Tên Tôi Là Đỏ

Chương 20



TÔI ĐUỢC GỌI LÀ SIYAH

Tôi tự hỏi không biết cha Shekure có biết những lá thư chúng tôi trao đổi với nhau không. Nếu tôi nghiên cứu giọng điệu của nàng, vốn cho thấy nàng là một thiếu nữ rụt rè rất sợ cha, tôi phải kết luận rằng họ không hề nói với nhau một lời về tôi. Nhưng tôi có cảm giác rằng tình hình không phải thế. Vẻ lẩn lút trong cái nhìn của Esther, vẻ hấp dẫn của Shekure bên cửa sổ, vẻ dứt khoát khi Enishte của tôi phái tôi tới chỗ những nhà minh họa của ông, và sự tuyệt vọng của ông khi ông ra lệnh cho tôi đến sáng nay - tất cả khiến cho tôi vô cùng bất an.

Trong buổi sáng, ngay khi Enishte của tôi bảo tôi ngồi xuống trước mặt ông, ông bắt đầu mô tả những bức chân dung ông thấy ở Venice. Trong vai trò sứ thần của Đức vua, Người che chở thế gian, ông đã viếng thăm nhiều lâu đài, nhà thờ và dinh thự của những kẻ giàu có. Suốt thời gian vài ngày đó, ông đã đứng trước hàng ngàn bức chân dung, ông đã thấy hàng ngàn khuôn mặt trong khung được vẽ trên những tấm vải bạt căng trên gỗ hoặc vẽ trực tiếp lên tường. "Mỗi khuôn mặt đều khác khuôn mặt kế bên. Chúng là những khuôn mặt người đặc thù, riêng biệt!" ông nói. Ông bị hớp hồn bởi tính đa dạng của chúng, màu sắc của chúng, sự dịu dàng - thậm chí dữ dội - của ánh sáng dịu nhẹ có vẻ như rơi trên những khuôn mặt ấy và ý nghĩa phát ra từ đôi mắt chúng.

"Như thể một dịch bệnh hiểm độc đã giáng xuống, mọi người đều thuê vẽ chân dung của mình!" ông nói. "Khắp Venice, những kẻ giàu có và thế lực đều muốn chân dung họ được vẽ như một biểu tượng, một vật lưu dấu cuộc đời họ và một dấu hiệu về sự giàu có, quyền lực và ảnh hưởng của họ - để họ có thể luôn luôn hiện diện ở đó, đứng trước chúng ta, khẳng định sự tồn tại của họ, không, khẳng định cá tính và nét riêng biệt của họ."

Những lời của ông đầy vẻ xem thường như thể ông nói vì lòng đố kỵ, tham vọng hoặc ham danh lợi. Dù, nhiều lúc, khi nói về những bức chân dung ông đã thấy ở Venice, gương mặt ông đột ngột sáng bừng như mặt trẻ thơ, đầy hăm hở.

Việc vẽ chân dung đã trở thành một căn bệnh hay lây giữa những kẻ giàu có, những ông hoàng và những gia đình quyền quý vốn là kẻ bảo trợ nghệ thuật đến độ khi họ đặt làm bích họa về các cảnh trong Kinh thánh và những truyền thuyết tôn giáo cho các bức tường nhà thờ, bọn ngoại giáo này còn nhất quyết rằng hình ảnh của chính họ phải xuất hiện đâu đó trong bức tranh. Chẳng hạn như, trong một bức tranh vẽ cuộc an táng Thánh Stephan, bạn sẽ bất chợt thấy, giữa những người than khóc bên huyệt mộ, hiện diện khuôn mặt của chính ông hoàng đang dắt bạn đi một vòng - trong trạng thái hết sức nhiệt tình, phấn chấn và tự phụ - để xem các bức tranh treo trên tường lâu đài của ông ta. Kế đến, trong góc của một bức bích họa vẽ Thánh Peter đang chữa cho người bệnh bằng cái bóng của ông, bạn sẽ nhận ra với một cảm giác vỡ mộng kỳ cục rằng kẻ bất hạnh đang quằn quại trong cơn đau đó chính là người em trai khỏe như bò mộng của vị chủ nhà lịch thiệp của bạn. Ngày tiếp theo, lần này trong bức tranh vẽ cảnh Người chết sống lại, bạn sẽ phát hiện ra vị khách, người đã ngốn thức ăn bên cạnh bạn lúc bữa trưa.

"Một số người đã đi quá xa, chỉ để được đưa vào trong một bức tranh," Enishte của tôi nói, đầy sợ hãi như thể ông đang nói về những cám dỗ của Satan,"đến độ họ sẵn sàng được vẽ thành một đầy tớ đang rót rượu trong đám đông hay một kẻ nhẫn tâm đang ném đá một kẻ phạm tội ngoại tình, hoặc một kẻ sát nhân, hai bàn tay đẫm máu."

Giả như không hiểu, tôi nói, "Giống như kiểu chúng ta thấy Vua Ismail bước lên ngai vàng trong những cuốn sách có minh họa kể lại những truyền thuyết Ba Tư xưa. Hoặc khi chúng ta tình cờ thấy một bức vẽ Tamerlane, người cai trị sau này, trong truyện Husrev o Shirin."

Có một tiếng động đâu đó trong nhà chăng?

"Như thể những bức tranh của người Venice được làm để khiến chúng ta phải sợ," lát sau Enishte của tôi nói. "Và như thể chuyện chúng ta kính sợ quyền lực và tiền bạc của những người đặt làm những tác phẩm này còn chưa đủ, họ còn muốn chúng ta biết rằng ngay cả việc tồn tại trong thế giới này đã là một sự kiện rất kỳ bí, rất đặc biệt. Họ cố làm chúng ta kinh hoàng bằng gương mặt, đôi mắt, phong thái độc đáo của họ và bằng quần áo mà mỗi nếp gấp đều được hiển hiện bằng cách tạo bóng. Họ đang cố khiến chúng ta khiếp sợ bằng việc trở thành những sinh vật bí ẩn."

Ông giải thích ông từng bị lạc như thế nào trong phòng trưng bày chân dung cực đẹp của một nhà sưu tập điên cuồng có một điền trang sang trọng nằm bên bờ hồ Como; vị chủ nhân này đã sưu tập chân dung của mọi nhân vật tai to mặt lớn trong lịch sử Tây vực từ vua chúa đến hồng y, từ binh lính đến thi sĩ: "Khi vị chủ nhà mến khách để ta một mình lang thang tùy ý khắp lâu đài của ông ta, mà ông đã tự hào dắt ta đi một vòng, ta thấy rằng những kẻ ngoại giáo được cho là nhân vật quan trọng này - hầu hết họ đều có vẻ y như thật, một số còn nhìn thẳng vào mắt ta - đã đạt được tầm quan trọng của họ trong thế giới này chỉ nhờ việc đã cho người ta vẽ chân dung mình. Vẻ giống hệt trong chân dung của họ khiến họ mang đầy vẻ ma thuật, làm họ quá nổi bật đến độ trong giây lát đứng giữa các bức vẽ ta cảm thấy mình thiếu sót và bất lực. Nếu ta được vẽ theo kiểu đó thì có lẽ ta sẽ hiểu rõ hơn tại sao ta tồn tại trong thế giới này."

Ông sợ hãi bởi vì bất chợt ông hiểu ra - và có lẽ khao khát - rằng nghệ thuật Hồi giáo, được các bậc thầy Herat xưa hoàn thiện và xác lập vững chắc, sẽ đáp ứng được mục tiêu của nó nhờ sự hấp dẫn của nghệ thuật vẽ chân dung. "Tuy nhiên như thể ta rất muốn có cảm giác độc đáo, khác lạ, và phi thường," ông nói. Cứ như bị Quỷ sứ thúc giục, ông cảm thấy mình bị lôi kéo mạnh mẽ về phía những gì ông sợ hãi. "Ta phải nói thế nào đây? Như thể đây là cái tội thèm khát, giống như trở nên ngạo mạn trước Thượng đế, giống như xem mình là quan trọng nhất, giống như đặt mình vào trung tâm thế giới."

Về sau ý tưởng này rõ dần trong ông: Những phương pháp mà các họa sĩ Tây vực sử dụng như đang chơi một trò chơi trẻ con đầy tự hào, có thể còn hơn cả ma thuật khi được kết hợp với Đức vua cao cả của chúng ta - nhưng thực tế nó có thể trở thành một sức mạnh phục vụ cho đạo giáo của chúng ta, chi phối tất cả những ai nhìn thấy nó.

Tôi hiểu ra rằng ý tưởng chuẩn bị một bản thảo có trang trí đã dấy lên từ đó: Enishte của tôi, người từ Venice trở về Istanbul, đã đề nghị rằng thật tuyệt vời nếu Đức vua của chúng ta trở thành đề tài cho một bức chân dung theo phong cách Tây vực. Nhưng sau khi Đức Ngài phản đối, một cuốn sách có những bức vẽ Đức vua và những vật thể đại diện cho Ngài đã được chấp thuận.

"Chính câu chuyện mới là điều cốt tủy," vị Vua Vinh quang nhất và thông minh nhất của chúng tôi nói. "Một bức minh họa đẹp sẽ hoàn chỉnh một cách tao nhã cho câu chuyện. Một tranh minh họa mà không bổ sung cho một câu chuyện thì cuối cùng sẽ chẳng là gì ngoài một tượng thần dối trá. Vì chúng ta không thể tin vào một câu chuyện không tồn tại, tự nhiên chúng ta sẽ bắt đầu tin vào chính bức tranh. Điều này sẽ không khác gì việc thờ phượng những ngẫu tượng ở Kaaba vốn đã xảy ra trước khi đấng Tiên tri của chúng ta, cầu Ngài được bình yên và ơn phúc, phá hủy chúng 1. Nếu không là một bộ phận của câu chuyện thì làm sao các ngươi đề nghị vẽ, chẳng hạn đóa hoa cẩm chướng đỏ này hay tên lùn láo xược nọ lên đó được?"

"Bằng cách phơi bày vẻ đẹp và sự độc đáo của hoa cẩm chướng."

"Trong việc bố cục cảnh, ngươi sẽ đặt đóa hoa đó ngay giữa trang chứ?"

"Ta sợ," Enishte của tôi nói. "Ta thoáng thấy kinh hoàng khi hiểu ra ý tưởng của Đức vua muốn đưa ta đến đâu.

Điều khiến Enishte của tôi sợ hãi là ý kiến về việc đặt vào giữa trang - và tức là, vào giữa thế giới - một điều gì đó khác hơn những gì Thượng đế đã dự định.

"Từ đây," Đức vua nói, "ngươi sẽ muốn bày ra một bức tranh mà ngay giữa nó ngươi vẽ một tên lùn." Đúng như tôi đã dự liệu. "Nhưng bức tranh này sẽ không bao giờ được trưng bày: ít lâu sau, chúng ta sẽ bắt đầu thờ phượng bức tranh mà chúng ta treo trên tường, bất chấp những ý định ban đầu. Nếu như ta tin theo cách của bọn ngoại giáo này, cầu Thượng đế ngăn không cho điều ấy xảy ra, rằng Tiên tri Jesus cũng chính là Thượng đế thì ta cũng sẽ tin rằng người ta có thể nhìn thấy được Thượng đế trong thế giới này, thậm chí Người có thể xuất hiện trong hình dáng phàm nhân; chỉ khi ấy ta mới có thể chấp nhận vẽ loài người với đầy đủ chi tiết và trưng bày những hình ảnh như thế. Ngươi phải hiểu rằng, cuối cùng, chúng ta sẽ bắt đầu thờ phượng một cách không suy nghĩ bất cứ bức tranh nào treo trên tường, đúng không?" 2

Enishte của tôi nói: "Thần hoàn toàn hiểu rõ, và bởi vì hiểu rõ, nên thần sợ những gì cả hai chúng ta đang nghĩ."

"Vì lý do này," Đức vua nhận xét, "Ta sẽ không bao giờ cho phép trưng bày chân dung của ta."

"Tuy rằng đấy chính là điều ông ta muốn," Enishte của tôi thì thầm, với một tiếng cười khúc khích tinh quái.

Giờ đến phiên tôi sợ.

"Tuy nhiên ước mong của ta là bức chân dung của ta được làm theo phong cách của những bậc thầy Tây vực," Đức vua phán tiếp. Một chân dung như thế, dĩ nhiên sẽ phải được giấu trong những trang sách. Cuốn sách đó có thể ra sao, ngươi chính là người phải nói cho ta biết."

"Trong một giây phút ngạc nhiên và kính sợ, ta ngẫm nghĩ lời tuyên bố của Đức vua," Enishte của tôi nói, rồi nhe răng cười tinh quái hơn trước, bất chợt ông có vẻ như biến thành một người khác.

"Đức vua Vinh quang của chúng ta ra lệnh cho ta bắt tay làm cuốn sách của Ngài cấp tốc. Đầu óc ta quay cuồng vì vui sướng. Ngài nói thêm rằng nó phải được chuẩn bị làm món quà cho Pháp quan Venice, người mà ta sẽ đến thăm lần nữa. Một khi cuốn sách hoàn tất, nó sẽ là biểu tượng cho sức mạnh toàn thắng của Đức vua cao cả của chúng ta, trong năm thứ một ngàn sau Hegira. Ngài đòi ta phải chuẩn bị bản thảo có trang trí này trong bí mật hoàn toàn, chủ yếu để che giấu mục đích của nó như một nhành ô liu dành cho bọn người Venice, nhưng cũng nhằm tránh làm những ganh tỵ trong xưởng càng thêm trầm trọng hơn. Và trong tâm trạng vui sướng tột độ và thề giữ bí mật, ta bắt tay vào dự án này."

--- ------ ------ ------ -------

1 Kaaba là tòa nhà bằng đá hình khối vuông ở Mecca nơi có Tảng đá đen mà truyền thống Hồi giáo cho là một phần của ngôi đền nguyên thủy thờ Tiên tri Abraham. Hòn đá và tòa nhà này là tâm điểm của cuộc hành hương hàng năm về Mecca. Năm 630 Mohammed cho phá hủy chừng 360 ngẫu tượng đặt quanh tòa nhà này. Nhưng ông cũng ra lệnh giữ lại tượng Jesus và Đức bà Maria.

2 Đoạn này phản ảnh giáo luật cấm thờ ngẫu tượng (hình người nói chung) của Hồi giáo. Giáo luật này lý giải tại sao Taliban cho đại bác bắn vào các tượng Phật to nhất thế giới ở Afghanistan, và những nghề như nhiếp ảnh, điện ảnh, điêu khắc, chân dung... khó phát triển trong thế giới Hồi giáo.