Nếu Em Ở Lại (If I Stay)

Chương 11



[11] 8:12 P.M

Tôi thấy Kim và Adam biến mất ở dưới sảnh. Tôi định đi theo họ nhưng thân thể như dính chặt lấy sàn nhà, không thể di chuyển cái cẳng chân vô thực của mình. Chỉ sau khi họ mất hút ở ngã rẽ, tôi mới bừng tỉnh và bám theo, nhưng họ đã đi vào thang máy.

Giờ thì tôi đã nhận ra mình không có bất kỳ khả năng siêu nhiên nào cả. Tôi không thể đi xuyên qua tường hay xuyên xuống tầng dưới. Tôi chỉ có thể làm những chuyện mà bình thường vẫn có thể làm, ngoại trừ việc rõ ràng những gì tôi làm trong thế giới của tôi hoàn toàn vô hình với những người khác. Ít nhất nó có vẻ hữu dụng bởi không ai nhìn lại khi tôi mở cửa hoặc ấn nút thang máy. Tôi có thể chạm vào đồ vật, thậm chí kéo tay nắm cửa hay những thứ tương tự, nhưng tôi không thật sự cảm nhận được bất kỳ thứ gì hay bất kỳ người nào. Giống như tôi đang trải nghiệm mọi thứ qua một cái bể cá. Nó không có nghĩa lý gì với tôi, nhưng đồng thời, chẳng điều gì xảy ra trong hôm nay có đủ ý nghĩa cả.

Tôi cho rằng Kim và Adam đang đi đến phòng chờ để gia nhập nhóm cầu nguyện, nhưng khi tôi tới nơi, gia đình tôi không ở đó. Có nhiều áo khoác và áo len vắt trên ghế, tôi nhận ra chiếc áo phao màu cam tươi của chị họ Heathers. Chị ấy sống ở miền quê và thích cuốc bộ trong rừng, vì thế chị ấy bảo màu chói là cần thiết để bảo vệ bản thân khỏi những gã đi săn nhầm lẫn mình với gấu.

Tôi nhìn đồng hồ trên tường. Có lẽ đã tới giờ ăn. Tôi rảo bước xuống sảnh để tới khu ăn uống tự phục vụ, nơi cung cấp đồ chiên, rau trộn nặng mùi như những cửa hàng ăn nhanh ở khắp mọi nơi. Không chỉ có mùi hương không hấp dẫn, nó còn đông nghịt. Bàn ghế chen chúc các y bác sĩ cùng nhóm thực tập sinh trông đến là lo lắng, diện áo khoác trắng và đeo ống nghe bóng loáng như đồ chơi. Họ đang ăn pizza đặt trong hộp các-tông và khoai tây nghiền đông lạnh. Tôi mất một lúc mới tìm được gia đình mình, đang ngồi lộn xộn quanh một cái bàn. Gran nói chuyện với Heather. Gramps thì tập trung hết sức vào món sandwich Thổ Nhĩ Kỳ của ông.

Cô Kate và cô Diane đang ở trong góc, thì thầm to nhỏ. “Vài vết rách và bầm tím, nhưng anh ta đã được xuất viện,“ cô Kate nói vậy, trong khoảnh khắc tôi nghĩ cô ấy nói về Teddy và cảm thấy mừng phát khóc. Nhưng rồi tôi lại nghe cô nói gì đó về việc không có chất cồn trong máu, xe của chúng tôi đã lái chệch vào làn đường của anh ta thế nào, và người đàn ông tên Dunlap khai rằng anh ta không kịp phanh lại. Cuối cùng tôi nhận ra họ không nói về Teddy, họ nói về người lái xe kia.

“Cảnh sát nhận định có lẽ là tuyết, hoặc một con hươu đã khiến họ chệch hướng,“ cô Kate tiếp tục. “Hiển nhiên, hệ quả vênh cân nặng phải xảy ra. Một bên vẫn ổn còn một bên chịu tổn hại thê thảm...” Giọng cô rệu rã.

Tôi không biết liệu mình có thể bảo Dunlap là 'vẫn ổn' hay không, dẫu cho anh ta bị thương nhẹ thế nào. Tôi nghĩ nếu như mình là anh ta, thức dậy vào một buổi sáng thứ ba, leo lên chiếc xe tải đến chỗ làm ở một công xưởng, hoặc có lẽ là một cửa hàng tiện lợi, hoặc có thể đến quán Loretta để làm một đĩa trứng ốp la. Anh Dunlap. Người có lẽ vô cùng hạnh phúc hoặc vô cùng bất hạnh, đã cưới và có con hoặc đang còn độc thân. Nhưng bất kể anh ta là ai hay đang làm gì sáng sớm hôm nay, anh ta đã không còn là người như thế nữa. Cuộc đời anh ta cũng không tránh khỏi thay đổi. Nếu điều cô tôi nói là đúng, rằng vụ tai nạn không phải lỗi của anh ta, vậy anh ta sẽ là 'chàng ngốc tội nghiệp' như lời Kim nói, ở sai địa điểm và sai thời điểm. Bởi vận đen xui xẻo và bởi anh ta đã ngồi lên xe tải của mình, lái về hướng Đông trên Đường 27 vào sáng nay, hai đứa trẻ đã mồ côi và ít nhất một trong số chúng đang trong tình trạng hấp hối.Làm sao bạn có thể sống với sự thật đó? Trong một giây, tôi tưởng tượng mình sẽ khỏe hơn và rời khỏi đây, tới nhà của anh Dunlap, làm khuây khỏa sự tội lỗi của anh ta, để cam đoan một lần nữa rằng đó không phải lỗi của anh ta. Có lẽ chúng tôi sẽ trở thành bạn.

Đương nhiên, thường thì mọi chuyện không xảy ra như vậy. Nó sẽ trở nên kỳ quặc và bi thương. Bên cạnh đó, tôi vẫn chưa biết mình sẽ quyết định thế nào, vẫn không có một chút gợi ý phải làm sao để bắt đầu quyết định ở lại hay không ở lại. Cho tới khi khám phá ra, tôi sẽ phải để mặc mọi chuyện cho số phận, hoặc bác sĩ, hoặc bất cứ ai có thể quyết định chuyện này khi mà người quyết định còn đang quá bối rối với việc lựa chọn giữa thang máy và thang bộ.

Tôi cần Adam. Tôi liếc quanh lần cuối để tìm anh và Kim nhưng họ không ở đây, vì thế tôi lại đi lên ICU.

Tôi thấy họ đang lấp ló ở tầng điều trị chấn thương, cách ICU vài phòng. Họ đang cố tỏ ra bình thường khi thử mở vài cánh cửa để đồ. Cuối cùng khi đã tìm thấy một cái không khóa, họ lén lút vào trong. Họ sờ soạng trong bóng tối để tìm công tắc điện. Tôi ghét phải làm họ cụt hứng, nhưng thật ra nó ở bên ngoài hành lang cơ.

“Em không chắc chuyện này có hiệu quả bên ngoài màn ảnh không,“ Kim nói với Adam khi cô đang dò dẫm bên tường.

“Mọi kịch bản đều dựa trên thực tế,“ anh trả lời cô.

“Trông anh không giống bác sĩ,“ cô nói.

“Anh đã mong là phục vụ, hoặc người gác cổng.”

“Tại sao một người gác cổng lại vào ICU?” Kim hỏi. Cô ấy rất khắt khe với những tiểu tiết kiểu này.

“Hỏng bóng đèn chẳng hạn. Anh không biết. Tùy thuộc vào ý muốn của em thôi.”

“Em vẫn không hiểu sao anh không tới gặp gia đình cô ấy?” Kim hỏi, nghe giáo điều hơn bao giờ hết. “Em chắc chắn bà ngoại của cô ấy có thể thấu hiểu, có thể dẫn anh vào thăm Mia.”

Adam lắc đầu. “Em biết không, khi y tá đe dọa sẽ gọi bảo vệ, ý nghĩ đầu tiên của anh là mình sẽ gọi cho bố mẹ của Mia để họ giải quyết chuyện này.” Adam ngừng lại, hít vài hơi. “Nó khiến anh đau thắt từng cơn, và mỗi cơn đều như lần đầu tiên,“ anh nói với giọng gấp gáp.

“Em hiểu,“ Kim thì thầm trả lời.

“Dù thế nào đi nữa,“ Adam nói, lại tiếp tục công cuộc tìm công tắc đèn, “Anh không thể gặp ông bà cô ấy được. Anh không thể tăng thêm bất cứ gánh nặng nào cho họ. Đây là chuyện anh làm vì bản thân.”

Tôi chắc chắn ông bà tôi sẽ thành thực vui lòng giúp Adam. Họ đã gặp anh vài lần và rất thích anh ấy. Vào Giáng Sinh, Gran luôn làm kẹo nhai siro cây thích cho anh, bởi vì anh từng kể rằng mình thích món ấy như thế nào.

Nhưng tôi cũng biết đôi khi Adam có nhu cầu hành xử 'kịch hóa'. Anh khoái Hành Vi Vĩ Đại. Tỷ như tiết kiệm tiền tip hai tuần giao pizza để đưa tôi đến Yo-Yo Ma thay vì mời tôi tới một buổi hẹn hò bình thường. Tỷ như tô điểm bệ cửa sổ của tôi bằng hoa mỗi ngày trong suốt một tuần khi tôi bị nhiễm bệnh thủy đậu.Giờ thì tôi có thể thấy Adam đang tập trung vào nhiệm vụ mới. Tôi không chắc anh đang nghĩ gì, nhưng bất kể kế hoạch thế nào, tôi cũng rất vui sướng, bởi lẽ nó kéo anh ấy ra khỏi trạng thái thất thần tôi đã thấy trên hành lang bên ngoài ICU. Tôi từng chứng kiến anh như thế này trước đây, khi anh viết một bài hát mới hoặc thuyết phục tôi làm gì đó tôi không muốn - như đi cắm trại với anh chẳng hạn - nhưng không gì hết, kể cả một thiên thạch va vào trái đất, kể cả một cô bạn gái trong ICU, có thể can ngăn anh.

Bên cạnh đó, chính cô bạn gái nằm trong ICU lại là động lực thúc đẩy cho âm mưu của Adam. Và theo như suy đoán của tôi, đó là trò bịp trong bệnh viện lỗi thời nhất lịch sử, lấy từ một chi tiết trong bộ phim Kẻ đào tẩu mà tôi và mẹ hay xem trên kênh TNT. Tôi nghi ngờ nó. Kim cũng thế.

“Anh không nghĩ rằng bà y tá kia có thể nhận ra mình à?” Kim hỏi. “Anh đã quát vào mặt bà ta.”

“Bà ta sẽ không thể nhận ra anh nếu không nhìn anh. Giờ thì anh đã hiểu vì sao em và Mia lại giống nhau như hai hạt đậu trong rổ rồi. Một cặp Cassandra.”

Adam chưa bao giờ gặp bác Schein, vì thế anh không biết rằng câu nói ngụ ý Kim là một đứa lo bò trắng răng sẽ là một lời xúc phạm. Kim quắc mắt, nhưng tôi có thể thấy cô nhượng bộ. “Có lẽ cái kế hoạch giờ chót này của anh sẽ hiệu quả hơn nếu chúng ta có thể thấy mình đang làm gì.” Kim lục lọi túi của mình và rút ra cái di động mà mẹ cô ấy đã bắt cô ấy mang theo kể từ khi lên mười - GPS trẻ em, Kim gọi nó thế - cô ấn nút khởi động. Một tia sáng nhẹ xua bớt bóng tối.

“Giờ thì trông em giống một cô gái thông minh mà Mia thường khoe khoang rồi đấy,“ Adam nói. Anh bật điện thoại của mình lên và căn phòng được rọi sáng lờ mờ.

Đáng tiếc, tia sáng chỉ ra rằng cái tủ đựng chổi tí hon này có đầy chổi, một cái thùng, hai cái giẻ lau, nhưng thiếu bất kỳ thứ ngụy trang gì mà Adam đang mong đợi. Nếu có thể, tôi sẽ báo cho họ biết bệnh viện có những căn phòng bị khóa, nơi y bác sĩ có thể xếp thường phục và thay áo phẫu thuật hoặc blouse trắng. Còn những bộ quần áo bệnh viện phổ biến có thể thấy khắp nơi là loại áo dài vướng víu mà họ cho bệnh nhân mặc. Adam hoàn toàn có thể xỏ một cái áo dài đó và lướt qua sảnh trên một cái xe lăn mà không ai phát hiện ra, nhưng đến cả mánh lới này cũng không thể đưa anh vào ICU được.

“Chết tiệt,“ Adam nói.

“Chúng ta có thể tiếp tục cố gắng,“ Kim nói, đột nhiên trở thành người cổ vũ. “Chỗ này có đến mười tầng. Em chắc chắn sẽ có một tủ đồ không khóa.”

Adam sụp xuống sàn. “Ờ, em nói đúng. Thật là ngu ngốc. Chúng ta cần vạch ra một kế hoạch tốt hơn.”

“Anh có thể giả vờ dùng quá liều ma túy để lẻn vào ICU,“ Kim gợi ý.

“Đây là Portland. Em sẽ may mắn nếu vụ sốc thuốc có thể được áp dụng ER,“ Adam phản hồi. “Không, anh đang nghĩ đến việc đánh lạc hướng. Em biết đó, giống như khiến chuông báo cháy reo lên và tất cả các y tá đều chạy ra.”

“Anh thật sự nghĩ rằng những cô y tá ướt sũng và hoảng loạn sẽ tốt cho Mia à?” Kim hỏi.

“Hừm, không hẳn, nhưng sẽ là điều gì đó khiến tất cả bọn họ mất tập trung trong nửa giây để anh lặng lẽ mò vào.””Họ sẽ phát hiện ra anh ngay lập tức. Rồi họ sẽ quăng anh dập mông.”

“Anh không quan tâm,“ Adam trả lời. “Anh chỉ cần một giây thôi.”

“Vì sao? Ý em là anh có thể làm được gì trong một giây chứ?”

Adam ngừng lại trong giây lát. Cặp mắt của anh, thứ bình thường mang màu sắc hòa trộn giữa xám, nâu và xanh lục, nay tối sầm xuống. “Để anh có thể cho cô ấy biết anh ở đây. Rằng có ai đó vẫn ở đây.”

Kim không hỏi thêm bất cứ câu gì sau đó. Họ im lặng ngồi xuống, cả hai đều ngẩn ngơ, và điều này khiến tôi nhớ lại tôi và Adam có thể ở bên nhau trong yên lặng và riêng rẽ, rồi tôi nhận ra họ đang là bạn, thật sự là bạn. Mặc cho những điều đã xảy ra, ít nhất tôi cũng đạt được điều này.

Sau khoảng năm phút, Adam cốc lên trán. “Đương nhiên rồi,“ anh bảo.

“Gì cơ?”

“Đến lúc khởi động Hiệu lệnh Người Dơi rồi.”

“Hửm?”

“Đi nào, anh sẽ chỉ cho em.”

***

Khi tôi mới bắt đầu chơi cello, bố vẫn đang chơi trống trong ban nhạc của ông, tuy chuyện này đã chấm dứt vài năm sau khi Teddy ra đời. Ngay từ những buổi đầu, tôi đã có thể thấy sự khác biệt khi chơi loại nhạc của tôi, điều gì đó mạnh mẽ hơn sự hoang mang rõ rệt của bố mẹ về gu âm nhạc của tôi. Âm nhạc của tôi cô đơn. Ý tôi là bố có thể một mình gõ cái trống của ông trong vài giờ hoặc đơn độc ngồi viết bài hát trên bàn bếp, gảy những nốt bén nhọn bằng chiếc ghita acoustic đã hư hại, nhưng ông luôn nói rằng những ca khúc chỉ thật sự được sáng tác khi mình chơi nó. Điều này khiến nó trở nên thật thú vị.

Hầu như tôi chỉ chơi nhạc một mình, ở trong phòng tôi. Kể cả khi luyện tập luân phiên với những sinh viên cao đẳng, ngoài các buổi học, tôi vẫn thường chơi một mình. Khi tôi được diễn trong hòa nhạc hoặc độc tấu, vẫn là một mình, trên sân khấu, cello của tôi, chính tôi, và một thính giả. Không giống những buổi diễn của bố, nơi fan cuồng nhiệt leo lên sân khấu và nhảy xuống đám đông, luôn luôn có một bức tường giữa tôi và thính giả. Sau một khoảng thời gian chơi nhạc cô đơn như thế, nó trở nên nhàm chán.

Vì thế vào mùa xuân năm lớp tám, tôi quyết định bỏ cuộc. Tôi đã lên kế hoạch rút lui lặng lẽ, bằng cách cắt giảm những buổi luyện tập thừa thãi, không diễn độc tấu nữa. Tôi phát hiện nếu tôi dần dần rời xa nó, tôi có thể trở thành một người mới, không còn được biết đến như người chơi cello nữa. Có lẽ sau đó tôi sẽ chọn một nhạc cụ khác, ghita hoặc bass, thậm chí là trống. Thêm nữa, khi mẹ quá bận bịu với Teddy để nhận ra sự thay đổi trong thời lượng những buổi luyện tập cello của tôi, còn bố ngập đầu vào đống bài soạn và chấm bài thi với công việc dạy học mới nhận được, tôi nghĩ rằng sẽ không một ai phát hiện ra tôi đã ngừng chơi cho đến khi chuyện đã rồi. Chí ít tôi tự nhủ vậy. Chứ sự thực là, bất thình lình bỏ cello cũng tương đương với việc ngừng thở với tôi.

Tôi có thể đã bỏ thật, nếu không có Kim. Một buổi chiều, tôi rủ cô ấy xuống thành phố sau giờ học.

“Hôm nay là cuối tuần, cậu không phải luyện tập à?” Cô ấy vừa hỏi vừa đóng tủ cá nhân của mình.”Hôm nay mình có thể nghỉ,“ tôi đáp, giả vờ tìm quyển sách khoa học trái đất.

“Những người ngoài hành tinh bắt cóc Mia rồi ư? Đầu tiên là không độc tấu, giờ thì cậu bỏ cả buổi luyện tập. Chuyện gì đang diễn ra vậy?”

“Mình không biết,“ tôi đáp, gõ gõ ngón tay lên cái tủ. “Mình đang nghĩ đến việc thử một nhạc cụ mới. Trống chẳng hạn. Con mèo nhỏ của bố đang quay lại nền móng để hít bụi đây.”

“Ờ, đúng rồi. Cậu chơi trống, chuyện này vui phết,“ Kim nói với một nụ cười khoái trá.

“Mình nghiêm túc đấy.”

Kim nhìn tôi, miệng cô há hốc, giống như tôi vừa bảo rằng mình định xử một đĩa ốc sên chiên giòn trong bữa tối vậy.

“Cậu không thể bỏ cello được,“ cô ấy nói sau một lúc lặng người vì choáng.

“Sao lại không?”

Cô ấy bối rối khi cố gắng giải thích. “Mình không biết, nhưng dường như cello là một phần con người cậu. Mình không thể tưởng tượng cậu thiếu cái đàn ấy giữa hai chân được.”

“Thật ngốc nghếch. Thậm chí mình còn không được chơi trong ban nhạc diễu hành của trường. Ý mình là, có ai thèm chơi cello chứ? Một nhóm người già. Đó là loại nhạc cụ ngớ ngẩn đối với các cô gái. Quá ư ngốc nghếch. Và mình muốn có nhiều thời gian rảnh hơn, làm những việc vui vẻ.”

“Chuyện vui vẻ gì?” Kim đánh đố.

“Ờ, cậu biết mà? Mua sắm, đi chơi với cậu...”

“Mình xin,“ Kim nói. “Cậu ghét mua sắm. Và cậu đi chơi với mình đầy rồi. Nhưng tốt thôi, cứ bỏ buổi tập hôm nay đi. Mình muốn cho cậu xem vài thứ.” Cô ấy đưa tôi về nhà mình và lôi ra đĩa CD Nirvana MTV Unplugged, bật cho tôi nghe bài 'Something in the way'.

“Nghe đi,“ cô ấy nói. “Hai người chơi ghita, một trống, và một người chơi cello. Cô ấy tên là Lori Goldston và mình cá là hồi còn trẻ, cô ấy luyện tập hai tiếng một ngày như một cô gái mà mình biết, bởi vì nếu cậu muốn chơi nhạc với những con người biết đam mê, hoặc với Nirvana, đó là điều cậu phải làm. Mình không nghĩ có ai dám gọi cô ấy là kẻ ngốc.”

Tôi mang đĩa CD về nhà và nghe đi nghe lại nó cho tới tận tuần sau, cân nhắc những gì Kim nói. Tôi lấy cello ra vài lần, chơi nhạc. Đó là thứ âm nhạc khác biệt với âm nhạc tôi đã từng chơi, thách thức và cuồng nhiệt khác thường. Tôi định chơi bài 'Something in the way' cho Kim nghe vào tuần sau đó, khi cô ấy đến nhà tôi ăn tối.

Nhưng trước khi tôi có cơ hội, Kim đã trịnh trọng thông báo với cha mẹ tôi ngay trên bàn ăn rằng cô ấy nghĩ tôi phải tới trại hè.

“Cái gì, cậu định cải đạo cho mình bằng cách đưa mình đến cái trại Torah của cậu á?” tôi hỏi.

“Không, đó là trại hè âm nhạc.” Cô ấy chìa ra tờ giới thiệu hào nhoáng về Học viện nghệ thuật Franklin Valley, một chương trình mùa hè ở British Columbia. “Nó dành cho những nghệ sĩ nghiêm túc,“ Kim nói. “Cậu phải gửi một bản thu âm tự chơi nhạc để có thể tham gia. Mình đã gọi hỏi rồi, hạn cuối đăng ký là ngày mùng một tháng năm, vẫn còn thời gian.” Cô ấy quay sang sang tôi với gương mặt hếch lên, như thể đang thách tôi nổi điên với cô ấy vì gây phiền phức.Tôi không nổi điên. Tim tôi đang đập thình thịch, cứ như Kim đã thông báo rằng gia đình tôi trúng một cái vé số và cô ấy đang định tiết lộ số tiền là bao nhiêu. Tôi nhìn cô ấy, sự căng thẳng trong mắt cô ấy phản bội lại nụ cười mỉa ngụ ý 'cậu muốn cắn mình một miếng lắm hả?' trên gương mặt, còn tôi đang bị lấn át bởi cảm giác biết ơn vì được làm bạn với một người dường như còn hiểu tôi hơn chính bản thân tôi. Bố hỏi tôi có muốn đi không, tôi phản đối vì số tiền phải bỏ ra, bố nói đừng có lo về chuyện đó. Tôi có muốn đi không? Tôi muốn. Hơn bất cứ điều gì.

Ba tháng sau, khi bố thả tôi xuống ở một góc vắng vẻ tại đảo Vancouver, tôi không vững tin cho lắm. Nơi đó trông giống như một trại hè điển hình, những căn nhà gỗ trong rừng, kayak phơi trên bãi biển. Có khoảng mười lăm đứa trẻ, mà dựa vào cách chúng đang ôm nhau và hò hét, đã biết nhau hàng mấy năm rồi. Trong khi đó, tôi chẳng biết một ai cả. Trong sáu giờ đầu tiên, không ai nói chuyện với tôi trừ trợ lý giám đốc trại hè, người phân phòng cho tôi, chỉ cho tôi giường tầng của mình, và dẫn đường từ đó đi tới chỗ ăn, nơi mà ngay tối hôm ấy, tôi được đưa cho một chiếc đĩa chứa thứ gì đó trông như bò nướng.

Tôi khốn khổ nhìn cái đĩa của mình, sau đó ngó ra bầu trời đêm xám xịt. Tôi rất nhớ cha mẹ, Kim, và đặc biệt là Teddy. Nó đang trong giai đoạn khôi hài, muốn thử những cái mới, luôn mồm hỏi “Đó là cái gì?” và bập bẹ những điều vui nhộn nhất. Hôm trước khi tôi đi, nó bảo với tôi rằng mình đang khát 'chín phần mười' rồi, và tôi suýt nữa cười tè ra quần. Nhớ nhà, tôi thở dài rồi di di miếng thịt bò quanh đĩa.

“Đừng lo, không phải mỗi ngày đều mưa đâu. Chỉ mưa vào 'mỗi ngày khác' thôi.”

Tôi ngẩng lên. Đó là một đứa trẻ tinh ranh trông không quá mười tuổi. Cậu ta có mái tóc vàng hoe cắt đinh và những đốm tàn nhang li ti rải rác trên mũi.

“Mình biết,“ tôi đáp. “Mình đến từ miền Tây Bắc, tuy sáng nay khi mình rời đi thì đang nắng đấy. Mình lo về món bò nướng này cơ.”

Cậu ta cười ngặt nghẽo. “Nó chẳng ngon hơn gì cả, nhưng bơ đậu phộng và thạch thì lúc nào cũng tuyệt,“ cậu ta bảo, chỉ sang cái bàn nơi nửa tá trẻ đang làm sandwich.

“Peter. Trombone. Ontario,“ cậu ta nói. Tôi đã biết đó là cách chào hỏi tiêu chuẩn ở Franklin.

“Ồ, chào. Mình là Mia. Cello. Oregon.” tôi đoán vậy. Peter bảo tôi rằng cậu ta mười ba tuổi, và năm nay là lần thứ hai tham gia trại hè ở đây; phần lớn mọi người bắt đầu khi lên mười hai, đó là lý do họ đều biết nhau. Trong số năm mươi học viên, khoảng một nửa chơi Jazz, nửa còn lại là nhạc cổ điển, vậy nên nó là một nhóm nhỏ. Chỉ có hai người chơi cello, một trong số đó là cậu chàng tóc đỏ cao lêu nghêu tên là Simon, người mà Peter vẫy tới đây.

“Cậu có định cố gắng cho cuộc tranh tài concerto không?” Simon hỏi tôi ngay khi Peter giới thiệu tôi là Mia. Cello. Oregon. Simon là Simon. Cello. Leicester, một thành phố ở tận nước Anh. Đúng là một nhóm đa quốc gia.

“Mình không nghĩ vậy, mình còn chẳng biết đó là gì nữa,“ tôi đáp.

“Chà, cậu có biết tất cả chúng ta sẽ biểu diễn trong một dàn nhạc cho buổi giao hưởng cuối cùng không?” Peter hỏi tôi.Tôi gật đầu, dù thật sự tôi chỉ biết loáng thoáng. Bố dành cả mùa xuân để đọc thành tiếng tài liệu về trại hè, nhưng điều duy nhất tôi quan tâm là tôi sẽ được cắm trại với những nghệ sĩ nhạc cổ điển khác. Tôi không quá chú tâm vào tiểu tiết.

“Đó là buổi hòa nhạc cuối hè. Tất cả mọi người đều đến. Đó là một vụ lớn đấy. Chúng ta, những nghệ sĩ trẻ, sẽ diễn một màn phụ đáng yêu,“ Simon giải thích. “Tuy nhiên, một nghệ sĩ từ trại hè sẽ được chọn để chơi với dàn giao hưởng chuyên nghiệp và biểu diễn một màn độc tấu. Năm ngoái mình suýt được chọn nhưng cuối cùng lại thua một người thổi sáo. Đây là cơ hội gần-cuối-cùng của mình trước khi tốt nghiệp. Đã lâu rồi đàn dây không được chọn, còn Tracy, mẩu thứ ba của bộ ba nho nhỏ bọn mình đây, không cố thử. Cô ấy là kiểu chơi vì sở thích hơn. Thích nhưng không tuyệt đối nghiêm túc. Mình nghe nói là cậu nghiêm túc.”

“Mình ấy hả? Không quá nghiêm túc khi mà mình đã suýt bỏ. Cậu nghe chuyện này ở đâu thế?” Tôi hỏi.

“Các giáo viên đã nghe hết các cuộn băng của người đăng ký và nhận xét. Cuộn băng ứng cử của cậu quả thực khá tốt. Thật bất thường khi chấp nhận ai đó đã lên năm thứ hai. Vì thế mình đã mong chờ một cuộc cạnh tranh nảy lửa, để làm trò chơi của mình thú vị hơn, như nó vẫn vậy.”

“Ôi, cho cô ấy thở chút đi,“ Peter nói. “Cô ấy chỉ vừa nếm món bò nướng thôi.”

Simon chun mũi. “Xin lỗi nha. Nhưng nếu cậu muốn hỏi thêm về lựa chọn ứng viên, hãy nói chuyện với mình nhé,“ cậu ấy bảo, và biến mất tại quầy kem mứt.

“Thứ lỗi cho Simon nhé. Vài năm gần đây bọn mình không có nghệ sĩ cello chất lượng nào cả, vì thế cậu ấy bị kích động bởi nhân mới. Theo cái kiểu nghệ thuật đơn thuần ấy. Cậu ấy là gay, dù chuyện này khá khó nói bởi cậu ấy là người Anh.”

“Ồ, mình hiểu. Nhưng cậu ấy nói gì thế? Ý mình là nghe như cậu ấy muốn mình cạnh tranh.”

“Đương nhiên rồi, đó là một thú vui mà. Đấy chính là lý do chúng ta ở trong trại hè ngay giữa khu rừng nhiệt đới dở người này”, cậu ta nói, hướng ra bên ngoài. “Nó cùng với những món ăn đáng kinh ngạc.” Peter nhìn tôi. “Đó không phải lý do cậu đến đây à?”

Tôi nhún vai. “Mình chẳng biết nữa. Mình chưa từng chơi nhạc với nhiều người như vậy, ít nhất là cũng với nhiều người nghiêm túc như vậy.”

Peter gãi tai. “Thật á? Cậu bảo cậu đến từ Oregon. Đã bao giờ cậu tham gia Tổ chức Cello Portland chưa?”

“Cái gì cơ?”

“Tập thể tiên phong Cello ấy, ừm, rất thú vị.”

“Mình không sống ở Portland,“ tôi lầm bầm, tự xấu hổ bởi tôi còn chưa từng nghe đến bất kỳ Tổ chức Cello nào cả.

“Vậy thì cậu chơi với ai?”

“Những người khác, phần lớn là sinh viên cao đẳng.”

“Không hòa nhạc? Không đồng diễn nhạc phòng? Tứ tấu đàn dây?”

Tôi lắc đầu, nhớ đến lần một trong những gia sư sinh viên mời tôi chơi trong một nhóm tứ tấu. Tôi đã từ chối cô ấy vì chơi một-đối-một với cô ấy là một nhẽ, chơi với những người hoàn toàn xa lạ lại là chuyện khác. Tôi đã luôn tin rằng cello là một nhạc cụ đơn độc, nhưng giờ tôi bắt đầu tự hỏi chẳng lẽ chính tôi mới đơn độc.”Hừm. Thế làm sao mà cậu giỏi được?” Peter hỏi. “Mình không định ăn nói như thằng đểu giả đâu, nhưng đó là cách cậu tiến bộ ấy hả? Giống như tennis ấy. Nếu cậu chơi với ai đó tầm thường, cậu sẽ kết thúc với việc lỡ bóng hoặc đánh bóng mất cảnh giác, nhưng nếu cậu chơi với đối thủ xuất sắc, đột nhiên cậu sẽ lên lưới, làm một cú vợt ăn điểm ngon lành.”

“Mình không biết,“ tôi nói với Peter, cảm giác bản thân là một người tẻ nhạt và ngu ngơ hàng đầu từ trước tới nay. “Mình cũng chẳng chơi tennis.”

Mấy ngày sau khá là mơ hồ. Tôi không hiểu sao họ lại bày kayak nữa. Chẳng có thời gian mà chơi. Dù sao cũng không phải chơi kiểu ấy. Ngày nào cũng mệt mỏi rã rời. Dậy lúc sáu rưỡi, ăn sáng lúc bảy giờ, thời gian học cá nhân là ba tiếng mỗi sáng và chiều, một buổi hòa nhạc diễn tập trước giờ ăn tối.

Trước đây tôi chưa từng chơi nhạc với nhiều người như vậy, vì thế buổi hòa nhạc mấy ngày đầu đúng là hỗn loạn. Người quản lý trại hè âm nhạc, cũng là người chỉ huy dàn nhạc, vất vả sắp xếp chúng tôi, và sau đó tất cả những điều ông ấy có thể làm là để chúng tôi chơi những phần nhạc cơ bản nhất vào bất kỳ thời điểm nào. Đến hôm thứ ba, ông chỉ định một bản nhạc ru của Brahms. Lần đầu tiên chúng tôi chơi nó nghe thật chói tai. Các nhạc cụ không hòa âm mà va chạm với nhau, giống như những hòn đá cuội lạo xạo dưới một cái máy cắt cỏ. “Tệ hại!” ông gào lên. “Làm sao mà bất kỳ ai trong bọn em có thể kỳ vọng được chơi trong dàn giao hưởng chuyên nghiệp nếu không thể bắt nhịp được một bài ru? Lại lần nữa!”

Sau khoảng một tuần, dàn nhạc nghe có vẻ mượt hơn và tôi có trải nghiệm đầu tiên trở thành một cái răng cưa trong một bộ máy. Nó khiến tôi nghe cello theo một cách hoàn toàn lạ lẫm, làm thế nào các nốt thấp vang lên trong buổi nhạc khi viola đang ở những nốt cao, làm thế nào để tạo ra phần nền cho nhạc cụ gỗ hơi bên trong khoang nhạc. Và dù bạn có thể nghĩ rằng trở thành một phần của nhóm sẽ khiến bản thân nhẹ nhõm hơn một chút, không cần quá chú tâm đến việc âm thanh của bạn hòa nhịp với những người khác ra sao, dù chỉ một chút thôi, thì cũng hoàn toàn sai lầm rồi.

Tôi ngồi bên cạnh một cô gái chơi viola mười bảy tuổi tên là Elizabeth. Cô ấy là một trong những nghệ sĩ tài năng nhất trong trại hè - cô ấy đã được nhận vào Học viện âm nhạc hoàng gia Toronto - và cô ấy cũng có vẻ lộng lẫy kiểu mẫu: Cao ráo, sang trọng, nước da màu cà phê, gò má sắc cạnh. Có lẽ tôi cũng sẽ bị xúi giục ghét cô ấy nếu không nghe cô ấy chơi đàn. Nếu bạn không cẩn thận, viola có thể tạo ra những tiếng rít khủng khiếp, kể cả dưới bàn tay của những nghệ sĩ lão luyện. Nhưng với Elizabeth, âm thanh réo rắt một cách trong trẻo, thuần khiết và rực rỡ. Nghe cô ấy chơi và ngắm nhìn cô ấy thả hồn vào âm nhạc, tôi cũng muốn được chơi như thế. Thậm chí là hơn thế. Tôi không chỉ muốn thắng cô ấy, mà còn cảm thấy mình nợ cô ấy, nợ cả nhóm nhạc, cả chính tôi, để chơi được lên trình độ của cô ấy.

***

“Nghe khá hay đấy,“ Simon nhận xét vào cuối trại hè khi cậu ấy nghe tôi luyện tập một phần từ Concerto Cello số 2 của Hayden, một bài tập không ngừng gây khó khăn cho tôi kể từ khi tôi bắt đầu luyện nó vào mùa xuân năm ngoái. “Cậu định diễn nó cho buổi thi đấu concerto hả?”

Tôi gật đầu, rồi không kìm được, tôi cười khúc khích. Mỗi tối sau bữa ăn và trước khi tắt nắng, Simon và tôi mang cello của chúng tôi ra ngoài và diễn buổi nhạc tức hứng trong suốt lúc chạng vạng. Chúng tôi thử thách đối phương với khúc cello song tấu, mỗi người cố gắng làm người kia lạc nhịp. Trong ký ức của tôi, chúng tôi luôn cạnh tranh, luôn thử xem ai có thể chơi hay hơn, nhanh hơn. Chuyện này rất thú vị, và đó chắc hẳn là một lý do khiến tôi có thiện cảm với Hayden.

“Ồ, ai đó đang tự tin dễ sợ. Cho rằng cậu có thể đánh bại mình ấy hả?” Simon hỏi.

“Với môn bóng đá, chắc chắn luôn,“ tôi đùa. Simon thường kể với chúng tôi cậu ấy là con cừu đen trong nhà, không phải vì cậu ấy gay hay là một nghệ sĩ âm nhạc, mà vì cậu ấy là một 'cầu thủ vứt đi'.

Simon làm bộ như tôi vừa bắn vào tim cậu ấy. Rồi cậu ấy cười. “Chuyện bất ngờ xảy ra khi cậu không còn trốn sau con quái vật khổng lồ ấy nữa,“ cậu ấy nói, chỉ vào cái cello của tôi. Tôi gật đầu. Simon mỉm cười nhìn tôi. “Chà, đừng có trở nên tự mãn như thế. Cậu phải nghe bản Mozart của mình, nó hệt như các thiên thần số-zách đang hát vậy.”

Không ai trong hai chúng tôi thắng màn độc tấu năm đó. Là Elizabeth. Và dù mất tới bốn năm, cuối cùng tôi cũng giành được màn độc tấu.