Ta Nguyện Làm Thê Tử Của Chàng

Chương 10: Mua một lời mười



Ngồi ở sân viện nhìn lên ánh trăng vẫn tỏa sáng trên kia ta thấy nó cô độc đến lạ thường. Từ ngày đến Nhậm gia cuộc sống bắt đầu có ý nghĩa hơn hẳn, không còn buồn tẻ như ở thôn Lý Lâm. Trò chuyện cùng tướng công ta thấy rất vui dù nhiều lúc cũng chẳng hiểu huynh ấy nói gì. Đến một người đơn thuần như thế cũng ghét bỏ ta, liệu ta làm người có quá thất bại? Ai mang hy vọng đến cho ta để bây giờ đành tâm lấy lại? Là ai?

Tướng công đến giờ vẫn không nói chuyện với ta, dù có nhìn ta ta cũng chẳng thấy hình bóng mình trong đôi mắt ấy, thật buồn. Giờ này chắc huynh ấy đã yên giấc còn ta thì không thể nào chợp mắt được.

Lúc về nhà nương có cho người gọi ta, ta lo lắng nương đã biết chuyện ta đánh nhị đệ nhưng người không nhắc gì về chuyện đó mà chỉ hỏi ta học được những gì, mọi người đối xử với ta ra sao? Về sau ta mới biết Bạch di nương đã đến nháo một hồi với cha, người hứa cho di nương khu rừng đào vừa mới mua được thì chuyện mới được giàn xếp không lọt đến tai lão phu nhân. Thật không ngờ, một cái tát lại có giá cao như thế.

Lại nói, khi ta kể lại tất cả mọi chuyện đã xảy ra lúc sáng cho nương nghe người chỉ nhắm mắt thở dài:

“Số ngân lượng đó xem như mua sự bình yên cho ngôi nhà này.”

Nương căn dặn sau này ta không cần quan tâm đến chuyện của nhị đệ “Người không phạm ta ta không phạm người” nếu không may có chuyện gì xảy ra nương sẽ tự giải quyết.

“Thiếu phu nhân, đã khuya lắm rồi người nên vào nghĩ ngơi.” Tầm Nhi đến phía sau ta nói nhỏ.

“Được, muội cũng về phòng ngủ đi.”

Ta đi vào căn phòng chỉ còn ánh nến mờ ảo. Người đang ngủ trên giường hơi thở đều đều an ổn. Tướng công ngủ rất quy củ giữa khuya cũng không thấy trở mình, ta thật lo lắng cho xương cốt của huynh ấy.

Sáng sớm hôm sau tướng công đã thức dậy nhưng không đi cùng ta đến hiệu thuốc, ta cũng chẳng biết huynh ấy đi đâu. Bầu trời trở nên u ám hơn hẳn, mây đen bắt đầu kéo đến gió thổi qua từng hồi thật lạnh. Ta bước trên con đường quen thuộc đông đúc người đi. Không biết ta đã đi qua bao nhiêu lần nhưng hôm nay ta thấy nó thật xa lại còn thật dài đi mãi, đi mãi không thấy điểm dừng chân.

Hiệu thuốc cũng thật yên tĩnh, mọi người ai làm việc nấy không có vui đùa quậy phá nhưng cũng thật buồn chán. Khó khăn lắm mới đợi được Thiện thúc ra ngoài, ta định tranh thủ học một phần để về nhà dùng cơm sau đó mới quay lại học nốt phần còn lại nhưng vừa bước chân ra cửa đã thấy một chiếc xe ngựa dừng ngay trước mặt, hai người ăn mặc kỳ lạ bước xuống, một người nhỏ con hơn lên tiếng:

“Xin hỏi, chưởng quầy có trong đó không?”

Ta nhìn hai người tướng mạo ốm yếu, mặt mày tái xanh, bước đi không vững mà phải dắt díu nhau chắc là bị bệnh khá nặng nên vội vàng nói:

“Có, mời hai vị vào trong, đi từ từ thôi.” Ta đi sau họ để đề phòng bất trắc.

Chưởng quầy nhìn thấy liền chạy vội ra. Người to con hơn cất lời:

“Chắc ông là chưởng quầy, chúng ta muốn bán nhân sâm.”

Không phải đến chữa bệnh sao? Ta có hơi thất vọng.

Chưởng quầy hiếu kỳ: “Hai vị muốn bán nhân sâm gì?” Nhân sâm có nhiều loại nha.

“Nhân sâm ngàn năm, vừa rồi nhị thiếu gia đã xem qua cũng đã đồng ý mua còn bảo chúng ta đến đây lấy ngân lượng. Đây, xem đi.” Người nọ đưa ra một tờ giấy cho chưởng quầy.

“Đây đúng là nét chữ của nhị thiếu gia, còn có con dấu”.

Đã bao năm rồi mà nhị thiếu gia vẫn không tiến bộ, nét chữ vẫn nguệch ngoạc như thế. Đúng là gia môn bất hạnh, chưởng quầy ngán ngẫm thở dài. Số ngân lượng tuy không quá lớn nhưng chưởng quầy không thể tự quyết định được nên quay sang nhìn ta hỏi nhỏ:

“Thiếu phu nhân, người xem?”

“Nhị thiếu gia hiện đang ở đâu?” Ta nhìn tờ giấy rồi hỏi bọn họ.

“Nhị thiếu gia nói có việc phải làm nên bảo chúng ta đến đây lấy bạc, còn đi đâu ta làm sao biết.”

“Vậy hai người lấy nhân sâm ra cho xem trước đã.”

Người nọ mở cái hộp đang cầm trên tay, bên trong là một loại củ như khoai lang nhưng có hình dáng thật đặc biệt đang nằm yên bất động. Ta nhìn đến ngây người vì đây là lần đầu ta được nhìn thấy nhân sâm. Ta không nhìn chưởng quầy mà lên tiếng:

“Thúc đi mời Thiện bá đến xem thử.”

“Thiếu phu nhân, Thiện lão đã ra ngoài rồi.” Chưởng quầy cũng nhìn củ nhân sâm chăm chú.

Giờ ta mới nhớ đến Thiện bá đã đi bắt mạch cho bệnh nhân không có ở đây. Ta nghĩ rồi nói với hai người kia:

“Hay hai vị ở lại đây nghĩ ngơi chờ Thiện bá về thế nào?”

Một người vội vàng huơ tay, lắc đầu: “Không được, không được chúng ta có chuyện gấp phải đi ngay.”

Chưởng quầy không phân biệt được, ta thì càng không, Thiện bá lại không ở đây phải làm sao bây giờ? Chưởng quầy đi đến gần ta nói nhỏ:

“Thiếu phu nhân, tướng mạo hai người họ rất kỳ quái nhìn y như khỉ trên núi, lắm la lắm lét, lời nói lại đáng nghi người nên suy nghĩ cẩn thận.”

Ta chưa kịp phản ứng thì không ngờ hai người kia nghe được liền la rống lên:

“Tướng mạo xấu xí thì đã sao? Phụ mẫu ban cho thì phải chịu, ngươi từ chối được sao? Các người đang mua nhân sâm hay mua người? Đừng phí thời gian của bản đại gia.”

“Hay đến nhà để cha ta xem thử, cũng gần đây thôi.” Ta nhỏ nhẹ thương lượng với họ.

“Không được, chúng ta đang vội nếu các người không mua chúng ta đến nơi khác sẽ có người mua.” Người nọ kiên quyết từ chối.

Thái độ họ rất cứng rắn, củ nhân sâm kia không biết có được ngàn năm hay không? Nhưng đồ nhị đệ đã chọn không thể không lấy, nương đã nói nên tránh gây phiền toái, hơn nữa giấy trắng mực đen ghi rõ thì còn gì phải lo sợ. Ta gật đầu chấp nhận:

“Thành giao.”

Ta và chưởng quầy vào trong lấy ngân lượng. Chưởng quầy hỏi ta như vậy liệu có ổn không, ta nói không sao nhưng ngược lại không mua sẽ sinh chuyện.

Hai tên đợi ở ngoài to nhỏ với nhau, một tên cười đến chẳng thấy mắt đâu lên tiếng:

“Đại ca, lần này giàu to rồi, hộp bạch ngọc cướp được vẫn còn trên xe ngựa mà đã kiếm được thật nhiều ngân lượng rồi. Không uổng công chúng ta mạo hiểm đi xa.”

“Tên gian thương đó không ngờ lại có bảo vật như thế, chút nữa bỏ mạng trong tay lão cũng xứng đáng ha ha.” Tên đại ca phụ họa.

“Thôn chúng ta toàn một lũ ngu ngốc, như vậy cũng không phân biệt được, nhất là nhị công tử kia chỉ nhìn lướt qua đã đồng ý mua rồi.”

“Đúng, có những tên đó, cướp bóc lừa gạt như chúng ta mới có cơm ăn chứ ha ha.”

“Đại ca, trốn tránh tren núi mấy ngày lại chạy về gấp quá chúng ta vẫn chưa được ăn gì, đệ đói đến chỉ còn da bọc xương.”

“Được, hôm nay huynh đệ chúng ta ăn uống no say, ngày mai đến kinh thành bán thứ đồ kia chắc sẽ được nhiều ngân lượng hơn nữa.”

“Đại ca thật thông minh, nhưng sao huynh biết ngã giá đó? Chúng ta mới lần đầu trộm được nhân sâm kia mà.”

“Ngươi không thấy tên chưởng quầy xem xong tờ giấy thì xanh mặt thở dài sao? Ta thật thông minh nghĩ ra được cái giá trên trời đó ha ha.” Tên đó sờ sờ bụng mình lẩm bẩm: “Bọn họ lâu quá ta cũng đói đến hoa mắt chóng mặt rồi.”

Sau khi lấy được ngân lượng thì hai người họ đi nhanh ra xe ngựa, ta kêu người gói nhân sâm lại mang về nhà cho cha xem qua. Bọn họ vừa đi vừa cười nói trông thật vui vẻ không biết còn tưởng họ bệnh đến lú lẫn đầu óc rồi. Ta cũng không để tâm làm gì, đó là tự do của người ta lo chuyện mình thì hay hơn.

Tên nhỏ con vào trong xe ngựa rồi quay đầu ra hỏi: “Đại ca, hộp bạch ngọc huynh để đâu rồi?”

“Phía trong xe chứ đâu.”

“Đệ tìm hết rồi nhưng không thấy, củ nhân sâm ngàn năm để trong đó cũng biến mất rồi.”

“Cái gì.” Người nọ la lên hoảng hốt rồi nhảy lên xe ngựa tìm. Một lúc sau:

“Đại ca, huynh làm sao vậy? Huynh tỉnh lại đi đại ca… đại ca.”

Tiếng người kêu lên ai oán giữa con đường vang vọng nghe chấn động tâm can. Một người qua đường lắc đầu đồng cảm “Không phải tháng cô hồn mà nhiều người chết quá, lại thêm một kẻ xấu số.”

Hai người khách xuất hiện không đúng lúc kia không những làm dự định của ta tan thành mây khói mà còn bị Thiện bá mắng một trận không thể ngẩn đầu.

Cũng do cái người đang ở nhà tự do tự tại làm ta không thể tập trung được, các đơn thuốc bị ta bốc lộn xộn cả lên còn cho thêm một ít dược liệu như thạch tín hay hạt đỉnh hồng… đảm bảo trăm người uống không người nào sống sót. Vì vậy ta ngặm miệng bấm áo nghe Thiện bá giảng một tràn nhân sinh thế sự, cuối cùng cái thân đã mệt rũ rượi của ta được hộ tống về nhà.

Hôm nay trong ngoài đèn đuốc sáng cả một vùng mọi người chắc không ai ngủ được. Ta bước về viện của mình. Vào phòng chẳng thấy tướng công đâu nhưng trên bàn lại có một vật. Một cái hộp bạch ngọc được điêu khắc thật tinh xảo, màu sắc thanh nhã, thoạt nhìn đã biết là thượng phẩm. Ta ngắm nghía hồi lâu khi mở ra thì thấy một củ nhân sâm to gấp ba ban ngày. Ta cẩn thận để lại trên bàn rồi đi ra ngoài.

Vừa thấy bóng dáng của Tầm Nhi ta liền chạy đến hỏi: “Tầm Nhi, hộp bạch ngọc trong phòng ta từ đâu mà có?”

“Hồi thiếu phu nhân là do thiếu gia mang về.”

Ta ngạc nhiên nhìn Tầm Nhi: “Hôm nay thiếu gia có ra ngoài sao?”

“Lúc trưa thiếu gia nói nô tỳ dẫn đường đến gặp thiếu phu nhân, nô tỳ cũng tiện thể ra ngoài mua ít đồ. Lúc đến trước cửa hiệu thuốc thấy thiếu gia sắp vào trong thì nô tỳ đi về.”

“Nhưng hôm nay tướng công không có đến hiệu thuốc.” Ta hoài nghi hỏi.

“Sau khi mua đồ xong nô tỳ lại thấy thiếu gia đang chạy ngoài đường, khi đến hỏi thì thiếu gia nói muốn về nhà, lúc đó trên tay thiếu gia đã cầm hộp ngọc nên nô tỳ nghĩ thiếu phu nhân giao cho thiếu gia.”

“Vậy à, thiếu gia có ở trong viện không?”

“Dạ không có.”

Nếu tướng công không ở đây thì chỉ ở một nơi. Một nơi duy nhất.

Hồ Ngư Lục

Đây là lần thứ hai ta đến nơi này sau khi bước chân vào Nhậm gia, chỉ khác lúc trước là ban ngày còn bây giờ trời đã tối. Cảnh vật xung quanh không nhìn thấy rõ nhưng những ngôi sao trên bầu trời chiếu xuống mặt hồ thật lấp lánh. Ta đến nguồi xuống bên cạnh tướng công, những con cá dưới kia còn đùa giỡn thật vui vẻ.

“Giờ này mà chàng còn cho chúng ăn à?” Ta vừa hỏi vừa lấy một nắm thức ăn rải xuống mặt hồ, lũ cá tranh nhau ăn tạo ra âm thanh bọt nước phá tan đêm đen yên tĩnh.

“Không ăn sẽ đói.”

Cuối cùng tướng công đã mở lời với ta. Ta vội hỏi tiếp: “Sao bình thường không thấy chàng đến đây?”

“Ta không đói.”

“Bây giờ đói bụng sao?”

“…” Gật gật đầu.

Chàng đói thì tại sao không bảo Tầm Nhi mang đồ ăn đến mà lại chạy ra đây cho cá ăn làm gì? Chúng ăn no thì chàng sẽ no sao? Hơn nữa, chiều nào mà Nhậm thúc chẳng cho chúng ăn chứ, sắp đưa bụng lên trời rồi kìa. Ta rất muốn hỏi thế nhưng chắc sẽ không moi được cái gì nên thôi.

“Hộp bạch ngọc để trong phòng chàng làm sao mà có?” Còn chút thì quên chuyện chính.

“Lấy trên xe ngựa.”

Không phải chiếc xe ngựa của hai người đến hiệu thuốc đó chứ: “Xe ngựa trước cửa hiệu thuốc sao?”

“Ừ.” Thành thật trả lời.

“Sao chàng lại lấy đồ của người ta, như thế là trộm cắp.” Ta có hơi lớn tiếng một chút.

Chẳng trách lúc trưa sau khi hai người họ ra ngoài được một lúc thì la toáng lên. Bị mất đồ a. Một tên còn ngất xỉu trông thật tội nghiệp. Cũng đúng thôi, nhân sâm quý thế còn gì. Nhưng sao lúc đó người nọ không nói gì mà còn phi ngựa thật nhanh như sợ ai đuổi kịp?

Tướng công đứng phất dậy làm thức ăn đổ ngổn ngang dưới đất, u oán nói:

“Ta không có ăn trộm, nương nói như vậy là xấu.”

“Nhưng chàng đã lấy đồ của người khác.” Tuy chàng là tướng công của ta nhưng ta tuyệt đối không được trắng đen không phân. Không phải ăn trộm thì như vậy gọi là gì?

“Là bọn chúng ăn trộm không phải ta, chính tai ta nghe được nên lấy lại.”

“Cái gì?” Ta còn tưởng mình nghe nhầm. “Chàng nghe được ở đâu.”

“Ở bên ngoài, hai cái con khỉ kia nói nhỏ với nhau, khỉ biết nói chuyện thật lạ. Ta lấy xong sợ quá nên liền chạy đi.”

Nhìn vào đôi mắt chân thành của tướng công ta cũng không biết phải phản ứng như thế nào, thính lực thật tốt! Mà trộm đồ của trộm thì gọi là gì nhỉ? Tất cả cũng tại cái con khỉ… À không, chỉ tại cái người kia, tướng mạo không được bình thường còn mặc y phục bằng lông thú làm gì khiến người ta sợ hãi. Ta nhìn tướng công an ủi:

“Không sao, chàng đừng sợ, bọn họ về núi cả rồi.” Ta chợt nhớ ra: “Nhưng tại sao chàng không đem đến cho cha mà để ở trong phòng?” Chẳng phải chàng thương cha và nương nhất còn gì.

“Cho ngươi.”

“Tại sao?” Ta giật mình khi nghe thế. Cho ta, ta có nghe lầm không?

“Ngươi không cười còn khóc rất xấu xí, nương nói có thứ này ngươi sẽ vui vẻ.” Tướng công lấy từ trong tay áo ra một cây trâm ngọc bích rất đẹp để trước mắt ta:

“Ta thấy cái kia lớn hơn chắc ngươi sẽ thích nên cất cái này lại.”

“Cả hai thứ ta đều thích.” Ta nhanh tay giành lấy cây trâm bỏ vào tay áo của mình. Nói ta xấu xí? Bỏ qua cho chàng lần này. Thì ra lúc sáng tướng công đến hỏi nương, ta nhìn tướng công rồi cười một cách vui vẻ mà không ngừng lại được.

“Ngươi cười, nương thật giỏi.” Ai đó vỗ tay hào hứng.

Sau khi đã cười đủ cả vốn lẫn lời, ta và tướng công về phòng lấy nhân sâm sẵn tay lấy cái bánh cho tướng công lót dạ rồi đến gặp cha và nương. Chuyện này nên để hai người giải quyết.

Khi vào phòng của nương ta càng không thể ngờ mọi người đều có mặt đông đủ ngoại trừ lão phu nhân. Ánh mắt Bạch di nương nhìn ta trước giờ không hề thay đổi, thật lạnh. Nương đi đến nói với ta:

“Sao hai con biết mà đến đây, nương còn định kêu người đi gọi.”

“Nương, xảy ra chuyện gì sao?” Chắc có chuyện nên mọi người mới tụ họp đêm hôm như thế.

“Là nhân sâm con cho người đem về không phải nhân sâm ngàn năm, nhưng Tiêu nhi khẳng định đó là nhân sâm ngàn năm.”

“Chắc chắn là có người tham lam cố tình đánh tráo.” Bạch di nương từ tốn nhấp ngụm trà ung dung nói, ánh mắt như có như không dừng trên người của ta.

“Nương, chuyện này chưởng quầy và mọi người ở hiệu thuốc đều có thể làm chứng.”

“Ta biết.” Cha mở lời: “Nếu Tiêu nhi vẫn không tin thì lấy nhân sâm ra đối chứng.”

Nhị đệ nhìn củ nhân sâm gật đầu, cha nói nhị đệ bị lừa gạt vì đây chỉ là bạch sâm trên dưới một trăm năm mà thôi, đệ ấy còn nhỏ tuổi không phân biệt được là chuyện bình thường nên cha cũng không trách phạt chỉ nói nhị đệ tự kiểm điểm bản thân. Tuy Bạch di nương vẫn không cam lòng nhưng lại không còn lý để nói nên họ ra khỏi phòng trong sự căm tức không vui.

Sau khi chỉ còn bốn người trong phòng, ta lấy hộp bạch ngọc được bọc trong tấm vải đến cho cha xem rồi kể lại những gì tướng công đã nói. Cha xem xét một cách thận trọng rồi vỗ vai tướng công cười ha ha :

“Nhi tử của ta thật giỏi lấy được hồng sâm mà không tốn một binh một tốt.”

Cha nói đó quả thật là nhân sâm ngàn năm hay còn gọi là hồng sâm – dược liệu trân quý khó cầu, ngàn vàng khó mua. Củ nhân sâm này lại lớn như thế thì đúng là một bảo vật. Hơn nữa, hộp bạch ngọc giá trị cũng không nhỏ. Bọn trộm kia cũng xem như được một bài học để đời.

Lúc chúng ta định ra về thì nương gọi ta lại:

“Phù nhi, nhà con gửi thư đến, chút nữa thì nương quên mất.”

Ta cầm lấy lá thư mà vừa mừng vừa lo, dòng chữ ngay ngắn của Tổ nhi hiện lên trước mắt:

“Gửi nhị tỷ Diệp Phù.”