Ngàn Năm - Vạn Năm

Chương 16: Nữ nhân tội gì làm khó nữ nhân (hạ)



Phần thi thứ hai: Kỳ nghệ

Lần này Lâm Nhạc quả không phụ kì vọng của tất cả mọi người, vừa bắt đầu cuộc thi đã đường đường chính chính dõng dạc tuyên bố “Vòng này ta bỏ cuộc” khiến mọi người ngốc ra trong phút chốc. Nàng gãi đầu cười cười “thật xin lỗi, ta không biết chơi cờ” sau đó lon ton chạy về vị trí.

“Nàng không biết chơi?”

“Ừ, không biết” nàng cắn quả nho vừa đưa tới miệng.

“Sau này ta sẽ dạy cho nàng” hắn mĩm cười xoa đầu nàng.

Nàng ngẩn đầu nhìn hắn thì bắt gặp ánh mắt ôn nhu đang chăm chú nhìn nàng, hai má nàng đang phồng lên vì hai quả nho bỗng chốc đỏ lên. Giở trò thâm tình gì chứ, đáng ghét thật - nàng nghĩ thầm.

Sau khi nàng bỏ cuộc thì không ngoài dự đoán của mọi người, Liễu Nhược Nhi đã giành chiến thắng đầy thuyết phục, trở thành người đừng đầu phần thi kỳ nghệ.

Phần thi cuối cùng: Thi Họa

Lần này thì cả Liễu Nhược Nhi và Lâm Nhạc đều tham gia, những nữ tử khác cũng hào hứng không kém, vốn đây là phần thi được phần nhiều chúng nữ tích cực rèn luyện nhất, nàng ta có thể không giỏi xướng ca, có thể đánh cờ không tinh, nhưng ngâm câu đối chữ, múa bút thành họa thì phải nằm lòng. Lâm Nhạc cũng không phải thi thánh, trong thời gian ngắn như thế hoàn thành một bức họa, đồng thời cũng viết nốt bài thơ, đừng nghĩ, đó rõ ràng là chuyện đùa. Nàng đang ảo não thì đề tài của Hoàng đế cũng được đưa ra.

Khi hắn vừa công bố đề tài thì mọi người xung quanh đều hút khí lạnh, rất khó, phải nói là cực kì khó. Phần thi thư với đề tài chỉ hai từ “Nhân tài” còn phần thi Họa cũng chỉ gói gọn trong 4 loài hoa tượng trưng cho Tấn Khang minh triều.

Tiếng xì xầm xung quanh vang lên, những nam tử có mặt đều tụm lại thảo luận bàn tán, những người có mặt ở đây đều là danh sĩ,hoặc tự xem mình là có học thức hơn người, tài năng xuất chúng, nhưng khi nghe đề tài của hoàng đế đều có chút nuốt không trôi, âm thầm suy nghĩ đáp án, để tránh việc hoàng đế không hài lòng với phần thi của những nữ nhân kia, lại hỏi sang bọn họ, trả lời tốt thì không thành vấn đề, còn đối đáp không trôi chãy thì đường làm quan sắp tới ngươi có mơ cũng đừng mơ đến.

Lâm Nhạc vô cùng ngạc nhiên vì đề tài hắn đưa ra, thực chất, ở thế kỉ XXI nàng cũng thỉnh thoảng đọc một vài bài thơ cổ nổi tiếng của Lý Bạch, Đỗ Phủ… nàng cũng không nghĩ sẽ đạo văn của bọn họ, nhưng tình thế trước mắt nếu nàng không làm vậy thì với vốn văn chương ít ỏi của mình, thua là cái chắc. Chỉ mong thời đại này là một thời không hoàn toàn khác với lịch sử mà nàng biết, nếu không thì nàng thật có lỗi với họ.

Thời gian thi là một canh giờ, nhiều nữ tử cảm thấy không có khả năng liền bỏ cuộc, trên đài giờ chỉ còn 4 người trụ lại, Lâm Nhạc, Liễu Nhược Nhi, nữ nhi của Thái phó Lý Đức Lý đại nhân – Lý Vân Nghi, cùng với Tề Uyển Uyển. Lúc này cả bốn người đều cau mày suy nghĩ, cuối cùng Lý Vân Nghi hạ bút trước, sau đó là Liễu Nhược Nhi, Tề Uyển Uyển, Lâm Nhạc vẫn chưa nghĩ ra mình sẽ vẽ như thế nào.

Thời gian đã trôi qua gần một nữa, nàng vẫn chưa động bút, 3 người còn lại trên bài thi đều đã nhìn ra hình ảnh sơ bộ. Lý Vân Nghi vẽ một bức Giang sơn tú lệ, hùng vĩ hoành tráng, mây núi như ẩn như hiện trong sương sớm, Liễu Nhược Nhi cũng sắp hoàn thành bức Trường Chinh (trường kì chinh chiến) diễn tả cảnh khải hoàn của một binh đoàn đang về kinh ngập trong mưa hoa của dân chúng, Tề Uyển Uyển không thua kém khi khắc họa nên cảnh chia ly ngập nước mắt của một nữ nhân đang tiễn người thương lên đường thi cử. Lâm Nhạc thở ra một hơi, nàng đã quyết định rồi, mặc dù có lẽ hơi mạo hiểm, nhưng với một đất nước đang khuyến khích văn chương thi từ như Tấn Khang Minh triều thì có lẽ phương án của nàng sẽ thành công.

Nàng hạ bút, thời gian cứ tích tắc trôi qua. Thượng thư đại nhân cuối cùng cũng thông báo thời gian thi đấu đã kết thúc, Lâm Nhạc cũng vừa vặn hoàn thành tác phẩm của mình, nàng mĩm cười, không tồi.

Thượng thư Tề Khanh cho người treo 4 bức họa lên cho mọi người bình phẩm, khi bức họa của Lâm Nhạc được treo lên thì không khí toàn trường bỗng im lặng trong chốc lát rồi nhanh chóng náo nhiệt hẳn lên. Trên nền lụa trắng, một bóng dáng anh tuấn hiện lên, đầu đội mũ bình thiên, hài thêu chỉ vàng, long bào uy nghi, phía dưới quần thần đang quỳ bái. Xa xa là bóng dáng của dân chúng đang múa hát trẩy hội, từng đợt từng đợt hoa Hải Đường được tung lên như mưa trắng một góc trời. Bên góc trái còn đề một bài thơ:

Thiên tử trọng anh hào

Văn chương giáo nhĩ tào

Vạn ban giai hạ phẩm

Duy hữu độc thư cao…

Tử Hạo bước đến bên bức họa của nàng “thiên tử trọng anh hào” rồi gật đầu, hắn nhìn nàng cười nói “Trẫm không ngờ ái phi có tài văn chương đến vậy, quả thực Trẫm đã nhặt được một báu vật rồi!”

“Phần thi thư họa này, người thắng là Trường Nhạc quý phi” nói xong hắn dắt tay nàng còn đang ngơ ngẩn về chỗ ngồi.

“Muội muội quả nhiên là tài nữ nhất đẳng, tỷ tỷ thật thấy hổ thẹn không bằng” Thục Hi quý phi mĩm cười hướng nàng khen ngợi, thật không ngờ nàng ta còn có tài năng văn chương, nàng đã không tính đến tình huống này. Nói xong nàng ta rót một ly rượu “để tỏ lòng, tỷ mời muội một ly, hi vọng sau này tỷ muội chúng ta hòa hợp, cùng nhau hầu hạ hoàng thượng”.

Nàng bối rối “ta không biết uống rượu a!”

“Không sao, đây chỉ là rượu được ủ từ trái cây, nồng độ rất thấp, hương lại thơm. Hay là muội còn trách tỷ” Nàng ta tỏ vẻ ủy khuất.

“Thôi được rồi, ta sẽ uống, đa tạ tỷ tỷ” nói xong nàng đón lấy ly rượu sau đó một hơi uống cạn.

Tử Hạo đang nói chuyện cùng với sứ thần, thỉnh thoảng ánh mắt vẫn nhìn về phía nàng. Hắn nhíu mày khi thấy nàng uống rượu, sau đó lập tức ra lệnh Đông Tuyết theo trông chừng nàng.

Lâm Nhạc đang ngồi bỗng thấy trong người không được khỏe, đường như cơ thể ngày càng nóng, người cũng có chút chếnh choáng say, rõ ràng Thục Hi quý phi nói đây chỉ là rượu trái cây, lúc uống cũng thấy không nặng lắm, sao giờ lại thấy khó chịu thế này?