Những Tháng Năm Hổ Phách

Quyển 1 - Chương 1



Ngày hè oi nồng, ánh mặt trời như  lửa đỏ rực bên song, hơi nóng bủa vây căn phòng không có điều hòa, ngột ngạt như trong lò lửa.

Trời rất nóng nhưng lòng Tần Chiêu Chiêu lại lạnh giá vô cùng, tất cả chỉ vì cuộc điện thoại của mẹ cô khi nãy. Mẹ gọi tới cũng chỉ kể mấy chuyện vặt vãnh trong nhà, vốn chẳng có gì đáng để tâm trạng của cô chùng xuống như vậy. Thế nhưng mẹ sực nhớ ra, báo cho cô: “Căn nhà cấp bốn chúng ta ở trước kia sắp bị dỡ bỏ, hàng xóm  xung quanh  cũng chuyển đi hết rồi. Chính quyền thành phố đang có ý định xây lại chỗ này thành nhà cho thuê giá rẻ.

Căn hộ cũ của Tần gia vỗn do cơ quan ba mẹ Tần Chiêu Chiêu phân cho nhân viên, tới lúc cần dỡ bỏ rồi sao? Thật khó mà tin được chuyện này, cô không sửng sốt: “Khi nào thì phá dỡ ạ?”

“Cũng sắp rồi, chính quyền yêu cầu toàn bộ dân cư nhanh chóng chuyển đi trong vòng nửa tháng, giải tỏa xng sẽ tiến hành dỡ bỏ mấy gian nhà cũ rồi xấy nhà mới lên.”

“Có nửa tháng thôi à, sao nhanh thế?”  

“Ừ, nhanh vậy đấy! Mẹ nghe nói kinh phí lần này lấy từ ngân sách dành để xây dựng nhà cho thuê giá rẻ của nhà nước. Cuối năm nay là hết hạn, không giải ngân sớm, chính phủ sẽ thu hồi vốn nên chính quyền thành phố mới đặc biệt để tâm như vậy.”

“Bao nhiêu người như thế, bảo dọn thì dọn đi đâu được? Cũng phải đến vài chục hộ ấy chứ, mà chuyển nhà đâu phải chuyện đơn giản?”

Mẹ cô giải thích, thật ra thì mấy chục hộ sống ở khu đó đều vui vẻ gấp rút dọn đi. Vốn dĩ mấy gian nhà họ ở thuộc về nhà máy, không đứng tên họ. Hơn nữa, đây toàn là nhà cấp bốn xây kiểu cũ: nhỏ hẹp, ẩm ướt lại không có nhà vệ sinh riêng, những người còn lại ở đó đến giờ chủ yếu là do không đủ tiền mua căn nhà mới tử tế. Nay tự nhiên chính quyền có ý định xây nhà cho thuê giá rẻ mà thực chất là sửa sang lại nhà cửa rồi thống nhất cho những gia đình khó khăn thuê. Tiền thuê nhà có một tệ một mét vuông, không khác nào được ở không đâu. Hơn nữa, những hộ cần chuyển đi để lấy đất cho dự án sau này có thể được ưu tiên phân cho một căn, chẳng khác nào được cấp nguyên nhà mới, có ai không vui vẻ chuyển đi chứ? Thế nên mọi người đều nhanh chóng tìm chỗ để chuyển đi cả rồi.

“Có điều, phải chuyển nhà cũng rất phiền phưc, chỉ chuyển tạm thời càng phiền toái hơn. Cũng may nhà mình đã mua được nhà mới, sửa sang đâu vào đấy rồi, vừa kịp để va mẹ chuyển qua bên đó. Vốn dĩ ba con chẳng muốn đi đâu, ông ấy bảo ở nhà trệt thế này quen rồi, giờ chuyển sang nhà lầu thấy không quen, định giữ lại căn nhà bên kia để khi nào con về thì ở, còn ba mẹ cứ ở nhà trệt bên này thôi. Giờ thì chẳng ở được nữa rồi, mấy bữa nay ba mẹ đang lục tục chuẩn bị dọn nhà. Trong nhà nhiều đồ linh tinh quá, thượng vàng hạ cám gì cũng có, mấy thứ này chẳng mang sang nhà mới làm gì. Mẹ quay về sửa soạn một chút, xem cái gì cần thì giữ lại, cái gì có thể bỏ thì bỏ bớt. Đồ đạc của con mẹ chẳng biết bỏ cái gì, thôi thì cứ giữ lại hết, sau này lúc nào về nghỉ con xem lại muốn giữ cái gì thì giữ, không thì bỏ, thế nhé!”

Bình thường vẫn nghe nơi này, nơi kia phải phá dỡ hay giải tỏa nhưng Tần Chiêu Chiêu chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày căn nhà mình đã sống từ nhỏ cũng bị giải tỏa. Cô vẫn nghĩ sẽ chẳng bao giờ có ngày đó đâu, vì khu nhà máy cũ nằm ở ngoại ô phía đông thành phố, cách xa nội thành, mấy công ty địa ốc hay phòng môi giới nhà đất đều chẳng buồn để mắt tới vùng này. Thật không ngờ  có ngày chính quyền lại muốn xây nhà cho thuê giá rẻ ở đây, vậy là căn nhà cũ của gia đình cô chẳng giữ được nữa rồi.

Đặt điện thoại xuống, ngoài kia ánh dương vẫn rừng rực thiêu đốt, hơi nóng vẫn bủa vây căn phòng hầm hập như lò lửa, nhưng Tần Chiêu Chiêu lại thấy tim mình nguội lạnh, một niềm xúc động dâng lên trong lòng chỉ chực bật ra thành nước mắt.

Nhà cũ phải phá bỏ rồi.

Chỉ là… sao cô lại luyến tiếc đến thế?

Dẫu rằng ngày còn bé cô cũng từng uất hận tại sao mình phải sống trong gian nhà cũ nát kinh khủng đó. Căn nhà cũ kĩ, sơ sài lại âm u, ẩm thấp, mỗi lần trời mưa đều phải mang chậu rửa bát ra hứng nước dột. Nhưng con người sinh ra có ai được lựa chọn chốn xuất thân, cuộc đời cô bất đắc dĩ khởi đầu từ nơi đó rồi. Bao nhiêu năm tháng trôi qua, căn nahf cũ kĩ ấy đã cùng cô lớn lên, dõi theo cô từ khi nhỏ xíu, bi bô tập nói cho đến ngày trưởng thành, trở hành một cô gái duyên dáng, yêu kiều. Căn nhà ấy ôm trọn trong mình tất cả những tháng ngày đẹp đẽ nhất của cuộc đời cô.

Ngôi nhà cũng là chứng nhân thầm lặng cất giữ mọi tâm sự, bí mật của cô. Người cô từng thích, người từng thích cô… Trong căn phòng bé nhỏ chục mét vuông này, dưới ánh đèn bàn vàng vọt kia, cô nắn nót từng nét chữ viết thư. Những bức thư ấy, chẳng biết tới giờ họ còn giữ không? Nếu còn, hẳn những nét chữ xanh xanh ngượng nghịu, vụng dại khi xưa đã tan vào năm tháng chảy trôi và nhạt nhòa gần như chẳng còn gì nữa rồi. Ngày nào đó, nếu họ vô tình thấy lại chúng trong đống đồ cũ, chẳng biết có còn nhớ được những dòng chữ ấy là của ai không?

Thế nhưng, ngôi nhà cũ kia thì hẳn còn nhớ, nhớ rõ lắm. Trên vách tường nào đó cô đã từng khắc tên người mình thích, khung cửa sổ từng bao lần bị người thích cô khe khẽ gõ vang… Căn nhà cũ giống như bảo tang của cuộc đời cô, âm thầm cất giữ những tháng ngày, những tình yêu và mộng tưởng tươi đẹp nhất trong cuộc đời cô. Vậy mà giờ đây, cô lại mất nó. 

Nước mắt lặng lẽ tuôn rơi, từng giọt từng giọt, ướt đẫm vạt áo. Trong làn nước mắt, những chuyện cũ năm xưa như một nhúm trà xanh, dịu dàng bung nở giữa dòng ký ức ấm áp, tỏa ra mùi hương thơm ngát cùng dư vị chua xót mãi không tan.

****

Thuở nhỏ, Tần Chiêu Chiêu thích nhất hai việc là ăn và chơi.

Thật ra đứa trẻ con nào cũng ham ăn, ham chơi, nhưng có thể coi Tần Chiêu Chiêu là ham ăn, ham chơi nhất trong số đó. Về khoản ăn uống, miệng cô đặc biệt tham lam, không bao giờ nhịn được khi thấy đồ ăn, nước miếng cứ thế ứa ra, vô cùng thèm thuồng.

Khi đó là những năm 80 của thế kỷ XX, cái ăn cái uống còn thiếu thốn nhiều. Mặc dù Cải tổ kinh tế[1] như làn gió xuân tươi mới đã bắt đầu thổi qua những vùng duyên hải hẻo lánh, nhưng đối với những thành phố nằm sâu trong đại lục, đó vẫn chỉ như “gió xuân không qua nổi ải Ngọc Môn[2]”, chẳng thấm tháp gì.

[1] Cải tổ kinh tế Trung Quốc (Cải cách khai phóng): là một chương trình thực hiện các thay đổi về kinh tế gọi là “Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” do Đặng Tiểu Bình đề xướng và lãnh đạo từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX và vẫn tiếp tục ở đầu thế kỷ XXI với mục tiêu cải tổ nền kinh tế Trung Quốc, tạo ra giá trị thặng dư đủ để cung cấp tài chính cho công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế của Trung Quốc đại lục.

[2] Nguyên văn: “Xuân phong bất độ Ngọc Môn quan” trích Lương Châu từ của Vương Chi Hoán đời Đường. Ngọc Môn quan là cửa ải trọng yếu trên tuyến đường giao dịch của Trung Quốc với các nước phía Tây Vực, di tích này vẫn còn tại Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc.

Tần Chiêu Chiêu sống cùng ba mẹ tại một thành phố “gió xuân chưa thổi tới” trong đại lục. Đó là một thành phố công nghiệp nhỏ thuộc tỉnh Giang Tây, hầu như tất cả các xí nghiệp quốc doanh lớn bé trong thành phố đều lấy tên “Nhà máy”, không giống bây giờ đổi hết thành hai chữ “Công ty” theo lối phương Tây. Ngày đó, hai người gặp nhau lần đầu, muốn biết nơi công tác của nhau sẽ hỏi: “Bác ở nhà máy nào vậy?”

Ba mẹ Tần Chiêu Chiêu cùng làm trong một nhà máy cơ khí quốc doanh. Nhà máy trải suốt một vùng rộng lớn ở ngoại ô phía đông thành phố, ngoài những dãy nhà xưởng rộng lớn còn có nhà ăn, ký túc xá, cửa hàng, chợ, nhà khách, rạp chiếu phim, bệnh viện, nhà trẻ, trường học… thậm chí còn có cả chi nhánh bưu điện, ngân hàng. Tất cả gói gọn lại như một vương quốc nhỏ lấy nhà máy làm trung tâm. Vương quốc này nằm liền kề với mấy nhà máy hầm mỏ quy mô vừa và nhỏ cùng nhiều thôn xóm vùng ngoại ô phía đông, tạo nên một khu vực thành thị – nông thôn kết hợp với nét đặc sắc riêng. Cả vùng này sinh ra vì có nhà máy, sống được nhờ có nhà máy nên tên cũng lấy tên nhà máy mà đặt. Nhà máy có tên “Nhà máy cơ khí Trường Thành”, thường gọi tắt là Trường Cơ, vì thế cả vùng này gọi là khu Trường Cơ.

Hầu hết cán bộ, công nhân viên làm việc tại Trường Cơ đều sống trong những gian nhà nhỏ do nhà máy phân cho. Phòng ốc được xây từ những năm 60, đa số đều là nhà cấp bốn, tường thuần một màu gạch đỏ tươi lợp mái ngói xanh. Nhà cửa lô nhô cao thấp dày đặc suốt hai bên trái phải dọc theo sườn đồi, trải nguyên một triền núi. Nhà thì nhiều mà không gian chỉ có hạn, nên mỗi khi trong dãy nhà có ai đó nói to một chút là hai bên hàng xóm đều nghe rõ mồn một. Nếu chẳng may có nhà nào đánh mắng nhau ầm ĩ, hàng xóm ba bề bốn bên đều biết mà kéo tới xem náo nhiệt.

Tần gia sống trong một căn hộ dành cho gia đình nằm phía trên cùng bên trái dãy nhà cao nhất ở sườn núi phía đông của khu tập thể. Các dãy nhà có chừng chục gia đình, mỗi nhà có hai gian lớn bé kiểu cách giống nhau, tổng diện tích chừng mười bảy mét vuông, dọc theo tường nhà ngoài còn nối thêm một dãy phòng bếp hẹp và dài, nhỏ tới mức hai người cùng chui vào là không xoay nổi người. Hai hộ dùng chung một căn gác xép, không có nhà vệ sinh riêng, muốn đi vệ sinh phải tới nhà vệ sinh công cộng gần đó. Riêng việc tắm rửa, mùa hè có thể xách nước vào tắm trong nhà bếp, đến mùa đông đành sang nhà tắm của nhà máy.

Ngày đó, đời sống của công nhân viên chức nhà máy phần lớn đều khó khăn. Lương tháng không cao nên hết giờ làm nhiều người tranh thủ khai khẩn đất hoang quanh nhà để gieo luống rau hoặc vây rào nuôi vài ba con gà, lấy cái đắp đổi qua ngày. Những ngày tháng ấy, ngoại trừ ba bữa cơm một ngày, đám trẻ con căn bản không có thêm món đồ ăn vặt nào khác, người lớn không nỡ phung phí tiền bạc cho những thứ như vậy. Thỉnh thoảng được cho vài hào, mua mấy viên kẹo xù xì góc cạnh ngậm trong miệng là đã thấy vui mừng như nở hoa trong lòng rồi.

Cũng may, dẫu người lớn thường xuyên tiết kiệm tiền mua đồ ăn thức uống nhưng mỗi dịp lễ tết, nhà máy đều phát phúc lợi cho nhân viên, hầu hết là đồ ăn: có khi là những túi bánh quy đào giòn tan, có lúc lại là từng thùng lê, táo hoặc túi bánh Trung thu… Mỗi lần xưởng phát phúc lợi là một lần vui vẻ của cô bé Tần Chiêu Chiêu, bởi vì như vậy đồng nghĩa với việc được ăn uống thỏa thích.

Thời điểm vui vẻ nhất trong năm đương nhiên là Tết âm lịch, chẳng những nhà máy phát đồ mà ở nhà ba mẹ cũng sẽ làm thêm vài món ngon đón Tết: bánh đậu chiên giòn này, bánh bỏng gạo này, còn cả gừng ngâm đường nữa… nhà nào cũng giống nhà nào. Đám trẻ con vô cùng hăm hở tới từng nhà chúc Tết, ăn hoa quả. Đứa nào cũng chọn chiếc áo thật nhiều túi, ăn no nê rồi còn cố nhét cho đầy túi mới thỏa mãn rời đi.

Ngoài những ngày lễ Tết được phát món này món kia, hằng năm mỗi khi hè về, tới mùa dưa hấu, nhà máy lại cử vài xe tải tới các huyện lân cận mua dưa hấu về bán rẻ cho công nhân viên trong các xưởng, cứ năm hào một cân, thật như vừa bán vừa cho, mỗi người được mua tối đa hai mươi lăm cân. Mỗi khi tới ngày xe tải của nhà máy chở dưa về, đám con nít trong khu tập thể lại được phen mừng vui hớn hở, một đoàn con nít lô nhô đứng chờ trên đường lớn trước cổng nhà máy, hết mong lại ngóng, chỉ hy vọng xe dưa có thể về sớm. Thế nhưng, có lần đoàn xe chở dưa gặp trục trặc giữa đường về nên tới tận tối mịt vẫn chưa thấy đâu, rất nhiều đứa trẻ khóc lóc, sụt sịt, nhất định không chịu đi ngủ. “Con muốn ăn dưa hấu cơ, phải ăn dưa xong mới đi ngủ cơ.”

Tần Chiêu Chiêu chính là đứa nhóc khóc dữ nhất, bất kể ai dỗ dành thế nào cũng không chịu đi ngủ, nhất định phải chờ tới khi đoàn xe chở dưa về mới chịu thôi. Cuối cùng mẹ cô đành chịu thua, bỏ luôn ý định dỗ cô bé đi ngủ. Chỉ là đợi lâu như vậy, lại khóc nhiều, cô nhóc tự khắc mệt mỏi, bèn dựa vào lòng mẹ ngồi chờ, mí mắt cứ trĩu dần xuống, rồi ngủ lúc nào không biết. Sáng hôm sau, vừa mở mắt đã sực nhớ ra hôm qua chưa đợi được dưa hấu về, cô liền nhảy bụp khỏi giường, để nguyên chân trần chạy đi, vừa chạy vừa khóc. “Mẹ ơi, mẹ ơi, hôm qua con vẫn chưa được ăn dưa hấu.”

Nhưng vừa mới chạy tới gian ngoài, thấy một hàng bảy, tám trái dưa da xanh biếc nằm lăn lóc dưới đất bên chân tường gạch đỏ tươi là cô bé nín ngay. Rốt cuộc, dưa hấu cũng về tới nhà rồi.

Mỗi ngày sau bữa trưa, mẹ cô lại bổ một quả dưa hấu: một nửa ăn buổi trưa, nửa kia để tối ăn. Vì nhà không có tủ lạnh, dưa hấu bổ ra rồi phải ăn hết ngay trong ngày, nếu không sẽ hỏng mất nên Tần Chiêu Chiêu rất thích chí vì cô bé có thể ăn tới sướng bụng thì thôi.

Nhưng những món như bánh quy đào giòn hay bánh Trung thu hoặc các loại hoa quả như lê, táo lại giữ được khá lâu nên mẹ cô sẽ luôn cất hết đi, không để cho cô bé được ăn tới no nê, thỏa thích. Thỉnh thoảng mẹ mới lấy cho cô một miếng, còn nói mấy món đồ ngon thì nên để dành mới ăn được lâu. Cô bé nghe vậy cũng chẳng hiểu gì, trong lòng ấm ức, cảm thấy sao mẹ mình hẹp hòi quá.

Khi đó, Tần Chiêu Chiêu cũng chưa nhận ra rằng, tuy mẹ chẳng bao giờ để cô được ăn thỏa thích nhưng những đồ ăn ngon như vậy hầu như chẳng bao giờ ba mẹ động tới, cuối cùng có bao nhiêu đều chui cả vào bụng cô.

Lúc ấy, cô bé chỉ cảm thấy chưa thỏa mãn, còn tham ăn tới mức tự mình phải đi lấy trộm. Có lần nhà máy chia táo cho công nhân, mỗi người được một thùng, vậy là ba mẹ được hai thùng mang về. Mẹ cô khui cả hai thùng táo, cẩn thận lựa những quả sứt sẹo, hay bị sâu đục ra ăn trước rồi xếp hết những quả ngon lành vào trong một chiếc chậu lớn, cất tận trên nóc tủ ba gian. Để như vậy thoáng khí hơn cất trong thùng giấy, đồ ăn sẽ lâu hỏng hơn.

Tần mẹ chắc mẩm tủ cao như vậy chỉ có người lớn mới với được, Tần Chiêu Chiêu bé nhỏ tuyệt đối không thể nào với tới. Nhưng mẹ cô lại quên mất con gái mình là một con sâu háu ăn, một khi đã dính tới đồ ăn thì đầu óc sẽ vô cùng nhanh nhạy, nghĩ ngay ra cách kê thêm một chiếc ghế đẩu nhỏ trên chiếc ghế tựa cao rồi trèo lên đó để trộm táo. Đến khi mẹ cô phát hiện ra thì chậu táo đã vơi non nửa.

Vì chuyện này mà ba nổi giận, quất cho cô bé vài cái vào mông, khiến cô khóc ầm ĩ một hồi. Từ khi bị đánh, cô bé ngoan ngoãn hơn, không dám động lòng trộm gì thêm nữa.

Số lần nhà máy phát đồ ăn ngon dù sao cũng có hạn, cả năm tính đi tính lại cũng chỉ được vài lần, hơn nữa đồ ăn về lại luôn bị mẹ “cất giữ nghiêm ngặt” nên những lúc bình thường, con mèo tham ăn Chiêu Chiêu sẽ phải tự thân nghĩ cách để kiếm được món này món kia.

Mấy quầy tạp hóa trong nhà máy cũng có bán những món đồ ăn vặt thật ngon mắt, nhưng trong túi không có tiền thì chỉ có thể ngồi nhìn chứ làm sao ăn được. Tìm ba mẹ xin tiền mua quà vặt thật vô cùng khó khăn, mười lần vòi vĩnh may ra mới được một lần. Tần Chiêu Chiêu liền dẩu cái miệng nhỏ xíu càu nhàu với mẹ: “Mẹ à, vì sao con không được lĩnh lương vậy? Có lương rồi con sẽ không cần tìm ba mẹ xin tiền nữa.”

Mẹ cô nghe vậy, cười không ngớt: “Con muốn được lĩnh lương sao? Vậy phải chờ lúc nào con lớn, đi làm mới được.”

“Bao giờ con mới lớn nhỉ?”

Ba cô liền trêu con gái: “Mỗi ngày ăn thêm hai bát cơm, đảm bảo con sẽ lớn nhanh.”

Tần Chiêu Chiêu ngây thơ tin là thật, ngày nào cũng cố gắng ăn thật nhiều, ăn no căng bụng. Nhưng ăn nhiều như vậy mà hiệu quả chẳng thấy đâu, vẫn chỉ là cô bé nhỏ xíu, cô rất bất mãn: “Con ăn bao nhiêu cơm như thế, ăn lâu ơi là lâu, sao chẳng lớn thêm vậy, thật chẳng hay ho gì.”

Chuyện lớn nhanh xem chừng rất xa vời, muốn được lĩnh lương cũng không thể ngày một ngày hai được, Tần Chiêu Chiêu chỉ còn cách là thường xuyên tìm cớ vòi vĩnh ba mẹ tiền mua đồ ăn, tất nhiên chuyện này rất khó khăn. Ngoài ra, cũng có những món đồ ăn vặt không mất tiền, ví dụ như kẹo leng keng.

Kẹo leng keng không cần mua bằng tiền, có thể đổi bằng đồ phế liệu hay đồ bỏ như vỏ tuýp kem đánh răng dùng hết, quần áo thủng, giày rách, lá sắt vụn hay dây thép nhỏ. Ông lão vẫn hay gánh gánh hàng kẹo leng keng đi hết nhà này sang nhà kia luôn là người được đám con nít trong khu hoan nghênh nhất, mỗi lần vừa nghe thấy tiếng rao “Kẹo leng keng, kẹo leng keng đây!” là lũ trẻ con lại ùa về phía ông như bầy én nhỏ.

Kẹo leng keng là một khối kẹo tròn, lớn bằng mặt thớt, bên ngoài phủ một lớp đường kết tinh trắng muốt như bột phấn, bên trong vàng ruộm, óng ả như lúa mạch chín. Khối kẹo giòn và rất cứng, ông già bán kẹo phải dùng một lưỡi đục và một cây búa nhỏ ghè khối kẹo lớn thành từng viên nhỏ giống như người ta đẽo đá; búa chạm lưỡi đục tạo nên những tiếng leng keng nên mới có tên là kẹo leng keng. Viên kẹo cứng đơ như vậy nhưng vừa ngấm nước bọt là sẽ nhanh chóng mềm ra, cắn một miếng là có thể kéo ra thành sợi vừa nhỏ vừa dài, mùi vị vô cùng thơm ngon, ngọt ngào nhưng dính răng không gì bằng. Người lớn không thích ăn món này nhưng trẻ nhỏ thì cực kỳ ưa thích.

Nhưng thích thì thích vậy chứ cơ hội đổi được kẹo để ăn không nhiều. Gánh kẹo leng keng của ông lão cơ hồ ngày nào cũng ghé qua khu tập thể nhưng vỏ kem đánh răng, giày rách, sắt vụn, dây thép hỏng đâu phải ngày nào cũng có. Cuộc sống khó khăn nên người lớn ai ai cũng tiết kiệm, quần áo mặc rách thì mạng vá lại rồi mặc tiếp, giày hỏng rồi cũng không tùy tiện vứt bỏ. Những đôi xăng đan nhựa đi mấy năm đã rách vẫn được giữ lại, nếu đôi đang dùng chẳng may đứt quai, sẽ cắt lấy một mảnh từ đôi cũ hơ qua trên lửa cho mềm rồi gắn lên, tiếp tục dùng. Hầu như nhà nào cũng tiết kiệm như vậy nên những thứ gọi là đồ bỏ mà bọn trẻ có thể mang đi đổi lấy kẹo ăn thật sự không dễ kiếm chút nào.

Thời thơ ấu, Tần Chiêu Chiêu nhớ mãi hai lần đi đổi kẹo leng keng. Một lần, cô bé nặn sạch kem đánh răng còn trong tuýp ra rồi lấy vỏ mang đi đổi kẹo, kết quả thế nào chẳng nói cũng biết, cô bé lại bị ba đét cho vài cái. Lần khác là khi cô bé lang thang chơi trong khu công trường đang thi công thì nhặt được một chiếc búa, từ lưỡi đến cán búa đều làm bằng sắt. Cầm cây búa nặng trịch trong tay, việc đầu tiên cô bé nghĩ tới là mang nó đi đổi kẹo ăn. Ông già đổi kẹo vừa nhìn thấy cây búa là mặt mày hớn hở, liền đem khối kẹo to bằng bàn tay còn lại trong gánh đưa cả cho cô bé. Thế là lần đó, một mình cô được độc hưởng khối kẹo thật to, ăn đến sung sướng đã nghiền.

Mấy món đồ ăn vặt dù mất tiền hay không mất tiền mua đều vậy, không dễ có mà ăn. Cũng may là vào mùa hè hàng năm, Tần Chiêu Chiêu luôn được ăn kem miễn phí đến no bụng.

Nhà máy Trường Cơ có xưởng làm kem riêng, mỗi khi hè đến, nhà máy đều điều động một số công nhân tới xưởng làm kem que, sau đó còn phát phiếu kem miễn phí cho toàn bộ công nhân viên chức trong nhà máy. Mỗi nhân viên được phát một trăm hai mươi phiếu một tháng, dùng phiếu này có thể đổi lấy kem ăn, coi như một khoản trợ cấp giải khát ngày hè.

Phiếu đổi kem này mang tiếng là phát cho nhân viên nhà máy nhưng thực chất là phúc lợi cho đám con nít. Chỉ cần trong nhà có trẻ nhỏ thì những phiếu kem này cơ hồ đều chuyển giao hết cho bọn chúng ngay trong ngày phát phiếu.

Kem que nước đường là loại rẻ nhất, một phiếu đổi được một cây, nếu bán cho người dân quanh vùng thì năm xu một cây; kem đậu xanh hai phiếu một chiếc, giá bán một hào. Đắt nhất là kem sữa, bốn phiếu mới đổi được một que, hai hào một cây; một cây kem này có thể đổi lấy bốn cây kem nước đường. Trẻ con nhà khác thường tiếc phiếu không dám ăn nhưng Tần Chiêu Chiêu lại thường xuyên ăn kem này. Bởi vì ba cô làm ở phân xưởng nhiệt độ cao nên mỗi tháng nhận được số phiếu gấp đôi người bình thường, cộng thêm phiếu của mẹ nữa là tổng cộng ba trăm sáu mươi phiếu; trong nhà chỉ có mình cô bé là trẻ con, một mình có hơn ba trăm phiếu kem, đương nhiên cô bé muốn ăn thế nào thì ăn.

Nhà bên cạnh có tới ba đứa nhóc nhưng chỉ có một trăm hai chục phiếu vì nhà họ chỉ có ba làm trong nhà máy còn mẹ thì không, nên số phiếu thường chẳng đủ dùng. Con gái út nhà đó suýt soát tuổi Tần Chiêu Chiêu, cũng vô cùng ham ăn, mỗi lần thấy cô mang phiếu đổi kem sữa ăn thì luôn thèm thuồng bám riết lấy. “C tớ ăn thử một miếng được không?”

Nhưng tại sao Tần Chiêu Chiêu phải bằng lòng cho cô bé ăn cùng chứ? Riêng chuyện ăn uống, con nít trời sinh ra đã keo kiệt, nhỏ nhen, mỗi lần như vậy cô lại làm ra vẻ không nghe thấy gì mà nhanh chóng chuồn mất.

Sau này, mấy tiệm quà vặt trong nhà máy lại bán thêm loại kem hình đầu búp bê, vừa mềm vừa dẻo lại ngọt, thoáng chốc đã vượt mặt các loại kem mà nhà máy sản xuất. Rất nhiều trẻ con thèm thuồng được nếm thử loại kem hình đầu búp bê này, Tần Chiêu Chiêu lại càng thèm muốn. Nhưng vấn đề là loại kem này có phần đắt đỏ, một cây kem giá tận năm hào, không thể ngày nào cũng bắt mẹ mua cho ăn được, vì thế phần lớn thời gian chỉ có thể ngồi nhìn thèm thuồng.

Sau đó lại có thêm kem bọc sô cô la tám hào một que, bên ngoài phủ một lớp sô cô la, kem này thì ngon cực kỳ. Cô bé liền quấn chặt lấy mẹ đòi mua, nhưng một cây kem thôi mà giá tận tám hào thì quả thực quá đắt, mẹ có ý không muốn mua, cô mặc kệ, vẫn mè nheo: “Con muốn ăn, con muốn ăn cơ!”

Rốt cuộc mẹ cũng chẳng lung lay nổi ý muốn của cô bé, đành mua cho cô một cây. Cây kem này thật sự thơm ngon chưa từng thấy, cô bé luyến tiếc không nỡ ăn nhanh, cứ liếm chầm chậm từng chút một. Nhưng tốc độ liếm không kịp tốc độ chảy, kem tan chảy dọc theo ngón tay như dòng lệ trắng; cô bé luống cuống tay chân, hết liếm cây kem lại liếm xuống ngón tay. Tới khi đã ăn hết cây kem, cô còn giữ lại que kem, ngậm trong miệng lâu thật lâu, đến tận lúc không còn nhận ra chút vị ngọt nào nữa mới luyến tiếc ném bỏ.

Ngoài kem que miễn phí mùa hè, còn có bỏng gạo mùa đông vừa rẻ vừa ngon. Mỗi khi tháng Chạp ghé đến, lại có ông lão vác theo một cái lò to trông như cái hồ lô đi vòng vòng quanh nhà máy, lớn tiếng rao: “Nổ bỏng đây!”

Mùa đông, bỏng chiếm vị trí bá chủ tuyệt đối trên thị trường đồ ăn vặt, hầu như nhà nào cũng đem gạo hay ngô trong nhà đi nổ bỏng hay làm một ít bánh bỏng gạo nên ông già nổ bỏng làm ăn rất phát đạt. Đám con nít bám riết theo người lớn, giương cặp mắt chờ mong, ngóng đợi từng mẻ bỏng ra lò. Mỗi khi nghe tiếng nổ “bụp”, nhìn bát ngô hay bát gạo bỏ vào lò nở thành một gàu bỏng trắng như tuyết, Tần Chiêu Chiêu luôn vừa nhiệt liệt vỗ tay hoan hô vừa không dằn lòng được, đưa tay bốc trước một nắm bỏng bỏ vào miệng, không hề ngại nóng.

Nếu trên phương diện ăn, Tần Chiêu Chiêu không mấy khi được thỏa mãn như ý thì về chuyện chơi, lúc nào cô bé cũng được chơi tới đã đời.

Ban ngày ba mẹ phải đi làm, đám con nít chưa đến tuổi đi học đều được gửi vào nhà trẻ của nhà máy. Các dì ở nhà trẻ đều là người nhà của nhân viên nhà máy được chiếu cố vào đây trông trẻ, hết thảy đều là các cô, các bác ba, bốn mươi tuổi, không được học hành gì. Nhiệm vụ chính của họ là trông chừng cho bọn trẻ chơi không xảy ra chuyện gì. Họ không thể dạy chữ hay giảng Toán nên phần lớn thời gian bọn trẻ ở nhà trẻ chỉ chơi, muốn chơi gì thì chơi, ngày nào cũng chơi rất vui vẻ.

Ngày phải đến lớp chơi đã vui nhưng những ngày được nghỉ ở nhà chơi lại càng vui hơn. Nhà máy Trường Cơ nằm ở khu ngoại ô phía đông thành phố, thế tựa vào núi, nhìn ra sông là chỗ chơi tự nhiên của đám trẻ, chúng có thể nô đùa thỏa thích ở đồng ruộng, trong núi hay bên sông.

Đám con trai thường hào hứng lên núi trèo cây bắt chim hoặc xuống bờ sông mò tôm cá; còn đám con gái lại thích kéo nhau ra ruộng chơi, đuổi bướm, bắt chuồn chuồn, hái hoa thảo tử… Mỗi khi hái được hoa thảo tử có thể bện thành vòng hoa đeo lên cổ hoặc tay. Tần Chiêu Chiêu mới bốn tuổi, còn nhỏ xíu nhưng đã theo các chị lớn học tết vòng hoa, tất nhiên cô bé bện không thuần thục, quýnh lên muốn khóc. Chị Tiểu Đan nhà bên hơn cô năm tuổi, rất ra dáng chị lớn bện cho cô bé một cái vòng hoa thật đẹp đội lên. Cô bé đeo cả ngày, lưu luyến không nỡ tháo xuống, tới khi về đến nhà còn lén lút soi gương làm đỏm. Con gái hình như trời sinh ra đã biết yêu thích cái đẹp.

Những ngày không ra ngoài chơi, cô bé sẽ cùng các chị lớn chơi nhảy dây trên con đường trước cửa nhà.

Chích chích chích, chim én kêu chích chích chích, mã lan nở hoa, hai mươi mốt, hai trăm năm sáu, hai trăm năm bảy, hai trăm năm tám, hai tám, hai chín, ba mươi mốt…

Cô bé nhảy dây rất khá, còn ít tuổi nhưng tay chân động tác rất linh hoạt. Có điều, đến lúc chơi lò cò nhảy ô lại không được vậy, lò cò trên một chân rất khó giữ thăng bằng, chưa kể còn khó điều chỉnh lực dưới chân, hơi động một chút là đá văng viên gạch nhỏ dưới chân ra khỏi đường kẻ ô, vì thế các chị lớn không thích chơi chung với cô, thường gạt cô bé sang một bên ngồi xem.

Không chỉ thế, cả đám còn cùng nhau chơi trò gia đình, ban đầu chỉ bắt chước lại mấy chuyện trong nhà hàng ngày: người đóng vai ba, người đóng vai mẹ, còn có thêm ông nội, bà nội… giả vờ là một gia đình lớn sống cùng một nhà. “Ba mẹ” ngày ngày đi làm, “bà nội” ở nhà nấu cơm, “ông nội” trồng trọt rau củ, “bé cưng” của cả nhà thì đi học, vân vân. Sau này còn bắt chước cả những hoạt động trên lớp, đóng vai thầy giáo, cô giáo, hiệu trưởng… Cứ thế, sau này từ trò chơi đóng vai gia đình mà trở nên sôi nổi rầm rộ, còn chuyển sang bắt chước theo những phim truyền hình ăn khách nữa.

Khi đó, bộ phim truyền hình Hồng Kông Anh hùng xạ điêu đang vô cùng ăn khách, nếu một đám tiểu cô nương tụ họp lại với nhau cùng chơi đóng kịch, hẳn sẽ rất thích thú bắt chước những diễn viên nổi tiếng trên tivi, hầu như đều tranh nhau được sắm vai Hoàng Dung, kế tới là Mục Niệm Từ. Vậy là thành phiên bản thăng cấp của trò chơi gia đình, giờ còn cần cả sân khấu, đạo cụ nữa. Bởi vì muốn bắt chước các nhân vật cổ trang cần phải có hóa trang, phục trang; ví như muốn đóng vai Hoàng Dung cô nương thì đầu cần chải mấy lọn đuôi sam rũ xuống bên tai, trên đầu còn phải cài vài đóa hoa, người khoác thêm tấm ga trải giường hay chiếc khăn lông dài để giả như tà áo thướt tha trong những bộ cổ trang. Hơn nữa, quan trọng nhất là cần phải trang điểm, mấy cô bé không có son để tô môi hồng, chỉ có một cây bút nước đỏ nhưng cũng liệu cơm gắp mắm tô lên môi thành màu hồng hồng, lại điểm thêm một nốt son giữa ấn đường, thế là coi như chuẩn bị xong xuôi.

Trò chơi đòi hỏi phải hóa trang cho thật xinh đẹp này đối với một đám tiểu cô nương thật có sức hấp dẫn khó cưỡng.

Trò chơi thường diễn ra ở nhà chị Tiểu Đan, mấy cô bé học trò cứ tan lớp là rủ nhau chạy thẳng đến nhà chị. Mọi người mang theo những món đồ trang sức rẻ tiền, màu sắc sặc sỡ của riêng mình như dây lụa, hoa cài đầu, kẹp tóc nhựa, dây chuyền ngọc trai, vân vân, rồi thay phiên nhau đóng vai Hoàng Dung, cố hết sức hóa trang và đóng cho thật xinh đẹp. Tần Chiêu Chiêu cũng muốn tham gia với các chị, ban đầu các chị chê cô nhỏ quá, không muốn cho chơi cùng, cuối cùng cũng miễn cưỡng tiếp nhận, nhưng luôn đẩy cho cô đóng vai cô Khùng, không cần chải đầu, cài hoa hay hóa trang gì hết, cô vô cùng thất vọng.

Chung quy vẫn là chị Tiểu Đan tốt bụng nhất, một ngày nọ chị cũng cho Tần Chiêu Chiêu được sắm vai Hoàng Dung một lần. Chị chải đầu cho cô, tết thành rất nhiều đuôi sam, một ít tết lại thành búi, một ít thả xuống hai bên má, còn quấn vòng cổ trân châu lên một que kem nhỏ, làm thành chiếc trâm cài đầu cắm vào búi tóc của cô. Chị còn dùng bút nước đỏ tô hồng đôi môi nhỏ xíu, điểm thêm một nốt ruồi son, cô nhóc trong gương giống như lột xác, biến thành người khác.

Hôm đó, sau khi trò chơi kết thúc, Tần Chiêu Chiêu lưu luyến không nỡ tháo trang sức. Cô bé đứng trước gương, soi thế nào cũng không thấy đủ, cảm thấy mình thật xinh đẹp. Trong lòng phấn chấn không sao nói nên lời.

Cuộc sống vật chất khó khăn nhưng khi đám trẻ con cùng nhau chơi đùa lại đủ trò, muôn màu muôn vẻ. Những ngày tháng đó để lại cho Tần Chiêu Chiêu ký ức về một thời thơ ấu vui vẻ trước khi đi học. Đám trẻ con trong khu tập thể thường dựa theo tuổi mà xưng bạn gọi bè, nô giỡn với nhau, chẳng bao giờ phải rầu rĩ vì không tìm được bạn chơi. Tần Chiêu Chiêu gần như quen thuộc với từng gương mặt trẻ con ngây thơ ở nơi này dù chưa chắc có thể gọi được hết tên.

Thế nhưng có một ngày, Tần Chiêu Chiêu phát hiện trong khu tập thể nhà máy hóa ra còn có một khuôn mặt non nớt hoàn toàn xa lạ với cô bé.