Phù Dung Trì

Quyển 12 - Chương 3: Nghỉ đông



Cỗ xe ngựa dừng lại trước cửa cung, nhìn vào khung bánh xe bám đầy bùn và bốn con ngựa mệt mỏi cũng đủ hiểu nó đã vượt qua bao nhiêu dặm đường. Viên lính gác không biết thân phận người ngồi trong xe, đây không phải quan nhân thì chắc là hoàng thân quốc thích. Vào lúc mặt trời giữa trưa thế này, triều thần đến chầu đã lục đục kéo về từ lâu, mà cỗ xe kia lại không gắn lông vũ, vì thế chắc chắn không phải vị đại nhân nào đó tiến cung.

Chế độ quan phục ở Khương La rất chuẩn mực, văn và võ bất đồng, thứ hạng cao thấp không giống. Ngay cả xe ngựa họ đi cũng đính lông vũ để nhận biết địa vị. Nhất phẩm lông trắng, nhị phẩm lông hồng, tam phẩm lông đen, tứ phẩm lông tím,... Cứ như vậy, trừ hai màu vàng đỏ thì bảy sắc cầu vòng cũng xài hết. Hoàng cung đại môn có tất cả bốn cửa. Cửa Đông chỉ mở khi vua ra vào, mở khi có đại lễ quan trọng. Cửa Tây dành cho thân vương và thần tử, có cánh lớn cánh nhỏ không thể đi tùy tiện. Cửa Nam quanh năm đóng chặt, thông với hậu cung, trừ trường hợp Hoàng hậu xuất hành hay phi tử địa vị cao về thăm nhà thì không bao giờ động đậy. Cửa Bắc mở thường xuyên nhất, tương đối dễ ra vào, thường thấy các cung nữ và mama quản sự đi ra mua sắm đồ đạc. Cứ độ giờ Sửu hàng ngày khi mặt trời chưa lên, các xe hàng chở rau củ thịt cá sẽ đi qua cửa Bắc, thực phẩm phải tươi ngon và bảo quản trong ngày để chuẩn bị ngự thiện. Vì vậy trừ canh giờ Sửu có một tổ thái y và thị vệ kiểm tra hàng hóa nhập cung rất nghiêm ngặt thì những giờ khác cửa Bắc dễ ra vào, chỉ cần có lệnh bài hoặc khẩu dụ là được.

Hoàng đế ở xa xôi thâm sâu phía trong tòa đình đài nguy nga, có nhiều việc nhỏ nhặt hắn không quan tâm nhưng vẫn xảy ra thường ngày. Công việc của các phòng phường viện và phủ nội vụ đã thành quy chế, muốn thêm một người hay bớt một người là chuyện không dễ dàng. Sau khi Thái Minh đế lên ngôi, ngài có xem xét sửa đổi một số điều lệ ở Bắc cung, cắt giảm gần một nửa số lượng cung nhân so với thời Sùng Nghi. Tuy vậy, hiện tại phòng bếp là hai trăm, ti thải phường là một trăm, nô tài lo việc quét dọn đã có tới năm trăm, người phân bố cho các cung hơn ba trăm cả thảy, thị vệ thường trực chừng năm nghìn người và cả Ngự lâm quân chỉ lo bảo vệ hoàng thượng cũng có tới ba nghìn thâm niên và một nghìn đào tạo... Đó là chưa kể các quản sự và mama cấp cao, các quản lý viên và tổng quản, người ở phòng lễ lo chuyện cúng bái thờ phụng, người ở phòng tài vụ lo ghi chép quốc khố, sổ sách chi tiêu, người Kính sự phòng lo việc thị tẩm và con cháu hoàng gia, người ở Tàng Thư Các lo bảo quản kinh thư, phòng Giám sử lo biên soạn sử sách, Thái y viện lo về y tế và bệnh dịch,... Kể hết nửa ngày phải ra tới mấy nghìn đến một vạn! Một hoàng cung muốn vận hành không hề đơn giản, huống chi là một quốc gia rộng lớn như Khương La...

Trở lại giữa trưa ngày hôm ấy, những tên lính gác cổng mới điều đến không có nhiều kinh nghiệm lắm, đã tới giờ đổi ca mà lại có một cỗ xe chuẩn bị nhập cung. Bọn họ đúng trình tự kiểm tra hộ tịch và lệnh bài. Chiếc xe buông rèm kín mít, được kéo bởi bốn con ngựa Ô Tuyết. Có ai đó hỏi thầm người bên cạnh: “Đây là ngựa Ô Tuyết thật sao? Ai lại lấy ngựa quý thế này đi kéo xe nhỉ?” Đã thế còn là bốn con cao to lông trắng mượt. Nghe nói một con Ô Tuyết giá bằng một tòa trạch viện, Tân khoa trạng nguyên năm nay được bệ hạ ban thưởng mà không dám tùy tiện cưỡi ra phố.

Ngoài bốn con ngựa quý còn có một toán người áo đen bảo vệ quanh xe, nhìn bộ dạng mờ ám đáng ngờ, đây là thích khách hay thổ phỉ vậy? Đám “người đen” kia không nói một lời, mắt sắc như chim ưng đảo qua đảo lại, chỉ có tiểu a hoàn hầu trước xe là có vẻ bình thường, nước da ngăm ngăm, nhanh nhẹn tháo vát. Nàng ra nhảy xuống chào hỏi, mở túi vải bên hông tìm hộ tịch và lệnh bài. Lúc này đột nhiên có tiếng bước chân dồn dập từ trong cung chạy ra. Đi đầu là Ninh công công quan phục Tứ phẩm, ôm cây phất trần thở lấy thở để. Ninh công công là ai? Chính là người thân cận nhất với hoàng thượng, hầu hạ từng miếng ăn giấc ngủ đó! Đội trưởng đội lính gác than thầm trong lòng, toi rồi, mình đắc tội với đại nhân vật nào rồi?

Lão Ninh ra hiệu cho thị vệ và xa liễn phía sau dừng lại, dùng tư thế khom lưng lễ phép nói với người trong xe ngựa:

- Nô tài Tiểu Ninh Tử tham kiến Minh Châu quận chúa, Quận chúa vạn phúc kim an!

Minh Châu...

Quận chúa?

Ninh công công tự xưng Tiểu Ninh Tử, cũng chỉ có vài người mới dám gọi hắn như vậy thôi. Thị vệ biết rõ người họ đến nghênh đón, rất quy củ quỳ xuống. Lính gác cổng Tây biết mình động vào thân tộc hoàng gia, đương nhiên không có gan đòi khám xe hay kiểm tra hộ tịch nữa. Trong lúc mọi người đồng loạt cúi đầu, Tư Tư bé nhỏ được A May đỡ ra ngoài, chưa ai kịp nhìn thấy dung mạo thì nàng đã chui vào xa liễn mới đưa tới, trừ góc váy màu cánh sen xinh xắn thì chỉ có mái tóc đen dài, là một cô bé mũm mĩm dễ thương đây mà!

Xa liễn đi vào nội cung, đoạn đường không quá dài nhưng chắc chắn đủ để cả cung điện biết về sự trở lại của nàng. Những tên thái giám núp ở bụi cây nhìn ra, nhanh chân quay về báo cho chủ tử của họ. Triệu hoàng hậu ngừng lại động tác ăn bánh quế, suy nghĩ một lát rồi sai người chuẩn bị lễ vật, đợi vài ngày sau sẽ đến thăm em họ chồng, thuận tiện dặn dò đám người ở Phượng Nghi cung mấy tháng này ít ra ngoài một chút. Thẩm chiêu hoa – Thẩm Tuệ Nhã biết tin thì giật bắn cả người, vội vội vàng vàng đóng cửa Từ Lan Hiên, tung tin bị cảm lạnh phải ở nhà tĩnh dưỡng. Đức phi không tỉnh táo thì không nói, Hiền phi và ba tần bốn cơ khác quan sát thái độ của Hoàng hậu, cũng bắt chước căn dặn đám người hầu.

Ở trong thành có vài vị đại nhân nghe tin về quận chúa sớm nhất. Ngô Thái học sĩ ôm vợ thở phào một hơi, sắp tới tinh thần bệ hạ sẽ cực tốt, có nên xin nghỉ phép nửa tháng, đưa thê tử ra ngoài du ngoạn không? Đô Thái úy – Đô Thư Doanh khẽ chau mày, cái tên Ngô Hà Huy đó thế nào cũng tính chuyện trục lợi, gần cuối năm việc ở Hàn Lâm Viện rất nhiều, hắn không muốn tự mình ôm đồm hết đâu! Phải đi trước một bước, lợi dụng lúc bệ hạ vui vẻ mà thoát thân cái đã! Ở lâu với người nào đó, Thư Doanh ông cụ non nghiêm túc nhà ta cũng học đòi chơi xỏ lá rồi! Tịch Tề vừa làm nhiệm vụ trở về, nghe tin Tư Tư hồi kinh thì vui vẻ phấn khởi đi tắm gội, chuẩn bị nhiều đồ chơi lạ tới thăm con bé, hai anh em cũng nhiều tháng không thấy mặt rồi!

Minh Châu quận chúa xuất hiện ở Đế Đô gây ra nhiều ảnh hưởng ngấm ngầm, có tốt cũng có xấu nhưng mà triều thần là người hưởng lợi nhất, bởi vì hoàng thượng rất hay cười, không nghiêm phạt, đôi lúc đùa giỡn cũng không mắc tội. Mùa đông ở trong kinh thật là đẹp!

- Điện hạ, chậm một chút...

- Ối ối cái lưng của tôi, quận chúa chờ nô tài với...

- Quận chúa! Coi chừng bậc thang kìa!

- Á á... Ngã rồi, ngã rồi...

Hiếm khi thấy Ninh công công thê thảm như vậy, vừa chạy thục mạng vừa hét như lợn cắt tiết. Hắn chưa già nhưng bị ngược đãi thế này không sớm cũng “rụng”. Phía trước là một cây nấm nhỏ màu hồng hồng. Mới vừa rồi yểu xìu mệt mỏi nằm trong xe, bây giờ đã tưng bừng như con sóc, đôi chân ngắn chạy rất nhanh lên bốn mươi hai bậc thang dẫn vào Dụ Kiến cung. Lính gác nén cười đẩy cánh cửa son vàng, con bé chạy vụt qua như cây đuốc nhấp nháy.

- Anh họ, anh họ! Tư Tư về rồi, anh ơi...

Ca Dương dĩ nhiên biết nàng trở lại, vốn muốn ra cửa đón nhưng bận tiếp vài lão thần, giờ mới thư thả chút ít. Bước chân hắn tăng nhịp, gương mặt thường lạnh đã hấp hé gió xuân. Ở khúc rẽ trên hành lang nội viện, Ca Dương bắt được cô bé của ngài. Tư Tư không biết vì sao đột nhiên thân thể bay vụt lên, chân không chạm đất. Nàng mở to mắt, phát hiện rất gần phía trước có một khuôn mặt quen thuộc. Ngọc Tu Loan trước ngực run lên mấy cái, nó cũng vui mừng khi gặp lại chủ cổ* của mình.

*Chủ cổ: Trong cổ độc, người dẫn cổ, người cho máu.

- Ái chà, xem ai thế này? Nặng lên không ít nhỉ?

Ca Dương nâng cô bé bằng hai bàn tay, giống như xách con gà. Tư Tư vẫn đung đưa đôi chân, tưởng là mình vẫn chạy.

- Anh! Anh! Muội là Tư Tư nè!

- Tư Tư là ai? Sao trẫm không nhớ nhỉ?

Ca Dương chơi xấu trêu ghẹo con bé. Tiểu quận chúa mặt thẹn đỏ bừng, cố gắng giải thích:

- Tư Tư là muội mà, là em họ của anh mà... Năm ngoái anh còn hứa sẽ đưa em đi Thần Sơn xem hươu sao đó! Anh ơi...

Ca Dương thấy lòng mềm nhũn, thu khuỷu tay ôm con bé vào lòng, cúi đầu cười cười:

- Gọi lại lần nữa.

Quận chúa nhà ta nhe mấy cây răng sữa trắng muốt.

- Anh! Anh ơi...

Tiếng “anh” giống như viên kem, gặp mặt trời thì tan chảy một hương vị ngọt mát. Không cầm lòng được, hắn hôn lên mái tóc tơ mềm, Tư Tư “đáp lễ” rất thịnh tình. Nô tài cung nữ phía sau đồng loạt cúi đầu, họ ước gì mắt mù tai điếc để không nghĩ bậy bạ. Hai “cha con” lâu ngày mới gặp, hoàn toàn quên mất địa điểm và khán giả, phải tới lúc Ninh công công ho khan lần thứ mười bốn mới miễn cưỡng bình tĩnh lại.

Ca Dương đem Tư Tư về cung của mình, dọc đường hỏi thăm sức khỏe Hòa An vương, biết được tiểu tử Niệm Nhất kia vừa có thêm em trai, suốt ngày chơi với em bỏ mặc cô cô nó. Tư Tư ai oán vì có người “tranh sủng” với mình khiến Ca Dương hết cười lại cười.

- Nếu không ai chơi với muội thì ở đây với trẫm luôn đi! Anh họ mỗi ngày sẽ chơi với muội...

Tư Tư mặc dù ham chơi nhưng mà không phải con nhóc dễ dụ, nó đảo tròn đôi mắt to như hạt nhãn, khó xử đáp:

- Không được đâu, phụ vương xa muội quá lâu sẽ rất nhớ, ca ca tẩu tẩu cũng nhớ...

- Vậy còn ta? Còn ta nhớ muội thì làm sao giờ?

Tư Tư bị đưa một đề bài khó, đầu nhỏ nghiêng nghiêng suy nghĩ:

- Hay là... Anh họ cũng về ở với muội đi. Phụ vương nói sau này không muốn gả muội đi xa cho nên có thể ở rể...

Tiểu Ninh Tử bị vấp ống quần, mấy cung nữ giẫm nhầm tà váy, một đoàn loạng choạng phía sau. Ca Dương ngừng bước chân, ngỡ ngàng ôm cô bé của hắn, biết là lời trẻ con không có ý tứ gì nhưng mà...

- E hèm... Trẫm... Ta... Muội biết đó, nghề nghiệp của anh họ hơi đặc biệt, ở rể... E là không được... Ấy không đúng! Anh là anh họ, muội không gả cho anh họ được đâu... Nói vậy cũng không phải, thật ra xưa nay quận chúa gả vào hậu cung rất nhiều, đó là tiền lệ để kiềm chế thân vương! Giống như Cao quý phi năm xưa là con gái của Cao Quận vương, tổ hoàng lấy bà ấy cũng đâu ai nói gì... Ý trẫm là, gả vào cung không phải là không thể nhưng mà ở rể thì không được... Uhm, chính là như vậy!

Ca Dương nhíu mày thật sâu, hình như có gì đó không đúng... Ôi đau đầu quá... Rốt cuộc hắn vừa nói cái gì vậy? Tiểu Ninh Tử phía sau lau mồ hôi lã chã, mắt hung ác nhìn đám cung nhân. Các người không nghe thấy gì hết biết không? Muốn sống thì giữ lấy mồm đó!

Mỗi năm hồi kinh Tư Tư luôn ở lại Đông viện rất gần Dụ Kiến cung, xét về địa lý chỗ này không thuộc cung nào cả mà nằm ở khu vực đại nội nghiêm cẩn, giống như phòng nhỏ trong thâm cung hoàng thượng ở. Trước kia viện này không có tên, sau đó Ca Dương đặt là Tương Đông Hiên. Tương Đông Hiên có một mama chưởng quản, ba nô tài sai vặt, hai cung nữ, ngoài ra cung nhân ở Dụ Kiến cung đều có trách nhiệm nghe sai bảo, tùy ý điều động. May là hiện tại quận chúa mới chín tuổi, là một đứa trẻ cho nên việc sắp xếp này không gây ra thị phi khó nghe. Hoàng hậu nương nương lúc nào cũng cười bảo Tư Tư là em họ, tình cảm gắn bó, ở gần như vậy là bình thường. Nếu cả hoàng hậu cũng không để ý thì triều thần sẽ không dâng sớ bậy bạ... Chờ đến lúc quận chúa tròn mười bốn làm lễ chải đầu rồi nói cũng không muộn.

Mùa đông ở Đế Đô không khắc nghiệt như Hà Khổ, cũng không hanh khô như Sa Đà, có tuyết rơi lất phất và cái lạnh dịu nhẹ, ban ngày vẫn có ánh nắng vào giữa trưa, mặt đất chưa kịp đóng băng thì đã tan ra ướt sũng. Con gái cưng đi nghỉ đông ở kinh thành, Hòa An vương không mấy hài lòng nhưng nghĩ tới lúc vương phi sinh khó qua đời, Tư nhi bé như con mèo, nhẹ cân và ốm yếu, ngài đành cắn răng để con gái đi xa vài tháng. Mùa đông ở Sa Đà rét lạnh, lá cây động sương muối, không khí quá khô nên tuyết cũng chẳng rơi nổi. Mấy nàng dâu của Hòa An vương là khổ nhất, bởi vì mùa này da dẻ dễ nứt nẻ chảy máu, dù có bôi rất nhiều tinh dầu vẫn không trị dứt được. Tư Tư sức đề kháng vốn kém, mỗi đông là ngã bệnh, lèo nhèo cho tới đầu xuân mới khỏi. Để nàng lên kinh tránh rét là một ý hay, ít nhất vài năm nay con bé khỏe mạnh hơn hẳn, béo tròn hồng hào, vừa nhìn là muốn nựng nịu. Chu Lạc Trinh bỏ qua thành kiến, công nhận rằng hoàng thượng chăm sóc Tư Tư rất tốt, nuôi như nuôi heo, mỗi lần trở về là mập hơn, tay chân tròn ra, hai mắt lúng liếng. Ba tháng nghỉ đông là thời gian vỗ béo, Ca Dương sai ngự thiện phòng làm đủ món ngon vật lạ, Tư Tư ăn thỏa thích và tích trữ mỡ thừa để vượt qua xuân hạ thu. Đến cuối thu ốm lại thì hồi kinh ăn tiếp! Niệm Nhất trợn mắt hâm mộ: “Cô cô, ăn nhiều nhiều rồi về chia cho cháu ít thịt với... Nhất Nhất bị thiếu cân đó!”

Khi Ca Dương nghe được chuyện này hắn đã đích thân viết thư gửi về Sa Đà: “Thịt của cô cô là của trẫm, cháu muốn thịt tự lên đây ăn!” Thế tử Chu Lạc Thán Khúc đọc đi đọc lại, rõ ràng bút tích của bệ hạ nhưng mà lời lẽ không giống... “Thịt” ở đây là nghĩa đen hay nghĩa bóng? *gió thổi hiu hiu*

Ngự thiện hôm đó làm món Cá Vực sốt chanh, một con cá nặng mười ký lô, mình to hơn con chó, ngư dân sáng nay mới vừa đánh được. Cá vực ta nằm trên đĩa bạc, đầu cài hoa ớt, vảy bóng giòn. Tư Tư ngồi ngay ngắn trên ghế, tay thủ sẵn đôi đũa, “nhãn đấu” với con cá. Mười ký cá... Mười ký thịt... Ăn một bữa có hết không nhỉ? Bạn nhỏ dũng cảm cầm đũa xỉa xuống, thành công kéo ra một khối thịt thơm phức, bỏ vào bát. Hoàng thượng ngồi đối diện, âm thầm quan sát con bé chiến đấu với cá Vực. Phải nói rằng tốc độ nhai không theo kịp tốc độ gắp, cho nên cá trong bát ngày càng nhiều, không thấy cơm trắng ở đâu nữa...

- Tư Tư thích cá hơn thịt phải không? – Ca Dương biết mà còn hỏi.

- Vâng, ở nhà không có sông hồ nên hiếm có cá tươi, cá ướp lạnh ăn không ngon gì cả!

Trước kia thậm chí con bé chỉ được ăn một bữa cá mỗi tháng, về sau hoàng thượng quản cả khẩu phần của phủ Hòa An, cách ngày sẽ có cá ướp băng vận chuyển xa xôi đến. Tuy vậy cá đã chết một thời gian, không thể tươi ngon như lúc mới bắt.

- Vả lại, nhị ca nói rằng muội không biết bơi, nếu ăn nhiều cá sẽ bơi được!

- Vĩnh Lạc? Haha, hắn nói thế thật sao?

Chu Lạc Vĩnh Lạc là nhị thiếu gia, Ca Dương chỉ gặp một lần khi Tư Tư mới sinh. Nghe Hà Huy bảo nhị công tử rất yêu em gái, mặc dù cả nhà họ đều yêu em gái nhưng mà tình yêu của nhị công tử rất đặc biệt, vượt qua quan niệm thẩm mỹ thông thường. Haizzz... Trình độ ngữ văn của Thái học sĩ cao thâm thật... Vĩnh Lạc lớn tuổi hơn hoàng thượng, đã cưới vợ nhiều năm nhưng không có con, hàng ngày lo chút chuyện thuế má nên rất nhàn rỗi, thích trêu chọc đám nhóc trong phủ, làm cho chị dâu mệt nhọc không thôi. Bề ngoài của hắn rất khác anh em, bộ râu quai nón dọa mấy cháu sợ hãi, thích nói những chuyện lừa gạt con nít. Nhị công tử không có chí lớn, không thích làm quan, vương gia cũng không biết làm sao với đứa con này. Nhị tẩu của Tư Tư trước kia là một tiểu thư danh gia, cưới vài năm thì bệnh nặng qua đời. Hiện giờ Vĩnh Lạc không có thê tử nhưng hắn có một tiểu thiếp. Nàng là Khanh Ca cô nương mà năm ấy Tịch Tề đưa về nhà cùng với mấy bao vàng, chuyện xảy ra lúc nửa đêm khiến vương gia tức chết. Khanh Ca là cô gái câm, dáng vẻ xinh xắn, tính tình cũng hiền. Mặc dù trong phủ có gia quy không nạp thiếp nhưng chị em dâu vẫn đối tốt với Khanh Ca, nàng không được làm chủ mẫu nhưng là người vợ duy nhất của nhị gia, thế là được rồi!

Nhớ tới mấy anh em họ nhà lục hoàng thúc, Ca Dương cảm thấy rất thú vị. Chủ yếu do vương gia biết cách dạy con, bọn họ đều tốt tính, có tài năng, con người độc đáo đáng nghiên cứu. Thiết Bình và Thánh Kim vương cũng con cháu đầy đàn nhưng hoàng thượng không thân thiết lắm, hắn có tất cả hai mươi hai anh em họ, rất nhiều chị em họ thậm chí không biết mặt hết nhưng thực sự hiểu rõ và quan tâm e chỉ có mấy người... Hoàng tộc quá đông sẽ lắm chuyện rắc rối và mâu thuẫn lợi ích, hoàng tộc quá ít thì neo đơn, không đủ người canh giữ ngôi báu. Ở mức vừa phải là tốt nhất, có người tin cậy đi trấn các biên ải, rải đều phạm vi ảnh hưởng của Chu Lạc gia. Một hoàng đế tài giỏi ngoài trị quốc còn phải biết tính việc nhà, cô dì chú bác anh em tuy hơi phiền nhưng không thể thiếu, bởi vì có những lúc họ vì dòng tộc mà đứng chung một thuyền, là những đồng minh tốt nhất. Cân bằng lợi ích và quyền lực, đó mới là điều quân vương quan tâm.

Để ý thấy tốc độ ăn của Tư Tư chậm lại, Ca Dương mỉm cười hỏi nàng:

- No rồi phải không? Ăn trái cây đi, nho mùa này rất ngọt đấy.

Tư Tư nhăn mặt khều khều bát cá.

- Muội phải ăn hết, phụ vương bảo không thể để thức ăn thừa trong chén!

À, một cô bé ngoan... Ca Dương vươn tay qua bàn ăn xoa xoa đầu em họ, rồi lấy chén cá kéo về phía mình.

- Không sao, trẫm ăn giúp muội, sẽ không bỏ thừa...

Ninh công công trợn mắt, mới kêu một chữ “Hoàng” đã thấy bệ hạ gắp thức ăn cho vào miệng. Trời đất tôi ơi, sét đánh chết tôi đi... Tiểu Ninh Tử khóc thầm trong lòng, hắn muốn quỳ xuống xin bệ hạ ban cái “bát thừa” kia cho mình. Ngài là cửu ngũ chí tôn đó, sơn hào hải vị thường không gắp quá hai đũa, bây giờ lại ăn cá lạnh của quận chúa để lại... Ninh công công muốn đâm đầu vào cột!

Thật ra Ca Dương không nghĩ nhiều như vậy, Tư Tư ăn không nổi hắn có thể ăn hộ, không liên quan gì đến hoàng thượng hay quận chúa. Về vấn đề nước bọt... À... Ca Dương cảm thấy nhất định sạch... (Vả lại về sau cũng ăn nhiều, không hề chi!) Bữa cơm hai người chỉ xuất hiện khi Minh Châu ở đây, rất vui vẻ và có không khí gia đình.

Mùa đông cứ thế trôi, không kịp cho ai níu kéo. Ở Dụ Kiến cung có thêm quả bí nhỏ, hàng ngày chạy lăng xăng xung quanh bệ hạ. Lúc ngài duyệt tấu chương nàng sẽ ngồi học chữ trên cái bàn nhỏ bên cạnh. Ban đầu là tập viết, sau đó xé giấy vẽ bùa tung lung, vẽ chán thì gục mặt ngủ luôn. Cung nhân vẫn thường thấy hoàng thượng đột nhiên ngừng đọc tấu, ném bút lông xuống đi tới bàn nhỏ ngồi bẹp. Ngài chống tay ngắm Quận chúa ngủ gục, nhìn chán thì đích thân bế cô bé lên giường. Không khí giữa hai người luôn thân mật và... Ngồ ngộ... Ninh công công cũng nghĩ nát óc mà không đoán ra rốt cuộc bệ hạ đối với quận chúa là thế nào. Tình anh em không đến mức này, tình cha con thì gượng ép quá, tình nam nữ càng kỳ lạ, bởi vì quận chúa là trẻ con mà!!!

Ngô Hà Huy từ xa nhìn bệ hạ và tiểu quận chúa nằm lười tắm nắng trong hoa viên, hắn quay qua khai sáng cho Ninh công công:

- Đồ ngốc, trẻ con phải lớn lên chứ!

Trẻ con, rồi cũng lớn lên. Mười bốn chải tóc thành nữ nhân, tuyển tú là độ tuổi này. Quận chúa cứ như vậy sau vài năm nữa sẽ trưởng thành, đến khi đó... Kà kà kà... Tiểu Ninh Tử có kế hoạch riêng, hắn phải sớm sớm tìm một mama chăm sóc thân thể cho quận chúa, phải ăn uống thế nào để trổ mã toàn diện... Thế thì... Bệ hạ bớt khổ! Mình quá thông minh!

Nhìn mặt hồ ly của Ninh công công, Ngô Hà Huy biết tên vừa trúng đích. Đô Thư Doanh lắc đầu cảnh báo:

- Ngươi cẩn thận đó, để bệ hạ biết thì đến lúc Quận chúa chải tóc, tóc ngươi cũng không có mà chải...

Sau khi xin cầu kiến, hai vị cận thần trẻ tuổi mới chầm chầm bước vào hoa viên. Từ xa đã nghe thấy đoạn hội thoại thế này:

- Tư Tư đừng nghịch, trẫm gọi Tiểu Ninh Tử cho nàng vẽ râu được không? Lát nữa ta còn phải gặp triều thần đó!

- Không thích, không thích, Ninh công công không đẹp trai bằng anh họ!

- Dĩ nhiên là hắn không anh tuấn bằng ta! Cho nên muội muốn vẽ rồng vẽ cá gì cũng được!

- Không thích mà...

- Ngoan nào, lát nữa trẫm đi mượn hoàng hậu son phấn, để cung nữ dạy Tư Tư vẽ mặt.

- Oa, thật không? Có dạy vẽ râu không?

- Uhm? Râu? À cái đó...

Đô Thư Doanh nghĩ đến Triệu hoàng hậu, trong lòng dấy lên ít buồn phiền. Bệ hạ xem hoàng hậu là cái gì? Một thần tử, một thuộc hạ mà thôi! Nàng giống như nhánh hoa huệ trưng trên bàn thờ, nhìn cao sang quyền quý nhưng thực cô độc và tịch mịch. Mấy năm nay Thư Doanh vẫn hay nhìn thấy nàng, đó là những lần đi thăm Đức phi. Đô Thư Kỳ gần như bị biếm vào lãnh cung rồi, theo nhà họ Đô mà xuống dốc. Từ khi hắn dọn ra khỏi Đô gia phu nhân cũng không có cách nào bắt ép hắn chiếu cố tỷ tỷ nữa nhưng Thư Doanh vẫn đều đặn một tháng hai lần nhận đặc xá của bệ hạ để ra vào hậu cung. Hắn đi chậm, rất chậm, chọn giờ hoàng hậu hay đi dạo mà đến, hy vọng có thể hành lễ với nàng, nói mấy câu khách sáo cũng được. Triệu Tiếu Vy rất lạnh nhạt, ngày càng giống bệ hạ, cư xử khôn khéo và kiêu ngạo. Tuy nàng ta là một hoàng hậu bù nhìn nhưng ít nhất vẫn là mẫu nghi thiên hạ. Lâu lâu bệ hạ đến Phượng Nghi cung ngồi, đãi ngộ như vậy chỉ nàng mới có. Tiếu Vy bây giờ chỉ mong muốn an phận thủ thường làm hoàng hậu, không dám mơ một ngày bước chân khỏi cung điện này. Có nhiều đêm phòng không gối chiếc, Hoàng hậu nhìn dấu thủ cung sa đỏ chói mà cay đắng trong lòng. Nàng sắp hết thanh xuân, một giấc mộng đẹp cũng chưa kịp dệt!

Ngày hôm đó không phải ngày cố định đi thăm Đức phi, Thư Doanh và Hà Huy đến gặp bệ hạ bàn chút chuyện, quận chúa vẫn ngồi vẽ râu mèo bên cạnh. Cuối năm nay không có đột biến phát sinh, lúa gạo trong nước vẫn trữ được số lượng lớn, quốc khố dư dả, trị an ổn định, mấy cửa ải vẫn gió êm biển lặng, làm cho quan nhân ai cũng thấy lười nhác... Thái bình này liệu có phải trời quang trước cơn bão dữ?

Nói ít chuyện chính sự rồi ra về, Thư Doanh cả gan xin bệ hạ cho vào nhìn Đức phi một lát. Ca Dương đang vuốt tóc Tư Tư đột nhiên ngừng lại. Thư Doanh không dám nhìn vào đôi mắt tinh tường của ngài.

- Gần đây Đô khanh quan tâm tới phi tử của trẫm thật đấy!

Đô Thư Doanh bủn rủn quỳ xuống, câu nói này là bao nhiêu tầng nghĩa, đủ giáng lên đầu hắn tội trịch thượng khi quân rồi!

- Ngươi năm nay bao nhiêu tuổi? Vì sao một thiếp thất cũng không có? Trẫm hứa cho người lập môn hộ riêng, đến bao giờ mới chịu cưới vợ hả?

- Bệ hạ thứ tội... Vi thần... Vi thần...

- Được rồi, được rồi, ngươi đứng lên đi. Là quân thần bao nhiêu năm, trẫm cũng nói thẳng với khanh. Trên đời này trẫm có ba giới hạn. Một là Khương La. Hai là U Trì. Ba là Minh Châu. Chỉ cần khanh không phạm vào thì những cái khác đều không đáng tội chết! Nhà họ Đô như vậy mà khanh vẫn đứng ở đây, đủ cho khanh hiểu trẫm coi trọng hiền tài và nhân phẩm thế nào. Trước khi hành sự hãy suy nghĩ cẩn thận, tốt nhất là trực tiếp nói ra, tích tụ trong lòng sẽ có ngày sinh quỷ. Khanh hiểu chứ?

- Vi thần... Tuân lệnh!

Suốt dọc đường Thư Doanh nghĩ đi nghĩ lại, muốn vạch chữ tìm ý. Rốt cuộc hoàng thượng đã đoán ra chuyện gì, muốn hắn làm thế nào? Kỳ Nam môn cao vời vợi, tựa như hoàng hậu nương nương xa xôi trong kia. Thư Doanh mắng chửi chính mình, là hắn không tốt, có ma quỷ trong lòng. Nàng là phượng hoàng đậu ở ngọn vàng, hắn chỉ là chú cào cào nhỏ... Giữa bọn họ, nghĩ cũng không dám nghĩ!