Tên Của Đóa Hồng

Chương 72



NGÀY THỨ BẢY (tt)

Tác giả: Umberto Eco

Thầy William thực ra đã giở nhanh các trang sách và lần đến bản tiếng Hy-Lạp. Tôi thấy ngay rằng các trang này làm bằng một loại giấy khác, mềm hơn, những trang đầu gần như cũ mèm, một phần lề đã bị hư hại, vấy những vết dơ mờ mà thời gian và ẩm mốc thường cũng gây cho các quyển sách khác. Thầy William đọc những dòng mở đầu, thoạt tiên bằng tiếng Hy-lạp, rồi thầy dịch ra tiếng La-tinh để tôi cũng có thể biết quyển sách tai hại ấy bắt đầu như thế nào.

Trong tập một, chúng tôi đã bàn về bi kịch và chứng minh bằng cách nào, nhờ khơi dậy sự thương hại và nỗi sợ hãi, nó phát sinh sự hồi hộp phấn chấn, sự thanh lọc các xúc cảm này. Như đã hứa, giờ đây chúng tôi sẽ bàn về hài kịch (cũng như về trào phúng và kịch câm), và chứng minh bằng cách nào, nhờ khơi dậy thú vui cười cợt, nó đạt đến được sự thanh lọc đam mê đó. Một đam mê như vậy đáng cho chúng ta quan tâm hàng đầu, chúng tôi đã nói như thế trong quyển sách về linh hồn, vì con người là sinh vật duy nhất có khả năng cười. Chúng tôi sẽ định nghĩa các loại hành động, trong đó hài kịch đóng vai trò ngụy trang, rồi chúng tôi sẽ xem xét các phương tiện mà hài kịch đã sử dụng để gây cười, và các phương tiện này là hành động và lời nói. Chúng tôi sẽ trình bày các hành động nực cười được phát sinh như thế nào từ việc so sánh cái tốt nhất với cái xấu nhất, hay ngược lại, từ việc gây ngạc nhiên như đánh lừa, từ điều không thể xảy ra, từ sự đảo lộn các qui luật tự nhiên, từ các lộn xộn, vẩn vơ, bất hợp lý, từ việc dung tục hóa các nhân vật, từ cách sử dụng các động tác câm hài hước và thô tục, từ sự bất hài hòa, từ việc chọn lựa những điều hèn kém nhất. Chúng tôi sẽ trình bày các lời nói nực cười được phát sinh như thế nào từ việc hiểu lầm các từ tương tự với các điều khác nhau, và các từ khác nhau với những điều tương tự, từ sự ba hoa và lập đi lập lại, từ cách chơi chữ, từ cách phát âm sai, và từ cách nói thô tục.

Thầy William dịch nó một cách khó khăn, vì phải chọn cho đúng chữ, và chốc chốc phải ngừng lại. Vừa dịch thầy vừa mỉm cười, tựa như tìm ra được điều mình mong đợi. Thầy đọc lớn trang đầu tiên, rồi ngưng lại, như thể không muốn biết thêm nữa, và lật nhanh qua các trang kế. Nhưng sau vài trang thầy khựng lại, vì có vài trang bị dính lại với nhau, ở rìa góc trên và phía đầu sách, như thường thấy khi các loại giấy ẩm mục hóa thành một thứ keo dinh dính. Jorge nghe tiếng giở sách rào rào đã ngưng lại, bèn giục thầy William:

- Tiếp chứ, đọc đi, giở sách đi. Sách của Huynh mà. Huynh đã đoạt được nó rồi.

Thầy William bật cười, nghe dường như thích thú – Huynh nghĩ tôi khôn ngoan là không đúng đâu, Jorge ạ! Huynh không thấy được tôi đang đeo găng. Với những ngón tay cục mịch vụng về như thế này, tôi không thể tách từng trang giấy ra được. Tôi phải để tay trần, thấm nước miếng, như tôi đã tình cờ làm sáng nay khi đọc sách trong phòng thư tịch, thế nên điều bí ẩn đó đột nhiên cũng trở nên dễ hiểu. Và tôi sẽ phải tiếp tục giở như thế cho đến khi một lượng lớn thuốc độc ngấm vào miệng. Tôi đang nói đến lượng thuốc độc mà một ngày xa xưa nọ, Huynh đã trộm trong phòng thí nghiệm của Severinus. Có lẽ lúc ấy Huynh đã thấy lo lắng, vì nghe ai đó trong phòng thư tịch tỏ ý tò mò, hoặc về “finis Africae”, hoặc về quyển sách thất lạc của Aristotle, hoặc là cả hai. Tôi tin Huynh đã cất ống thuốc độc đó một thời gian dài, định sử dụng nó vào lúc thấy nguy hiểm. Và Huynh đã thấy hiểm nguy đến vài ngày trước đây. Khi Venantius bàn quá gần đến đề tài của quyển sách, cùng lúc đó Berengar vô tâm, huênh hoang cố lòe Adelmo, tỏ ra không kín đáo như Huynh hằng hy vọng. Thế là Huynh đã giăng bẫy ra. Quả là kịp lúc, vì chỉ vài đêm sau đó, Venantius đã đột nhập vào trộm quyển sách, và gần như ngấu nghiến giở ra xem. Chẳng bao lâu sau, Huynh ấy thấy mệt bèn chạy xuống nhà bếp cầu cứu, và chết tại đó.Tôi có lầm không nhỉ?

- Không, tiếp đi.

- Phần còn lại rất đơn giản. Berengar tìm thấy xác của Venantius trong nhà bếp, sợ người ta sẽ điều tra lôi thôi, vì nói cho cùng, Venantius ban đêm đột nhập vào Đại Dinh là do nhờ Berengar trước đây đã tiết lộ bí mật cho Adelmo. Hắn không biết phải làm gì, bèn vác xác lên vai và ném nó vào vại máu, nghĩ rằng mọi người sẽ tin Venantius bị chết đuối.

- Thế Huynh làm cách nào biết được những sự việc xảy ra đó?

- Chính Huynh cũng biết rõ như tôi. Tôi nhận thấy phản ứng của Huynh, khi người ta tìm thấy mảnh vải vấy máu của Berengar. Tên ngốc đó đã dùng mảnh vải này để lau tay sau khi bỏ Venantius vào vại. Nhưng vì Berengar đã mất dạng, nên hắn chỉ có thể biến đi với quyển sách mà lúc đó đã khêu gợi óc tò mò của hắn. Huynh đợi người ta tìm ra xác Berengar ở đâu đó, không bị nhuốm máu mà là ngấm thuốc độc. Phần còn lại đã rõ ràng, vì Berengar đầu tiên đến bệnh xá để đọc sách, tránh xa các cặp mắt cú vọ. Malachi, bị Huynh xúi giục, vào giết Severinus, rồi quay lại đây và chết vì muốn khám phá điều cấm gì trong quyển sách đã khiến hắn thành một kẻ sát nhân. Như thế, chúng ta đã giải thích được tất cả mọi cái chết… Thật ngu quá…

- Ai ngu?

- Tôi. Vì nghe theo lời nhận xét của Alinardo nên tôi đã tin rằng loạt án mạng này là theo thứ tự của bảy hồi kèn trong sách Mặc Khải. Mưa đá cho Adelmo, và Huynh ấy đã tự tử chết. Máu cho Venantius, và do thế người ta đã có những ý tưởng kỳ quặc về cái chết của Berengar. Nước cho Berengar, thực ra đó chỉ là một hành động ngẫu nhiên. Phần thứ ba của trời xanh cho Severinus, và Malachi đã dùng lồng cầu để đập huynh ấy, vì đó là một vật duy nhất tiện tay Malachi lúc đó. Và cuối cùng là bọ cạp cho Malachi… tại sao Huynh lại bảo hắn là quyển sách có sức mạnh của ngàn con bọ cạp?

- Chính vì Huynh. Alinardo đã kể cho tôi ý tưởng về bảy hồi kèn, và tôi nghe ai đó bảo cả Huynh cũng thấy ý đó hữu lý… Tôi đâm tin rằng những cái chết này là do thiên định, và tôi không có trách nhiệm gì hết. Tôi đã bảo Malachi nếu hắn tò mò thì hắn sẽ bị tiêu diệt theo thiên mệnh, và hắn đã chết như thế.

- Như thế, thì… Tôi đã hình dung sai cách lý giải các bước hành động của tên tội phạm và hóa ra hắn đã làm trùng với cách đó. Cũng chính nhờ cách hình dung sai này mà tôi đã theo được dấu vết của Huynh. Thời nay ai cũng bị ám ảnh bởi quyển sách của Thánh John, nhưng dường như Huynh là người nghiên cứu nó kỹ nhất, nhưng điều đó không phải vì Huynh ngẫm nghĩ mãi về tên Phản Chúa, mà vì Huynh xuất xứ từ một đất nước sản sinh ra những quyển sách Mặc Khải đẹp nhất. Hôm nọ có người bảo tôi chính Huynh đã đem đến thư viện những bản viết tay sách Mặc khải đẹp nhất. Rồi một hôm khác, Alinardo nói lảm nhảm về một kẻ thù bí ẩn đã được phái đến Silos tìm sách, lòng hiếu kỳ của tôi nổi lên khi lão bảo kẻ thù này đã sớm quay về thế giới tối tăm: thoạt tiên có thể tưởng lão nói về một kẻ đã chết yểu, nhưng thực ra lão đang nói đến sự mù lòa của Huynh. Silos ở gần Burgos, và sáng hôm nay, tôi thấy trong thư mục một loạt các sách nhận được đều là sách Mặc khải Tây Ban Nha, trong thời gian Huynh đã hay sắp kế vị Paul xứ Rimini. Trong nhóm sách nhận được đó cũng có quyển sách này. Nhưng mãi đến khi tôi biết quyển sách này làm bằng giấy lụa thì tôi mới dám khẳng định lời giải thích của mình. Rồi tôi nhớ đến Silos, và biết chắc mình đúng. Dĩ nhiên, khi ý tưởng về quyển sách và độc chất giết người của nó dần dần hình thành thì cách suy diễn theo bảy hồi kèn Mặc khải bắt đầu sụp đổ, mặc dù tôi không hiểu tại sao cả hai đều hướng về Huynh. Nhưng tôi hiểu rõ câu chuyện về sách hơn, vì theo hướng của hồi kèn Mặc khải, tôi buộc phải nghĩ đến Huynh và cuộc tranh luận của Huynh về tiếng cười nhiều hơn. Do đó buổi tối nay, khi tôi không còn tin vào kèn Mặc khải nữa thì tôi vẫn quyết canh chừng chuồng ngựa, và trong chính nơi đó, hoàn toàn tình cờ, Adso đã trao cho tôi chìa khóa vào “finis Africae”.

Jorge bảo: - Tôi không hiểu được ý Huynh. Huynh hãnh diện trình bày cái cách Huynh đã suy luận để nắm được tôi, thế rồi Huynh lại bảo Huynh đến đây vì suy luận sai. Thế Huynh muốn nói gì với tôi?

- Không nói gì với Huynh cả. Tôi hơi bị hẫng, thế thôi. Nhưng điều đó chẳng quan trọng gì. Dẫu sao tôi đã đến đây.

- Chúa đang thổi bảy hồi kèn và Huynh, dù trong khi sai lầm, cũng đã nghe tiếng vọng rối loạn của âm ba đó.

- Huynh đã nói đến điều này trong bài giảng tối qua. Huynh cố thuyết phục mình rằng toàn bộ sự việc là do thiên định để che dấu sự kiện Huynh là kẻ sát nhân.

- Tôi chẳng giết ai cả. Mỗi người chết theo số phận tội lỗi của họ. Tôi chỉ là một công cụ.

- Hôm qua Huynh bảo Judas cũng là một công cụ. Điều đó không ngăn hắn khỏi bị đọa đày.

- Tôi chấp nhận nguy cơ bị đọa đày. Chúa sẽ giải tội cho tôi, vì Ngài biết tôi hành động vì danh Ngài. Nhiệm vụ của tôi là bảo vệ Thư viện.

- Mới cách đây vài phút, Huynh đã sẵn sàng giết cả tôi và thằng bé này nữa….

- Huynh khôn ngoan hơn, nhưng chẳng giỏi hơn những kẻ khác đâu.

- Và bây giờ chuyện gì sẽ xảy ra, khi tôi tránh được cái bẫy đó?

- Chúng ta sẽ xem, - Jorge đáp, - Tôi không nhất thiết phải lấy mạng Huynh, có lẽ tôi sẽ thuyết phục được Huynh. Nhưng trước tiên, hãy nói cho tôi biết: làm cách nào Huynh đoán được đó là tập hai của quyển sách của Aristotle?

- Cách Huynh nguyền rủa tiếng cười chắc chắn không đủ cho tôi, và những gì tôi biết về cuộc tranh luận của Huynh với những người khác cũng quá ít ỏi. Thoạt tiên, tôi không hiểu ý nghĩa của chúng. Nhưng có những lời viết về một viên đá nhục nhã lăn trên bình nguyên, về những con ve sẽ từ lòng đất kêu vang lên, về những quả vả đáng kính. Tôi đã đọc một loại giông giống như vậy: mấy ngày vừa qua, tôi đã kiểm chứng lại. Đó là những thí dụ Aristotle đã sử dụng trong tập một của tác phẩm Thi ca , và tác phẩm Tu từ học . Rồi tôi nhớ Isidore xứ Seville đã định nghĩa hài kịch là một thứ nói về - biết diễn tả như thế nào nhỉ? – về một điều kém hơn những tình yêu đức hạnh. Dần dần tập hai của tác phẩm này hình thành trong óc tôi. Tôi có thể kể cho Huynh nghe gần như toàn bộ tập đó, mà không cần phải đọc những trang sách định dùng để thuốc tôi chết. Hài kịch phát sinh từ “Komai” – đó là những làng quê – như một cách liên hoan vui vẻ sau bữa ăn hay bữa tiệc. Hài kịch không nói về những kẻ quyền uy, danh giá, mà về những con người phàm tục buồn cười, nhưng không độc ác, nó không chấm dứt bằng cái chết của các nhân vật. Nó đạt được tác dụng gây cười nhờ vạch ra các thói hư tật xấu của người bình dân. Ở đây, Aristotle xem khuynh hướng gây cười như một lực lượng của điều thiện, trong đó cũng có giá trị giáo huấn: qua những câu đố hóm hỉnh và ẩn dụ bất ngờ, mặc dù chúng trình bày sự vật khác với bản chất của nó như thể nói dối vậy, khuynh hướng này thực sự buộc chúng ta phải xem xét sự vật kỹ lưỡng hơn, khiến chúng ta phải thốt lên: À, sự vật là thế này đây, mà trước kia ta chẳng biết. Chân lý được đạt đến nhờ miêu tả con người và thế giới tệ hơn bản chất của chúng, hay tệ hơn chúng ta vẫn nghĩ, dẫu sao thì cũng tệ hơn hình ảnh mà các trường ca, bi kịch và cuộc đời của các vị thánh vẫn đưa ra cho chúng ta thấy. Có phải thế không?

- Gần như thế. Huynh đã tái lập nó nhờ đọc các sách khác à?

- Nhiều điều trong đó Venantius đang nghiên cứu. Tôi nghĩ Venantius đã săn tìm quyển sách ấy khá lâu. Hẳn Huynh ấy đã đọc được trong thư mục các dấu hiệu cũng như tôi, và tin rằng đây là quyển sách Huynh ấy đang tìm kiếm. Nhưng Huynh ấy không biết cách đột nhập “finis Africae”. Khi nghe Berengar nói với Adelmo về nó, Huynh ấy liền lao ngay vào như chó săn thỏ.

- Đúng như thế. Tôi hiểu ngay. Tôi biết đã đến lúc mình phải hành động ác liệt để bảo vệ Thư viện…

- Và Huynh đã tẩm thuốc độc vào sách. Hẳn là một công việc khó khăn… trong bóng tối…

- Bây giờ tay tôi có thể nhìn rõ hơn mắt Huynh. Tôi đã lấy ở chỗ Severinus một cái bàn chải, và tôi cũng có đeo găng. Đó là một ý độc đáo phải không nào? Huynh phải mất một lúc lâu mới suy ra được…

- Phải. Tôi cứ nghĩ đến một vật phức tạp hơn, một cái kim tẩm thuốc độc hay một loại gì tương tự. Phải công nhận cách làm của Huynh thật là tiêu biểu: nạn nhân tự đầu độc khi có một mình, và chỉ trong mức độ người ấy muốn đọc…