Người Đẹp Phải Mạnh Mẽ

Chương 17



Buổi tối, Vệ Tử cùng mẹ nằm trên chiếc giường nhỏ trong ký túc của bà, một hồi lâu mà chẳng ai muốn ngủ.

“Mẹ, mẹ cùng con đến Bắc Kinh nhé, con có thể đi làm kiếm tiền, con sẽ nuôi mẹ!” Vệ Tử ngồi bật dậy.

Bật chiếc đèn ở đầu giường lên, Hà Linh Tố áp tay lên ngực, khẽ càu nhàu: “Cái con bé này, ngồi dậy bất ngờ như vậy, làm mẹ giật cả mình”.

Mặc dù vậy nhưng trong giọng nói của bà ẩn chứa vẻ thương yêu nhiều hơn là trách móc, Vệ Tử sờ tay lên đầu cười hì hì: “Con vừa nghĩ đến chuyện này, thấy phấn chấn quá”. Bắt đầu lên cấp ba, Vệ Tử đã ở trong trường, đến khi lên đại học lại tới nơi khác, đã lâu rồi cô không được sống trong cảm giác sớm tối ở cùng bên mẹ, nghĩ đến chuyện sau này ngày nào cũng nhìn thấy mẹ, được ăn cơm mẹ nấu, lại được nghe mẹ ca cẩm: “Vệ Tử, sao con có lớn mà chẳng có khôn thế?”, cô cảm thấy cuộc sống như vậy cũng chẳng có gì là tệ.

Mượn ánh đèn màu vàng ấm áp, Hà Linh Tố nhìn đứa con gái ở trước mặt, ngắm mái tóc dài đen nhánh của con xõa xuống bờ vai mảnh dẻ và làn da trắng mịn màng như ngọc trên nền chiếc áo ngủ màu hồng nhạt, đôi mắt đen láy, tất cả đều toát lên sức sống thanh xuân rất đặc trưng của người con gái, bà không nén được, thở dài nói: “Con bé ngốc nghếch này, hồi còn bé mẹ quản con chặt như vậy, sao bây giờ con vẫn muốn theo mẹ?”.

“Sao cơ?” Vệ Tử ngây người rồi mới hiểu ý tứ trong lời nói của mẹ, lập tức mặt đỏ bừng lên: “Mẹ, con lớn rồi, bố mẹ không thể tranh giành quyền nuôi dưỡng đâu!”.

Hà Linh Tố mỉm cười: “Đúng thế, con lớn rồi, cũng sắp đi làm, không cần đến bố mẹ nữa”.

Vệ Tử cuống lên: “Ai bảo thế, con, con vẫn chưa biết nấu cơm!”.

Hà Linh Tố có vẻ vui hơn: “Cơ quan con chắc hẳn cũng có nhà ăn, hơn nữa, quán cơm bên ngoài thiếu gì”.

“Vậy, nếu mẹ không ở cùng với con thì chẳng có ai quản lý con rồi!” Vệ Tử cố gắng nghĩ ra lý do.

Lần này thì Hà Linh Tố vui thật sự: “Chẳng phải là con rất ghét chuyện mẹ quản lý cái này, quản lý cái kia của con sao? Hay là nghe ai xui, nói rằng mẹ đã dùng bạo lực gia đình?”.

Vệ Tử đỏ mặt, lầm bầm: “Trước đây thì đúng như thế mà”. Nhớ tới hồi còn bé, đúng là cô thảm hại thật, mẹ thường không cho cô xem tivi, cũng không cho cô chạy ra ngoài chơi với bạn bè cùng lứa, đặc biệt là con trai, đến cả nói chuyện cũng không được. Nếu trái lời, nhẹ thì bị véo tai mắng cho một trận, nặng thì bắt quỳ trên bàn giặt, bị mẹ dùng chổi đánh cho một trận đau nhớ đời.

Điển hình nhất là khi mẹ vừa đan áo len vừa để ý cô học bài, hễ thấy cô không tập trung thì lập tức sẽ dùng mũi que đan đâm vào người, cô vô tình kể chuyện đó ra với các bạn học, bọn trẻ con gần chục tuổi không biết xem tivi là gì, học được mấy từ “bạo lực gia đình”, “ngược đãi trẻ em”, đã xui cô chống lại mẹ hoặc phản ánh tình hình với Ủy ban khu phố.

Vệ Tử không dám chạy tới trước mặt người lạ để tố khổ, nhưng những lần sau đó mỗi khi bị đánh không nén được cũng bật ra những câu: “Nếu mẹ còn đánh con nữa, con sẽ tố cáo mẹ!”.

Kết quả là càng bị đánh đau hơn, sau đó bị phạt quỳ ngoài cửa, mãi cho đến khi bố đi làm về kéo cô đứng dậy, lúc đó đầu gối cô cũng sưng vù lên rồi, bố vừa xoa đầu gối cho cô vừa trách mẹ: “Em làm cái gì thế? Không lẽ em ép con đến chết à?”.

Lúc đó Vệ Tử mới cảm thấy nỗi ấm ức của mình, đang định khóc to lên lại thấy mắt mẹ đỏ hoe trước: “Em cũng chỉ muốn con có tương lai, để sau này nó không phải chịu khổ như em, ai ngờ, nó không chỉ ngốc nghếch mà còn không nghe lời nữa…”.

Thì ra mẹ cũng không phải là sắt đá, mẹ cũng biết khóc! Nhận ra điều này, Vệ Tử quên mất ý định khóc to lên của mình.

Sau đó mẹ còn giận dữ nói với cô: “A Tử, đợi sau này khi con lớn rồi, nếu con nhớ lại, cảm thấy mẹ đối xử sai với con, con đủ sức đánh lại thì cứ việc, lúc đó mẹ sẽ không đánh con đâu”.

Một lần nữa, cô lại phát hoảng, đánh mẹ ư? Đó là chuyện cô chưa bao giờ dám nghĩ đến, để tránh cảnh tượng khủng bố ấy xảy ra, cô lại ngoan ngoãn nghe lời. Kể từ đó về sau, Vệ Tử học cách không để ý những chuyện ngoài nữa, làm việc gì cũng rất tập trung, tuyệt đối không lơ là. Có đứa con trai nào tìm đến nói chuyện, cô ngửa đầu lên không thèm để ý, có đứa bạn gái nào kéo cô đi chơi cô cũng đều từ chối, không được đi chơi nhưng trong lòng cũng không thể để cho ngứa ngáy, tóm lại, cô ra sức làm một đứa bé ngoan.

Vệ Tử định thần lại, cũng cảm thấy buồn buồn, mẹ dù thế nào cũng không phải là một người mẹ hiền từ, ngược lại ngay từ hồi còn nhỏ bố đã rất chiều cô, chưa bao giờ động đến dù chỉ là cái móng tay của cô, cái gì ngon, cái gì đẹp đều dành cho cô, vậy mà vì sao sau khi bố mẹ ly hôn, cô lập tức nghĩ ngay đến chuyện sống cùng mẹ?

“Vì bố sai, đã khiến con quá thất vọng!” Vệ Tử rút ra kết luận.

Hà Linh Tố gật đầu: “Có lý do này, con có điểm giống với cụ nội, bướng bỉnh nhưng chính trực, nhưng lý do chính là vì con quá lương thiện, vì thế con thông cảm với người yếu thế, trước mặt con bây giờ mẹ là người yếu thế, vì vậy sau khi chuyện xảy ra con không chút do dự đứng ngay về phía mẹ”.

“Không phải, mẹ không hề yếu đuối!” Vệ Tử trừng mắt phản bác.

Vuốt mái tóc con gái, Hà Linh Tố cười, nói: “Đừng phủ nhận, vừa rồi con còn nói sẽ đi làm kiếm tiền nuôi mẹ, chẳng phải con thấy mẹ là người yếu thế còn gì? Con yên tâm, mẹ sẽ ở cùng con, nhưng không cần con phải nuôi, sau khi ly hôn với bố con, vì nhà là do cơ quan của bố cấp cho, mẹ không thể mang theo được, nên bố đã đưa tất cả tiền tiết kiệm trong nhà cho mẹ. Hơn nữa, mẹ cũng là người có trình độ, sẽ không chết đói đâu”.

Nghe mẹ nói vậy, trong lòng Vệ Tử cảm thấy rất phức tạp, ly hôn, đến gia tài trong nhà cũng chia rất rõ ràng, xem ra chẳng còn cách nào quay trở lại nữa.

“Nhưng bố mẹ cũng thỏa thuận rồi, chuyện đi hay ở do con quyết định, dù con quyết định ở với ai, thì người kia cũng không được phản đối.” Hà Linh Tố bổ sung.

Có cần phải lựa chọn không? Bên bố có ông nội, bà nội, có dì và cả đứa con trai yêu quý của họ, một gia đình tiêu chuẩn năm người, không thể chấp nhận mẹ cô, và cũng không thể chấp nhận thêm cô nữa.

“Mẹ, con quyết định rồi, dù thế nào con cũng ở với mẹ, để còn tiện cho con trả mối thù hồi còn nhỏ mẹ ngược đãi con chứ!” Vệ Tử trịnh trọng tuyên bố.

Hà Linh Tố đi gặp viện trường nói về chuyện xin thôi việc, người nữ viện trưởng cũng xấp xỉ tuổi bà đẩy gọng kính lên thở dài, nói: “Chị đã ở đây từ khi bệnh viện này thành lập, bao nhiêu năm gian khó, ngay cả khi không được trả lương chị cũng không từ bỏ, không ngờ đến bây giờ khi bệnh viện khởi sắc thì chị lại ra đi”.

Hà Linh Tố cũng rất buồn, bà cúi đầu im lặng một lát, đang định nói thì viện trưởng giơ tay ngăn lại: “Thôi, chị đừng nói gì nữa, tôi nói thì nói thế thôi, tôi rất hiểu quyết định của chị, thành phố này lớn như vậy, nhưng trái đất tròn, nhiều khi chị không thể không đối diện với người mà mình không muốn gặp”. Viện trưởng cũng là phụ nữ, cũng từng nếm trải những điều ngọt ngào, cay đắng của hôn nhân, huống chi mấy năm nay Hà Linh Tố ăn ở ngay trong bệnh viện, dốc hết tâm sức vào công việc, chuyện đổ vỡ trong hôn nhân của bà ít nhiều cũng có một phần do điều đó, vì thế viện trưởng không khỏi cảm thấy có phần áy náy.

Nhưng Hà Linh Tố lắc đầu nói: “Tôi rời khỏi đây không phải vì lý do đó, mà bởi vì tôi chợt nhận ra rằng, đời người ngắn ngủi, cần phải biết trân trọng những người đang ở trước mặt mình. Bây giờ con gái tôi bắt đầu đi làm, một mình nó ở thành phố khiến tôi thấy không yên tâm, nó lại rất vụng dại, tôi ra ngoài đó chăm sóc nó mấy năm, cũng coi như đền bù những gì tôi nợ nó hồi nhỏ”.

Mấy ngày qua, lần đầu tiên Hà Linh Tố phát hiện ra con gái Vệ Tử của bà thực sự đã trưởng thành, khi đưa con về tăm ông bà ngoại, con bé cầm theo túi lớn túi bé quà cho mọi người, mồm miệng cũng khéo ăn nói hơn hẳn, nói rằng nhất định sẽ chăm sóc mẹ tử tế, nhất định không để mẹ phải đau lòng, khiến ông bà ngoại rơm rớm nước mắt, cuối cùng tạm thời cũng thấy yên tâm về con gái.

Nhưng đồng thời, Hà Linh Tố cũng phát hiện ra một sai lầm nghiêm trọng của mình, cách dạy dỗ nhiều năm vẫn giữ nguyên một kiểu của bà đã khiến cho con gái sống rất có quy củ nhưng cũng rất đơn điệu: Vệ Tử dường như không đi chơi phố, thiếu thứ gì cũng chỉ ra thẳng cửa hàng, mua xong rồi về. Ngoài đọc sách, học hành, Vệ Tử hầu như không có sở thích nào, cũng không có sở trường gì, đến cả thói quen xem tivi cũng chẳng có, càng không nói tới chuyện vào mạng hay đi hát karaoke như những cô gái trẻ khác. Vệ Tử cũng không biết cách làm điệu, không biết đưa ra bất cứ yêu cầu nào quá mức, nếu người khác có đối xử không đúng với nó, thì cùng lắm nó sẽ đi tìm câu trả lời từ chính bản thân, rồi nhận hết sai về mình.

Một Vệ Tử như vậy là đứa con gái ngoan điển hình, nhưng lại không làm cho bố mẹ bớt lo lắng. Lần này, sau khi con gái trở về, Hà Linh Tố không biết đã ân hận bao nhiêu lần, người chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất của cách giáo dục cực đoan và nghiêm khắc chính là đứa con gái yêu quý nhất.

Nghe con kể về cuộc sống của sinh viên, thì dường như ngoài học ra chỉ có đi làm thêm, Hà Linh Tố không nén được, hỏi: “A Tử, con lên đại học rồi, sao không đi chơi cùng với các bạn trong phòng?”.

Vệ Tử nghiêng đầu suy nghĩ một lúc rồi đáp: “Hình như những lần như vậy không nhiều, vì bài tập của con làm mãi cũng không hết”. Thời gian đi làm thêm có thể tranh thủ được, mục đích là để luyện tiếng Anh, cô còn là sinh viên duy nhất duy trì việc tự học hằng ngày, nhưng thành tích chỉ ở mức bình thường, nghĩ đến đây, Vệ Tử có vẻ hơi xấu hổ: “Thì vẫn là câu nói cũ, chim ngốc sợ bay không kịp thì phải bay trước”.

Nhìn vẻ lúng túng của con, Hà Linh Tố cảm thấy trái tim như bị bóp nghẹt, sống mũi cay cay, một lúc lâu sau mới nói: “Thực ra, có những lúc để bản thân xả hơi một chút cũng tốt. A Tử, thực ra, con đâu có ngốc, vì muốn con cố gắng hơn nên trước đây mẹ mới nói là con ngốc, người ngốc thực sự thì không thể thi đỗ vào trường đại học X được, càng không thể xuất sắc vào làm việc ở trong cơ quan nhà nước. Cho dù may mắn thế nào thì trước khi được nhận vào con cũng phải qua cuộc phỏng vấn, con phải nói, phải dùng đến thực lực của mình”.

Vệ Tử nghe đến đây, mắt sáng bừng lên, rồi nhìn về phía mẹ với vẻ rất phấn chấn: “Mẹ, cũng có một người khác nói như vậy. Anh ấy nói, những người vào được cơ quan con, hoặc là gia đình rất mạnh, hoặc là bản thân phải cực kỳ xuất sắc, con không có gia đình mạnh, như thế có nghĩa là con xuất sắc rồi, lúc ấy con tưởng anh ta nói vậy để lấy lòng con”. Mẹ cô là người từ trước đến nay không khen ngợi ai một cách dễ dàng, đây là lời khen nghiêm túc và thực lòng đầu tiên mẹ dành cho cô, vì vậy Vệ Tử vô cùng cảm động, gần như không dám tin.

Nhìn gò má ửng hồng của con gái, Hà Linh Tố “ừ” một tiếng rồi hỏi: “Người nói câu này là người như thế nào?”.

“Anh ấy cùng nghề với mẹ, có điều là bên Tây y, bác sĩ thực tập của khoa ngoại tim mạch bệnh viện H, tên là Thời Viễn.” Vệ Tử vui vẻ trả lời.