Nam Quốc Sơn Hà

Chương 37: Đường về đất tổ



Niên hiệu Thái-Ninh thứ tư, đời vua Lý Nhân-tông của nước bên Đại-Việt, nhằm niên hiệu Hy-Ninh thứ tám đời vua Tống Thần-tông bên Trung-nguyên, tháng chạp, ngày Đinh-Dậu (10 tháng chạp Ất-Mão, DL. 10-01-1076).

Trong đại bản doanh của quân Đại-Việt, đóng cách thành Ung-châu hai trăm dặm về phía Nam. Chư tướng cánh quân thứ nhất của Đại-Việt, phạt Tống đều tề tựu. Trên trướng, ngồi giữa là Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản với phu nhân Ngô Cẩm-Thi, bên trái là công-chúa Thiên-Ninh, bên phải là Vũ-kị đại tướng quân Hà Mai-Việt. Tiếp theo các tướng, theo thứ tự ngồi gồm Long-biên ngũ hùng cùng năm vị phu nhân, Tuyết-sơn thập anh, tám tướng Bắc-biên chỉ huy tám đội binh Long, Phong, Hầu, Ưng, Ngao, Tượng, Hổ, Báo, các tướng chỉ huy Thạch-xa, Thần-nỏ.

Long-thành ẩn-sĩ Tôn-Đản xoa tay vào nhau, hỏi chư tướng:

– Kể từ khi khai chiến đánh Cổ-vạn ngày 15 tháng chín, cho đến nay, xấp xỉ đã ba tháng. Trong ba tháng đó, chúng ta cho quân nghỉ ngơi, thao luyện, cùng nghiên cứu tình hình trước khi tiến xa hơn. Bây giờ chúng ta chuẩn bị đánh Ung-châu. Chư tướng có ý kiến gì không?

Đô-thống Vũ Quang hỏi:

– Thưa sư thúc, đệ tử được sư phụ (ghi chú: chỉ Khai-Quốc vương) dạy rằng: Binh qúy hồ tốc. Phàm phép dụng binh, ai ra tay trước thì nắm được tiên cơ thắng lợi. Thế sao sau khi ta chiếm được các thành Nam phòng của Tống, lại không thừa thế chẻ tre tiến lên đánh Ung-châu ngay, mà để cho đến nay mới khởi sự? Vì ta chậm chạp, mà nảy sinh ra ba điều khó khăn vô cùng tận.

Nhìn qua sắc diện chư tướng, thấy dường như họ đều đồng ý với Vũ Quang; Tôn Đản hỏi:

– Theo đô-thống, năm khó khăn của ta là gì?

– Thưa sư thúc, khó khăn thứ nhất là tướng trấn chủ. Tướng trấn thủ Ung-châu tên Tô Giàm, vốn xuất thân tiến sĩ, võ công bình thường, nhưng là người văn mô vũ lược, can đảm khó ai bằng. Giàm từng trấn thủ Nam thùy Tống hơn ba mươi năm qua, nên y nắm rất vũng tình hình Đại-Việt ta. Thời vua Thái-tông, khi Nùng Trí-Cao khởi binh, tài trí như Quảng-Đông ngũ cái, cũng bại về tay y. Thế mà nay ta đánh biên giới rồi dùng quân lại, tất y củng cố đề phòng rất nghiêm mật. Đó có phải là điều tự ta tạo lấy khó khăn không?

– Đúng thế!

Tôn Đản hỏi: Còn điều khó khăn thứ hai?

– Thành Ung là bản doanh chỉ huy tất cả lực lượng Nam-thùy Tống, trong thành có hai đạo binh triều 29, 30, một sư kị binh 40. Các đạo binh này do Kinh-Nam vương huấn luyện, từng tham dự các trận đánh với Tây-hạ nến rất thiện chiến, thếm vào đó ba vạn bảo-binh, cộng sáu vạn người. Trong binh pháp, cứ một thủ thành thì phải mưởi mới đánh nổi. Đối diện với sáu vạn binh thủ, ta lấy đâu ra sáu mươi vạn mà đánh? Đã vậy, còn chậm chạp, giúp Tô có thêm thời gian chuyển một số quân ở trấn xung quanh về. Y lại tùng quyền bắt tất cả trai tráng xung quân; bởi thế số người trấn trong thành Ung nay lên tới hơn mười vạn. Đó có phải là ta chậm chạp mà nảy sinh ra khó khăn này không?

Ghi chú,

Về quân số thủ thành Ung, các sách chép bất nhất. Có sách chép 2.800 người. Có sách chép năm vạn, có sách chép sáu vạn. Nhưng cuối cùng tất cả đều chép giống nhau rằng, quân Lý vào thành giết sáu vạn người.

– Tống-sử quyển 446 ghi rõ: Quân Việt xếp đầu ngưởi thành đống, mỗi đống một trăm đầu, cộng 580 đống.

– Quách-thị Nam-chinh, Triệu-thị chinh tiễu Giao-chỉ ký, Tống-triều công thần bi ký chép giống nhau: Quân trong thành Ung có sáu vạn người gồm đạo binh 29, 30 đạo kị-binh 40, ba vạn bảo-binh, và bốn vạn dân binh. Tổng-cộng mười vạn người thủ thành.

Vì vậy, tôi chép là mười vạn.

– Được lắm! Nhận xét như vậy thực đáng tài đại tướng. Còn khó khăn thứ ba?

– Thành Ung xây bằng đá ong, vừa cao, vừa chắc. Hào vừa rộng, vừa sâu. Với ba tháng nghỉ ngơi, chần chờ của ta khiến cho Tô-Giàm đã đào hào thêm rộng, thêm sâu; đặt bẫy đặt chông thực nhiều. Y lại cho đắp thành thêm cao, đem gỗ đá vào, chế thêm cung nỏ. Bây giờ ta mới tiến đánh, có phải tự ta tạo thêm khó khăn cho ta không? Vậy sư thúc định thế nào, xin dạy cho bọn hậu bối các cháu.

Tôn Đản chậm rãi trả lời:

– Cháu đừng lo. Ta đã hội với thái-hậu, với nguyên-soái Thường-Kiệt, rồi đưa ra ý kiến rằng: Binh-pháp có muôn hình vạn trạng, ta không thể dùng một số phương-pháp nào đó mà áp dụng cho toàn thể. Này cháu! Binh bất yếm trá! Phàm dụng binh phải biết lừa địch. Khi địch cho rằng ta khôn, thì ta phải làm ra dại. Khi địch cho rằng ta dại, ta phải làm ra khôn. Người chỉ huy quân đối đầu với ta là Lưu Di. Từ khi xuống trấn Lưỡng-Quảng đến giờ, Lưu thường khinh ta là man di, mọi rợ, không biết lễ nghi phép tắc, tức y tưởng ta dại. Cho nên ta khôn bằng cách đánh úp hàng rào mười hai ải Nam biên của y, lại chiếm Khâm, Liêm châu. Tin này đưa về triều thì từ Hy-Ninh đế, Vương An-Thạch cho rằng ta quá khôn. Bây giờ ta phải làm ra dại, thì mới thành công. Vì vậy ta mới dừng quân lại, để tỏ ra dại, khiến chúng sinh ra nghi ngờ. Trong phép dụng binh, điều tối kị là trì nghi bất quyết của tướng. Bây giờ chúng đang hoang mang, ta dễ dàng thắng chúng.

Vũ-kị đại-tướng quân Hà Mai-Việt hỏi:

– Xin tiên sinh cho biết mục đích của ta khi giả dại để làm gì?

– Lão-phu xin vì các vị mà nói. Mục đích của cuộc tiến quân này là gì? Ta có cần chiếm đất không? Ta có cần khai chiến với toàn thể Trung-nguyên không? Trước hết chư vị phải hiểu rõ về mục đích cuộc tiến quân. Cuộc tiến quân có hai mục đích, mưc đích gần là phá từ trong trứng nước cuộc chuẩn bị đánh ta của Tống; do vậy phải chiếm các kho tàog chứa lương thảo, thành trì khắp Nam biên, làm cho Tống khó có thể tập kích ta. Mục đích này ta đã thành cống rồi. Bao nhiêu lương thảo bị chiếm, phát cho dân; bao nhiêu vũ khí chở về Đại-Việt hết; bao nhiếu thành trì, cầu cống đường xá bị phá hết rồi. Mục đích thứ nhì là phá bỏ Tân-pháp. Việc này thì đâu có thể làm ào ào một lúc, mà phải làm từ từ. Khắp vùng ta chiếm được, phải cử người về từng trang, từng ấp chứ? Phải nghiên cứu, chia lại ruộng đất cho đều, bằng bất công thì có khác gì lấy bạo tàn thay bạo tàn không?

Ông mỉm cười:

– Nhưng giờ này, từ Hy-Ninh đế, Vương An-Thạch cho đến Khu-mật viện Tống đều tưởng chúng ta tiến quân chiếm lại cố-thổ như thời vua Trưng, như Nùng Trí-Cao. Họ đang nghĩ rằng, ta sẽ tiến quân lên chiếm Quảng-châu, Ung-châu, rồi vượt Ngũ-lĩnh chiếm Trường-sa. Do đó họ không giám đem quân từ Kinh-châu về cứu Khâm-châu, Liêm-châu như đã cho Địch-Thanh làm hồi trước. Họ cũng không dám đem quân Trường-sa vượt Ngũ-lĩnh cứu Ung-châu. Thế nhưng ta để ba tháng không tiến quân, họ cho rằng ta ngu, nên họ mới dùng cái thành Ung kiên cố để nhử ta đâm đầu vào vách đá, đợi cho ta hao binh, tổn tướng rồi mới phản công. Trong tâm, họ quyết ta không đủ quân số đánh thành này. Vì chủ quan, họ quên mất địa thế thành Ung ở vào vùng đất quá cao, trong thành nhiều quân, đông dân. Ta chỉ việc khơi lạch cho nước chảy đi hết, thì quân dân trong thành sẽ chết khát.

Chư tướng vỗ tay hoan hô.

Ngô Cẩm-Thi tiếp lời:

– Các vị có thấy không? Ta có năm hiệu Thiên-tử binh, với hiệu kị-binh, quân số chưa quá sáu vạn người, lại đi đường xa mệt mỏi, mà đến đây hơn ngày rồi Tô Giàm cũng không dám đem quân ngưng chiến, thì rõ ràng y nhử ta đánh thành, để ta mua lấy cái thất bại. Ta biết rõ ý đồ của Tô là không xuất khỏi thành đánh ta, thì ta cũng không cần đánh thành vội. Hiện tại Quế-châu có ba đạo binh triều mang số 1, 2, 3 và đạo kị-binh 47. Kinh-châu còn đạo 19, 35. Khi ta vây Ung-châu gấp, ắt Lưu Di cho ba đạo binh 1, 2, 3 và kị binh 47 xuống cứu. Các đạo binh này nhất định phải đi qua núi Đại-giáp, Hỏa-giáp nằm trên đường từ Quế-châu đi Ung-châu, Tân-châu.

Bà chỉ Vũ Quan, Võ Kim-Loan, Đinh Hoàng-Nghi, Phương-Quỳnh:

– Ta phải chuẩn bị chặn đánh cánh quân tiếp viện này. Vậy hai đô-thống đem hiệu Quảng-thánh, Quảng-vũ, một lữ Thạch-xa, một lữ Nỏ-thần, một lữ thú, đội Thần-tiễn Long-biên phục ở núi Đại-giáp để chặn lại.

Đô-thống Phạm Dật hỏi:

– Thưa sư thúc, ta chỉ có hai hiệu Thiên-tử binh mà phải chặn đánh ba đạo binh triều, một đạo kị-binh, e có nguy hiểm không? Hơn nữa, khi ta tiến quân mà phía sau thì thành Ung còn đó. Vạn nhất Tô Giàm cho xuất quân ra đánh cắt mất đường tiếp tế lương thảo thì nguy tai.

– Ta mong như thế.

Cẩm-Thi khẳng định: Nếu Tô xuất quân ra, thì bị trúng kế dụ hổi khỏi hang. Ta sẽ có cách làm cho y kinh hồn táng đởm đến không dám ra khỏi thành nữa. Các vị tưởng rằng ta chỉ có năm hiệu binh thôi ư? Không! Chỉ nội chiều nay bẩy hiệu binh của canh quân đánh Khâm, Liêm sẽ tới, ấy là chưa kể ba hiệu binh thuộc binh Lĩnh-Nam của Tín-Nghĩa vương bất cứ lúc nào cũng có thể nhập cuộc.

Vũ Quang, Hoàng-Nghi lĩnh mệnh rời trướng.

Tôn Đản ban lệnh tiếp:

– Bây giờ lợi dụng việc Tô Giàm không dám xuất thành, mà ta thì quân ít không thể tấn công, ta làm kế nghi binh, khiến cho lòng y nghi hoặc, quân sĩ mệt mỏi. Đợi khi nguyên-soái Thường-Kiệt tới, ta mới đánh thực sự. Vậy...

Ông mỉm cười:

– Phạm Dật, Lê Kim-Liên đánh cửa Tây; Lý Đoan, Trần Ngọc-Liên đánh cửa Nam; Trần Ninh,rần Ngọc-Hương đánh cửa Đông. Hà Mai-Việt đánh cửa Bắc. Ngày mai, giờ Thìn bắt đầu khai pháo.

Kim-Liên kinh ngạc:

– Trình sư thúc, như vậy là ta đánh thành chứ đâu phải gây hoang mang?

– Sư-thúc chưa nói hết. Ta chỉ đánh cầm chừng thôi. Đến đêm thì rút ra xa cho binh sĩ nghỉ ngơi, nhưng vẫn phải cho Thần-ưng, Thần-ngao tuần tiễu đề phòng chúng cướp trại. Sang ngày thứ nhì, thì chỉ mình Phạm Dật, Lê Kim-Liên công phá cửa Tây; ngày thứ ba Lý Đoan, Trần Ngọc-Liên công phá cửa Nam; ngày thứ tư Trần Ninh, Trần Ngọc-Hương công phá cửa Đông; ngày thứ năm Hà Mai-Việt công phá cửa Bắc.

Trần Ngọc-Hương bật cười:

– Tô Giàm là người đa mưu túc trí, trong lòng y nghĩ sằng ta sẽ đánh ào ạt bằng một quân số đông đảo. Không ngờ mỗi ngày ta chỉ công phá một cửa thành, với một quân số bằng một phần mười quân thủ. Nhất định y sẽ hoang mang vô cùng tận. Nhưng thưa sư thúc, tỷ như y thử cho quân xuất thành đánh ta, thì ta phải đối phó ra sao?

Tôn Đản hài lòng:

– Phu-nhân đặt câu hỏi thực thông minh. Ta mong như thế. Mỗi ngày, khi các hiệu binh tấn công, ta đều cho dàn trận phía sau gồm Thần-hổ, Thần-báo, Thần-tượng và Thần-phong. Khi Tô Giàm đem quân ra tập kích, thì các vị cho quân giao chiến qua loa rồi chạy về sau tỏa ra như hình rẻ quạt. Nếu chúng đuổi tiếp sẽ trúng vào trận phục kích của ta. Hiện Tuyết-sơn thập anh với ba trăm đệ tử đã tới ngày hôm qua. Họ trang bị giống quân Tống. Đợi giữa lúc quân Tống trúng phục binh đang hỗn loạn, họ trà trộn nhập thành, để chờ làm nội ứng ngoại hiệp.

Cuộc họp chấm dứt. Tôn Đản sai thư lại ghi chép chi tiết kế hoạch, rồi cho chim ưng mang đến cho nguyên-soái Thường-Kiệt.

Sáng hôm sau, Long-thành ẩn-sĩ Tôn-Đản cùng phu-nhân đứng quan sát các đạo quân lên đường. Ông bà cùng đệ tử đi sau cùng, tiến về thành Ung.

Từ xa xa, nhìn lên thành, thấy binh Tống đi đi lại lại phòng vệ nghiêm mật, cờ xí bay phất phới, gươm đao sáng choang. Ông nói với chư tướng:

– Tô Giám quả xứng đáng là biên-cương trọng thần của Tống, tài y thực không tầm thường. Nhưng tiếc rằng y không có phần nên phải ở dưới quyền bọn tham quan ngu như lợn Dư Tĩnh, Tiêu Chú, Thẩm Khởi, Lưu Di. Nếu y ở vào chức vụ An-vũ kinh lược sứ Lưỡng-Quảng, thì dễ gì mình đã đến được đây.

Giữa lúc đó có tiếng trống thúc vang dội, quân reo dậy đất, cùng tiếng pháo lệnh nổ liên hồi, thì ra đã tới giờ Thìn, quân Đại-Việt bắt đầu công hãm. Loạt đầu Thạch-xa bắn đá lên thành, rồi bộ binh reo hò tiến đến bờ hào. Nhưng quân trên thành cũng bắn tên, quẳng đá xuống, làm quân Việt lại phải lùi lại.

Sau hai lần xung phong thử thách sức phòng ngự, Tôn Đản cho quân lùi ra xa, đánh trống reo hò hư trương thanh thế. Cứ như thế kéo dài suốt ngày, rồi cùng rút ra xa an nghỉ. Sang ngày thứ nhì, Phạm Dật, Kim-Liên; ngày thứ ba Lý Đoan, Trần Ngọc-Liên công thành đều vô sự. Sang ngày thứ tư đến lượt Trần Ninh, Trần Ngọc-Hương công cửa Đông. Từ sáng đến chiều, bộ binh dàn thế trận trước cửa, rồi cho hai đội Thạch-xa, thần tiễn Long-biên ứng trực. Cứ mỗi khắc, Thạch-xa lại bắn những tảng đá lớn lên cổng thành, mặt thành. Quân Tống kinh sợ, không dám nhô đầu lên. Thỉnh thoảng một vài đội trưởng vừa thò đầu lên quan sát, là bị đội thần tiễn Long-biên bắn ngã lộn xuống liền. Cứ như vậy từ sáng tới chiều, hai người vừa định cho quân lui lại, thì Thần-ưng bay tuần thám trên trời báo hiệu trong thành có cuộc chuyển quân ở cửa Bắc, Nam, Đông.

Trong những năm nghiên cứu binh pháp của Tống, các tướng Đại-Việt được biết rằng, mỗi khi cho quân trong thành tiến ra phá vòng vây, thì đầu tiên họ cho đội cung thủ lên mặt thành bắn tên ào ạt, khiến quân vây thành phải lùi lại. Bấy giờ họ mới mở cửa xông ra.

Bây giờ đứng trước việc quân Tống chuẩn bị xuất ra ba cửa, Trần Ninh ước đoán rằng hai cánh xuất ra cửa Bắc, Nam sẽ đánh kẹp hai hông, rồi kị binh sẽ mở cửa Đông đánh trực diện.

Trong Long-biên ngũ-hùng, thì Trần Ninh là người trầm tĩnh, can đảm bậc nhất; chàng vội sai báo cho Tôn Đản biết, rồi lệnh quân cho đổi thế trận: Chia quân làm hai, đối lưng chờ đợi. Còn đội Thạch-xa, Thần-tiễn, Nỏ-thần vẫn tiếp tục tấn công mặt trước.

Quả nhiên, trên thành phát ba tiếng pháo lớn, quân Tống xuất hiện trên cửa Đông thành, dùng cung tên bắn xuống, mục đích đẩy lui quân Việt, cho kị binh xông ra. Nhưng khi họ vừa lên mặt thành, thì đội thần-tiễn Long-biên với đội Thạch-xa bắn những tảng đá khổng lồ bay vi vu, rơi xuống đầu như mưa, khiến kẻ vỡ dầu, người dập thây; người nào thoát được thì lại bị đội thần tiễn bắn ngã. Rồi cửa thành mở lớn, kỵ binh vọt ra ào ào.

Trần Ninh đứng trên bành voi, phất cờ đỏ, lập tức Thần-nỏ tác xạ. Chỉ ba loạt tên liên châu, hơn nghìn kị binh ngã lổng chổng ngay phù kiều chồng chất lên nhau, làm đám kị binh đi sau ùn lại. Toán Thần-tiễn Long-biên dàn ra sau đội Nỏ-thần, cứ kị binh nào xông ra kéo xác người, xác ngựa để mở lối là bị bắn chết. Trong khi đó hai đạo tả, hữu đang giao chiến khốc liệt với quân Tống từ cửa Nam, Bắc đánh kẹp lại.

Một hồi chiêng lệnh vang lên.

Đội Thần-nỏ chia hai, quay lại tác xạ ào ào yểm trợ cho hai đạo Đằng-hải tả hữu. Nhờ vậy cánh quân Tống từ cửa Nam, Bắc phải lùi mấy bước.

Một tiếng pháo lệnh nổ lớn.

Hiệu Đằng-hải chia làm bốn cánh, mỗi cánh đều kéo cờ hồng trên thêu con rồng mầu đỏ, với hàng chữ ”Đằng-hải, đô-thống Trần” bỏ chạy về phía Đông, tỏa ra như hình rẻ quạt. Trong khi đội Thần-nỏ được hai trăm hổ, hai trăm báo yểm trợ vừa tác xạ vừa lùi. Đến đây bộ binh, kị binh trong thành đã đổ ra, tất cả cùng đuổi theo quân Việt.

Một bên đuổi, một bên rút được khoảng hơn bốn dặm (2km ngày nay), có ba tiếng pháo thăng thiên nổ tung trên bầu trời, biến thành hình hai con ưng mầu đen bay giữa mặt trời mầu đỏ chói. Đó là hiệu tập trung binh vào đội giữa. Lập tức hiệu Đằng-hải đang tung ra như hình rẻ quạt, đổi thế trận, tập trung thành trận như hình bốn mũi tên, hàng lối ngay thẳng: Giữa là đội Thần-nỏ, Thạch-xa, hai bên, hai hiệu Đằng-hải tả, hữu. Quân khí hùng tráng ngút trời.

Quân Tống cũng dàn ra thành ba phía như muốn bao vây lấy quân Việt. Rồi một toán quân từ hàng ngũ Tống hộ vệ một người cỡi ngựa đi dưới lá cờ có chữ Trấn-Nam đại tướng quân Tô. Bên phải bên trái là có bốn tướng cỡi ngựa theo bên cạnh từ từ tiến ra.

Bên trận Việt cũng phát ba tiếng pháo, rồi một đoàn nhã nhạc gồm hơn trăm nhạc công nam nữ đi thành hai hàng vừa tấu nhạc vừa tiến ra. Phía sau là hai cỗ xe. Trên cỗ xe thứ nhất một trung niên nam tử mình hạc xương mai ngồi, dáng người tiên phong đạo cốt. Trên cỗ thứ nhì, một trung niên thiếu phụ sắc nước hương trời, tay cầm cây phất trần. Cạnh hai cỗ xe, có lá cờ đề chữ Thuận-thiên đệ ngũ, một lá khác có hàng chữ Đại-Việt Long-thành ẩn-sĩ, Tôn. Phía sau, một đội đệ tử trường Long-thành, lưng đeo cung tên, tay cầm bảo đao đi hộ tống. Khi hai cỗ xe tới trước trận Tống thì ngừng lại.

Một đệ tử trường Long-thành hô lớn:

– Đệ ngũ nhân trong Thuận-Thiên thập hùng, Long-thành ẩn sĩ Tôn Đản xin được thưa chuyện với Tô đại tướng quân.

Tô Giàm thấy quân mình đông gấp ba quân Việt, dàn trận bao vây đối phương, thế mà chúa tướng đối phương lại ngồi xe, ung dung tấu nhạc ra trước trận, thì trong lòng bắt đầu nghi hoặc, từ nghi-hoặc đến chột dạ. Y cung tay:

– Tiểu bối từng nghe danh Tôn lão sư trong lần đi sứ Trung-nguyên thời vua Nhân-tôn: Cùng Kinh-Nam vương, U-bon vương diệt trừ dư đảng Hồng-thiết giáo Trung-nguyên. Khi về nước lão sư lại vang danh trong trận chư vương khởi loạn thời Thuận-Thiên. Rồi lão sư lại oai trấn Nam phương trong hai lần bình Chiêm. Gần đây trong trận đánh Chương-giang, Quảng-châu với Dư Tĩnh, người cùng phu nhân đuổi Dư Tĩnh chạy trên hai trăm dặm. Hôm nay, tiểu tướng mới được diện kiến với lão-sư cùng phu nhân, thực là tam sinh hữu hạnh.

Tôn Đản cung tay đáp lễ:

– Đa tạ Tô đại tướng quân quá khen.

– Tiểu bối hằng khâm phục cái đức của lão sư cùng phu nhân. Tuy công lao trùm hoàn vũ, mà một đồng bạc, một đấu thóc của nhà vua lão sư cũng không nhận. Thanh cao thay, nghĩa khí thay. Nhưng thưa lão sư, nay giữa lúc hai dân Tống Việt đang sống thanh bình, lão sư với phu nhân lại đem quân đánh phá suốt một giải Nam thùy của Đại-Tống, khiến quân sĩ hai bên phơi thây trên chiến địa như núi, máu chảy thành sông đã đành; mà... dân chúng còn tan nhà nát cửa điêu linh vô cùng tận. Dám hỏi, đó có phải là võ đạo của lão tiên-sinh không? Mong lão tiên sinh dạy cho một lời.

Tôn Đản phe phẩy chiếc quạt lông, rồi mỉm cười:

– Chết thực, một người trong lòng chứa không biết bao nhiêu cơ trí, kiến thức như Tô tướng quân mà sao lại nói vậy? Này tướng quân ơi, thời đức Chân-tông, Nhân-tông bên quý quốc, các ngài yêu thương dân như con đỏ, coi binh tướng như chân tay. Cho nên hơi có đụng chạm ở Nam-thùy là người ban chỉ dàn xếp cho êm đẹp. Vì vậy Tống triều không phải lo mặt Nam, mới đủ sức chống với Tây-Hạ, Bắc-Liêu. Có đúng thế không?

– Quả như lão-sư dạy.

– Hy-Ninh dùng ma pháp, tà-pháp của Vương An-Thạch, làm cho nhân-sĩ, võ-lâm thiên hạ đều oán hận, dân chúng khổ đến sống không nổi, mà chết cũng không xong vì pháp Thanh-miêu, Trợ-dịch, Bảo-mã, Bảo-giáp; oán khí bốc lên đến trời xanh. Để che lấp tội trạng, Hy-Ninh tích trữ lương thảo chuẩn bị đánh chiếm tám vùng tộc Việt. Triều đình, võ-lâm Đại-Việt biết hết. Con chó, con mèo bị dồn đường cùng, nó cũng phải cắn lại, huống hồ chúng tôi? Cho nên triều đình võ-lâm Đại-Việt quyết định đánh sang, trước giúp dân Lĩnh-Nam thoát khỏi nỗi thống khổ của ma pháp họ Vương, sau là diệt từ trong trứng nước âm mưu gây chiến của Hy-Ninh. Này Tô tướng quân.

Ông vận nội lực nói thực lớn:

– Vơ vét của dân làm giầu là Hy-Ninh, là Vương An-Thạch, thế nhưng chúng sai những bọn vừa ngu, vừa đần Tiêu Chú, Thẩm Khởi, Lưu Di xuống Lĩnh-ngoại này lăng xăng gây chiến, rồi đẩy Tô tướng quân với tướng sĩ vào chỗ chết. Này Tô tướng quân! Nay hùng sư Đại-Việt sang đây, thế nghiêng trời lệch đất, liệu Tô tướng quân có chống nổi không?? Dĩ nhiên là không! Biết rằng chống không nổi, mà vẫn chống, tự lăn mình vào chỗ chết, tấm thân phơi cho ruồi bâu cho quạ ăn đã đành, mà vợ con, tôi tớ đều chết oan cho bọn cú diều Hy-Ninh, Vương An-Thạch, hỏi có đáng không? Như vậy là ngu trung, si dũng. Tôi có đề nghị với tướng quân.

–???

– Sẵn binh lực trong tay, tướng quân cũng lão phu đem quân đánh Quế-châu, bắt tên Lưu Di ngu dần cùng cả nhà chúng giết cho hả giận, rồi sang Đại-Việt sống, như vậy vừa giữ được tấm thân kẻ sĩ, vừa bảo trọng được gia quyến; mà sĩ thiên hạ đều ngợi khen.

Từ lâu rồi, Tô Giàm đã viết thư khuyến cáo bọn quan trên như Tiêu Chú, Thẩm Khởi, Lưu Di không nên dùng chính sách khiêu khích với Đại-Việt e có chiến tranh lớn. Nhưng bọn này nhận mật chỉ từ Tống triều, nên không những không nghe lời Tô, mà còn khiển trách Tô nữa. Nay giữa trận tiền, Tôn Đản nói ra cái sự thực, cái phẫn hận của mình, làm cho Tô mát lòng, mát dạ. Nhưng Tô xuất thân tiến-sĩ, lại có tiếng trong thiên-hạ, vì vậy Tô không thể nghe theo Tôn, hàng Đại-Việt. Tô cất cao tiếng nói:

– Thưa lão tiên-sinh. Tiểu tướng ăn cơm, mặc áo chúa thì dù phơi thây nơi sa trường cũng...

Thình lình có tiếng pháo nổ, rồi tiếng quân reo dậy đất. Tô Giàm kinh hoảng nhìn về phía phải, nơi đó có đạo quân hùng tráng, trọn đời Tô chưa từng thấy qua. Đi đầu đạo quân, là một đôi nam nữ, tuổi khoảng hai mươi bốn, hai mươi lăm, cạnh có lá cờ mầu hồng, chính giữa thêu hình con rồng vàng, với hàng chữ Ngự-long, đô-thống Phạm. Cạnh hai tướng, bên phải là đội hổ, bên trái là đội báo, phía sau là mười cỗ xe chở Thần-nỏ.

Bình tĩnh, Tô cho quân dàn ra chuấn bị chiến đấu. Quân chưa dàn xong, lại có tiếng pháo nổ, rồi một đội quân khác, cũng do đôi nam nữ tướng chỉ huy, nhưng trên cờ thiêu con rồng mầu xanh, với hàng chữ Bổng-nhật, đô thống Lý, phía sau cũng có hổ, báo, Thần-nỏ. Bị ba hiệu Ngự-long, Bổng-nhật, Đằng-hải vây ba phía, Tô Giàm kinh hoảng, cho chia quân làm ba chuẩn bị nghinh chiến trong thế tuyệt vọng.

Ba tiếng pháo nổ lớn.

Cỗ xe chở Tôn Đản tiến tới trước trận, ông vẫy tay một cái, ba hiệu binh Việt đang hùng hổ lập tức dừng lại, trống trận ngừng thúc, tiếng reo im bặt. Hiện diện quân Việt có tới hơn ba vạn, mà im phăng phắc, không một tiếng động. Quân sĩ hùng tráng, kỷ luật như vậy, trọn đời Tô chưa hề thấy qua, nghe qua. Tôn Đản chỉ tay vào trận Tống, ông vận nội lực nói lớn:

– Chư quân Tống nghe đây! Ban nãy kị binh các người tràn ra như sóng vỗ, nhưng chỉ một loạt Nỏ-thần của ta, đã khiến hơn nghìn người ngựa chết nghẹt cửa thành, lấp hào sâu. Nay các người bị vây, mà còn chống trả thì chẳng khác gì tự tử. Ta chuyên lấy nhân nghĩa đối xử với người. Quân Đại-Việt ta là quân anh hùng, không bao giời giết hại tù hàng binh. Vậy các người cứ thong thả mà vào thành suy nghĩ kỹ nên hàng hay nên chết vô lý.

Tô Giàm thấy quân Việt tuy hùng tráng, nhưng vẫn ít hơn quân mình, y chưa quyết đánh hay lùi, thì từ xa xa, bụi bay mịt mờ, trống thúc vang dội, bẩy hiệu Thiên-tử binh nữa tiến tới. Tham tướng chỉ vào đoàn quân đang tới nói với Tô:

– Thưa tướng quân, đây là bẩy hiệu Thiên-tử binh, sau khi hạ Khâm, Liêm châu, đã tiến về đánh thành Ung ta. Bẩy hiệu này được chỉ huy bởi bẩy tướng trẻ và bẩy cô vợ, cũng là nữ tướng, được mang mỹ danh Tây-hồ thất kiệt. Bẩy cặp này mưu trí không bằng năm cặp Long-biên ngũ hùng, nhưng cực kỳ can đảm.

Tô Giàm không còn ý chí chiến đấu, y cung tay hướng Tôn Đản:

– Xin kiếu từ lão tiên sinh và phu nhân.

Rồi y cùng chư tướng cản hậu cho quân rút vào thành. Sau khi cho quân trấn các cửa thành, Tô than với các tham tướng:

– Thời Đại-Việt giúp Nùng Trí-Cao, tôi từng giao chiến với Thiên-tử binh, thì thấy cũng không hơn binh triều của ta làm bao. Nay sao lại hùng mạnh, tinh nhuệ, kỷ luật đến như vậy? Tôi thấy rõ, khi kị binh ta ào ào tràn ra, mà nháy mắt một cái thế trận của họ đã đổi. Đội Thạch xa tiếp tục bắn lên khiến đội cung thủ của ta không lên mặt thành yểm trợ cho quân kị vì vậy bên ngoài Thần-nỏ của họ bắn vào đội hình kị của ta hàng loạt, kị binh ta ngã lổng chổng. Một số kị của ta thoát khỏi Thần-nỏ, thì lại bị đội tiễn thủ bắn, bị bộ binh lăn dưới đất chặt chân ngựa. Binh như thế thì dù ta có đem năm vạn quân xuất thành cũng không thắng nổi một vạn của họ.

Một tham tướng phụ trách tế-tác, trước đây từng theo đội võ sĩ của Yên Đạt, Tu Kỷ cứu Chiêm-thành, nên y biết rất rõ tình hình Đại-Việt, y nói:

– Từ bẩy năm nay, mười hai hiệu Thiên-tử binh được chỉ huy bởi mười hai tướng trẻ. Mười hai tướng này được vua Đại-Việt ban cho mỹ hiệu Tây-hồ thất kiệt và Long-biên ngũ hùng. Đặc biệt mười hai tướng này có mười hai bà vợ tài quá trượng phu. Về võ công, họ là những cao thủ hạng nhất. Về mưu trí, đởm lược của họ, nói ra thực xấu hổ, tôi chưa từng thấy tướng nào của ta có thể so sánh được. Trong bẩy năm, họ bắt binh tướng luyện tập suốt ngày, hóa cho nên mỗi Thiên-tử binh trở thành một chiến tướng.

Rồi y thuật lại phương thức tổ chức, huấn luyện, trang bị Thiên-tử binh cho Tô Giàm nghe. Giàm nghe xong, mặt trở thành lầm lỳ không nói không rằng.

Thế là hai cánh quân của Tôn Đản, Lý-thường-Kiệt đã từ hai hướng Nam, Đông tiến lên vây Ung-châu.

Lê Kim-Loan hỏi Tôn Đản:

– Thưa sư thúc, lúc nãy ta có thể xua quân diệt đạo binh Tô Giàm, sao sư thúc lại tha cho họ?

– Phu nhân giỏi chiến trận, nhưng chưa biết nhìn xa. Phu nhân phải biết rằng chúng ta đánh sang kỳ này chỉ với mục đích phá kho lẫm, thành trì Tống, chứ đâu có cần giết người? Trận này ta ra quân bất thần mà thành công. Sau trận này ta còn phải đối đầu với trận báo thù của Tống, nên ta cần tiết kiệm xương máu cho trận sau mới là trận quyết định. Ta biết rõ mười vạn người trong thành Ung đều nghiến răng căm hận ta đem quân vào cướp nước họ. Nếu ta giao chiến với họ, thì họ có chết hết mười vạn người, ta cũng chết mất bốn vạn. Như thế đến trận sau tinh lực ta còn gì? Cho nên ta cố dụ cho quân Tống ra ngoài thành, tuyên cáo tội ác của Hy-Ninh, Vương An-Thạch, để phá đi cái khí thế do căm hờn của họ. Cho nên ta mới buông tha cho họ vào thành. Bây giờ trong thành, mười vạn người như một cùng oán hận Hy-Ninh, Vương An-Thạch. Sau này ta muốn đánh thành, khí thế của họ không còn, thì đánh đâu có khó?

Tôn Đản, Lý Thường-Kiệt hội binh lại bàn kế sách: Sau khi đánh xong thành Ung thì lui quân. Lợi dụng thành Ung bị vây, cho Tuyết-sơn thập anh cùng chư tướng đi về các thôn xã, khê động tuyên cáo: Tha thuế, bãi bỏ Tân-pháp, ân-xá mọi tội trạng, thu thóc lúa công nho Tống phát cho dân chúng. Theo ước tính của Ngô Cẩm-Thi, thì cần khoảng 45 ngày mới làm xong. Vì vậy không cần đánh thành ngay. Tạm thời chia quân làm ba phần, mỗi ngày một phần công thành để làm cho quân thủ mệt mỏi.

Chiều hôm ấy cớ thư mang chim ưng tới, Ưng-binh lấy thư trình cho Tôn Đản, Thường-Kiệt, thì ra chỉ dụ của Linh-Nhân hoàng thái hậu:

« Kính báo cho sư-thúc, sư thẩm cùng sư huynh Thường-Kiệt biết. Vua bà Bình-Dương cùng phò mã Thân Thiệu-Thái đang vân du Xiêm-quốc. Các ngài nghe tin Đại-Việt tiến binh phạt Tống, đã rủ U-bon vương Lê Văn cùng công chúa Nong-Nụt sang Tống, mục đích thu lượm tin tức, cùng dùng võ công quấy phá triều đình Tống, làm nhụt chí Hy-Ninh với Vương An-Thạch. Vậy xin sư thúc cho Thần-vũ thập anh lên đường đi Biện-binh để vua bà có thêm người giúp đỡ ».

Thường-Kiệt cho mời Thần-vũ thập anh vào trướng ban lệnh:

– Có những việc mà người trí không làm được, trong khi người thường làm được. Cũng có những việc mà người già không làm được, trong khi người trẻ làm được. Hiện vua bà cùng phò mã Thân Thiệu-Thái, U-bon vương, công chúa Nong-Nụt đang lên đường đi Biện-kinh, vậy các sư đệ, sư muội khẩn lấy ngựa lên đường để giúp đỡ các vị ngay. Đây là thẻ bài, giả làm tế-tác Tống. Chúc các sư đệ, sư muội gặp may mắn.

Mười người tuân lệnh lên đường ngay chiều hôm đó.

Kể từ ngày đầu tiên Tôn Đản công thành Ung là 10 tháng chạp, cho đến hôm nay là ngày 20, tức đã trải qua 11 ngày. Thấy quân trong thành quá mệt mỏi, đô-thống Vũ Quang đề nghị dùng hỏa pháo bắn vào đốt dinh thự, kho lẫm thành Ung, khiến cho tướng sĩ, dân chúng không còn nhà trú ngụ, cùng gây cho binh tướng bận tâm với gia đình, mất hết ý chỉ chiến đấu. Thường-Kiệt đồng ý cho thi hành ngay.

Đúng giờ Thìn, quân Đại-Việt không bắn đá vào thành nữa, mà bắn hỏa-pháo, hoàng-thạch, mã-não, khiến thành Ung biến thành một biển lửa. Trong khi quân Tống phải lên mặt thành chống quân Việt; thì nhà cửa, dinh thự, kho lẫm bị cháy. Dân chúng, vợ con tướng sĩ kêu khóc thảm thiết, bồng bế nhau rời khỏi những căn nhà bốc lửa. Dưới thành, đội Thần-tiễn Long-biên dương cung sẵn, cứ thấy một binh sĩ nhô đầu lên là buông tên, lập tức binh tướng đó ngã lộn xuống chết liền. Cho đến chiều, trong thành Ung lửa bốc cháy khắp nơi, tiếng người khốc, tiếng cho kêu, tiếng mèo gào hoà lẫn nhau cực kỳ thê thảm.

Trong khi đó, trên khắp Trung-nguyên, theo lễ nghi cổ-truyền, thì vào đầu tháng chạp, dân chúng đã chuẩn bị đón tết Nguyên-đán. Nhà nhà đều nhộn nhịp, tại các trường học, thầy cho môn sinh về nhà nghỉ. Dân chúng nuôi heo, nuôi gà, nuôi cá, trồng hoa từ mấy tháng trước để có thể bán vào dịp này. Cái không khí tại Biện-kinh năm nay càng thêm ồn ào.

Sau khi làm lễ rằm tháng chạp, dân chúng đang chuẩn bị lễ tiễn đưa ông Táo chầu trời. Không khí đế đô tự nhiên ấm áp kỳ lạ. Dân chúng lũ lượt kéo nhau đi xem chợ hoa.

Nhưng từ sáng đến giờ, dân chúng cảm thấy như có một cái nguy hiểm, đe dọa mà họ không biết rõ nguồn gốc... vì đã hơn mười lần, họ phải tránh dạt vào lề đường, nhường cho những con ngựa trạm chạy như bay đem tin cấp báo từ Nam thùy về Khu-mật viện. Kinh nghiệm cho họ biết, dường như một việc hệ trọng đang ngấm ngầm đe dọa họ. Vì vậy, giữa cái không khí tưng bừng ấy, người dân vẫn hồi hộp lo âu.

Đúng cái giờ thành Ung ngụt lửa đó, tức giờ Thìn ngày 20 tháng chạp, Hy-Ninh đế đang thiết triều tại Sùng-chính điện. Cuộc thiết triều hôm nay còn có tất cả các cựu thần đã về hưu tham dự để chúc tết nhà vua.

Lễ nghi tất.

Nhà vua đưa mắt nhìn các đại thần một lượt. Cao nhất làm tam-công gồm tư-đồ, tư-mã, tư không, rồi đến tả hữu tể tướng.

Từ khi lên ngôi đến giờ, trải đã chín năm, vì thi hành Tân-pháp của Vương An-Thạch, nhà vua bị các đại thần chống đối. Bất đắc dĩ nhà vua phải cách chức không biết bao nhiêu người. Khổ một điều, những người đó đều là những văn-thi sĩ danh tiếng, những tư tưởng gia khắp thiên-hạ khâm phục. Thay vào đó, nhà vua dùng một số Nho sĩ trẻ. Tự nhiên trong triều các quan chia làm hai phe. Phe thủ cựu, gọi là Cựu-đảng, phe theo Vương An-Thạch gọi là Tân-đảng. Trong chín năm thi hành Tân-pháp nay đã có kết quả, quốc-sản dồi dào, binh lực hùng mạnh. Năm vừa qua, có thể kể là năm tươi sáng nhất kể từ khi Tống triều lập lên. Phía Bắc, Liêu không dám gây chiến; phía Tây, Hạ phải tiến cống. Phía Nam, thì Lưu-Di công khai khiêu khích, đe dọa dụ dỗ các khê-động Đại-Việt theo Tống. Đại-Việt cử sứ sang đòi, lúc đầu Tống lờ đi, sau tiến tới không thèm trả lời. Cuối cùng là đuổi sứ về. Nhà vua cảm thấy tự hào, trong lòng mơ ước làm những điều mà Thủy-Hoàng đời Tần, Vũ-đế đời Hán, Thái-tông đời Đường đã làm. Nhà vua thấy việc chuẩn bị Nam chinh; Tân-đảng cùng nhà vua âm thầm làm, Cựu-đảng không biết gì, thì thực là một điều thống khoái kim cổ.

Nhà vua bàn với Vương An-Thạch rằng trong buổi thiết triều cuối năm này, triều đình cho mời hầu hết các quan bị cách đuổi đi trấn nhậm ở ngoài, cũng như những người đã về hưu vào chầu; rồi nhân đó Vương tâu trình tình hình năm qua, nhất là cuộc chuẩn bị Nam-chinh đã xong. Như vậy những lão hủ Nho, những gã văn-gia, thi-sĩ nhai văn nhấm chữ sẽ phải cúi đầu tuân phục, không thể mở miệng chống đối. Tự nhiên cái gọi là Cựu-đảng phải tan rã.

Vương An-Thạch ngửa mặt nhìn lên nóc Sùng-chính điên, đôi mắt sáng rực, bước đi trầm mà dài. Y xưng chức tước:

– Thần Kiểm-hiệu thái-phó, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự, Chiêu-văn quan đại học sĩ (Tể-tướng), giám tu quốc-sử, Kinh quốc-công Vương An-Thạch xin tâu trình.

– Thái-phó bình thân.

Vương đứng dậy, tay cầm tờ biểu dài lê thê, tâu trình về thành công của Tân-pháp trong chín năm; đặc biệt là năm vừa qua: Nào nhờ Tân-pháp mà quốc sản dồi dào, dân chúng ấm no, khiến cho Nhung, Di, Địch, Man các nơi kinh sợ, cúi đầu tuân phục. Nào là nhờ Tân-pháp, mà Thiên-triều mới gỡ được cái nhục tiến cống cho Liêu, cái uất bị Hạ đánh ép, cái đau phải lùi bước nhân nhượng Giao-chỉ ở phương-Nam.

Các quan trong Tân-đảng vênh mặt lên nhìn các lão thần cựu đảng.

Nhà vua hài lòng, xuất trong bọc ra cái khánh ngọc ban cho Vương. Vương tạ ơn về chỗ. Các quan Cựu-đảng từ từ cúi mặt xuống trong cái thế bị thua, trong cái thế bất tài, có vị chảy nước mắt hối hận đã công kích một thánh nhân như Chu-công, Thái-công xưa kia.

Quan Kiểm-hiệu Tư-đồ, Thượng-thư tả bộc xạ, Trung-thư lệnh Văn Ngạn-Bác đã về hưu, nay nhập triều chúc tết nhà vua. Ông hỏi Vương An-Thạch:

– Vừa rồi Chiêu-văn quan đại học sĩ tâu rằng: Phía Bắc, Liêu không dám gây hấn. Phía Tây, Hạ chịu thần phục. Phía Nam, Giao-chỉ sợ uy tiến cống. Nhưng, hôm qua lão phu nghe gia tướng gốc người Quảng-Tây nói rằng quân Giao-chỉ đánh Cổ-vạn ngày 15 tháng 9, Tả lĩnh-vệ đại tướng quân Chu Am, Bát-tác sứ Toàn Hưng, thủ-lĩnh Nùng Hiệp-Thành kẻ chết, người bị bắt; năm nghìn quân Quảng, bốn nghìn bảo-giáp, hơn nghìn bị bị đánh tan. Không biết việc này có thực không?

– Thưa quan đại tư đồ quả có.

Vương An-Thạch tái mặt giải thích: Nguyên do thế này, bọn Chu Am, Toàn Hưng, Hiệp Thành nghe bên Tô-mậu đào được vàng, bèn đem quân sang cướp, rồi bị trúng phục binh. Đây chẳng qua là những đụng chạm của man dân mà thôi, không phải là của triều đình Giao-chỉ.

Văn Ngạn-Bác lắc đầu:

– Lão phu nghĩ không hẳn như đại-học sĩ nói. Vì hai mươi bẩy ngày sau tức ngày 12 tháng mười, quân Giao đồng tiến đánh tất cả các trại Nam-thùy. Vĩnh-bình mất sau nửa giờ giao chiến, năm nghìn quân Quảng, một vạn Bảo-giáp, một nghìn kị bị bắt, bị giết; các tướng cùng gia đình bị tùng xẻo trả thù. Tây-bình, Lộc-châu mất sau hai giờ giao chiến, các Chiêu-thảo sứ Nùng Tông-Đán, Nùng Toàn-An bỏ chạy, Trấn-vũ thượng tướng quân Lưu Khả bị bắt. Thái-bình, Hoành-sơn, Ôn-thuận, Quy-hóa bị mất sau hai ngày cố thủ; năm nghìn Bảo-giáp, năm nghìn quân Quảng, một nghìn kị binh bị đánh tan; Quản-hạt Ngũ Cử, Quách Vĩnh-Nghiêm, Giám-áp Lâm Mậu-Thăng bị giết. Việc ấy có thực không?

Mặt Vương An-Thạch tái như gà cắt tiết, y đưa mắt nhìn nhà vua rồi nói cứng:

– Bọn man dân gây hấn với nhau. Hoàng-thượng đã ban mật chỉ cho Lưu Di đem quân từ Khâm-châu về chiếm lại các ải thất thủ. Đại tư-đồ chẳng nên bận tâm. Hiện Lưu Di đã sai sứ sang Giao-chỉ khiển trách Lý Càn-Đức, để y bắt bọn khê-động Giao rút về.

– Đại-học sĩ khuyên lão phu không nên bận tâm. Nhưng có những sự xẩy ra khiến lão phu phải lưu tâm, vì trước sau ta mất ba vạn bảo-binh, hai vạn quân Quảng, một vạn kị binh, sáu vạn binh chứ có ít đâu? Ta lại mất hết các ải biên phòng. Ví thử quân Giao tiến lên đánh Ung-châu, rồi vượt Ngũ-lĩnh chiếm Trường-sa, thì chúng như con hổ ngồi ở bờ Giang-Nam rình Biện-kinh ta thì sao? Vả theo lão phu, vụ này không giản dị như đại-học sĩ tâu đâu, bởi chủ trương là triều đình Giao-chỉ chứ không thể là khê động. Khê động không đủ quân làm việc đó.

Vương An-Thạch gắt lớn:

– Triều-đình Giao-chỉ hay khê động gây chiến thì cũng như ghẻ ngoài da, ta há sợ sao?

Quan Kiểm-hiệu Thái-úy Tào Dật xua tay:

– Chiêu-văn quan đại-học sĩ không thể lẫn lộn việc gây chiến của triều-đình Đại-Việt với khê động Bắc-biên được. Bắc-biên chỉ là một vùng nhỏ, do công chúa Thiên-Thành làm vua, trấn nhậm. Binh lực, võ tướng không hơn Quảng-Nam Tây-lộ của ta. Còn triều đình Đại-Việt, binh lực vô cùng hùng hậu, võ lâm cao thủ như cây trên rừng. Năm xưa Khai-Quốc vương đi sứ, chỉ mang theo mấy đứa trẻ với dăm người đàn bà, mà giúp vua Nhân-tông diệt được bọn Hồng-thiết giáo. Nay nếu như Bắc-biên gây chiến thì ta không cần đề phòng. Còn như Giao-chỉ gây chiến, thì triều-đình phải truyền hịch tới các gia, các phái, các bang hội cùng ứng nghĩa đánh giặc, mới mong chống lại. Tại Biện-kinh, ta phải đặt cao thủ khắp nơi canh phòng, bằng không họ gửi cao thủ sang, chỉ một đêm, các đại thần sẽ bị giết hết.

Vương An-Thạch với các đại-thần Tân-đảng cùng bật lên tiếng cười lớn. Vương lắc đầu:

– Tôi nghe Tào đại nhân xuất thân từ phái Thiếu-lâm, là sư đệ của Pháp-Nhẫn đại-sư thủ toạ Đạt-ma đường; Tào đại nhân là một võ lâm cao thủ bậc nhất bậc nhì thiên hạ; Tào đại nhận hiện lĩnh chức Thái-úy, nắm binh quyền trong tay, mà sao nhát gan vậy? Xá gì mấy tên võ phu vai u thịt bắp của Nam-man. Hễ đứa nào lảng vảng đến Biện-kinh là tôi cho bắt đem chặt đầu hết.

Vương chỉ vào quan Tổng-lĩnh ngự-lâm quân Tu Kỷ, quan Tổng-lĩnh thị vệ Yên Đạt, quan Điện-tiền chỉ huy sứ Lý Hiến:

– Từ thời thơ ấu, ba vị này đã sang Giao-chỉ, biết bao lần từng giao chiến với cao thủ bậc nhất của chúng, rồi nghiên cứu cách khắc chế võ công của chúng. Nay ba vị trấn thủ trong hoàng-thành, thì chúng có vào được, cũng như cá lọt lưới mà thôi.

Lý Hiến xuất thân từ hoạn quan, ỷ làm tôi tớ hầu hạ nhà vua, phi tần đã quen, nên không coi các quan vào đâu. Y nói lớn:

– Tào đại nhân sao lại đề cao địch như vậy. Trước đây võ-công Đại-Việt cao hơn ta, chứ nay lại thua xa. Đại-Việt ngũ-long danh vang một thủa, nhưng nay đều nằm dưới mồ cả rồi. Xưa võ công Giao-chỉ cao, nhưng nay chúng tôi đã biết cách khăc chế rồi thì còn sợ gì chúng. Tôi cam kết, bất cứ cao thủ Giao-chỉ nào đến đây, tôi cũng không cho chúng đến gần Vương đại học sĩ đến ba bước. Tôi sẽ bắt chúng, đàn ông thì gọt đầu, đàn bà thì lột quần áo rồi trói lại đem ra phơi mưa phơi nắng ở chợ Khai-phong cho dân coi.

Nhà vua, Vương An-thạch cùng Tân-đảng vỗ tay hoan hô. Tiếng vỗ tay vừa dứt thì thình lình bốn tiếng ầm, ầm, ầm, ầm kinh khủng phát ra trên nóc điện, rồi gạch ngói rơi xuống ào ào. Bốn người từ trên nóc điện nhảy xuống như bốn con đại bàng. Tư Kỷ, Yên Đạt, Lý Hiến, Tào Dật cùng quát lên, rồi vọt tới vung chưởng tấn công. Bình, bình, bình, bình, tám chưởng chạm nhau, bọn Tu Kỷ bật tung lại phía sau, khí huyết đảo lộn cực kỳ khó chịu. Cả bốn phải hít một hơi chân khí, mới đứng vững không bị ngã. Một thích khách vung tay lên, tiếp theo hai ám khí to bằng quả cau quay rất nhanh, nhưng bay rất chậm hướng người Lý Hiến. Hiến vung tay gạt, nhưng y gạt hụt, vì ám khí vỡ tan thành đám bụi hồng chụp lên người y.

Tu Kỷ hỏi:

– Các người là ai?

Một thích khách mặc quần áo tím cười nhạt:

– Chúng ta là những người Việt yêu dân Hán, trọng văn minh Trung-nguyên, thích văn-học Hoa-hạ. Các vị hiện diện nơi đây, nếu không là những bậc túc Nho, thì cũng là những văn thi sĩ nức tiếng, hoặc là những võ lâm cao thủ. Hôm nay chúng ta hiện diện nơi đây với ý nguyện nói với các vị ít điều, không biết các vị có cho phép không?

Tu Kỷ quát lên:

– Đây thiên-triều, chốn cực kỳ tôn nghiêm, không phải là chỗ cho bọn Nam-man nói láo. Nếu các ngươi là người ngay, thì hãy mở khăn ra cho ta biết các người là ai?

Nói rồi y vận đủ mười thành công lực tấn công người mặc quần áo tím. Chưởng phong chưa ra hết, mà mọi người muốn nổ tung lồng ngực ra. Người áo tím cười nhạt, phát chiêu đỡ. Ầm một tiếng, Tu-Kỷ lảo đảo lùi lại, còn người kia thì đứng nguyên. Thắng bại đã phân.

Người nhỏ bé mặc quần áo trắng cung tay hướng Hy-Ninh đế vái ba vái, rồi lại hướng các đại thần vái một vái, rồi chỉ vào mặt Vương An-Thạch:

– Từ sáu chục năm nay, giữa Tống với Việt luôn giữ được hòa hoãn, cho nên dân chúng vùng biên giới hai nước được hưởng thái bình. Gần đây, bệ-hạ nghe lời tên khuyển-nho mặt dơi tai chuột kia, áp dụng Tân-pháp, bắt dân theo những cái quái quỷ Thanh-miêu, Trợ-dịch, Bảo-mã, Thanh-điền, Thủy-lợi, khiến cho tiếng kêu oan thấu đến trời xanh. Y lại mật lệnh cho kinh-lược an-vũ sứ Lưỡng-Quảng, Kinh-Hồ tích trữ lương thảo, thao luyện sĩ tốt để chuẩn bị Nam xâm. Các vị đại hiền Nho muốn đem tài lương đống ra để giúp thiên-tử, tạo cho dân Trung-nguyên sống những ngày Nghiêu, tháng Thuấn thì lại bị đầy...

Vương An-Thạch đưa mắt cho bọn Tu-Kỷ. Lập tức Tu Kỷ, Yên Đạt, Lý Hiến, Tào Dật cùng phát chưởng tấn công bốn thích khách để bịt miệng. Bốn người vung chưởng đỡ. Bình, bình, bình, bình, bốn thích khách cất tiếng cười ha hả, rồi chia làm bốn, xung vào giữa các đai thần. Các võ quan cùng quát lên, tiến tới ngăn cản. Người thì ra ưng-trảo, người thì ra hổ trảo, người thì ra cầm long công chụp bốn người kia. Cả bốn trơn như con cá trạch, xuyên bên Đông, lách bên Tây, len lỏi giữa các quan văn võ, Vì vậy các võ quan thì đông, mà không bắt được bốn người này.

Các quan Tổng-lĩnh thị-vệ Tu Kỷ, quan Tổng-lĩnh ngự-lâm quân Yên Đạt, quan Điện-tiền chỉ huy sứ Lý Hiến, đã kịp đem thị-vệ đứng quanh nhà vua hộ giá, rồi hô lớn:

– Xin các quan ra khỏi điện để chúng tôi bắt thích khách. Bên ngoài đã có thị vệ vây kín rồi, chúng không chạy thoát đâu.

Ngay lúc đó, trên nóc điện, có năm nam mặc áo hồng, năm nữ mặc áo xanh tà tà đáp xuống như năm con diều hâu. Năm người này như đã phân chia trước, hễ hặp bất cứ võ quan nào là phóng chưởng đánh trước. Cho đến khi các quan ra khỏi điện, thị vệ tiến vào bắt gian, thì không còn một ai ở trong nữa.

Trật tự đã trở lại.

Nhà vua nhận thấy chỏm mũ tất cả các quan đều bị năm nữ thích khách áo xanh len lỏi cắt đứt. Bao nhiêu hốt của các quan đều bị năm nam thích khách áo hồng cướp mất. Thanh Thượng-phương bảo kiếm của nhà vua cũng bị một nữ thích khách đoạt mất.

Tu Kỷ, Yên Đạt, Lý Hiến quỳ gối tạ tội, vì không bắt được thích khách. Nhà vua từng tập võ, võ công của ông thuộc hàng cao thủ, nên ông xua tay:

– Ba khanh vô tội. Hãy đứng dậy. Tào Thái-úy, Thái-úy có nhận được võ công của các thích khàch không?

– Tâu bệ hạ.

Tào Dật thở hổn hển: Bốn người xuống trước gồm có hai người đàn bà, và hai người đàn ông.

Điện-tiền chỉ huy sứ Lý Hiến cau mày:

– Thưa Tào đại nhân, tiểu nhân thấy rõ chúng là bốn người đàn ông mà?

Tào Dật lắc đầu thở dài:

-Nguy quá, Lý chỉ huy sứ sơ tâm đến thế thì chết thực.

–???

– Bây giờ tôi hỏi chỉ-huy sứ nhé: Trong bốn người, thì hai người to lớn dùng chưởng, một mặc quần áo nâu, một mặc quần áo tím. Còn hai người nữa nhỏ nhắn, dùng kiếm, khi lộn trên không người chúng uốn cong trông rất đẹp mắt. Trong hai người nhỏ bé đó, một người mặc áo tím quần trắng, một người mặc quần áo trắng, trên người chúng tiết ra mùi thơm của nước hoa, thì nhất định chúng là đàn bà rồi.

Lý Hiến khâm phục Tào Dật tinh tế, nhưng vì tự ái, y vẫn lắc đầu:

– Chưa chắc!

Quan Thượng-thư tả thừa, Tham-tri chính sự (phó tể tướng) cau này:

– Không biết bọn chúng là ai? Tại sao đại náo điện Sùng-chính rồi lại ra đi? Tôi có đối chưởng với người đàn bà mặc áo tím, thì thấy y thị dùng võ công Sài-sơn của Giao-chỉ, giống hệt võ công của Yên-vương phi (Thiếu-Mai) nhưng công lực thấp hơn đôi chút.

Tào Dật ôm bàn tay sưng vù nói:

– Tôi ra chiêu bắt thích khách áo nâu, y đánh lại tôi một chưởng, tôi nhận ra chiêu số của y chính đại quang minh, rất lạ. Còn nội lực thì giống như Thiền-công Thiếu-lâm của tôi. Nói ra thực xấu hổ, trọn đời tôi chưa từng thấy ai luyện nội lực tới trình độ đó. Dường như y không có ác ý, nên y chỉ xử dụng có năm thành công lực, mà khiến cho tôi bị thương như thế này. Không lẽ bọn Giao-chỉ lộng hành đến vậy sao?

Chợt Tu Kỷ chỉ cho Vương An-Thạch:

– Dường như thích khách dán một tờ giấy trên lưng Vương đại nhân thì phải.

Nói rồi y lạng người tới lột tờ giấy trên lưng Vương trao cho y. Y cầm lên đọc:

« Võ-lâm Đại-Việt kính chào Vương tể tướng. Đa tạ Vương tể tướng thi hành Tân-pháp, làm cho dân Tống oán vua, thù quan. Nay nước Tống chia làm hai, thù nghịch, chém giết nhau, để Đại-Việt hùng mạnh lên. Ký tên: Thân Thiệu-Thái, Lý Mỹ-Linh, Lê Văn, Long-Nụt và Thần-vũ thập anh ».

Thạch run run gấp tờ giấy bỏ vào túi.

Bấy giờ các quan mới vội vàng xem trên người mình có giấy dán hay không. Ai cũng thở phào, vì mình không bị thích khách chiếu cố. Duy Lý Hiến, có tờ giấy dán ngay ở vành sau mũ, tờ giấy có chữ:

« Quan Điện-tiền chỉ huy sứ Lý-Hiến, không có hột nào, giống như gà thiến, mà lại thích gáy. Người đe trói chúng ta, lột quần áo đem phơi ở chợ, lát nữa chính người sẽ tự lột quần áo cho các bạn đồng liêu coi để làm trò chơi cho vui ».

Lý Hiến nổi giận cành hông, y vò nát tờ giấy ra vứt xuống đất rồi về chỗ đứng.

Vương An-Thạch cười nhạt:

– Gian nhân đánh trộm, không phải anh hùng.

Chợt Lý Hiến hét lên, rồi y đưa tay gãi mặt, cào cấu khắp thân thể. Mọi người đều thấy bàn tay, mặt y sưng vù, nước vàng rỉ rỉ chảy ra. Y gào lên:

– Ngứa quá! Ngứa chết đi thôi.

Rồi y ngồi xuống nền điện xé tung quần áo ra mà gãi. Phút chốc người y thành trần truồng. Yên Đạt vội sai thị-vệ lấy khăn cuốn quanh người y đem ra khỏi điện.

Văn Ngạn-Bác thở dài:

– Bởi ban nãy Lý hăm bắt võ lâm Giao-chỉ lột quần áo đem phơi ở chợ, nên bị họ phạt để làm trò cười. Cái ngứa chắc chỉ trong chốc lát thì hết.

Tu Kỷ quỳ gối:

– Tâu bệ hạ, thì ra đây là bốn Thái-sơn Bắc-Đẩu võ lâm Lĩnh-Nam, bọn thần thực không phải đối thủ của chúng. Mong bệ hạ đại xá.

Triều Tống lại bàn về chiến cuộc Nam-thùy. Văn Ngạn-Bác nhắc lại câu hỏi về các ải Nam-thùy bị chiếm mất.

Vương An-Thạch lắc đầu:

– Khu-mật viện chưa nhận được tin đó. Có lẽ là tin đồn mà thôi. Tuy nhiên tôi sẽ cho coi lại. Vì tin tức từ Nam-thùy đến Quế-châu mất hơn tháng. Tin từ Quế-châu về kinh ta hơn tháng nữa. Có thể tin tức chưa tới, hoặc giả không có chuyện lớn lao như vậy. Xin quan Đại tư-đồ không nên nghe tin phao vu đồn nhảm. Có thể tin này do gian tế Giao-chỉ phao ra làm loạn long dân mà thôi.

Văn Ngạn-Bác dem ra hai tờ hịch của Đại-Việt, một do Tín-Nghĩa vương truyền ở Khâm-châu, một do Tôn Đản truyền đi ở các ải Nam thùy. Ông đọc lớn lên cho bách quan cùng nghe. Mỗi lời Văn đọc, như một mũi dao đâm vào tim Hy-Ninh đế và Vương An-Thạch. Đọc xong Văn Ngạn-Bác nói:

– Nào, Vương đại học sĩ có còn cho là man dân đánh nhau nữa không? Cứ như hai bài hịch này, thì cuộc tiến công rõ ràng do triều đình Giao-chỉ chủ trương.

Ngay lúc đó quan Sùng-chính điện đại học-sĩ kiêm Khu-mật viện phó-sứ Trương Thành-Nhất thuộc Tân-đảng của Vương An-Thạch từ ngoài bước vào điện quỳ tâu:

– Muôn tâu bệ hạ.

Trên từ Hy-Ninh đế cho đến bách quan, thấy nét mặt Trương tái ngắt, lời tâu đứt đoạn, thì biết rằng có sự gì ghê gớm lắm đã xẩy ra.

Trương Thành-Nhất tâu dõng dạc: Tin ngựa trạm từ Quế châu chuyển về cho biết rằng ngày Mậu-Dần, 20 tháng 11, quân Việt chiếm Khâm-châu cùng các ải Như-tích, Để-trạo, Như-hồng, Thiên-long. Các tướng trấn thủ kẻ bị bắt, người bị giết. Ba ngày sau, ngày Mậu-Thìn, 22 tháng 11 đến lượt Liêm-châu bị mất. Quân Việt chia làm ba cánh. Một cánh từ Khâm, Liêm do Lý Thường-Kiệt chỉ huy theo đường Đông-Tây; một cánh từ Cổ-vạn, Hoành-sơn, Tây-bình do Tôn Đản chỉ-huy tiến theo đường Nam-Bắc... để đánh Ung-châu. Một cánh từ Liêm-châu tiến đánh các châu Dung, Nghi, Bạch do Lý Chiêu-Văn chỉ huy. Hiện thành Ung đang bị vây. Các châu Dung, Nghi, Bạch đã bị chiếm; Đô tuần-kiểm Phan Nhược-Cốc, Chỉ-huy sứ Vương-Đạt, Tào Quăng tử trận. Dường như quân Việt đang chuẩn bị vượt Ngũ-lĩnh đánh Trường-sa.

Trong Sùng-chính điện có hơn năm trăm người, mà im phăng phắc, không một tiếng động. Hy-Ninh đế, Tể-tướng Vương An-Thạch chết lặng chưa nói lên lời, thì một đại thần trong hàng văn quan lên tiếng:

– Thần kiểm hiệu Thượng-thư tả bộc-xạ, Trung-thư lệnh, Võ-minh quân tiết độ sứ, Khu-mật viện sứ, Nam quốc công Phú Bật xin tâu: Gần đây trong triều thì bách quan không được thông báo gì về tình hình Nam biên, thế mà trong dân chúng thì tin đồn thực mau. Nay tình hình đã nguy ngập, thần giám xin bệ hạ cho tóm lược mọi biến cố Nam thùy, để cùng đình nghị.

Nhà vua tuyên chỉ:

– Được, Trương đại học sĩ hãy tóm lược mọi biến cố Nam thùy trình cho bách quan cùng nghe.

Trương Thành-Nhất đứng dậy trình bầy tỉ mỉ việc Hy-Ninh với Vương An-Thạch mật chỉ cho Thẩm Khởi, Lưu Di luyện quân, đồn trữ lương thảo mấy năm qua để chuẩn bị đánh Đại-Việt, rồi sau đó đánh Chiêm, Lào, Chân, Xiêm, Lý như thế nào. Rồi quân Đại Việt đánh Cổ-vạn hầu lừa Lưu Di, triều đình để rồi sau đó đánh hết các ải Nam thùy. Cuối cùng Đại-Việt đổ quân đánh úp các ải xung quanh Khâm-châu, rồi công Khâm, Liêm. Hạ Khâm, Liêm, quân Việt tiến về vây Ung-châu ra sao.

Sau khi Trương trình bầy, triều đình Hy-Ninh mới cảm thấy tất cả cái chua chát, chán nản rằng nhà vua với Vương An-Thạch âm thầm làm những việc kinh thiên động địa ở Nam-thùy, mà họ bị gạt ra ngoài, không biết mảy may gì cả. Bây giờ, chính những việc đó, đưa đến chiến tranh, mà nhà vua vẫn dấu, để đến nỗi mất liên tiếp hơn hai mươi ải, chín châu, việc mới vỡ lở. Quần thần bàn cãi mặc quần thần, nhà vua bỏ ngoài tai, trong thâm tâm tự nhủ thầm:

– Ta với Vương An-Thạch dùng Tân-pháp với chủ đích làm cho nước giầu dân mạnh. Trong khi đó bọn Giao-chỉ lại chủ trương làm cho dân giầu nước mạnh, tức là ngược với ta. Ta cũng biết rằng quốc-sách Giao-chỉ khó hơn, lâu có kết quả hơn, nhưng khi đã có kết quả thì vững chắc vô cùng. Muốn vượt Giao-chỉ, ta cần đi mau, nên mới dùng Tân-pháp. Dùng Tân-pháp thì mau có kết quả, nhưng phải cái nó vượt ra ngoài Tam-hoàng, Ngũ-Đế, và những gì các triều đại trước đã làm, thành ra bị chống đối. Bình tâm mà xét, Tân-pháp của Vương có khác gì những cải cách của Đại-Việt đâu? Thế mà dân Đại-Việt không chống đối. Bây giờ ta hãy cứ giữ nguyên Tân-pháp. Nếu như trận chiến này ta thắng thì sẽ tuyên chỉ rằng nhờ Tân-pháp. Còn như ta bại, thì ta cách chức Vương An-Thạch là xong. Còm Lưu-Di, y nhận mật chỉ từ ta, nhưng khẩu thiệt vô bằng. Nay ta tạm cách chức y, nếu cần thì mượn cái đầu y, đổ tội cho y giả mật chỉ, thế là xong.

Nghĩ thế nhà vua hỏi:

– Việc đã xẩy ra như vậy, bây giờ các khanh nghị nên giải quyết ra sao?

Cần-chính điện đại học sĩ Ngô Sung bàn:

– Khâm, Liêm mất đến nay vừa tròn một tháng, mà triều đình mới biết là do ta chưa lập ngựa trạm ở Nam-thùy. Nếu có ngựa trạm, thì tin tức chỉ trong vòng bẩy ngày đã tới nơi. Cứu binh như cứu hoả, vậy ngay ngày hôm nay phải giải quyết ba việc. Một là thiết lập ngựa trạm, để có tin tức. Hai là cử ngay mấy đại thần xuống Nam-thùy để thiết lập tổ chức hành doanh. Ba là điều động binh Kinh, Hồ (tức Kinh-châu, Hồ-Nam) tiếp viện cho Ung-châu. Sau đó mới nghị kế sách.

Ngô Sung là đối đầu số một của Vương An-Thạch. Nay Vương thấy việc làm của mình bất lợi, mà phải nhờ đến Ngô bàn kế cứu Ung-châu thì bực mình. Y nói cứng:

– Ngô huynh khỏi lo. Thành Ung có đến ba lợi thế, quyết Giao-chỉ không thể đánh được. Một là, thành Ung lớn, là lỵ sở chỉ huy phòng vệ Nam thùy, thành cao, hào sâu, tường xây bằng đá ong dầy đến mười thước (2,5 m ngày nay). Hai là trong thành chứa lương thảo đầy đủ, quân trấn nhậm tới mười vạn. Binh thư nói, một người thủ, phải mười người đánh; Giao-chỉ lấy đâu ra trăm vạn quân mà đánh? Ví dù chúng cố đánh, thì có khác gì tự tử không? Ba là An-vũ sứ Quảng-Tây Lưu Di trí lự hơn đời, y có ba đạo quân triều số 1, 2, 3 với đạo kị binh 47. Có lẽ Lưu chờ cho quân Giao đánh thành Ung mệt mỏi, tổn thất nhân mạng thực nhiều, rồi mới cho các đạo trừ bị đánh xuống.