Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 6



Ông anh trai thông minh xuất chúng của em!

Trước khi tới nhà người thân, Đường Thận đã bảo Diêu Tam đi hỏi thăm về gia đình Đường cử nhân.

Nhà họ Đường ở phủ Cô Tô là một gia tộc lớn. Hai mươi năm trước, Đường cử nhân đã cưới con gái một nhà thư hương thế gia khác ở Cô Tô, cũng chính là Đường phu nhân hiện tại. Hai vợ chồng tình cảm thuận hoà, sinh được một trai một gái. Đường cử nhân nạp thêm một người thiếp, sinh ra người con trai thứ bằng tuổi Đường Thận. 

Hai năm trước mẹ Đường cử nhân đã qua đời, trong nhà có sai người tới thôn Triệu gia mời Đường tú tài về thủ linh cữu, song Đường tú tài từ chối thẳng thừng. Từ đó về sau, Đường gia không bước một ngón chân vào thôn Triệu gia, hai nhà cắt đứt liên lạc.

Đối với việc thăm người nhà này, Đường Hoàng vừa phấn khích vừa hồi hộp. Tới nơi, nhìn cánh cổng bề thế, phô bày hết vẻ phú quý của nhà người ta, cô nhóc bỗng rụt hết cả lại: “Anh à, hay là chúng mình về đi.”

Đường Thận nói: “Quà biếu đã mua hết rồi, chẳng nhẽ đem trả? Theo anh vào, mau.”

Đường Hoàng cắn môi: “Anh đi một mình không được à? Hơn nữa, tự chúng mình xoay xở cũng đủ ăn đủ sống, tại sao lại cứ phải đi kiếm người ta?”

“Em còn mang họ Đường, cũng chẳng có mâu thuẫn gì với người ta cả. Kết mối thân hơn gây mối thù, em có hiểu không?”

Đường Hoàng bĩu môi đi theo anh trai, đến trước cổng chính nhà họ Đường.

Đường Thận bước tới gõ cổng. Phía sau cánh cổng loáng thoáng tiếng bước chân, rồi một cánh cửa nhỏ mở ra từ mé bên cổng chính. Một gia nô trông có vẻ như là gác cổng bước ra, nhìn hai anh em, hỏi: “Tiểu huynh đệ có việc gì thế? Đây là nhà của Đường cử nhân thành Cô Tô, hai người có danh thiếp không?”

Đường cử nhân là nho sĩ, nhà họ Đường là dòng dõi thư hương, khách ghé thăm có thể gửi danh thiếp qua trước một ngày để báo cho chủ nhà biết. Hoặc, có thể chờ đến lúc thăm nhà thì đưa danh thiếp, giống như Lương đại nho đưa danh thiếp của mình cho Đường Thận vậy.

Đường Thận cười nói: “Không có đâu. Tôi họ Đường, tên là Đường Thận. Còn đây là em gái tôi, tên Đường Hoàng. Chúng tôi tới từ thôn Triệu gia. Phiền anh báo giúp một tiếng.”

Đường Thận vừa dứt lời, thái độ tay gác cổng quay ngoắt.

Hôm nay đi thăm họ hàng, Đường Thận và Đường Hoàng đều mặc quần áo mới, tuy không phải gấm vóc lụa là, nhưng trông rất sạch sẽ chỉn chu. Hơn nữa, anh thì khôi ngô tuấn tú, em thì xinh xắn đáng yêu, khiến tay gác cổng thoạt tiên vô cùng có thiện cảm. Tuy nhiên, vừa hay hai anh em đến từ thôn Triệu gia xong, tay này giở mặt trịch thượng ngay. Gã ta hứ một tiếng: “Chờ đấy.” Rồi lủi vào trong nhà, đóng cửa cái rầm, mặc kệ Đường Thận và Đường Hoàng đứng chờ ngoài cửa.

Đường Hoàng chưa bao giờ bị đối xử thô lỗ như vậy. Dân cư thôn Triệu gia ai nấy đều thật thà, chất phác, thắm thiết tình làng nghĩa xóm, nên thái độ kể cả của tên gác cổng khiến cô bé ấm ức vô cùng. Trái lại, Đường Thận chỉ cười thâm thúy, không lên tiếng.

Hồi lâu, một người trông có vẻ là quản gia đẩy cổng nhỏ đi ra, dẫn hai huynh muội vào nhà.

Đường gia đúng là một lâm viên xứ Giang Nam tiêu chuẩn, vừa vào cổng đã thấy một tấm bình phong đá núi Thái Sơn to lớn, trên đề tám đại tự “Bác học đốc chí, thiết vấn cận tư1“, trích “Tử Trương” trong sách Luận ngữ. Quản gia dẫn Đường Thận vào hành lang Tây, đi qua nhĩ thất2 phía Tây, qua mấy khúc ngoặt mới đến một khu biệt viện hẻo lánh. Thu xếp cho hai huynh muội xong, quản gia bỏ đi.

[1] Nguyên văn: “Bác học nhi đốc chí, thiết vấn nhi cận tư, nhân tại kỳ trung hỹ.” Dịch nghĩa: Học rộng mà dốc lòng giữ ý chí, hỏi han những điều cần kíp mà suy nghĩ những điều gần gũi, đức nhân ở tại trong đó vậy. (TTBG)

Có người châm trà cho hai anh em, Đường Hoàng nhấp thử, chun mũi: “Eo ơi, nguội ngắt.”

Đường Thận không uống trà, cậu chỉ đặt quà biếu lên bàn, nhắm mắt trầm tư không biết là đang nghĩ gì.

Lại qua một lúc, đình viện ngoài phòng vang lên tiếng bước chân. Đường Thận mở mắt nhìn, một người đàn ông tuổi trung tuần đội mũ nhà Nho, mặc trường bào viên lĩnh tơ tằm màu vàng đi tới. Dáng hình ông ta hơi mập mạp, bước đi ào ào tùy tiện. Vào đến cửa, thấy hai anh em Đường Hoàng, Đường Thận, ông ta khựng lại đôi chút rồi mới đi hẳn vào trong.

Đường cử nhân ngồi vào ghế chủ, người hầu dâng trà ngay. Ông nhấp một hớp, nhìn hai anh em, hỏi: “Từ thôn Triệu gia đến hả?”

Đường Thận lễ độ đáp: “Vâng ạ. Thưa đại bá phụ, cháu là Đường Thận, còn đây là em gái cháu, Đường Hoàng.”

Đường cử nhân nhìn Đường Thận bằng ánh mắt rất kì quặc, dường như chuyện cũ gợn lên trong trí nhớ ông. Ông ta hờ hững bảo: “Hóa ra là con của thứ đệ ta. Sao, tới Cô Tô có việc gì?”

Đường Thận đang định đáp, chợt thấy quản gia vội vã đi vào phòng, thì thầm bên tai Đường cử nhân mấy câu. Đường cử nhân đứng phắt dậy, nói: “Trong nhà xảy ra chút chuyện, ta đi xử lí đã. Các ngươi đợi một lúc. Quản gia, lấy cho chúng nó ít bánh trái.” Ông ta vội vã bỏ đi, không để cho hai anh em kịp nói gì.

Một lát sau, quản gia đã đã mang đồ ngọt lên. Bánh trái khá vừa miệng, không tệ hại như hai chén trà nguội ngắt ban nãy.

Đường Hoàng ăn một hồi, hỏi: “Anh à, cũng lâu rồi, sao Đường cử nhân chưa quay lại?”

“Em nghĩ ông ấy sẽ quay lại thật à?”

“Ể?”

Đường Thận nhìn một bàn trà bánh đìu hiu, đứng lên khỏi ghế: “Em ăn no chưa?”

Đường Hoàng: “Trước lúc ăn cũng không đói.”

“Ừ, thế mình về thôi.”

Trước lúc vào đây Đường Hoàng cứ luôn mồm đòi đi về, nhưng lúc này thấy Đường Thận bảo đi về thật, cô bé lại ngơ ngác: “Ơ em tưởng anh muốn gặp mặt họ hàng? Đường Thận, chúng mình cứ đi về thế, coi như tốn công cả buổi à?”

“Thì mình đã gặp rồi đấy thôi?”

“Thế mà cũng gọi là gặp? Chúng mình đã nói được câu nào với Đường cử nhân đâu?” Cô bé ngập ngừng đôi chút, tuy còn nhỏ tuổi nhưng Đường Hoàng đã rất nhạy cảm: “Mặc dù ông ấy không muốn nói chuyện với chúng mình.”

“Mình đến thăm hỏi đúng phép tắc, thế là được. Người ta đã không muốn tiếp mình, mình cũng biết ý người ta, bao giờ có dịp gặp lại thì tính, mình còn việc quan trọng hơn. Em nghĩ chúng mình đến đây để làm gì? Để thăm hỏi họ hàng thật sao?”

“Nếu không phải để chào hỏi họ hàng thì mình đến làm gì?” Đường Hoàng chạy chậm chậm theo đuôi Đường Thận, đi ra khỏi khu biệt viện.

Hai tay Đường Thận trống trơn, cậu đã để quả biếu ở lại trong phòng. Cậu hờ hững nói: “Tách nhà.”

Chỉ độ một tuần trà, tin hai anh em rời khỏi Đường phủ đã truyền tới nhà chính. Lúc này, Đường cử nhân đang ngồi chễm chệ  xơi cơm chứ chả có công chuyện nào sất. Nghe quản gia báo tin Đường Thận, Đường Hoàng đã đi, Đường cử nhân hừ một tiếng, sai nha hoàn múc canh cho mình.

“Lũ vòi tiền thì cứ tống đi cho rảnh nợ!”

Đường phu nhân đón bát canh nha hoàn dâng lên, đưa cho chồng: “Đường Thận, Đường Hoàng? Là con thứ đệ của ông hả? Không phải chúng nó ở thôn Triệu gia sao? Đến Cô Tô từ bao giờ, sao ông không nói với tôi một tiếng?”

Đường cử nhân húp hết bát canh, bảo: “Nói với bà làm gì? Chỉ là hai đứa ranh nghèo kiết đi vòi tiền bà con. Cha chúng nó lúc còn sống được mẹ tôi đối xử tốt biết bao, chưa từng bạc đãi, kể cả lúc nó bỏ đến thôn Triệu gia, ngày lễ ngày tết mẹ đều sai người tặng quà, thương như con đẻ. Thế mà lúc mẹ qua đời, nó chẳng thèm liếc một cái, đúng là cái đồ ăn cháo đá bát! Cái ngữ ấy thì cũng chỉ đẻ ra một bầy vô ơn thôi. Cháu chắt kiểu này, vừa đến Cô Tô đã đi tìm nhà mình, chẳng đến ăn xin thì gì?”

Đường phu nhân chau mày: “Ông đừng nói thế phải tội các cháu. Việc cha tụi nó làm không liên quan tới chúng nó. Tôi nhớ cháu mình năm nay chắc cũng mới mười hai, mười ba tuổi thôi.” Bà vẫy tay gọi quản gia tới: “Ngươi kể cho ta nghe một lượt xem, hôm nay hai đứa trẻ kia đến nhà mình như thế nào.”

Quản gia bèn kể tỉ mỉ cử chỉ hành động của huynh muội Đường gia.

Đường phu nhân gật gù: “Theo lời ngươi nói, hai đứa nó có mang quà biếu tới? Thế là có lòng đấy.”

Quản gia nói: “Cũng toàn những món rẻ tiền thôi ạ.”

Đường cử nhân sửng sốt: “Hóa ra chúng nó không đòi tiền à?”

Đường phu nhân lườm nguýt chồng, hỏi quản gia: “Ngươi vừa nói, lúc đi, Đường Thận bảo nó còn phải tới bái phỏng một người, vì vậy nên không thể chờ thêm đúng không?”

“Dạ đúng ạ.”

Đường phu nhân suy nghĩ đôi chút, rồi gọi nha hoàn thân tín của mình đến dặn dò: “Con vào kho lấy hai mươi lượng bạc, rồi đuổi theo hai anh em nó, nhất định phải theo kịp. Tìm thấy hai đứa nó rồi thì đừng đánh động vội, cứ bám theo sau xem có thật là chúng nó đi bái phỏng người khác không. Chờ đến lúc hai đứa nó đi về thì con tới nhà chúng, rồi hẵng cho tiền.”

Đường cử nhân giật nảy: “Bà làm cái quái gì thế?”

Đường phu nhân: “Tôi làm sao? Chúng nó là cháu ông, mới có mười hai, mười ba tuổi. Hai đứa trẻ con dắt díu nhau đến phủ Cô Tô, Đường gia chẳng những không chiếu cố mà còn tống cổ ra khỏi nhà. Ông nghĩ xem nếu chuyện này mà đồn ra ngoài thì có nhơ nhuốc cái thanh danh Đường cử nhân của ông không, rồi thiên hạ người ta có phỉ nhổ cả họ Đường nhà ông không?”

“Ờ, ờm…Ấy chẳng phải là do…thái độ của cha chúng nó trước đây à? Phủ Cô Tô này có ai mà không biết?”

“Thế hồi bé chắc ông chưa từng bắt nạt cha chúng bao giờ chắc?”

“Rốt cuộc bà về phe nào hả!?”

Đường phu nhân: “Quyết định vậy nhé, cứ coi như là tiền bác gái cho các cháu ăn quà. Con hãy đi đi.”

Nha hoàn vâng lời đi ngay. Đường cử nhân coi thường ra mặt, Đường phu nhân lại ra chiều đăm chiêu. Bà hỏi: “Hai đứa trẻ vừa tới phủ Cô Tô, lấy đâu là người quen mà đến thăm nhỉ? Người thân của chúng nó ở phủ này, chẳng phải chỉ có mỗi nhà mình ư?”

Đường cử nhân: “Bà quản lắm thế làm gì!”

Đường phu nhân bặm môi, không thèm nói nữa.

Quay lại chuyện hai anh em. Vừa ra khỏi Đường phủ, Đường Hoàng đã bám nhằng nhẵng lấy Đường Thận đòi cậu giải thích.

“Tóm lại chuyện tách nhà là sao, anh nói đi!”

Nghe cô bé nhì nhèo ong cả đầu, Đường Thận bèn dừng bước, nghiêm túc nhìn em gái, chân thành bảo: “Đôi khi anh cũng tò mò lắm, rốt cuộc anh là người cổ đại hay em mới chính là người cổ đại.”

“Hả?”

Đường Thận: “Coi như chưa nói gì nhé.”

Hai huynh muội lại đi, Đường Hoàng lại léo nhéo: “Đường Thận, anh nói cho em biết, tại sao lại phải tách nhà?”

Đường Thận: “Gọi ‘anh’ đê.”

“Anh!”

“Xin anh đê.”

“Anh, em khẩn khoản xin anh, anh là người anh trai tốt nhất thế gian này!”

Đường Thận rợn tóc gáy, đành nói: “Hồi bé cha nói với em về nhà họ Đường thế nào, em còn nhớ không?”

Đường Hoàng ngẫm nghĩ, đáp: “Cha bảo anh cả của cha không có chí lớn, ngu dốt không ai bằng, chẳng hiểu chó ngáp phải ruồi thế nào mà đỗ cử nhân3, ông trời thật bất công. Anh à, em nghĩ cha nói đúng đấy. Em chẳng thấy ông Đường cử nhân đó giống người có học tí teo nào, bụng ổng phình ra như vầy nè.” Cô nhóc khum tay vòng một vòng quanh bụng mô tả.

“Đâu đến nỗi béo như em tả. Đúng, hồi xưa cha nói vậy, nhưng em đã nghe cha nói xấu lão phu nhân lần nào chưa?”

Đường Hoàng nghĩ ngợi: “Chưa.”

“Mà theo tính cha thì…”

Đường Thận nhủ thầm trong lòng: Sáng dậy mở mắt câu đầu tiên là chửi Đường cử nhân nè, buổi trưa ăn cơm lại xỉa xói thêm một câu nữa, buổi tối trước khi đi ngủ cũng phải làm một bài vè nói kháy mới thỏa lòng.

“E hèm, cứ theo tính cha thì nếu không thể nói xấu lão phu nhân chữ nào, chứng tỏ lão phu nhân đối xử với cha rất tốt, cha không có gì để chê bai.”

Đường Hoàng: “Thật vậy sao?”

Đường Thận: “Thật đó. Nhà họ Đường ở phủ Cô Tô cũng có tiếng tăm, đến phủ doãn Cô Tô là Lương đại nho còn biết đến Đường cử nhân cơ mà. Đường gia nổi tiếng như thế, em nghĩ xem liệu cả phủ Cô Tô có biết chuyện cha mình không về túc trực bên lĩnh cữu lão phu nhân không?”

Đường Hoàng vỗ tay: “Đương nhiên là biết!”

“Nói nhẹ thì là bất hiếu, nặng lời thì là bất nhân bất nghĩa. Việc này cha sai rành rành, không có gì để bào chữa. Giờ cha mất rồi, người khác không chỉ trích cha được nữa, vậy thì họ sẽ chỉ trích ai?”

“… Chỉ trích chúng mình?”

Đường Thận cười: “Cây non dễ uốn. Sở dĩ hôm nay chúng mình đến nhà họ Đường là để tỏ thái độ. Nếu Đường gia không muốn hòa giải gút mắc này thì từ nay về sau mình sẽ tách khỏi nhà họ, không dính dáng đến nhau nữa. Nếu không, về sau Đường cử nhân sa cơ lỡ vận, hai anh em mình không giúp người ta sẽ bị gọi là ăn cháo đá bát. Còn chúng mình gặp chuyện không may mà Đường cử nhân không giúp, ông ta sẽ lí luận rằng vì cha chúng mình bất nhân trước, nên ông ta mới bất nghĩa theo. Nói ngược nói xuôi ông ta đều có lý, em bảo có thiệt cho anh em mình không?” Rõ là chó cắn áo rách!

Hai mắt Đường Hoàng long lanh: “Đường Thận, anh thật thông minh!”

“Gọi ‘anh’ cái nào.”

Cô nhóc lập tức cất tiếng ngọt như mía lùi: “Anh!”

(Bản edit chỉ được up tại makyo0117.wordpress.com; hãy theo dõi trên ứng dụng WordPress hoặc vào đúng trang để có trải nghiệm đọc truyện tốt nhất.)

Đi tới hẻm Đồng Đức, sau khi hỏi thăm hai nhà thì Đường Thận nhanh chóng tìm được Lương phủ.

Lương phủ không giống với Đường phủ. Tuy cả hai đều là thế gia vọng tộc ở Cô Tô, nhưng trước cổng Đường phủ chỉ đặt hai pho tượng hình chiếc bình tròn, còn trước cổng Lương phủ là hai con sư tử đá oai phong lẫm liệt. Ở Đại Tống, sư tử đá không phải thứ nhà nào cũng được đặt. Mỗi bên cổng chính Lương phủ có một người lính cầm giáo dài canh gác. Đường Thận bước đến trước cổng, một người lính liền đi xuống bậc thềm nhìn ngó cậu thật kĩ.

Lính gác ở đây không vênh váo như kiêu binh4, cũng không thô thiển tục tằn. Anh lính gác hỏi Đường Thận: “Cậu từ đâu tới? Đây là dinh thự của quan phủ doãn Cô Tô, Lương đại nhân. Cậu có bái thiếp không?”

[4] Kiêu binh là binh sĩ cậy mình có công nên càn rỡ.