Phế Đô

Chương 50



Những người ở bên đều cười, biết ngay là một bà già tâm thần. Gọi điện thoại lâu lắm, cuối cùng đã gọi được, nói với những người đứng đó:

- Chủ tịch thành phố sẽ dẫn một phái đoàn đến cứu nạn nhân ngay bây giờ. Chủ tịch thành phố còn bảo đem theo cả phóng viên đài truyền hình, phóng viên toà báo và nhà văn Trang Chi Điệp.

Đám người hò reo ầm ĩ đổ xô ra cửa. Bà già nói:

- Mưa to thế này chủ tịch thành phố còn gọi cả thầy Điệp của cháu đến, bắt nó đi bơm nước à? Ông cháu đánh nó, nó cũng không đến, chủ tịch thành phố gọi một tiếng nó đến liền. Chủ tịch là quan, ông cháu không là quan hay sao? Ông cháu là một thủ lĩnh dưới trướng cụ Thành Hoàng mà!

Liễu Nguyệt nói:

- Có lẽ chủ tịch thành phố bảo thầy Điệp đi theo để viết văn đấy bà ạ.

Bà già bảo:

- Thế thì cháu ra xem xem, anh ấy đến, thì bảo về đây đốt cho ông cháu một ít giấy vàng.

Liễu Nguyệt chẳng nói chẳng rằng, thay bộ quần áo sạch sẽ, căng ô lên cũng đi ra phố xem. Góc tường bên trái sân quả nhiên đổ hẳn một bức, bức tường nối liền với nhà Thuận bên cạnh. Đằng sau bức tường có một nhà xí to, trong nhà xí đã rơi khá nhiều gạch đá, nước phân tràn ra ngoài, mà bên nhà xí thì có một đống gạch đá bới lên. Trước đây, Liễu Nguyệt chỉ biết mảnh đất này cũng là một khu đất trũng, chỉ có sân nhà Trang Chi Điệp đã tôn nền cao hẳn lên, nhưng có ngờ đâu qua tường sân có thể nhìn rõ nhà dân của cả khu đất trũng. Nhà ở trong khu đất này xây không theo quy luật nào cả, mọi ngôi nhà đều xây theo thế đất, cửa nhà ai cũng xây ngưỡng cửa gạch cao lên đề phòng nước ngõ ứ lên chảy vào trong nhà. Những ngõ hẹp lộn xộn kia đều nghiêng thoai thoải về một hướng, nước chảy cuối cùng đã dồn cả về trung tâm khu đất trũng hìnhthành một ao nước lớn. Trước đây có đặt một máy bơm hút nước trong ao dẫn ra đường ống ngầm ở ngoài khu đất trũng chảy đi. Bây giờ mưa tầm tã như trút nước suốt ba ngày ba đêm ròng rã, nước trong ao bơm không kịp, nước chảy ngược trở lại, ngập tới gần nửa số nhà dân. Liễu Nguyệt nhảy qua chỗ đổ của tường sân, mẹ anh Thuận vần chưa niệm đưa đi lò thiêu, còn đang đắp một tấm vải trải giường màu trắng đặt ở trong nhà. Tuy nước chưa vào trong nhà, song nước trong chiếc sân nhỏ đã ngấp nghé bậc hè. Chị Thuận và đứa con trai béo bệu đầu quấn khăn trắng đang đốt giấy tiền dưới bàn thờ đặt trước giường xác, khóc lóc thì đã từng khóc lóc rồi, bởi người đến giúp đỡ cứu nạn đông, nên không khóc nữa. Anh Thuận vừa đắp bờ đất ở cửa, vừa lấy chậu nước hất ra ngoài, vừa nói với người quen đến hỏi thăm:

- Trời mưa tôi cũng không ra phố bày bán thuốc lá, gục đầu xuống giường là ngủ, nỗi mệt mỏi của màu hè kéo đến, càng ngủ càng thấy thiếu, chợt bị một tiếng gầm làm tỉnh giấc. Nghĩ bụng, lại đổ cái gì thế nhỉ? Đi ra ngoài nhìn, thì bức tường nhà xí đã bị đổ. Mấy ngày nay nhà nào chẳng bị đổ một bức tường, hay sập một góc hiên, đổ thì đổ đi, bao giờ tạnh hãy hay. Tôi lại nằm ngủ tiếp. Song không ngủ được, chợt nghĩ sao không thấy mẹ đâu nhỉ, mẹ tôi ở trong gian nhà nhỏ đối diện, mẹ tôi lưng còng, song tai thính lắm, mọi động tịnh mẹ tôi đều đi ra, không gọi tôi thì gọi con tôi, giục nhà ai làm sao rồi, mau mau đi xem xem. Bức tường sân đổ tiếng kêu to như thế, tại sao không thấy mẹ ra gọi nhỉ? Tôi sai cháu đi xem bà có ở trong nhà không, cháu sang bảo không thấy bà đâu, tôi cứ tưởng mẹ ra ngõ xem nước, nên lại ngủ đi một lúc, thấy mót đại tiện, tôi dậy ra nhà xí, đứng ở đó chợt nhìn thấy một cái giày bó chân của mẹ trôi trong nhà xí. Tôi bắt đầu hoảng, cúi xuống bê mấy hòn đá xây đổ xuống, thì nhìn thấy một tay của mẹ giơ lên. Khi mẹ tôi đi đại tiện bị bức tường sập đổ đã vùi chết tại đó. Cái lão chủ tịch thành phố khỉ gió kia, suốt ngày bỏ tiền ra xây dựng nào là đường phố văn hoá, nào đường phố tranh chữ, sao không đem số tiền ấy xây nhà gác cho bọn mình nhỉ? Cứ cho nó mưa đi, mưa rõ to nữa đi, ngập cho bằng hết nhà cửa vùng này, dân chúng chết ráo cả, thì chủ tịch thành phố ông ta phải đến chứ?

Người đứng cạnh vội vàng nói:

- Thôi đừng nói thế nữa, anh có xem tivi không đấy? Mấy ngày này, chủ tịch thành phố sợ co vòi, chạy khắp nơi tíu tít cứu nạn. Nghe đâu khu đất trũng ở phía bắc cửa Tây thành phố đổ ba trăm gian nhà, có mười hai người chết. Vừa giờ đã gọi điện thoại chủ tịch thành phố sắp đến ngay bây giờ. Anh chớ có nói thế nữa. Chủ tịch thành phố thực lòng đến cứu nạn, chắc chắn sẽ hạ quyết tâm trích tiền trích hàng cho dân cư vùng này. Chủ tịch thành phố cũng là người ấy mà, anh nói chối tai quá, ông ấy sẽ tức giận, một khi đã tức giận, thì nên trích ra một triệu chi phí cứu tế, cũng có thể chỉ cho năm mươi vạn.

Anh Thuận gật đầu, hai tay đỡ tượng đất trẻ con nam nữ của một người hàng xóm mua về, nước mắt rưng rưng bước vào trong nhà bày ở hai bên bàn thờ của mẹ, quì tại chỗ khóc rống lên như con trâu già.

Liễu Nguyệt không đành lòng nhìn cảnh than khóc, cô vội vàng bước xuống bùn nước ra chỗ khác. Nghe thấy xa xa có tiếng xe, tiếng người, liền bước cao bước thấp đi theo phố hẹp, chiếc quần lại thành hai ống bùn đất, cô nhìn thấy có người vác máy quay phim đang quay. Một đám đông nhốn nháo, người thì khiêng ba máy bơm đi về đàng kia, người thì khênh những cuốn vải nhựa, có cả bác sĩ y tá và băng cáng. Liễu Nguyệt đã nhìn thấy Trang Chi Điệp. Liễu Nguyệt đi tới giật vạt áo của anh hỏi:

- Thầy Điệp cũng đến thật sao?

Trang Chi Điệp đáp:

- Chủ tịch thành phố gọi điện bảo đến hiện trường xem xét, sao anh không đến cơ chứ? Bà không sao chứ?

Liễu Nguyệt đáp:

- Không có chuyện gì, bà chỉ bảo anh đi đốt vàng cho ông, bà bảo hôm nay ông về.

Trang Chi Điệp bảo:

- Anh làm sao bỏ đi được? Ở đây xong có thể còn phải đến khu đất trũng ở phía bắc cửa Tây thành phố.

Liễu Nguyệt liền quay về, nhưng đã quay lại, khẽ hỏi:

- Ông nào là chủ tịch thành phố hả thầy?

Trang Chi Điệp liền chỉ vào một người cao to trong đám người đã đi vào đầu phố. Liễu Nguyệt bảo:

- Làm chủ tịch cũng vất vả thế ư?

Trang Chi Điệp đáp:

- Em cứ tưởng thế, làm chủ tịch thành phố cũng chẳng dễ đâu.

Liễu Nguyệt liền bĩu môi bảo:

- Mình chỉ thấy thằng ăn cắp bị đánh, nhưng chưa nhìn thấy thằng ăn cắp ăn thế nào!

Trang Chi Điệp trừng mắt nhìn Liễu Nguyệt rồi chạy theo đám đông kia. Đêm hôm ấy tạnh mưa. Trang Chi Điệp không về nhà. Chương trình chuyên đề tivi, chủ tịch thành phố báo cáo trước nhân dân toàn thành phố về tình hình chống úng cứu người. Ông nói thành phố cũ kỹ quá rồi, xây dựng trụ sở uỷ ban nhân dân thành phố mới, đã nợ nhỉều tiền quá, sau khi đã cải tạo bốn khu vực thấp trũng, thì năm nay, Uỷ ban nhân dân thành phố còn phải quyết tâm đóng góp tiền của nhân lực để cải tạo khu đất thấp trũng thuộc vùng Song Nhân Phủ và đoạn phía bắc cửa Tây thành phố. Còn Trang Chi Điệp thì ở trong một khách sạn do ban tuyên truyền tổ chức, mấy nhà báo của toà báo cùng với Trang Chi Điệp viết phóng sự về đợt chống úng cứu tế này ngay trong đêm. Sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng về vụ chống úng cứu tế này đã viết một bài mấy vạn chữ gồm cả quy hoạch cải tạo vùng đất trũng trong năm nay và đăng toàn văn trên báo thành phố vào trưa ngày thứ ba. Khi rời khách sạn, Hoàng Đức Phúc thay mặt chủ tịch thành phố đến đặt tiệc thăm hỏi mọi người. Yến tiệc linh đình lắm, nhưng ai nấy mệt đừ, nên ăn không ngon, còn thừa đến một nửa. Hoàng Đức Phúc hỏi:

- Nhà văn Trang Chi Điệp có nuôi mèo không hả? lấy túi ny lông gói mấy con cá này đem về cũng là để khỏi lãng phí.

Câu nói này làm cho Trang Chi Điệp nghĩ ngay tới vợ Uông Hy Miên, thế là anh cho mấy con cá vào túi bóng, ra khỏi khách sạn liền phóng thẳng đến nhà Uông Hy Miên ở phố Vườn hoa cúc.

Uông Hy Miên mua một nhà gác nhỏ ở khu nhà cũ rồi sửa chữa lại. Trước nhà có một cây liễu to bóng râm trùm nửa sân. Lại trồng dây leo tường bốn chung quanh nhà, lá dây leo rậm rạp che kín, cả ngôi nhà gác giống như một đống cây xanh. Trang Chi Điệp bấm chuông ở khung cổng trước, lâu lắm không có người ra mở cửa, vừa đẩy cửa một cái, cánh cổng chỉ khép đã mở ra. Bước vào bên trong, vẫn không có ai ở sân, cũng không thấy có người giúp việc và bà già đi ra. Trên thềm đá to rộng đã mọc đầy rêu xanh,một chiêc lá rụng cuống lá mắc trong rêu, không biết thế nào lại bị gió thổi, cứ run rẩy phát ra tiếng kêu lao xao.

Trang Chi Điệp cảm thấy sau trận mưa lớn đã làm cho ngôi nhà gác này không chỉ yên tĩnh, mà còn có phần lạnh lẽo vắng vẻ. Đang phânvân không thấy người đâu, thì một con mèo từ trong nhà lăng lẽ chạy ra và ngồi xuống trước mặt anh ba bước, đưa đôi mắt sáng quắc nhìn anh, sau đó vẫy đuôi lại đi ra sảnh. Trang Chi Điệp biết đây là con vật yêu quý của bà chủ, liền đi theo con mèo ở trong sảnh, lại leo cầu thang quay cạnh tường, leo lên được vài bậc, nó quay đầu nhìn lại anh, anh cũng theo nó lên cầu thang. Cứ thế lên đến gác hai nhìn vào căn phòng ở cửa cầu thang, anh thấy vợ Uông Hy Miên bị ốm ủê oải ngả người vào đầu giường và đang cười không thành tiếng với anh.

Trang Chi Điệp vội vàng bỏ túi ny lông xuống đi vào hỏi:

- Em ốm à?

Chị Miên đáp:

- Người khó chịu, em không đi xuống gác được, nhưng bước chân còn ở sân em đã nhận ra anh đã đến! Anh từ đâu đến thế? Tại sao biết em ốm?

Trang Chi Điệp đáp:

- Anh có biết em ốm đâu? Bệnh gì vậy? Đã đi khám chưa?

Chị Miên đáp:

- Sáng sớm hôm kia thức dậy cảm thấy đau ở lưng, bảo người giúp việc đến xem, nói là mọc mấy mụn nhọt, em cứ mặc kệ, nào ngờ đêm qua đau ghê quá, cả cái lưng cứng lại. Sớm nay người giúp việc đưa em đi khám bác sĩ, bác sĩ bảo đã có mủ, họ mổ ra và rịt thuốc, không đau nữa, nhưng chẳng còn chút hơi sức nào.

Trang Chi Điệp bảo:

- Cho anh xem nào, rút cuộc ra làm sao?

Vợ Uông Hy Miên nói:

- Thôi anh ạ, cái lưng vốn nhẵn nhụi, đã mọc mụn lở loét, khó coi lắm!

Nói rồi né người để Trang Chi Điệp ngồi xuống mép giường.

Trang Chi Điệp hỏi:

- Hy Miên lại đi vắng à? Cũng không thấy bà cụ và người giúp việc đâu. Em đã ăn gì chưa?

Chị Miên trả lời:

- Anh ấy vẫn ở Quảng Châu chưa về, có lẽ bà và người giúp việc ra bưu điện đánh điện tín. Anh tự rót nước uống hộ em nhé!

Trang Chi Điệp bảo không khát nước. Anh nói:

- Chuyện này cũng lạ đấy. Trên lưng anh cũng lên nhọt, song không đau không ngứa, còn em thì lại ghê gớm vậy ư?

Chị Miên tỏ ra hết sức ngạc nhiên, chị hỏi:

- Thế à? Làm gì có chuyện trùng hợp khéo thế? Có lẽ anh cố ý an ủi em cho vui thôi!

Trang Chi Điệp liền cởi áo cho chị xem, quả nhiên chị Miên nhìn thấy trên lưng anh có bảy mụn nhọt giống hình cái chuôi sao bắc đẩu. Ngay tức khắc chị cũng đỡ người bần thần tại chỗ. Khi Trang Chi Điệp quay lại cài cúc áo, chị mới hỏi:

- Chi Điệp này, anh vẫn đeo đồng tiền chứ?

Trang Chi Điệp trả lời:

- Anh vẫn đeo.

Chị Miên đột nhiên cụp mi mắt xuống, nước mắt chảy ròng ròng. Trong lòng Trang Chi Điệp bỗng dưng cộm lên, không biết nói gì hơn. Anh nhìn thấy một bàn chân nhỏ nhắn của chị Miên thò ra ở góc chiếc chăn mỏng thêu hoa, bàn chân ấy để nghiêng nghiêng, trăng trắng mềm mại, anh thò tay kéo chăn cho chị, song bàn tay vẫn run run để tại chỗ. Chị Miên liền lau nước mắt, lại cười nhăn nhó một cái không thành tiếng. Chị hỏi:

- Anh có đem đến cho em cái gì không?

Trang Chi Điệp vội nhấc tay ra bảo:

- Anh từ khách sạn đến đây, có mấy con cá không ăn hết, anh đem về cho con mèo.

Chị Miên khen:

- Anh tốt quá, vẫn còn nhớ con mèo của em ư? Hai hôm nay, đúng là nó không được ăn cá. Cá thừa cũng tốt, anh mau mau đem cho nó ăn giải cơn thèm.

Trang Chi Điệp mở túi bóng, song không có đĩa đựng cá cho mèo ăn, chợt nhớ tới tờ báo đăng bài phóng sự đang để trong túi, liền lấy một tờ rải xuống nền nhà, để cá lên, con mèo vui vẻ kêu lên một tiếng meo meo.

Trang Chi Điệp tiếp chuyện vợ Uông Hy Miên một lúc lâu, vẫn chưa thấy mẹ và người giúp việc về anh liền chia tay ra về. Chị Miên không thể ra tiễn được, ôm con mèo bảo:

- Mi nên nhận người này là ai nhé!

Con mèo đã vui vẻ kêu lên một tiếng "meo", chị Miên lại bảo:

- Mi thay ta tiễn anh ấy ra về.

Con mèo nhảy khỏi lòng đi xuống gác, nhưng Trang Chi Điệp đã bế con mèo nói:

- Khỏi cần tiễn, hãy ở lại chăm nom bà chủ chu đáo nhé!

Mắt nhìn vợ Uông Hy Miên nhưng miệng thì hôn lên đầu con mèo, hôn một cái rất kêu.

Về đến nhà, Trang Chi Điệp đã kiệt sức. Ngưu Nguyệt Thanh đón chồng như đón xa giá nhà vua, chị mừng quýnh, vừa xem bài phóng sự trên báo, vừa bảo chồng vào buồng ngủ. Anh đã đi nằm, chợt nhớ ra một việc, chị đi vào bảo:

- Bạch Ngọc Châu vừa gọi điện đến lần thứ hai, bảo là không được chậm trễ nữa, muộn nhất cũng phải đến nhà Tư Mã Cung vào tối nay. Bây giờ anh cứ ngủ một giấc ngon lành, tối sẽ đi.

Trang Chi Điệp đi nằm nhưng chưa ngủ, trong đầu còn đang suy nghĩ cuộc sống tẻ lạnh của vợ Uông Hy Miên, cay đắng thay cho chị ấy.

Nhưng rồi lại chuyển sang suy nghĩ, mình và người đàn bà này tuy trong trắng, song lại có một sợi dây tình cảm không thể nói rõ thắt buộc, ngay đến mọc mụn ở lưng cũng gần như cùng một thời gian cùng một vị trí. Xét đến cùng, thì có duyên phận gì? Nghĩ như vậy tình cảm đã trở nên hưng phấn, liền mặc áo xuống giường, vừa hỏi Ngưu Nguyệt Thanh cảm thấy thế nào khi đọc bài phóng sự, vừa sai Liễu Nguyệt đun nước nóng, bảo gọi Mạnh Vân Phòng và Triệu Kinh Ngũ đến uống trà.

Anh liền lấy ở túi áo ra một cái hộp trông rất đẹp, nói:

- Em thử xem đây là trà gì, "Quân sơn Mao tiêm", chủ tịch thành phố biếu đấy!

Nói rồi pha vào trong cốc cho mình trước. Khi Ngưu Nguyệt Thanh lại nhìn, thì một nửa búp chè đã chìm trong cốc, một nửa còn nổi lên, đều là những búp non thon dài chưa nở song tất cả đều thẳng đứng, chẳng khác nào một cánh rừng thu gọn. Khi từng búp từng búp đã chìm xuống, thì trên mặt cốc đã bốc lên từng làn hơi mù xanh xanh trong màu trắng xoá, một mùi thơm dìu dịu thoang thoảng cả căn buồng. Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Em chưa thấy loại chè ngon thế này bao giờ.

Trang Chi Điệp nói:

- Em đi gọi điện thoại cho Mạnh Vân Phòng, Triệu Kinh Ngũ cả hai vợ chồng Chu Mẫn nữa, cùng đến nếm thử cho vui.

Liễu Nguyệt bảo:

- Em đã đọc một quyển sách kể rằng khi Hoắc Khứ Bệnh đánh nhau ở hành lang Hà Tây, Hoàng đế có thưởng ông một vò rượu, ông đổ rượu xuống một con suối để binh sĩ toàn quân đến uống, nơi đó về sau gọi là suối rượu. Chủ tịch thành phố biếu anh một gói trà, anh gọi người này người kia đến uống, thật chẳng bằng thả trà vài tháp nước của công ty nước máy để cả thành phố được biết ân tình của chủ tịch thành phố.

Trang Chi Điệp bảo:

- Em cười anh được yêu chiều mà giật mình phải không?

Liễu Nguyệt đáp:

- Vậy thì anh đừng coi thường em.

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Gọi người đến uống trà thì cứ gọi bọn họ đến, đừng có gọi Đường Uyển Nhi làm gì, đàn bà thì có biết thưởng thức cái quái gì? Bảo em đến thưởng thức trà ngon, ngửi thì thơm uống vào thì chỉ thấy chát và đắng.

Trang Chi Điệp bảo:

- Em là người Quan Trung, uống trà chỉ để khỏi khát, cũng có thể nước ở Quan Trung có chất chua mặn, bỏ một ít trà vào là để át mùi nước thôi, mà ở phương Nam nước tốt, uống trà lại coi trọng thưởng thức mùi vị, Đường Uyển Nhi là người Đồng Quan, quê quán lại ở Thiểm Nam, cô ấy biết thưởng thức đấy. Lần trước anh ở nhà A Xán, trà nhà cô ấy mua ở vườn chè Dương khâm Giang Tô, vị ngon lắm, uống vào ăn luôn cả bã chè, trước khi ra về còn bốc một dúm bỏ vào mồm nhai, mấy ngày vẫn còn mùi thơm trong miệng.

Liễu Nguyệt nói:

- Sao anh kém thế, ăn cả bã chè ư?

Trang Chi Điệp nói:

- Em là người Thiểm Bắc, càng không hiểu rõ chuyện này. Em đọc nhiều sách đấy, em thử nói, tại sao trong sách cổ thường viết "ăn chè". Đó là người cổ xưa giã vụn chè ra hoà vào cháo ăn, hoặc là rắc vào cơm ăn. Thường ngày em chỉ là "thổi bò", nói bốc!

Liễu Nguyệt đáp:

- Vâng, chúng em đều là trâu bò bốc khoác, chỉ có những người tài giỏi như anh mới ăn chè, nhưng em thấy A Xán biết ăn chè như vậy, mà sao lại làm cái chuyện ấy cơ chứ?

Trang Chi Điệp hỏi:

- Em cũng biết A Xán à? Cô ấy làm chuyện gì vậy?

Liễu Nguyệt đáp:

- Chiều hôm qua chị ta đến, em rất lo người trong khu tập thể này biết chị ta là A Xán, sẽ đánh giá gia đình mình thế nào!

Trang Chi Điệp hỏi Ngưu Nguyệt Thanh:

- Hôm qua A Xán đến đây à? Cô ấy đến có việc gì?

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

- Cái con Liễu Nguyệt này hôi mồm, cũng ăn phải bả Mạnh Vân Phòng mất rồi, điều đáng nói thì nói, điều không đáng nói cũng cứ nói! A Xán có đến đây. Anh nói với em A Xán xinh lắm, xinh lắm, là người đàn bà khoang mắt xanh thế ư? Cô ấy bảo em gái bị điên, bệnh viện bảo không chữa được, đề nghị đưa vào bệnh viện tâm thần, cô ấy bảo anh đi thăm em gái cô ấy, hôm nay cô ấy đưa đi.

Trang Chi Điệp liền hỏi:

- Cô ấy còn nói gì nữa?

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

- Còn nói gì được nữa? Cô ấy đã kể lại chuyện giữa cô ấy với chủ nhiệm Vương. Cô ấy cũng gớm thật, còn gói cả miếng lưỡi của ông họ Vương kia trong giấy đem theo, gần như sắp khô thối rồi! Cô ấy bảo đã ly hôn với chồng.

Trang Chi Điệp liền hỏi:

- Ly hôn rồi ư? Ly hôn gì cái cô A Xán này? Sao em không đi thăm em gái cô ấy? Em an ủi cô ấy thế nào? Tại sao không giữ cô ấy ở nhà mình lâu hơn?

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

- Em đã đuổi cô ta đi.

Trang Chi Điệp hỏi:

- Cái gì? Em đuổi cô ấy đi ư?

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

- Hiện giờ ở bên ngoài ai chả biết trong thành Tây Kinh có một người đàn bà đã cắn đứt lưỡi đàn ông. Cái lão chủ nhiệm Vương kia là con sói gái, đã bị cắn lưỡi, thì tránh sao khỏi hai người ôm hôn nhau, đã ôm hôn được nhau, thì ai biết còn có làm gì nữa? Nghe đâu còn có tin, báo là hai chị em tranh nhau một ông chủ nhiệm họ Vương, cô em tranh không nổi cô chị, đã hoá điên. Khi cô chị thông dâm với chủ nhiệm Vương, đã đòi người ta trả giá cao, người ta không cho, tức lên mới cắn mất lưỡi. Hạng đàn bà ấy, ngay đến chồng cũng nôn mửa mà căt đứt luôn. Cô ấy bảo anh đi thăm em gái cô ấy, anh có đi không? Nhà mình đông khách đến, giữ cô ấy ở lâu, gặp phải người lắm chuyện đi ra ngoài rêu rao, thì than danh nhà mình sẽ hay ho lắm đấy?