Ổ Buôn Người

Chương 27



Tiếng gọi phát ra từ bụi rậm làm người phụ nữ giật mình sởn gai ốc. Cô ta còn khá trẻ. Thằng bé trên lưng chị ta buông thõng đôi chân khẳng khiu gần chấm đất. Nó lả đi đến nỗi không thèm quay lại nhìn người đàn ông lao ra từ bụi cây.

- Anh là...? – Nhận ra người đàn ông phía sau, Chị ta hoàn hồn rồi hỏi.

- Tôi cũng là dân vác hàng. Tôi thấy chị vất vả cõng thằng bé từ phía bên kia.

- Anh là dân vác hàng? - Chị ta nhìn từ đầu đến chân người đàn ông. Chiếc mũ phớt rẻ tiền. Bộ đồ lao động cũ và đôi giày thể thao màu trắng. Thoáng chút hồ nghi, chị ta khẽ mỉm cười rồi cúi mặt quay đi.

Han nghĩ. Chị ta có vẻ ngờ vực khi thấy mình đi tay không. Mình phải ăn nói bỗ bã chút nữa mới nhập vai được. Hắn cố bắt chuyện:

- Sang đây không vác hàng thì vác người chắc? Chúng hẹn tôi sang bên kia bốc mấy bao tải hoa quả. Đến bên kia mệt bã người hàng chả thấy đâu. Hóa ra là hàng chưa về.

- Bốc hoa quả? Anh làm cho hội Tuấn Râu phải không?

Tuấn râu là ai nhỉ, có thể là tên chủ hàng nào đó. Han trả lời nước đôi

- Sao chị hỏi thế. Làm cho thằng đếch nào cũng thế thôi, keo kiệt, chậm trễ là ăn đòn ngay!

- Anh nói phải. Tôi đây này, không vác không được. Định cho thằng cu con đi theo giúp mẹ, ai ngờ nó không quen vấp phải đá ngã xước móng chân. Thế là cả hàng lẫn người đều dồn lên vai tôi tất. Đúng là đồ của nợ.

Thằng bé đấm thùm thụp lên vai mẹ vẻ không đồng tình và đòi nước uống. Chị ta thở dài rồi thả nó ngồi xuống mô đất. Thấy khá thuận lợi, Han bắt đầu đặt vấn đề:

- Chị mang thằng cu lớn tướng này mà không mệt à? Để tôi cõng nó cho. Nặng thì vứt mẹ nó đi cho được việc. - Han liếc mắt nhìn thằng bé trạc 8, 9 tuổi mỉm cười. Chị

ta hồ hởi lên nhưng đề phòng người đàn ông có thể bắt cóc con mình đi chiều ngược lại. Chị ta gợi ý:

- Anh mang giùm tôi hai bao hàng này hơn. Thằng nhỏ này hai ngày chưa tắm anh không ngửi được đâu.

- Thì tùy chị thôi. Chẳng qua thấy chị vất vả quá mà tôi lại đi tay không nên mới... Chị ta nguýt Han cười tủm nhường hai bao hàng rồi xốc thằng bé tiếp tục đi. Xách hai bao tải lên, Han kinh ngạc vì nó không quá nặng nhưng với chị ta, một phụ nữ mảnh mai với cả cõng thằng bé trên lưng thì thật là kì diệu. Han nghĩ, mình cõng thằng bé đóng vai bạn đường với bà ta thoạt nhiên giống như một gia đình. Khá hay nhưng rõ là chưa đủ an toàn. Nếu tinh mắt hải quan họ vẫn sẽ nhận ra. Chắc giờ này họ đang chờ hắn ở đầu chốt bên kia.Đấy là chưa nói sau lưng, hai tên cảnh sát bị hắn

xỏ mũi sáng nay có thể sẽ huy động thêm quân và cả chó truy theo. Lúc ấy sẽ nguy hiểm hơn nhiều.

- Mang hàng gì mà nặng thế hả chị?

- Thảo nào anh mới lên đây là phải. Đi ban ngày thế này chỉ có quần áo giày dép cùng hàng son phấn vòng vèo phụ nữ thôi. Tuy buôn lậu nhưng không dính loại hàng quốc cấm. Qua đồn kia chỉ nộp thuế tiểu ngạch là họ cho qua. Còn như ti vi, Video hay gì khác thì phải mang chui ban đêm.

Nhìn qua kẽ hở Han thấy lớp trong thòi ra ngoài. Hắn len lén mở túi lôi ra một bộ quần áo sơ mi nam. Mình phải thay lại bộ áo quần này. Nếu không, lát nữa cảnh sát Trung Quốc đuổi theo chúng sẽ dễ dàng nhận ra bộ bảo hộ sáng nay. Han đặt túi xuống len lén cởi áo quần và mặc bộ mới. Móc chiếc USB kiêm máy ghi âm chuyển sang chiếc áo sơ mi mới. Loáng một cái là xong. Người phụ nữ cõng đứa trẻ đi trước không hề hay biết. Han lại chợt lóe lên một ý nghĩ. Mình phải thả bộ quần áo cũ vào một lối rẽ khác để đánh lừa quân đuổi theo. Han định đặt thùng hàng xuống mang chiếc quần vứt vào lối rẽ sau lưng. Bất ngờ người phụ nữ quay lại kinh ngạc khi thấy bộ quần áo trong bao tải đã nằm trên người đàn ông.

- Ơ Kìa... anh này! sao lại thế hả!

Han cười hề hề:

- Xin lỗi chị. Tôi mượn một lúc, xuống kia tôi trả lại.

- Buồn cười cái anh này. Hàng đâu phải của tôi. Bộ ấy rẻ cũng 70 tệ, thiếu hàng nó phạt một gấp hai tôi lấy gì mà đền. Vẻ kiều diễm hiếm hoi nơi chị ta biến mất tiêu.

- Tôi đền chị đây! - Han tủm tỉm cười rút tờ 100 tệ đỏ sẫm nhét vào túi áo chị ta. Chị ta lại càng ngạc nhiên hơn trước hành động kì quặc. Cửu vạn mà tùy tiện boa tiền thế này sao. Anh ta rõ ràng là có vấn đề. Gã đang buôn hàng cấm cũng nên. Nhưng kì lạ là anh ta lại đi tay không, mà buôn hàng quốc cấm không ai đi giữa ban ngày thế này. Một thằng điên lạc đường? Cứ để anh ta mang nốt hai bao hàng qua con dốc này mình sẽ lấy lại và tránh xa hắn thôi.

Chị ta quay mặt lạnh lùng bước đi. Han tranh thủ thả hai bao hàng xuống rồi đi thả quần thì đúng lúc cô ta ngoái đầu lại:

- Ô kìa, anh đi đâu đấy?

- Tôi...đi... đi tiểu một lát. Quay lại ngay mà. - Han đỏ mặt. Han mang chiếc quần thả vào một lối rẽ phía sau, còn chiếc áo nhét vào bao hàng định chờ một lối rẽ khác rồi thả tiếp.

Chị ta cũng tranh thủ thả thằng bé xuống nghỉ. Mắt không rời khỏi Han cho đến khi hắn dừng lại sau lùm cây chị ta mới chịu quay mặt đi. Chờ Han quay lại, họ lại túc tắc leo con dốc. Hai bên là vách đá lởm chởm chen lẫn với những bụi sim rừng rậm rạp. Vừa đi chị ta chăm quay lại nhìn Han hơn, vừa để đề phòng anh ta cắp hàng chạy mất hoặc lại giở trò gì mới. Nhưng không, anh ta quả là một người đàn ông đáng mến. Đôi mắt anh ta to và sáng đầy vẻ trung thực. Mọi cử chỉ anh ta đều toát lên vẻ tự tin chững chạc. Một người đàn ông điềm đạm, dễ gần. Sau mỗi lần liếc khéo nhìn anh, chị lại muốn nhìn thêm lần nữa. Suốt đoạn đường dài hắn kể cho chị nghe cuộc sống của nông dân Nam Hà lam lũ và nhẫn nại. Thi thoảng Han thêm vài trò mà anh ta gom nhặt trong đám thanh niên đi tán gái ở quê. Đã qua con dốc, chẳng biết tự khi nào chị ta quên tránh xa hắn. Mà có tránh cũng chẳng được. Họ tiếp tục đi.

Một chốt chặn lợp tôn đỏ bất ngờ lộ lên cuối con dốc trước mặt. Trạm hải quan phía Việt Nam đã nằm trước mắt. Họ cùng bối rối nhìn lên. Mỗi người một nỗi lo riêng. Chỉ qua chốt này nữa là xong. Han bấm bụng nghĩ. Hắn sẽ hoàn toàn tự do trong biển người phía sau trạm. Nhưng khi dấn thêm mấy bước hắn đã nhận ra điều bất thường xung quanh chốt này. Điều hắn không muốn có. Một tốp lính biên phòng áo xanh đông như kiến mang súng đang tụ tập cạnh chốt kiểm tra hộ chiếu. Không lẽ cảnh sát Poshan đã cấp báo cho biên phòng Việt Nam nhanh như vậy sao. Hắn vội đặt hai bao tải xuống đường rồi khom người nấp phía sau trước khi tốp biên phòng nhìn thấy hắn. Quay lại nhìn phía sau, con đường mòn một bên là vách đá cao, bên kia là triền dốc với những khóm cây bụi thấp xơ xác. Không thể nấp hay rẽ sang lối khác lúc này. Chỉ có thể chạy lại một đoạn dài rồi mới có lối tắt khác. Không chần chừ, Han khom người chạy một đoạn thì hắn đứng khự lại. Có tiếng động lạ phía trước. Đằng xa, vài bóng áo màu xanh lục thoắt ẩn thoắt hiện và có tiếng chó gầm gừ. Điều hắn lo nhất đã xảy ra, lực lượng cảnh sát Nam Tu đã cho người đuổi theo. Lần này có cả chó nghiệp vụ. Han giật mình chợt nhớ chiếc áo đang giấu trong bao tải. Mải nói chuyện với cô gái hắn đã quên vứt nó vào lối tắt thứ hai. Chết tiệt. Tiến thoái lưỡng nan, đã chết thì phải chết trên đất mẹ. Hắn lại vội vã chạy về phía Việt Nam. Khi gần đến hai bao tải hắn đã thấy người phụ nữ đang đứng đó nhìn hắn một cách quái đản:

- Ơ kìa! anh lại chạy đi đâu về đấy? Anh bị làm sao hả?

Han thộn mặt ra giây lát. Mình vừa mới nói đi tiểu lúc nãy. Hắn vội ú ớ:

- À, tôi...tôi đánh rơi cái máy lửa sau kia.

- Thế đã tìm được chưa?

Han thọc tay vào chiếc áo sơ mi lôi ra chiếc USB sáng loáng:

- Tôi nhặt được rồi mà. Ta đi thôi chị!

Có vài lính biên phòng đã nhìn hắn. Chỉ cần hắn có biểu hiện bỏ chạy là họ sẽ đuổi theo. Chỉ có cách duy nhất, thật bình tĩnh đi cùng người phụ nữ và đối phó sau. Han thò tay vào bao tải, ngay dưới chiếc quần của hắn là lạo sạo hàng phụ phẩm, linh kiện may mặc như nơ, vòng, gương, lược và có mấy hộp nhựa. Hắn tò mò lôi ra một hộp, và nhận ra chính là lọ phấn rôm, một loại bột dưỡng da cho trẻ thơm mùi sữa. Hắn lấy ra cố đi chậm lại để xịt lên đầu, tóc và cả ... gót chân. Một mùi thơm ngào ngạt tỏa ra. Bất giác người phụ nữ quay lại. Han giật mình, hắn nhẹ người vì lần này cô ta không nhìn hắn. Hóa ra ngược gió chị ta không ngửi thấy mùi thơm, mà quay lại bảo thằng nhỏ câu gì đó. Thằng nhỏ ngửng lên rồi ngoan ngoãn bước xuống tập tễnh. Họ chỉ cách đồn hơn chục bước chân.