Nếu Em Ở Lại (If I Stay)

Chương 2



[2] 8:17 A.M

Chúng tôi vào xe, một chiếc Buick hoen gỉ đã rất cũ từ hồi ông Gran cho chúng tôi sau khi Teddy sinh ra. Mẹ và bố bảo tôi lái, nhưng tôi từ chối. Bố trượt vào vị trí sau bánh lái, bây giờ ông thích đi xe rồi. Trước đây ông đã cứng đầu cứng cổ gạt bỏ chuyện lấy bằng lái hàng năm trời, cứ nhất định đạp chiếc xe đạp của mình đi khắp nơi. Hồi còn chơi nhạc, sự chối bỏ lái xe của ông có nghĩa là các thành viên khác trong ban nhạc luôn phải mắc kẹt với cái bánh lái trong suốt các tour diễn. Họ từng đảo mắt nhìn ông, mẹ tôi thì còn hơn thế. Bà khó chịu, dụ khị, và thi thoảng gào lên bảo bố phải thi lấy bằng, nhưng ông khăng khăng ưu tiên sức mạnh của pê-đan hơn. “Hừ, vậy thì tốt nhất anh nên tìm cách lắp một cái xe có thể chở cả gia đình ba người và giữ cho chúng ta khô ráo khi trời mưa,“ bà chỉ ra. Nghe thế bố chỉ cười và nói rằng ông đang chế tạo rồi đây.

Nhưng khi mẹ có bầu Teddy, bà thực sự cương quyết. Đủ rồi, bà nói. Dường như bố hiểu rằng sự thay đổi đang diễn ra. Ông dừng tranh cãi và thi lấy bằng lái. Ông cũng quay lại trường để lấy bằng giáo viên. Tôi đoán rằng mọi chuyện vẫn ổn nếu kìm hãm sự trưởng thành với một đứa con. Nhưng với hai đứa, đã đến lúc để trở nên chín chắn. Là lúc bắt đầu đeo một cái nơ cổ.

Sáng nay ông có đeo một cái, diện kèm với áo khoác thể thao chấm bi và đôi giày wingtip cổ điển. “Ăn mặc hợp với ngày tuyết, con hiểu mà,“ tôi nói.

“Bố như một cái bưu điện,“ ông đáp, gạt tuyết xuống khỏi mui xe với một trong những con khủng long nhựa của Teddy nằm rải rác trên thảm cỏ trước hiên nhà. “Dù mưa tuyết hay mưa, hay nửa inch tuyết đi chăng nữa cũng không thể thúc ép bố mặc một cái “áo tiều phu”[1] đâu.”

“Này, họ hàng của em mặc áo tiều phu đó nhé,“ Mẹ cảnh cáo. “Đừng có lôi mấy người tiều phu da trắng nghèo khổ ra làm trò đùa.”

“Anh không hề,“ Bố đáp lại, “Chỉ đưa ra sự tương phản trong phong cách thôi mà.” Bố khởi động vài lần trước khi chiếc xe có thể chạy được. Như thường lệ, sẽ có một cuộc chiến nổ ra để giành quyền sở hữu kênh nghe đài. Mẹ muốn NPR.[2] Bố muốn Frank Sinatra. Teddy muốn SpongeBob SquarePants. Tôi muốn kênh nhạc cổ điển, nhưng tự ý thức được mình là fan nhạc cổ điển duy nhất trong gia đình, tôi sẵn sàng đổi sang Shooting Star.

Bố ngã ngũ. “Vì hôm nay nghỉ học, chúng ta phải nghe bản tin một chút để không trở thành những kẻ ngu dốt...”

“Em tin rằng không nghe thì đúng là ngu dốt.” Mẹ nói.

Bố đảo mắt và nắm tay mẹ, sau đó cất lên chất giọng kiểu giáo viên ở trường của ông. “Như bố luôn nói, NPR đầu tiên, sau đó khi bản tin kết thúc sẽ đến kênh nhạc cổ điển. Teddy, bố mẹ sẽ không tra tấn con bằng cái đó, con có thể dùng Discman,“ Bố bảo, rút chiếc máy nghe nhạc xách tay ra khỏi radio của chiếc xe. “Nhưng con không được bật Alice Cooper trong xe bố. Bố cấm đấy.” Bố thò tay vào hộp đựng đồ để xem có gì bên trong. “Jonathan Richman được không?”

“Con muốn Sponge Bob, nó có sẵn trong máy rồi,“ Teddy gào lên, nhún nhảy và chỉ vào cái Discman. Bánh kếp sô-cô-la chip rưới siro chỉ có tác dụng đẩy cao sự hưng phấn quá khích của nó.

“Con trai, con làm tan nát trái tim bố đấy,“ Bố tôi đùa. Cả Teddy và tôi đều lớn lên trong giai điệu kỳ cục của Jonathan Richman, vị thánh bảo hộ âm nhạc của cả bố và mẹ.

Sau khi lựa chọn âm nhạc xong, chúng tôi đều yên lặng. Trên đường rải rác các mảng tuyết, nhưng hầu như chỉ ẩm ướt. Có điều đây là Oregon, đường xá lúc nào cũng ướt. Mẹ tôi từng đùa rằng nếu đường mà khô thì mọi người sẽ gặp rắc rối. “Họ tự đắc, để cảnh giác bay theo gió, lái như mấy gã khốn. Cớm có một ngày vất vả rút vé phạt vượt quá tốc độ.”

Tôi dựa đầu vào cửa kính xe, nhìn khung cảnh trôi vụt qua, là hoạt cảnh của những cây linh sam tán xanh sẫm điểm những bông tuyết, những làn khói trong lớp sương mù trắng xóa, và những đám mây bão xám xịt dày đặc trên không trung. Không khí bên trong xe ấm áp nên cửa kính đã đọng một lớp hơi mờ, tôi vẽ những đường cong gợn sóng lên màn sương đó.

Khi bản tin kết thúc, chúng tôi chuyển sang nhạc cổ điển. Tôi nghe thấy vài nhịp đầu tiên trong bản xô-nát cello số 3 của Beethoven, một phần của bài luyện tập tôi định hoàn thành trong buổi chiều nay, đúng là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tôi tập trung vào nốt nhạc, tưởng tượng mình đang chơi, cảm thấy khoan khoái vì cơ hội luyện tập này, và hạnh phúc vì được ở trong chiếc xe ấm áp với bản xô-nát và gia đình của mình. Tôi khép mắt lại.

Không ai nghĩ rằng chiếc đài sẽ hoạt động sau chuyện đó. Nhưng nó thật sự vẫn chạy.

Chiếc xe bị đâm tan tành. Tác động của một chiếc xe tải nặng bốn tấn đi với tốc độ sáu mươi dặm một giờ đâm thẳng vào hàng ghế đầu không khác nào một quả bom nguyên tử. Nó phá nát cửa xe, văng hàng ghế trên qua cửa sổ bên bánh lái. Nó lật ngửa khung gầm, nảy lớp khung lên khỏi đường và bật ra khỏi động cơ như thể chúng chẳng cứng cáp gì hơn một tầng mạng nhện. Nó quăng bánh xe và vành xe vào sâu trong rừng. Nó ma sát với bình xăng, nên lúc này một vệt lửa nhỏ đang lan ra con đường ẩm ướt.

Có rất nhiều âm thanh. Một bản giao hưởng dồn dập, dàn đồng ca chói tai, aria[3] bùng nổ, và cuối cùng là âm thanh chết chóc của tiếng kim loại cứng cắt vào hàng cây lá kim. Sau đó là yên lặng, ngoại trừ một thứ: Bản xô-nát cello số ba của Beethoven vẫn đang phát. Chiếc radio của xe không hiểu sao còn gắn được với pin, vì thế Beethoven vang lên trong buổi sáng tháng hai vừa trở lại trạng thái thanh bình.

Đầu tiên tôi ngỡ mọi thứ vẫn ổn. Thứ nhất là tôi vẫn nghe thấy Beethoven. Sau đó là sự thật rằng tôi đang đứng trên cái rãnh bên cạnh đường. Khi tôi nhìn xuống, váy bò, áo len cardigan, và cả đôi bốt đen tôi đi sáng hôm nay vẫn y như lúc chúng tôi mới rời khỏi nhà.

Tôi leo lên đường cao để nhìn chiếc xe rõ hơn. Nó thậm chí không còn là một chiếc xe nữa. Chỉ là bộ khung sắt, không có ghế ngồi, không có người ngồi. Điều đó có nghĩa cả gia đình tôi cũng đã bị văng ra khỏi xe như tôi. Tôi chà xát bàn tay vào váy rồi tiến vào giữa đường để tìm họ.

Tôi thấy bố đầu tiên. Dù ở khoảng cách vài feet, tôi vẫn có thể nhìn thấy tẩu thuốc thò ra khỏi chiếc áo khoác của ông. “Bố ơi”, tôi gọi, nhưng khi tôi lại gần ông, mặt đường trở nên trơn trượt và có những mẩu màu xám trông giống như hoa cải. Tôi lập tức biết mình đang nhìn thấy cái gì, nhưng không thể liên hệ nó với bố tôi ngay được. Điều xuất hiện trong đầu tôi là những bản tin về cơn bão hay hỏa hoạn, chúng tàn phá một căn nhà nhưng lại để cho căn nhà bên cạnh nguyên vẹn như thế nào. Một phần não của bố tôi đang nằm trên đường, nhưng chiếc tẩu vẫn ở trong túi áo bên ngực trái của ông.

Tôi tìm thấy mẹ tiếp theo. Hầu như không có máu trên người bà, nhưng môi của bà tái xanh và lòng trắng trong mắt bà đã hoàn toàn chuyển sang màu đỏ, giống như một con ma cà rồng trong bộ phim ma quỷ rẻ tiền. Bà trông như không có thực, và hình ảnh tương tự một xác sống lố bịch khiến một tia hoang mang sợ hãi xẹt qua tôi.

Tôi cần phải tìm Teddy! Nó đâu rồi? Tôi đi vòng quanh, bỗng nhiên bồn chồn, giống như hồi tôi lạc mất nó khoảng mười phút trong một cửa hàng tạp hóa. Tôi đã tin chắc rằng nó bị bắt cóc. Tất nhiên, hóa ra nó chỉ đi lang thang cốt kiếm khu bán kẹo thôi. Khi tìm thấy nó, tôi không chắc là mình muốn ôm hay muốn mắng nó nữa.

Tôi quay trở về cái rãnh nơi mình vừa đứng và phát hiện một cánh tay thò ra ngoài. “Teddy! Chị ở đây!”, tôi gọi. “Tỉnh lại đi, chị sẽ kéo em ra.” Nhưng khi tới gần hơn, tôi thấy ánh kim loại lóe lên từ một chiếc vòng tay bạc có mặt hình cello và ghita bé xíu. Adam đã tặng nó cho tôi vào sinh nhật thứ mười bảy. Đó là vòng tay của tôi, tôi đã đeo nó sáng hôm nay. Tôi nhìn xuống cổ tay mình. Tôi vẫn đang đeo nó.

Tôi nhích lại gần hơn để rồi nhận ra không phải Teddy đang nằm đó. Đấy là tôi. Máu chảy từ ngực tôi thấm qua áo, váy, và áo len, trông như nước sơn chảy xuống lớp tuyết đầu mùa. Một cẳng chân của tôi trẹo đi, da và bắp thịt bị rách khiến tôi còn nhìn được vệt màu trắng của xương. Mắt tôi nhắm nghiền, mái tóc nâu sẫm ẩm ướt và dính bết máu.

Tôi quay người đi. Không đúng, chuyện này không thể xảy ra. Chúng tôi là một gia đình, đang đi trên đường. Đây không phải sự thật. Tôi phải ngừng giấc ngủ trên xe thôi. Không! Dừng lại đi. Làm ơn dừng lại, làm ơn tỉnh dậy! Tôi gào thét vào khoảng không buốt giá. Rất lạnh. Hơi thở của tôi đáng ra phải phả khói. Nhưng không hề. Tôi nhìn xuống cổ tay mình, trông nó vẫn ổn, không chảy máu hay rách da, rồi tôi tôi cấu mạnh hết sức có thể.

Tôi không cảm thấy gì cả.

Trước đây tôi từng trải qua nhiều cơn ác mộng, ác mộng bị ngã, ác mộng độc tấu cello mà không biết nhạc, ác mộng chia tay với Adam, nhưng tôi luôn có thể lệnh cho bản thân mở mắt ra, nhấc đầu khỏi gối, ngừng bộ phim kinh dị đang chiếu dưới mí mắt nhắm chặt của mình. Tôi cố gắng lần nữa. Tỉnh dậy đi! Tôi gào lên. Tỉnh dậy!

Tỉnh dậy tỉnh dậy tỉnh dậy! Nhưng tôi không thể. Tôi không hề.

Rồi tôi nghe thấy thứ gì đó. Âm nhạc. Tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng nhạc, vì thế tôi tập trung vào nó. Tôi ghìm những nốt nhạc của bản xô-nát cello thứ ba của Beethoven dưới đầu ngón tay, giống như tôi thường làm khi nghe thấy bản nhạc đang luyện tập. Adam gọi đó là cello không khí. Anh luôn hỏi tôi liệu một ngày nào đó chúng tôi có thể song tấu không, anh chơi ghita không khí, tôi cello không khí. “Khi kết thúc, chúng ta có thể quăng nhạc cụ không khí của mình đi,“ anh nói đùa. “Em biết là em muốn mà.”

Tôi chơi, chỉ tập trung vào chơi nhạc, cho đến khi sự sống cuối cùng trong chiếc xe cũng chết, và âm nhạc đi theo nó.

Không lâu sau tiếng còi cấp cứu vang lên.

[1] Áo tiều phu: Lumberjacks (tiều phu), hay còn gọi là lumber jacket, dạng áo nỉ kẻ caro đen trắng.

[2] NPR: National Public Radio

[3] Aria (tiếng Ý nguyên gốc có nghĩa là “khúc ca” hay “điệu ca”, “điệu nhạc”) là thuật ngữ chỉ một bài ca hoặc độc lập (như “Ah Perfido” của Beethoven và một số aria hòa nhạc của Mozart) hoặc là một phần của một tác phẩm lớn (opera, cantata, oratorio). Aria được thể hiện bằng một giọng solo có hoặc không có phần nhạc đệm và thường thể hiện cảm xúc mãnh liệt.