Thất Sơn Truyện

Chương 12: Truyện kể của Hùng Bon-sai - Ông Năm Chèo



Từ xưa đến nay, trăn luôn là loài hiền lành, không làm hại con người, lúc bò cũng chậm chạp chứ không loằn nhoằn chạy mất như loài rắn. Bình thường, trăn hoang dã thường thả nổi trên mặt nước, có khi để săn mồi, còn không thì chỉ là thú vui của chúng vậy thôi. Trăn sống ở sâu trong khu đầm lầy, không bị con người săn bắt nên có độ tuổi rất cao; chưa kể đến khu hang động rễ tràm bị âm khí từ bọn ma đi lạc bao phủ, con trăn sống ở môi trường như thế thì có Đức Phật mới biết nó to như thế nào. Về phần Hùng và Thông, mới chỉ thấy cái đầu của nó thôi thì tay chân đã rệu rời, phải lấy hết sức bình sinh mới bơi được tới chỗ gò đất.

Lại nói về sự hiền lành của loài trăn, bình thường thì chúng không làm hại ai cả, chỉ săn chuột hoặc cá, nhưng có những thời điểm, con người nên tránh xa loài động vật này: khi chúng lột da, ấp trứng hoặc đói mồi. Hùng có suy nghĩ thoáng qua rằng con trăn này đang trong thời kỳ ấp trứng, vừa bò ra khỏi tổ để kiếm gì đó bỏ bụng thì lại bị hai thằng không biết từ đâu tới ăn trộm trứng của mình, cho nên nó đang khá là điên máu. Dường như nó biết là nó đã bị phát hiện nên bơi chậm lại, cả thân mình chìm xuống dưới kênh, chỉ còn cái đầu ngoi lên, những tiếng “khè, khè” rít qua kẽ răng, những tiếng “his his” phát ra theo chuyển động của chiếc lưỡi đỏ ói, nghe mà lạnh cả sống lưng.

Gò đất chỗ Hùng và Thông đang đứng nhỏ như cái lu, nếu Thông thả Sinh xuống vẫn vừa đủ cho ba người nhưng lại chật chội vô cùng. Xung quanh thì tối om, ánh sáng duy nhất là từ chiếc đèn pin, Hùng không dám lia đèn để tìm đường chạy, lỡ đâu vừa lia đèn đi con trăn lặn đâu mất tăm thì nắm chắc chín phần số phận là sẽ nằm trong bụng nó; nhưng cứ soi lăm lăm vào nó như thế này, khác nào là phương án buông xuôi để biết thời gian chầu trời chính xác của mình là lúc nào. Khó càng thêm khó, suy nghĩ mãi cũng không biết phải tính như thế nào. Trong khi đó, con trăn chỉ cách bọn Hùng, Thông và Sinh chừng hai chục mét nữa thôi.

Thông chửi thề: “Bà mẹ con cá sấu, lần này mà bố còn sống về bố lột da mày đem bán!”

Hùng nói: “Con trăn còn không biết đánh lại không, ở đó lo con cá sấu.”

“Đại ca, giờ phải chửi chứ, nghĩ nát óc cũng tìm được đường nào đâu. Má nó, bữa giờ bị ma ám, quỷ dọa giết mà không chết. Không ngờ cuối cùng lại phải nằm ngủ trong bụng trăn!”

“Anh cũng hơi bậy nữa. Nãy thấy cái trứng chà bá cũng hơi cấn cấn mà…”

“Thêm anh nữa,” Thông cắt ngang, “giờ anh lo nhận lỗi thì được cái gì đâu. Em nghĩ không ra cách là chuyện bình thường, anh thông minh hơn em thì phải khác chứ!”

“Mày nói đúng…”, Hùng cười, anh cởi balo để xuống gò đất rồi nói tiếp: “Coi như lần này anh em mình kém duyên, mày mà không đem thằng Sinh ra khỏi chỗ này thì anh về ám cả lò nhà mày!”

Nói rồi Hùng phóng xuống nước, nhắm về hướng con trăn mà bơi, Thông đứng trên bờ la oai oái: “Đại ca, anh làm cái chó gì vậy, đây không phải phim, bớt bớt đi!” Nhưng Hùng làm gì nghe được, thật ra thằng Hùng thường ngày sẽ là người trốn tránh việc phải hy sinh cho kẻ khác, nhưng như những suy nghĩ mà anh đã có lúc vừa vào khu đầm lầy này: anh đã quyết định lộ trình của cuộc đời mình. Anh chỉ có hơi tiếc nuối, không ngờ lộ trình đó lại kết thúc chóng vánh như vậy, anh đang mong chờ những cuộc phiêu lưu đầy cam go, những khám phá mới và một trái tim đói khát kiến thức. Hùng chậc lưỡi, “Không nghĩ đến chuyện đó nữa…”Anh biết là mình nhất định sẽ chiến đấu, dùng tay bóp cổ hay dùng chân đạp nước, làm gì cũng được, phần vì không muốn buông xuôi chịu chết, phần vì có thể sẽ câu được chút thời gian cho bọn Thông và Sinh vì anh biết chắc mẩm là Thông sẽ không quay lưng mà chạy liền đâu. Tuy nhiên Thông đang cõng Sinh, đó cũng là một kiểu trách nhiệm nào đó, anh cười nhếch mép, hét lớn: “Chạy đi thằng ngu”.

Con trăn giờ đã ở trước mặt Hùng nên anh có thể nhìn nó khá rõ, nó vươn cả thân mình ra khỏi mặt nước rồi cúp cái đầu to tướng xuống nhìn anh, đôi mắt vàng vọt của nó đong đưa qua lại (nôm có vẻ bối rối nhưng chỉ trong phút chốc). Hùng có thể cảm nhận được cả thân mình to đùng của nó đang quấn quanh cơ thể mình, chỉ cần một cú siết nhẹ thì xương của anh sẽ gãy vụn như bánh ống. 

Về phần Thông, đợt diệt con Phet Đặp, anh đã bỏ Hùng và Sinh lại mà không thèm suy nghĩ, trong tâm trí Thông, đó được tính như một lần chết nhát. Anh định bụng sẽ bơi ra chỗ con trăn với Hùng, chết bỏ. Chợt Sinh co cả người lên làm Thông giật mình, đúng như Hùng suy đoán, trong phút chốc Sinh đã quên đi trách nhiệm của mình. Anh nghiến răng, chửi lầm bầm vài tiếng rồi hét lớn: “Mẹ nó, anh hay lắm nghe Hùng, nhớ về báo số đề cho thằng em này đó!” Nói xong Thông đeo cái balo Hùng để lại trước ngực, có thể cứu được Sinh là suy nghĩ duy nhất trong đầu anh lúc này. Khi anh nhìn lại, vòng siết của con trăn đã nối chặt, Hùng cố vùng vẫy nhưng không có tác dụng, rồi thì Hùng ngất đi. Con trăn há cái miệng rộng hơn cái cổng chào của nó ra định nuốt trọn Hùng, nhưng không hiểu sao, đột nhiên nó khựng lại. Trong một khoảnh khắc, cả đầm lầy như đang nín thở, vạn vật im thin thít, giống thời gian ngưng lại. Rồi sau đó, Thông có thể thề rằng mình nghe thấy một âm thanh kì lạ, một tiếng động của vật gì đó đang chen giữa những cây rừng, mở lối mà đi, kể cả con trăn cũng phản ứng như đang dè chừng, tất cả trực giác của nó dồn về phía tiếng động ấy. Con trăn rít lên một tiếng chói tai, nới rộng vòng siết. Nó ngoái cổ, định bỏ chạy, bản năng của nó đang mách bảo rằng, cái thứ đang xẻ rừng xông đến kia cực kỳ nguy hiểm. Nó thả Hùng ra, cong cả thân thể lên chuẩn bị cho một cú phóng hết tốc lực. Nhưng đã quá muộn. “Phập!” Một hàm răng to đùng với những chiếc răng trắng toát nhọn hoắt từ bóng tối rừng tràm nhô ra, đã táp ngang thân hình của con trăn làm nó đứt thành hai mảnh, cái hàm nhai rau ráu, nuốt xuống ừng ực rồi sẵn tiện “xơi” luôn những phần còn lại, Thông nghĩ vậy thôi chứ anh có thấy gì đâu, chỉ nghe tiếng động. 

Trong khi Thông còn chưa biết phải hành động như thế nào thì anh nghe tiếng lội nước và không lâu sau, đứng lù lù trước mặt anh là một sinh vật mang hình hài cá sấu nhưng da nó không sần sùi mà bóng loáng, lỗ mũi đỏ chót của nó chợt phát ra ánh sáng mờ ảo, soi rọi cả một vùng đầm lầy rộng lớn, quan trọng hơn hết là nó to như một tòa nhà, hay nói cách khác, no lù lù như một chiếc tàu ai đó khéo léo đặt trong cái rừng này vậy. Thông cũng là người lớn con nhưng đứng còn chưa tới bụng của nó. Anh ngoái nhìn xung quanh: toàn nước là nước, chỉ thấy hàng ngàn cây tràm chứ không thấy đâu là bờ, lúc nãy có quẩy balo mà cõng Sinh bơi đi thì cũng không thoát được con trăn. Con vật khịt mũi, một luồng khí tanh rình phả vào mặt Thông. Chợt một ý nghĩ lóe ngang đầu anh: Hùng đâu rồi?

Đột nhiên, phía sau sinh vật bí ẩn nổi lên hàng loạt bong bóng nước, sau đó con cá sấu “lái đò” trồi lên và cõng Hùng trên lưng, anh vẫn chưa bất tỉnh hoàn toàn mà chỉ đang ho sặc sụa. Con cá sấu chở Hùng đến bờ đá, Thông thả Sinh xuống rồi lôi Hùng lên để anh nằm ngửa ra, hai chân chìm dưới nước. Hùng vừa nói, vừa ho: “Sao m...khụ khụ...sao mày chưa...khụ khụ… chạy nữa?” Kể ra thì dài chứ những chuyện vừa rồi xảy ra trong vòng chưa đến một phút, Thông chỉ biết nhún vai cười, anh đỡ Hùng ngồi dậy, lườm lên con vật to lớn với ánh mắt dè chừng, nó vẫn đứng đó thờ phì phí, chưa thấy động tĩnh gì chứng tỏ nó muốn tấn công cả bọn. Thông nói: “Con gì vậy đại ca? Thần rừng hả?”

Hùng nheo mắt, anh ngước cổ lên nhìn con vật một hồi rồi quay sang nói với Thông: “Ông Năm Chèo?!”

Sự tích về “ông Năm Chèo” có lẽ người dân Hậu Giang, An Giang nào cũng biết tới, người này truyền miệng người kia, người kia lại kể cho người nọ thế nên câu chuyện lại bị thêm mắm thêm muối nhiều lần. Trước khi về Bảy Núi, Hùng có thử tìm hiểu về những sinh vật bí ẩn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, nhân vật “ông Năm Chèo” là một trong số đó. Chuyện kể rằng, Đức Phật Thầy Tây An ngày xưa có một đệ tử tên là Đình Tây, sau khi xuất sơn thì quyết tâm đi khắp nơi làm việc thiện. Ngày nọ, ông Đình Tây đi ngang vùng Láng Linh thì nghe tiếng phụ nữ kêu đau rất thảm thiết, lúc chạy vào, ông phát hiện người phụ nữ này đang trở dạ, sắp sinh con đến nơi. Tìm mãi không thấy người chồng, ông quyết định cùng dân làng che vách, lợp mái, gọi bà mụ về đỡ đẻ. Trong lúc cao trào, bỗng một chân giường bị gãy, ông Đình Tây nguyện xả thân, lao vào dùng lưng chống cho chiếc giường khỏi ngã. Đến khi người chồng về, cảm kích trước tấm lòng của ông Đình Tây, anh ta liền khoe với ông con thú lạ vừa bắt được: nó giống con cá sấu nhưng da lại bóng như loài cá trê, chớp mũi nó có màu đỏ, lâu lâu lại bừng lên như ngọn đuốc, thêm vào đó là tứ chi có ngón và móng, có thể cầm nắm như loài người. Ông Đình Tây vốn say mê những sinh vật huyền bí, nghe lời mời tặng của người chồng thì nhận ngay. Ông về báo công trạng với Đức Phật Thầy, sẵn tiện khoe luôn con vật kỳ lạ. Tuy nhiên, vừa nhìn thấy nó, Ngài thở dài, vẻ mặt có vẻ ngao ngán, Ngài khuyên ông Đình Tây không nên nuôi, đây là loài ác ngư, sau này lớn lên sẽ làm hại dân làng. Nhưng ông Đình Tây nỡ lòng nào giết nó, ông đem về buộc dây vào chân nó rồi lén Đức Phật Thầy nuôi nó ở hồ sen. 

Con vật càng lớn càng hung hãn, sợi dây buộc nó cũng phải thay bằng sợi xích to. Một hôm, trời mưa như trút nước, sấm nổ rền trời, ông Đình Tây có linh cảm bất an bèn ra kiểm tra thì mới tá hỏa: con vật đã trốn mất. Nó tự cắn đứt bàn chân mình, bỏ trốn xuống sông mất rồi! Đức Phật Thầy nghe tin liền nổi trận lôi đình, lệnh cho ông Đình Tây lấy theo năm món bảo vật gồm hai cây lao, một cây mun cổ phụng, một lưỡi câu và một đường dây băng, sau đó còn truyền cho khẩu quyết lục lăm, sai ông lên đường bắt con ác ngư, trừ hại cho dân. Ông Đình Tây bôn ba trên vùng sông nước Cửu Long để tìm con sấu nhưng chuyện đó đâu phải dễ. Cho đến một ngày, ông nghe người dân than thở, bảo rằng có một con quái vật mũi đỏ xuất hiện ở vùng Láng Linh, nó to bằng cái nhà, mỗi lần nổi lên là tạo nên sóng thần, thuyền bè bị lật, gây biết bao tổn thất cho người dân. Nó còn bắt cả gia súc, phá vỡ bờ đê, gây biết bao thiệt hại. Ông Đình Tây nghe tin liền ba chân bốn cẳng về Láng Linh, nhưng oái oăm thay, khi ông đến thì nó không dám xuất hiện nữa. 

Ông dựng lều, quyết tâm chờ bắt con sấu nhưng nó vẫn không chịu ngoi lên. Ông nổi đóa, bèn đứng trên bờ, gọi vọng ra ngoài sông: “Hỡi loài ngặc ngư, nếu thiên cơ đã định, ngươi nên nằm yên sám hối tu hành, còn nếu số người đã tận, thì hãy theo ta về.” Kỳ lạ thay, từ thời điểm đó cho tới ngày ông Đình Tây mất, không còn thấy con sấu xuất hiện nữa. Chỉ còn những tin đồn, ví như mỗi lần sạc đất hoặc lật thuyền, người ta lại truyền miệng nhau: “Ông Năm Chèo làm đó!” Nhưng không ai dám chắc cả. Không ngờ, nó lại trốn trong khu rừng tràm Trà Sư này. Thông thắc mắc: “Anh chắc không?”

“Sự tích thì mãi là sự tích thôi,” Hùng nói, “người ta truyền miệng nhau sao thì tao kể lại như vậy. Nhưng mày nhìn vào mắt nó đi, không có sát khí!”

Hùng vừa dứt lời, ông Năm Chèo liền cúi người xuống, hơi thở hôi thối của nó như gió mạnh từng đợt, thổi tóc của bọn Hùng và Sinh phút chốc lại bay lên. Cả hai không dám và cũng không thể lùi lại, nên đành lấy hết can đảm đứng yên xem nó sẽ làm gì. Con quái ngư vừa cúi xuống ngang tầm mắt Hùng thì ngoặt đầu sang, đưa con mắt bên trái ra săm soi cả bọn. Nó hết liếc ngang thì lại liếc dọc, sau đó còn khịt lên một tiếng rõ to như kiểu coi thường loài người nhỏ bé, đoạn nó rụt đầu về phía con cá sấu “lái đò” (giờ con cá sấu này mặc dù dài hơn năm thước nhưng chẳng khác nào loài giun loài dế trước ông Năm Chèo), con quái ngư gầm lên vài tiếng, con cá sấu con mở miệng ra kêu như muốn đáp lời, con quái ngư lại gầm lên, con cá sấu con lần này thì dùng đuôi đập nước, bơi một vòng tròn giống như lúc nó gặp lão già. Lúc này, ông Năm Chèo bắt đầu dùng đôi mắt nhìn chết trân vào bọn Hùng, Thông và Sinh. Nó bắt đầu quay đi, ánh sáng trên cái mõm màu đỏ mờ dần rồi tắt ngắm. Hùng nghe nó khịt thêm một tiếng nữa.

Thông nói, giọng lắp bắp: “Đại ca...anh có thấy...hai con vật này như vừa mới...nói chuyện không?”

Hùng cũng cảm thấy như vậy, có vẻ lúc cả bọn té xuống kênh, chính con cá sấu này đã bơi đi tìm ông Năm Chèo chứ không phải bỏ trốn, mặc kệ tính mạng “khách hàng” của mình. Hùng cũng tưởng tượng đến cảnh con quái ngư này đúng như lời Thông nói, chính là “thần rừng” của Trà Sư, nếu nó có thể nói chuyện thì những tiếng khịt vừa rồi chắc cũng sẽ mang ý nghĩa kiểu như: “Con giun con dế nào vừa ăn hiếp con tao!” hoặc “Loài Người kia, đã tai qua nạn khỏi, coi như lời cảm ơn của ta vì đã cho con ta ăn!”, hoặc hơn nữa là những lời dặn dò với con sấu trước khi nó quay đi. Càng nghĩ càng nhức đầu nên Hùng chỉ nhún vai, cùng Thông leo lên lưng để “lái đò” chở đi. Thông trộm nghĩ: “lúc nãy mình chửi con cá nhỏ, đòi lột da nó, không biết nó có méc Ông Năm không…”. 

Đi thêm một lúc nữa thì đến bờ nước, lão già vẫn còn ngồi giật sợi dây cước, thấy cả bọn trở về cũng không thèm đưa mắt nhìn. Con cá sấu bơi đến chỗ lão cho lão vuốt vài cái rồi sau đó bơi đi, mất tăm trong đêm tối. Hùng soi đèn pin, Ấn Phục Ma Chú trên cánh tay của Sinh giờ đã không còn hình dạng nữa, những mạch máu xung quanh ngày càng đen hơn và vết thương cũng đã lan rộng ra nhiều. Sinh đổ mồ hôi nhễ nhại, Thông có lau thì cũng vô ích. Hùng sốt ruột, anh tiến đến chỗ lão già, như ý định lúc trước của mình, anh muốn hỏi phải xử lý con rắn bông súng chúa như thế nào mới đặng. Nhưng chưa kịp lên tiếng thì Sinh thét lên thảm thiết, cả người chú sãi co lên, miệng sùi bọt mép, ánh mắt trợn ngược không thấy tròng đen. Hùng nhìn đồng hồ: Ba giờ!

Hùng hốt hoảng nhìn xuống tay mình, máu đen cũng bắt đầu xuất hiện, những chấm li ti kích cỡ bằng chân nhang. Chợt anh có cảm giác như đầu mình bị hàng trăm loài côn trùng cắn xé, những chiếc răng gớm ghiếc găm vào hộp sọ rồi lan ra đến bộ não, đau không thể tả được. Anh gục xuống, la thất thanh. Lúc này, Thông đang kìm Sinh lại để cu cậu không bị rơi xuống kênh thì thấy Hùng như vậy liền chửi thề than khổ. Đột nhiên, lão già cột sợi dây cước của mình vào bộ rễ tràm, lão xắn tay áo, rồi thọc cả cánh tay vào một cái lỗ trên bộ rễ kia. Mặt lão nhăn lên, răng nghiến chặt, trông rất đau đớn. Đoạn, lão rút tay ra, hàng trăm con vắt bám đầy trên đó, chúng khua thân người trông kinh tởm vô cùng. Lão già, mặc dù đang rất đau, vẫn cố hết sức chạy về phía Sinh, lão cặp cánh tay mình vào cánh tay chú sãi, lũ vắt liền bò sang, bám đầy vào Ấn Phục Ma Chú, thân thể chúng căng phồng lên, kỳ lạ thay, Sinh trấn tĩnh lại, máu đen cũng ngừng không lan ra nữa. Lão cũng làm điều tương tự với Hùng.

Một tiếng sau thì Hùng tỉnh dậy, anh thấy Thông đang ngồi cạnh Sinh trên bờ nước, lão già đang cuốn sợi dây cước, trông mặt lão ta khá mệt mỏi. Thông kể lại sự vụ vừa rồi cho Hùng nghe, anh chỉ tắm tắc, “đúng là gừng càng già càng cay mà!” Chợt lão già lên tiếng:

“Thằng nhãi Thạch Sinh, bảy tám năm rồi không gặp, chắc đã báo thù xong!”, lão thở dài rồi nói tiếp: “Đã bắt được con rắn chưa?”

Hùng gật đầu rồi lễ phép hỏi lão già: “Cụ ơi, nói thật là con không biết phải làm gì tiếp theo, cụ có thương thì thương cho trót, mách kế cho con được không ạ?”

Lão cười khà khà rồi nói: “Giỏi. Nói được tiếng lục lâm, lại biết kính kính trên nhường dưới như vậy là tốt. Máu độc cũng đã hút ra, nhưng chỉ là cầm chừng. Ở Núi Két, có một vị đạo sĩ ở ẩn, lên đó cho ông ta xem con rắn, ông ta tự khắc biết làm gì.” Ngưng một chút rồi ông lão tiếp lời: “Tụi bây đánh nhau với nó, còn toàn mạng trở ra dù dính chút âm khí, lão phu có lời khen!”. 



Giữa vùng quê An Giang, chiếc wave cũ lại gầm lên, cả ba chạy như xé gió đến địa điểm tiếp theo: Núi Két hay còn gọi là Anh Vũ Sơn. 

Cả bọn đến chân núi lúc trời vừa tảng sáng, vứt bừa chiếc wave cùn không buồn gửi, Thông cõng Sinh phóng như bay lên đỉnh. Hùng coi lại đồ đạc một cách qua loa rồi cũng chạy thục mạng phía sau. Thông vốn sức trâu, có coi mệt mỏi là cái thứ gì, anh phóng một lần ba bậc thang, cũng do một phần lúc Sinh và Hùng lên cơn co giật lúc nãy, anh cảm thấy lỡ mà có mất đi hai người anh em vào sinh ra tử này, chắc anh cũng không muốn sống mà trở về nữa. Vừa đi được vài bậc thang, đang đắm chìm trong suy nghĩ vẩn vơ, anh nghe tiếng Hùng la lên ở phía sau. Thông vội vã ngoái đầu lại, vừa lúc thấy một bóng đen xuất hiện, cái bóng đấm một cú thôi sơn vào bụng Hùng khiến anh gục xuống, máu tươi trào ra từ cửa miệng, không biết sống chết thế nào.