt đây nên chỉ cười cười, đứng gọn sang bên, không nói gì nữa.

Thế mà Diêu công tử lại không buông tha hắn, nói tiếp: "Nếu ta nhớ không nhầm, thì Ninh Quốc công là họ hàng với Hoàng hậu nương nương mà? Ninh công tử còn sợ gì đứng sai phe mà phải đến hỏi Mạnh công tử chứ, trừ phi..." Y đổi giọng: " Trừ phi Ninh công tử không đồng lòng với tổ phụ ngươi, đang tìm cành cao khác để trèo lên hả?"

"Ngươi!" Ninh công tử - người áo trắng kia – nhất thời biến sắc. Vốn hắn đang buồn chán trên tầng, thấy hai người Diêu Mạnh vui vẻ trò chuyện thì muốn tới góp vui, tiện thể nịnh bợ thế tử Mạnh Quốc công một chút. Ai dè Diêu công tử này lại nói câu nào mang gai câu ấy, không được lời nào hay ho cả!

"Bổn điện thấy cảnh đẹp sông nước quanh đây thật quá hiếm gặp, còn đang định mời mấy vị công tử cùng thưởng thức xem. Ai ngờ các ngươi lại trò chuyện trước rồi, hóa ra bổn điện lại thành kẻ ngoài cuộc, nhỉ?" Ninh công tử đang định mỉa mai đáp lại thì chợt bị một tràng cười dài cắt ngang.

Toàn thân hắn run lên; sắc mặt Diêu công tử và Mạnh công tử cũng cứng lại. Cả ba và tất cả công tử xung quanh đồng thời cúi xuống, chắp hai tay chào: "Tham kiến Đại điện hạ!"

Đại hoàng tử Tư Không Việt dẫn hai thân binh đi xuống từ thang gỗ. Đầu xuân Giang Châu vẫn còn hơi lạnh, ai ai cũng khoác áo choàng, nhưng hắn chỉ mặc một lớp áo mỏng, lộ ra hình thể cường tráng oai hùng và hai cánh tay cơ bắp đầy sức sống.

Tư Không Việt phất tay miễn lễ, không đến ngồi trên ghế mà thái giám vừa mang ra, mà đi đứng cạnh Mạnh công tử: "Mạnh Chi Phồn, ngươi thấy thuyền rồng này của bổn điện trông được không?"

"Đại điện hạ đừng trêu chọc Chi Phồn nữa." Mạnh Chi Phồn chắp tay thi lễ: "Mười vạn công tượng phải mất trọn một năm mới tạo ra được chiếc thuyền Hải Long Vương này của điện hạ. Chỉ nhìn vào hai con rồng vàng ở hai mạn thuyền thôi, cũng đã được trạm chổ tinh xảo đến từng vảy một. Một dị bảo thế này không chỉ "trông được", mà còn xứng làm bảo vật trấn quốc của Đại Chu ta nữa!"

"Ha ha ha!" Nghe vậy, Tư Không Việt bật cười: "Mạnh Quốc công đứng đầu lục bộ Thượng thư, nên Chi Phồn ngươi đã thấy qua bao nhiều thứ đặc sắc hiếm có rồi? Thế mà thuyền này lại được ngươi khen bốn chữ "bảo vật trấn quốc"! Xem ra phen này bổn điện mời ngươi cùng du hành đến Giang Châu là cực kỳ đáng giá!"

Khóe miệng Mạnh Chi Phồn cong lên, cúi người lui xuống.

"Ninh Trọng Khôn." Tư Không Việt nhìn sang công tử áo trắng nọ: "Vài ngày rồi bổn điện không gặp tổ phụ ngươi, ông ấy vẫn khỏe chứ?"

"Cảm tạ điện hạ quan tâm, tổ phụ vẫn khỏe lắm ạ." Ninh Trọng Khôn vội cúi đầu: "Tổ phụ thường xuyên nhớ đến điện hạ. Nghe nói lần này điện hạ đi sứ Mông quốc phía bắc, giương cao uy quyền của Đại Chu ta, làm lũ du mục man di đó phải kính sợ; nên ông ấy luôn ca ngợi Người không ngớt."

"Thế thì tốt." Tư Không Việt gật đầu: "Ở chỗ này của bổn điện, ngươi không cần phải khách sáo quá. Ninh Quốc công từng là thầy giáo của bổn điện – học thức của ông ấy rất uyên bác, bổn điện thật lòng bái phục. Mấy hôm trước bổn điện vừa có một gốc linh chi rừng, về kinh rồi ngươi cầm đi nhé, để bồi bổ cho tổ phụ ngươi."

Trong lúc mọi người nói chuyện, thuyền rồng dần dần chậm lại, chuyển hướng đến bờ sông --- đến bến rồi.

Trong đám người ngựa chen chúc trên bến tàu, đương nhiên phải có "Đô đốc chuyên nịnh bợ" – Giang Châu đô đốc Tào Quế Xuân đứng hàng đầu tiên. Sau lưng hắn là quan viên Giang Châu đứng trải dài, sau đó nữa là thân quyến của họ đến cùng nghênh đón.

Thân là quan canh giữ của Giang Châu, đương nhiên là Ninh Như Hải cũng đứng trong hàng ngũ này. Trái phải sau lưng gã lần lượt là Ninh Tương và Ninh Uyên.

Từ năm trước, kinh thành Hoa Kinh đã có thông báo xuống cả vùng Giang Châu – sẽ có khách từ Hoa Kinh đến du ngoạn vào hội Thưởng Liễu, yêu cầu mọi quan viên phải dẫn theo một tiểu bối trong nhà ra đón. Vì Ninh Tương bị thương ở tay, nên Ninh Như Hải đã định dẫn Ninh Uyên đi. Nhưng sau khi biết người đến là Đại hoàng tử Tư Không Việt, Ninh Tương liền đến thư phòng, nhất nhất bảo là tay mình đã ổn, hoàn toàn có thể đi cùng gã. Thấy nhi tử kiên quyết quá nên gã cũng đồng ý, nên hôm nay mới dẫn cả hai người đến đây.

Ninh Uyên khẽ liếc sang quan sát Ninh Tương – liền thấy tay trái hắn thõng xuống bên người, trông sưng hơn tay phải, hẳn là giấu thanh nẹp trong áo.

Suốt một tháng nay, Ninh Bình Nhi bị giam ở từ đường, Liễu thị ngoan ngoãn ở yên trong Hà Tâm uyển, nên Ninh Tương cũng khá là im lặng, không gây phiền phức cho y nữa. Mà mấy hôm trước vừa hết hạn cấm túc của Liễu thị xong, ả liền lập tức đi cầu xin Ninh Như Hải, cầu sống cầu chết, cuối cùng cũng xin được cho Ninh Bình Nhi được ra ngoài trước hạn.

Hôm Ninh Bình Nhi ra khỏi từ đường, vì Cảnh Dật đòi dữ quá nên Ninh Uyên mới cùng cậu đến đó xem xem. Nhớ lại dáng vẻ nàng ta khi bị nâng ra khỏi đó, y thực sự muốn than một câu – đúng là trừng phạt đúng tội!

Chỉ trong một tháng, nàng ta đã gầy đến độ da bọc xương, trông bẩn thỉu ngang với Hạ Trúc khi bị nhét than vào miệng. Vì trong từ đường không thể tắm, càng không thể dưỡng thương; nên nàng ta vẫn mặc bộ quần áo hôm 30 đó. Vì chịu gia pháp nên váy lụa của nàng đã ướt đẫm máu, lúc này đã cứng lại thành từng cục đen đen, thậm chí còn bốc mùi tanh tưởi. Nghĩ đến cảnh nàng không thể đứng dậy, nên việc đại tiện tiểu tiện... đều phải "giải quyết" ngay trong váy thôi.

Thấy nữ nhi của mình bị giày vò đến thảm trạng này, Liễu thị bật khóc lao tới, ai ngờ lại bị mùi hôi thối kia xộc vào mũi suýt ngã. Cuối cùng ả vẫn không nhịn được --- nôn thốc nôn tháo ở ngay bên. Hai ma ma nâng Ninh Bình Nhi ra cũng không nể tình chút nào, vứt người ra khỏi từ đường rồi vỗ vỗ tay đi về, không buồn quản thêm nữa. Sau cùng, quản gia phải tìm hai ma ma cường tráng không sợ bẩn đến, mới lôi được Ninh Bình Nhi về đến Hà Tâm uyển.