Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 44



Mùng bảy tháng tư, toàn bộ hai trăm chín mươi mốt tân khoa tiến sĩ của kì thi Hội thay Nho phục, bước vào hoàng cung lần thứ hai.

Hôm nay, trong điện Tử Thần chật kín đại thần văn võ trong triều. Như buổi triều sớm ngày thường, quan văn đứng bên trái, quan võ đứng bên phải. Hơn hai trăm tiến sĩ đương nhiên không thể nhét tất vào điện Tử Thần. Giờ Dần ba khắc, khi tia nắng đầu tiên ló rạng, Thủ lĩnh Thái giám Quý Phúc đi ra từ điện Tử Thần, hô vang: “Tiến sĩ thi Hội năm Khai Bình thứ hai mươi bảy vào điện Tử Thần diện thánh!”

Dứt lời, hai thái giám trẻ đừng dưới bậc thềm đầu tiên ngoài cửa cung hô theo: “Tiến sĩ thi Hội năm Khai Bình thứ hai mươi bảy vào điện Tử Thần diện thánh!”

Tiếp theo, bốn thái giám khác lại nối đuôi tuyên bố.

Sau ba mươi mốt tiếng hô, lời tuyên triệu đã âm vang khắp cả hoàng cung.

Tiếp đó, Quý Phúc gọi tên mười vị tiến sĩ xuất sắc nhất vào điện. Danh tính ba người đỗ đầu hẵng còn để ngỏ, chờ hoàng đế khâm điểm.

Tên Đường Thận được gọi thứ năm, ám chỉ rằng cậu được các quan đọc quyển xếp hạng năm trong số mười người. Đường Thận cúi đầu, bình tĩnh bước ra khỏi hàng ngũ tiến sĩ, đi cùng chín người kia vào điện Tử Thần.

Trong mười người này, có Diêu Thiện từ lúc chưa thi đã nức tiếng tài giỏi, cũng có Hội nguyên Vương Tiêu, và hai bạn cùng trường Quốc Tử Giám của Đường Thận là Lưu Phóng và Mai Thắng Trạch.

Nhưng lúc này dù có thân đến mấy họ cũng chẳng thể châu đầu rì rầm với nhau. Điện Tử Thần mặt tiền rộng chín gian, bề sâu dài năm gian1, tượng trưng cho ngôi cửu ngũ chí tôn. Ngẩng đầu lên là mái đôi lưu ly hoàng ngọc, trên nóc vẽ tranh màu vàng kim lấp lánh. Chính giữa điện treo một bức hoành, thời tiên đế thì bức hoành đề “Thận chung như thủy2“, còn đến triều này, Hoàng đế Khai Bình Triệu Phụ đã đổi lại từ mười năm trước thành “Thông nhất vạn tất”, lấy từ sách Thôn Trang của Đạo gia, câu “Thông ư nhất nhi vạn sự tất, vô tâm đắc nhi quỷ thần phục3.”

[1] Đơn vị đo đạc nhà cửa thời xưa. [2] Đến cuối vẫn cẩn thận như ban đầu. [3] Khi Đạo bao trùm hết thảy thì mọi sự đều thành, khi tâm trí không bị trói buộc thì quỷ thần cũng phục tùng.

Mười tiến sĩ tập trung đông đủ. Thượng thư bộ Lễ Mạnh Lãng bưng khay lót tơ vàng, trình quyển thi Đình của mười người lên trước Triệu Phụ.

Triệu Phụ chưa xem quyển ngay lập tức mà cười rằng: “Các khanh coi, cứ mỗi ba năm trẫm lại được thấy mười mái đầu đen mới.” Vừa dứt lời, Triệu Phụ bổ sung ngay: “Năm nay trẫm sai rồi, trong số thí sinh này có một người tóc hoa râm. Ngươi tên gì?”

Người này đứng thứ bảy trong số mười người, Đường Thận đã nghe danh từ trước khi thi Hội, chính là Giải Nguyên vùng Sơn Tây.

Được hoàng đế gọi tên, vị tiến sĩ già năm mươi tuổi này cảm động rơi nước mắt, quỳ xuống xưng tên.

Triệu Phụ nói: “Trời thương lấy đức cần cù4.”

Chỉ bốn chữ ngắn ngủi thôi mà khiến vị tiến sĩ già nước mắt đầm đìa.

Triệu Phụ cho phép mười người ngẩng đầu lên, cả mười tiến sĩ liền y lệnh. Đối với một số người trong nhóm này, hôm nay có thể là dịp họ được gần vua nhất trong cả cuộc đời. Đường Thận đứng ngoài cùng ở hàng thứ nhất, lẳng lặng hướng ánh mắt xuống đất, đứng im ru. Cậu nghe thấy Triệu Phụ nói chuyện với bách quan, rồi lại nói riêng với Thượng thư bộ Lễ – Mạnh Lãng.

Hoàng đế như vậy, ai dám chê bai là tầm thường, hồ đồ đây? Dẫu ông ta mê mải tu tiên, tiêu hao quốc khố để tìm kiếm đảo tiên ngoài khơi xa, nhưng đất nước vẫn phồn vinh hưng thịnh không kém gì khi xưa. Bách tính thương thay cho Chung Thái Sinh và các vị đại nho qua đời, nhưng có ai hận thù Hoàng đế đâu?

Triệu Phụ không phải minh quân, nhưng cũng là vị quân chủ biết gìn giữ thành quả của người đi trước. Ông ta sủng tín hạng tiểu nhân (như đám Giám chính Lý Tiêu Nhân của Khâm Thiên Giám chẳng hạn), nhưng không mù quáng tin dùng tiểu nhân. Hôm nay ông ta chỉ nói vài cậu, Đường Thận trộm liếc Mai Thắng Trạch đứng cạnh mình, nét mặt tuy bình thản, nhưng trong lòng cậu thở dài: Anh bạn thân hiển nhiên đã quyết định trở thành bề tôi trung thành nhất của hoàng đế rồi!

Luận về thuật đế vương, Triệu Phụ quả là một cao thủ!

Nói thêm dăm câu, rốt cuộc Triệu Phụ cũng mở bài thi của mười người ra xem. Đây được gọi là “Thiên tử duyệt văn.” Thi Đình chỉ có một quan chủ khảo duy nhất, mười quan đọc quyển cũng chỉ có quyền dâng xếp hạng của mười thí sinh lên cho hoàng đế, nhưng không hề biết sau đó hoàng đế sẽ sửa lại thứ hạng như thế nào.

Mọi người chỉ thấy Triệu Phụ nghiêng mình từ ngai rồng, khom người lấy quyển thi.

Ông ta xem bài cực kì nhanh, rõ ràng chỉ tùy tiện đọc lướt qua, cho tới một quyển thi nọ thì Triệu Phụ chợt dừng lại. Ông ta nhỏ giọng nói gì đó, tiếng cực khẽ, chỉ đủ để Quý Phúc đứng hầu bên cạnh nghe thấy, thậm chí Thượng thư bộ Lễ cũng không biết hoàng đế nói gì.

Quý Phúc lập tức ngẩng đầu, ánh mắt bắn thẳng về phía Đường Thận.

Đường Thận thực ra vẫn lén quan sát hoàng đế như các tiến sĩ khác, khi Quý Phúc nhìn về phía cậu, Đường Thận vội vàng cúi ngay đầu xuống, ánh mắt của hai người hoàn toàn không chạm nhau.

Quý Phúc nhìn gương mặt tuấn tú non nớt của Đường Thận, nghĩ thầm: Không ngờ lần Thiên tử lâm Ung vừa rồi lại hời to cho tên nhóc này!

Vừa rồi Triệu Phụ nói gì thế?

Triệu Phụ nói: “Chỉ e kinh động đến người thiên cung à? Nhưng nhỡ kinh động mất rồi thì phải làm sao?” Bèn thủng thẳng lấy bút son, sửa luôn tên Đường Thận từ hàng đệ ngũ lên đệ tam.

Trong cuộc thi Đình, ba trăm tiến sĩ sẽ được xếp hạng theo ba giáp.

Đệ nhất giáp là “Tiến sĩ cập đệ,” chỉ bao gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Đệ nhị giáp là “Tiến sĩ xuất thân,” số lượng không giới hạn; còn đệ tam giáp là “Đồng tiến sĩ xuất thân.” Quý Phúc phải giật mình là bởi Triệu Phụ đưa thẳng Đường Thận vào đệ nhất giáp.

Người ngoài không hiểu Triệu Phụ, nhưng Quý Phúc biết, tuy vị hoàng đế này nói toàn lời hay ý đẹp, thái độ ân cần thương dân như con, nhưng trên thực tế những năm gần đây, Triệu Phụ chẳng còn hứng thú với khoa cử thi Đình nữa! Hôm nay nói “Trời thương lấy đức cần cù” thế thôi, chứ ngày mai tu tiên là ông quên mặt mũi vị tiến sĩ già “được trời thương” kia ngay.

Bậc vua chúa vốn vô tình, thế mà Triệu Phụ lại nâng Đường Thận lên hẳn một giáp, chứng tỏ ông ta có ấn tượng với Đường Thận. Dù chỉ là một Thám hoa, nhưng tương lai của cậu khéo còn rạng rỡ hơn cả Trạng Nguyên nữa!

Quý Phúc thầm lưu tâm đến cái tên Đường Thận này.

Triệu Phụ duyệt bài thi xong, Thượng thư bộ Lễ nhận các quyển thi lại. Ông mở bài ra thì thấy sửa đổi thứ hạng của Triệu Phụ, đôi mày giật giật, kín đáo nhìn về phía Vương Trăn giữa bách quan triều đình.

Song Vương đại nhân chỉ đang nhìn thẳng xuống đất rất đỗi nghiêm chỉnh, thơ thẩn đếm xem điện Tử Thần có mấy viên gạch lát nền!

Mạnh đại nhân chửi thầm: “Chỉ giỏi làm bộ làm tịch!” Rồi sau đó ông bắt đầu xướng tên đệ nhất giáp của kì thi Đình năm nay.

“Tân khoa Trạng nguyên năm Khai Bình thứ hai mươi bảy, Diêu Thiện – Diêu Vấn Cơ!”

Diêu Thiện vốn được các quan đọc quyển, trong đó có Mạnh Lãng, xếp thứ nhất; anh ta nghe tên mình thì vui mừng khôn xiết, vội vàng tiến tới hành lễ tạ ơn.

“Tân khoa Bảng nhãn, Vương Tiêu – Vương Đại Nhạc!”

Thứ hạng gốc của Vương Tiêu cũng là đệ nhị, anh này cũng tiến lên phía trước.

“Tân khoa Thám hoa, Đường Thận – Đường Cảnh Tắc!”

Đường Thận sửng sốt, ánh mắt cậu đầy ắp ngạc nhiên, song cậu không để lộ ra mặt, điềm tĩnh bước lên phía trước.

Tiếp theo, Thượng thư bộ lễ công bố danh sách giáp đệ nhị, số tiến sĩ còn lại xếp hết vào giáp đệ tam là “Đồng tiến sĩ xuất thân.”

Mạnh Lãng hô vang: “Truyền lô điện ngọc, các tiến sĩ bái Thiên tử, tạ ơn ân sư!”

Đến lúc này, từ mười tiến sĩ trong điện đến hai trăm tiến sĩ ngoài cửa, cùng đại thần văn võ có mặt đều dập đầu bái lạy Triệu Phụ, hoàn thành bước cuối cùng trong đại lễ truyền lư.

Chờ Triệu Phụ đi rồi, ba người Đường Thận ra khỏi cung theo lối chính cổng Tuyên Võ, những người còn lại chỉ được đi ra từ cổng bên.

Lúc ra khỏi hoàng cung, Đường Thận thở phào nhẹ nhõm. Cậu vô thức quay đầu lại, những mong tìm thấy bóng sư huynh giữa dòng quan lại xuất cung. Tiếc rằng Vương Trăn không có trong đó, các quan nhất phẩm, nhị phẩm khác cũng vậy, hẳn là được Triệu Phụ giữ lại rồi.

Đường Thận cũng không rõ tại sao tự dưng cậu lại muốn thấy Vương Trăn nữa. Nhưng cậu chưa kịp suy nghĩ thì đã nghe tiếng reo hò đinh tai nhức óc bên ngoài hoàng cung. Ngay khi bước ra khỏi cổng cung, các tiến sĩ được đón chào bởi vô vàn bách tính đứng chật hai bên lề đường.

E là toàn bộ thiếu nữ kinh thành đều tụ tập cả về đấy.

Thấy Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa bước ra từ cổng chính, dân chúng vây xem, nhất là các thiếu nữ chưa chồng đều căng mắt hết cỡ mà chiêm ngưỡng. Diêu Thiện năm nay ngoài bốn mươi, dáng người đô con rắn rỏi, tướng mạo tục tằng. Các chị em nhác thấy Trạng nguyên lang có tướng tá nhà binh như vậy thì thất vọng vô cùng.

Rồi Vương Tiêu xuất hiện, nhen nhóm hy vọng cho các cô gái.

Có người đứng giữa đám đông nói: “Đây là Bảng nhãn Vương Tiêu, người Kim Lăng, có họ hàng xa với Lang Gia Vương thị! Năm nay ba mươi mốt tuổi, đã có thê thất.”

“Ôi thật đáng tiếc!”

Chị em xuýt xoa chán nản tập hai.

Đến khi Đường Thận bước ra khỏi cổng cung, các cô gái lại háo hức mong đợi.

“Thám hoa lang trẻ tuổi như vậy, chắc chắn là chưa đính hôn đâu!”

“Trẻ như vậy, hẳn là Đường Thám hoa – Đường Thận phủ Cô Tô rồi!”

“Y như lời hát kịch ấy nhỉ, chàng Trạng nguyên đa tài, chàng Thám hoa tuấn tú, ngỡ là ngọc là hoa. Đúng là Thám hoa trong mộng đây mà!”

Nghe câu này xong, Đường Thận: “…”

Ông mới là ngọc là hoa ấy, cả nhà ông là ngọc là hoa thì có5!

[5] Gốc: như hoa như ngọc – vốn là câu khen phụ nữ

Lề lối Đại Tống rất cởi mở, triều đình cũng ngầm cho phép dân chúng tụ tập hai bên đường reo hò chúc tụng khi đệ nhất giáp diễu hành qua phố.

Cộng cả hai kiếp Đường Thận cũng chưa bao giờ được nhiều người săn đón đến vậy. Cậu cưỡi trên chú ngựa cao to, rõ ràng là đi đằng sau Diêu Thiện và Vương Tiêu, nhưng số người dân chen chúc vây xung quanh cậu là đông nhất. 

May mà triều đại này không có truyền thống các cô gái ném hoa quả thay lời ái mộ, chứ không chắc Đường Thận đã ngỏm củ tỏi dưới sự nồng nhiệt của người dân rồi!

Bận rộn suốt cả ngày mới được thả về nhà, Đường Thận thỏa thích ngâm mình trong bồn tắm. Chưa kịp thư giãn thì ngoài cổng nhà đã dồn dập tiếng đập cửa.

Đường Thận bật cười: “Chẳng thà đỗ hạng năm cho đám đông giải tán6!”

Nhưng hả hê xong, Đường Thận cũng ra tiễn hết khách khứa đến tận nhà chúc tụng. Cậu trở lại thư phòng, lấy bảng chữ mẫu Vương Trăn đưa cho.

Đường Thận đặt bảng chữ trên án thư, mài mực, đặt bút viết.

Viết tròn một trang giấy, Đường Thận thở phù một cái, ngồi xuống ghế. Cậu nhắm đôi mắt lại, đầu óc trở nên rất minh mẫn, toàn bộ những chuyện xảy ra từ khi đặt chân tới Thịnh Kinh ùa tới như dòng lũ.

Lúc mới đến Thịnh Kinh, cậu chỉ là một tú tài tầm thường, được Phó Hi Như quan tâm, lại được Vương Tử Phong đích thân dạy dỗ.

Đến Quốc Tử Giám, gặp được mấy người bạn chí cốt, hô một tiếng là có thể tụ tập nâng ly chuyện trò.

Thi Hương đậu Á nguyên, thi Hội lại đỗ đệ nhị. Đến thi Đình, hoàng đế đích thân sửa thứ hạng, đưa cậu hạng năm đệ nhị giáp lên hẳn Thám hoa đệ nhất giáp.

Bỗng nhiên, Đường Thận mở choàng mắt, vội vã lấy Bảng chữ mẫu Pháp Môn của Chung Thái Sinh ra.

Đường Thận nhìn Bảng chữ mẫu Pháp Môn, rồi lại chăm chú nghiên cứu bảng chữ mẫu Vương Trăn đích thân viết cho cậu.

Một hồi lâu, Đường Thận ngẩng mặt nhìn trời, gấp bảng chữ lại, than: “Vương Tử Phong à, hóa ra kết cục này đã được huynh sắp đặt chu toàn ngay từ đầu!”

Lúc mới tới Thịnh Kinh, Vương Trăn cho Đường Thận luyện chữ theo Bảng chữ Pháp Môn chính là vì chữ Chung Thái Sinh đẹp nổi tiếng khắp thiên hạ, cậu học theo không khó, luyện cũng đơn giản. Sau khi thi Hương xong, cách thi Hội chừng nửa năm, Vương Trăn bắt đầu sửa lại bảng chữ mẫu cho Đường Thận.

Khi ấy, Đường Thận đoán Vương Trăn làm thế chỉ vì giúp cậu chuẩn bị cho thời điểm “Thiên tử duyệt văn” trong kì thi Đình, tránh để nét chữ làm phật lòng hoàng đế. Đường Thận đoán cũng không sai, trong mười người xếp đầu kì thi Đình thì có đến bốn người viết thể chữ của Chung Thái Sinh. Cả bốn đều không lọt được vào đệ nhất giáp, Triệu Phụ cũng không có ý kiến gì hết cả.

Nhưng chẳng lẽ chỉ có vậy thôi ư?

“Đến thi Đình không còn luật đổi quyển. Mình có thể xếp hạng năm, hẳn là cũng liên quan đến huynh ấy.”

Huynh trưởng như cha, ân sư như cha.

Vương Tử Phong vừa là sư huynh của mình, vừa là thầy trên thực tế.

Một suy nghĩ nảy lên khiến biểu cảm của Đường Thận trở nên hết sức kì cục: “… Cha?” Nói xong chữ ấy, Đường Thận cũng hết hồn. Dù cậu có bằng lòng nhận ông bố này (thà chết chứ không nhận đâu), khéo Vương Tử Phong cũng chẳng thèm nhận cậu làm con!

“Đã vậy, cớ gì huynh ấy lại tốt với mình thế nhỉ?!”

Đường Thận ôm một bụng thắc mắc, mệt mỏi thiếp đi.

Sau khi yết bảng thi Đình, Đường Thận mất liền mấy ngày lu bu, tham gia đủ các loại tiệc tùng, tiếp đón ti tỉ vị khách đến chúc mừng. Mãi đến ngày thứ bảy sau khi kì thi kết thúc, Phó Vị phái gia nhân tới gọi cậu, dặn tối nay nhất định phải đến Phó phủ để thầy trò ba người có dịp chung vui ăn mừng Đường Thận thi đỗ Thám Hoa.

Đường Thận lập tức từ chối hàng đống lời mời dự tiệc, vội vã đi sang Phó phủ.

Tiểu đồng Ôn Thư đã chờ cậu sẵn ngoài cổng, dẫn Đường Thận đi vào phủ, qua cổng nguyệt môn của khu vườn7, vừa đi vừa liến thoắng: “Đường tiểu công tử mấy hôm nay có mệt không? Xí nhầm, phải gọi là Thám hoa lang chớ! Chín năm trước Vương đại nhân đỗ Trạng nguyên cũng bận y như cậu, tụi tôi hiểu mà.” Tiểu đồng Ôn Thư nháy mắt: “Không đỗ Thám hoa, chẳng ai thèm hỏi. Vừa đỗ Thám hoa, người dưng nước lã cũng ùa tới chúc mừng, rõ phiền!”

Đường Thận than thở: “Chỉ có Ôn Thư đồng tử hiểu ta!”

Ôn Thư đồng tử cười hì hì: “Đường tiểu công tử, mời nhanh chân nào!”

Hai người đi xuyên vào khu vườn, vừa qua một hòn giả sơn thì Đường Thận chợt va phải ai đó. Cả hai cùng lùi lại nửa bước, Đường Thận ngẩng lên liền thấy Vương Trăn đang cúi đầu nhìn mình. Chàng mặc y phục trắng thường nhật, từ đầu đến chân toát lên vẻ quyền quý. Phát hiện người mình đụng phải là Đường Thận, Vương Trăn khẽ nhướng mày, định nói gì đó.

Nào ngờ, Đường Thận vốn trằn trọc suốt mấy ngày đêm vì câu “Huynh trưởng như cha, ân sư như cha”, hôm nay tự dưng thấy Vương Trăn liền buột miệng gọi: “Ba!”

Vương Trăn sửng sốt: “Bãi?”

Đường Thận: “…”

Tức thì, gương mặt “ngỡ là ngọc là hoa” của tân khoa Thám hoa lang đỏ bừng như gấc!