Mai Hương Kiếm

Chương 17: Phong vân tế hội



Song thủ cùng xuất, chân mới nhún nhảy vài bước, không hiểu bằng cách gì mà Huệ đại sư đã lướt quanh Bình Phàm Thượng Nhân tới mấy vòng rồi! Tuy lướt đi như vậy nhưng Huệ đại sư vẫn giữ khoảng cách tới đối phương không sai một tấc. Bà ta lướt quanh Bình Phàm Thượng Nhân bảy vòng và xuất bảy chiêu. Trong bảy chiêu đó, chiêu nào cũng tuyệt diệu vô tỷ.

Tân Tiệp từng biết võ nghệ của Vô Hận Sinh và Bình Phàm Thượng Nhân, đã nghĩ rằng trong thiên hạ võ học chỉ có thể đạt đến trình độ đó là cùng. Thế nhưng bây giờ thân thủ bộ pháp của Huệ đại sư xem ra lại càng vô cùng ảo diệu vượt qua mọi sự tưởng tượng.

Tân Tiệp lập tức quên mất mình đang đứng ở đâu, toàn thân bị hút chặt vào trận đấu.

Bình Phàm Thượng Nhân chân đứng nguyên một chỗ, chỉ từ thắt lưng trở lên là không ngừng chuyển động, uyển chuyển xoay người khống chế cả bốn hướng, nhất nhất hóa giải cả bảy chiêu của Huệ đại sư, đồng thời cũng đánh ra năm chiêu phản công.

Tân Tiệp để ý quan sát bộ pháp của Huệ đại sư, thấy rằng chưởng thức của bà tuy cũng thần diệu nhưng không sao sánh được bộ pháp thần kỳ đó. Mỗi lần Huệ đại sư xuất chiêu thì chàng tự nghĩ trong đầu xem nên dùng chiêu nào để ứng phó, sau khi nghĩ ra thấy quả nhiên Bình Phàm Thượng Nhân cũng dùng chiêu như mình đã nghĩ để đối địch, điều đó càng làm chàng tăng thêm hứng thú.

Có lẽ ông trời đã cho chàng cơ hội may mắn như thế, cũng có thể gọi là cơ duyên. Nếu Bình Phàm Thượng Nhân không đem “Đại Diễn Thần Kiếm” truyền thụ cho chàng, nếu không được chứng kiến qua trận thực đấu vô tiền khoáng hậu này thì cho dù chàng có tài trí đến đâu cũng phải mất hai chục năm mới hiểu hết những biến hóa và chỗ tinh diệu của nó.

Chàng bỗng thầm cảm ơn Huệ đại sư đã đề nghị lĩnh giáo “Đại Diễn Thần Kiếm” của Bình Phàm Thượng Nhân. Mắt dán chặt vào hai kỳ nhân đang kịch chiến, trong bất tri bất giác, chàng cũng tham ngộ được tới tám chín phần.

Không lâu sau, hai người đã đấu tới mấy trăm chiêu. Chỉ trong vòng nửa khắc mà hai người đã đấu mấy trăm chiêu cũng đủ biết cả thân pháp và chiêu thức thần tốc đến bực nào. Chỉ sợ rằng nghe mà không mấy ai tin nổi.

Thế nhưng qua mấy trăm chiêu, Bình Phàm Thượng Nhân phần lớn chỉ giữ thế thủ. Đột nhiên lão hú lên một tiếng, đổi chưởng thành chỉ, đổi chỉ thành kiếm rồi tung mạnh người. Chỉ trong vòng ba chiêu, Bình Phàm Thượng Nhân đã đổi thủ làm công.

Đương nhiên chiêu thức vẫn là “Đại Diễn thập thức”.

Từ đây tình cảnh bắt đầu thay đổi. Chưởng lực của Huệ đại sư bắt đầu giảm sắc, dần dần lâm vào thế thủ.

Nhưng cho dù Bình Phàm Thượng Nhân dùng “Đại Diễn thập thức” kỳ diệu công kích mãnh liệt bao nhiêu cũng không sao chạm được một cọng lông nào trên người Huệ đại sư.

Tuy không đả thương được đối phương nhưng Bình Phàm Thượng Nhân vẫn mặc sức làm mưa làm gió, thi triển chiêu thức liên miên bất tuyệt, biến hóa ảo diệu khôn lường.

Tân Tiệp không ngờ “Đại Diễn Thần Kiếm” lại có nhiều biến hóa và phát huy thế công uy mãnh đến thế, mới biết rằng vừa rồi mình chỉ nắm được phần cốt lõi. Nhờ thế mà chàng tham ngộ thêm không ít.

Đến lúc đó, Tân Tiệp đột nhiên hiểu rằng Huệ đại sư cầm cự được lâu như vậy với Đại Diễn thập thức uy mãnh vô song là nhờ vào bộ pháp thần kỳ của mình. Chàng cố theo dõi để nắm được quy luật nhưng nhìn cứ rối tinh lên, không sao hiểu được. Tân Tiệp không biết rằng bộ pháp thần kỳ đó gọi là “Cật Ma Thần Bộ”, vốn là công phu đắc ý nhất của Huệ đại sư trong toàn bộ võ học của mình, hiển nhiên rất sâu sắc và ảo diệu. Trong suốt mấy chục năm, Huệ đại sư đã tốn rất nhiều tâm huyết để tham ngộ từ một bản cổ thư, đồng thời sáng tạo ra và hoàn thiện thêm, nay có thể coi là thân pháp độc nhất vô nhị trên võ lâm.

Lúc này song phương đã đấu gần nghìn chiêu, thế nhưng mỗi bên vẫn dùng kỳ chiêu tưởng chừng như bất tận.

Tân Tiệp bị hút chặt vào trận đấu, quên hết mọi sự xung quanh, thậm chí quên luôn cả sự tồn tại của mình.

Có lẽ chỉ có mình chàng là có may mắn được chứng kiến trận đấu vô tiền khoáng hậu đó.

Đột nhiên từ trên không có âm thanh văng vẳng vang tới giống như tiếng tiêu. Âm thanh từ rất xa như vượt qua muôn trùng sóng biển vang vào đảo nghe dìu dặt khiến người ta cảm thấy thoải mái. Đặc biệt nó mang âm hưởng của sự thanh bình khiến người ta dù đang làm việc gì cũng muốn bỏ hết để ngắm cảnh thiên nhiên kỳ thú, chí ít cũng là thưởng thức tiếng tiêu giữa không gian lồng lộng.

Ngay cả Bình Phàm Thượng Nhân và Huệ đại sư công lực cái thế cũng bị tiếng tiêu tác động, nét mặt giãn ra rồi cùng ngừng tay ngừng đấu, nghiêng tai về hướng có tiếng tiêu.

Tân Tiệp thấy thế thì không khỏi cảm thấy kỳ dị.

Cả hai vị cao nhân tiền bối mặt lộ vẻ ngạc nhiên ngước nhìn lên trời. Tân Tiệp cũng hướng ánh mắt theo họ nhưng không thấy gì ngoài tiếng tiêu vẫn réo rắt vang tới mỗi lúc một gần.

Tân Tiệp nghi hoặc quay nhìn Bình Phàm Thượng Nhân thì chợt thấy ông cất tiếng hú vang, âm thanh tuy cao nhưng vẫn êm nhẹ, hòa với tiếng tiêu tạo thành một sự tương đồng.

Đột nhiên từ trên không có tiếng vỗ cánh.

Tân Tiệp vội vã ngẩng lên thì thấy một con hạc lớn đang lao tới rất nhanh.

Trên lưng bạch hạc có mang theo một lão tăng gầy guộc.

Tiếng tiêu chính là từ lão tăng phát ra. Lão tăng tuy gầy nhưng rất cao, có lẽ còn cao hơn Bình Phàm Thượng Nhân hẳn một cái đầu. Bộ râu bạc dài khiến nét mặt ông trông rất từ hòa.

Huệ đại sư vẫn giữ vẻ ngạc nhiên, có lẽ không quen biết lão tăng. Còn Bình Phàm Thượng Nhân vẻ mặt tươi lên và chầm chậm đến gần con bạch hạc.

Bạch hạc lượn thêm một vòng rồi từ từ đỗ xuống, hai cánh xòe rộng phải tới hai trượng, làm cát bụi trên đảo bốc tung lên.

Lão tăng cất chiếc tiêu vào người rồi lấy ra một con cá gỗ, gõ một tiếng.

Không biết con cá làm bằng loại gỗ gì mà phát ra âm thanh vang xa tới mấy dặm.

Bình Phàm Thượng Nhân không nói gì, chỉ vái lão tăng một vái rồi quay sang Huệ đại sư vái một vái nữa, sau đó leo lên lưng bạch hạc ngồi bên cạnh lão tăng, còn nhìn Tân Tiệp gật nhẹ đầu.

Con hạc lại xòe cánh nhún mình lao lên tầng không.

Lão tăng trước đó lướt mắt nhìn Tân Tiệp mấy lần, tỏ ra kinh dị. Khi con hạc bay lên thì lão tăng trầm giọng nói :

Hổ diệu lòng đàng phi hoàng nhật, Hạc lệ nhất thanh tiêu tương khứ!

Tân Tiệp nghe âm thanh của lão tăng còn văng vẳng nhưng bạch hạc đã bay rất xa...

Huệ đại sư ngẩn người nhìn theo bạch hạc chừng như mãi nghĩ điều gì mà không hiểu được. Cuối cùng Huệ đại sư từ từ quay lại nhìn Tân Tiệp, đột nhiên trên môi lộ nét cười. Bất thần bà ta vung vẩy hai ống tay áo, nhảy mấy vòng, động tác diệu kỳ uyển chuyển.

Tân Tiệp chợt nhận ra ngay là bà ta đang thi triển bộ pháp thần kỳ mà mình vừa chứng kiến.

Lát sau, trên cát hiện rõ bốn mươi chín vết chân.

Huệ đại sư thi triển xong liền lao vút đi khuất vào giữa đảo.

Tân Tiệp ngẩn người nhìn những dấu chân trên cát, bất giác lòng mừng khôn xiết, biết rằng Huệ đại sư đã lưu lại để truyền bộ pháp thần diệu cho mình.

Từ xa vẳng lại tiếng của Huệ đại sư :

- “Cật Ma Thần Bộ” tặng người hữu duyên. Trong vòng nửa canh giờ, có thể tham ngộ được hay không là tùy thuộc vào thiên tư của ngươi!

Tân Tiệp liền quỳ xuống hướng vào đảo bái tạ.

Tuy không biết ý của Huệ đại sư nói trong nửa canh giờ là gì nhưng chàng lập tức chú mục vào những dấu chân, ngưng thần nghiên cứu.

Ban đầu chàng không hiểu chút gì. Nếu trước đó chàng không tập trung trí lực chăm chú quan sát bộ pháp của Huệ đại sư thì tất đành chịu bất lực.

Vốn có thiên bẩm võ học, lại là người say mê tìm hiểu nên Tân Tiệp bị cuốn hút ngay vào việc nghiên cứu mối quan hệ của những bước chân.

Nửa canh giờ thấm thoát trôi qua, Tân Tiệp vẫn ngưng thần tham ngộ, không biết gì đến ngoại cảnh.

Bấy giờ nước thủy triều đã dâng cao dần. Một đợt sóng nổi lên ập nhanh vào bờ, càng gần càng cao, phút chốc cuồn cuộn như một bức tường ào ạt tràn qua bờ cát.

Tân Tiệp đang vắt óc suy nghĩ năm bước cuối cùng. Đó là năm bước tinh túy và cốt yếu nhất của “Cật Ma Thần Bộ” cho nên cũng khó lĩnh ngộ nhất. Lúc đó thì cơn sóng đã ập đến sau lưng.

Tân Tiệp đạp chân lên từng vết chân đó, chuyển chỗ thêm lần nữa rồi chợt hiểu ra. Chàng nhảy cẫng lên vì vui sướng.

Chính lúc chàng còn đang nhảy lên thì đợt sóng đã trào đến, Tân Tiệp kinh hãi tung mình tới bờ đá. Khi quay đầu nhìn lại thì đợt sóng đã rút, đồng thời những dấu chân của Huệ đại sư để lại đều bị sóng xóa mất không còn dấu vết. Bấy giờ chàng mới hiểu lời Huệ đại sư nói chỉ trong vòng nửa canh giờ là thế.

Tân Tiệp đã tham ngộ xong “Cật Ma Thần Bộ”, lòng mừng khôn xiết. Nhớ lại chỉ một ngày lên đảo mà chàng đã thu hoạch được rất nhiều, võ công nay đã tăng tiến gấp nhiều lần so với trước. Tân Tiệp đưa mắt nhìn Tiểu Trấp đảo với tình cảm trìu mến và lòng biết ơn, đồng thời hùng tâm cũng trỗi dậy.

Chàng thầm hổ thẹn vì mấy ngày qua cứ tưởng rằng võ công mình đã có thể làm nên đại sự mà xao nhãng việc học hỏi luyện tập thêm. Hơn nữa lại còn dính dáng đến tình trường mà gây nên không ít phiền phức.

Tân Tiệp nhớ lại mà toát mồ hôi. Nếu không có kỳ duyên thì với võ học trước đây mà đưa ra tranh đua với thiên hạ võ lâm thì chẳng đáng làm trò cười cho thiên hạ.

Lúc này, qua Bình Phàm Thượng Nhân, chàng biết rằng võ học của Thất Diệu Thần Quân là thần diệu, có thể sánh với mọi võ học tinh túy nhất, nhưng chàng còn chưa tham ngộ hết, công lực lại kém cỏi đến thảm hại nên chưa thể gánh vác nổi trọng trách mà Mai thúc thúc gia phó. Đến lúc này thì Tân Tiệp tự tin hơn nhiều. Chàng thầm hạ quyết tâm rằng mình nhất định phải làm nên một sự tích thật oanh liệt.

Phương Đông đã bắt đầu ửng hồng, chiếu lên mặt biển xanh biếc màu ngọc bích tạo nên quang cảnh vô cùng ngoạn mục. Lát sau, vầng dương nhô lên trên mặt biển, tỏa ánh nắng rực rỡ lên Tiểu Trấp đảo. Tiểu Trấp đảo đối với chàng giờ đây trở nên rất thân thiết. Nhưng dù sao chàng cũng phải rời khỏi đảo này để trở về trung thổ.

Vừa nghĩ ngợi mông lung, bất tri bất giác từ phía đông chàng đã vòng sang phía tây đảo. Trong lòng còn băn khoăn chưa biết làm cách gì để trở về lục địa thì chàng chợt trông thấy bên bờ cát có một chiếc thuyền nhỏ.

Lòng mừng khấp khởi, Tân Tiệp vội sải bước đến gần. Chợt thấy trên bờ cát trước thuyền ai đó đã viết hàng chữ :

“Từ Tiểu Trấp đảo, hành trình theo hướng tây nam. Bây giờ trên biển gió đông đang thổi mạnh, giương buồm chỉ đi một ngày là tới được lục địa.”

Hiển nhiên chính là Huệ đại sư đã chuẩn bị chu đáo các thứ cho chàng.

Tân Tiệp nghĩ thầm :

- “Chỉ cần một ngày đã tới lục địa rồi sao? Tiểu Trấp đảo ở gần lục địa vậy ư?”

Tân Tiệp chợt ngẩng lên, vận hết mục lực nhìn. Quả nhiên chàng thấy thấp thoáng cuối chân trời là những vệt xanh nhô cao. Đó là dấu vết mờ nhạt của những ngọn núi lên chân trời màu bàng bạc.

Tân Tiệp lại một lần nữa quay mặt vào đảo, quỳ xuống bái tạ, sau đó nhảy lên thuyền.

Quả nhiên gió Đông thổi mạnh. Tân Tiệp căng buồm rồi đẩy thuyền ra khơi.

Cánh buồm no gió lao đi vun vút. Lát sau chàng nhìn lại thì thấy Tiểu Trấp đảo chỉ còn là một vệt mờ, chính giữa là mỏm đá nổi rõ giữa nền trời.

* * * * *

Nếu ngược dòng Trường Giang tới Vũ Hán thì thấy con sông được hợp thành bởi hai chi lưu, hữu ngạn là sông Hán Thủy, còn tả ngạn vẫn gọi là Trường Giang.

Ở ngã ba sông có ba trấn lớn đối ngạn là Vũ Xương, Hán Dương và Hán Khẩu. Nơi đây từ xưa là trọng trấn của tỉnh Hồ Bắc nên hành nhân rất náo nhiệt.

Đặc biệt là thủy lộ, lúc nào cũng có hàng trăm con thuyền xuôi ngược.

Từ khi có tin Thất Diệu Thần Quân tái hiện giang hồ và ở Vũ Hán xảy ra mấy việc làm chấn động võ lâm thì chỗ này đã trở thành nơi quần anh tụ hội. Cao thủ các phái lục tục kéo đến để xác định xem tin tức Thất Diệu Thần Quân xuất hiện có xác thực không. Đặc biệt là Ngũ đại tông phái ngày xưa đã tham gia việc ám toán Thất Diệu Thần Quân lại càng nôn nóng xác định tin tức đó.

Bấy giờ vào tiết cuối hạ, ở Vũ Hán chưa thể gọi là mát mẻ nhưng đã bớt oi bức. Ngày hôm ấy có một chiếc thuyền nhỏ ngược dòng từ hướng Đông căng buồm lướt tới Vũ Hán rồi cập nhẹ vào bờ. Trên bến sông, thuyền bè rất nhộn nhịp không dưới trăm chiếc nhưng chiếc thuyền nhỏ luồn lách rồi cuối cùng cũng cập được vào bờ.

Từ trên thuyền bước xuống một thiếu niên chừng hai mươi tuổi, vận y phục kiểu văn sĩ màu xám, dáng đường hoàng thanh thoát.

Thiếu niên tránh những đám đông để khỏi bị ngăn trở, đi khỏi bến sông hướng về thành Hán Khẩu.

Nếu quan sát kỹ, thiếu niên có ánh mắt sáng quắc, cương nghị, nét mặt anh tuấn rất hợp với dáng người cao dong dỏng, chỉ có sắc mặt hơi nhợt nhạt một chút. Thiếu niên bước đi rất nhanh, chẳng bao lâu đã vào trong thành.

Bấy giờ đã quá Ngọ, thiếu niên hình như đã quen thuộc nên không dừng lại mà đi thẳng về phía đông thành, đến trước cửa hiệu kim hoàn mới được khai trương chưa lâu là Sơn Mai Châu Bảo Hiệu.

Thiếu niên dừng trước cổng giây lát, thần tình tỏ ra kinh dị, nhìn vào bên trong rồi cất tiếng gọi :

- Trương đại ca!

Từ trong hiệu có người chạy ra. Đó là một hán tử chừng bốn mươi tuổi. Hán tử mở rộng cửa, kêu lên :

- Tân chủ nhân đã về rồi ư? Ui chao! Bọn tiểu nhân mong ngài đến mỏi mắt...

Sau phút mừng rỡ, vẻ mặt trung niên hán tử chợt lộ vẻ bi thương.

Thiếu niên ngạc nhiên hỏi :

- Có chuyện gì thế Trương đại ca?

Hán tử họ Trương thảng thốt :

- Hầu lão... chết rồi!

Thiếu niên nghe vậy biến sắc mặt, thân hình lảo đảo rồi đột nhiên chồm tới chộp lấy cổ áo hán tử họ Trương, run giọng hỏi :

- Cái gì? Ngươi... nói gì? Hầu nhị thúc... đã chết rồi sao?

Hán tử họ Trương hoảng hốt lùi lại một bước, chỉ tay vào cửa hiệu rồi nói :

- Xin chủ nhân vào trong hiệu, tiểu nhân sẽ kể lại tường tận...

Nhưng thiếu niên vẫn sốt ruột hỏi dồn :

- Ngươi hãy trả lời ta ngay. Có thật là Hầu nhị thúc đã chết rồi không?

Hán tử gật đầu đáp :

- Dạ...

Thiếu niên nghe vậy thì mặt mày xây xẩm, buông trung niên hán tử ra rồi từ từ ngã xuống ngất đi.

Hán tử họ Trương thất kinh, vội vàng dìu lấy thiếu niên đưa vào Sơn Mai hiệu, quát bảo gia nhân mang nước lạnh đến chườm vào mặt thiếu niên.

Chỉ chốc lát, thiếu niên đã tỉnh lại.

Vừa mới hoàn hồn, thiếu niên đã ngồi bật dậy, nhìn hán tử họ Trương hỏi :

- Hầu nhị thúc chết như thế nào?

Thiếu niên chính là Tân Tiệp chủ nhân của Sơn Mai Châu Bảo Hiệu, sau một thời gian bặt tin mới từ Đông Hải trở về.

Trung niên hán tử họ Trương là chưởng quầy của Sơn Mai hiệu này, bắt đầu kể :

- Mười mấy ngày trước, vào lúc tinh mơ tiểu nhân vừa ra khỏi dãy cư phòng, đi qua hậu viện thì chợt phát hiện Hầu lão nằm cuối góc sảnh, người đã chết từ lâu. Lúc đầu tiểu nhân tưởng rằng Hầu lão bị trúng phong mà chết, nhưng sau xem lại thấy trước ngực có dấu chưởng thương, hai bên miệng đọng lại dấu máu đã khô, thêm nữa trên mặt đất còn một vũng máu đã đông lại chắc rằng do Hầu lão thổ ra, lúc đó tiểu nhân mới tin rằng Hầu lão bị chấn thương mà chết. Tiểu nhân vô cùng sợ hãi, nghĩ rằng Tân chủ nhân giao du với nhiều nhân vật trong võ lâm mà sinh ra tai họa này... nên liền cho đóng tất cả các cửa hiệu ở Hồ Bắc và mai táng Hầu lão chu tất... may rằng hôm nay chủ nhân đã trở về...

Tân Tiệp nghe xong thì thương cảm không biết chừng nào, mắt lấp lánh lệ quang, hỏi tiếp :

- Hầu nhị thúc được chôn cất ở đâu?

Hán tử họ Trương đáp :

- Tiểu nhân biết chủ nhân rất trọng thị Hầu lão nên cử hành tang lễ rất chu đáo. Mộ địa trên một ngọn đồi phía tây cách thành không xa.

Tân Tiệp lặng lẽ gật đầu rồi đi ra khỏi phòng.

Trương chưởng quầy biết rằng Tân chủ nhân lòng đang buồn khổ, muốn đến viếng mộ Hầu lão ngay, định đi theo dẫn đường nhưng bị Tân Tiệp ngăn lại :

- Nếu mộ địa không khó tìm thì ngươi cứ ở nhà, để ta đi một mình cũng được.

Trương chưởng quầy cúi mình đáp :

- Không khó tìm đâu! Chủ nhân cứ ra khỏi thành theo hướng tây, đi một dặm là thấy.

Theo chỉ dẫn của Trương chưởng quầy, Tân Tiệp ra cửa thành phía tây, chẳng bao lâu đã thấy một ngôi mộ mới nằm chơ vơ trên đồi liền đâm bổ tới.

Tân Tiệp từ nhỏ đã mất cha mẹ, người thân duy nhất trong đời chỉ có Hầu Nhị và Mai Sơn Dân, bởi thế chàng yêu quý họ không kém gì ruột thịt, tôn kính như phụ mẫu. Nay Hầu Nhị chết đi, làm sao chàng không đau đớn?

Chàng cố ghìm những dòng lệ đang trào ra, đến quỳ trước mộ, lòng đau như cắt, lẩm nhẩm khấn vái.

Ngày xưa lúc chứng kiến thảm cảnh của phụ mẫu, chàng mới mười tuổi nên chưa hiểu hết nỗi thương đau của sự mất mát, nay trước nỗi đau này, lòng chàng như đứt đoạn.

Tân Tiệp cứ quỳ phục trước mộ hồi lâu, mắt đăm đăm nhìn vào mộ chí. Nếu như lúc đó có người ám toán thì chàng không sao tránh được.

Vừa lẩm bẩm khấn vái, chàng vừa cố đoán xem ai là người đã hạ độc thủ với Hầu nhị thúc như vậy nhưng không sao đoán ra được. Nhưng võ công của Hầu nhị thúc không phải tầm thường, vậy ai có thể hạ thủ? Nhưng cho dù thế nào, chàng cũng hạ quyết tâm nhất định phải truy tìm cho được hung thủ.

Tân Tiệp bỗng bật thành tiếng :

- Nếu ta không bắt hung thủ giết Hầu nhị thúc đập nát thây thành muôn mảnh thì thề không làm người!

Thề xong, chàng đứng lên chầm chậm đi xuống đồi.

Đột nhiên chàng dừng phắt lại, giỏng tai nghe ngóng. Trong khu rừng bên trái, cách chừng mười trượng có nhân ảnh chập chờn. Lúc này trong lòng đầy căm giận, bất cứ biểu hiện khác thường nào cũng khiến chàng hoài nghi. Tân Tiệp “hừ” một tiếng, hướng về phía có bóng người lao tới.

Vừa vào đến rừng, Tân Tiệp thấy ngay hai người đang đánh nhau kịch liệt giữa khoảng trống nhỏ cách chàng chỉ bốn năm trượng. Hai địch thủ đang quần nhau kịch liệt, thân pháp Tân Tiệp lại cao minh nên không ai phát hiện ra.

Tân Tiệp ẩn thân vào một gốc cây, phóng mắt nhìn vào, chỉ thấy hán tử mặt hướng về mình dáng người to lớn, râu quai nón đầy mặt, tay cầm trường kiếm công kích đối phương rất quyết liệt.

Còn người kia quay lưng về phía Tân Tiệp nên không trông rõ diện mạo, tay trái cầm một cành cây dài chỉ một thước rưỡi làm vũ khí.

Hán tử cầm cành cây hành động rất khó khăn, đặc biệt là tay phải, chẳng những không giúp được gì mà còn vướng víu thêm, chân cũng kéo sền sệt, không linh hoạt chút nào. Thế nhưng bù lại, hán tử có kiếm pháp tuyệt luân.

Dùng cây ngắn thay kiếm mà chàng đấu với địch thủ hai mươi chiêu vẫn chưa nghe tiếng binh khí chạm nhau lấy một lần. Chẳng trách khi Tân Tiệp đến đây mà vẫn không phát hiện có người đang động thủ gần đó.

Hai người đấu nhau kịch liệt nhưng không ai thốt lên lời nào. Hán tử dùng cành cây, binh khí đã kém, tay chân lại kém linh hoạt nên đối phó hết sức khó khăn, lúc này đã bị ép đến bìa rừng.

Tên hán tử râu quai nón quát lên :

- Hừ! Ngươi đừng hòng chạy trốn!

Dứt lời hắn vung kiếm bổ vào vai đối phương.

Tân Tiệp quan sát cuộc ác đấu gần nửa canh giờ mà chưa nghe ai nói câu nào, bỗng nhiên nghe đại hán râu rậm quát lên như vậy liền sực tỉnh.

Chỉ thấy hán tử cầm cành cây nghiêng mình về bên trái tránh được một kiếm của đối phương, sau đó tiếp tục trở về vị trí ban đầu, chuẩn bị ứng chiến tiếp.

Bấy giờ Tân Tiệp mới nhìn rõ dung mạo người kia. Hán tử khoảng hai mươi mốt, hai mươi hai tuổi, diện mạo rất anh tuấn. Bất giác Tân Tiệp sinh lòng hảo cảm. Hơn nữa, chỉ cần nhìn qua, chàng cũng biết hán tử đã bị điểm huyệt, thế mà vẫn kiên cường chiến đấu. Việc đó càng làm Tân Tiệp khâm phục bội phần.

Hán tử tuy tránh được hiểm chiêu nhưng mặt lại lộ vẻ đau đớn. Xem ra tình thế thì không duy trì được lâu.

Tân Tiệp vốn đã có nhiều kinh nghiệm, võ học lại uyên thâm nên chàng biết ngay hán tử bị điểm vào huyệt nào, chỉ sử dụng tay trái và hầu như chỉ một chân mà duy trì được như vậy quả là đáng khâm phục rồi. Tân Tiệp với tay bẻ một khúc cây.

Hán tử râu rậm lại công vào một chiêu kiếm.

Thiếu niên liền vung tay trái, dùng cành cây thay kiếm múa lên một vòng, chỉ thấy một màn chi ảnh dày đặc như tấm khiên chắn trước mặt, không một chút sơ hở để đối phương có thể công vào. Chiêu thức thật kỳ diệu, đặc biệt lại dùng tay trái. Thật là điều hiếm thấy trên võ lâm.

Không những đại hán râu rậm lùi về mà cả đến Tân Tiệp cũng thầm kinh hãi. Chàng nhằm vào một chỗ huyệt đạo trên người thiếu niên mà phóng đoạn cành khô tới. Thủ pháp của chàng thật điệu nghệ!

Chỉ nghe cạnh một tiếng, cành cây bắn trúng Chương Môn huyệt ở đốt sống thứ mười một dưới sườn phải đối phương.

Thiếu niên lập tức thấy nửa người bên phải nhẹ hẳn đi, chân và tay phải đã linh hoạt trở lại. Tuy vậy thiếu niên vẫn không chuyển cành cây sang tay phải, tay trái vẫn múa cành cây làm thành vô số ảo ảnh như rồng cuộn.

Đại hán râu rậm thấy đối phương chợt xuất thủ thần tốc như vậy thì kinh hoảng lùi về, dùng kiếm múa tít lên phong bế toàn thân.

Nhưng thiếu niên lướt tới rất nhanh, cành cây vẫn công kích như bão táp.

Chợt nghe xoảng một tiếng, thanh trường kiếm của đại hán râu rậm bị đánh dạt ra lộ không môn rộng. Thiếu niên thừa cơ đâm thẳng mũi cây qua không môn đó vào thẳng ngực đối phương.

Nên biết cành cây thi triển đến mức đó thì đủ biết kiếm thuật của thiếu niên thuộc hàng thượng thừa, công lực cũng rất thâm hậu. Như thế thì cành cây đâm thẳng vào chẳng khác gì đao kiếm, đừng nói da thịt người mà ngay cả gỗ đá cũng đâm thủng.

Tân Tiệp vừa định xuất thủ ngăn trở, nhưng suy nghĩ một lát rồi nhảy vút ra giữa đấu trường, đánh một chưởng bức lùi thiếu niên vừa nói :

- Huynh đài xin hãy ngừng tay!

Thiếu niên thấy có người xuất hiện, lại xuất chưởng đánh về phía mình biết là cao nhân nên không dám khinh suất, liền thu cành cây lùi lại.

Tân Tiệp quay sang hán tử râu rậm nói :

- Các hạ có phải là Trung Châu Nhất Kiếm Mạnh Phi không?

Hán tử râu rậm đã cầm chắc cái chết, chợt thấy có người cứu giúp, một lúc sau mới hoàn hồn. Nghe cứu tinh hỏi, hắn ngơ ngác một lúc rồi gật đầu.

Tân Tiệp cười nói :

- Tại hạ nghe danh đã lâu, như tiếng sấm bên tai!

Trung Châu Nhất Kiếm chợt thở dài não nuột nói :

- Hết rồi... từ nay thế là xong... Ài!

Nói rồi vung tay ném thanh trường kiếm về phía thiếu niên rồi lao đi mất hút!

Tân Tiệp nhìn theo Trung Châu Nhất Kiếm nhếch môi cười rồi từ từ quay sang phía thiếu niên.

Thiếu niên nhún mình nhẹ nhàng bắt lấy thanh trường kiếm mà Trung Châu Nhất Kiếm vừa ném sang, tra vào chiếc bao không đeo bên sườn vẻ điềm nhiên.

Có lẽ đó chính là thanh kiếm của y, vừa bị đối phương đoạt mất.

Tân Tiệp cười hỏi :

- Có phải huynh đài họ Ngô không?

Thiếu niên ngạc nhiên hỏi lại :

- Không sai... làm sao huynh đài biết được?

Tân Tiệp không trả lời mà hỏi tiếp :

- Không biết có phải huynh đài là hậu nhân của vị Đơn Kiếm Đoạn Hồn Ngô Chiếu Vân uy chấn võ lâm không?

Thiếu niên càng kinh hãi, lại gật đầu nói :

- Chính phải.

- Quả đúng là Ngô huynh thật. Tại hạ là Tân Tiệp. Gia sư là Mai Sơn Dân, ngày xưa từng kết giao với Ngô tiền bối...

Thiếu niên lộ vẻ mừng rỡ kêu lên :

- Thì ra Tân huynh là cao đồ của Mai thúc thúc!

Nguyên thiếu niên là Ngô Lăng Phong, nhi tử của vị Đơn Kiếm Đoạn Hồn Ngô Chiếu Vân trước đây mười lăm năm đã bị Ngũ đại tông phái công sát. Sau khi phụ thân bị thảm sát, chàng được một người đem về truyền võ nghệ cho nhưng võ nghệ đó cũng là bí kiếp võ công của họ Ngô, bởi thế có thể coi là Ngô Lăng Phong là thụ nghiệp gia truyền.

Gần đây Ngô Lăng Phong xuất đạo hành hiệp, nghe tin Thất Diệu Thần Quân trùng hiện giang hồ. Vì Mai Sơn Dân là bằng hữu của thân phụ nên Ngô Lăng Phong tới Vũ Hán xem thực hư thế nào. Tình cờ y biết tin Hầu Nhị bị giết.

Hầu Nhị vốn ở cùng Mai Sơn Dân đã lâu, mấy lần Ngô Lăng Phong cùng phụ thân đến thăm Mai thúc thúc đều gặp Hầu Nhị và cũng trở thành bằng hữu của phụ thân. Hơn nữa Hầu Nhị rất ưu ái Ngô Lăng Phong.

Được tin Hầu Nhị bị giết, y liền tới đây viếng mộ. Khi đang quỳ trước mộ chìm đắm trong thương đau thì không ngờ lại bị Trung Châu Nhất Kiếm Mạnh Phi ám toán, điểm vào Kiên Giáp huyệt ở bả vai bên phải rồi cướp đi trường kiếm.

Ngô Lăng Phong liền phong bế huyệt đạo, nhặt một cành cây đấu với Mạnh Phi.

Lúc đầu Mạnh Phi không ngờ đối phương bị điểm huyệt mà vẫn xuất chiêu thần tốc như thế nên lòng rất kinh hãi, vừa đánh vừa lùi vào rừng. Sau đó thấy Tân Tiệp đến viếng mộ, Mạnh Phi không muốn ngoại nhân biết nên càng lùi sâu vào rừng, sợ hãi không dám lên tiếng. Ngô Lăng Phong vì bị phong bế huyệt đạo nên đương nhiên không thể xuất thanh. Thế là hai người lặng lẽ giao đấu. Nếu Tân Tiệp không tinh mắt thì đã chẳng phát hiện ra. Chỉ qua vài chiêu, Tân Tiệp đã nhận ra ngay kiếm pháp của cả hai người. Lại căn cứ vào đặc điểm, Tân Tiệp có nghe nói tới nhân vật râu rậm ở phái Nga Mi là Trung Châu Nhất Kiếm Mạnh Phi nên mới gọi đích danh hắn ra.

Còn tuyệt chiêu “Quỷ Vương Ba Hỏa” của Đơn Kiếm Đoạn Hồn Ngô Chiếu Vân, chàng còn được Thất Diệu Thần Quân chỉ dạy kỹ hơn. Tuy vậy vẫn chưa thể khẳng định thiếu niên là hậu nhân của Ngô Chiếu Vân nên chàng mới hỏi.

Nghe Ngô Lăng Phong kể xong đầu đuôi câu chuyện vừa xảy ra, Tân Tiệp gật đầu nói :

- Tên Mạnh Phi đó là môn hạ của Chưởng môn nhân Nga Mi phái Khổ Am Thượng Nhân trong Ngũ đại tông phái ngày xưa đã vây giết lệnh tôn. Tại hạ cho rằng Mạnh Phi không chỉ tham tâm muốn đoạt thanh bảo kiếm của huynh đài mà còn có thể bọn chúng đều được lệnh sư môn hễ gặp cơ hội là ám toán huynh.

Ngô Lăng Phong cố nén nỗi đau đớn khi nghe kể lại chuyện bi thảm của phụ thân, nói :

- Lẽ ra không nên để tên họ Mạnh đó chạy đi. Tiểu đệ không biết hắn là người của phái Nga Mi. Nếu không thì hắn đừng hòng sống sót rời khỏi đây...

Tân Tiệp gật đầu nói :

- Tiểu đệ cũng biết vậy, nhưng để hắn đi thì mới nhờ vào miệng hắn mà truyền cho thiên hạ biết rằng hậu nhân của Đơn Kiếm Đoạn Hồn Ngô Chiếu Vân và Thất Diệu Thần Quân cần Ngũ đại tông phái trả món nợ năm xưa!

Hai người trò chuyện một lúc thì càng khâm phục khí độ của nhau, lập tức cảm thấy thân thiết.

Ngô Lăng Phong cười hỏi :

- Tiểu đệ quên mất... có phải mới rồi Tân huynh đã dùng khúc cây giải huyệt cho tiểu đệ không?

Tân Tiệp không muốn đối phương cảm tạ nên chỉ mỉm cười rồi hỏi sang chuyện khác :

- Tiểu đệ năm nay hai mươi tuổi, chẳng biết Ngô huynh...

Ngô Lăng Phong đáp :

- Tiểu đệ hai mươi mốt. Nếu không chê bỏ thì xin gọi Tân huynh một tiếng hiền đệ được chứ?

Tân Tiệp đã có ý đó nên đồng ý ngay. Cả hai đều cảm thấy vung mừng, tình cảm thân thiết hơn nhiều.

Ngô Lăng Phong chợt hỏi :

- Tân hiền đệ, trên giang hồ truyền ngôn rằng Mai thúc thúc đã tái xuất giang hồ ở vùng Vũ Hán này, chuyện đó có thật không? Mai thúc thúc vẫn khỏe chứ? Hiền đệ đưa ngu huynh đến bái kiến được không?

Tân Tiệp gật đầu :

- Để tiểu đệ kể cho đại ca nghe...

Thế rồi chàng đem chuyện Mai Sơn Dân cứu chàng khỏi Ngũ Hoa Sơn, đưa về truyền võ nghệ, nhất nhất kể cho Ngô Lăng Phong nghe. Cả việc Mai Sơn Dân giao cho mình nhiệm vụ thế nào cũng không giấu diếm gì.

Ngô Lăng Phong nghĩ tới việc Mai Sơn Dân vì báo thù cho phụ thân mình mà đến nỗi thân mang tàn phế thì trong lòng vô cùng cảm kích.

Tiếp đó hai người phát thệ sẽ vì Ngô, Mai hai vị lão nhân gia mà phục thù.

Cũng từ đó mà giang hồ nổi phong ba.

Hai người đàm đạo một lúc, sau đó cùng đến trước mộ Hầu Nhị vái lần nữa rồi trở về thành. Họ dự định trước hết sẽ truy tìm hung thủ sát hại Hầu nhị thúc.

Ngô Lăng Phong suy đoán rằng chính là người của Ngũ đại tông phái, lập luận rằng bởi thế mà chúng mai phục bên mộ của Hầu nhị thúc. Việc Mạnh Phi ám toán chàng là một chứng cứ.

Nhưng Tân Tiệp lại khẳng định hành tích của mình và Hầu nhị thúc rất bí mật vì thế Ngũ đại tông phái không thể nào biết được lai lịch của họ. Hơn nữa võ công của Hầu nhị thúc thì ngoại trừ Chưởng môn của Ngũ Đại Tông Phái ra, không ai có thể làm được chuyện đó.

Hai người vừa đi vừa đàm luận, chẳng bao lâu đã về đến Sơn Mai hiệu.

Trương chưởng quầy ra đón tận cổng, cúi người thi lễ :

- Chủ nhân đã về.

Y tỏ ra ngạc nhiên khi thấy chủ nhân đưa về một thiếu niên anh tuấn, lưng lại đeo trường kiếm, chắc là người trong võ lâm. Nhưng y không dám hỏi.

Cả ba người vào trong khách sảnh.

Vừa uống trà, Tân Tiệp vừa hỏi Trương chưởng quầy :

- Mấy hôm nay ở Vũ Hán có tin tức gì trọng đại hay không?

Trương chưởng quầy gật đầu đáp :

- Có! Chuyện rất trọng đại là khác! Tiểu nhân vội quá nên chưa báo cho chủ nhân biết...

Hắn dừng một lát rồi kể :

- Người ta nói rằng việc Thất Diệu Thần Quân trùng hiện giang hồ đã làm cho rất nhiều nhân vật võ lâm chú ý. Còn chuyện chấn động Hán Khẩu mới đây...

chỉ ba ngày trước, ở Cáp Viễn tiêu cục, vị Tổng Tiêu Đầu là Ngân Thương Mạnh Bá lão gia bị đột kích. Mạnh lão gia bị chết ngay đương trường. Hung thủ trước khi đi còn xưng danh là Hải Thiên song sát...

Tân Tiệp nghe danh Hải Thiên song sát thì giật mình, biến sắc hỏi :

- Thật vậy sao?

Trương chưởng quầy tỏ ra ngạc nhiên trước thái độ của chủ nhân, gật đầu :

- Tin đó hoàn toàn xác thực. Tiểu nhân có tới Cáp Viễn tiêu cục, trước cửa có để tang...

Tân Tiệp lẩm bẩm :

- Chẳng lẽ hai lão ma đầu đó từ Quang Trung xa mấy ngàn dặm đã mò vào tới đây?

Trương chưởng quầy tiếp :

- Cái đó thì tiểu nhân không biết. Chỉ thấy người ta khi nghe nói đến Hải Thiên song sát thì đều khiếp vía...

Tân Tiệp trầm ngâm nói :

- Xem ra giang hồ đại loạn rồi...

Ngô Lăng Phong không biết Hải Thiên song sát vì chúng biệt tích đã lâu, chỉ trầm mặc nghe chuyện.

Tối đó Tân Tiệp bảo gia nhân mang cơm vào phòng riêng của mình, cùng với Ngô Lăng Phong vừa ăn vừa chuyện trò rất tâm đắc.

Trời vừa sáng, Tân Tiệp nhìn Ngô Lăng Phong nói :

- Đại ca nên đóng giả văn sĩ cho dễ hành động hơn.

Ngô Lăng Phong thấy đề nghị có lý, sẵn y phục của Tân Tiệp, đóng giả làm văn nhân, giấu kỹ thanh Đoạn Hồn kiếm trong người cho hợp.

Ăn uống xong, hai người ra khỏi Sơn Mai hiệu.

Tân Tiệp nghĩ rằng việc mình bặt tích trong một thời gian dài không khỏi làm cho những người quen biết sinh nghi nên định tới thăm họ một chút, đồng thời cũng biết thêm tin tức.

Đi tới phía Đông thành, thấy Cáp Viễn tiêu cục trước đây rất bề thế, vang danh khắp Hồ Bắc mà nay trở nên thê lương. Những dãy nhà đồ sộ vắng ngắt, cửa đóng chặt, trên cửa còn treo một dải khăn trắng, nhìn không khỏi xót xa.

Đi thêm vài dãy phố, Tân Tiệp dự tính tới Vũ Uy tiêu cục thăm Kim Cung Thần Đạn Phạm Trị Thành.

Hai người đi thẳng vào cửa.

Tân Tiệp hỏi một tên thủ hạ :

- Có Phạm tổng tiêu đầu ở nhà không?

Tên kia vội trả lời :

- Dạ có!

Rồi hắn chỉ tay vào đại sảnh.

Tân Tiệp cùng Ngô Lăng Phong đi tiếp vào, thấy Phạm Trị Thành cùng hai nhân vật tuổi trên dưới bốn mươi đang đứng trước hành lang.

Kim Cung Thần Đạn Phạm Trị Thành nhận ra Tân Tiệp thì gật đầu chào rồi bước ra đón, miệng mỉm cười đon đả.

Tân Tiệp ôm quyền chào, nói :

- Đã lâu không gặp, Phạm huynh... tiểu đệ mới từ Tứ Xuyên trở về hôm qua...

Thấy đối phương lộ vẻ hoài nghi, chàng cười thầm, lại làm ra vẻ buồn rầu nói :

- Thật là một nỗi bất hạnh lớn, Mạnh huynh bị gian nhân sát hại mà tiểu đệ không tham gia được tang lễ, trong lòng vô cùng xót thương và áy náy.

Phạm Trị Thành mặt sa sầm nói :

- Hải Thiên song sát thật là cuồng bạo. Chúng muốn dương danh lại tìm đến hai tiêu cục của chúng ta mà... Ài... chính ta còn đang lo mạng mình sớm tối...

Tân Tiệp kinh ngạc hỏi :

- Thế nào? Hải Thiên song sát còn định ám toán Phạm huynh nữa sao?

Phạm Trị Thành gật đầu rồi đưa tay vào túi lấy ra một tấm thiệp màu trắng, đưa cho Tân Tiệp nói :

- Hai tên tàn phế đó đã gởi “Truy Hồn lệnh” tới đây, nói rằng chỉ sau mười hai canh giờ nữa, chúng sẽ đến.

Tân Tiệp thấy trên mặt thiếp vẽ một cái lệnh tiễn, bên dưới vẽ thêm hai lão nhân tàn phế. Chắc đó là ký hiệu của Hải Thiên song sát về dị tật của mình.

Chàng ngẩng lên hỏi :

- Cái này là “Truy Hồn lệnh” đây sao?

Phạm Trị Thành gật đầu đáp :

- Chính thế. Chúng đã phát “Truy Hồn lệnh” là nội nhật trong một ngày đêm sẽ xuất hiện. Bởi thế ngu huynh đã thỉnh cầu hai vị cao thủ đến đây nhờ trợ lực. Họ đều là người hào hiệp nên nhận lời ngay. Tân lão đệ, nào, để ngu huynh giới thiệu với các vị...

Rồi y chỉ tay vào một hán tử hơi cao, nói :

- Vị này là cao thủ của Điểm Thương phái Trác Chi Trung.

Y lại chỉ sang hán tử còn lại :

- Còn đây là vị mới nổi danh trên giang hồ Sinh Tử Phán Lục Hành Không.

Sau đó y lại giới thiệu Tân Tiệp với hai người kia. Tân Tiệp lại thay Ngô Lăng Phong giới thiệu với cả bọn.

Hàn huyên một lúc, Tân Tiệp cùng Ngô Lăng Phong cáo từ ra về.

Dọc đường, Tân Tiệp nói :

- Đại ca, Hải Thiên song sát không phải là những nhân vật dễ đối phó đâu.

Tiểu đệ có kế hoạch thế này...

Rồi chàng ghé tai Ngô Lăng Phong nói mấy câu.

Ngô Lăng Phong gật đầu nói :

- Kế hoạch đó rất hay!

Hai người lang thang trên phố một lúc rồi trở về Sơn Mai hiệu.

Ăn tối xong, hai người chuẩn bị cho kế hoạch hành động.

Chừng hết canh một, có hai nhân ảnh từ Sơn Mai hiệu vượt qua tiền viện đi ra phố.

Dưới ánh sao có thể nhận thấy hai người bận hắc y, khăn đen trùm kín mặt mũi chỉ để lộ ra đôi mắt.

Chỉ chớp mắt, họ đã biến mất sau dãy phố. Lúc đó trên phố hầu hết đã tắt đèn, chỉ riêng Vũ Uy tiêu cục là đèn còn sáng trưng, chiếu sáng cả một khoảng trời đêm.

Đột nhiên từ mái thượng phòng vang lên tiếng quát :

- Phạm Trị Thành!

Tiếng quát vừa dứt thì từ dưới đất có một nhân ảnh bật người lao vút lên cao tới bốn trượng, tới đỉnh điểm hơi dừng lại một chút rồi đảo người đáp xuống mái thượng phòng. Người đó hướng về phía vừa phát ra tiếng quát nói :

- Huynh đệ họ Tiêu! Hải Thiên song sát uy danh lừng lẫy giang hồ, không ngờ là hạng không dám ngẩng mặt nhìn người, chui nhủi trên mái ngói!

Từ chỗ phát ra tiếng nói lúc trước có tới hai người đứng lên. Tên đứng trước rít lên :

- Tiểu tử, có phải ngươi được Phạm Trị Thành mời tới cứu mạng hắn không?

Âm thanh rất quái dị, nghe chói cả tai.

Người vừa xuất hiện “hừ” một tiếng :

- Kim Cung Thần Đạn mà đáng mặt nhờ ta giúp sao?

Tên đứng trước trầm giọng :

- Nếu tiểu từ ngươi không được Phạm Trị Thành thỉnh đến thì cút mau đi, huynh đệ ta xử trí xong hắn sẽ tìm tới ngươi...

Người vừa đến ngắt lời :

- Thiên Tàn Tiêu Hóa! Ngươi bớt miệng lại đi, nếu không sẽ câm nốt giống tên huynh đệ Thiên Phế của ngươi đó!

- Hô hô hô...

Đột nhiên Thiên Tàn Tiêu Hóa ngửa mặt lên trời cười như hóa dại. Tiếng cười chẳng khác gì ma kêu quỷ khóc, chấn động cả mái ngói.

Chắc vì quá tức giận nên hắn đã dùng công phu “Nhiếp Hồn Quỷ Âm” để làm chấn ngã đối phương.

Quả thật người kia bị tiếng cười dội vào tai nghe ong ong váng cả óc, loạng choạng như sắp ngã.

Đột nhiên từ dưới đất có tiếng quát :

- Câm miệng!

Tuy chỉ vỏn vẹn có hai tiếng nhưng khẩu âm phát ra vang rền như long ngâm hổ rống.

Thiên Tàn Tiêu Hóa ngơ ngác nhìn xuống, tràng cười vụt tắt.