The Tears Of Love

Chương 1



“Vô dụng thôi mẹ ơi, con không may được như mẹ đâu. Con sẽ đi tìm việc làm.”

Người đàn bà nằm trên giường kêu lên khe khẽ.

“Không được, Canuela. Mẹ không để con ra ngoài làm việc! Hơn nữa, con có thể làm chuyện gì đây?”

Canuela mỉm cười.

“Mẹ quên rồi là con nói được tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, thêm một chút tiếng Ý. Con có tự tin là sẽ trở thành thư ký cho một thương gia nào đó.”

Mẹ cô lại kêu lên kinh hãi.

“Không được! Rồi ba con sẽ nói sao?”

Canuela băng ngang qua phòng đến ngồi trên chiếc ghế bên giường mẹ cô. Cô áp tay mình nhẹ nhàng lên những ngón tay trắng mềm mại trên tấm khăn trải giường.

“Mình hãy nói cho hết ngọn ngành đi mẹ. Cô dịu dàng nói.”

“Mẹ nghĩ mẹ có thể may mỗi ngày một tiếng.”

“Mẹ phải nghe lời bác sỹ căn dặn, có nghĩa là không làm gì hết.”

Bà Arlington thở dài.

“Có thật là không thể nào cầm cự được với số tiền còn lại không?” Bà hỏi nhỏ.

“Con e là như vậy.” Canuela khẽ nói.

“Đó là lỗi của mẹ”, bà Arlington đáp lời. “Mấy món thuốc đó tốn kém quá, lại còn thêm thức ăn! Con có chắc là mẹ cần ngần ấy trứng và sữa không?”

Bà lại thở dài.

“Mẹ không đành lòng nghĩ đến con phải làm việc. Sẽ có nhiều đàn ông con trai lưu ý đến con, con gái của mẹ xinh xắn quá, con yêu à.”

Bà đã nói lên sự thật, Canuela quả thật rất xinh đẹp. Đường nét trên mặt cô gần như hoàn hảo. Sóng mũi qúy phái thon nhỏ, khuôn mặt trái xoan, nhưng khi nhìn lần đầu người ta chỉ chú ý đến đôi mắt thật to màu xanh lục. Mái tóc là một kết hợp lạ lùng giữa màu vàng thoáng chút ánh đỏ, rèm mi sẫm dài. Mẹ của cô biết rõ Canuela luôn thu hút người khác phái bất kỳ nơi nào cô đến.

Từ ngày họ trở lại Anh quốc, sức khỏe bà Arlington càng ngày càng suy yếu. Sức khỏe tàn tạ không những vì nỗi đau đớn tuyệt vọng trước cái chết của chồng và dư luận thù nghịch vây quanh cái chết ấy, mà còn vì bà và con gái hầu như không còn tiền phòng thân.

Họ đã phải bán đến vài món đồ giá trị còn sót lại, và trong sáu tháng qua phải sống nhờ vào tài thêu thùa của bà Arlington. Bao nhiêu hàng thêu lụa và satin bà làm ra đều được đón nhận bởi các cửa tiệm lừng danh trên đường Bond, nhu cầu tiêu thụ còn cao hơn sức bà cung ứng.

Canuela chỉ may được các đường viền, cắt vải, hay khâu trên ren nhưng không tài nào thêu được tinh tế như mẹ của cô. Còn tệ hơn là cô phải mất nhiều thời giờ để may và họ đã quá trễ nãi thanh toán các đơn đặt hàng khiến các cửa tiệm bắt đầu tỏ ý bất bình.

Dường như với Canuela bản danh sách thuốc men và đồ ăn thức uống cho mẹ cô mỗi tuần lại càng dài hơn, và mẹ cô càng ngày càng suy yếu nhược hơn. Bà quá gầy guộc, ho liên tục, gò má đỏ ửng một cách không tự nhiên.

“Con có nghĩ là, bà Arlington ngập ngừng nói, “người ở đây có thật cần một thư ký biết nói tiếng Tây Ban Nha không?”

“Thế nào cũng có chỗ cần, con thấy trên báo ngày hôm kia nói là người ta đang mua thêm thịt từ Argentina nhiều hơn trước đây!”

Cô làm cử chỉ diễn tả trước khi nói tiếp.

“Điều đó có nghĩa là có người ở đây đang làm hợp đồng. Họ đang liên lạc với các chủ trại ở Argentina nhưng rất ít người nói được tiếng Anh!”

Bà Arlington không trả lời, sau một lát bà thấp giọng nói.

“Ba con từng có dự định cho tương lai của con. Ba luôn biết rằng con sẽ lớn lên xinh đẹp, nên đã dành dụm để con có được vũ hội ra mắt long trọng, áo sống thanh lịch, và cơ hội quen biết những chàng trai độc thân muốn lập gia đình.”

“Ít ra ba cũng hứng thú với tiệc tùng.” Canuela cười khẽ.

“Con cũng sẽ như vậy, mẹ cô trả lời, “có phụ nữ nào mà không thích được ngưỡng mộ, lễ hội, hay được khen tặng đâu con.”

Canuela lặng thinh, đoạn cay đắng nói.

“Không ích lợi gì cứ tưởng nhớ hoài đến quá khứ, cô giáo người Anh của con từng nói như vậy đấy.”

“Tội nghiệp cô Johnson. Mẹ cũng không biết chuyện gì xảy ra với cô ấy, nhưng người mẹ thường nghĩ đến là Maria. Bà ấy là một phụ nữ vô cùng khả ái và hết lòng thương mến mình.”

“Bà ấy rất tôn sùng ba, con vẫn còn nhớ tất cả những bài hát ru em tiếng Ý bà ấy hát cho con nghe khi con còn bé, và vẫn còn hát khi mình trở về Buenos Aires.”

Nhìn thấy nét u uẩn trên mặt mẹ, cô vội nói.

“Mình đừng nói đến chuyện này nữa mẹ ạ.”

“Lúc nào mẹ cũng nghĩ đến chuyện này, về năm cuối cùng khi ba đang thăng tiến, lúc mọi người đếu nói rằng ba sẽ được giao trọng trách Đại sứ bên u châu... và rồi –”

Bà bất chợt dừng lại và nhắm mắt để con gái không thấy mình khóc.

“Rồi thì chuyện đó xảy ra! Canuela khẽ nói. “Mặc kệ thiên hạ nói gì, mẹ và con đều biết là ba trong sạch.”

“Dĩ nhiên là ông ấy trong sạch! Bà Arlington kêu lên. “Con có thật sự hình dung là ba làm ra chuyện ấy không?”

Bà thở sâu, giọng có sức hơn.

“Ba không những yêu mến Anh quốc, ba yêu cả Argentina. Đất nước ấy là huyết mạch của ông ấy, và ba xem Buenos Aires là nhà của mình, cũng giống như London.”

“Con có nhớ ba từng nói như thế. Canuela đồng ý. “Ba cũng nói vậy khi rời khỏi Argentina là ba sẽ nhớ đến Rio de la Plata, trường sở và mọi người chỗ đó đều thân tình với ba.”

“Cho đến giây phút cuối cùng!” Bà Arlington thì thầm.

Canuela đứng lên đi ngang qua phòng.

“Con sẽ không bao giờ tha thứ cho cách hành xử của người Argentines. Con ghét họ! Mẹ nghe con nói chứ? Con căm thù họ! Cũng giống như con ghét đám người tự xưng mình là bạn bè của ba trong sứ đoàn Anh quốc, họ không đứng về phía ba khi chuyện xấu xảy ra.”

“Họ cũng không giúp nổi bản thân họ mà, khi bản tường trình đã được gửi về Anh là ba con phải về nước chấp nhận thẩm vấn.”

“Vậy Bộ Ngoại Giao muốn khám phá cái gì?”

“Giá như tấm bản đồ ấy không thất lạc. Bà Arlington nghẹn ngào nói. “Đó là phần thiệt hại. Lúc còn trên tàu ba cứ đi lên đi xuống cabin ngày cũng như đêm hỏi mẹ ‘Nó ở đâu rồi? Chuyện gì đã xảy ra?’.”

Giọng bà đau khổ đến nỗi Canuela phải quay lại đến bên giường nắm lấy hai tay mẹ mình.

“Đừng tự hành hạ mình, mẹ à. Đó là điều mình không bao giờ biết được, nhưng ít ra ba đã mất như một anh hùng.”

Bà Arlington không đáp lời con gái, nhưng cả hai mẹ con đều suy nghĩ như nhau. Ông Lionel Arlington đã nhảy xuống biển cứu một đứa bé gái. Ông mang được nó lên chiếc thuyền nhỏ được thòng xuống, nhưng không ai hiểu được khi ông sắp lên thuyền thì lại biến mất dưới những làn sóng. Từ đó không ai còn thấy ông nữa. Ông là một tay bơi giỏi và lúc ấy biển không động. Điều bí ẩn ở đây là ông đã mang được đứa bé tới bờ bến an toàn nhưng mình lại mất mạng, trừ phi – ông muốn làm như thế.

Báo chí đã khai thác tin tức ấy đến mức tối đa. Khắp nơi trên các mặt báo, những tin hàng đầu như gào lên.

NHÀ NGOẠI GIAO ĐANG BỊ NGỜ VỰC CHẾT NHƯ MỘT ANH HÙNG,

KẺ PHẢN BỘI HAY ANH HÙNG?

Và vô số những bài báo bắt đầu bằng:

Có phải là một lầm lẫn bi thảm khi nghi ngờ một nhân vật ngoại giao lỗi lạc?

Nhờ vào lòng tốt của thuyền trưởng họ đã đến được Anh, và né tránh được đám ký giả đang tụ tập đợi họ trên bến tàu. Hai mẹ con đã lẻn được lên bờ không ai hay biết, và từ đó họ hoàn toàn biệt tích. Giới truyền thông ra sức truy lùng, nhưng đều vô vọng. Không một ai biết được người phụ nữ kín đáo bà “Gray” đã thuê một căn phòng rẻ tiền trong khu chung cư trên đường Bloomsbury là vợ của nhà ngoại giao quá cố tên tuổi xuất hiện trên trang đầu của các tờ báo trong gần một tuần qua.

Không một ai đoán biết được có cơn bão quốc tế như thế do Mỹ gây ra đầu năm 1892 nhằm nỗ lực lôi kéo Argentina vào vòng ảnh hưởng của Bắc Mỹ. Tháng ba năm đó bộ trưởng ngoại giao Anh ở Argentina đã gửi một bản tường trình tối mật đến hầu tước của Salisbury ở Anh. Ông ta nói có tin đồn rằng một ông Pitkin nào đấy đã đưa đề nghị cung cấp bạc cho chính phủ Argentine, số tiền lên đến 100 triệu dollars. Trước khi nhận được hồi đáp bộ trưởng Anh đi phép vào giao cho Lionel Arlington đảm trách vấn đề này.

Ông trở nên quá khẩn trương về việc điều đình giữa Mỹ và Argentine đến độ gửi đi một bản điện tín dài nhất trong lịch sử ngoại giao Anh. Nhưng trong lúc các chính khách cân nhắc tình hình ở Argentine ở London, nơi mà việc bảo mật là một vấn bất khả kháng, thì một cuộc tranh luận đã nổ ra sôi động, càng dữ dội và gay gắt hơn bởi lẽ việc tranh cãi không mang tính cách chính thức.

Tại London tờ nhật báo Times đăng một bài tường thuật ngắn về những toan tính của người Mỹ muốn giành một căn cứ trên River Plate (cửa sông giữa Argentina và Uruguay). Sự kiện này đã quét sạch bí mật khiến bộ trưởng Mỹ phải công khai tuyên bố sự quyết đoán ấy là sai lầm. Dù thế nào đi nữa bộ trưởng Pháp lại thỏa mãn vì các cuộc tranh cãi đại loại như thế đã được tiến hành, cả ông ta và bộ trưởng Uruguay đều đồng ý rằng người Mỹ đang nỗ lực để mua một căn cứ hải quân tại một trong hai nơi, Argentina hay Uruguay.

Chính vào thời điểm này một viên chức thứ yếu, Janson Mandell, trong đoàn công sứ Anh được ủng hộ bởi phe Argentine bất đồng quan điểm, đã gửi một bản mật báo đến London. Trong bản báo cáo đó họ khẳng định rằng Lionel Arlington đang có mưu đồ với người Mỹ, nhưng điều này tuyệt đối sai lầm. Bản báo cáo được phát động bởi lòng đố kỵ và tư thù, vì người đàn ông đang được đề cập đến đã xúc phạm bà Arlington bằng thái độ tán tỉnh tại một buổi dạ vũ nên bị chồng bà ấy ra tay đánh gục và làm bẽ mặt ngay tại đấy.

Lẽ ra bộ ngoại giao có thể làm ngơ trước lời cáo buộc đó vì mối lo ngại ám ảnh, quá đáng sợ đối với người Anh về liên minh Mỹ-Argentine trên thực tế không bao nữa sẽ biến mất, và Mỹ sẽ tấn công trên mặt trận thuế nhập cảng. Sự việc này đã gây phẫn nộ cho chính phủ Argentine, nên họ đã tuyệt đối cấm chỉ nhập cảng dầu hỏa, gỗ, và máy móc của Mỹ. Lẽ ra lúc đó cần phải buộc những kẻ thù của Lionel Arlington ngừng toàn bộ sự việc, thì không may họ đã khám phá ra một bí mật và một kế hoạch vô cùng quan trọng phòng thủ cảng của Buenos Aires bị mất tích trong sứ quán Anh.

Lần cuối cùng những giấy tờ đó được thấy trong tay Arlington và ông ta cũng thẳng thắn thừa nhận như vậy. Nhưng đến khi được lệnh thiết lập bản đồ thì tài liệu hiển nhiên đã biến mất. Trong tình cảnh đó hầu tước Salibury cũng không thể làm gì hơn là gọi Lionel Arlington về London thẩm vấn xem chuyện gì đã xảy ra. Không ai biết được người nào đã tiết lộ câu chuyện cho giới báo chí Argentine, nhưng cũng không khó khăn gì để đoán ra danh tính của người chỉ điểm.

Vào bất cứ lúc nào Buenos Aires cũng lăm lăm chuẩn bị tấn công dân ngoại quốc giữa bọn họ cho dù số tiền họ đầu tư vào Argentina là một tầm quan trọng lớn của quốc gia.Trong vài tuần lễ lại có thêm một làn sóng “đuổi cổ bọn ngoại bang” đánh vào thành phố và dẫn đến một số nổi loạn trong các thành viên của liên đoàn Công-dân-cấp-tiến. Tên tuổi của Arlington trở thành đầu đề bàn tán cứ như ông ta là kẻ phản bội thay vì là người đã cống hiến bao nhiêu năm đời mình cho các liên hệ bang giao giữa tổ quốc ông và Argentina.

Nhạy cảm, có giáo dục cao, và là người nhân cách cao thượng và chính trực, ông đã hoàn toàn bị suy sụp chỉ vì nghĩ rằng có người nào đó lại có thể hình dung ông cư xử như thế. Trong lúc họ trên đường trở về quê hương cô bé Canuela 16 tuổi đã nghĩ rằng ba mình đã trở thành người già cỗi chỉ qua một đêm.

Giờ đây nhìn mẹ cô nằm tựa đầu trên gối nhan sắc đã tàn phai nhiều vì kham khổ và bệnh hoạn Canuela tự nói với mình rằng không những ba cô đã chết trên biển cách đây hai năm, mà một phần thân xác mẹ cô cũng chết theo.

“Mẹ sẽ khỏe lại thôi,” cô đột nhiên lên tiếng. “Mình không thể tiếp tục ngồi đây trong cơ cực nữa, trốn chui trốn nhủi, và chết dần chết mòn vì đói khát. Con phải đi kiếm tiền! Kiếm đủ tiền bằng bất cứ giá nào để chúng ta sống thoải mái.”

“Mẹ không cho phép, Canuela,” mẹ cô đáp lại. “Con không biết thế giới bên ngoài như thế nào đối với một cô gái trẻ đẹp như con. Con từng được tháp tùng như các thiếu nữ Tây Ban Nha được tháp tùng, và cũng giống như các thiếu nữ Anh vậy.”

“Mẹ đang nói đến các công nương qúy tộc không có khả năng làm bất cứ cái gì,” Canuela trả lời, “mẹ à mình không có tiền, vì thế con phải kiếm sống!”

Giọng cô gái bất ngờ đanh lại âm điệu mẹ cô chưa từng nghe trước đây.

Cô vừa nói vừa băng ngang qua phòng đến trước tấm gương gắn trên chiếc tủ có ngăn kéo. Cô ngắm bóng mình trong gương một hồi và tháo mái tóc được búi cao khéo léo sau đầu. Những lọn tóc buông dài qua vai thành những lượn sóng vàng rực xuống đến gần hông của cô. Cô lấy bàn chải tóc cứng chải những lượn tóc ra sau vầng trán thon, rồi đưa tay xoắn tóc lại và kẹp thành một búi. Cô ghim tóc thật chặt với những chiếc kẹp dài đến độ tóc trên đỉnh đầu được kéo thật mượt không còn một gợn quăn nào.

Canuela mở ngăn kéo, thò tay mò mẫm bên trong rồi lôi ra một cặp kính đen của ba cô rồi đeo lên sống mũi. Ông từng đeo kính này vào một kỳ hè vì mắt bị đau trong một tai nạn cưỡi ngựa, nên bác sỹ nghĩ rằng nắng hè quá gắt cho lớp võng mạc đang hư hại.

Vì đây là kính thiết kế cho đàn ông nên có tròng rất lớn, và gương mặt thon nhỏ của cô dường như khuất hẳn phía sau. Canuela quay lại.

“Mẹ ơi nhìn con đi! Thư ký đầy khả năng này mẹ!”

Bà Arlington nhìn chăm chăm cô con gái.

“Con trông kinh khủng quá, Canuela! Và cặp kính đúng là làm cho diện mạo xấu hẳn đi!”

“Thì con dự định như vậy mà,” Canuela trả lời. “Mẹ phải công nhận là không đàn ông nào dám nhìn con lần thứ hai đâu.”

“Đúng là một cách nghi trang hữu hiệu,” bà Arlington tán thành.

Canuela mặc chiếc áo đầm đen, áo sống của cô chỉ có vài cái. Sau khi mãn tang cha, cô và mẹ không đủ khả năng để mua sắm thêm y phục. Họ có trong rương những món đẹp đẽ mang theo từ Buenos Aires nhưng không một ai còn lòng dạ nào để nghĩ đến bộ áo, những thứ có màu sắc, và xa hoa thuộc về quá khứ nữa.

Canuela đi lại tủ áo và lấy một chiếc nón bonnet nhỏ từ ngăn trên cùng. Nón được viền bằng dải băng đen, và cô thậm chí còn đè bẹp những dải băng này để chiếc nón trông không có vẻ sang trọng hay đừng tươi tắn quá. Cô thắt quai nón dưới cằm và mặc chồng lên thân trên áo đầm với chiếc áo khoác thật sát màu đen cài nút đến tận cổ trông thật nghiêm trang.

“Con ra ngoài,” cô nói với mẹ mình. “Con đi mau thôi mẹ à, nên mẹ đừng lo lắng quá.”

“Con đi đâu thế?”

“Đến văn phòng môi giới Brewstead trên đường Piccadilly. Con nhớ chỗ đó khi mình ở London mấy năm về trước. Con đi với ba đến đó để tìm một nhân viên kế toán cho tòa đại sứ ở Tây Ban Nha.”

“Mẹ nhớ chỗ đó,” bà Arlington thấp giọng. “Anh ta là một thanh niên rất tốt.”

“Con mong có người ở đây để săn sóc mẹ trong lúc con ra phố.”

“Cho đến lúc con về mẹ không có việc gì đâu,” bà Arlington trả lời, “nhưng đi mau nhé cưng. Con biết là mẹ không thích con đi một mình xuống phố đâu.”

Canuela bật cười nho nhỏ. “Trong bộ dạng như thế này con sẽ an toàn mà mẹ. Người đàn ông đi theo con từ cửa hàng hôm qua sẽ không đoái hoài liếc con lần thứ hai đâu.”

“Có người theo con sao? Ôi cưng của mẹ ơi, thế mà con không nói gì với mẹ cả.”

“Hắn đâu có làm được chuyện gì giữa phố xá thênh thang đông đúc ban ngày ban mặt.”

Những ngón tay của bà Arlington run rẩy trong lúc bà đưa tay ra cho con gái.

“Con có nghĩ là con đang làm đúng không hở con? Nếu con ở trong văn phòng với một người đàn ông thì cũng không an toàn như ra phố đông đảo đâu.”

“Con hứa với mẹ,” Canuela an ủi, “con sẽ chọn chỗ làm rất thận trọng. Con sẽ cố tìm người chủ nào già khằng như Methusela (người già nhất trong kinh thánh Hebrew, 960 tuổi) và giàu nứt đố đổ vách như Croesus (vua Lydia, sống trong khoảng 560-546 BC) vậy!

Bà Arlington cười như mếu.

Khi Canuela rời khỏi phòng bà cảm thấy lẽ ra bà nên phản đối hành động quyết liệt đi tìm việc của con gái nhiều hơn nữa, nhưng bà tuyệt vọng hiểu rằng họ chỉ còn chút ít tiền bạc không kéo dài được bao lâu nữa. Bà nhận thấy Canuela càng ngày càng gầy và phải bớt phần ăn của nó để có tiền mua thuốc thang mà bác sỹ cứ tiếp tục ra toa, mà theo như bà thấy cho dù trông có vẻ vậy nhưng chẳng hữu hiệu bao nhiêu. Hơn nữa lệ phí của bác sỹ lại đắt, và vì tự trọng họ nhất quyết trả tiền cho ông ta ngay sau mỗi lần thăm bệnh.

Tương lai đối với mẹ con bà dường như quá tối tăm, quá vô vọng đến độ bà Arlington lại nằm xuống nhắm mắt lại. Thoạt đầu là một giọt rồi nước mắt tuôn ra ướt đẫm má.

“Ôi, Lionel, Lionel,” bà thì thầm, “không có anh làm sao mà em có thể sống tiếp đây?”

-o0o-

Canuela tới được đường Piccadilly sau khi đổi hết chuyến xe bus (do ngựa kéo) này đến chuyến khác. Hôm nay không có chuyện gì xảy ra như mọi hôm cô ra ngoài một mình. Cô không thể nào không nhận thấy là diện mạo của mình dễ có ảnh hưởng kích động đối với đàn ông, vì lẽ đó trong lúc nhan sắc của cô luôn tạo cho cô lợi thế như được tiếp đãi lịch sự, được trợ giúp ân cần thì bên cạnh đó cũng mang lại nhiều điều bực bội.

Đôi khi phiền toái đó là những thư ký, những người chào hàng toàn là những người có vẻ ngoài lịch sự nhưng cách xử sự thì lại không được như thế. Hôm nay là lần đầu tiên cô đi ngang nhưng không bị ai chú ý, nên mừng thầm là cách cải trang của mình vô cùng hữu hiệu. Cô còn mong là cách này làm mình nhìn chững chạc hơn.

Đương nhiên là hiếm có người chủ nào lại đi tin một thiếu nữ mới 18 tuổi thông minh và thông thạo trong lĩnh vực ngôn ngữ như cô.

Canuela sinh ra ở Argentina, đất nước liên quan đến tên của cô bởi vì cha mẹ cô đang nghỉ lễ ở một thôn làng mỹ miều yên tĩnh có tên là Canuela và cô đã chào đời một cách bất ngờ ở vùng đất đó.

Khi cô lên 5 tuổi ba cô được thông báo thuyên chuyển đến Tây Ban Nha, và sau ba năm ở Madrid ông lại được cất nhắc lên chức vụ cao hơn ở Lisbon. Rồi từ đó họ trở về Argentina và đối với Canuela, giống như tâm trạng của ba cô, chuyến đi đó dường như là trở về cố hương.

Lionel giống như một cậu bé, ông chỉ cho cô xem hết mọi nơi chốn ông từng biết trong suốt thời gian bổ nhiệm chót của ông ở Buenos Aires trước khi ông thành hôn. Mỗi buổi sáng họ rong ruổi trên lưng ngựa hàng dặm xa vào những vùng đất trống xanh tươi bên ngoài thành phố. Khi sứ quán đóng cửa vào cuối tuần thì họ lại khởi hành thám hiểm những miền quê màu mỡ xinh đẹp ngập tràn nắng ấm. Canuela dần dà trở nên yêu mến những vùng đất này cũng như cha cô.

“Anh tin chắc rằng,” trước đây có lần Lionel Arlington nói với vợ ông có cả Canuela ở đó nghe được, “đây mới chính là vườn địa đàng, và nếu anh là Adam anh không thể đòi hỏi một người vợ quyến rũ hơn em đâu, em yêu.”

Bà Arlington bật cười với chồng mình nhưng ánh mắt bà đầy thương yêu.

Họ thật vô vàn hạnh phúc bên nhau, chuyện này thật may mắn bởi vì bà Arlington là con gái của lord Merwin, trước cơn thịnh nộ của gia đình bà đã bỏ trốn với một thanh niên nghèo không ai biết đến của ngoại giao đoàn. Điều đã làm cho hành động của bà thêm phần tệ hại vào lúc bấy giờ là bà đã đính hôn với một nhân vật qúy phái địa vị vô cùng quan trọng, vị hôn phu đã được cha của bà chọn sẵn.

“Gia đình của mẹ sẽ không bao giờ tha thứ cho mẹ,” bà Arlington bảo con gái, “không chỉ vì mẹ kết hôn với người mẹ thương nhưng vì mẹ đã gây dư luận đàm tiếu! Trong mắt ông ngoại con việc xuất hiện trên báo chí, ngoại trừ khi có ai sinh ra hoặc qua đời, thì là tội lỗi không thể tha thứ.”

Canuela nhớ lại những lời đó khi cô nhận ra là mình không thể mua sắm tất cả những thứ bổ dưỡng cần thiết cho sức khỏe của bà. Thậm chí cô đã từng cân nhắc ý tưởng đến gặp ông ngoại, nếu như ông vẫn còn sống để xin giúp đỡ. Rồi cô biết không những mẹ cô sẽ không cho phép nhưng chắc chắn ông ngoại cô sẽ từ chối lời xin xỏ của cô. Nếu ông đã ghét vài đoạn tin trên báo liên quan đến chuyện hủy bỏ đính hôn của con gái ông thì ông sẽ nghĩ gì những tin hàng đầu, các lời bình luận của chủ bút, và những suy đoán vô tận về tội phản quốc giả tưởng và cái chết bi thảm của người con rể?

“Không, mình nhất định phải tự chăm sóc cho mẹ,” cô tự nhủ và rảo bước đến văn phòng Brewstead leo lên cầu thang hẹp dẫn đến tầng đầu tiên.

Ông Stewstead là một người đàn ông lớn tuổi, mặt sắc với đôi mắt tròn và sáng. Ông cho người ta ấn tượng là ông cho rằng mọi nhân tuyển đến nộp đơn đều nói dối, và nhìn người người xin việc với ánh mắt trịch thượng khiến họ phải có mặc cảm thấp kém và lệ thuộc ngay từ giây phút họ vào văn phòng.

Canuela đợi đến phiên mình mãi đến khi ông ta tiếp xong người khách trước cô. Đấy là người một đàn ông tóc bạc đang tìm công việc thu ngân, ông ta mặt mày sượng sùng vì bị cho là lú lẫn và đã quá tuổi làm việc từ lâu.

“Để tôi xem sao,” ông Brewstead nói một cách miệt thị, “nhưng tôi e là không tìm nổi bất cứ việc nào tương xứng với công việc cũ của ông. Ngày mai ông cứ thử trở lại xem.”

Bị đuổi khéo, người đàn ông tìm việc quay ra ánh mắt ảo não tuyệt vọng. Ông Brewstead bắt đầu chú ý đến Canuela.

Đôi mắt sắc sảo quan sát bộ áo đen của cô, ông ta nhận ra ngay lập tức là hàng vải không phải là thứ đắt tiền dù được may cắt thật vừa vặn. Rồi ông ta lại lưu ý đến chiếc nón bonnet giản dị, và ánh mắt nán lại một lúc trên cặp kính của Canuela.

“Sao đây?” ông ta hỏi một cách cứng rắn.

“Tôi đang tìm công việc thư ký,” Canuela trả lời.

“Mắt cô có vấn đề gì không?”

“Không có vấn đề gì cả, chỉ là tôi thích đeo kính thôi.”

Ông Brewstead rõ ràng là đang tìm cách phản bác nhưng lại không biết phải nói thế nào, nên đành mở sổ ra.

“Tên?”

“Gray”

“Tuổi?”

“Hai mươi bốn.”

Ông Brewstead ném cho cô tia nhìn rắn đanh, nhưng không đưa ra nhận xét nào.

“Địa chỉ?”

Canuela chậm rãi nói chỗ ở của mình, và ông ta lẳng lặng ghi xuống.

“Trình độ chuyên môn?”

Giọng ông Brewstead ra điều ông ta đã biết rõ mười mươi là cô chẳng có chút kinh nghiệm nào.

“Tôi nói được tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và tiếng Ý,” Canuela nói thêm, “và một ít tiếng Pháp.”

Cô thật thích thú nhìn thấy ông Brewstead ngạc nhiên khi viết xuống không nói lời nào.

“Cô biết dùng máy đánh chữ chứ?”

“Vâng,” Canuela đáp lời, “tôi còn có kiểu viết tốc ký riêng đủ nhanh để theo kịp hầu hết bài đọc của ai.” Vừa nói cô vừa nghĩ mình thật may mắn vì ba cô thường nhờ cô làm thư ký nghiệp dư khi ông ở nhà.

“Mình đâu có muốn nhân viên tòa đại sứ đến đây hoài,” cô nhớ ba cô hay nói như thế, “Canuela có thể làm hết mọi việc ba muốn hoàn tất mà. Ba thích nhà của ba là chỉ cho ba thôi.” Đôi khi có những báo cáo phải đệ trình thì ông nhắn với sứ quán sẽ không vào sở đôi ba ngày, và thế là họ lại trốn đi chơi, cưỡi ngựa ra ngoài thành phố đi ngao du thám hiểm. Sau cả ngày trên lưng ngựa đến tối Canuela sẽ ghi chép các văn bản, rồi cặm cụi suốt nửa đêm đánh máy cho ba mình. Những tháng ngày đó vui không thể tưởng và cô yêu từng giờ từng phút ấy.

Giờ đây cô mừng thầm là vai trò thư ký không chính thức đó đã cho cô một trình độ đáng kể mà ngay cả ông Brewstead cũng có ấn tượng tốt.

“Cho tôi xem thư giới thiệu của cô đi,” ông nói ra điều thích bắt bẻ.

“Tôi e là không có sẵn cho ông vì tôi luôn luôn làm việc ở ngoại quốc,” Canuela trả lời. “Vì thế tôi cần chút ít thời gian để viết thư cho các người chủ trước và yêu cầu họ đề cử cho tôi.”

Ông Brewstead đặt bút xuống.

“Nhất định,” ông thốt lên, “cô phải biết lý lẽ thường tình là yêu cầu họ viết thư giới thiệu trước khi rời nhiệm sở chứ?”

“Nhưng thực tế là lúc ấy tôi không nghĩ việc này cần thiết,” Canuela đối đáp với ông ta bằng giọng điệu kiêu kỳ. “Tôi đâu có dự định phải làm việc khi trở về Anh, nên lúc đó thư giới thiệu dường như không cần thiết.”

Cô ngưng một chút rồi nói thêm.

“Dù sao đi nữa, nếu cần thì tôi có thể đem tới, nhưng đương nhiên không thể nào vừa yêu cầu là có liền được.”

Lời giải thích của cô nghe có vẻ hợp lý, ngay chính cô cũng cảm thấy như vậy, và ông Brewstead nhìn chăm chăm xuống dòng chữ của mình. Vào lúc đó có một người đàn ông bước vào văn phòng. Người này trang phục tươm tất nếu không nói là kín đáo. Ông ta bước ngay đến bàn với dáng dấp uy quyền, và Canuela tránh sang một bên nhường chỗ cho ông ta.

“Chúc một ngày tốt lành, ông Hayward!” Ông Brewstead nói một cách tránh né. “Chúng tôi không mong là ông trở lại quá nhanh như thế.”

“Tôi e rằng,” ông Hayward trả lời, “người thanh niên ông phái tới cho chúng tôi thật là hết cách – hoàn toàn bất lực. Tiếng Tây Ban Nha của anh ta thì chậm chạp nặng trịch, còn tiếng Bồ Đào Nha là số không, không biết chữ nào cả.”

“Chậc, chậc. Tôi thật lấy làm tiếc,” ông Brewstead xin lỗi. “Nhưng thư giới thiệu của anh ta quá xuất sắc.”

Người đàn ông trung niên mỉm cười khẽ.

“Trình độ Tây Ban Nha mà người Anh cho là thỏa đáng thì đối với ông chủ của tôi chỉ là vô dụng.”

“Tôi chỉ đành xin lỗi thôi.” Ông Brewstead nói, “và hy vọng là tìm được người khác cho ông. Nhưng thành thật mà nói ông Hayward à, trong sổ sách của tôi hiện tại không có thanh niên nào nói được bất cứ thứ tiếng nào ngoài tiếng mẹ đẻ cả.”

Ông Hayward thở dài.

“Tôi biết là khó. Ông cũng đã cố hết sức rồi, nhưng không may vấn đề đặc biệt của tôi vẫn chưa giải quyết được.”

Ông ta quay người định bỏ đi, nhưng Canuela đã nghe hết được mọi chuyện họ nói vội tiến tới một bước.

“Tôi nói được tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.”

Ông Hayward quay qua nhìn cô.

“Thật chứ!” ông Brewstead buột miệng. “Qúy ông đó không muốn sử dụng phụ nữ.”

“Chuyện đó có vấn đề gì nếu như ông ấy không thể tìm đàn ông trám vào vị trí đó?” Canuela vặn hỏi.

Ông Hayward nhìn cô rồi lên tiếng.

“Cô thạo tiếng Tây Ban Nha chứ?”

“Tôi nói tiếng đó cũng như nói tiếng Anh.”

“Còn Bồ Đào Nha thì sao?”

“Tôi từng sống ở nước đó năm năm.”

Ông Hayward do dự rồi nói với ông Brewstead.

“Đề nghị này có thể vô ích thôi, nhưng biết đâu ông Lopez sẽ cân nhắc lại trường hợp cô gái này.”

“Vậy tại sao ông không đưa cô ấy đi cùng?” Ông Brewstead đề nghị. “Câu trả lời cùng lắm là ‘không’ thôi.”

“Đúng vậy,” ông Hayward quay qua Canuela, “cô đi với tôi nhé cô...?”

“Tên tôi là Gray,” Canuela trả lời.

“Tôi có xe bên ngoài, nếu cô không thích hợp thì tôi cho người đưa cô về trong vòng nửa tiếng.”

“Cám ơn ông.”

“Tôi chỉ hy vọng, cô Gray,” ông Brewstead gằn giọng xen vào, “rằng cô nói thật và cô nói được mấy thứ tiếng này y như lời cô nói. Ông Lopez là người rất khó tính.”

“Thật đúng là rất khó tính!” Ông Hayward xác định rồi thở dài. “Thôi đừng để chúng ta phí thời gian nữa, vì ông Lopez đã bực bội vô cùng khi thấy chàng thanh niên ông gửi tới quá dốt. Sáng hôm này quả thật gay go, tôi cam đoan với ông.”

“Tôi xin lỗi – thực tình xin lỗi!” Ông Brewstead nói, “chúng ta hãy mong rằng cô Gray có thể lấp vào chỗ trống đó.”

Giọng ông ta có vẻ gì đấy như muốn nói với cô rằng hy vọng đó chỉ là chuyện viễn vông. Dù thế nào đi nữa hiện tại ông ta chỉ muốn tìm một giải pháp tạm thời trong lúc cùng đường bí lối để giữ thể diện thôi.

Không nói thêm lời nào nữa ông Hayward đi trước xuống thang và Canuela khép nép theo sau. Trong lúc bước đi cô phân vân tự hỏi không biết ông Lopez này là ai, vì cái họ ấy rất thông thường ở cả hai nước Tây Ban Nha và Argentina. Cả các nhà qúy tộc lẫn kẻ ăn xin đều có tên Lopez trong hai quốc gia này. Còn ông Lopez này dù có là ai đi chăng nữa thì hiển nhiên là có ảnh hưởng không nhỏ với cả hai ông Hayward và Brewstead.

Xe ngựa đang chờ ngoài đường. Người gia nhân đã mở cửa sẵn, và phải cố lắm ông Hayward mới nhớ đến phép lịch sự và nhường cho Canuela bước vào trước. Ông theo cô vào ngồi trong băng ghế sau, cầm nón trong tay và cứ vặn nón một cách bứt rứt.

“Cô hoàn toàn chắc là cô nói thông thạo tiếng Tây Ban Nha chứ?” ông lên tiếng hỏi khi xe ngựa vừa lăn bánh.

“Tôi cam đoan với ông tôi nói được hai ngôn ngữ,” Canuela trấn an ông ta.

“Chủ của tôi khó tính, rất khó!” Ông Hayward nói. “Ông ấy muốn mọi chuyện đều kiện toàn, và đòi hỏi người khác phải nhanh nhẹn như chính ông ta, và là người không khoan dung – không hề khoan dung – với người gây lỗi lầm.”

Canuela nghĩ ông ta nói nghe có vẻ đáng ghét, nhưng cô vui vẻ tiếp chuyện.

“Ông chủ của ông là người Tây Ban Nha à?”

“Thật ra không phải. Ông ấy người Argentina,” ông Hayward trả lời.

Canuela sững người.

“Ông ấy là senor Ramón Mendoza de Lopez!” Ông Hayward nói tiếp.

Giờ thì cô biết họ đang đề cập đến ai: Ramón Mendoza de Lopez là một trong những người được truyền tụng nhiều nhất và ngưỡng mộ nhất trên toàn thể đất nước Argentina. Anh ta là nhân vật đại biểu cho tầng lớp quyền thế nhất, nổi lên như là kết quả của nền kinh tế phát triển nhanh chóng.

Mặc dù chưa bao giờ thấy anh ta cô mơ hồ nhớ được anh ta được nhắc đến như là người đẹp trai, và nổi tiếng vì những chiến công hào hùng cũng như trong thế giới đỏ đen. Lúc còn trẻ anh ta từng tiêu phá cả gia tài và lại tạo dựng cơ ngơi khác. Anh ta xuất thân từ dòng dõi qúy tộc mà tổ tiên trực hệ là người Tây Ban Nha đến Nam Mỹ trong những đạo quân chinh phục lục địa Mỹ châu. Cô nghĩ rằng mẹ của anh ta là người Anh, nhưng cũng có thể là bà của anh ta. Nguyên nhân mà cô cảm thấy hứng thú với nhân vật này là vì ba cô thường nhắc đến anh ta. Ramón là người đã bảo trợ sáng lập hội đua ngựa, và ba cô từng nói là anh ta giàu vô kể và là một trong những người có năng lực nhất trong số các điền chủ giàu có, am hiểu thấu đáo những khả năng chính trị và tài chính của quốc gia.

“Thế nào cũng có ngày Ramón de Lopez sẽ trở thành tổng thống của Argentina,” Lionel Arlington trước đây từng tiên đoán như thế.

“Sao ba lại nghĩ như thế,” Canuela hỏi ba cô.

“Dân chúng muốn có người để tôn sùng,” ba cô mỉm cười giải thích, “và Ramón de Lopez đáp ứng được những mơ ước lãng mạn hình ảnh nhân vật mà người dân Argentine muốn đạt tới. Ba cô nhận xét có phần châm biếm, tuy nhiên Canuela nghĩ rằng ba cô mến mộ và có lẽ ganh tỵ chàng thanh niên trẻ hào hoa, người sở hữu cơ man của cải và mọi thứ khác đem lại danh tiếng vẻ vang cho anh ta.

Nhưng cô thầm nhủ chắc chắn như đinh đóng cột là Ramón de Lopez nằm trong số những kẻ đã truy đuổi ba cô trong lúc tấm bản đồ bến cảng mất tích. Có một số người đã lên tiếng chỉ trích ba cô, tiếp nhận báo chí phỏng vấn, và thúc giục sứ quán Anh tống Lionel Arlington về nước. Cô hầu như khẳng định rằng Ramón de Lopez là một trong những kẻ đó, nhưng nếu cô không nhớ nổi thì sẽ có mẹ cô.

Lòng cô tràn ngập hận thù khi nghĩ đến những chuyện mà bọn người Argentines, thậm chí cả những kẻ từng giả vờ là bè bạn, đã gây ra cho ba cô, Canuela chỉ muốn thoát ra khỏi xe ngay lập tức. Nhưng rồi cô tự nhủ có lẽ định mệnh đã sắp đặt khiến cho anh ta xuất hiện trong cuộc sống của cô vào thời điểm đặc biệt này. Có lẽ cô sẽ có cơ hội báo thù cho cha, tiêu diệt một tên Argentine như ba cô đã bị bọn người này tiêu diệt.

“Tôi ghét bọn họ! Tôi căm ghét bọn họ!” Cô chỉ muốn thét lớn lên, và nhận ra mình đang căng thẳng khi xe dừng lại bên ngoài một tòa nhà đường bệ trên một đại lộ vượt qua khỏi công viên St. Jaimes.

“Toà nhà này thuộc về chính phủ Argentine,” ông Hayward giải thích, “và senor Lopez có phòng riêng trên lầu một. Các văn phòng ở tầng trệt và lầu hai trở lên.”

Khi vào bên trong ông dẫn cô ngang qua một hàng các gia nhân mặc sắc phục, và đưa cô vào phòng đợi tuyệt đẹp nằm trong khu vực phía trước của tòa nhà.

“Cô đợi ở đây nhé, cô Gray, tôi đi xem senor Lopez có trong nhà không và ông ấy muốn gặp cô hay không.”

Ông ngưng lại rồi nói thêm.

“Cô có hiểu là, hiện tại ông ấy có thể chưa suy xét đến việc nhận phụ nữ vào làm không?”

“Với tất cả những cái mà tôi có từ trước đến nay tôi hiểu được việc đến đây là cả một đặc ân, nếu xét đến thân thế ngẫu nhiên bất hạnh của tôi!” Canuela châm biếm đáp lại.

Ông Hayward nhìn cô bằng ánh mắt mà cô hiểu như là thất thần rồi bỏ đi.

Canuela bật cười, rồi chợt nhận ra là cách nhận xét như thế bảo đảm sẽ đưa mình trở lại văn phòng tìm việc Brewstead chẳng mấy chốc.

“Mình phải tỏ ra nhún nhường hơn,” cô tự nhủ, và cảm thấy trong thâm tâm có động lực mạnh mẽ kiên cường nổi lên chống lại với ý tưởng vừa rồi.

Trước đây ba cô từng dạy rằng, “con phải tỏ ra tự hào, tự hào về bản thân mình để ngẩng cao đầu và nhìn thẳng vào mặt bất cứ người nào! Chỉ có những kẻ hèn nhát nịnh bợ mới bò lê lết đợi người khác đá họ đi.”

“Nhưng ba đã bị họ đá vào lúc ba không hề ngờ tới,” Canuela nghĩ một cách cay đắng.

Cô ước là mình có thể nhớ được nếu Ramón de Lopez thực sự là kẻ đã tỏ ra độc ác với ba trong giờ phút hoạn nạn.

“Giá mà tôi có thể trả lại cho họ những cái họ đã gây ra cho ba!”

Cô vẫn còn nhớ như in người cha tự hào, nhạy cảm của mình đã phải chịu đựng ra sao khi họ rời Buenos Aires, chỉ có lèo tèo đôi ba người tiễn họ ra đi. Thật quá trái ngược với những lần khác khi họ đi nghỉ lễ với một cabin chất đầy quà cáp: nào là hoa, trái cây, chocolates, và cả sách. Và hàng chục bạn bè chào từ biệt Bon Voyage, thúc giục họ, “Về mau nhé – thiếu anh chúng tôi không làm gì được việc cả.”

Hoàn cảnh mới khác biệt làm sao, ngày họ phải lẻn đi với bao lời cáo buộc đê hèn treo lơ lửng trên đầu họ như đám mây đen. Mẹ cô thì khóc sụt sùi, còn ba thì sắc mặt ảo não trắng bệch.

“Tôi căm thù họ! Căm thù người Argentines! Tôi sẽ không bao giờ quay về nơi đó!” Canuela cương quyết thề với lòng.

Bất chợt cửa mở, và Hayward xuất hiện ngay ngưỡng cửa.

“Senor Lopez muốn gặp cô, cô Gray.”

Canuela đứng dậy, trong giây lát cô thật không muốn gặp nhân vật senor Lopez này chút nào. Nhưng có điều gì đấy, dù cô cũng không hoàn toàn chắc chắn là gì, dường như xúi cô đừng đi lên lầu. Điều gì đấy cứ thôi thúc cô bỏ chạy. Rồi cô nhận ra là mình thật vô lý. Cô đến đây để tìm việc, và còn có ai sẽ thích hợp để thuê cô hơn là người Argentine đang cần thư ký biết nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đây?”

Đồng thời, trong lúc theo Hayward lên lầu, cô tự nói với mình công việc này, dù có là việc gì đi nữa, có vẻ sẽ không kéo dài lâu vì dường như Ramón de Lopéz chỉ đến Anh quốc trong thời gian ngắn.

Nếu khéo léo, cô có thể kiếm đủ tiền kéo thêm khoảng một tháng sau khi hắn đi. Bất cứ giá nào cô quyết định sẽ mua những thuốc men, thức ăn bổ dưỡng thiết yếu mà bác sỹ ra toa cho mẹ.

Đến lầu một thì ông Hayward dừng lại trước một cửa phòng, và khẽ xoay tay cầm.

“Thưa senor, có cô Gray,” ông nói một cách kính cẩn và Canuela bước tới trước.

Trước mắt cô là một phòng khách lớn, trang hoàng xa hoa với sofa và ghế trước lò sưởi bằng đá cẩm thạch. Phòng có trổ những cửa sổ dài trông ra quảng trường St. James. Buông xuống từ trên trần là chiếc đèn treo bằng pha lê khổng lồ.

Canuela đã đoán biết Ramón de Lopez đẹp trai sau khi nghe ba cô kể, nhưng cô không nghĩ anh ta lại quá cao, bờ vai thật rộng và đồng thời lại thanh lịch đến như vậy. Khuôn mặt rắn rỏi, với đường nét rõ ràng cương quyết. Đôi mắt sâu sẫm màu bên dưới hàng mày thẳng. Mái tóc đen chải ra phía sau để lộ vầng trán vuông vức.

Dáng dấp anh ta toát ra vẻ độc đoán, cô thầm nghĩ, thật hiển nhiên ngay từ khoảnh khắc nhìn vào. Đương nhiên thôi, anh ta chính là qúy tộc, người sinh ra để chỉ huy, là người ra lệnh và muốn người khác phải tuân phục, và sẽ lấy làm kinh ngạc nếu họ bất tuân với mình!

Còn nữa, vành miệng tàn nhẫn kia và điều thầm kín nào đó cô không sao hiểu được khiến cô chợt cảm thấy ngượng ngùng dưới ánh mắt dò xét của anh ta. Ramón nhìn cô đăm đăm như đang tìm kiếm gì đấy, dường như không phải nơi diện mạo bên ngoài của người khác mà là muốn lục soát tận đáy sâu tâm hồn của họ. Nhưng cô lại nhanh chóng bảo mình đấy chỉ là tưởng tượng thôi. Chẳng qua cô đang phú cho Ramón de Lopez với bao nhiêu điều lãng mạn anh ta nhận được ở Argentina, chẳng liên quan gì đến công việc cô sẽ phải làm cho anh ta cả.

“Mời ngồi, cô Gray,” Ramón de Lopez đưa tay chỉ chiếc ghế trước bàn làm việc.

Canuela ngồi xuống mép ghế, không hiểu sao cô lại quá lo lắng. Thần thái người đàn ông này có vẻ áp đảo làm sao, thái độ của anh ta cứ như muốn xuyên thấu lớp cải trang của cô và cho cô có cảm giác anh ta đã biết cô đang giấu giếm danh tính.

“Theo lời ông Hayward tôi hiểu là cô thông thạo tiếng Tây Ban Nha. Phải thế không?”

“Vâng.”

Vẫn giữ giọng điệu không thay đổi anh ta bắt đầu nói nhanh kinh khủng liên quan đến công việc của mình ở Anh cho thương nghiệp thịt của Argentine. Đề cập đến những buổi thương lượng và thảo luận đang tiến hành mà anh ta hy vọng sẽ đạt tới những hợp đồng thuận lợi, và cuối cùng chấm dứt câu chuyện bằng một câu hỏi.

Không hề tỏ ra ngập ngừng, Canuela trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha. Hơn nữa biết rằng anh ta đang chờ xem khả năng của cô, Canuela nói đến một số chi tiết. Khi cô dừng lại, cô thấy ánh mắt anh ta thoáng ngạc nhiên.

Rồi không đợi thêm phút nào anh ta tiếp tục đối thoại, nhưng lần này là tiếng Bồ Đào Nha. Canuela lại đáp lời ngay tức thì sau khi anh ta kết thúc. Cô hiểu rằng về mặt ngôn ngữ tiếng Bồ Đào Nha của mình thuần giọng hơn tiếng Tây Ban Nha và cô phân vân không hiểu ông de Lopez này có lưu ý không.

Đương nhiên là anh ta có lưu ý!

“Cô nói tiếng Tây Ban Nha thật xuất sắc, cô Gray,” anh ta nói bằng Anh ngữ, “và tôi ngạc nhiên là rất nhiều từ ngữ tôi sử dụng mà cô lập lại để trả lời tôi phát âm mang âm hưởng Argentine.”

Canuela lẳng lặng không trả lời, giờ đây cô ước rằng giá mà vừa rồi mình giữ giọng Tây Ban Nha theo đúng lối nói chính thống của người Castilian (giọng Tây Ban Nha chính thống) mà cô thường dùng ở Madrid.

“Sao cô nói giỏi được như thế?”

“Tôi từng học cả hai ngôn ngữ,” cô trả lời bằng giọng lạnh nhạt, kiềm chế hy vọng anh thấy rõ rằng cô không muốn trả lời câu hỏi.

“Cô sử dụng được máy đánh chữ không?”

“Vâng.”

“Còn tốc ký thì sao?”

“Tôi có thể ghi lại bài đọc ở mức độ bình thường.”

“Vậy cô cho rằng cách tôi đang nói là ‘bình thường’?”

“Độ chừng như vậy. Thoạt đầu tôi nhận ra một số từ thương mại hơi khó, nhưng tôi sẽ quen mau thôi.”

Ramón đùa nghịch với con dao rọc giấy cán ngà trên bàn bên cạnh anh ta.

“Tôi nghĩ cô đã hiểu, cô Gray, là tôi muốn sử dụng nam nhân viên chứ?”

Canuela cúi đầu.

“Nhưng theo lời ông Hayward hiện thời không có ai sẵn sàng cả, và tôi bị dồn ép với bao nhiêu là việc và số lượng lớn điện tín cần giải mã mỗi ngày, bây giờ tôi rất cần phụ tá.”

Anh ta ngưng lại dường như đợi Canuela lên tiếng, nhưng thấy cô không nói năng gì anh tiếp tục.

“Cô có thể làm việc cho tôi sớm chừng nào?”

“Ngày mai.”

Ramón de Lopez đứng lên.

“Vậy được, cô Gray. Tôi muốn cho cô bắt đầu làm việc theo căn bản hàng tuần vì tôi chưa xác định sẽ ở lại London bao lâu. Nhưng tôi thành thật cho cô biết rằng nếu tôi tìm được nam thư ký trong thời gian đó, lúc ấy tôi không cần đến sự trợ giúp của cô nữa.”

“Tôi hoàn toàn hiểu được. Phụ nữ luôn luôn phải tiếp nhận vị trí thứ nhì.” Cô hối hận ngay khi vừa nói ra và chỉ ước giá mà mình cứ giữ yên lặng.

Cô thấy tia nhìn sắc bén của Ramón hướng về mình và biết chắc anh ta không quen có thư ký tỏ bất cứ thái độ nào ngoại trừ trong vai trò một tấm thảm chân hoàn toàn và tuyệt đối cho anh ta chà đạp.

“Được rồi, cô Gray, tôi mong cô chuẩn bị làm việc vào chín giờ sáng mai.”

“Còn một chuyện khác, senor Lopez. Tôi có thể biết với chức vụ này ông trả lương cho tôi như thế nào không.”

“Ồ tất nhiên rồi,” Ramón nhếch môi. “Tất nhiên đó là điều tối quan trọng. Cô có yêu cầu gì?”

“Tôi e rằng tôi không có khái niệm mức lương chính xác ở Anh. Tôi từng làm việc ở ngoại quốc cho đến hiện tại.”

“Tôi cũng thế, vậy chúng ta phải tìm hiểu thôi.” Anh ta gõ chuông trên bàn làm việc, tiếng chuông vang lên giòn giã.

Cửa sịch mở và ông Hayward bước vào nhanh đến độ cô đoan quyết ông ta phải đứng nghe ngay ngoài cửa.

“Hayward, tôi đã dự định trả lương như thế nào cho chàng thanh niên không đáng giá tới sáu xu?”

Ông Hayward nêu lên một con số khiến Canuela nín thở.

Nhiều quá – nhiều hơn số lương cô từng tiên liệu với giá trị của một thư ký.

“Vậy được,” Ramón quay sang cô, “Cô Gray, tôi hy vọng cô sẽ ưng thuận số lương đó.”

“Tôi vui lòng chấp thuận, với điều kiện là tôi bắt đầu làm lúc chín giờ và về lúc năm giờ.”

Ramón nhướng mày.

“Tôi mong cô ở lại lâu hơn. Điện tín thường đánh tới khá trễ vào buổi chiều.”

Canuela lẳng lặng không nói lời nào.

Rồi anh ta nói mà Canuela nghe ra giọng anh ta có phần thú vị.

“Cô Gray tôi biết điều cô thực sự đang nói trong đầu là nếu tôi giữ cô ở lại trễ cô phải được trả lương phụ trội? Tôi tin chắc ông Hayward chu toàn để cô được đền bù công bằng, thích đáng.”

“Cám ơn ông,” cô nói xong và hơi nhún người xuống chào.

Chào xong cô mới kinh ngạc nhận ra lẽ ra mình cần phải thi lễ ngay từ lúc bước vào phòng mới phải. Canuela xoay người bước ra cửa, hy vọng rằng suốt từ nãy đến giờ mình đã tỏ ra điềm tĩnh và rằng Ramón de Lopez không hề biết được là tim cô đã đập như trống trận.