Nhóc Cà Lăm

Chương 113: Khai giảng



Trình Hâm sắp phải lên đường nhập học, mà công việc gia sư của Trần Hân còn chưa kết thúc. Cậu bàn với hắn sẽ chuyển ra ngoài, vì nghĩ Trình Hâm đi rồi mà mình còn ăn nhờ ở đậu nhà người ta thì ngại lắm. Trình Hâm cũng lo lúc mình vắng nhà, nhà thì xa, Trần Hân buổi tối đi dạy về không ai đưa đón, hơn nữa ngộ nhỡ bố hắn hứng lên tìm Trần Hân tâm sự thì sao? Trần Hân vốn chất phác thật thà, nếu sơ sẩy để lộ điều gì thì khốn. Vừa may ngày khai trường của Trần Hân cũng gần giống của Từ Tuấn Thưởng, Trình Hâm liền nhờ cậu ta cho Trần Hân ở nhờ vài ngày, Từ Tuấn Thưởng rất vui vẻ nhận lời.

Trước ngày lên đường, Trình Hâm đưa Trần Hân đến nhà Từ Tuấn Thưởng. Sáng hôm sau Trần Hân bận dạy kèm, không ra phi trường tiễn Trình Hâm được, nên tối qua hai người tạm biệt nhau. Học trò đang làm bài, Trần Hân nhìn ra bầu trời ngoài cửa sổ, tự hỏi Trình Hâm đã khởi hành chưa.

Trình Hâm vừa đến Bắc Kinh liền điện về cho cậu, cho biết mẹ hắn đến trước đã chuẩn bị căn hộ đâu ra đấy rồi. Đó là một căn hộ ở khu Hải Điến, cách trường đại học không xa, nhà tuy nhỏ nhưng thoải mái, đồ gia dụng đều đầy đủ cả, những ngày nghỉ hai đứa có thể đến đây. Trần Hân nghe thế, trong lòng không khỏi mong chờ.

Ngày hôm sau, Trình Hâm đến trường báo danh, gọi về kể rất nhiều thứ, kêu ca ký túc xá cũ kĩ, không có buồng tắm riêng, phải rửa ráy ở nhà tắm chung, một đám đàn ông con trai cùng trùng trục tắm. Hoàn cảnh sinh hoạt chung đụng làm hắn rất bất mãn. Tuy Trình Hâm yêu thích Trần Hân, thế nhưng lại không thích cùng bọn con trai khác trần như nhộng. Trần Hân bật cười, cảm thấy như thế không đến nỗi quá tệ, so ra còn tốt hơn ở nhà, vả lại hồi học cấp hai và trung học số 1 cũng đều tắm tập thể như thế, cậu sớm đã quen.

Sau đó Trình Hâm còn đăng lên nhóm chat nhiều bức ảnh chụp trong ký túc xá, đến nhà tắm tập thể cũng chẳng chừa. Bọn bạn xem xong thi nhau đùa cợt. Tạ Thế Kiệt nói: "Úi chà, nhà tắm gì mà không ngăn buồng riêng, quái thật! Thế nhỡ đánh rơi xà phòng thì biết làm thế nào bây giờ?"

Lời bình vừa đăng lên, cả đám phá ra cười. Trình Hâm bảo: "Kiệt Kiệt à, không ngờ lâu nay mày" kín "thế!"

Tạ Thế Kiệt: "Thời nay phải gay mới là sành điệu, nhớ!"

Từ Tuấn Thưởng biết Tạ Thế Kiệt học trường đại học thể thao, lạnh lùng: "Đừng vội cười trên nỗi đau khổ của người khác. Trường cậu cũng không khá hơn đâu, để rồi xem!"

Trần Hân cũng phì cười. Ngẫm lại thì nhìn cái ảnh kia cũng ngượng thật.

Tạ Thế Kiệt nghe Từ Tuấn Thưởng bảo thế, chột dạ, bèn thay đổi đề tài: "Bọn con gái thế nào? Có nhiều em xinh không?"

Trình Hâm: "Mày nghĩ gì thế? Khu kỹ thuật thì bói đâu ra nhiều em xinh cho mày? Có con gái là phúc lắm rồi!" Thật ra Trình Hâm không chịu sự quản lý của khu kỹ thuật, khoa của hắn là một trong những nơi có nhiều nữ sinh nhất trường, thế nhưng quả tim Trình Hâm đã kín chỗ rồi, dù nam hay nữ cũng không thể nào chấp nhận một hình bóng khác!

Trình Hâm nhập học, mọi người đều háo hức chờ đợi đến lượt mình. Ngày 22 Trình Hâm bắt đầu học quân sự, tiếng là nghiêm ngặt, nhưng may thay không phải vào doanh trại. Nghe kể trong doanh trại phải hai ba ngày mới được tắm một lần, còn không được mang theo điện thoại. Ở trường dù bị cấm cửa, bọn hắn vẫn có thể giấu di động trong phòng, buổi tối lén lút gọi điện, chơi game.

Chưa đến hai ngày, Trình Hâm đã gặp chuyện xui xẻo. Tối hôm ấy, hắn tắm rửa xong, tiện thể giặt sạch bộ quân phục bẩn thỉu. Ngờ đâu nửa đêm bất thần tập hợp để huấn luyện ngoài trời, Trình Hâm chỉ còn nước mặc lại quần áo ướt sũng, khổ sở không tả xiết. Hắn lên mạng chia sẻ kinh nghiệm: Thà chịu bẩn thối chứ đừng năng tắm giặt làm gì!

Trần Hân vừa tức cười lại vừa thương. Cậu giở thông báo của Bắc Đại ra xem thì thấy đến nghỉ hè mới học quân sự, nói cách khác là còn đến một năm nữa. Trần Hân hơi thất vọng, nghĩ bụng thà học ngay cho qua chuyện.



Rồi đến cuối tháng, trường học trong thành phố lục tục khai giảng. Trần Hân dạy kèm mãn khóa, nhận không ít thù lao, tạm biệt các bạn về nhà. Cả mùa hè cậu ở trên thành phố, bây giờ phải sắp xếp về vài hôm xem thế nào. Trần Hi lên sơ trung, Trần Hân và bà nội cùng đưa thằng bé đến trường mới, cũng chính là trường cấp 2 ngày xưa của cậu. Các thầy cô giáo cũ đều nhận ra Trần Hân, chúc mừng cậu đỗ thủ khoa, cũng nhân tiện nhắc nhở Trần Hi phải noi gương anh học tập.

Trần Hi hùng tâm tráng chí: "Em muốn thi Thanh Hoa!" Thằng bé rất khâm phục Trình Hâm, trong đầu nó nghĩ phải vào Thanh Hoa học thì mới đáng mặt nam nhi.

Bà nội và Trần Hân cười xòa: "Thế thì phải chăm, không được lười đâu đấy!" Trần Hi sáng dạ, nhưng phải cái ham chơi.

Đưa em đi học rồi, Trần Hân cũng khăn gói lên kinh. Trong nhà không có ai đưa đi, mà cậu đã sớm quen xoay xở một mình. Được cái, đội ngũ đi Bắc Kinh lần này thật là hùng hậu: Hai bố con Từ Tuấn Thưởng, hai bố con Tạ Thế Kiệt, thêm Trần Hân nữa là năm. Họ đi tàu hỏa, tuy giá vé chỉ có 75 đồng nhưng phải bó mình suốt hai mươi giờ, đúng là mệt mỏi.

Rạng sáng xuất phát, lúc đến Bắc Kinh đã năm giờ chiều. Trần Hân cứ đoan chắc sẽ một mình tự đến trường báo danh, kết quả tàu chưa vào ga đã nhận được điện thoại của Trình Hâm, bảo cậu ra cửa chờ hắn. Trần Hân mừng quá, líu ríu nói với Từ Tuấn Thưởng: "Trình Hâm, Trình Hâm đến đón tôi!"

Từ Tuấn Thưởng ngạc nhiên: "Nó còn đang học quân sự mà, làm sao xin nghỉ ra ngoài được?"

Trình Hâm lắc đầu: "Không biết nữa."

Từ Tuấn Thưởng dừng một chút rồi bảo: "Tám phần là giả ốm rồi đây!"

Tạ Thế Kiệt thò đầu ra: "Ai đến thế?"

Trần Hân đáp: "Trình Hâm đến."

Tạ Thế Kiệt reo lên: "Đừng bảo là đến đón tôi nhé! Cái thằng, sao mà khách khí thế không biết, ngại quá đi mất!"

Từ Tuấn Thưởng lườm cu cậu: "Đừng tưởng bở, đương nhiên là đến đón Trần Hân rồi! Người cậu to đùng thế kia thì có bỏ giữa chợ cũng chả việc gì!"

Tạ Thế Kiệt nghiêng đầu nhìn Trần Hân, chép chép miệng: "Hâm ca đối với cậu khác hẳn mọi người nhỉ? Các cậu có bí mật gì, khai mau!"

Trần Hân bị cái nhìn tọc mạch của Tạ Thế Kiệt làm cho đỏ mặt. Từ Tuấn Thưởng vỗ "độp" vào lưng cậu ta rõ mạnh: "Còn không mau đi khuân hành lý xuống! Không đủ sức à?"

Tạ Thế Kiệt nhanh nhanh đi đến giá đặt hành lý. Trong vali Trần Hân có sách và máy vi tính, nhét quần áo vào chật cứng, nặng chình chịch. Tạ Thế Kiệt vác xuống đất hự một tiếng: "Mịa nó! Cậu nhồi đá vào trong hay sao mà nặng thế!"

Trần Hân ái ngại cười trừ: "Có sách, với máy vi tính. Cám ơn cậu!"

Mọi người kéo vali xuống ga. Ở Bắc Kinh dường như mọi người cao lớn hơn, thế nhưng trong đám đông, Trình Hâm vẫn nổi bật. Nhìn thấy người yêu sau hơn nửa tháng, trong đầu Trần Hân bỗng vang lên câu thơ cổ: "Một ngày không gặp, Như cách ba thu". Cậu tiếc rằng không thể xuyên qua đám đông trên sân ga mà lao đến trước mặt hắn. Thế nhưng hai bên cách trở, Trần Hân chỉ có thể hướng về phía Trình Hâm mà nhích từng bước một, không buồn nhìn cả dưới chân. Ngôn Tình Hài

Từ Tuấn Thưởng khom xuống đỡ hộ cậu chiếc balô, khẽ bảo: "Đi cẩn thận, đừng nóng vội, cách vài bước nữa thôi mà."

Trần Hân chợt đỏ mặt, cười khan. Đến gần, cậu phát hiện ra Trình Hâm đen hơn nhiều, tuy trước giờ da dẻ hắn cũng không lấy làm trắng, nhưng không có màu đồng cổ như bây giờ. Tuy thế nhưng Trình Hâm trông rất có tinh thần, cười rộ lên chói lóa như ánh dương mùa hạ.

Tạ Thế Kiệt vừa nhìn thấy Trình Hâm, liền ồn ào: "A ha, đen trùi trũi giống hệt Lý Quỳ thế, mày lấy nhọ nồi bôi mặt hay sao?"



Trình Hâm cho cu cậu một đấm: "Mày thì trắng lắm à?" Hắn đỡ hộ Trần Hân cái vali nặng: "Mệt không? Đói lắm không?"

Trần Hân lắc đầu, khóe môi nở nụ cười ngọt lịm. Tựa vào Trình Hâm, có thể ngửi được mùi mồ hôi mặn, cái mùi thân thuộc làm Trần Hân cảm thấy an toàn. Trình Hâm mặc áo phông đen, quần và giày đều rằn ri xanh lục, xem ra là từ sân huấn luyện chạy thẳng đến đây. Trần Hân hỏi: "Hôm nay, cậu không học à?"

Trình Hâm chào hỏi bố của Từ Tuấn Thưởng và Tạ Thế Kiệt xong, quay sang nói với cậu: "Có chứ, nhưng tôi xin nghỉ." Vì được vài giờ tự do mà Trình Hâm đã vận dụng kỹ năng diễn xuất cùng bề dày kinh nghiệm suốt bao năm trên ghế nhà trường vào vở kịch mang tên "Giả ốm". May mà tuần này cũng gần kết thúc kỳ học tập quân sự, huấn luyện viên cũng không khắt khe như trước.

Trần Hân mở to mắt lo âu: "Thế, thế không sao chứ?"

Trình Hâm cười, nhe hàm răng trắng tinh, đều như hạt bắp: "Không sao, nhưng phải vội một tí. Chốc nữa là tan tầm, đông người lắm đấy." Rồi hắn bảo mọi người: "Chúng ta đi tàu điện ngầm nhé, không sợ tắc đường. Mọi người theo cháu, cháu hướng dẫn mọi người đổi tuyến tàu."

Sáu người rồng rắn nối đuôi nhau lên tàu điện. Bố con Từ Tuấn Thưởng chia tay trước, lên tuyến số 6 đi Học viện hý kịch trung ương, những người còn lại ngồi đến trạm cuối rồi chuyển sang tuyến số 4. Tầm này trên tàu hơi đông, thế nhưng không phải chen chúc lắm, chỉ là không có chỗ ngồi. Trần Hân đứng cạnh cửa toa, tựa lưng vào vách, nắm lấy tay vịn. Trình Hâm đứng chắn phía ngoài, cùng bố con Tạ Thế Kiệt trò chuyện về nếp sống ở Bắc Kinh. Trần Hân yên lặng đứng nghe. Trên người Trình Hâm tỏa ra mùi mồ hôi, không thơm tho gì, thế nhưng Trần Hân không khó chịu. Đây là hơi của người cậu yêu.

Trên tàu hỏa, cảnh vật đồng bằng Hoa Bắc bao la với đường chân trời tít tắp đã gợi cho Trần Hân những nỗi niềm bồi hồi khó tả. Bây giờ đi vào lòng đất, không thể chiêm ngưỡng quang cảnh chốn kinh kỳ mà cậu hằng mong, thế nhưng tên của các trạm dừng cũng có ít nhiều ý vị: Viện bảo tàng quân đội, Thư viện quốc gia, Viên Minh Viên, làm người ta dâng lên một niềm tự hào hùng tráng. Trần Hân thầm nhủ sau này phải ghé thăm những nơi này mới được. Đương nhiên, quan trọng nhất là phải có người mình thích đi cùng.

Tạ Thế Kiệt và bố xuống trạm Trung Quan Thôn đổi xe, còn lại hai người xuống trạm Cửa Đông Bắc Đại. Trình Hâm đi vội, mượn bạn chiếc xe đạp gửi ở trước ga tàu điện ngầm. Hắn đẩy xe ra, nói: "Anh mượn xe của bạn học. Còn chưa đi mua, chờ anh học quân sự xong bọn mình đi mua đi. Trường học rộng quá, không có xe không được." Khuôn viên trường Thanh Hoa rộng hơn năm nghìn mẫu, nếu chỉ đi bộ thì hết sức bất tiện. Mà trong phạm vi trường không cho phép lái xe có động cơ, nên xe đạp là vừa rẻ, lại vừa thuận tiện nhất.

Trần Hân đem theo nhiều hành lý, cả hai không thể cưỡi xe đạp. Trình Hâm vác vali của cậu đặt lên yên xe đẩy đi, cũng may Bắc Đại cách trạm xe điện ngầm không xa lắm. Lúc này trời đã chạng vạng, sư huynh phụ trách đón sinh viên mới sắp xếp cho Trần Hân vào ký túc xá trước, sáng mai mới ghi danh chính thức. Trình Hâm giúp cậu khuân hành lý lên phòng. Trần Hân lo hắn đi lâu bị phạt nên thúc giục mau trở về. Trình Hâm cười bảo: "Dù sao cũng chưa có gì vào bụng, mình đi ăn cơm thôi."

Vì thế lúc này Trần Hân đang ngồi trên yên sau xe đạp, tay níu lấy vạt áo Trình Hâm. Hắn bèn cầm tay cậu đặt vòng quanh hông mình: "Ôm chặt xem nào!" Trần Hân nở nụ cười, cũng không rụt tay lại. Gió thu mơn man thổi, Trần Hân cảm thấy khoan khoái nhẹ nhàng. Cuộc sống mà cậu ước ao thật là bình dị, như lúc này đây được bên cạnh Trình Hâm, dù là hai người phải đi xe đạp, cũng cảm thấy mình là người giàu có, hạnh phúc nhất thế gian.

Cả hai ăn cho xong bữa, Trình Hâm chở cậu về đến cửa Bắc rồi mới nói: "Được rồi, anh không đưa em nữa, em tự mình vào thu xếp giường chiếu nhé, làm quen với điều kiện sinh hoạt một chút. Bọn anh còn học quân sự mấy ngày, có lẽ không đến thăm em được, nhưng em có thể đến tìm anh, anh ở ký túc xá nam, khu số 3. Có việc gì thì điện ngay cho anh, nhớ." Trình Hâm nói xong, đưa tay lên xoa đầu Trần Hân, nở một nụ cười ấm áp.

Trần Hân quyến luyến không nỡ rời, thậm chí nhất thời còn có ý nghĩ: "Biết thế đã vào Thanh Hoa để được huấn luyện cùng cậu ấy." Trần Hân xoa xoa mũi: "Ừ, tôi sẽ sang. Cậu, đi đường cẩn thận."

Trình Hâm ngồi trên xe đạp, chân dài trì xuống đất, đưa tay quệt chóp mũi cậu: "Sao lại buồn rồi? Trường anh ở ngay đối diện, em xem có gần không? Nhưng trường bọn anh lớn lắm nhé, lớn hơn trường em nhiều, lại đẹp cực luôn. Hai đứa mình sẽ sang đấy hẹn hò, bên hoa dưới trăng, quả thật là tình thơ ý họa."

Nghe Trình Hâm tâng bốc trường mình, Trần Hân cũng nghển cổ lên: "Trường, trường tôi cũng đẹp vậy, có hồ Vị Danh." Tuy rằng cậu còn chưa đến đấy.

Trình Hâm cười rũ, Thanh Hoa và Bắc Đại xưa nay luôn kèn cựa lẫn nhau. Nay bạn trai nhỏ sang phe đối diện, cũng không tranh với em ấy làm gì, đành phụ họa: "Ừ, hồ Vị Danh cũng lãng mạn đấy, chúng ta cũng sẽ đến đó hẹn hò."

Trần Hân cũng cười, nhận ra mình thật trẻ con: "Kìa, cậu mau về đi thôi."

Trình Hâm rất muốn hôn một cái, thế nhưng xung quanh toàn là người, hắn không dám manh động, bèn vẫy tay đạp xe đi. Trần Hân cũng đứng vẫy tay, nhìn theo đến khi Trình Hâm rời xa tầm mắt, lúc này mới quay về trường. Cậu cũng không về túc xá ngay mà dạo quanh đây đó, tình cờ đi qua thư viện, cửa Tây và hồ Vị Danh, tháp Bác Nhã, những nơi hằng ao ước nay đã có dịp đặt chân đến, tận mắt nhìn, làm trong lòng Trần Hân rất hào hứng.

Đi loanh quanh mãi, đến tối cậu mới về đến ký túc xá. Phòng ốc rất cũ kĩ, cũng không có buồng tắm riêng, nhưng có điều hòa không khí, ít ra điều kiện sinh hoạt tốt hơn ở nhà mình. Hơn nữa bao thế hệ sinh viên ưu tú đều từ đây mà ra, chẳng lẽ mình lại không chịu nổi?

Bạn cùng phòng của Trần Hân có hai người đã đến. Một người đến từ Hắc Long Giang, tên Lôi Diệm, dáng cao gầy, giọng nhỏ nhẹ êm tai. Người kia tên Lương Chấn Nam, ở Hải Nam, da ngăm đen, mặt nhỏ, gò má cao, tướng mạo rất dễ nhận ra giữa đám đông, khẩu âm cũng đặc biệt, lưỡi hình như hơi đớt.



Trần Hân lúc nãy chỉ mới chào hỏi đôi câu, bây giờ tự giới thiệu bản thân. Quen nhau rồi, Lôi Diệm hỏi các bạn: "Hai cậu có người yêu chưa?"

Lương Chấn Nam nhún vai: "Làm gì có, học gần chết, thời gian đâu mà yêu với chả đương." Vì muốn phát âm rõ ràng, cậu ta nói rất chậm.

Trần Hân e thẹn cười: "Tôi có đấy."

Lôi Diệm hỏi "có người yêu chưa" cơ mà, có hỏi là "có bạn gái chưa" đâu! Nếu hỏi bạn gái thì Trần Hân không có thật, nhưng bạn trai thì có một tên nhé!

Lương Chấn Nam tò mò hỏi: "Cái cậu ban nãy đưa bạn đến là sinh viên Thanh Hoa à?"

Trần Hân gật đầu: "Ừ, bạn học tôi đấy."

"Bạn cấp ba sao?" Lương Chấn Nam giật mình.

"Ừ, cùng lớp."

Lôi Diệm và Lương Chấn Nam đều kinh ngạc thốt lên: "Trời ạ, sao mà giỏi thế! Trường các cậu mấy người đỗ Thanh Hoa Bắc Đại?"

Trần Hân cười giơ ngón tay hình chữ V: "Có, hai người."

Lôi Diệm hỏi: "Thế cậu ta có người yêu không?"

Trần Hân gật đầu cười: "Có rồi."

Lôi Diệm càu nhàu: "Xem đấy, người ta đều có người yêu hẳn hoi mà đều đỗ đại học cả, lại còn là Thanh Hoa Bắc Đại! Ai còn dám bảo yêu đương ảnh hưởng đến việc học thì ra đây xem!"

Trần Hân nghe thế thì cười, không khỏi nhớ lại lời Trình Hâm. Có lần hắn bảo: Với bọn mình, tình yêu chính là động lực to lớn nhất để tiến bộ.