Nửa Chén Rượu

Chương 5: Hàn Hoa



Sau mưa dầm lại là hạn hán.

Đến phường giang hồ bịp bợm cũng chẳng dám mù quáng bịa bừa rằng năm nay là năm hoàng đạo nữa. Mặt người Trường An bị nắng gắt chiếu bạc màu, trắng bệch.

Một lần nữa nghe tin về mẹ con nhà họ Phương, là khi Phương nương tử tái giá.

Chị ta cưới một lão gia phú thương tuổi ngoài lục tuần làm tục huyền, năm sau định theo ông ta đi Giang Châu. Nhà chồng mắt không chứa nổi hạt cát, hai cô con gái một lớn một nhỏ bị chị ta vứt lại Trường An.

Mồng bảy tháng Tám, ngày hoàng đạo, hợp cưới gả.

Tuy là tục huyền nhưng cũng được nửa dặm hồng trang, hơn xa nhà người thường, khua chiêng gõ trống vô cùng náo nhiệt. Người tới xem lại chỉ lác đác, trên đường vắng ngắt, hàng xóm đứng sau cửa sổ, lạnh lùng nhìn cỗ kiệu đỏ thẫm lắc lư đi ngang qua trước nhà.

Ta nhớ lại ngày Phương đồ tể bị giết, ta đi tây thành mua đá, lúc trở về thấy anh ta vung dao chặt thịt trước sạp. Phương nương tử đứng không xa sau lưng anh ta, tay bế con gái thơ, bận áo thô giặt đến sờn vải, nhìn anh ta không chớp mắt, ánh mắt yên tĩnh êm dịu.

Khi ấy chị ta áo vải thoa gỗ, nở nụ cười lúm đồng tiền như hoa.

Hôm đó ta không trông thấy cô con cả nhà họ Phương, nghe nói một ngày trước em đã bế em gái rời khỏi Trường An, chẳng biết đi đâu.

Hai tháng sau thì gặp lại cô bé giữa phố phường nhộn nhịp.

Em đã biến thành ăn mày, quần áo lam lũ, mặt mày lấm lem. Rất nhiều người vây quanh em lên mặt dạy đời, chế nhạo cười mắng, đến lại đi, đi lại đến, không ai dừng chân dù chỉ nửa khắc. Em đứng trong gió rét căm căm và ánh mắt như dao của người đời, run lẩy bẩy, ưỡn lưng thẳng tắp.

Em muốn bán thân chôn cất cho em gái.

Bấy giờ ta mới biết, thì ra em tên là Hàn Hoa, Phương Hàn Hoa.

Tên rất đẹp, gợi ta nghĩ đến mai đỏ ngạo nghễ trong tuyết mù lả tả.

Những người hàng xóm hai tháng trước thấy Phương nương tử tái giá còn bất bình thay hai chị em nhà họ Phương, nay lại thờ ơ đi qua trước mặt em, mắt nhìn thẳng. Sau mưa dầm liền mấy tháng lại đến hạn hán mấy tháng ròng, họ tự lo cho mình còn không xong. Phương Hàn Hoa gọi một người phụ nữ đi ngang qua có quan hệ tốt với nhà mình trước đây, thị mắt điếc tai ngơ, rảo bước đi xa.

Lúc múc nước nhìn thấy mặt mình trong lu, chết lặng hờ hững.

Giống y gương mặt những người đó.

Phương Hàn Hoa đứng trong phố xá sầm uất suốt ba ngày.

Lúc ta đi tới, trước em chẳng có một bóng người. Mọi người đã sớm mất hứng thú với em.

“Nhạn cô nương, cầu xin chị thu em làm đồ đệ.”

Cô bé quỳ xuống đất, lưng thẳng tắp.

“Tôi không thu đồ đệ.” Ta nói.

Ánh mắt Phương Hàn Hoa như vũng nước tù, chẳng sợ ba đào. Em đứng dậy, không buồn phủi bụi đất trên đầu gối, sống lưng dựng thẳng cứng ngắc như thân lúa mạch cuối thu, chạm nhẹ là vỡ. Ta nhớ tới cái lần em hỏi ta cha em còn sống hay đã chết cách đây không lâu, đôi mắt nai to tròn trong sáng nhìn ta chăm chú, sau đó từng chút xám xịt trong sự trầm mặc của ta.

Ta đưa cho em một ngân phiếu ngàn lượng, đủ để em cơm áo không lo cả đời.

Em không chịu nhận.

Phương Hàn Hoa quỳ xuống tuyết bẩn, ngẩng đầu nhìn ta, mắt vằn vện tia máu, hệt một con thú nhốt lồng gầm rống khi bị thương: “Cầu xin chị dẫn em đi gặp Tiết Vô Y.”

Mắt em rất đen, như thạch anh đen bóng.

Ta không biết làm sao mà em biết được rốt cuộc cha em chết thế nào, làm sao biết được thân phận của cha em, làm sao biết được Tiết Vô Y có quan hệ với ta, hay làm sao biết được Tiết Vô Y có thù oán với Hoài Vô Nhai.

Ta nhìn vào mắt em: “Người giết cha em là Thạch Thu Phong.”

“Em biết.” Em nói, “Thạch Thu Phong chỉ giết cha em mà thôi, người hại chết cha em là tên súc sinh Hoài Vô Nhai đó.”

Ta không biết giữa Phương đồ tể và Hoài Vô Nhai có những chuyện gì, đó là ân oán tình thù của một nhóm người khác.

Hoài Vô Nhai sinh ra trong dân gian, không có nền tảng thế gia võ học, xuất phát điểm quá thấp, đi lên lại quá cao. Đời này để đi lên vị trí đứng đầu giang hồ, ông ta không từ một thủ đoạn, hai tay áo tươm tất, máu tươi nhuốm đầy tay, chuyện người kết thù với ông ta có kể mười ngày mười đêm cũng chẳng hết.

Phương Hàn Hoa tự tay chôn cất em gái. Vừa khéo làm sao mà an táng ở ngoại thành cách ngôi mộ vô danh bên bờ Vị Thủy của Phương đồ tể rất gần.

Em không để ta khắc bia, nhìn nấm mồ mới đắp gồ lên nho nhỏ, em cười trong trẻo như trong quá khứ.

“Cứ thế lên trời đi, không cần mang tên, sạch sẽ gọn gàng.” Em nói.

Ta mang em đi mua quần áo, em chỉ cần một bộ y phục trắng.

“Không mua màu đỏ à?” Ta hỏi. Ta nhớ trước đây em thường mặc sắc son.

Phương Hàn Hoa cười: “Màu đỏ chói lắm.”

Lúc đi qua sạp son phấn kia, em lại ngừng chân, đứng lặng hồi lâu trước sạp hàng, chọn hộp Đại Hồng Xuân đào thắm nhất. Em dùng ngón tay tô son lên môi, tươi tắn như máu, làm sắc mặt em nom càng thêm trắng nhợt, tựa như mai đỏ chậm rãi đơm bông trong tuyết lạnh.

Trước đây em không trang điểm, vì Phương nương tử nói với em, cô nương tốt không cần son phấn.

Người phụ nữ năm mươi tuổi bán phấn vẫn tô son trát phấn dày mặt, nhận lấy bạc vụn ta đưa, tủm tỉm hàn huyên: “Phong thủy chỗ này tốt thật, tôi tới đây kiếm lời to mấy bận rồi, cũng chẳng biết cửa hàng trước làm sao mà không buôn bán được, đất lành thế này cơ mà.”

Phương Hàn Hoa cũng cười: “Còn chẳng phải nhờ bác buôn bán mát tay ạ.”

Nụ cười rực rỡ như hoa.

Ta không dẫn Phương Hàn Hoa đi tìm Tiết Vô Y. Ta giao em cho Thẩm đại phu, ông vừa vặn thiếu một học trò.

Phương Hàn Hoa không phản đối, im lặng đi.

Ta nhìn em rời đi, chẳng biết tại sao mắt cứ đăm đăm. Ta không biết lần tới gặp lại, em sẽ như thế nào, mà cũng có thể chẳng có lần tới.

Lúc xoay người mới phát hiện tuyết rơi.

Một chốc sau đã nửa người sương muối.

Bắt đầu từ hôm đó, tuyết lớn liên tiếp hơn một tháng.

Phía nam người chết rét chết đói đếm không xuể, bách tính chạy nạn tràn vào Trường An, bất cứ chỗ nào ven đường cũng có thể thấy thi hài chết rét. Nhà nhà đóng chặt cửa sổ, cháo loãng nhà giàu phát chẩn căn bản đút không no dân tị nạn, tăng nhiều cháo ít, đâu đâu cũng là người gây sự xin ăn, bèn dứt khoát đóng chắc cửa son, cháo loãng cũng thôi phát.

Nhất thời kinh doanh ế ẩm.

Người chết rất nhiều, nhưng không một ai cần bia mộ.

Mỗi ngày trong thành đều có người chết rét, chết đói, vì gây chuyện mà dân tị nạn bị chém đầu thị chúng, giết gà dọa khỉ. Khe đá xanh trên pháp trường lấp đầy máu, chưa kịp đông đã lại bị máu tươi thấm ướt. Thi thể bị chém đầu ném ra bãi tha ma làm lương thực cho chó hoang, dân tị nạn chết rét chết đói bị quân lính chất đống một chỗ, đào đại một cái hố chôn làm mộ chung, chẳng phân biệt được ai vào với ai.

Các hộ đóng chặt cửa, dẫu nhà có người qua đời cũng không dám ra phố.

Không ai thèm hỏi han đến việc làm ăn của ta, ấy vậy nhưng Tiết Vô Y thì lại bận đến chân không chạm đất. Những ngày qua, chủ thuê muốn giết người bỗng chốc tăng vọt mười mấy lần, thành Trường An hỗn loạn là dễ im ỉm giết người nhất, hoặc giả, chết một cá nhân cũng chẳng ai để ý. Sát thủ Trường An giết cũng giết không nổi, trùm sát khách đếm tiền đến mỏi tay, ngay cả hạng sát khách độc hành như Tiết Vô Y cũng có mối làm ăn ngày ngày.

Thư sinh viết, loạn thế tới rồi.

Hiệp khách rút đao, giang hồ loạn lạc.

Đại phu than thở, đúng là tạo nghiệt.

Dân đen nơm nớp, không một ngày yên.

Lãng nhân cười nhạo, người chết kẻ sống cũng chẳng quá rạch ròi.

Trùm sát khách kiếm được đầy chậu đầy bát, cả cười, loạn thế tới thật quá đúng dịp.

Trong ngõ khói hoa vẫn hằng đêm sênh ca, sòng bạc quán trà vẫn ồn ã tiếng người, lầu son gác tía vẫn ngất ngây hương nồng. Vương hầu vọng tộc thấy dân tị nạn tránh còn chẳng kịp, xem như chuột chạy qua đường, người người hô đánh. Trừ lúc ra cửa mang nhiều thêm mấy thị vệ mở đường ra thì thỉnh thoảng lên phật đường thắp nén nhang vái lạy, sinh hoạt khác vẫn chẳng có thay đổi, cành vàng lá ngọc vẫn như xưa. Bách tính ai nấy tái mét mặt núp sau cửa sổ, nhìn bên ngoài long trời lở đất, nhìn người khác kêu khóc sống chết, một chữ không hé răng.

Đây là loạn thế, nhưng cũng không phải.

Đời người vốn như vậy.

Tiết Vô Y không có thời gian đến chỗ ta uống rượu mơ, chỉ duy có một buổi hoàng hôn như máu thì hắn tới. Hắn bận đến không kịp đổi quần áo, trên người còn dính máu người khác, mùi máu tanh nồng tản ra khắp phòng.

Tiết Vô Y không uống rượu mơ, chỉ hỏi ta lấy một chén trà lạnh.

“Giết người nhiều quá, miệng toàn mùi máu tanh.” Hắn nói.

Tay cầm đao của hắn vẫn rất vững, trong chén trà lại hơi hơi gợn sóng.

Ta nhìn lá trà chìm nổi trong chén sứ trắng, hỏi: “Trận đại loạn này qua rồi, không ít sát thủ sẽ rời khỏi sát đạo nhỉ?”

Người trong sát đạo phần lớn đều thân bất do kỉ, vả lại già nửa sát thủ đều phải sống cuộc sống như phù du có sáng nay không có ngày mai. Trận đại loạn này dẫu là sát thủ hạng ba cũng đủ kiếm bạc dùng cả đời.

“Rút lui?” Tiết Vô Y giễu cợt, “Nhạn Cửu, một khi đã vào sát đạo thì chẳng có đường mà về đâu. Trong tay sát khách có bao nhiêu mạng người, không có sự bảo hộ của sát đạo thì chỉ có nước tìm chết. Cô nói xem ai dám đi?”

Ta nhìn thanh đao đặt trên đầu gối hắn: “Anh thì sao?”

Ta biết hắn không sợ điều này. Sát khách độc hành tưởng chừng như nằm trong sát đạo, thực tế lại tách biệt sát đạo, nặng ở chữ “độc”. Sát khách độc hành “Huyết Đao Tử” Tiết Vô Y danh chấn Trường An, Tiết Vô Y mà bao người giang hồ nghe tiếng chạy biệt, chưa bao giờ sợ hãi những thứ này.

Tiết Vô Y như thẫn thờ, nghiêng đầu nhìn ráng chiều rực lửa thiêu đốt nửa khoảng trời. Hồi lâu sau, nhoẻn cười nhạt nhẽo có phần tự giễu: “Nhạn Cửu, tôi không thể rời bỏ cuộc sống mũi đao liếm máu này. Nếu tôi rời khỏi sát đạo, không giết người nữa, bản thân tôi cũng chẳng biết mình sẽ trở nên thế nào. Có lẽ… sẽ thành kẻ điên?”

Hắn cười khẽ: “Ai biết được.”

“Nhưng Nhạn Cửu,” Tiết Vô Y nói, “Tôi không thể ngừng lại. Tôi cũng không biết rốt cuộc vì sao mà mình của hôm nay lại giết người, nhưng tôi biết mình chắc chắn không thể ngừng, bằng không tôi sẽ toi.”

Từ đầu đến cuối, gợn sóng trong chén trà của hắn vẫn không tan.

Sát khách phải vững tâm, chắc tay, mới có thể một chiêu lấy mạng rồi lặng lẽ thoái lui không tiếng động. Nước trà gợn sóng, lòng Tiết Vô Y đã mất vững, cách ngày không chắc tay cũng chẳng xa, không có khả năng hắn không nhận ra chuyện này. Hắn nên lập tức rời khỏi sát đạo ngay bây giờ, bằng không sớm muộn gì cũng chết.

Tiết Vô Y lại nói, hắn không ngừng được giết người.

Hắn đang cầu xin được chết.

Hôm ấy, uống trà được nửa canh giờ, Tiết Vô Y lại vội vã rời đi.

Ta ngồi trước cửa sổ rất lâu, nhắm mắt, nhớ lại rất nhiều người và rất nhiều khuôn mặt. Tiếng cười của Tiết Vô Y chế nhạo ta thuở thiếu thời, khuôn trăng của Tô Thu Trì luôn mềm dịu tủm tỉm, con ngươi đen láy trong trẻo của Thạch Thu Phong, nụ cười rạng rỡ của Hoài Ngọc khi ngắm thinh không, đôi mắt sáng ngời như nai con của Phương Hàn Hoa, gương mặt thật thà chất phác của Phương đồ tể, lúm đồng tiền yên bình hạnh phúc của Phương nương tử.

Và cả buổi hoàng hôn ráng chiều giăng kín trời ấy, rốt cuộc Tiết Vô Y cũng được môn chủ một môn phái nhỏ coi trọng, hưng phấn guồng chân chạy như điên trên đồng hoang, ngửa mặt lên trời ngã ngửa ra đất nằm, dang hai tay gào lên với trời:

“Sống mẹ nó thêm năm trăm năm nữa…!”

Trong ngõ vắng có chó sủa ăng ẳng, thoáng chốc bừng tỉnh.

Mở mắt, tuyết lớn ngoài phòng bay tán loạn.