Thanh Triều Ngoại Sử

Chương 5: Tây Hồ thư viện



Quạt lông phe phẩy trên tay

Quân sư trong trướng, 

quyết chuyện ngoài quân doanh

Đa mưu nổi tiếng sử xanh

Võ hầu Gia Cát phong thần hiển vinh

Điều dưỡng chưa đầy hai tuần, nhờ có nội lực thâm hậu, lại thêm Nhạc Tam Nguyên lặn lội đường sá xa xôi đi mời danh y, rồi lùng mua được Kim Sơn Tử, nên nội thương của Trương Quốc Khải lành hẳn. Trong mười ngày này nữ thần y đã chăm sóc cho tam đương gia thật là tận tâm tận lực.  

Hôm Trương Quốc Khải thức dậy, có thể tự mình xuống giường được, bèn lên lầu hai của thư viện tìm Cửu Dương.  Cửu Dương không ở đó, nhưng Trương Quốc Khải thấy tấm biển ghi “Tây Hồ thư viện” đang treo ngay ngắn trên tường, bên trên bàn thờ Khổng Tử.  Mặt Trương Quốc Khải vừa có chút khởi sắc liền chuyển sang tím tái.  Hiểu Lạc được nữ thần y giao cho nhiệm vụ trông chừng bệnh tình tam đương gia, hay lẽo đẽo theo Trương Quốc Khải, nên nó cũng lên lầu.  Trúng hôm các tú tài vào thư viện để nghe viện trưởng giảng bài, Trương Quốc Khải và Hiểu Lạc mới lẵng lặng đi xuống hầm.

Lát hồi các tú tài vào thư viện, hồi nữa Cửu Dương vào theo, ngồi vào chỗ cái sập đặt ngay dưới chân bàn thờ.  Các tú tài thì ngồi xếp bằng thành năm hàng ngay ngắn trước mặt chàng.

Cửu Dương như mọi hôm tận tâm giảng bài, cũng bộ y phục màu trắng quen thuộc, cuốn sách cuộn lại cầm trên tay, cùng một tách trà được đặt trên một cái sập làm bằng ngọc nghiến.  Vân nghiến trên cái sập đó nhìn như những lớp sóng cuồn cuộn, khi sờ tay vào ngọc nghiến thấy mát lạnh như chạm tay vào đá.  Cái sập có vân gỗ tự nhiên và độc đáo này được xưởng gỗ Hàng Châu tặng cho Hắc Viện.  Ngọc nghiến trong tên gọi dân dã nghĩa là nghiến hóa thạch, phần cứng nhất của cây gỗ nghiến, được hình thành từ một nguyên do khuyết tật nào đó, chẳng hạn như sâu bệnh, chặt chém, bị sét đánh... trong quá trình phát triển của cây. Theo đó cây gỗ nghiến phải dồn tích rất nhiều dưỡng chất vào chỗ bị thương để bảo vệ và chống sự xâm nhập từ bên ngoài nên phần này phát triển dị thường, tạo những phần gỗ mọc phình ra, đó chính là ngọc nghiến.

Cửu Dương giảng tới đoạn người thành công nhất định phải có tĩnh khí.  Chàng bảo các học sinh: 

-Cuộc sống với sự cạnh tranh khốc liệt và vòng xoáy kim tiền đã khiến con người trở nên phụ thuộc quá nhiều vào vật chất, áp lực đè nặng lên thân thể, họ dễ dàng bực dọc, nóng nảy, gấp gáp, lo âu… Suy cho cùng, cũng bởi vì họ thiếu một phần tĩnh khí.

Cửu Dương nói đoạn, ngừng lại cho các học sinh theo kịp, rồi tiếp lời:

-Cho nên chúng ta phải tĩnh lặng mới có thể nhìn xa, bình tĩnh mới có thể tĩnh khí, tĩnh khí mới có thể làm được việc, làm được việc mới có thể thành công.  

Lại ngưng thêm một chút nữa, chàng tiếp:

-Quá trình hàm dưỡng tĩnh khí chính là quá trình tìm lại sự cân bằng, kiến tạo một loại hài hòa và thành tựu nên một loại cảnh giới.  Có tĩnh khí, mới có thể thực sự không màng danh lợi, tâm thái bình thản, không bị tiến thoái quấy rầy, thản nhiên trước sự sủng ái và không sợ hãi trước sự nhục mạ.  Có tĩnh khí, mới đặt được ý chí ở nơi cao xa, tâm đặt ở chuyện lớn mà không bị thành tích làm cho kiêu ngạo và thất bại làm cho uể oải, chán nản.  Có tĩnh khí, mới coi nhẹ trước bất kể danh lợi nào.  Dưỡng được tĩnh khí, thì khi chúng ta gặp bất kể chuyện gì đều sẽ giữ được bình tĩnh, cử trọng nhược khinh.  Dưỡng được tĩnh khí chúng ta sẽ vô sự, bình thản và siêu việt chính mình, ngay thẳng, chính trực để xử thế.  Có tĩnh khí mới có thể bảo trì trí óc thanh tĩnh, nhìn xa trông rộng, nhìn thấu được cái tinh thâm của trời đất và quy luật của vạn vật.

Chàng nói tới đây thì hỏi các học sinh:  

-Các vị còn nhớ hôm trước chúng ta học qua lá thư Gia Cát Lượng viết cho con trai ngài, trong đó nói những gì?

Một tú tài đáp:

-Phu quân tử chi hành, 

tĩnh dĩ tu thân, 

kiệm dĩ dưỡng đức, 

phi đạm bạc vô dĩ minh chí, 

phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn. 

Phu học, tu tĩnh dã 

tài, tu học dã. 

Phi học vô dĩ quảng tài, 

phi chí vô dĩ thành học.

Cửu Dương hỏi: 

-Nghĩa là gì?

Tú tài nọ trả lời: 

-Nghĩa là hành của người quân tử là tĩnh để tu thân, cần kiệm để dưỡng đức, không đạm bạc thì cái chí không sáng, không tĩnh lặng thì chí không xa, phải tĩnh mới học được và muốn có tài phải học, không học thì không mở rộng được cái tài, không có chí thì học không thành. 

Cửu Dương nghe vậy rất hài lòng, gật đầu: 

-Đấy chính là lĩnh hội cả đời của Gia Cát Lượng… 

Cửu Dương giảng hồi lâu nữa mới xong bài học, các tú tài đứng dậy cúi chào chàng rồi ra ngoài.  Đợi họ đi rồi, một nhóm người từ dưới hầm đi lên thư viện.  Lâm Tố Đình ngó tấm bản liền tá hỏa thần hồn.  Lúc nãy Hiểu Lạc “tố cáo” với nàng quả nhiên là chuyện có thật.

Biết bát sư muội sẽ nổi cơn thịnh nộ, mà tánh tình nàng ta lúc nóng lên không thua Hỏa Diệm Sơn, Cửu Dương ngồi yên chẳng nói chẳng rằng, vẻ mặt nom có vẻ chịu đựng.  Cửu Dương đặt quyển sách xuống bàn, lẳng lặng bưng tách trà lên, dùng nắp gạt nhẹ lá trà trong nước.

Thư viện khi này im phăng phắc, mọi người cũng hầu như nín thở, đương nhiên ngoại trừ Lâm Tố Đình.

Quả thực Lâm Tố Đình chuẩn bị phun lửa, nhưng chưa mở miệng thì Trần Tôn đã lắc đầu nói: 

-Viện trưởng à, lão nô đây theo ngài bao năm, sau khi phu tử qua đời tôi nguyện theo hầu ngài, nhưng lần này… không binh được cho ngài rồi đó!

Cửu Dương nghe ông lão nói trong lòng thoáng buồn, đoạn quay sang người đệ tử yêu quý nhất của chàng, phát hiện Hiểu Lạc cũng nhích ra xa chàng mấy bước.  Nó liên tục gãi gãi đầu.

Cặp Lữ huynh đệ, Trương Quốc Khải, Nhạc Tam Nguyên cũng lắc đầu thở dài.

Lâm Tố Đình được dịp nói:

-Đó, đó, ngài viện trưởng, ngài đã thấy chưa?  Ai ai cũng bất mãn với ngài cả đó, còn không mau tháo miếng gỗ đó xuống!  

Cửu Dương không xê dịch, Lâm Tố Đình điên tiết nói:

-Thế nào?  Huynh ngại không làm, vậy để cho muội!

Dứt lời nàng định triển khai khinh công nhảy lên tháo tấm biển xuống.

Kịch!  Cửu Dương liền có phản ứng, đặt tách trà xuống bàn.

Nữ thần y đứng sau Lâm Tố Đình, ôm ngực hồi hộp theo dõi hồi nào tới giờ, thấy Cửu Dương và Lâm Tố Đình sắp ra tay đánh nhau, liền bước ra nói:

-Này, này!  Mọi người khoan hãy tức giận, hãy nhìn thử xem, hình như… có cái gì hơi khác…

Rồi e mọi người không hiểu, nữ thần y chỉ tấm biển:

- Ầy, là muội nói mấy cái chữ trên biển của hôm nay, hình như có chút khác hôm kia.

-Đâu?  Đâu? -Lữ Nghị Chánh hỏi - Đâu thấy thay đổi chi đâu?  

-Có thay đổi - Nữ thần y nói – Huynh nhìn kỹ lại đi!

Đoạn quay sang Lâm Tố Đình:

-Lâm tỉ à, tỉ có thấy khác không?

-Tỉ ư? – Lâm Tố Đình nhíu mày nhìn tấm biển, so vai – Không!  Tỉ thấy nó vẫn rất xấu xí!

Bỗng Lữ Nghị Trung vỗ trán, reo lên:  

-À!  Có khác, có khác!  

Rồi chàng cười to:

-Hàng dưới, chữ thứ hai có khác một nét…ha ha!

Lão Trần bấy giờ mới à một hơi:

-Đúng, đúng!  Chữ đó được viết thêm một nét!

Nhạc Tam Nguyên, Lâm Tố Đình, Tiểu Tường, Trương Quốc Khải và Lữ Nghị Chánh cũng đồng loạt gật gù.

Hiểu Lạc chắc tại lùn quá nên nhìn không rõ, hỏi Trương Quốc Khải:

- Tam sư bá ơi, mọi người đang trầm trồ chuyện gì vậy?

Trương Quốc Khải là một võ phu, không rành chữ nghĩa văn chương, không biết giải thích cách sao, còn đang à à luôn miệng thì Lữ Nghị Trung nói:

-Thì lúc ban đầu, tấm biển được mang tới đây, chữ “lăng” vốn chỉ có hai gạch.  Bây giờ con nhìn đi, chữ đó lại giống như có ba gạch, đúng không?  Chữ lăng có hai gạch gọi là hai điểm thủy, tức là nói cảnh đẹp ở Tây Hồ, có sóng gợn mặt biển rất là mỹ miều, ý của hoàng đế vốn là vậy.  Hắn nói giang san này của hắn rất thanh bình.  Nhưng không biết “Người nào” đã gạch thêm một gạch nhỏ nữa vào chữ “lăng” đó, khiến cho nó có tới ba điểm thủy, tức là nói khí thế tàn bạo của Tây Hồ, Giang Nam nhất định sẽ có sóng to gió lớn, long giao đấu tranh, hay nói một cách khác nghĩa là dân chúng ở đây đang rất bất mãn với triều đình Mãn Châu…

Hiểu Lạc đương nhiên biết “người nào” là người nào, nó vỗ tay nói:

-Hay quá!  Hay quá đi sư phụ ơi!

Những người khác cũng nói:

-Thất ca huynh thật tài!  

-Vậy mà huynh cũng nghĩ ra được!

-Hay lắm viện trưởng sư huynh!  

Trần Tôn nói:

-Lão nô già rồi nên hồ đồ, xin lỗi thất gia, lão nô đã không tin tưởng ngài, lão nô trách nhầm ngài rồi!

Nhưng khi mọi người dứt lời, ngoảnh sang đã không thấy Cửu Dương ngồi cạnh cái sập.

Chợt họ nghe tiếng trầm trầm như tiếng chuông đồng vang lên:

-A di đà Phật!  Thất sư đệ, một người nhứt tâm thanh tịnh, không duyên ngoại cảnh, lòng không chao động trước bất cứ một khuấy rối nào, coi như tất cả không có gì dính líu đến mình, con người đệ bề ngoài hình như kẻ ngây ngô, si độn lắm, nhưng trái lại thật là sáng suốt, thật là thanh tịnh.  Người như sư đệ thật không phải dễ kiếm!  

Tiếng này phát ra dưới lầu, ngưng một thoáng rồi tiếp:   

- Phương chi trong pháp môn niệm Phật có câu: Niệm bất nhứt bất sanh tịnh độ. Mà hễ niệm nhứt thì muôn duyên phải buông bỏ, chỉ chuyên ròng câu niệm Phật. Lòng ta niệm Phật cùng lòng Phật tương ưng. Tây phương không lìa đương niệm, không cần đoán xa xét rộng chi cả mà Phật cảnh vẫn hiện tiền. Hy hữu thay pháp môn tịnh độ.  A di đà Phật!

- Đại sư huynh đã quá lời, đệ đâu tài cán gì, nếu có thì hôm đó đã không để thất bại thảm hại, cho nên không dám nhận những lời này, đệ thật cảm thấy xấu hổ. 

Những người trên lầu nghe đối đáp, gương mặt họ toát lên những đường nét phấn khởi không tả được.  Họ chỉ nghe tiếng nhưng cũng biết người mới tới là ai, người này rất quan trọng trong Đại Minh Triều, từ trận thích khách Sơn Tây trở về. 

Tiểu Tường cũng có mặt trong thư viện, từ lúc xuất hiện nàng chỉ đứng yên lặng bên cạnh Lâm Tố Đình.  Cửu Dương thấy Tiểu Tường đến có hơi ngạc nhiên.  Chàng đâu biết rằng mấy ngày này nàng đã suy nghĩ, đã buồn khổ, đã thất vọng, giờ trong lòng nàng khá bình tâm lại và đã có quyết định của bản thân nàng.  Nàng tự nhủ rằng hễ chàng còn độc thân là nàng còn hy vọng.  Nàng nhất định không buông bỏ dễ dàng như vậy được.  Hạnh phúc là do mình tự tay tranh thủ và nắm lấy.  Nàng quyết định phải tiếp tục đánh trận này!  

Nhưng khi Tiểu Tường nghe ý trung nhân của chàng lên tiếng, Tiểu Tường thấy chàng nhìn cô ta cười ngọt ngào.  Cô gái đó cũng mỉm cười với chàng.  Hai người đó đâu ngờ rằng hai người nhìn nhau cười mà tim Tiểu Tường như vỡ ra từng mảnh.  Tiểu Tường lại ước gì nàng yêu ai đó khác không phải là chàng.  Hoặc nàng xuất hiện sớm hơn.  Nhưng rất tiếc nàng đến quá muộn khi mà trong tim chàng người con gái đó đã là tất cả.