Lục Mạch Thần Kiếm

Chương 12: Võ công tuyệt thế là ai?



Vương Ngọc Yến thấy Ðoàn Dự bị tay cao thủ người Tây Hạ dùng phép "Cẩm nã" bắt được, không có cách nào thoát thân thì trong dạ bồn chồn muốn chạy ra cứu viện. Khốn nỗi từ lúc trúng độc trở đi, tứ chi bải hoải, nhắc tay cất chân rất khó khăn thì còn nói chi đến chuyện cứu người nữa. Nàng còn nghĩ đến một tay cao thủ nữa người Tây Hạ mặt mũi gớm ghiếc đang đứng bên cửa lớn. Gã này chỉ giơ đao lên chém một nhát tất là Ðoàn Dự uổng mạng. Nàng sợ hãi quá, lớn tiếng la lên:

- Các người không được sát hại Ðoàn công tử. Ta... ta theo các người đi là xong!

Giữa lúc này, trong lòng Ðoàn Dự cũng cực kỳ kinh hãi, chàng liều mạng đưa ngón tay ra điểm loạn cả lên. Thực ra, nếu lúc chàng trấn tĩnh, chân tay không bị nắm giữ thì "Chu Cáp Thần công" ở trong thân thể chàng cũng đủ hút chặt lấy nội lực của tay cao thủ người Tây Hạ.

Nhưng một là chàng tinh thần bị khủng bố đã lâu, hai là nội lực chàng nhân lúc kinh khủng mà chạy hết ra năm đầu ngón tay và tụ tập ở đó, thì lại điểm ra ngoài không gian. Chàng cảm thấy áp lực trên ngực mỗi lúc một nặng thêm, dần dần

không thở được nữa. Ðang lúc mười phần nguy ngập, bỗng nghe mấy tiếng "xuỳ xuỳ", rồi gã cao thủ người Tây Hạ rú lên:

- úi chao! Thằng lỏi này giỏi thực. Mi điểm trúng vào ta... trúng huyệt "ngọc chẩm" ta rồi!

Hai tay gã nới ra, đầu rũ xuống, gục vào vách mà chết. Ðoàn Dự rất lấy làm kỳ,ngoảnh đầu lại xem, thì huyệt "ngọc chẩm" gã cao thủ Tây Hạ bị thủng một lỗ nhỏ,máu tươi ứa ra. Vết thương này là do kiếm khí Lục Mạch Thần Kiếm gây nên.

Ðoàn Dự không nghĩ ra, chàng không ngờ trong lúc cực kỳ nghiêm trọng, công lực ngưng tụ ở đầu ngón tay điểm ra phóng lên trên tường còn văng ngược lại đánh trúng vào hậu chẩm gã cao thủ Tây Hạ được. Chính ra Ðoàn Dự đã điểm ca thảy mười mấy phát vào sau lưng đối phương mà gã không việc gì vì nội lực gã rất hùng hậu.

Thế mà kiếm khí bật văng trở lại, sức mạnh đã giảm sút, thì tưởng không thể là cho gã tổn thương mảy may được. Dè đâu hai huyệt "ngọc chẩm" và "thiên trụ" là cửa tử gã, kiếm khí chàng đụng vào là gã lập tức chết ngay.

Ðoàn Dự vừa mừng vừa sợ, buông thi thể gã cao thủ Tây Hạ xuống rồi gọi:

- Vương cô nương! Bên địch chết hết rồi!

Chàng quên mất gã đứng bên cửa. Thốt nhiên phía sau có tiếng nói lạnh như băng:

- Chưa chết hết đâu!

Ðoàn Dự rùng mình quay lại, thấy vẻ mặt gã cao thủ Tây Hạ này trơ như gỗ thì nghĩ thầm: "Chắc võ công gã này không giỏi, mình chỉ cần túm lấy huyệt "chí thất" gã là giết được ngay", liền cười nói:

- Lão huynh đi đi thôi! Tôi quyết không giết đâu.

Gã kia hỏi:

- Ngươi có đủ bản lĩnh để giết được ta ư?

Giọng nói cực kỳ ngạo mạn. Thực ra thì Ðoàn Dự không muốn giết hại thêm nữa, chàng chắp tay nói:

- Tại hạ chưa chắc đã là tay đối thủ với các hạ, còn nhờ các hạ rộng dung tha cho.

Gã cao thủ Tây Hạ đáp:

- Mấy lời ngươi nói có vẻ đùa giỡn chứ không có ý thành thực xin tha. phép "Nhất Dương Chỉ" cùng "Lục Mạch Thần Kiếm" của họ Ðoàn nước Ðại Lý đã từng nổi danh lừng lẫy khắp nơi, lại được cô nương kia chỉ bảo yếu quyết, há chẳng phải là tay cao thủ bậc nhất hiện nay sao? Tại hạ muốn được lĩnh giáo những đòn tuyệt kỹ của các hạ.

Gã nói thẳng một làu đều nhau, không tiếng nhỏ, tiếng nặng tiếng nhẹ, cũng không tỏ vẻ tán dương hay khinh miệt. Ai chưa nghe quen tai thì tưởng gã ở nước nào đến. Gã nói tiếng Hán, từ ngữ không sai lầm mà âm điệu cũng rõ ràng. Ðoàn Dự nghĩ thầm: "Nghe giọng lưỡi, gã này quyết không phải là tay tầm thường. Ta không cùng y động thủ hay hơn!"

Nên nhớ rằng bản tính Ðoàn Dự không ưa võ công mà nay giết đã lắm người vì tình thế bất đắc dĩ. Về chuyện đánh đấm nhau nếu có thể tránh được là chàng thôi ngay. Thế rồi chàng vái sát đất, thành thực năn nỉ:

- Lời chỉ trích của các hạ thật đúng, ý nguyện cầu xin của tại hạ thật ra chưa đủ thành kính. Vậy bây giờ tại hạ xin có lời từ tạ. Thực ra tại hạ chưa học chút võ công nào, vừa rồi tại hạ đánh chết người, chẳng qua sự ngẫu nhiên. Tại hạ chỉ

mong bảo toàn tính mạng đã lấy làm mãn nguyện lắm rồi, đâu dám tranh cường với ai.

Gã cao thủ Tây Hạ cười khành khạch, nói:

- Các hạ chưa từng học võ công, vậy mà mới giơ tay một cái đã giết chết hết bốn tay cao thủ trong Nhất phẩm đường, lại giết luôn mười một tên võ sỹ. Giả tỷ như các hạ học võ công rồi, bao nhiêu tay cao thủ trong võ lâm khắp thiên hạ liệu còn sống được nữa không?

Ðoàn Dự đảo mắt nhìn từ đông sang tây trong nhà đại đường một lượt, thấy bảy tám xác chết nằm ngổn ngang dính bê bết máu, trong lòng chàng ăn năn vô cùng, bưng mặt nói ấp úng:

- Sao?... Sao tôi lại giết nhiều người thế này? Tôi... tôi thực không muốn giết người. Bây giờ biết làm thế nào? Bây giờ biết làm thế nào?

Gã kia cười lạt mấy tiếng, liếc mắt nhìn chàng xem mấy lời chàng nói có đúng là bản tâm chàng không. Ðoàn Dự rớt nước mắt nói:

- Những người này trong nhà đều có cha mẹ, vợ con, vừa mới đây họ đều mạnh khoẻ như rồng như cọp, mà đều bị giết. Tôi... tôi... rất lấy làm hổ thẹn với chúng họ!

Nói tới đây, chàng xúc động dị thường, bất giác nước mắt như mưa, nghẹn ngào nói:

- Chưa chắc bọn họ định bụng giết tôi, mà chỉ vâng lệnh trên sai khiến đến đây để bắt người. Họ với tôi chưa từng quen biết nhau, vậy mà tôi hạ độc thủ làm chi?

Gã cao thủ Tây Hạ cười, lại nói:

- Thôi! Ngươi đừng nhân nghĩa giả nữa! Làm trò mèo khóc chuột làm chi! Ngươi tưởng thế là được người ta tha tội cho ư?

Ðoàn Dự gạt nước mắt, đáp:

- Các hạ nói phải lắm! Người đã giết, tội đã phạm, khóc cũng vô ích. Tôi đành đem những thi thể này đi mai táng cho rồi!

Ngọc Yến nghĩ bụng: "Ðem mười mấy cái xác đi chôn thì biết bao giờ cho xong?" Nàng liền la lên:

- Ðoàn công tử! Tôi e rằng địch nhân còn đến tấn công nữa. Ta phải gấp rút rời khỏi nơi đây.

Ðoàn Dự đáp ngay:

- Vâng! Vâng!

Rồi trở gót lên thang. Gã cao thủ Tây Hạ nói:

- Ngươi chưa giết ta đã đi ngay ư?

Ðoàn Dự lắc đầu, đáp:

- Tôi không giết các hạ. Hơn nữa, tôi không địch nổi các hạ.

Gã kia nói:

- Chúng ta chưa tỷ thí sao ngươi đã biết không địch nổi ta? Cô nương kia đã đem môn "Lăng ba vi bộ" truyền thụ cho ngươi. Quả nhiên các ngươi có thủ đoạn khác người.

Ðoàn Dự toan giãi bày phép "Lăng ba vi bộ" không phải do Ngọc Yến truyền thụ cho mình. Song chàng lại nghĩ việc này hà tất phải nói với người ngoài, rồi chàng đáp:

- Ðúng rồi! Tôi không hiểu võ công là gì, hoàn toàn trông nhờ ở Vương cô nương chỉ điểm cho mới thoát khỏi đại nạn.

Gã kia nói:

- Càng hay! Ta ở đây chờ. Ngươi xin chỉ thị cô nương phương pháp giết ta đi!

Ðoàn Dự đáp:

- Tôi không giết các hạ mà!

Người kia nói:

- Ngươi không muốn giết ta, nhưng ta lại cứ muốn giết ngươi.

Nói xong, lượm một thanh đao dưới đất. Ðột nhiên, giữa nhà đại đường ánh đao lấp lánh trong vòng hơn một trượng. Ðoàn Dự khoa chân bước ra một bước, giơ sống đao lên đỡ trên bả vai rồi bỗng kêu lên một tiếng, chân bước loạng choạng.

Gã cao thủ Tây Hạ lập tức thừa thế đưa mũi đơn đao đâm vào cổ chàng.

Ðoàn Dự sợ toát mồ hôi, lạnh ngắt, đứng yên không nhúc nhích. Người kia nói:

- Ngươi mau lên thỉnh giáo sư phụ đi, xem nàng bảo dùng cách gì để giết ta.

Nói xong thu đao về, phóng chân đá một cái. Ðoàn Dự lăn đi long lóc, va vào cột nhà, trán sưng húp chảy máu tươi ra. Vương Ngọc Yến gọi:

- Ðoàn công tử! Ðứng dậy mau!

Ðoàn Dự đáp:

- Vâng!

Ðoạn, vịn thang trèo lên gác. Vừa trèo vừa quay đầu nhìn lại thì thấy gã kia thu đao về ngồi xuống. Nét mặt gã trơ ra như xác chết, tựa hồ đang nhớ lại việc gì, quyết không nhân lúc chàng trèo thang mà đánh lén vào phía sau. Ðoàn Dự lên gác rồi khẽ bảo Vương Ngọc Yến:

- Vương cô nương! Mình đánh không lại gã đâu. Chúng ta chuồn đi là hơn.

Ngọc Yến đáp:

- Gã giữ ở dưới nhà, chuồn đi lối nào được? Công tử cầm tấm áo kia lại đây cho tôi.

Ðoàn Dự đáp:

- Vâng!

Ðoạn, với lấy tấm áo cũ của cô gái nông thôn để lại đưa cho Ngọc Yến. Ngọc Yến nói:

- Công tử nhắm mắt rồi lại gần đây mặc áo giúp tôi. Cấm công tử không được mở mắt ra.

Ðoàn Dự tuyệt đối kính cẩn làm theo lời nàng. Nguyên chàng là người quân tử chí thành, coi Ngọc Yến như là một vị thần linh mà chàng rất sùng bái, nên không dám mảy may trái lệnh. Song tấm áo này rách nát, sợ che không hết thân thể nàng nên chàng sợ quá, trống ngực đánh thình thình. Ngọc Yến chờ chàng mặc áo xong cho mình rồi nói:

- Ðược rồi! Ðược rồi! Công tử dắt tôi đứng lên.

Ðoàn Dự chưa được lệnh truyền cho mở mắt, hai mắt vẫn nhắm chặt không dám hé mở. Chàng vừa nghe nàng bảo "nâng tôi đứng dậy" liền giơ tay lên, không ngờ tay phải lúc vươn ra lại đụng phải má nàng. Chàng thấy tay mát rợi và mềm mại, bất giác sợ giật nảy mình, bèn xin lỗi:

- Thật là đắc tội! Thật là đắc tội!

Ngọc Yến lúc nhờ chàng mặc áo giùm đã thẹn mặt đỏ bừng, giờ thấy tay chàng đưa lên sờ má lại càng bẽn lẽn, nói:

- ủa! Tôi bảo công tử nâng tôi dậy kia mà!

Ðoàn Dự đáp:

- Vâng! Vâng!

Mắt chàng vẫn nhắm chặt, hai tay sờ soạng, không biết sờ vào đâu cho được, chỉ sợ sờ vào người nàng thì tội nghiệp càng nặng. Vì vậy mà chân tay luống cuống rất đỗi hãi hùng. Ngọc Yến trong lòng nóng nảy vô cùng, hồi lâu mới nhận ra rằng chàng vẫn nhắm mắt, liền hỏi:

- Sao công tử không mở mắt ra?

Gã võ sỹ người Tây Hạ ở dưới đại đường cười hềnh hệch, nói:

- Ta bảo ngươi lên học võ công để giết ta chứ ta có bảo ngươi lên để giỡn nhau đâu?

Ðoàn Dự mở mắt ra thấy Vương Ngọc Yến mặt đỏ như gấc e thẹn khôn xiết thì chàng mê mẩn tâm thần, run run thộn mặt ra mà nhìn nàng. Mấy lời gã Tây Hạ vừa nói không lọt vào tai. Ngọc Yến nói:

- Ngươi nâng ta dậy, ngồi xuống đây.

Ðoàn Dự vội đáp:

- Vâng! Vâng!

Chàng rất kinh sợ đỡ người nàng lên để ngồi xuống ghế. Ngọc Yến hai tay giữ lấy vạt áo, cúi đầu nghĩ ngợi hồi lâu rồi nói:

- Gã cố ý không tiết lộ võ công của gã thuộc về môn phái nào, ta... ta không biết làm thế nào để đánh bại gã.

Ðoàn Dự hỏi:

- Gã ghê gớm lắm phải không?

Ngọc Yến đáp:

- Vừa rồi gã động thủ với công tử đã ra chiêu tất cả mười bẩy môn khác nhau.

Ðoàn Dự lấy làm kỳ, hỏi:

- Sao? Vừa một loáng mà gã đã ra đòn đến mười bẩy lối khác nhau rồi kia ư?

Vương Ngọc Yến nói:

- Phải rồi! Y vừa sử đơn đao để uy hiếp công tử. Vung đao chém mặt đông là Hàng Ma đao pháp của phái Thiếu Lâm. Nhát đao chém về phía tây là môn Sài đao gồm mười tám đường của Lê hảo hán ở động Lê Sơn tỉnh Quảng Tây. Khoa đao chém trở lại biến thành đường Hồi Phong phất liễu đao của Sử gia tại Giang Nam.

Gã sử mười bốn thế đao của mười bốn môn phái khác nhau. Sau y lại trở sống đao xuống vai công tử lại là đao pháp của lão hoà thượng Tam Quán tại chùa Thiên Ðồn phủ Ninh Ba (Triết Giang) sáng chế ra và đặt tên là Từ Bi đao. Ðòn

này chỉ để áp chế đối phương mà không giết người. Thế đao mà gã kề cổ công tử là một trong ba thứ "Hậu Sơn Tam tuyệt chiêu" của Dương Linh Công Bản Triều.

Cuối cùng, cái đá cho công tử lăn đi là một đòn của người Tây Hạ.

Vương Ngọc Yến nói đúng từng chiêu một thuộc môn phái nào. Ðoàn Dự mù tịt chẳng hiểu gì,chỉ thộn mặt ra mà nghe. Vương Ngọc Yến nghiêng đầu đi nghĩ ngợi một lát rồi nói:

- Công tử không địch nổi gã đâu, chịu thua gã quách đi cho rồi!

Ðoàn Dự nói:

- Tôi đã bảo gã là chịu thua rồi.

Rồi chàng lớn tiếng nói tiếp:

- Bất luận dùng cách nào tại hạ cũng không địch nổi các hạ, các hạ có chịu thôi không?

Gã cao thủ Tây Hạ cười lạt, đáp:

- Kể ra thì ngươi muốn ta tha mạng cũng chẳng khó gì. Ngươi chỉ theo ta một điều là đủ.

Ðoàn Dự hỏi:

- Ðiều chi?

Người đó đáp:

- Từ nay trở đi, mỗi khi ngươi thấy mặt ta phải dập đầu xuống đất "binh binh" lạy ta ba lạy và hô lên một câu "Xin đại lão gia tha cho cái mạng kiến ruồi này cho"!

Ðoàn Dự tức khí nổi lên bừng bừng, nói:

- Muốn giết kẻ sỹ thì được chứ làm nhục thì không xong đâu! Các hạ muốn giết tại hạ thì giết phứt đi cho rồi!

Người kia hỏi:

- Có thật ngươi không sợ chết?

Ðoàn Dự đáp:

- Cái chết ai mà không sợ. Nhưng sống để mỗi lần thấy các hạ, lại phải quỳ xuống dập đầu lạy thì tại hạ quyết không chịu.

Người kia cười lạt, nói:

- Ngươi thấy ta, quỳ xuống dập đầu lạy mà đã cho là tủi nhục? Thế thì một ngày kia ta lên ngôi Hoàng đế đất Trung Nguyên, dễ thường ngươi không quỳ lạy xuống hay sao?

Ðoàn Dự nói:

- Bái kiến đức Hoàng đế, dập lạy là một chuyện khác. Vả đó là theo lễ nghi chứ không phải van xin tha mạng.

Vương Ngọc Yến thấy gã cao thủ Tây Hạ nói câu "thế thì một ngày kia ta lên ngôi Hoàng đế đất Trung Nguyên..." không khỏi giật mình, nàng tự hỏi: "Sao gã dám nói câu này?" Gã cao thủ Tây Hạ lại nói:

- Phải chăng thế là ngươi không chịu điều kiện của ta?

Ðoàn Dự lắc đầu, nói:

- Như vậy thì quả tại hạ không thể tuân mệnh được, còn mong lão huynh nhân nhượng cho được phần nào chăng?

Người kia đáp:

- Ðược lắm! Ngươi xuống đây ta chém cho một nhát đao là xong!

Ðoàn Dự nhìn Vương Ngọc Yến ra chiều quyến luyến, nói:

- Lão huynh định giết tôi, điều đó không có gì quan hệ. Tôi chỉ xin lão huynh một việc. Người kia hỏi:

- Việc gì?

Ðoàn Dự đáp:

- Cô nương đây bị trúng độc nặng lắm, chân tay không cất nhắc được. Xin lão huynh liệu bài phương tiện đưa về nhà nàng tại Mạn Ðà Sơn Trang trong Thái Hồ.

Người kia ha hả cười, nói:

- Ta không thể nào làm việc đó được, quan Chinh Ðông đại tướng quân nước Tây Hạ đã ban tướng lệnh hễ ai bắt được cô này, một vị nữ lang học rộng tài cao, sẽ được ban thưởng ngàn lượng vàng và phong quan Vạn Hộ Hầu.

Ðoàn Dự nói:

- Thế thì dễ lắm! Tôi viết một phong thư, sau khi lão huynh đưa nàng về nhà rồi,cầm thư đưa đến nước Ðại Lý lấy năm ngàn lượng vàng và chức Vạn Hộ Hầu cũng không mất đâu!

Người kia cười khanh khách, nói:

- Ngươi làm như ta là đứa con nít lên ba không bằng! Ngươi là cái thớ gì mà một phong thư đem đi được cấp năm ngàn lượng vàng và phong quan đến chức Vạn Hộ Hầu?

Ðoàn Dự biết gã không tin nhưng cũng chẳng còn có cách nào khác. Chàng hỏi:

- Thế thì biết làm sao bây giờ? Tôi chết chả có gì đáng tiếc, nhưng để tiểu thư lưu lạc sang đó, sa vào tay quân giặc cướp thì dù tôi có muốn thác cũng không thể chuộc tội được.

Vương Ngọc Yến thấy lời chàng chân thành thì trong lòng không khỏi xúc động.

Nàng lớn tiếng bảo gã cao thủ Tây Hạ:

- Này! Nếu ngươi vô lễ với ta thì biểu huynh ta sẽ tìm ngươi để báo thù, làm cho nước Tây Hạ ngươi phải một phen thất điên bát đảo, đất lở trời long. Cả đến giống súc sinh cũng không yên thân đâu.

Người kia hỏi:

- Biểu huynh ngươi là ai?

Ngọc Yến đáp:

- Biểu huynh ta tiếng tăm lừng lẫy trong các phái võ lâm ở Trung Nguyên là Mộ Dung công tử. Cái tên Cô Tô Mộ Dung chắc ngươi chẳng lạ gì. Nếu ngươi không nể ta thì biểu huynh ta sẽ chơi đòn "gậy ông đập lưng ông" còn khốc liệt hơn, chứ không nể ngươi đâu.

Người kia cười khành khạch, đáp:

- Mộ Dung công tử ở Cô Tô là đứa con nít miệng còn hôi sữa, chưa ráo máu đầu, chỉ có hư danh chứ có bản lĩnh gì? Dù y không tìm đến, ta cũng quyết tìm đến y để so tài cao thấp.

Vương Ngọc Yến lắc đầu, nói:

- Ta bảo cho ngươi biết, chắc chắn trăm phần trăm ngươi không địch lại biểu huynh ta đâu. Ta khuyên ngươi về nước đi là hơn! Nếu ngươi muốn hại đến tính mạng của Ðoàn công tử đây, ta cũng sẽ xin biểu huynh ta tìm ngươi để báo thù.

Ngươi nên biết rằng, giả tỷ mà Ðoàn công tử đây chạy lấy thân thì đã thoát rồi, nhưng công tử hoàn toàn muốn giúp đỡ ta nên mới sa cơ chốn này. à! Từ nãy tới giờ ta chưa kịp hỏi họ tên ngươi, ngươi có dám nói cho ta biết không?

Gã kia đáp:

- Bản quan đi không thay họ, ngồi chẳng đổi tên. Tây Hạ Lý Diên Tông chính thị là ta.

Vương Ngọc Yến nói:

- Chà chà! Ngươi họ Lý tức là quốc tính nước Tây Hạ.

Gã kia nói:

- Không những ta ở trong quốc tính mà thôi! Ta còn có chí dốc dạ trung thành mơ màng đất nước đánh Liêu, diệt Tống, phía tây lấy nước Thổ Phồn, phía Nam lấy nước Ðại Lý.

Ðoàn Dự cười ha hả, nói:

- Lý Diên Tông hỡi Lý Diên Tông! Chí ngươi kể cũng lớn đấy! Nhưng này ta bảo cho ngươi hay, ngươi thông hiểu tuyệt kỹ các môn phái để luyện thành một người có bản lãnh vào bậc nhất thiên hạ, thì việc đó kể ra cũng không khó lắm. Nhưng nếu ngươi muốn thống nhất cả thiên hạ, thì dù có bản lãnh về võ công ngươi bất cứ đến đâu cũng khó lòng làm nổi.

Vương Ngọc Yến xen vào:

- Ngay đến cái việc luyện thành một tay giỏi võ nhất thiên hạ, vị tất ngươi đã làm được?

Lý Diên Tông hỏi:

- Sao cô biết tôi không làm được? Xin cô chỉ giáo cho.

Ngọc Yến đáp:

- Hiện nay hãy lấy cái kiến thức thiển cận của ta mà nói thì ta đã thấy võ công ngươi còn kém hai người.

Lý Diên Tông tiến gần lại một bước, ngẩng đầu lên hỏi:

- Hai người đó là ai?

Ngọc Yến đáp:

- Người thứ nhất là vị Bang chúa trước đây của Cái bang tên gọi Kiều Phong.

Lý Diên Tông "hứ" lên một tiếng rồi nói:

- Y tuy có lớn tiếng tăm thật, nhưng sự thực chưa chắc chắn đã giỏi. Còn người thứ hai là ai?

Ngọc Yến đáp:

- Người thứ hai là biểu huynh ta, tức Mộ Dung công tử, tên gọi Mộ Dung Phục,người Giang Nam.

Lý Diên Tông lắc đầu, nói:

- Lời cô nương chưa chắc đã đúng. Tôi xin hỏi: cô kể tên Kiều Phong lên trên Mộ Dung Phục là theo công lý hay là tư tình?

Vương Ngọc Yến hỏi lại:

- Sao ngươi lại hỏi vì công lý hay tư tình?

Lý Diên Tông nói:

- Nếu theo công lý mà nói là cô nương quả thấy Kiều Phong bản lĩnh trội hơn Mộ Dung công tử. Còn về tư tình thì cô nương nhận là người thân thích với Mộ Dung Phục, nên có ý nhún nhường để người ngoài lên trên.

Vương Ngọc Yến trầm ngâm một lát rồi nói:

- Vì công lý hay vì tư tình cũng vậy, ta vẫn mong biểu huynh ta giỏi hơn Kiều Bang chúa. Nhưng hiện nay thì chưa được.

Lý Diên Tông cười lạt, nói:

- Hiện nay còn chưa được nhưng sau này tài nghệ ngày một tấn tới, chắc rồi sẽ thành được tay cao thủ đệ nhất thiên hạ?

Ngọc Yến thở dài, nói:

- Sau này cũng không được, tay võ công đệ nhất thiên hạ sau này chắc chắn là Ðoàn công tử đây.

Lý Diên Tông ngửa mặt lên trời cười sằng sặc, nói:

- Cô nương khéo nói giỡn đấy! Tên đồ gàn này bất quá nhờ được cô nương truyền cho môn "Lăng ba vi bộ", chẳng qua chỉ có công dụng lẩn tránh cho khỏi mất mạng trong một lúc mà thôi. Chẳng lẽ cái bản lĩnh chuyên cầm đầu chạy trốn

hay cứ rút cổ nấp nánh như con rùa mà lại xưng là cao thủ đệ nhất thiện hạ ư?

Vương Ngọc Yến toan nói cho gã biết là môn "Lăng ba vi bộ" không phải nàng truyền thụ cho Ðoàn Dự và nội lực chàng hùng hậu vô song không ai bì kịp. Song rồi nàng nghĩ lại: "Gã này tâm địa hẹp hòi, nếu mình nói thực e rằng gã sẽ cố giết Ðoàn công tử. Chi bằng mình nói khích gã mấy câu". Nghĩ vậy, nàng liền đáp:

- Nếu công tử chịu nghe lời ta chỉ điểm cho luyện tập võ công, thì chỉ trong ba năm võ công chàng nếu không đến được bậc nhất thiên hạ thì ít ra cũng đã đánh bại ngươi dễ dàng như trở bàn tay.

Lý Diên Tông nói:

- Nếu vậy càng hay! Tôi rất tin lời cô nương, để hắn lại sẽ thành mầm hoạ sau này. Chi bằng bữa nay tôi chém phứt hắn một nhát để khỏi lo về sau. Ðoàn công tử xuống đây mau! Ta giết ngươi đó!

Vương Ngọc Yến cả kinh. Nàng không ngờ cao mẹo mà hoá ra thừa cơ, gã này không thể dùng lời nói khích được. Nàng đành cười lạt, nói:

- Thế ra ngươi nhát gan thật, ngươi sợ ba năm sau chàng sẽ thắng ngươi.

Lý Diên Tông nói:

- Ngươi dùng kế khích ta để ta tha mạng cho hắn. Ha ha! Lý Diên Tông này là hạng người nào mà lại mắc mưu ngươi một cách dễ dàng thế được? Muốn ta tha mạng cho cũng chẳng khó gì, vì ta đã bảo rồi đó: mỗi khi gặp ta, hắn phải sụp lạy xin tha. Thế thì ta không thèm giết hắn đâu.

Vương Ngọc Yến quay đầu nhìn Ðoàn Dự, nghĩ bụng việc thấy gã mà chàng phải dập đầu xin tha tất không xong rồi. Bây giờ chỉ còn cách tìm lấy cái sống ở giữa cái chết. Nàng khẽ bảo Ðoàn Dự:

- Ðoàn công tử! Kiếm khí ở đầu các ngón tay công tử có lúc linh nghiệm có lúc không là tại sao vậy?

Ðoàn Dự đáp:

- Tôi cũng chẳng hiểu ra sao nữa.

Ngọc Yến nói:

- Bây giờ công tử thử cố sức dùng kiếm khí đâm vào cổ tay gã, cướp lấy thanh trường kiếm rồi sau ôm chặt lấy gã, liều mình tranh đấu chết thì cùng chết cả. Bữa trước ở Mạn Ðà Sơn Trang, công tử đã áp chế nổi Bình má má để cứu tôi, thì nay công tử lại dùng phương pháp đó.

Nguyên Vương Ngọc Yến thấy Lý Diên Tông quả là tay lợi hại vô cùng nên nàng tính trong thời gian ngắn ngủi này mà dạy cho Ðoàn Dự dùng võ công uy hiếp bên địch để thủ thắng thì không thể nào làm được. Nàng nhớ lại hôm Ðoàn

Dự áp chế được Bình má má là hoàn toàn nhờ hấp lực ở trong mình chàng thu hút hết kình lực đối phương.

Chỉ cần chàng tiếp xúc được tay đối phương là tự nhiên may ra có hiệu quả cũng chưa biết chừng. Ðoàn Dự nghe nàng nói, gật đầu và cũng nghĩ thầm: "Ngoài cách đó cũng không còn cách nào nữa". Có điều chàng không nắm chắc cách đó có hiệu quả cũng chưa biết chừng. Ðoàn Dự xốc áo lại cho ngay ngắn rồi cười, nói:

- Vương cô nương! Tại hạ bất tài không thể bảo vệ cô nương về quý phủ, thật lấy làm xấu hổ. Ngày sau cô nương vinh quy về quý phủ cùng lệnh biểu huynh làm lễ thành thân, xin đừng quên những khóm trà mà chính tay tai hạ đã trồng ở Mạn Ðà Sơn Trang, cô nương tưới cho mấy chén rượu vào gốc, tức là tại hạ cũng được uống rượu mừng cô nương đó.

Ngọc Yến nghe Ðoàn Dự nói đến cuộc thành thân giữa nàng và Mộ Dung công tử, cảm thấy nức lòng hở dạ. Song nàng nhìn Ðoàn Dự đem thân ra cho kẻ ác chém giết, không khỏi tội nghiệp cho chàng, buồn rầu nói:

- Ðoàn công tử! Ơn cứu mạng của Ðoàn công tử Vương Ngọc Yến này quyết không bao giờ dám quên.

Ðoàn Dự nghĩ bụng: "Sau này nàng cùng Mộ Dung công tử thành thân, mình trông thấy tất sinh lòng đố kỵ đến phải phát điên lại càng đau ruột hơn nữa. Sống như vậy thì thà rằng hôm nay chết đi còn được yên tâm hơn". Chàng quay lại mỉm cười với Vương Ngọc Yến rồi bước từng bậc cầu thang đi xuống dưới nhà. Vương Ngọc Yến nhìn sau lưng chàng, lẩm bẩm:

- Thật là con người kỳ quái. Ðã đến lúc này mà chàng hãy còn cười được!

Ðoàn Dự xuống gác rồi trừng mắt nhìn Lý Diên Tông, nói:

- Lý tướng quân! Ngươi không giết ta không được, vậy thì động thủ đi!

Nói xong, chân chàng đạp theo bộ pháp "Lăng ba vi bộ". Lý Diên Tông múa tít thanh đơn đao, chém luôn ba nhát veo véo mà ba thế chém thuộc về ba phái khác nhau. Kể về đao pháp thì khắp trong thiên hạ có biết bao nhiêu là môn phái, Lý Diên Tông sử dụng đơn đao và đã là một tay biết rộng thì dù có sử dụng mười bảy,mười tám chiêu cũng không cần trở lại một chiêu thứ hai nào của một môn phái.

Phép bước chân theo "Lăng ba vi bộ" của Ðoàn Dự đúng là biến ảo tinh kỳ. Lý Diên Tông vung đao thành hình vòng tròn vây bọc lấy chàng và đã mấy lần gã nhìn thấy rõ chàng đã bị ánh đao bao vây mà không hiểu tại sao chàng lại thoát ra được, chẳng khác nào yêu quái biến hình.