Thần Điêu Hiệp Lữ

Chương 234



Dương Quá khen:

- Danh sư xuất cao đồ, đệ tử của đại sư khí vũ bất phàm.

Giác Viễn nói:

- Sư phụ không phải danh sư, nhưng tên đồ nhi này thì quả là bất phàm. Chỉ tiếc tiểu tăng tu vi nông cạn, không khỏi thiệt thòi cho nó. Quân Bảo, hôm nay ngươi được gặp nhiều bậc cao sĩ, đúng là tam sinh hữu hạnh, ngươi hãy thỉnh giáo các vị. Tục ngữ có câu "Nghe người khôn nói chuyện một buổi hơn đọc sách mười năm".

Trương Quân Bảo đáp:

- Vâng.

Chu Bá Thông nghe Giác Viễn cứ nói vòng vo đâu đâu mãi, tuy sự việc không liên quan đến mình, nhưng cũng là người đầu tiên hết nhịn nổi, lên tiếng:

- Này hai gã Tiêu Tương Tử và Doãn Khắc Tây kia, hai đứa bay lừa được vị đại hòa thượng chứ không lừa nổi Lão Ngoan đồng này. Hai đứa bay có biết "Ngũ Tuyệt" thời nay gồm những ai không?

Doãn Khắc Tây nói:

- Không, xin nói cho biết.

Chu Bá Thông dương dương đắc ý nói:

- Được, hai đứa bay cho vững mà nghe đây: Đông Tà, Tây Cuồng, Nam Tăng, Bắc Hiệp, Trung Ngoan Đồng. Trong "Ngũ Tuyệt", Lão Ngoan đồng này đứng đầu, hiểu chưa. Lão Ngoan đồng đã đứng đầu "Ngũ Tuyệt", lời nói tất nhiên có sức nặng. Bộ kinh thư ấy ta nói là hai đứa bay lấy trộm, tức là hai đứa bay lấy trộm. Cho dù không phải hai đứa bay lấy trộm, thì nó cũng đang ở trong người hai đứa bay, mau lấy ra trả cho đại hòa thượng! Nếu trì hoãn, mỗi đứa sẽ ăn một cái bạt tai, rồi tính sau. Hai đứa bay thích chìa má bên trái hay má bên phải nào?

Nói đoạn lão xoa xoa hai tay chuẩn bị động thủ.

Tiêu Tương Tử và Doãn Khắc Tây cau mày, thầm biết Lão Ngoan đồng võ công cao lạ thường, nói sao làm vậy đang chưa biết làm thế nào, thì Giác Viễn nói:

- Chu cư sĩ nói sai rồi! Thế sự không qua được một chữ "Lý". Bộ "Kinh Lăng Già" hai vị cư sĩ nếu đã mượn, tức là đã mượn. Nếu không mượn, tức là không mượn. Nếu quả thật hai vị cư sĩ không mượn, thì có lý nào lại vu cho họ lấy trộm?

Chu Bá Thông cười ha hả, nói:

- Các vị xem đại hòa thượng này có ra sao không? Ta giúp y đòi lại bộ kinh, y lại đi thanh minh cho kẻ cắp, có lý nào như thế? Đại hòa thượng, ta nói cho hòa thượng biết, Lão Ngoan đồng ta cứ thích vu cho hai đứa kia lấy trộm đấy. Bộ kinh ấy nếu quả thật chúng chưa lấy trộm, thì ta đoan chắc rằng ngay ngày mai hai đứa kia sẽ đến Thiếu Lâm tự lấy trộm. Nói tóm lại, quân trộm cắp là quân trộm cắp, chưa trộm cắp, thì sẽ trộm cắp. Hôm qua chưa trộm cắp, ngày mai tất trộm cắp, hôm nay đã trộm cắp, ngày mai tiếp tục trộm cắp.

Giác Viễn gật đầu lia lịa, nói:

- Chu cư sĩ nói rất hợp với thiền lễ. Phật gia nói sắc tức là không, không tức là sắc, ranh giới giữa sắc và không, vốn không nên phân định một cách gượng ép. Nói "lấy trộm sách" e bất nhã, chi bằng nói là "không hỏi cứ mượn". Hai vị cư sĩ nếu đã có cái tâm "không hỏi cứ mượn", thì dù chưa "không hỏi cứ mượn", thể nào cũng "không hỏi cứ mượn".

Mọi người nghe hai bên nói lý, một người cổ hủ, một người cả vú lấp miệng em, ai cũng có cái lý của mình, nếu cứ tiếp tục, không biết bao giờ mới dừng.

Dương Quá cướp lời Chu Bá Thông, nói với hai gã Tiêu, Doãn:

- Hai đứa ngươi giúp Mông Cổ xâm phạm cương thổ của bọn ta, giết hại bách tính nước ta, có chết cũng chưa hết tội. Nhưng hôm nay có hai võ hiệp cao tăng Nhất Đăng đại sư và Giác Viễn đại sư ở đây, nếu ta xuất thủ giết hai đứa ngươi, hai vị cao tăng hẳn không nỡ nhìn. Vậy ta chỉ cho hai con đường cho hai đứa ngươi tự lựa chọn, một là ngoan ngoãn đưa trả bộ kinh thư, từ nay không được đặt chân lên Trung Thổ. Hai là mỗi đứa tiếp một chưởng của ta, sống chết tùy vận khí của từng đứa.

Doãn, Tiêu nhìn nhau, không dám tiếp lời. Hai gã từng ăn đòn của Dương Quá, thừa biết một chưởng của chàng, chúng không thể chịu nổi. Doãn Khắc Tây nghĩ: "Chỉ cần qua được hôm nay, mai sau luyện thành võ công, sẽ trở lại báo thù rửa hận. Trong đám người kia, chỉ có Giác Viễn hòa thượng là dễ nói chuyện nhất, muốn thoát nạn, phải dựa vào gã hòa thượng ấy", bèn nói:

- Dương đại hiệp, chuyện giữa tại hạ và đại hiệp, để sau hãy tính. Đại hiệp võ công cao hơn tại hạ, tại hạ không dám đắc tội với đại hiệp. Còn chuyện có mượn kinh thư hay không, cứ để Giác Viễn đại sư bàn tính tỉ mỉ với hai chúng tôi, việc ấy đâu có liên quan đến Dương đại hiệp?

Dương Quá chưa trả lời, Giác Viễn đã gật đầu lia liạ, nói:

- Đúng, đúng thế, Doãn cư sĩ nói rất có lý.

Dương Quá lắc đầu cười khổ, ngoảnh đầu lại, thấy Trương Quân Bảo mục quang long lanh, ngọ nguậy muốn hành động. Dương Quá bèn nháy mắt, ngụ ý bảo cậu ta cứ hành động, chàng sẽ đứng sau hỗ trợ.

Trương Quân Bảo hiểu ý, nói to:

- Doãn cư sĩ, hôm ấy tiểu tử đang đọc kinh ở hành lang, cư sĩ lẻn đến sau lưng tiểu tử, điểm huyệt tiểu tử rồi lấy đi bốn quyển "Kinh Lăng Già", chuyện ấy có hay không?

Doãn Khắc Tây lắc đầu nói:

- Nếu ta muốn mượn sách, thì ta chỉ việc hỏi mượn là tiểu sư phụ cho mượn, hà tất phải điểm huyệt?

Giác Viễn gật đầu nói:

- Ờ, ờ, kể cũng có lý.

Trương Quân Bảo nói:

- Hai vị bảo không hề mượn, vậy có dám để cho tiểu tử lục soát trên người hay không?

Giác Viễn nói:

- Khám người thì quá ư vô lý. Nhưng vụ này phải trái chưa rõ, hai vị cư sĩ có cách gì hay, có thể cho biết?

Doãn Khắc Tây đang định giảo biện, Dương Quá cướp lời:

- Giác Viễn đại sư, hai tên gian tặc kia quyết không có ý tiềm tâm Phật học, bốn quyển "Kinh Lăng Già" có điểm nào đặc dị hay không?

Giác Viễn hơi trầm ngâm, nói: Bạn đang xem tại TruyệnFULL.vn - www.TruyệnFULL.vn

- Người xuất gia không nói dối, Dương cư sĩ đã hỏi, tiểu tăng đành nói thật. Bên lề bộ "Kinh Lăng Già" còn có một bộ kinh thư khác, do chính Đạt Ma sư tổ tự tay viết, gọi là bộ "Cửu Dương chân kinh".

Lời này vừa dứt, ai nấy giật mình. Thời trước các võ sĩ tranh đoạt "Cửu Âm chân kinh" mà dẫn đến chỗ chém giết nhau khắp cả thiên hạ, cuối cùng năm đại cao thủ tụ tập tại "Hoa Sơn luận kiếm", bộ kinh đó rốt cuộc do Vương Trùng Dương là người võ công cao nhất sở hữu. Sau đó việc Hoàng Dược Sư đuổi hết đệ tử, Chu Bá Thông bị nhốt ở đảo Đào Hoa, Âu Dương Phong mắc bệnh tâm thần, Đoàn hoàng gia xuất gia đi tu bao nhiêu việc đều có liên quan đến bộ "Cửu Âm chân kinh". Ai dè ngoài bộ "Cửu Âm chân kinh", Đạt Ma sư tổ còn viết bộ "Cửu Dương chân kinh". Bốn chữ này mọi người lần đầu nghe thấy, còn bộ "Cửu Âm chân kinh" thì quá nổi tiếng, Hoàng Dược Sư, Chu Bá Thông, Quách Tĩnh, Hoàng Dung, Dương Quá, Tiểu Long Nữ đều đã trước sau nghiên tập, võ công Thiếu Lâm tự là do Đạt Ma sư tổ sở truyền, bộ kinh do sư tổ tự tay viết ra tất nhiên rất hệ trọng, quần hùng vừa nghe thấy đều giật mình.

Giác Viễn không thấy sự kinh ngạc của mọi người, nói tiếp:

- Chức phận của tiểu tăng là giám quản Tàng kinh các, tất cả các bộ kinh thư tất nhiên đều phải xem qua một lượt. Cứ ngỡ trong kinh Phật toàn chép những câu danh ngôn chí lý, song tiểu tăng lại đọc thấy trong bộ "Cửu Dương chân kinh" rất nhiều pháp môn cường thân kiện thể, dịch trợ tẩy tủy, tiểu tăng nhất nhất luyện theo mấy chục năm nay, kết quả là bách bệnh không sinh, mấy năm qua bèn truyền thụ một số môn dễ luyện cho Quân Bảo. Bộ "Cửu Dương chân kinh" chẳng qua chỉ dạy người ta bảo dưỡng cái thân xác hữu sắc hữu tướng mà thôi, cái thân xác này vốn cũng không đáng gì cho lắm. Bộ kinh thư tuy do Đạt Ma sư tổ trước tác, cuối cùng chỉ là cái học bỉ tướng tiểu đạo, dù có bị mất đi cũng không sao. Nhưng bộ kinh "Lăng Già" là đại điển của nhà Phật, hai vị cư sĩ lại không biết văn tự Thiên Trúc, có mượn cũng vô dụng. Chi bằng hãy trả lại cho tiểu tăng.

Dương Quá thầm kinh hãi: "Giác Viễn đã học xong công phu thượng thừa trong võ học mà hoàn toàn không biết, cứ tưởng chỉ là pháp môn cường thân kiện thể, bách bệnh không sinh mà thôi. Chuyện lạ nhường này, trong võ lâm chưa từng xảy ra. Nếu mình không tận mắt chứng kiến Giác Viễn đại sư cố chấp, một mực giữ lễ, ắt sẽ cho rằng Giác Viễn cố ý giả bộ, giấu kín võ công. Chẳng trách các vị thiền sư cao tăng Thiên Minh, Vô Sắc, Vô Tướng chung sống với Giác Viễn mấy chục năm trong chùa mà không biết rằng đang ở bên cạnh một dị nhân".

Nhất Đăng đại sư thì nghĩ thầm: "Vị sư huynh bảo "Cửu Dương chân kinh" chỉ là cái học bỉ tướng tiểu đạo, quả nhiên thâm ngộ Phật lý. Cái học Thiền tông cố nhằm minh tâm kiến tính. Nếu biết "Cửu Dương chân kinh" là võ công, thì Giác Viễn đã chẳng học theo".

Doãn Khắc Tây vỗ vỗ trên người, cười, nói:

- Tại hạ tứ đại giai không, trên người làm gì có kinh thư?

Tiêu Tương Tử cũng phẩy phẩy áo, nói:

- Tại hạ cũng không có.

Trương Quân Bảo bỗng nói:

- Để tiểu tử lại soát!

Chàng ta bước tới giơ tay nắn nắn ngực Doãn Khắc Tây. Doãn Khắc Tây tay trái chộp cổ tay Trương Quân Bảo, tay phải đẩy nhẹ vào vai cậu ta một cái, Trương Quân Bảo lập tức bị ngã lộn một vòng.

Giác Viễn kêu lên:

- Úi chao, không hay rồi, Quân Bảo! Ngươi hãy khí trầm Vu Uyên, lực ngưng Sơn Căn, xem y có đẩy nổi ngươi xê dịch không nào?

Trương Quân Bảo bò dậy, nói:

- Vâng, thưa sư phụ!

Đoạn lao người về phía Doãn Khắc Tây. Mọi người đang chán chường, chợt nghe Giác Viễn chỉ điểm võ nghệ cho Trương Quân Bảo, đều vui thích, nghĩ bụng: "Không ngờ vị hòa thượng quân tử này cũng biết dạy đồ đệ đánh nhau".

Chỉ thấy Trương Quân Bảo xông thẳng đến, Doãn Khắc Tây chộp lấy cánh tay chàng ta mà đẩy về phía trước một cái. Trương Quân Bảo y theo cách bình thời sư phụ đã dạy, khí trầm hạ bàn, cái đẩy của đối phương chỉ khiến nửa thân trên hơi nghiêng, còn toàn thân không bị xê dịch. Doãn Khắc Tây kinh ngạc, nghĩ: "Ta chỉ e ngại Chu Bá Thông, Quách Tĩnh, Dương Quá, là những đại cao thủ hạng nhất trong võ lâm, ngoài mấy người ấy ra, ta hoàn toàn có thể tung hoành thời nay, ai ngờ tới một tên tiểu hài đồng mà cũng không hạ nổi". Bèn gia tăng kình lực đẩy thật mạnh.

Trương Quân Bảo vận khí kìm lại. Không ngờ lực đẩy của Doãn Khắc Tây đột nhiên mất tiêu, Trương Quân Bảo đứng không vững, ngã chúi xuống đất. Doãn Khắc Tây đỡ dậy, cười nói:

- Tiểu sư phụ, không cần dùng đại lễ đâu.

Trương Quân Bảo đỏ bừng cả mặt, trở lại bên cạnh Giác Viễn, nói:

- Sư phụ, vẫn chưa được.

Giác Viễn lắc đầu, nói:

- Đấy là đối phương cố ý lấy không thắng có. Trong lúc vận khí, ngươi cần phải vận khí ghìm mình, thây kệ ngoại lực từ phía nào đẩy tới. Ngươi hãy nhìn ngọn núi kia coi.

Đoạn chỉ tay về phía một ngọn núi nhỏ ở mé tây, nói tiếp:

- Ngọn núi sừng sững ở đó, thiên cổ vẫn vậy. Đại phong từ phía tây thổi tới, bạo vũ từ phía đông tràn sang, ngọn núi vẫn không di chuyển, cũng không cố ý kháng cự.

Trương Quân Bảo ngộ tính rất cao, nghe sư phụ nói xong liền gật đầu, nói:

- Sư phụ, đệ tử hiểu rồi, phải soát người y mới được.

Rồi chậm rãi tiến tới trước mặt Doãn Khắc Tây.

Dương Quá thấy cậu ta hai lần lao vội tới, lần này được Giác Viễn chỉ dẫn vài câu, lập tức cước bộ trầm ổn, thì nghĩ: "Sư đồ cậu ta tu tập Cửu Dương chân kinh đã lâu, nhờ vậy nội công thâm hậu. Song hai người hoàn toàn không ngờ bộ kinh thư ấy không chỉ dạy cách cường thân kiện thể, mà còn dạy cách khắc địch chế thắng, hộ pháp phục ma, cho nên quyết khiếu đánh địch khi lâm trận họ lại chẳng biết chút gì".

Trương Quân Bảo đến cách Doãn Khắc Tây chừng bốn thước, giơ hai tay nắm cánh tay đối phương. Doãn Khắc Tây cười hô hô, tay trái vỗ "bộp" một cái vào ngực Trương Quân Bảo. Đại địch đứng đầy xung quanh, Doãn Khắc Tây không dám đả thương Trương Quân Bảo, cái vỗ vừa rồi chỉ sử có một thành kình lực hy vọng làm cho đối phương cảm thấy đau, không dám gây sự với hắn nữa.

Trương Quân Bảo hoàn toàn không biết cách né tránh, vừa thấy bàn tay đối phương vụt qua trước mắt, ngực đã trúng một chưởng, bèn kêu lên:

- Sư phụ, đệ tử bị đánh.

Doãn Khắc Tây đánh một chưởng vào ngực Trương Quân Bảo, cảm thấy từ ngực đối phương có một luồng lực đẩy trở lại, may mà hắn chỉ sử có một thành kình lực nếu không có khi đã nguy hại. Hắn huơ huơ tay trái, nắm lấy vai Trương Quân Bảo định nhấc bổng lên mà ném đi, song không nhấc lên nổi.

Doãn Khắc Tây ngượng ngùng bối rối, ngay mấy chiêu cầm nã thủ pháp của hắn cũng chỉ làm cho Trương Quân Bảo chao đảo chứ không ngã, bất đắc dĩ phải đánh mấy chưởng, cười nói:

- Tiểu sư phụ, ta không đánh nhau với ngươi đâu. Quân tử động khẩu không động thủ, ngươi hãy lui về đi, chúng ta nói lý lẽ thì hơn. Mỗi chưởng của hắn đều đánh vào người Trương Quân Bảo, chưởng lực mạnh dần, nhưng cơ thể Trương Quân Bảo mỗi lần đều sinh ra phản lực, lực gia tăng thì lực đề kháng của đối phương cũng gia tăng tương ứng.

Trương Quân Bảo kêu to:

- Ối, ối, sư phụ, y đánh đệ tử đau quá, sư phụ mau đến giúp đệ tử.

Doãn Khắc Tây nói:

- Ta bất đắc dĩ phải làm thế, là ngươi tới đánh ta, chứ không phải ta tới đánh ngươi. Lão sư phụ, sư phụ muốn đánh tại hạ, thì cứ việc đánh, sư phụ có ơn cứu mạng đối với tại hạ, tại hạ nhất quyết không dám đánh lại đâu.

Giác Viễn lắc đầu, nói:

- Đúng, Doãn cư sĩ nói có lý... ừm, Quân Bảo, giúp thì ta không đến giúp, nhưng ngươi phải nhớ, cần phân định hư thực cho rõ ràng, mỗi chỗ đều có hư thực, mọi chỗ đều có hư thực. Ngươi nhớ lời ta dặn, khí phải căng lên, thần cần thu vào, toàn thân không có chỗ nào khuyết hãm, không có chỗ nào lồi lõm, không có chỗ nào gãy nối.

Trương Quân Bảo từ năm, sáu tuổi làm công việc phục dịch trong Tàng kinh các, từ đấy Giác Viễn đem căn cơ công phu ghi trong "Cửu Dương chân kinh" truyền thụ cho cậu ta, có điều cả hai thầy trò đều không biết đó là tu vi nội công tinh thâm nhất trong võ học. Tăng chúng Thiếu Lâm đa phần tinh thông quyền nghệ, nhưng Giác Viễn cho rằng quả đấm không phù hợp với bản chỉ Phật gia, cũng không phải là hành động bậc quân tử nên làm, cho nên mỗi khi thấy người ta luyện võ, Giác Viễn đều tránh xa. Mãi đến lúc này, khi Trương Quân Bảo động thủ với Doãn Khắc Tây, Giác Viễn mới dạy cho đệ tử cách chống đỡ nhưng cũng chỉ để phòng thân, chứ hoàn toàn không có ý công kích kẻ địch. Trương Quân Bảo nghe sư phụ chỉ dạy, liền vận khí toàn thân, tuy không được như Giác Viễn nói "toàn thân không có chỗ nào khuyết hãm, không có chỗ nào lồi lõm, không có chỗ nào gãy nối", song bất kể Doãn Khắc Tây ra đòn gì, cậu ta cũng chỉ cảm thấy hơi đau chứ không sao cả.