Thám Tử Sài Gòn

Chương 29: Lời nhắn ở hiện trường - Chương phá án



Có một thói quen đặc trưng của người Sài Gòn đó là uống cà phê sáng. Những người bận rộn thì chỉ cần cà phê gói và nước đun sôi, mùi vị có thể hơi công nghiệp và có chứa nhiều chất hoá học tổng hợp nhưng loại này lại siêu tiết kiệm và vô cùng tiện dụng. Ít bận rộn hơn một chút và chịu thêm một chút tiền thì có thể uống được những ly cà phê đậm đà hơn, các xe bán cà phê take away hay các quán cà phê phong cách Highlands nhan nhản khắp nơi tại Sài Gòn. Còn nếu không thích kiểu cầm xách lủng lẳng, không thích uống cà phê trong ly nhựa tái chế thì chịu khó vào quán gọi một ly cà phê, nhớ đi quán quen cho đúng ý. Ngồi nhâm nhi ly cà phê và nhìn bên ngoài người xe hối hả, có khi tôi cảm thấy như mình được ai đó tặng thêm mấy tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Sài Gòn này người ta uống cà phê nhiều đến nỗi khách nước ngoài du lịch còn tưởng cà phê là đặc sản của Sài Gòn, mặc dù rõ ràng trên bịch cà phê có ghi rõ "cà phê Buôn Mê Thuột".

Như thường lệ, mỗi sáng chủ nhật khi không ngủ lố đến giờ ăn trưa, thì tôi luôn ra quán cafe quen ở gần văn phòng để tiêu chút tiền cho một ly cà phê sữa nóng. Và sáng chủ nhật hôm nay cũng thế, 7 giờ sáng tôi được đánh thức bởi cuộc điện thoại của Kỳ Nhân - thiếu uý trẻ thuộc đội cảnh sát hình sự thành phố, hiện tại đang giữ chức danh điều tra viên. Quên mất, cậu ta còn là cộng sự bất đắc dĩ của tôi. Kỳ Nhân gọi điện để nhắc tôi về cuộc hẹn vào sáng hôm nay. Cậu ấy luôn tìm đến tôi mỗi khi gặp phải những vụ án rắc rối.

Cho nên, vào lúc 8 giờ tối qua cậu ấy nhất mực nài nỉ hẹn gặp tôi cho bằng được.

- Cho nên, cậu kiên quyết "chém" đẹp tôi cho bằng được?

Vẫn như mọi khi, Kỳ Nhân không bao giờ ngay lập tức đồng ý điều kiện mà tôi đưa ra.

- Cậu có quyền không thỏa thuận. - Tôi trả lời sau khi nhấp một muỗng cà phê.

- Tôi đề nghị đổi ăn sáng một tuần thành ăn trưa một tuần.

Vẫn như mọi khi, Kỳ Nhân bắt đầu màn thương lượng.

- Cũng như nhau thôi, tôi hiếm khi thức dậy sau 9 giờ.

- Tôi không nói về thời gian, ý tôi là chúng ta sẽ chuyển từ ăn sáng 40k ở quán sang cơm hộp 25k.

- Cũng như nhau thôi vì tôi chỉ ăn cơm hộp khi có kèm theo sinh tố trái cây.

- Đâu có được! Ăn là ăn uống là uống, cậu không được yêu cầu thêm như vậy.

- Nếu cậu nói thế thì chuyển từ sinh tố trái cây sang chè đậu đen.

- Cũng có khác gì nhau đâu! Cậu tính toán với cộng sự của mình vậy sao Nhẫn?

"Cũng có khác gì nhau đâu! Cậu tính toán với cộng sự của cậu vậy sao Nhân?". Chính xác là tôi cũng đang muốn nói câu này.

- Đây không phải là công việc chung của chúng ta nên không thể bảo là tôi "tính toán với cộng sự của mình" được. - Tôi giải thích cho "người thích làm cộng sự với mình".

- Coi như cậu giảm giá cho khách quen đi nha! Tôi đề nghị lẩu bờ kè thay cho một tuần ăn sáng. Cậu thấy được không?

Vẫn như mọi khi tôi luôn là người kết thúc cuộc thương lượng bằng một mức giá mà thân chủ của mình có thể chấp nhận.

- Lẩu bờ kè và cà phê cuối tuần.

- Đồng ý! - Kỳ Nhân đưa tay phải về phía tôi, chờ đợi một cái bắt tay.

Vậy thì bắt tay. Thương lượng thành công.

***

Kỳ Nhân kể cho tôi mọi điều về vụ án mà cậu ấy biết, trong khi ngụm cà phê nửa ngọt nửa đắng đang dần thấm vào đầu lưỡi của tôi. Với sự tự tin của một điều tra viên cấp thành phố, cậu ấy hỏi tôi một câu hỏi tu từ.

- Cậu cũng nghĩ rằng người con trai lớn là hung thủ và người quản gia là đồng phạm cho lời khai giả đúng không?

Phải nói như thế nào nhỉ? Tôi có nên "trả lời" câu hỏi tu từ của cậu ấy không? Với sự lịch thiệp của một thám tử trước khách hàng của mình, tôi gỡ chiếc mũ đang đội ngược trên đầu xuống, quyết định sẽ đáp lại.

- Nếu tôi là cậu có lẽ tôi cũng sẽ nghĩ như vậy. Nhưng... bởi vì tôi là một thám tử hành nghề tự do có rất ít kinh nghiệm nên tôi có những suy nghĩ khác.

- Thay vì cậu cứ bảo là "Tôi lại không nghĩ vậy" như mọi khi chắc là sẽ khiến tôi dễ chịu hơn đấy.

- Cậu cảm thấy không vui trước việc tôi không đồng ý với ý kiến của cậu sao?

- Không có gì! - Giọng hậm hực. - Cậu nói tiếp đi! - Kỳ nhân yêu cầu.

- Như vừa nói, tôi nghĩ rằng suy luận người con trai lớn là hung thủ và người quản gia là đồng phạm là không hợp lý.

- Bởi vì người con trai lớn không có động cơ?

- Tất nhiên không phải vì lý do đó. Cũng giống như cậu, tôi cũng nghĩ rằng chúng ta không thể biết hết được những thù oán bên trong của hung thủ.

"Vậy vì sao?" Tôi có thể nhận ra câu hỏi không cất thành lời của Kỳ Nhân. Để không mất thêm thời gian của cậu ấy, tôi giải thích luôn.

- Là vì nếu người quản gia là đồng phạm của người con trai lớn, thì việc khai với cảnh sát rằng người con trai lớn có mặt cùng mình trong khoảng thời gian nạn nhân bị sát hại sẽ hay hơn rất nhiều là tự vẽ ra một hàng dấu dép của một ai đó, phải không? Điều đó thậm chí chẳng giúp người con trai lớn thoát khỏi danh sách bị tình nghi mà chỉ càng khiến mọi người tin rằng kẻ tạo ra hàng dấu dép chính là người con trai lớn. Bởi chỉ có duy nhất anh ta là có khả năng làm được điều đó.

- Đúng thật như vậy nhỉ. Nhưng nếu người quản gia không phải kẻ đồng phạm, nghĩa là lời khai về hàng dấu chân là có thật, vậy không lẽ người con trai lớn sau khi sát hại bố mình lại bất chấp nguy hiểm có thể bị người khác phát hiện, nhất quyết ở lại hiện trường hơn một tiếng đồng hồ? Vì sao phải làm vậy? Vì hiện trường có gì khiến anh ta phải lưu lại? Hay vì anh ta không thể rời khỏi hiện trường?

Ngay lúc này, dường như có một tia sáng loé lên ngang đầu của Kỳ Nhân.

- Tôi hiểu rồi anh ta không thể rời khỏi hiện trường vì trời mưa! Nếu bị ai khác trong gia đình phát hiện ướt mưa khi chạy về nhà chính thì sẽ bị nghi ngờ. Đúng như vậy phải không?

- Rất tiếc nhưng không phải như vậy. - Câu nói của tôi khiến Kỳ Nhân một lần nữa cảm thấy không vui. - Căn nhà chính chắc hẳn sẽ có rất nhiều lối để vào như cửa chính, cửa sau, các cửa ra vườn hoa và căn hộ của nạn nhân, khả năng mọi người trông thấy cũng không cao. Cho nên thay vì liều lĩnh ở lại hiện trường chờ hết mưa thì về ngay trong cơn mưa có lẽ là khả thi hơn.

- Vậy còn lời khai về hàng dấu dép của người quản gia? Không lẽ người con trai lớn quay trở lại hiện trường sau đó?

- Chắc chắn là không phải vậy. - Tôi quả quyết. - Nếu anh ta là hung thủ, anh ta sẽ không làm vậy. Chẳng ai biết trước cơn mưa sẽ tạnh vào khi nào để lựa chọn thời điểm quay trở lại hiện trường. Mà quay lại hiện trường để làm gì? Để tạo ra hàng dấu dép có ra mà không có vào? Điều đó chỉ càng khiến anh ta trở thành nghi phạm số một.

- Nhưng mà chỉ có mỗi anh ta là có khả năng tạo ra hàng dấu dép như vậy, chẳng phải sao?

Kỳ Nhân nhìn tôi đầy thăm dò, cứ như một chàng trai chờ đợi cái gật đầu của cô gái sau khi tỏ tình vậy.

Thật đơn giản để nói ra câu trả lời, nhưng tôi muốn gợi ý cho cậu ấy một chút nữa. 

- Thế cậu nghĩ vì sao chỉ có một hàng dấu dép hướng ra? - Tôi hỏi lại.

- Dĩ nhiên là do trời mưa lớn đã xoá mất hàng dép đi vào. Chẳng phải nền sân rất ướt sao? - Quả nhiên là cậu ấy sẽ nói y chang người quản gia.

- Thật ra thì thứ xoá mất hàng dép đi vào là nước.

- Nước với mưa thì có khác gì nhau?

- Cậu vẫn chưa hiểu ra sao? Nước mà tôi nói đến là nước chứ không phải là mưa. Còn nước mà cậu đang nghĩ đến là mưa chứ không phải là nước mà tôi đang nói đến. Nói tóm lại nước mà tôi nói đến đó là nước chứ không phải là nước mưa.

Giải thích như thế chỉ càng khiến Kỳ Nhân rối thêm. Nhìn bộ mặt ngờ nghệch của cậu ấy kìa, chắc là tôi phải nói huỵt tẹt ra luôn thôi.

- Thực chất muốn tạo ra một hàng dấu dép như vậy rất đơn giản. Không cần phải đi vào trước khi mưa tạnh, rồi trở ra sau khi mưa tạnh. Việc cần làm chỉ là chờ cơn mưa tạnh hẳn, đi vào để tạo ra hàng dấu dép đi vào, đến khi đi ra tìm cách xoá hàng dấu dép đi vào lúc nãy là xong.

- Nhưng mà bằng cách nào? Trời đã tạnh mưa thì làm sao xoá được?

- Tôi đã nói rồi mà, thứ xoá hàng dấu dép đó là nước. Khi đi ra chỉ cần cầm theo một bình nước, đi song song với hàng dấu dép trước, tưới nước lên và dùng tay làm phẳng mặt đất. Nạn nhân có cả một hàng rào bằng các loại cây kiểng nên chắc chắn ở căn hộ sẽ có bình tưới cây đúng không?

- Nhưng làm như vậy thì mặt đất trông sẽ không tự nhiên lắm.

- Chẳng sao cả, vì người vào sau sẽ chỉ chú ý đến thứ dễ chú ý hơn là hàng dấu dép. Và những dấu vết đó rồi cũng sẽ bị dẫm tan tành bởi những người trong gia đình nạn nhân.

- Đúng vậy, khi cảnh sát đến thì nền sân đã không còn có thể phân biệt được là do bao nhiêu người, ra vào bao nhiêu lần. Nhưng nếu mà dùng cách đó thì kẻ có thể làm được ngoài người con lớn ra chỉ có mỗi người con thứ? Cậu muốn ám chỉ cậu ta là hung thủ sao?

- Tất nhiên cậu ấy không phải là hung thủ. Cậu ta có bằng chứng ngoại phạm khi nạn nhân bị sát hại mà.

- Vậy là do người con lớn tạo ra những dấu dép đó?

- Không! Vẫn người con thứ, chính anh ta là người tạo ra hàng dấu dép kì lạ đó. Đến đây cậu đã hiểu chưa?

- Thôi cậu giải thích luôn đi! Bị cậu xoay vòng vòng nãy giờ tôi chóng mặt lắm rồi.

- Nói tóm lại, hàng dấu dép là do người con thứ tạo ra nhưng anh ta không phải là hung thủ. Còn lý do vì sao anh ta làm như vậy? Để giải thích cho điều này hãy cùng nhớ lại lời khai của anh ấy! Anh ấy khai rằng ngồi xem TV đến khi cơn mưa tạnh thì về phòng, nghe qua thì cảm giác rất bình thường nhưng thật ra lại không bình thường tí nào. Vì sao ư? Bởi vì chương trình TV mà anh ấy xem là trận tranh vé vào bán kết Champions league giữa Barca và Juve.

- Trận đấu vẫn chưa kết thúc nhưng anh ta đã bỏ xem, ý cậu là như vậy? Thì sao chứ? Dù sao cũng chỉ là tường thuật lại, nếu đã biết tỉ số thì tôi cũng chẳng muốn xem.

- Nhưng cậu không thấy lạ khi thời điểm anh ta dừng xem, lúc mà hiệp 2 đã diễn ra hơn 10 phút? Thông thường người ta sẽ dừng xem ở 20 phút đầu hiệp 1 nếu đó là một trận quá dở. Hoặc không thì thường "cố" coi cho hết hiệp 1 rồi nghỉ luôn. Nhưng người con thứ này lại ngồi xem đến khi hiệp 2 đã qua một lúc. Cho thấy việc xem bóng đá chỉ là cách anh ta giết thời gian trong khi chờ mưa tạnh. Vậy anh ta chờ mưa tạnh để làm gì? Chắc chắn không phải để trở về phòng của mình. Lời giải thích chỉ có thể là anh ta cần ra ngoài, hay nói chính xác hơn là anh ta cần qua căn hộ của bố mình.

- Anh ta cần qua căn hộ của bố mình? Để làm gì?

- Có nhiều lý do có thể nghĩ ra, như anh ấy muốn trực tiếp hỏi thăm sức khỏe của bố, hoặc ý kiến riêng về di chúc, hoặc bất kì lý do nào khác mà tôi không thể nào đoán được. Dù gì điều đó cũng không quan trọng. Điều quan trọng là anh ấy đã qua chỗ bố của mình, sau khi cơn mưa tạnh hẳn.

Kỳ Nhân gật đầu tỏ ý chấp nhận lời giải thích của tôi, cũng như ra hiệu cho tôi biết rằng "Tôi hiểu rồi, cậu hãy nói tiếp đi!".

- Sau khi cơn mưa tạnh, người con thứ đi qua chỗ của bố mình. Lúc này là 8 giờ hơn, và bố của anh ta đã bị ai đó sát hại. Khi nhìn thấy cảnh tượng như vậy, anh ta đã tính hô hoáng lên để thông báo cho mọi người. Nhưng rất may anh ta đã nhìn thấy một thứ, nên kịp dừng lại.

- Là cái gì?

- Phải nói rằng không may mới đúng, vì đó là thứ mà anh ta không muốn thấy. Nhưng thực tế thì anh ta đã nhìn thấy nó. Chính vì điều đó đã khiến sự việc sau đó trở nên vô cùng rắc rối.

- Vậy rốt cuộc đó là cái gì?

- Đó là dòng chữ bằng máu cạnh nạn nhân. Dòng chữ ghi "hồ", tên của anh ta.

- Cậu có nhầm không? Bên tổ phân tích đã bảo đó là một từ có độ dài từ 4 chữ cái và có tận cùng là "g" hoặc "y" mà?

- Bởi vì đó là dòng chữ khi bị xoá, còn dòng chữ ban đầu thì chỉ ngắn gọn là "hồ" thôi. Để tôi nói rõ về tình huống lúc này cho cậu dễ hình dung. Như vừa nói, sau khi phát hiện ra dòng chữ ghi tên mình ở cạnh bên nạn nhân, anh ta ngay lập tức hiểu ra có kẻ muốn đổ tội giết người cho mình. Trong tình huống thế này thì phải làm sao đây? Chắc chắn là phải xoá dòng chữ đó đi, nhưng có chắc xoá rồi cảnh sát sẽ không đọc ra hay không? Anh ta không biết được vì anh ta không phải là cảnh sát. - Nói đến đây tôi thầm nghĩ cảnh sát có đọc ra được dòng chữ đâu mà. - Vì lo sợ cho dù có xoá đi thì cũng sẽ vẫn có người đọc được. Nên anh ta quyết định, thay vì xoá nó đi thì khiến nó trở thành tên của một người khác là một phương án an toàn hơn. Vì thế anh ta đã sửa nó thành "hồng". Tại sao lại là "hồng" mà không phải là một cái tên nào khác? Trong lúc rối loạn, cái tên "hồng" là thứ dễ dàng liên tưởng đến đầu tiên từ "hồ", tôi cam đoan như thế.

Dùng muỗng nhỏ 3 đốt tay múc một ngụm cà phê đưa vào miệng, khi đã nuốt sạch trơn thứ chất lỏng màu nâu, sóng sánh, thơm lừng, tôi nói tiếp.

- Cũng chính điểm này đã khiến tôi loại đi trường hợp người thay đổi cái tên là người con trai lớn. Bởi vì chẳng ai ngốc đến nỗi sửa "Hoàn" thành "Hoàng" trong tình huống này. Về cơ bản thì cả 2 chẳng khác gì nhau.

Gật đầu liên tục nãy giờ như con chó đồ chơi thường đặt trong xe hơi, Kỳ Nhân bây giờ mới lên tiếng hỏi.

- Vậy ai là người xoá cái tên đó?

- Cũng chính là anh ta. - Tôi trả lời. - Vì sao anh ta lại xoá nó? Dễ hiểu thôi, vì anh ta nhận ra những chữ cái viết thêm vào sau có vẻ không khớp với những chữ có sẳn. Phải rồi 2 người khác nhau thì chữ viết tất nhiên sẽ khác nhau, đặc biệt với một nghiên cứu sinh Hàn Quốc sử dụng loại chữ tượng hình thường xuyên hơn là bảng chữ cái latin. Vì thế nét chữ sẽ không thống nhất. Nhận thấy việc chỉnh sửa chữ viết không thành công anh ta liền xoá luôn dòng chữ đó. Nhưng có lẽ do máu đã khô nên việc xoá đi trở nên khó khăn hơn. Cố gắng lắm thì anh ta cũng đã xoá xong. Mặc dù dòng chữ bị xoá lem nhem không thể đọc được, nhưng bộ phận phân tích của cảnh sát vẫn phỏng đoán ra rằng đó là một từ trên 4 chữ cái, và có chữ cái cuối cùng là "g" hoặc "y". Chính những điều này đã giúp tôi nhận ra nội dung thực sự của dòng chữ đó.

- Đến đây thì tôi hiểu rồi. Sau khi xoá dòng chữ, người con thứ ngay lập tức ra khỏi căn hộ, nhưng anh ta lại nhìn thấy dấu dép đi vào căn hộ của mình. Anh ta rơi vào tình huống bỏ đi cũng không được mà ở lại cũng không xong. Nếu ở lại hiện trường, anh ta bắt buộc phải thông báo cho mọi người về nạn nhân, nhưng do anh ta vừa xoá đi dòng chữ bằng máu, máu của nạn nhân có thể đã dính vào tay của anh ta. Cùng với dòng chữ bị xoá cảnh sát rất có thể sẽ nghi ngờ anh ta là hung thủ hoặc ít ra cũng đoán được anh ta là kẻ đã phá hoại hiện trường, rồi anh ta phải khai ra đó là dòng chữ viết tên mình. Và vì anh ta không biết được nạn nhân bị giết chính xác vào lúc nào, anh ta vốn không phải là cảnh sát. - Nghe Kỳ Nhân nói đến đây tôi thầm nghĩ cảnh sát như Kỳ Nhân cũng có biết cách xác định thời gian tử vong đâu mà. - Anh ta lo sợ nếu nạn nhân bị giết từ đêm hôm qua, lúc đó anh ta đang ngủ, nghĩa là không có bằng chứng ngoại phạm. Tất nhiên là nếu vậy thì tất cả mọi người đều không có bằng chứng ngoại phạm. Nhưng anh ta vẫn là kẻ khả nghi nhất vì dòng chữ tố cáo. Cho nên không thể ở lại được.

Lần này Kỳ Nhân không còn nhìn tôi đầy thăm dò nữa. Cậu ấy không cần chờ tôi gật đầu đồng tình mà nói một mạch.

- Nhưng nếu anh ta cứ mặc kệ hàng dấu chân đi vào mà bỏ đi thì cũng không được. Vì khi điều tra chứng cứ ngoại phạm, anh ta cũng sẽ nằm trong số các tình nghi khi vắng mặt trong khoảng thời gian mưa tạnh. Và vì anh ta không biết được nạn nhân bị giết chính xác vào lúc nào. Ở trường hợp này anh ta lo sợ nếu không may nạn nhân chỉ vừa mới bị giết, thì vừa không có bằng chứng ngoại phạm, cùng với dòng chữ mặc dù đã bị xoá, nếu nhỡ không may cảnh sát vẫn đọc được và đoán ra được dòng chữ trước khi bị thay đổi, thì anh ta cầm chắc tội giết người.

Tôi tranh thủ nhấp một ngụm cà phê trong khi nghe Kỳ Nhân nói nốt phần còn lại.

- Đang không biết phải làm sao thì anh ta nhìn thấy bình tưới cây ở gần đấy. Thế là anh ta nghĩ ra cách thức tạo bằng chứng ngoại phạm giả cho mình bằng cách dùng bình tưới cây xoá dấu dép đi vào. Nhưng nếu thế thì rốt cuộc hung thủ thật sự là ai?

- Nói tới như vậy rồi mà cậu vẫn không đoán được hung thủ là ai? - Tôi hỏi người bạn cộng sự đang ngồi đối diện mình.

- Tôi chỉ nghĩ ra được tới đó thôi. Cậu nói luôn hung thủ đi!

- Hung thủ chính là người không có bằng chứng ngoại phạm vào thời điểm nạn nhân bị giết và có động cơ gây án.

- Có 3 người không có bằng chứng ngoại phạm là người con lớn, người em trai và người cháu. Nhưng trong số bọn họ chẳng ai có động cơ gây án cả.

- Sao cậu dám chắc rằng chẳng ai trong bọn họ có động cơ gây án? Chẳng phải chính cậu từng nói làm sao chúng ta có thể biết được những thù oán bên trong của hung thủ đó sao?

- Vậy theo cậu động cơ của vụ án này là gì?

- Theo tôi nó liên quan đến buổi họp công bố di chúc. Vì ngay sau đêm hôm đó nạn nhân đã bị sát hại.

- Ý cậu là có người không hài lòng về việc chia tài sản? Tôi cảm thấy nạn nhân trước khi chết đã làm việc này rất hợp lý, chẳng ai có vẻ gì là không vừa lòng cả.

- Vấn đề nó không nằm ở di chúc. Nó nằm ở điều chỉ mới được công bố trong buổi tối hôm đó.

Ngay lúc này, dường như có một tia sáng loé lên ngang đầu của Kỳ Nhân.

- Tôi biết rồi, đó là về căn bệnh ung thư gan giai đoạn 2. Mặc dù không hiểu căn bệnh này thì có liên quan gì đến động cơ của hung thủ, nhưng nếu đó là điều mà cậu ám chỉ thì nghi phạm của vụ này đã được thu hẹp lại chỉ còn 2 người. Là bố con người em trai, 2 người này chỉ mới biết về căn bệnh ung thư của nạn nhân vào tối hôm đó.

- Đúng vậy. Tới đây rồi hẳn là cậu đã đoán được ai là hung thủ?

- Là ai nhỉ? Tôi không biết. Có điều gì để nhận biết được sao?

- Chính là trời mưa. Trong vụ án lần này cơn mưa đóng một vai trò rất quan trọng.

- Tôi chịu. Cậu nói luôn đi!

Thật tiếc, Kỳ Nhân đã đến rất gần với đáp án. Nhưng cũng giống như hầu hết học sinh trung học, cậu ấy thích chép theo văn mẫu hơn là tự viết một bài của riêng mình.

- Như đã nói lúc nãy, nếu cho rằng động cơ có liên quan đến chuyện công bố căn bệnh ung thư vào tối hôm thứ sáu, thì ngay tối đó hung thủ chắc đã muốn gặp riêng và giết nạn nhân. Nhưng buổi họp gia đình kết thúc khá muộn, nạn nhân đã về căn hộ của mình nghỉ ngơi và không tiếp ai sau đó. Vì thế hung thủ đành phải chờ đến sáng hôm sau, khi nạn nhân vừa thức dậy. Mọi người trong gia đình đều biết nạn nhân thường thức dậy vào 6 giờ 30.

Chân dung về hung thủ đang dần hiện rõ trong mắt Kỳ Nhân, những mảnh ghép cuối cùng đang dần được lắp vào đúng vị trí của nó.

- Lúc 6 giờ 30 thì trời chưa mưa. - Tôi tiếp tục. - Hung thủ lúc này đã vào được căn hộ của nạn nhân, gây án và tạo ra lời nhắn giả. Nhưng trời bỗng đổ mưa to. Cơn mưa trái mùa đầu tiên đến bất ngờ, nên chắc chắn hung thủ chẳng biết để chuẩn bị dù. Và ở chỗ nạn nhân cũng chẳng có sẵn. Tuy nhiên dù mưa có to thế nào, dù là không có dù thì hung thủ vẫn phải rời khỏi hiện trường. Tức là hung thủ sẽ bị ướt mưa sau khi từ hiện trường trở về.

Mặc dù khoảng cách giữa căn hộ nạn nhân và khu nhà chính không quá xa. Tôi đoán vậy, vì Kỳ Nhân không nói với tôi chi tiết này.

- Không ướt nhiều thì cũng sẽ ướt ít nếu chạy dưới mưa. Miễn là ướt thì là phải thay quần áo. Người cháu trai từ khi ăn sáng do người quản gia phục vụ, cho đến khi cùng xem bóng đá với bố và anh họ của mình không hề thay đổi quần áo. Chỉ có người em trai của nạn nhân, vào xem TV lúc gần 7 giờ, trước đó không ai trông thấy ông ta mặc loại trang phục như thế nào.

- Tôi hiểu rồi, sau khi gây án và trở về phòng của mình, ông ấy lập tức thay đổi quần áo bị ướt mưa, rồi giả vờ như vừa thức dậy, vào phòng khách xem TV cùng con trai. - Kỳ Nhân cuối cùng cũng đã hiểu ra vấn đề.

- Nhưng còn bằng chứng?

Thật ra thì kết thúc vụ án ở đấy cũng được rồi. Khi mà đã xác định được hung thủ, việc buộc hắn nhận tội chỉ là chuyện nhỏ, cảnh sát vốn rất giỏi điều này. Nhưng không sao tôi có thể giúp cảnh sát tiết kiệm thời gian.

- Bằng chứng nằm ở camera an ninh bí mật đặt trước căn hộ của nạn nhân. - Tôi trả lời khi vừa uống ngụm cà phê cuối cùng trong ly.

- Có camera bí mật ở trước căn hộ của nạn nhân sao? Làm sao cậu biết điều đó? - Kỳ Nhân kinh ngạc thấy rõ. Cũng phải thôi, tôi chưa từng đến hiện trường, nhưng lại nói những điều về hiện trường mà ngay cả những người đã từng đến hiện trường như Kỳ Nhân cũng không biết được.

- Chẳng phải hệ thống camera an ninh và chuông báo động mới lắp đặt cách đó một tuần sao? Bởi vì nạn nhân sống một mình ư? Nếu vậy thì hẳn phải cho lắp đặt từ khi căn hộ vừa xây dựng xong chứ không phải mãi đến bây giờ. Lý do hợp lý nhất ở đây là vì sự có mặt của người em trai hay cờ bạc của nạn nhân. Nạn nhân một mặt không thể bỏ rơi em trai của mình sống khổ cực, một mặt vẫn không thể tin tưởng hoàn toàn một kẻ đã từng thất hứa rất nhiều lần. Cho nên dĩ nhiên là phải gắn camera an ninh công khai quanh nhà và camera bí mật chỉ một mình nạn nhân biết. Chỉ cần tìm trong căn hộ của nạn nhân, chắc chắn sẽ tìm ra đầu ghi những đoạn video an ninh bí mật đó.

Kỳ Nhân mắt tròn xoe nhìn tôi. Đó có phải là biểu hiện của sự ngưỡng mộ không? Tôi không dám chắc, những thứ liên quan đến cảm xúc tôi thường không suy đoán được.