Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 25



Bóng trăng tỏ ngọn thông gò, suối trong trên đá ồ ồ chảy đi

Sao vua nếu chiếu mệnh này, Đích Lô tung vó nguyện vì quân vương. 1

Lão tú tài năm nay đã ngoài năm mươi tuổi, ông đỗ cống sinh từ hơn hai mươi năm trước nên được theo học ở học viện Tử Dương. Chỉ tiếc cứ mỗi kì thi Hương trôi qua là một lần thất bại, song so với đám học trò trong viện, ông là người am hiểu thế cục triều đình hơn cả. Thấy ông lên tiếng, mọi người liền bu lại nghe.

Người tú tài già giảng giải: “La đại học sĩ chính là một trong những tài tử chủ chốt của đảng Tùng Thanh. Khi tiên đế còn tại vị, các thành viên Tùng Thành đảng vẫn nắm quyền trong triều. Tuy về sau thủ lĩnh của Tùng Thanh đảng là Chung đại nho sa cơ thất thế, non nửa đảng bị bắt giam, nhưng thiên hạ ai cũng biết, các thành viên đảng Tùng Thanh đều là hiền thần – dốc lòng vì muôn dân, tạo phúc cho bá tánh! Bởi lẽ đó, dẫu Chung đại nho mưu nghịch phạm thượng, thánh thượng cũng không xử tử ngài mà chỉ giam cầm suốt hai mươi lăm năm. Ngoài Chung đại nho ra, còn có những phần tử không dính dáng đến chuyện soán nghịch nhưng chịu phạt lây, trong đó có La đại học sĩ.”

Một tú tài trẻ tuổi nói: “Tôi chưa từng nghe danh bất cứ ai trong Tùng Thanh đảng hết.”

Người tài già liếc cậu ta: “Cậu mà biết thì mới lạ đó! Chung đại nho bị hạ ngục đã hai mươi lăm năm, đảng Tùng Thanh tan đàn xẻ nghé từ lâu rồi. Các bậc nho sĩ lớn trong đảng, người thì qua đời, người thì rơi rụng. E là cậu chẳng hay, ngay cả phủ doãn phủ Cô Tô của chúng ta, Lương Tụng – Lương đại nhân, trước đây cũng thuộc Tùng Thanh đảng!”

“Hóa ra là vậy!”

Đường Thận trố mắt, trong lòng cũng phải thốt lên: Hóa ra là vậy!

Từ lúc người tú tài già nhắc đến Chung đại nho, ngực Đường Thận đã căng như dây đàn, cậu vẫn ngờ rằng Lương Tụng từng góp mặt trong đảng Tùng Thanh. Quả nhiên, Lương Tụng có dính líu thật. Thậm chí, với địa vị của ông, e rằng còn rất có uy danh trong đảng nữa.

Người tú tài già lại tiếp tục phân tích: “Hiện giờ thánh thượng vẫn khoan dung lắm, chưa xử phạt những người thuộc Tùng Thanh đảng. Những việc khác ta không rõ, nhưng phần lớn thành viên Tùng Thanh đảng thích đọc Xuân Thu, giỏi về Tả truyện. Lương đại nhân của chúng ta chính là người như thế, không biết La đại học sĩ có giống vậy không.

Mọi người lại lái sang chuyện năm sau thi Hương.

Tôn Nhạc nghe người tú tài già nói xong, bèn nhớ kĩ trong lòng: “Xuân Thu à, hay lắm, một năm tới tớ phải nghiền ngẫm Xuân Thu thật kĩ càng, biết đâu trời cho cơ hội, tớ lại đỗ thi Hương!”

Đường Thận tự dưng cười nhạt: “Chắc gì.”

Tôn Nhạc ngẩn ra, bực bội nói: “Đường Thận, sao cậu dám bảo chắc gì tớ đã đỗ?”

Đường Thận chợt bứt ra khỏi dòng suy nghĩ, phát hiện mình vừa lỡ lời khiến Tôn Nhạc hiểu lầm. Cậu vội vàng giải thích: “Không phải tớ bảo cậu chưa chắc đã đỗ, vừa nãy tớ mải suy nghĩ những gì ông tú tài nói nên không nghe thấy cậu bảo gì. Câu “chắc gì” của tớ là phản bác lời ông ấy, không phải nói cậu đâu.”

Tôn Nhạc: “Khác gì nhau chứ! Cậu nghĩ ông ấy nói sai ư? La đại học sĩ lẽ nào không thích Xuân Thu?”

Đường Thận: “Tớ biết sao được, bằng không để mai tớ hỏi Lương tiên sinh hộ cậu?”

Tôn Nhạc mắt sáng bừng: “Đường Thận ơi cậu chính là Kim Đồng tử trời cao phái xuống cứu vớt tớ, trợ giúp tớ thi đỗ cử nhân đó mà!”

Đường Thận cười hì hì, thấy Tôn Nhạc không nói gì nữa, cậu lại chìm vào suy tư.

Người tú tài già nói, thánh thượng khoan dung, không trách cứ các thành viên Tùng Thanh đảng. Điều này chưa chắc đúng! Nếu không có ý khiển trách, tại sao phải giam Chung đại nho suốt hai mươi lăm năm? Cớ gì lại điều Lương Tụng đến phủ Cô Tô làm phủ doãn? Ngay cả La đại học sĩ, nghe danh có vẻ oai đấy, nhưng thực ra chỉ là một học sĩ nhàn tản ở Hàn Lâm viện mà thôi.

Khoan dung ư?

Chắc gì!

Hết buổi học, Đường Thận đi đến Lương phủ, nộp hai bài chế nghệ và thơ thí thiếp đã viết xong hôm nay.

Lương Tụng bình luận xong rồi bảo Đường Thận sửa luôn vài câu tại chỗ. Đường Thận tranh thủ hỏi: “Tiên sinh ơi, con nghe nói năm sau giám khảo kì thi Giang Nam là La Chân – La đại học sĩ.”

Lương Tụng ngẩn người: “Là ông ta ư?”

Đường Thận: “Nghe đồn thế thôi ạ, giám khảo thi Hương năm tới vẫn chưa được công bố chính thức.”

Lương Tụng nói: “Đã hai mươi năm rồi ta chưa liên lạc với La Trường Cát, lâu quá, có khi năm sau lại được gặp nhau ở cống viện Giang Nam chưa biết chừng.” Đoạn ông nói: “Năm sau con thi Hương, thì bây giờ có thể đọc thêm Công Dương truyện.”

Đường Thận liến láu: “La đại học sĩ thích Công Dương truyện ạ?”

Lương Tụng búng nhẹ một cái lên trán cậu, cười mắng: “Lỏi con, biết thừa rồi còn bắt thầy phải nói ra hả? Muốn ăn đòn ư?”

Đường Thận lại chớp mắt giả ngơ.

Cậu đem việc La đại học sĩ thích Công Dương truyện kể cho Tôn Nhạc, chú béo Tôn hoan hỉ tột độ, nhất quyết đòi đãi Đường Thận ăn bát hà cung ở lầu Tế Hà đang nổi như cồn tại Cô Tô. Vừa mời mọc xong, chú ta ngớ người ra, lẩm bẩm: “Tớ bị hâm rồi, lầu Tế Hà chẳng phải do Đường tiểu tam nguyên cậu mở hay sao. Đường Thận cậu gớm ghê quá đấy, mới đến Cô Tô có một năm rưỡi đã trở thành người nổi tiếng rồi, cha mẹ tớ cũng phải nhắc tới cậu.”

Đường Thận: “Thế có đến lầu Tế Hà ăn không nào?”

“Có chứ, sao lại không? Đường tiểu đông gia ơi, cho ăn chùa một bữa đi chứ nhỉ?”

Đường Thận: “Xí, nằm mơ bắt con tưởng bở! Tôn Nhạc à, cậu bao!”

Tôn Nhạc dè bỉu: “Đồ tú tài chỉ biết đến tiền!” Rồi cười toe toét.

Tôn Nhạc đã ghé lầu Tế Hà mấy lần rồi, chú ta cùng Đường Thận đi vào trong tửu lầu, lên thẳng nhã tọa trên tầng hai. Nhân viên tửu lầu thấy Đường Thận thì phục vụ càng nhiệt tình. Tôn Nhạc gọi món khoái khẩu nhất của mình là lẩu cốt gà, cộng với tám suất thịt dê lát mỏng nổi tiếng của lầu Tế Hà nữa. Hai người đánh chén toát mồ hôi, no nê thỏa mãn.

Trước khi ra về, Tôn Nhạc chợt bắt gặp bố cáo dán bên ngoài lầu Tế Hà.

“Ơ, hội thi viết hả? Tuyển chọn, hừm… tuyển chọn truyện sáng tác, yêu cầu làm đúng hướng dẫn. Đường Thận, lầu Tế Hà nhà cậu tính làm gì đây?”

Đường Thận liếc mắt: “Như cậu nói đấy, tuyển chọn truyện.”

Tôn Nhạc đọc kĩ yêu cầu viết bài.

“Hội thi văn Chén Tế Hà, bắt đầu từ ngày mười lăm tháng Chạp sẽ nhận các loại tiểu thuyết truyền kì chí quái*, hạn đến ngày hai tám tháng Chạp. Phàm là người dân Cô Tô đều có thể nộp bài dự thi, yêu cầu độ dài tối đa năm nghìn chữ, nội dung không giới hạn. Người đoạt giải nhất hội thi văn sẽ được nhận một chiếc chén dạ quang chế tạo riêng bởi lầu Tế Hà…”

(*) Chí quái là thể loại truyện kể về thần tiên, ma quỷ

Đọc quy chế thi xong, Tôn Nhạc thở dài: “Cừ thật, cậu định dốc cạn vốn liếng đấy hả Đường Thận? Giờ phát tài rồi nên sinh lòng thiện, hết muốn làm Kim Đồng tử nên đổi sang làm Thiện tài Đồng tử, đỡ đần thư sinh hàn môn phủ Cô Tô à?”

Đường Thận: “Tớ đã bao giờ không phải Thiện tài Đồng tử đâu? Hậu cần Đường thị còn sờ sờ ra đấy, Tôn béo, cậu mở to mắt ra mà nhìn.”

“Điêu, tớ thấy điêu lắm, làm gì có chuyện cậu nghiêm chỉnh làm từ thiện thế.”

“Tớ làm việc thiện thật mà.”

Tôn Nhạc nghĩ mãi mà không thông, Đường Thận chỉ cười khoái chí.

Nửa tháng sau, Tôn Nhạc rốt cuộc đã biết Đường Thận ủ mưu gì.

Hội thi viết của lầu Tế Hà được nhân viên Hậu cần Đường thị tuyên truyền khắp nơi, khiến cả phủ Cô Tô dậy sóng. Hiện giờ tiểu thuyết không phổ biến, nhiều thư sinh viết tiểu thuyết chẳng qua là vì không đỗ đạt công danh nổi, chỉ đành viết văn gửi cho thư cục*, kiếm chút tiền nhuận bút còm cõi sống tạm bợ qua ngày.

(*) Thư cục giống như nhà in/nhà xuất bản

Hội thi viết do Đường Thận tổ chức treo giải nhất là một chén dạ quang quý hiếm, có trị giá một trăm lạng bạc lận!

Thư sinh phủ Cô Tô ai nấy đều sôi sục.

Tiểu thuyết chí quái thôi mà, ai chẳng viết được?

Thế là mọi người đua nhau viết, chỉ có năm ngày ngắn ngủi, kế toán Lâm đã nhận được bảy mươi bản thảo, ông xuýt xoa: “Tiểu đông gia treo thưởng hậu hĩnh quá, nếu không phải già rồi viết không nổi, tôi cũng muốn nộp một bài!”

Đệ tử nhà nghèo dự thi vì phần thưởng, thư sinh nhà giàu đương nhiên cũng tham gia. Nguyên nhân là vì có một cậu ấm tú tài huênh hoang giữa hội thơ nào đó: “Hội thi văn lầu Tế Hà kể cũng thú vị đấy, trước giờ ở Cô Tô chưa ai tổ chức cái này, chỉ tuyển chọn tiểu thuyết chí quái. Có mỗi cái chén dạ quang thôi mà bọn khố rách áo ôm thi nhau viết. Vớ đại một thằng em họ dòng thứ ở lớp học nhà tao, viết mười hôm là được năm bài!”

Một cậu ấm khác nói: “Hừ, cái ngữ thư sinh nghèo rách chúng nó thì có được mấy chữ trong đầu? Nếu không phải chúng ta chẳng đếm xỉa đến một cái chén dạ quang, e là mười hạng đầu trong hội thi bọn ta chiếm hết cả!

Cả lũ cười phá lên.

Có kẻ đề xuất: “Hay là chúng ta thử xem, cho bọn khố rách áo ôm kia biết mặt!”

“Chơi luôn! Nếu tao được cái chén dạ quang đó cũng chẳng thèm đâu, quẳng cho thằng em họ tao chơi là được há há há há.”

Bất luận là vì lí do gì thì sau khi hội thi kết thúc, kế toán Lâm cũng thu được hai trăm năm mươi mốt bài thi. Từ truyện thần thoại yêu ma quỷ quái đến thư sinh kiều nương, thể loại nào cũng có. Đã thế lại còn muôn màu muôn vẻ!

Hội đồng tuyển chọn gồm có Đường Thận, kế toán Lâm, cùng với một số tú tài khác trong Hậu cần Đường thị. Lúc Đường Thận đang lọc bài thì bắt gặp một bản dâm thư, nhất thời ngớ người ra. Đến lúc định thần lại, cậu lén lút rút bài thi đó ra khỏi tập văn, tối đến mới giở ra đọc trong phòng ngủ.

“Tình nồng ánh mắt, siết chặt cái ôm. Đau đau đau...Thỏa thích quyện lấy nhau, quấn quýt không kẽ hở.”

(Trích từ bài thơ của Tống Huy Tông tả cảnh giao hoan. Đoạn trên là hai người ôm nhau chặt quá, cô gái kêu đau. Nàng bảo tình lang hãy nhẹ thôi, rồi hai người đua công thức 1.)

Đường Thận mặt đỏ tía tai. 

Đệt! Dâm thư cổ nhân viết đúng kiểu muốn nói mà cứ ngập ngừng, cớ sao mình lại thấy gợi cảm hơn cả văn hiện đại nhỉ?

Hết năm nay là Đường Thận mười lăm tuổi, thời cổ đại ngần ấy tuổi là lấy vợ được rồi. Cậu đọc dâm thư trước khi đi ngủ, cứ tưởng sẽ nằm mơ cái gì đó nhạy cảm. Ai ngờ suốt đêm chả mộng mị gì, ngủ ngon lành cành đào đến sáng.

Sớm hôm sau thức dậy, Đường Thận nhìn bản dâm thư, thở dài: “Quả nhiên, mình quá chính trực!”

Cậu liền đốt trụi cuốn dâm thư.

Sau khi lọc bài xong, Đường Thận và nhóm kế toán Lâm lựa được ba mươi tác phẩm xuất sắc hơn cả.

Chẳng ai tưởng tượng nổi, bọn họ lại đưa những tác phẩm này đến thư cục Cô Tô, cho đăng lên thư báo hằng ngày!

Thấy tác phẩm của mình lên mặt báo, các thư sinh có bài đều choáng váng, vội vàng đến lầu Tế Hà xem bố cáo.

“Đối với tất cả tác phẩm dự thi, lầu Tế Hà được toàn quyền xử lí.”

Các thư sinh: “…”

Đường tiểu tam nguyên cũng cơ hội quá!

Nếu sống thêm vài nghìn năm nữa, nhất định các thư sinh này có thể dùng một cụm từ thích hợp hơn để mô tả Đường Thận: “Tư bản vạn ác!” Hiện tại thì bọn họ chỉ có thể bó tay thở dài. Tuy vậy, họ nhanh chóng nhận ra Đường Thận không cướp bản thảo của họ nhằm mục đích bán cho thư cục kiếm tiền.

“Cũng phải. Bán bản thảo cho thư báo có được mấy đồng đâu, Đường tiểu tam nguyên bỏ ra hẳn một chiếc chén dạ quang cơ mà.”

Thư báo mỗi ngày đăng mười câu chuyện, sau ba ngày đã đăng hết các bài thi.

Đến ngày thứ tư, thư báo đăng thông báo của hội thi viết. Các thư sinh tham gia dự thi đọc xong đều cười phá lên.

“Hóa ra hội thi viết còn có kiểu này nữa!”

Tất cả dân chúng Cô Tô mua báo ba ngày vừa qua đều là giám khảo cho hội thi viết lần này. Độc giả thích bài nào chỉ cần cắt bài đó ra, rồi cắt phần ghi ngày của ba tờ báo. Dán hai cái đó lại với nhau rồi nộp cho thư cục là coi như bỏ phiếu.

Bách tính Cô Tô đã bao giờ thấy chuyện lạ như vậy. Bọn họ là dân thường, ít học, chỉ những nhà có người hay chữ mới mua báo thôi. Khá nhiều thư sinh không đóng góp bài viết, chỉ nghe đồn có hội thi viết nên mua báo xem thử.

Người khác nộp bài cho mình bình chọn.

Cảm giác hệt như thành giám khảo vậy!

Trước giờ vẫn là người ta chấm điểm, mình là thí sinh. Giờ lại có thể tự làm giám khảo một lần trong đời ư?

Thế là thư báo của mấy hôm vừa qua được tẩu tán một cách chóng vánh. Thư cục Cô Tô nhận vô số phiếu bầu, lầu Tế Hà lại một lần nữa trở thành tâm điểm trà dư tửu hậu của dân chúng Cô Tô, việc buôn bán cũng càng phát đạt.

Một cái chén dạ quang trăm lạng bạc mà mua được cả chiến dịch quảng cáo rùm beng phủ Cô Tô.

Ngay cả Lương Tụng cũng biết vụ này, cười nói: “Lỏi con, hóa ra không muốn đi học là có nguyên nhân cả, mưu mô ghê nhỉ.”

Đường Thận phụng phịu: “Ai bảo con không muốn đi học, mỗi ngày viết ngần ấy bài, tiên sinh còn chê con ghét học!”

Lương Tụng: “Con có giỏi thì nghỉ viết đi?”

“Thầy nói oan cho con, con ấm ức, sao thầy không cho con phản bác?”

“Đường Thận.”

“Tiên sinh.”

“Mời ngài phắn!”

“Phắn ngay ạ!”

Thế là năm thứ hai ở Cô Tô của Đường Thận khép lại với hội thi văn Chén Tế Hà.

Mười lăm tháng Giêng là tết Nguyên Tiêu, phủ Cô Tô đèn hoa giăng kín. Buổi hội chùa, trên dòng sông, nơi nào cũng lung linh ánh hoa đăng. Đường Thận dắt Đường Hoàng đi hội chùa chơi đố đèn. Cô bé đã học chữ được một năm rồi, tuy nói rằng kế toán Lâm chỉ dạy vỡ lòng cho em, nhưng Đường Hoàng học rất nhanh, hôm nay chơi đố đèn, cô bé giải được rất nhiều câu đố.

Chung cuộc hội thi viết Chén Tế Hà, người thắng cuộc bất ngờ lại là một thư sinh nhà nghèo. Anh ta viết một câu chuyện thư sinh và kiều nương kinh điển, trong năm hạng đầu chỉ có mình anh này là con nhà nghèo. Về lí mà nói thì thể loại truyện thư sinh kiều nương* tràn lan khắp nơi, bách tính Cô Tô đọc phát nhàm rồi nên ít người bỏ phiếu cho thể loại này. Nhưng đến Đường Thận cũng không tưởng tượng được, thí sinh này viết truyện về tra nam tiện nữ!

(*) truyện thư sinh kiều nương là kiểu thư sinh nghèo được cô gái xinh đẹp hiền hậu giúp đỡ thi đỗ

Chỉ với năm ngàn chữ, anh này đã mô tả sống động một tên thư sinh đẹp mã nhưng khốn nạn tận cùng và một tiểu thư nhà giàu nhưng hèn mọn hết sức, vừa cẩu huyết vừa ngược quằn ngược quại, ngược đến mức độc giả sung sướng vỗ tay. Cuối cùng, tiểu thuyết này trở thành chú ngựa ô giành nhiều phiếu bầu nhất!

Đường Thận mua một chiếc hoa đăng, đang lấy tiền ra trả thì nghe có người bên cạnh nói: “Thằng thư sinh họ Trương đấy chỉ được cái mã thôi, hồi nó nghèo rớt mùng tơi, nếu không có Lâm Tiểu Tiểu cho nó lộ phí lên kinh dự thi, làm sao mà nó đỗ Trạng Nguyên được? Thế mà nó bội bạc Lâm Tiểu Tiểu ra nông nỗi ấy, đúng là vô nhân tính!”

“Chí phải! Cuối cùng Lâm Tiểu Tiểu bị bệnh nan y, thư sinh họ Trương quỳ bên giường khóc tức tưởi, cái kết này tôi vô cùng tâm đắc!”

Đúng là suốt trăm ngàn năm, khẩu vị của độc giả chẳng hề thay đổi!

“Chuyện thư sinh Trương với Lâm Tiểu Tiểu thế mà cũng gọi là hay. Em chả cảm nhận được tẹo nào.”

Nghe vậy, Đường Thận cúi xuống, ngạc nhiên hỏi Đường Hoàng: “A Hoàng, em đọc truyện đó rồi hả?”

Đường Hoàng bỗng chột dạ, nhưng vẫn đáp cứng: “Bài đăng trên thư báo mà, sao em không được đọc chứ!”

Đường Thận không nói gì, chỉ tủm tỉm nhìn cô bé. Đi ngang qua một sạp bán đèn con thỏ, Đường Thận cẩn thận chọn lựa, lấy một chiếc đèn thỏ tai hồng rất tinh xảo. Cậu trả tiền rồi đưa cho Đường Hoàng. Cô bé tưởng anh trai tặng quà, chiếc đèn con thỏ này là chiếc đẹp nhất trong sạp.

Bất ngờ, Đường Thận nói: “Chén dạ quang chắc là em không đoạt được, còn xa mới tới. Đèn thỏ này coi như giải khuyến khích nè.”

Đường Hoàng sửng sốt, em ngẩng đầu lên, ngơ ngác nhìn Đường Thận.

Hồi lâu sau, cô bé mới nói: “Anh ơi, sao anh biết, em cũng viết bài ạ?”

Đường Thận cười ha ha, búng trán em: “Cái chữ xấu hoắc như gà bới của em, làm sao mà anh không nhận ra được?”

“…”

“Đường Thận!!!”

“… Khóc rồi à?”

“Đâu nhỉ, Đường Hoàng, em khóc à?”

Đường Thận bỗng luống ca luống cuống, cậu ngồi xổm xuống, dỗ dành đủ kiểu, nhưng Đường Hoàng mặc kệ. Đứng cách đó không xa, Diêu Tam và Diêu đại nương đã thấy, hai mẹ con cười: “Chưa lúc nào thấy tiểu đông gia hoảng hốt như vậy, cậu ấy đúng là thương A Hoàng ghê.”

Mười sáu tháng Giêng, học viện Tử Dương mở cửa lại.

Sáng sớm, Đường Thận ngủ dậy nhưng không đến trường luôn, cậu mang quà sang chúc Tết bên Lương phủ.

Hai ngày trước, tiên sinh mới từ Kim Lăng về, Đường Thận không quấy rầy ông. Hôm qua là lễ hoa đăng, tiên sinh lại bận xử lí hết việc nọ đến việc kia trong phủ Cô Tô, Đường Thận cũng không ghé. Hôm nay cậu mới thăm Lương phủ, mang theo một ít tinh dầu, xà phòng thơm, cộng thêm một bộ bút nghiên Đường phu nhân đưa cho, nghe bảo là đem về từ tận Thịnh Kinh. 

Đường Thận vào cổng, quản gia Lương phủ không có đây, chỉ có người gác cổng đã quen mặt cậu, cho cậu vào thẳng.

Lương Tụng vốn là người gốc Cô Tô, lâm viên này không phải quan trạch của phủ doãn Cô Tô mà là nhà cổ của Lương gia ở phủ. Vào cổng rồi đi về hướng bên trái, bước qua một cổng đá Thái Sơn sẽ bắt gặp hồ nước xanh biếc như ngọc. Quanh hồ trồng mười chín gốc sơn trà2, lá sen trong hồ đã héo úa. May sao đêm qua có trận tuyết lớn, tuyết ánh bạc bọc lấy đá hộc trang trí thành hồ, điểm trên cành sơn trà không hoa, khiến người ta có cảm giác như hoa tuyết trổ bông trên cành vậy.

Đường Thận vòng qua hồ nước đến sân trước thư phòng của Lương Tụng, suýt tí nữa thì trượt chân ngã chổng vó. Cậu ngẩng lên vừa đúng lúc quản gia đi từ thư phòng ra. Đường Thận gọi ông một tiếng, quản gia ngạc nhiên lắm, có vẻ ông không ngờ cậu lại đến đây. Thấy hộp quà trên tay Đường Thận, quản gia khom người thưa: “Đường tiểu công tử, đại nhân đang ở trong phòng. Cậu tới bất ngờ quá, để tôi thưa với ngài một tiếng đã.”

Đến thăm mà không báo trước thường bị coi là vô lễ.

Đường Thận gật đầu, quản gia đi vào thông báo, lát sau liền mời Đường Thận vào.

Sương tiền lãnh, tuyết hậu hàn3.

[3] Thấy sương thì lạnh trước, thấy tuyết thì lạnh sau. Sương hiểu là sương muối/sương giá. Sương muối hình thành ở dưới đất nên không khí mặt đất rất lạnh mới hình thành sương. Tuyết hình thành ở trên cao nên nhiệt độ mặt đất tương đối thấp vẫn có tuyết. Khi tuyết tan mới hấp thụ nhiệt, khiến nhiệt độ mặt đất lạnh đi.

Ngoài trời lạnh đến mức hai tay Đường Thận tím tái, bèn đi vào thư phòng. Giữa phòng đặt một lò sưởi chạm rỗng, trong có chậu than chỉ bạc đang cháy dở. Lương Tụng thấy Đường Thận rét run lẩy bẩy thì nở nụ cười, đem lò sưởi tay đang cầm đưa cho cậu, nói: “Hôm nay phải đến trường mà, sao con lại sang đây?”

Đường Thận nhận lò sưởi, Lương Tụng vẫy cậu lại ngồi, cậu ngoan ngoãn ngồi vào ghế trên4.

[4] Ghế thường dành cho chủ nhà.

Lương Tụng rót cho cậu một chén trà: “Uống li trà nóng đi con.”

Đường Thận uống một hớp lớn, ngực ấm sực lên. Tay cậu ôm lò sưởi cũng ấm nóng. Cậu phụng phịu: “Con đến thăm tiên sinh chứ còn gì. Tiên sinh là phủ doãn Cô Tô, giao thừa thì đi Kim Lăng có việc, mãi tận tết Nguyên Tiêu mới về. Về rồi còn bận tổ chức hội chùa hoa đăng. Chẳng nhẽ con không được nhớ tiên sinh ư? Tiên sinh rảnh một cái là con tới liền, thế mà tiên sinh thì chẳng buồn hoan nghênh con.”

Lương Tụng hiền từ nhìn cậu, than thở: “Thằng nhóc này, ta nghe mọi người kể, Đường tiểu đông gia của Trân Bảo Các và Tế Hà lâu oai phong lẫm liệt biết bao. Sao lần nào tới chỗ ta cũng bắt chước trẻ con hờn dỗi thế?”

Đường Thận nghĩ thầm: Vì có thế thì thầy mới chịu con chứ!

Đường Thận: “Con mới có mười lăm tuổi, là trẻ con thứ thiệt còn gì.”

Lương Tụng gật đầu: “Đúng quá, thấm thoắt đã mười lăm, đến tuổi cưới vợ sinh con rồi nhỉ?”

Đường Thận: “…”

“Tiên sinh lại trêu con!”

Lương Tụng cười khà khà.

Cười xong, không hiểu sao ông lại nghiêm mặt: “Mười lăm tuổi, năm nay con phải thi Hương rồi. Thi Hương mà đỗ, đến kì thi Hội năm sau là con phải lên Thịnh Kinh. Mười lăm tuổi, đã là trang quân tử phóng khoáng rồi đấy.”

Đường Thận: “Phóng khoáng thì đúng, quân tử thì… Con làm không nổi đâu.”

“Mời ngài phắn!”

“Ngay và luôn ạ!”

Lương Tụng nói: “Quay lại!”

Đường Thận lại quay về.

Lần này sắc mặt Lương Tụng nghiêm túc hơn nhiều. Đường Thận cũng thẳng lưng, không dám cợt nhả nữa.

Lương Tụng nói: “Con đã mười lăm rồi, những thứ vi sư có thể dạy con chẳng còn nhiều nữa. Trên con đường học vấn, thầy chẳng qua chỉ là khách dẫn đường cho con thôi. Làm thế nào để đào sâu thêm, chung quy vẫn phải dựa sức mình. Nếu con chỉ mong thi đỗ cử nhân thì học đến đây là đủ. Từ ngày hai thầy trò mình gặp nhau ở thôn Triệu gia, cũng đã qua hai mùa xuân – đông rồi nhỉ.”

Đường Thận lấy làm lạ: “Sao tự dưng tiên sinh lại nói chuyện này.”

“Người quân tử không trang trọng thì không có uy, sự học sẽ không vững vàng5. Thầy đặt cho con một cái tên tự nhé?”

[5] Khổng Tử. Lý Minh Tuấn dịch.

“Đặt tự ấy ạ?” Đường Thận sửng sốt.

Đàn ông cổ đại đến lễ đội mũ tuổi hai mươi mới lấy tên tự, sao bỗng dưng tiên sinh lại muốn đặt tự cho cậu?

Lương Tụng nhìn cậu: “Ngạc nhiên lắm sao? Con xưa nay không nghiêm chỉnh tí nào, đặt cho con cái tên tự để con đi học cho giỏi, làm người cho ngay ngắn, biết chưa?”

Đường Thận: “…”

“Con thấy con không làm người ngay ngắn nổi đâu…”

“Lẩm bẩm gì thế?”

Đường Thận: “Đâu! Đâu có ạ!”

Nói đến chuyện đặt tự, Lương Tụng cẩn thận suy nghĩ, bảo: “Tên con là Đường Thận, cẩn ngôn thận hành*, gọi là Cẩn Ngôn có được không?” 

(*) cẩn thận trong lời nói và hành động.

“Đường Cẩn Ngôn?” Đường Thận đọc lên hai lần, “Con thấy ổn.”

Lương Tụng hừ một tiếng: “Có mà gọi bừa cái gì con cũng thấy ổn ý.”

Đường Thận cười hì hì.

Với thể diện và học vấn của Lương Tụng thì lấy đâu ra chuyện chọn bừa tên tự cho cậu. Hơn nữa, nhất định ông sẽ chọn một cái tên hay, cậu có gì mà phải lo lắng.

“Thế gọi là Cảnh Tắc đi.”

Đường Thận ngạc nhiên: “Cảnh Tắc, nghĩa là gì ạ?”

Lương Tụng: “Con trước giờ đã cẩn ngôn thận hành rồi, chẳng mấy khi mắc lỗi, riêng điểm này vi sư chưa phải lo bao giờ cả. Về hai chữ Cảnh Tắc… Con tự suy ngẫm nhé.”

Đường Thận lại dỗi: “Đời thuở nhà ai, đặt tự mà không giải thích ý nghĩa, sao người lại làm vậy hả tiên sinh?”

“Bản thân học vấn không tinh, nghe không hiểu, còn đổ tại thầy?”

“Tiên sinh lại bắt nạt con rồi!”

Lương Tụng cười mắng: “Mời ngài phắn!”

Đường Thận hứ một tiếng, quay lưng bỏ đi, cậu quả thực là muốn đến học viện.

Đi tới cửa phòng, Lương Tụng hỏi: “Được rồi, hôm nay ai đứng lớp ở học viện Tử Dương thế?”

Đường Thận ngoái đầu lại đáp: “Hình như là thầy Tiền – Tiền Tư Niên ạ.”

Lương Tụng: “Thầy Tiền chuyên về Xuân Thu, con nhớ chú ý lắng nghe nhé.”

Đường Thận: “Cả phủ Cô Tô, rành Xuân Thu nhất chẳng phải tiên sinh nhà con sao?”

Lương Tụng cười: “Trùm nịnh bợ!”

Đường Thận cười ha hả, nghĩ thầm: Chẳng phải thầy cũng thích con nịnh lắm còn gì?

Ở Lương phủ được uống một chén trà nóng, ôm lò sưởi, Đường Thận không thấy lạnh nữa. Dọc đường cậu cứ nghĩ miên man: “Cảnh Tắc rốt cuộc có ý nghĩa gì nhỉ? Tiên sinh không tùy tiện đặt tự cho mình đâu, thầy đặt tên vậy, hẳn là có nguyên do. Cảnh Tắc, Cảnh Tắc… là ý gì nhỉ?”

Tới học viện Tử Dương, Tôn Nhạc đang cầm cuốn Công Dương truyện, tụng tới tụng lui cho thuộc.

Đường Thận ngồi xuống bên cạnh chú ta: “Người ta nói nước đến trôn mới nhảy, Tôn béo ơi, sao cậu nhảy sớm thế, còn những tám tháng nữa cơ mà!”

Tôn Nhạc giận dữ: “Tớ làm sao mà bắt chước cậu được hả Đường tiểu tam nguyên? Nếu năm sau tớ muốn đỗ cử nhân, phải nỗ lực hết sức. Khó khăn lắm mới biết trước chủ khảo là ai, đương nhiên phải hốt thuốc đúng bệnh rồi. Tám chín phần mười là đề mục của La đại học sĩ lấy từ Công Dương truyện.”

“Tôn Nhạc, sao cậu vẫn còn nhắc đến La đại học sĩ hả?”

Đường Thận và Tôn Nhạc cùng ngẩng lên, người vừa nói là một tú tài nhà thư hương. Cậu ta ngoái đầu lại, uể oải: “Năm ngoái chúng ta đều nói, chủ khảo thi Hương năm nay là La đại học sĩ. Không phải tin giả đâu, đúng ra là ông ấy đấy. Nhưng giờ cậu đọc Công Dương truyện cũng vô ích thôi Tôn Nhạc, La đại học sĩ chẳng thể làm quan chủ khảo cho chúng mình nữa rồi.”

Tôn Nhạc: “Hả? Sao lại không thể? Cậu vừa bảo là ông ấy, xong lại nói không phải ông ấy, tóm lại là sao?”

Tú tài kia nói: “Cậu còn không biết ư? La đại học sĩ tự vẫn hôm qua rồi! Nghe nói ông ấy tự vẫn* trong thư phòng từ lúc hửng sáng, đến giờ Mẹo mọi người mới phát hiện.”

(*) tự sát bằng cách cắt cổ

Tôn Nhạc trợn mắt: “Không thể nào!”

Đường Thận: “Tự vẫn? Tại sao La đại học sĩ lại tự vẫn?”

Tú tài kia thở dài: “Còn vì sao nữa? Đêm khuya hôm trước, nghe nói, Chung đại nho mất trong tù! La đại học sĩ là học trò của Chung đại nho, cũng là một trong những người ủng hộ trung thành nhất. Nhưng chẳng ai ngờ ông ấy lại quyên sinh theo.”

Tôn Nhạc vứt toẹt cuốn Công Dương truyện lên bàn, tức tối nói: “Tớ đọc Công Dương truyện suốt hai tháng đến mức thuộc lòng rồi. Giờ thì hay chưa, đổ sông đổ bể hết! Hầy Đường Thận, cậu thấy tớ có khổ không cơ chứ! Kìa? Đường Thận, cậu làm sao thế, sao không nói gì cả? Đường Thận? Ôi trời ơi, Đường Thận!”

Thầy giáo Tiền vừa bước chân vào học đường thì Đường Thận cũng xông ra khỏi phòng học, xô cả vào ông ta làm sách vở rơi đầy đất.

Thầy giáo Tiền mặt nặng mày nhẹ: “Đó là Đường Thận phải không? Sao, ghét học quá nên trốn ngay trước mặt lão phu hử?”

Tôn Nhạc cũng không biết Đường Thận bị làm sao, chỉ đành nói đỡ cho bạn: “Nhà cậu ấy có việc đột xuất ạ.”

Thầy giáo Tiền hậm hực, hừ một cái, bắt đầu giảng bài.

Gió rét lạnh thấu xương, Đường Thận mặc áo bông dày mấy lớp, chạy như bay. Cậu mải miết chạy ra khỏi học viện Tử Dương, chạy về hướng Đông, chạy theo vết chân chính mình để lại từ buổi sáng, chạy tuốt về tận Lương phủ. Người gác cổng nói để anh ta gọi quản gia ra, nhưng Đường Thận nhìn anh ta chằm chằm, không nói không rằng xô anh sang một bên, xộc thẳng vào phủ.

Người gác cổng không hiểu ra làm sao, vội vã đi gọi quản gia.

Qua cổng đá Thái Sơn, dọc theo hành lang đình nghỉ bao quanh hồ tuyết, đi thêm mười bước, đến khoảnh sân trước thư phòng. Cánh cửa thư phòng đóng kín mít, Đường Thận toan bước tới, quản gia đã hớt hải chạy lại: “Đường tiểu công tử, có chuyện gì thế?”

Đường Thận không trả lời ông, cậu cắm đầu lao thẳng đến trước thư phòng, dồn sức đẩy tung hai cánh cửa.

Vầng mặt trời ló rạng sau trận tuyết, tuyết trắng hắt ánh nắng vàng ươm vào trong căn phòng. Trong thư phòng không một ngọn đèn, lại sáng trưng vì ánh tuyết phản chiếu. Trên xà nhà vắt một dải lĩnh trắng dài ba xích; trong chậu than, than chỉ bạc cháy âm ỉ; trên mặt bàn, bút nghiên Đường Thận mang đến nằm lặng lẽ. Hôm nay Lương Tụng mặc một bộ áo dài với ống tay rộng, tay áo buông thõng, nhè nhẹ đung đưa, phủ lên nghiên mực Huy Châu Đường Thận tặng.

Quản gia phách lạc hồn xiêu, ngã dúi dụi trong lúc lao ra cửa: “Người đâu tới đây mau, người đâu!”

Đường Thận vuốt ve cánh cửa thư phòng chạm hoa lá, ngẩng đầu nhìn Lương Tụng. Bất giác, cậu bủn rủn chân tay, ngã quỵ lên nền đất.

Trong chậu than, một cục than chỉ bạc đã cháy rụi. Lách tách… tiếng nứt vang lên trong thư phòng trống trải, rõ đến lạ thường.

Tuyết đã ngừng rơi, nhưng người càng buốt lạnh.