Người Mẹ Trinh Trắng

Chương 3



Tôi cười giễu cợt: “Đáng đời! Gieo nhân nào gặt quả nấy thôi. Anh ta đáng bị như vậy. Ông trời đúng là có mắt.”

“Tao cũng ghét thằng khốn đó như mày. Tao cũng sợ anh ta cướp mất Bo vì dù sao anh ta cũng là bố nó. Nếu một ngày chúng ta phải đối mặt với chuyện đó, tao sẽ cùng mày giành giật đến cùng.”

“Thế mới là bạn tao chứ!” Tôi nắm tay nó, nụ cười lan dần đến khóe môi.

“Sáng mai mày đưa tao đi gặp cái Trinh nhé! Lâu rồi không ghé thăm nó, chắc nó giận tao lắm.” Thúy cúi đầu, nhẹ nhàng nói, trong mắt có chút áy náy.

“Tất nhiên là mày phải ra thăm nó rồi. Nhớ kể nó nghe nhiều nhiều chuyện, nó vốn thích nghe mày kể chuyện nhất mà. À, nhưng mà không được nhắc chuyện vừa rồi với nó kẻo nó sẽ lo lắng.”

“Tao biết mà.”

Tôi quay đi, cắn chặt răng, mắt hơi cay cay. Còn Thúy, tôi đã kịp nhìn thấy nó đưa tay lên quẹt ngang mắt.

Cả đêm hôm ấy tôi không sao chợp mắt nổi và tôi biết Thúy cũng như thế, chúng tôi từng ngủ chung với nhau suốt 3 năm, hơi thở nó lúc ngủ say thế nào tôi còn nhớ rõ. Bo nằm giữa, tôi và Thúy nằm hai bên. Tôi nhắm mắt nghe hơi thở đều đều của thằng bé, mỗi lần nó trở mình, tôi lại quay sang sờ nắn tay chân nó, vỗ về nó. Tôi yêu đứa con trai bé bỏng này của tôi, yêu từng cử chỉ, nét mặt của nó, dù người ta có cho tôi cả thế giới này thì tôi cũng không cần vì thằng bé chính là cả thế giới với tôi. Suốt năm tháng qua tôi đã nhìn vào thằng bé mà sống, nếu tôi mất nó, tôi sẽ không biết mình phải làm gì nữa, làm sao mà tôi chịu nổi đây?

Sáng hôm sau, tôi dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng cho hai cô cháu nó rồi đi chợ mua một ít hoa quả và mấy bông hồng đỏ. Lúc trở về thì hai cô cháu đã dậy và đang ngồi ở bàn ăn sáng rất vui vẻ. Tôi đặt các thứ đã mua lên bàn, xoa đầu Bo: “Sáng nay con không phải sang ông bà ngoại. Mẹ đưa con đi thăm mẹ Trinh, con thích không?”

Thằng bé cười tươi, gật gật đầu. Tôi lấy ra một quả cam chín vàng đưa cho Bo: “Cam của con đây, lát nữa con tự tay đưa cho mẹ Trinh nhé!”

Lần nào đi thăm Trinh, tôi cũng đưa cho nó một quả cam và bảo nó tự mình đưa cho Trinh, thằng bé đã quen và lần nào cũng phải cầm một quả cam rồi mới chịu đi.

“Mẹ, Bo nhớ rồi!”

Nơi Trinh yên nghỉ là một nghĩa trang gần ngôi chùa trong làng. Tôi bế Bo cùng Thúy đi ra giữa nghĩa trang, nơi có một ngôi mộ được lát gạch đỏ, trên bia ghi dòng chữ: “Phan Thanh Trinh” cùng năm sinh năm mất. Tấm ảnh gắn trên đó cũng rất đẹp, một cô gái có đôi mắt trong sáng, mái tóc đen dài cùng nụ cười rạng rỡ như ngày nào khiến người ta đau lòng.

Tôi đặt Bo xuống đất, sắp quả ra đĩa và cắm những bông hồng đỏ tươi vào lọ. Thúy châm hương, khấn vái rồi cắm lên bát hương trên mộ. Bo lon ton đến đặt quả cam lên trước mộ, giọng líu lo: “Quả cam của Bo cho mẹ Trinh, mẹ ăn đi.”

Tôi xoa đầu Bo: “Mẹ Trinh của con sẽ ăn, khi nào mình về thì mẹ sẽ ăn.”

Thúy rơi nước mắt, đặt nhẹ bàn tay lên mộ: “Tao đến thăm mày đây, lâu rồi tao mới lại đến thăm mày được, đừng có giận tao, tại tao bận quá thôi. Mày thì khỏe rồi, cứ thoải mái nằm ở đây, còn chúng tao với bố ****** thì khổ sở. Sướng nhé, bây giờ thì ai cũng nhớ đến mày, chẳng quên nổi. À, mày xem thằng Bo có ngoan không? Trông cái Vân thế mà nuôi con giỏi thật, ai nhìn thằng bé cũng thích.”

Thúy nói nhiều, kể nhiều lắm. Tôi chỉ lặng lẽ đứng bên cạnh nắm bàn tay bé xíu của Bo, trong lòng lại dâng lên nỗi chua xót nặng nề. Ba đứa chúng tôi sao lại ra thế này chứ? Tôi biết trách ai? Giận ai bây giờ? Hay thực sự nó là số phận? 

Số phận đã đưa đẩy chúng tôi lên đến cùng cực của nỗi đau và sự mất mát để nhận ra sự sống và cái chết cách nhau quá mong manh, và khi con người ta tuyệt vọng đến một mức độ nào đó thì nước mắt sẽ không còn đủ để diễn tả nữa. Tôi còn nhớ chính trên mảnh đất này, nơi quê hương yêu dấu này, tôi và Trinh đã cùng nhau lớn lên. Hồi nhỏ, Trinh gầy lắm, kinh tế nhà nó cũng chỉ như nhà tôi nhưng đông con hơn nên bố mẹ nó vất vả hơn bố mẹ tôi. Trinh là chị cả, dưới nó còn có một em gái và một em trai. Trinh rất ngoan, lúc nào cũng chỉ chăm chăm làm việc giúp bố mẹ, chắc vì thế nên nó mới gầy. Thế nhưng càng lớn Trinh lại càng xinh ra, tôi cũng là con gái mà nhiều khi cũng phải ngẩn ngơ nhìn nó chứ đừng nói đến đám con trai. Vì gia đình làm nông, suốt ngày phải phơi mặt ra nắng nên da nó không được trắng trẻo như con gái thành phố, nhưng bù lại da dẻ mịn màng, các nét trên gương mặt thanh tú, đẹp một cách thuần khiết. 

Ngày ấy tôi hãnh diện lắm vì được làm bạn thân của nó, chơi với nhau rất vô tư, chẳng ganh tị hay cãi nhau bao giờ. Đám con trai trong huyện đứa nào cũng săn đón Trinh, người thích nó nhiều vô kể, thỉnh thoảng tôi cũng được thơm lây vì bọn họ đua nhau nịnh tôi để tôi còn nói giúp. Tôi vênh váo lắm, bắt bọn họ làm hết cái này đến cái khác tôi mới nói giúp. Rất tiếc, Trinh chẳng để ý đến ai, chỉ học với làm phụ giúp gia đình, nó chẳng bao giờ nghĩ chuyện yêu đương trai gái. Những miền quê như ở quê tôi, con gái lấy chồng rất sớm nên khi Trinh vừa tốt nghiệp cấp 3 đã có mấy nhà sang hỏi cưới, nhưng Trinh đều lắc đầu bảo: “Cháu còn phải đi học đại học.”

Thế là chúng tôi nắm tay nhau rời xa quê hương, lên thành phố với giấc mơ vào đại học. Khi ấy chúng tôi còn ngây thơ lắm, cứ ngỡ cuộc đời này toàn màu hồng, tương lại tươi sáng đang chờ phía trước, nụ cười trên môi chúng tôi rạng rỡ như hoa hướng dương. Nhưng cuộc đời vốn tàn nhẫn, cuộc đời không giống như giấc mơ thời non trẻ, chúng ta càng mơ ước thì lại càng không như là mơ. Chúng ta không thể mãi sống trong ước mơ, nếu nói con đường đi đến ước mơ là một thảm hoa hồng thì dưới thảm hoa ấy chắc chắn có một lớp gai nhọn, chẳng ai chạm đến thành công mà trên người không có vài vết xước. Mọi thứ đều cần phải khôn khéo nhưng chúng tôi nào biết.

Trinh ôn thi đại học rất chăm chỉ, còn tôi thì hơi lười. Ước mơ của Trinh là sau này sẽ trở thành một nhà ngoại giao, một nữ doanh nhân thành đạt, sẽ nuôi các em ăn học để bố mẹ không phải khổ nữa. Còn tôi, tôi thích làm bác sĩ, nhưng rõ ràng chẳng có bác sĩ nào lười mà thành tài được cả.

Chúng tôi xác định sẽ ở đây học tập lâu dài nên thuê hẳn một phòng trọ luôn, tiền nhà chia nhau nên cũng không đến nỗi đắt đỏ lắm. Bố mẹ hai đứa cũng không phải lo lắng nhiều.

Kỳ thi đại học qua đi, chúng tôi không về nhà chờ kết quả như các sĩ tử khác mà ở lại đây kiếm việc làm thêm để khi nào nhập học sẽ không phải lo xin tiền bố mẹ. Chúng tôi xin vào làm trong một quán coffee mang tên “Green coffee”. Sở dĩ chúng tôi xin làm ở đây cũng một phần vì cái tên và không gian nơi này, mang một hương vị đồng quê rất riêng, có nhiều cây xanh, sàn và tường đều được làm bằng gỗ vừa có vẻ ấm áp lại không kém phần sang trọng.

Từ ngày lên thành phố, Trinh trắng và xinh ra rất nhiều. Khách đến uống coffee trong quán dần biết đến nó, có người đến quán chỉ để ngắm nhìn nó. Có mấy anh chàng nhà giàu còn toàn cho Trinh thêm tiền, ngỏ ý muốn làm quen, muốn rủ nó đi chơi, xin số điện thoại nhưng nó đều tìm lí do tránh né. Trong số những người khách ấy, có một anh chàng rất đẹp trai, ăn mặc lịch lãm hợp thời thường xuyên đến quán, ai cũng nói anh ta là con trai của một ông chủ nào đó giàu có ở Hà Nội. Anh ta không giống như những người khách khác đến đây tán tỉnh Trinh, anh ta chỉ ngồi im lặng một góc lặng lẽ quan sát Trinh làm việc. Anh ta cứ lặng lẽ như thế không biết bao nhiêu ngày.

Ông chủ quán Green coffee tên là Quân, đã 40 tuổi, có vợ con rồi nhưng tính tình vẫn như thanh niên, toàn xưng anh với đám nhân viên chúng tôi. Ông ta có 2 quán coffee như thế này trong thành phố, còn có một nhà hàng lớn làm ăn rất phát đạt. Ông ta có vẻ rất quan tâm đến tôi và Trinh, theo các anh chị làm trong quán nói lại thì từ ngày chúng tôi đến đây làm việc ông ta thường xuyên ghé quán. Thấy Trinh được lòng khách thì ông ta vỗ vai nó bảo: “Nhờ em mà quán đông khách, cố gắng làm tốt, anh tăng lương cho. Em nhớ cẩn thận đừng có mà mắc lừa cái đám háo sắc ấy.” Lúc ấy hai đứa tôi cảm động lắm, cảm thấy ông chủ của mình thật tốt, mọi thứ đều thuận lợi hơn mong đợi.