Nửa Chén Rượu

Chương 8: Mưa gió



Mười bảy ngày sau, Tiết Vô Y chết.

Hắn trút hơi thở cuối cùng vào buổi chiều rực rỡ nhất trong ngày.

Thẩm đại phu nói, Tiết Vô Y không có ý chí muốn sống, đáng ra hắn vẫn sống tiếp mới phải.

Lúc chết, hắn gầy trơ xương, áo thâm treo lỏng lẻo trên người, mặt mày tái nhợt như tuyết. Ta đối diện với cơ thể gầy đét của hắn, dần không nhớ nổi thiếu niên áo thô phi băng băng trên đồng hoang đó nữa.

Lúc ngồi bần thần trước giường Tiết Vô Y, trong đầu trống rỗng.

Trong mười bảy ngày ấy, ta thường nhớ đến một câu Tiết Vô Y từng nói ba, bốn năm trước. Hắn nói, có lúc hắn nghĩ, nếu hồi đó ở lại quê cũ, không ôm những tráng chí cao xa hư vọng ấy tới Trường An, có khi nào hôm nay sẽ tự tại vui sướng hơn không.

Và cả hình ảnh Hoài Ngọc ngồi trên xe lăn trước cửa sổ lộng gió, từ trên cao phóng mắt xuống phố xá náo nhiệt, mái tóc dài phấp phới trong không trung. Mắt cô sáng ngời, nói mình thích cô ưng trên đại mạc, hâm mộ Tiết Vô Y vượt nóc băng tường, mong đợi một ngày có thể lên tầng chót tháp Đại Nhạn ngửa mặt trông lên mây xanh, hẳn là rất vui sướng tự tại.

Mười bảy ngày chẳng hề quá dài, song chẳng biết tại sao, chuyện và người cắm rễ trong kí ức mười mấy năm bất đồ trở nên mơ hồ không rõ. Ta dần quên rất nhiều chuyện khi Tô Thu Trì còn sống – căn nhà tranh lụp xụp kia, tiếng cười của cô và Tiết Vô Y, những trận đấu khẩu ấu trĩ ầm ĩ của bọn ta, và từng thanh đao bóng loáng sắc lẹm nên hình nên thù dưới bàn tay Tô Thu Trì.

Ban đêm nằm mơ.

Trong mơ, Tô Thu Trì mang dáng vẻ khi mới gặp, váy thô lam hoa nhí, bện tóc đuôi sam đen nhánh, mắt trong như nước.

Trong lòng cô ôm thanh đao đã gãy làm hai dính đầy máu của Tiết Vô Y, khẽ mỉm cười với ta, con ngươi mênh mông ánh nước như Tây Hồ.

Cô chẳng nói gì cả, chỉ lẳng lặng nhìn ta như vậy.

Ta há miệng, lại không biết nên nói gì.

Sau đó, ta tỉnh lại.

Mở mắt, trời đã sáng choang, một con én xuân bay ngang qua cửa sổ.

Gió xuân tan băng, phương nam đại lợi. Kể từ ngày mười bốn tháng Chạp đó, chẳng còn tuyết lớn nữa, có lẽ là vì năm ngoái triền miên thiên tai nhân họa rồi lạnh cóng triệt để nên mùa xuân năm nay tới rất sớm. Hung Nô xâm lấn phương Bắc bị đánh bại, rút lui về Bạch Thành phía bắc, ruộng nương tuyết phủ đâm chồi mầm xuân. Dân chạy nạn rời đi từng đợt, thành Trường An khôi phục vẻ huyên náo trước kia.

Trong mười bảy ngày này còn xảy ra rất nhiều chuyện…

Hoài Vô Nhai tỉnh lại, để lại di chứng không nhẹ.

Đại đệ tử của ông ta tỉnh lại, què chân trái.

Hoài Vô Nhai thả Phương Hàn Hoa, an táng trọng thể cho Thạch Thu Phong. Ông ta trục xuất đại đệ tử khỏi sư môn, giải tán toàn bộ đệ tử trong môn, tuyên bố thoái ẩn giang hồ, ôm bài vị của con gái duy nhất Hoài Ngọc ẩn cư trong núi rừng, không hỏi thế sự.

Giang hồ sảng khoái ân thù thật ra không quá khác biệt với triều đình anh lừa tôi gạt, triều đình chỉ là một giang hồ khác, giang hồ chỉ là một triều đình khác. Triều đình biến ảo khôn lường trong một sớm một chiều, trong chưa đầy một tháng, giang hồ mất đi một gia chủ nhà họ Hoài dã tâm bừng bừng, chỉ thiếu một bước là có thể tung hoành võ lâm, nhiều thêm một người cha trung niên mất con, lòng như tro tàn.

Thạch Thu Phong không có người thân, ta đi nhận linh cữu của cậu.

Lúc trở về bị một chàng trai áo đay cản lại.

Anh ta là tiểu nhị trong tửu lâu ta ngồi hôm đấu võ. Một kiếm khách áo trắng đã bỏ ra vài lượng bạc, nhờ anh ta giữ một hộp gỗ con, giao cho một cô gái áo đen tóc xõa trong lễ đưa tang đại hiệp Thạch Thu Phong.

Hộp gỗ đựng một chiếc chén sứ, bên trong là nửa chén rượu chưa uống cạn.

Ta ôm hộp gỗ về nhà.

Lúc đặt hộp gỗ xuống, bỗng cảm thấy có gì đó không đúng, bèn mở ra, người áo trắng còn khoét cả miếng mặt bàn dưới chén sứ trắng đi. Ta cầm chén sứ trắng lên, trôn chén đè một tờ giấy nhắn gấp nhỏ như miếng đậu phụ.

Trên đó viết: Nếu đấu võ thắng, tôi sẽ đến cửa hỏi cưới chị.

Nực cười làm sao, người đã chết rồi còn nói muốn cưới ta.

Lúc ông cụ chết ta không khóc, lúc Tô Thu Trì chết ta không khóc, lúc khắc bia cho Tiết Vô Y, chôn thanh đao gãy dính đầy máu tươi ấy xuống mộ hắn ta không khóc, lúc nhìn quan tài của Thạch Thu Phong chậm rãi chìm vào bùn đất ta không khóc. Lúc thấy tờ giấy nhắn đáng lẽ không bao giờ nên thấy mặt trời này, ta lại khóc, không cầm được thút thít, làm thế nào cũng chẳng ngừng nổi.

Ta không biết cớ gì mình lại khóc, rõ ràng ta đã sớm tiên đoán được kết cục của họ – lúc nhìn đôi mắt đen láy sáng sủa kia của Thạch Thu Phong, ta đã biết quá nửa cậu sẽ chết vì lí tưởng của mình; lúc Tiết Vô Y khư khư cố chấp tiếp tục giết người, ta đã biết sau cùng hắn sẽ cầu được cái chết hắn hằng mong. Rõ ràng đã khắc bia bao nhiêu năm nay, chứng kiến nhiều sinh ly tử biệt như vậy, rõ ràng từ rất lâu trước đây mắt ta đã khô cạn chẳng chảy nổi một giọt lệ – tại sao, tại sao ta lại khóc?

Từng hạt nước mắt to rơi xuống, nện lên cái hộp gỗ, bộp bộp.

Ta khóc nức không ngớt trong căn phòng trống trải.

Ta bắt đầu thường xuyên nằm mơ. Trong mơ là đồng hoang lộng gió, không một bóng người, chỉ mình ta đứng trên gò núi trơ trụi, ngước mắt hoang liêu.

Trong vài giấc mộng, rất nhiều thứ tựa như từng quen lướt vụt qua trước mắt. Người từng gặp và chuyện từng xảy ra trong hai mươi bảy năm qua đan lồng vào nhau, ngang dọc rối rắm, màu mè sặc sỡ, hỗn loạn khôn cùng, tỉnh dậy rồi lại quên hết sạch.

Sau khi tỉnh mộng thì không buồn ngủ nữa, mở mắt thao láo nhìn chằm chằm trần nhà, nghe tiếng tuyết tan tí tách dưới mái hiên, trong đầu trống rỗng.

Ta đeo cây đàn tam huyền của Thạch Thu Phong trên lưng, ôm Cục Đá rời khỏi Trường An.

Mười một năm, ta tưởng rằng mình sẽ mãi mãi không rời nơi này.

Rời Trường An rồi, một đêm không mộng, ngủ thẳng tới hừng đông. Ta chợt biết vì sao năm xưa ông cụ lại tự chặt đứt tiền đồ, bỏ đi tha hương, rõ ràng có tiền đồ gấm hoa mà lại đắm mình trong trụy lạc, trở thành một con ma men cả đời lún sâu trong mộng mị sau say. Trông thì tưởng ông có lựa chọn, thật ra vẫn luôn thân bất do kỷ.

Ta cũng vậy.

Ta đi Giang Đô, đên trước ngôi mộ mình tự tay đào hơn mười năm trước, cỏ dại trên nấm mồ ông cụ đã cao cỡ nửa người.

Ông đã sớm khắc xong bia mộ cho mình, không có tên, không có cuộc đời, chỉ có một câu trong “Kinh Kim Cương”: Phàm hễ có tướng, đều là hư vọng. Hai chữ “hư vọng” khắc rất sâu, lúc đó ông cụ đang uống say khướt.

Ta ở Giang Đô nửa năm.

Ta học đàn tam huyền, có thể đàn trọn vẹn khúc “Gió thu ngựa sắt”.

Sư phụ tam huyền là phu nhân của một chưởng quỹ quán trà, tên là Mạn Nương. Bà xuất thân từ ngõ khói hoa, từng danh chấn Tần Hoài, ca múa tam huyền khuynh đảo Giang Đô. Bao nhiêu nam nhân quỳ dưới váy thạch lựu đỏ thắm của bà, người nào người nấy đều khôi ngô hào phóng hơn chưởng quỹ trà lâu, người nào người nấy đều vinh hoa phú quý hơn chưởng quỹ trà lâu.

Mạn Nương dạy ta đàn tam huyền ba tháng. Ngày cuối cùng, bà nói với ta: “Nhạn Cửu, con rất thông minh, đáng tiếc là một người mất hồn.”

“Con chẳng thành được sự.”

Ta bắt đầu uống rượu, uống rượu mình cất. Lần đầu uống rượu mơ, vừa chua vừa ngọt, uống một ngụm như nuốt quả nho mọng nước.

Thạch Thu Phong nói đúng, có vài thứ đúng là không thể thử, nhưng không thử sao biết. Tiết Vô Y nói đúng, làm người không nên quá cố chấp, cứng nhắc không thay đổi. Ông cụ nói đúng, rượu mơ uống rất ngon, đủ khiến người ta chìm đắm.

Nhưng có một chuyện Thạch Thu Phong nói sai rồi, dẫu không có Cục Đá, ta cũng không cô độc. Ta đã quen sống một mình, trước đây khi ông cụ còn sống, ông chỉ thích rượu, trong rượu có người ông yêu; lúc Tô Thu Trì còn sống, ta đứng từ xa nhìn cô và Tiết Vô Y đôi bên thương nhau, chàng chàng thiếp thiếp; lúc Tiết Vô Y và Thạch Thu Phong còn sống, từ đầu tới cuối họ chỉ sống trong nhà tù và lí tưởng của mình.

Trước nay ta vẫn luôn một mình.

Có Cục Đá cũng chỉ là nhiều thêm một thú vui.

Lúc ở Trường An, Cục Đá hãy còn rất ngoan, sau trưởng thành hơn, theo ta hành tẩu giang hồ rồi thì bắt đầu chạy lung tung khắp nơi, cứ đến chỗ nào mới là guồng chân chạy như điên, bắt cũng không bắt được, cứ phải mất dạng mười ngày nửa tháng mới nhếch nhác chạy về. Kỳ lạ là mỗi lần trở về đều là lúc ta chuẩn bị rời đi, Cục Đá như tiên tri từ trước, ngồi xổm ở đó đợi ta từ sớm.

Có lẽ trong xương cốt, nó là một con mèo hoang chân trời, còn tự động am hiểu đạo lí lãng tử quay đầu quý hơn vàng.

Trong nửa năm ấy, ta cứ ngẫm nghĩ suốt, sinh tử đời người rốt cuộc là sao. Trước đây ta cho rằng sống chết là chuyện quá tầm thường, bất kể đế vương tướng lĩnh hay dân đen áo vải cũng đều chẳng thoát được một vốc đất vàng một chồng xương trắng.

Sau đó, ta dần nghĩ thông. Hôm ấy ta khóc cũng chẳng phải vì Tiết Vô Y và Thạch Thu Phong chết, người lựa chọn cái chết là chính họ; ta cũng không phải bị mảnh giấy nhắn ấy làm cảm động, ta vẫn luôn hiểu rõ, Thạch Thu Phong chỉ coi ta như một nơi gửi gắm, một luồng sáng trên con đường lạnh lẽo tối tăm phía trước cậu.

Ta khóc vì chính mình.

Ta từng gặp rất nhiều người, nhớ được lại rất ít, người có thể gọi là bằng hữu lại càng ít hơn. Mà hôm nay…

Ta chẳng còn gì nữa.

Thế nên ta mới có thể rơi lệ, thế nên ta mới có thể khóc không thành tiếng, thế nên ta mới nức nở không dứt với mảnh giấy nhắn tuyên cáo ta đã mất mọi thứ kia.

Phật tổ nói đúng, phàm hễ có tướng, đều là hư vọng.

Ngày trở về Trường An, lại là một mùa xuân cảnh đẹp nắng ấm.

Cỏ mọc oanh liệng, hồng nhạn lên bắc.

Thẩm đại phu đi rồi, không đau không ốm, mất trong khi ngủ, lúc chết, trên mặt còn mang nét cười, như một vị Phật Di Lặc. Không đến hai tháng, người vợ già của ông cũng đi. Lúc ta đến Trường An, chỉ nhìn thấy hai ngôi mộ khăng khít tựa vào nhau.

Ta khoanh chân ngồi trước mộ rất lâu.

Gió lớn thổi qua, nắng xuân rực rỡ, trong đầu sáng tỏ thông suốt. Giống như ông cụ nào phải lãng tử phong lưu gì, chỉ là một kẻ hèn nhát khốn khổ vì tình, không chịu đi ra, Thẩm đại phu chẳng phải thần tiên, chỉ là một người phàm được tình yêu bảo hộ. Muốn gì làm nấy mà không vượt khuôn phép, khởi nguồn chẳng phải tâm mà là tình.

Còn rốt cuộc Phật tổ độ chúng sinh để độ chúng sinh hay độ chúng sinh vì chúng sinh, ai biết được Phật tổ nghĩ sao.

Đi viếng mộ Tiết Vô Y. Ta chôn cất hắn và Tô Thu Trì chung chỗ, khi còn sống họ đã chẳng thể đắp chung chăn thì tốt xấu gì sau khi chết cũng được nằm chung huyệt.

Đi viếng mộ Tô Thu Trì. Nhổ hết cỏ dại mọc trong gió xuân đi, hai một cành lê trắng cô thích nhất khi còn sống, đặt trước bia mộ.

Đi viếng mộ Thạch Thu Phong. Lấy từ bọc quần áo ra hộp gỗ đã theo ta một năm, giơ chén sứ trắng và nửa chén rượu còn dư lên thật cao, cùng đập vỡ trước mộ cậu. Sứ vỡ tung tóe, rượu đục chậm rãi chảy vào bùn đất.

Lúc rời đi, gặp trúng thiếu phụ được Thạch Thu Phong cứu.

Nàng không theo dân chạy nạn rời Trường An mà tái giá với một tiểu nhị quán trà. Nàng bế cậu con trai vừa tròn một tuổi, sắc mặt hồng hào, nụ cười dịu dàng. Phu quân tái giá không chê nàng có đứa con mồ côi từ trong bụng mẹ với chồng trước, đối đãi như con ruột.

Nàng nói, Thạch đại hiệp là đại ân nhân của nàng, cả đời cũng không quên.

Đi viếng mộ Hoài Ngọc, quỳ trước phần mộ là một ni cô, sống lưng thẳng tắp.

Nghe thấy tiếng động, cô quay đầu, ấy vậy mà lại là Phương Hàn Hoa.

Mắt mày tĩnh mịch, không còn lệ khí bao trùm một năm trước.

Ta đốt một cuộn tranh cô ưng đại mạc cho Hoài Ngọc. Ta tình cờ trông thấy bức tranh này trong một hẻm nhỏ ở Giang Đô, vẽ ưng đen tung cánh chao liệng, dưới ánh trăng lung linh, đại mạc trập trùng như tuyết như cát. Chắc chắn cô sẽ thích.

Đốt nhang, ánh lửa chập chờn, khói đen lượn lờ.

Ta hỏi: “Hôm nay cô tên gì?”

“Tiểu ni pháp hiệu Chiết Hoa.”

“… Ý gì?”

“Sư phụ nói, tiểu ni bị chuyện phàm quấy nhiễu, dậy lên tà niệm, đã mắc phải lỗi lớn. Trước khi xuất gia, tên tục của tiểu ni là Hàn Hoa, sư phụ bèn đặt pháp hiệu Chiết Hoa, mong tiểu ni cả đời dốc lòng hướng Phật, buông bỏ quá khứ, độ mình độ người.”

Lửa cháy hết, để lại một đống tro tàn.

Chúng ta mỗi người một ngả tại giao lộ.

“Tiểu ni còn phải ra khỏi thành thăm mộ cha và em gái nữa.” Cô bận áo tăng đen tuyền, gương mặt trẻ trung trắng như giấy, “Nhạn cô nương, từ biệt tại đây.”

Đạo sĩ mù dưới lầu vẫn ở đó, chỉ là chẳng có ai hỏi han sạp hàng.

Nghe thấy tiếng ta, lão rất đỗi ngạc nhiên: “Cô còn về cơ à.”

“Thêm mấy ngày rồi nghỉ chẳng làm nữa, về thôn thôi.” Đạo sĩ mù nói, lắc đầu thở dài, “Già rồi, không nổi nữa…”

Lão thu sạp, chống cây gậy gỗ xiêu vẹo, rời đi.

Tà dương chênh chếch, ráng chiều kín trời.

Trở lại nhà, mở cửa, đập vào mặt là mùi mục nát, bụi bặm ngập ngụa làm ta ho sặc sụa không dứt.

Trên bàn dài hãy còn đặt quyển “Đông Pha toàn tập”, chặn giấy đè trên trang viết bài “Định phong ba” của Tô Tử:

Cứ mặc lá rừng lát xát rơi, hãy thư thả bước, vịnh ngâm chơi. Gậy trúc giày rơm hơn vó ngựa, ai sợ! Chiếc tơi mưa gió kệ thây đời.

Heo hắt gió xuân, men rượu tỉnh, hơi lạnh, mặt trời chếch núi đón chào ngươi. Ngoái cổ lại nhìn nơi hiu quạnh, về rảnh, cũng không mưa gió, chẳng hong trời.1

1 Bản dịch của Nguyễn Xuân Tảo, “Tống từ”, NXB Văn học, 1999.

Cục Đá nhảy tót lên, nhào vào lòng.

Ta ôm nó đi sang hầm rượu, đào bầu rượu mơ cất năm ngoái ra, xách ghế ngồi dưới cây hòe già trước nhà, tự rót cho mình một bát rượu.

– Hết –