Sư Mẫu Vừa Thiện Lương Lại Thương Người

Chương 16-1: Luận chú



Hôm nay lúc Tức Hi bước vào Tích Mộc đường, Sư An vẫn chưa trở về. Đường Phèn đứng ở giữa căn phòng ngoan ngoãn chờ nàng, thấy nàng tới thì chạy tới vòng xung quanh nàng vài vòng, liên tục hú lên.

Tức Hi sờ đầu Đường Phèn, cười nói: “Vậy ta cứ ở đây chờ Sư An đi vậy.”

Nàng ôm sách đi theo Đường Phèn vào phòng trong. Đồ vật trên mặt bàn của Sư An được bày biện rất sạch sẽ, gọn gàng, giống y như lần trước nàng tới nơi này.

Thật ra cách bày biện đồ dùng, sách vở của chàng không khác biệt nhiều so với mấy năm trước. Nàng vẫn luôn cảm thấy Sư An có điểm gì đó khá cổ quái. Giả sử như, mọi thứ qua tay chàng đều phải được sắp xếp có trật tự, hơn nữa còn phải đặt vào vị trí đã được quy định. Ngay đến việc đặt vật vẫn luôn để trong túi trái nhầm sang túi phải cũng khiến chàng nhíu mày.

Nàng buông sách, đi về phía kệ sách đằng sau chiếc bàn. Kệ sách cũng không có gì thay đổi, kệ này chuyên đặt tư liệu sách sử, kệ này chuyên được dùng để đặt sách dạy về phù chú, ngăn kéo này dùng để đặt các loại tranh, còn ngăn kéo này chàng cất chứa…

Tức Hi kéo ngăn kéo dùng để chứa đồ ra, ngoài ý muốn nhìn thấy một chiếc ngọc bội[1] đặt trên những thứ đồ khác.

Ngọc bội có chất liệu là vàng khảm ngọc, nhìn xa thì trông còn có vẻ tinh tế, tao nhã, chứ nhìn gần, thấy rõ hoa văn trên mặt ngọc bội, thứ đồ này lập tức trở nên tục khí ngay.

Ngọc bội này có một mặt là phù dung, hoa quế, cây vạn niên thanh, ngụ ý phú quý vạn niên, một mặt khác là bình hoa cắm bông lúa, còn có chim cút, ngụ ý năm năm tháng tháng bình an. Ngọc bội còn có những sợi dây xuyên qua một đầu, đầu còn lại, những sợi dây đó buộc với chiếc chuông nhỏ màu vàng, lúc đi đường sẽ phát ra những tiếng vang thanh thúy.

Phú quý vạn niên, năm năm tháng tháng bình an, đây là quà sinh nhật nàng tặng cho Sư An năm chàng hai mươi tuổi. Lúc ấy nàng chuẩn bị ngọc bội này làm quà tặng còn bị Tư Vi cười nhạo vài ngày. Nàng ấy nói phẩm vị của nàng dung tục, đến phú quý vạn niên mà cũng nghĩ ra cho được.

Khiến nàng không có mặt mũi đưa lễ vật mình đã chuẩn bị cho Sư An như mọi người, mà phải nhân dịp chàng dạy quá giờ học, trèo qua cửa sổ đặt ngọc bội trong phòng chàng, lén tặng cho chàng. Nàng nhìn ngọc bội của mình cũng tự thấy nó tầm thường thiếu tinh tế, nhưng Sư An nhìn ngọc bội này lại nói nó đẹp.

Ánh mắt chàng hiện rõ ánh sáng dìu dịu của ngọn nến, chàng nói: "Muội tặng món đồ muội thích nhất cho ta, nó không hề trông dung tục, tầm thường."

Sau ngày ấy, Sư An thật sự đeo nó mỗi ngày, mãi cho đến khi nàng rời khỏi Tinh Khanh cung chàng vẫn còn đeo nó tùy thân. Lần này nàng trở về nhưng không còn thấy chàng đeo nó nữa, ra là nó bị đặt ở nơi này.

Tức Hi vuốt ve chiếc ngọc bội, xúc cảm mượt mà trơn bóng, nhưng những sợi dây đã hơi bị mòn, cảm giác như có thể bị đứt bất cứ lúc nào. Nàng cầm ngọc bội lên, suy nghĩ: nếu nàng lấy nó về rồi đổi sang sợi dây tốt hơn xong lại trả lại, chắc là thần không biết quỷ không hay đâu.

Tức Hi đang nghĩ, vừa quay đầu lại đã trông thấy A Hải không biết đậu trên giá phía sau nàng từ khi nào, nó bày ra ánh mắt sắc bén và móng vuốt sắc nhọn của mình.

“Được rồi! Ta trả cho ngươi ngay đây!” Tức Hi lập tức cười thả ngọc bội trở lại ngắn kéo, sau đó đóng ngăn kéo lại.

A Hải vẫn xuất quỷ nhập thần làm người sợ hãi hệt như trước kia. Tức Hi rủa thầm, nàng bước đến trước án thư, dựa lên cơ thể mềm mại của Đường Phèn rồi ngồi xuống, xoa bộ lông trắng muốt của nó.

“Đường Phèn, ngươi đánh thắng được Hải ca không?” Nàng nhỏ giọng hỏi.

“Ngao ô.”

“Haiz, sao ngươi lại theo chủ nhân của ngươi chứ! Nàng ấy sợ ngươi cũng sợ à!” Tức Hi căm giận giật lông Đường Phèn.

Hôm nay khi Sư An giảng bài, A Hải và Đường Phèn đều ở bên cạnh bọn họ. Tức Hi như không xương cốt dựa vào người Đường Phèn như dựa vào chiếc gối đầu lớn. Nàng giơ sách ở trước mắt mình.

A Hải kêu mấy tiếng, Sư An đang giảng bài mới dừng lại, cười rộ lên: “Sư mẫu, người đọc sách như vậy không tốt cho đôi mắt đâu.”

Tức Hi nhìn thoáng qua A Hải vừa mật báo, giận mà không dám nói gì. Nàng bò dậy chuyển thành dáng ngồi rồi nói: “Ngày thường A Hải đều ở cạnh ngươi, như thế này không khác gì với có được đôi mắt cả.”

“A Hải là Hải Đông Thanh[2], nếu không thể bay lượn giữa núi rừng, mà ngày ngày gò bó trong phòng thì sao còn gọi là Hải Đông Thanh nữa.” Sư An vừa nói vừa cầm lấy cái chặn giấy, đổi đi tràn ngập chữ viết trang giấy.

[2] Hải Đông Thanh hay Cắt Bắc Cực: một loài chim, lớn nhất trong Chi Cắt.

Chàng duỗi tay lấy tờ giấy mới, nhưng lại không chạm được thứ gì, bèn nhíu mày hỏi: “Sư mẫu, người động vào giấy của ta phải không?”

Vừa dứt lời thì có một xấp giấy được đưa tới tầm tay chàng, giọng nói mềm mại của nữ tử cũng truyền đến: “Ta thấy ngươi làm việc và lấy đồ rất lưu loát, như có thể nhìn thấy vậy nên mới muốn xác nhận thử xem. Ngươi nhớ kỹ cách bày biện của mọi thứ trong căn phòng này sao? Vậy các căn phòng khác, các con đường trong Tinh Khanh cung ngươi cũng đều nhớ kỹ hết hả?”

“Phải.” Sư An nhận tờ giấy mới trải ra mặt bàn, rồi thong thả đáp.

Tức Hi nghĩ đây đúng là chuyện Sư An có thể làm được, nhưng cho dù người đó có là Sư An thì chắc chắn cũng từng rất khó khăn.

“Tại sao ngươi lại bị mù?” Tức Hi hỏi.

Sư An ngước mắt, chàng trầm mặc trong chốc lát rồi đột nhiên mỉm cười: “Trời mưa rồi.”

Tức Hi đưa mắt nhìn ra phía ngoài cửa sổ, quả nhiên trên mặt đất bắt đầu xuất hiện những hình tròn của giọt nước mưa rơi xuống đất, lặng yên không một tiếng động.

“Làm sao ngươi biết được?”

“Nghe thấy.”

Chàng nắm một nắm hạt đậu trên bàn đưa lên cho Tức Hi nhìn rồi hỏi: “Ở đây tổng cộng có bao nhiêu hạt đậu?”

Tức Hi ngẩn người, chưa kịp đếm xong Sư An đã tự trả lời: “32 hạt.”

“Đây cũng là ngươi nghe ra được ư?”

“Phải. Cho nên người không cần cảm thấy đáng tiếc cho ta, phúc họa tương y[3], ta không sao.” Sư An cười nói.

[3] Vận may và vận rủi là phụ thuộc lẫn nhau, thành ngữ Trung Quốc, bính âm là huò fú xiāng yī, có nghĩa là điều xấu có thể dẫn đến kết quả tốt, và điều tốt có thể dẫn đến kết quả xấu.

Tức Hi nhìn 32 hạt đậu lặng yên trên bàn, nghĩ thầm: sao có thể không sao, đó là một đôi mắt kia mà.

Nhưng huynh có thể nghĩ ra một nghìn phương pháp thuyết phục người khác rằng huynh không sao.

Tức Hi chỉ đành hùa theo ý Sư An đáp một câu: “Được rồi.”

Nhưng nàng cảm thấy trong lòng không thoải mái.

Nàng muốn ăn hồ lô đường phèn.

Ăn cơm trưa xong, các đệ tử tốp năm tốp ba mà tụ tập ngoài điện giảng bài nói chuyện phiếm. Nhưng cũng có mười mấy người vây quanh một chiếc bàn đá đang xem thứ gì đó.

“Phù chú dựa vào thứ gì để hình thành? Dựa vào khí mạch và linh lực, nếu chưa được phong Tinh Quân như mấy người… không, như chúng ta, linh lực đương nhiên không đủ để tạo ra phù chú bậc cao, lúc này phải dựa vào khí mạch.”

Tức Hi vừa ăn hồ lô đường phèn mấy người Chức Tình xuống núi mua, vừa cầm lấy phù chú Chức Tình đã vẽ xong trước đó lên. Tay nàng chuyển động vài cái đã thấy phù chú bốc lên một luồng khí.