Liên Thành Quyết

Chương 7: Chán cuộc đời hào kiệt định quyên sinh



Chàng tự nhủ:

– Nàng hận ta bỏ nàng đi kiếm người đàn bà khác, lại hận ta lấy trộm vàng bạc châu báu. Nàng còn hận ta lúc sư môn gặp nạn một mình toan xa chạy cao bay. Sư muội hỡi sư muội! Nàng đã không tin ta, sao còn đến thăm ta làm chi?

Chàng cũng không dám ngó Thích Phương nữa, từ từ quay đầu nhìn vào tường.

Thích Phương quay lại nói:

– Sư ca! Những việc đã qua bất tất nhắc lại nữa. Chỉ mong gia giạ.. sớm có tin tức. Vạn sư cạ.. nghĩ cách bảo vệ cho đại ca ra khỏi nơi đây...

Địch Vân muốn nói "Ta không cần y bảo vệ". Chàng còn định bảo cô "Sư muội đừng ở nhà gã nữa". Nhưng chàng càng gắng sức, da thịt toàn thân càng co rúm lại, thủy chung không thốt ra được câu nào. Người chàng không ngớt rung động. Dây lòi tói bật lên những tiếng loảng xoảng.

Tên ngục tốt thúc giục:

– Đến giờ rồi! Đây là nhà ngục giam tử tù, trọng phạm, đáng lý không cho ai vào thăm hỏi. Thượng ty mà biết ra thì bọn tại hạ cũng phải chịu tội đó. Cô nương!

Gã này dù còn sống mà ra khỏi đây cũng biến thành phế nhân. Cô nương quên gã đi là hơn. Trên đời thiếu gì con nhà phú quý? Sao cô nương không tìm lấy một người xứng đáng?

Gã vừa nói vừa liếc mắt nhìn Vạn Khuê cười hì hì.

Thích Phương năn nỉ:

– Đại thúc! Tiểu nữ còn mấy câu muốn nói với sư ca.

Cô thò tay qua chấn song sắt nắm lấy tay áo Địch Vân nói:

– Sư ca! Sư ca cứ yên tâm. Tiểu muội nhất định yêu cầu Vạn sư ca cứu sư ca ra, rồi chúng ta cùng nhau đi kiếm gia gia.

Cô cầm cái giỏ tre đưa vào nói tiếp:

– Đây có chút thịt khô, cá ướp, trứng muối và mấy lạng bạc. Sư cạ..

Tên ngục tốt không nhẫn nại được nữa lớn tiếng:

– Đại cô nương! Cô còn chưa chịu ra thì ta không nể đâu.

Bây giờ Vạn Khuê mới lên tiếng:

– Địch sư huynh! Sư huynh hãy tạm yên lòng. Công việc của sư huynh đã có tiểu đệ lo liệu. Tiểu đệ hết sức năn nỉ Huyện Thái gia định tội cho sư huynh càng nhẹ càng hay. Bọn tiểu đệ mai lại đến thăm.

Địch Vân há miệng toan thóa mạ mà nói không nên lời.

Thích Phương bị tên ngục tốt thúc giục không sao được đành bùi ngùi trở gót.

Cô đi mỗi bước một quay lại xem Địch Vân có động tĩnh gì không nhưng thấy chàng chẳng khác pho tượng đá, không nhúc nhích và vẫn quay mặt vào tường.

Địch Vân ngó những tảng đá trên tường lồi ra lõm vào. Chàng muốn ngảnh đầu ra nhìn bóng sau lưng Thích Phương một lần và muốn hô lên một tiếng "Sư muội!" nhưng chẳng những miệng không thốt ra lời mà cổ cũng cứng đơ.

Chàng nghe tiếng bước chân của ba người mỗi lúc một xa. Tiếp theo là tiếng mở khóa cửa sắt, rồi tiếng chân tên ngục tốt quay trở lại.

Chàng tự nhủ:

– Nàng bảo ngày mai trở lại thăm ta. Hỡi ơi! Phải chờ một ngày dài đăng đẳng mới lại được gặp mặt nàng!

Địch Vân thấy bụng đói, toan cầm lấy cái giỏ đựng thực vật thì đột nhiên một bàn tay lông lá vươn ra đoạt mất. Chính là phạm nhân hung dữ kia.

Địch Vân thấy hắn thò tay vào giỏ bốc miếng thịt đưa lên miệng nhai nghiến ngấu, chàng tức giận nói:

– Cái này là của ta!

Chàng thấy mình tự nhiên thốt lên lời rất lấy làm kỳ. Chàng tiến lên một bước toan cướp lại cái giỏ tre thì bị phạm nhân kia đẩy một cái. Địch Vân đứng không vững bị hất ngược trở lại. Đầu đụng vào tường đá đánh "chát" một tiếng.

Bây giờ chàng mới hiểu sỡ dĩ người ta nói mình biến thành phế nhân là vì xương tỳ bà bị dùi thủng.

Hôm sau Thích Phương không đến thăm chàng. Cả ngày thứ ba, thứ tư, cô cũng không vào.

Địch Vân mong đợi hết ngày này qua ngày khác đã mười ngày trời, cơ hồ phát điên. Chàng kêu gọi, la ó, dập đầu vào tường, song thủy chung vẫn chẳng thấy Thích Phương đâu. Trái lại chàng còn bị ngục tốt hất nước tiểu vào mình ướt đầm đìa và tên hung đồ kia đánh đập.

Nửa tháng sau, Địch Vân dần dần yên tĩnh lại và biến thành lầm lì, không nói câu vào nữa.

Một hôm, bỗng có bốn tên ngục tốt tay cầm cương đao tiến vào ngục, áp giải tên hung đồ kia đi. Địch Vân nghĩ bụng:

– Phải chăng họ đem hắn đi trảm quyết? Nếu vậy cũng hay cho hắn, từ nay khỏi chịu cảnh lao tù khổ sở, mà ta cũng không bị hắn khinh khi đánh đập nữa.

Địch Vân đang ngủ gà ngủ gật, bỗng nghe tiếng xích sắt loảng xoảng. Bốn tên ngục tốt lại áp giải hung phạm trở về ngục thất.

Địch Vân dương mắt lên nhìn. Dưới ánh trăng lọt qua chấn song sắt, chàng thấy mặt mũi, cánh tay, bả vai hung đồ đều đẫm máu tươi. Hiển nhiên hắn vừa bị khảo đả một trận tàn nhẫn.

Hung đồ vừa té xuống đất đã hôn mê bất tỉnh.

Địch Vân chờ cho bốn tên ngục tốt đi rồi, chàng nhìn kỹ lại thấy mặt mũi chân tay hung đồ đều bị đòn đánh thảm hại và đầy vết máu. Tuy chàng thường bị hắn khinh nhờn đánh đập mà thấy tình trạng này, không khỏi sinh lòng bất nhẫn.

Chàng rót nước ở trong bình cho hắn uống.

Tên tù phạm dần dần hồi tỉnh, dương mắt ngó Địch Vân. Đột nhiên hắn vung xích sắt lên đập mạnh xuống đầu chàng.

Địch Vân tuy mất hết khí lực, song ứng biến hãy còn mau lẹ. Chàng vội nghiêng mình né tránh.

Không ngờ luồng lực đạo ở hai tay tên tù phạm không phát huy đến độ chót xiềng khóa hất ra nửa chừng rồi quanh trở lại đập xuống lưng chàng đến "choang" một tiếng. Cách biến chiêu và thay đổi lực đạo này nguyên là thủ pháp của nhân vật mang võ công vào hạng thượng thừa.

Địch Vân không đứng vững, té nhào xuống mé tả. Dưới chân chàng cũng có xích sắt cột lên xương tỳ bà làm cho chàng đau quá, người co rúm lại.

Địch Vân vừa kinh hãi vừa tức giận cất tiếng thóa mạ:

– Quân điên khùng!

Tên tù phạm kia cười rộ nói:

– Kế khổ nhục của người mà muốn bịp được ta thì đừng vội hỏi ý kiến ta sớm quá.

Địch Vân tưởng chừng mấy dẻ xương sườn gẫy nát, đau không chịu nổi. Hồi lâu chàng mới thốt lên lời liền hỏi:

– Tên điên khùng kia! Ngươi giữ thân chưa xong, còn tính gì đến chuyện giúp ý kiến cho ai được?

Tên tù phạm nhảy tới, đạp chân trái lên lưng Địch Vân, chân phải đá vào người chàng mấy cước thật mạnh. Miệng hắn quát:

– Ta thấy tên tiểu tặc hãy còn nhỏ tuổi, chưa làm nổi nhiều chuyện hung ác.

Bất quá ngươi nghe lời sao khiến của kẻ khác mà thôi. Nếu không thì ta chỉ đá ngươi một cước là chết toi.

Địch Vân tức giận đến nỗi quên cả đau đớn. Chàng nghĩ thầm:

– Vô tội mà gặp tai họa phải chịu lao tù đã là một điều bất hạnh nhưng cùng ở với một tên điên khùng còn là một điều đại bất hạnh trong những cái không may.

Đến đêm hôm trăng tròn tháng sáu, tên tù phạm kia lại bị bốn tên ngục tốt đeo đao đến dẫn đi khảo đả một trận rồi lại đưa trả về lao phòng.

Lần này Địch Vân rút kinh nghiệm. Chàng thấy hắn tình trạng thảm khốc cũng bỏ mặc, thủy chung không hỏi gì đến.

Không ngờ tên tù phạm nổi tức bực trong lòng không nơi phát tiết, lại kiếm chàng rắc rối cho hả giận. Miệng hắn không ngớt quát tháo:

– Tổ bà nó! Ngươi có nằm vùng cả chục năm lão gia cũng không mắc bẫy đâu.

– Người ta đánh ông tổ nhà ngươi thì ông tổ nhà ngươi lại đánh con cháu.

– Chúng ta cứ trong vòng lẩn quẩn thử xem ai chịu tội nhiều hơn ai.

Hắn làm như sở dĩ hắn bị khảo đả hoàn toàn do Địch Vân mà ra. Hắn lại đấm đá túi bụi hồi lâu không ngớt.

Từ đó trở đi hàng tháng cứ đến đêm trăng tròn là Địch Vân lại mặt buồn rười rượi vì chàng biết ngày đau khổ của mình đã tới nơi.

Quả nhiên cứ đến ngày rằm là tên tù phạm kia lại bị đưa đi khảo đả một trận. Khi trở về ngục thất hắn lại trút hận lên mình Địch Vân.

Địch Vân còn nhỏ tuổi, thân tráng lực cường mà nghĩ tới mỗi tháng chịu một trận đòn cũng không khỏi phát ngán. Có lúc chàng lấy làm kỳ tự hỏi:

– Ta bị xuyên thủng xương tỳ bà để xỏ xích sắt, mất hết khí. Tên điên khùng kia cũng bị xuyên xích sắt qua xương tỳ bà mà sao sức lực hắn còn mạnh thế?

Mấy lần chàng đánh bạo toan hỏi, nhưng hễ mở miệng là hán tử điên khùng lại tay đấm chân đá, nên chàng không nói với hắn nửa lời.

Thời gian lặng lẽ trôi, đông qua xuân tới, tính ra đã gần một năm.

Địch Vân chịu đựng mãi cũng quen dần. Nỗi oán hận trong lòng, nỗi đau khổ thân thể lâu ngày khiến chàng trơ như gỗ.

Chàng muốn né tránh hán tử điên khùng, thủy chung không nhìn hắn mà cũng không nói gì. Như vậy chỉ có đêm trăng tròn là bị ăn đòn. Còn ngày thường, hắn cũng không làm khó dễ gì với chàng.

Một buổi sáng sớm, Địch Vân chưa mở mắt, đã nghe tiếng chim én nỉ non bên ngoài phòng giam. Chàng sực nhớ tới trước kia mình cùng Thích Phương đi coi chim én làm tổ, lòng chàng không khỏi se lại. Chàng nhìn về phía có tiếng chim hót thì thấy đôi én bay đi mỗi lúc một xa, rồi lướt qua cửa sổ tòa lầu cao cách đó mấy chục trượng.

Ngày dài chẳng có việc gì, Địch Vân thường để mắt nhìn tấm màn che cửa sổ kia và đoán chừng trong lầu có người ở. Nhưng cửa sổ này vẫn đóng kín. Trên thành cửa quanh năm đặt một chậu hoa tươi. Hiện nay gặp tiết mùa xuân, trên thành cửa sổ này đặt một chậu cúc.

Địch Vân đang nghĩ vơ nghĩ vẩn, bỗng nghe hán tử điên khùng buông tiếng thở dài. Tình trạng này khiến chàng lấy làm kỳ, vì suốt năm nay, nếu hắn không cười rộ thì lại thóa mạ người ta, chứ chẳng bao giờ thở dài. Huống chi trong tiếng thở dài lại lộ vẻ ủy mị bi thảm.

Địch Vân không nhịn được quay đầu nhìn sang thì thấy khóe môi hán tử điên khùng thoáng qua một nụ cười. Thần sắc hắn ra chiều thành khẩn chứ không hung ác như trước. Cặp mắt hắn đăm đăm nhìn chậu hoa cúc.

Địch Vân sợ hắn ngó thấy mình nhìn trộm, liền quay đầu ra phía khác.

Từ ngày Địch Vân phát giác ra điều bí mật này, cứ sáng sớm là chàng lại liếc mắt nhìn trộm hán tử điên khùng thấy sắc mặt hòa dịu chăm chú nhìn chậu hoa tươi.

Từ mùa xuân có hoa cúc, hoa mai côi, sang mùa hạ là hoa đinh hương, hoa phụng tiên. Trong vòng nửa năm, hai người nói với nhau không đến mười câu. Cứ đêm trăng tỏ là hai người lại chịu một trận đòn.

Địch Vân đã nhận ra là mình cứ lẳng lặng là nộ khí của hán tử bớt đi nhiều.

Tay đấm chân đá nhẹ đến phân nửa. Chàng nghĩ bụng:

– Qua mấy năm nữa, e rằng ta quên hết chẳng còn nói được câu gì.

Hán tử điên khùng tuy man rợ vô lý nhưng cũng có chỗ hay là hắn làm cho ngục tốt hoảng sợ, không dám vào phòng lao rắc rối. Hắn quả là người không biết sợ trời sợ đất. Ngục tốt bị hắn thóa mạ thậm tệ không đưa cơm cho thì hắn cướp lấy cơm của Địch Vân mà ăn. Nếu cả hai người cùng không có cơm thì hắn nhịn đói mấy ngày cũng thản nhiên như không.

Đêm hôm ấy nhằm ngày rằm tháng, hán tử sau khi bị khảo đả, đột nhiên người phát nóng rồi hôn mê nói sảng chẳng đâu vào đâu. Địch Vân phảng phất thường nghe hắn hô hoán hai tiếng như "Song hoa" mà cũng giống như "Thương hoài".

Ban đầu Địch Vân bỏ mặc không dám hỏi gì đến, nhưng tới giờ Ngọ hôm sau, chàng nghe hắn vừa rên vừa gọi:

– Nước... nước... cho ta uống nước.

Chàng không nhịn được liền cầm bình sành kề vào miệng hắn. Một mặt chàng chú ý đề phòng hắn ra tay đánh ẩu. Nhưng may lần này hắn ngoan ngoãn uống nước rồi ngủ đi.

Đêm đến, bốn tên ngục tốt lại vào giải hắn đi khảo đả một trận. Lần này hắn trở về miệng rên la lúc đứt lúc nối.

Một tên ngục tốt hung hăng nói:

– Ngươi quật cường không chịu cung xưng, ngày mai lại đánh nữa.

Tên ngục tốt khác đáp:

– Nhân lúc hắn thần trí chưa tỉnh mà chúng ta bức bách hắn, lỡ ra hắn xuống chầu Diêm Vương thì không hay đâu.

Địch Vân và hán tử kia cùng ở trong ngục lâu ngày với nhau, tuy chàng bị hắn khinh khi hành hạ, nhưng chàng không muốn hắn bị chết dưới bàn tay ngục tốt.

Đến ngày, Địch Vân cho hán tử uống nước bốn, năm lần. Hán tử gật đầu tỏ vẻ tạ Ơn.

Canh hai đêm hôm ấy, quả nhiên bốn tên ngục tốt lại tới. Địch Vân nghĩ bụng:

– Lần này nếu để chúng đem hắn đi khảo đả thì nhất định phải chết. Chàng đâm liều nhảy lại đứng chắn trước cửa ngục, quát lớn:

– Không được vào!

Một tên ngục tốt cao lớn rảo bước tiến lại thóa mạ:

– Tặc tù phạm! Tránh ra!

Địch Vân cánh tay vô lực, chàng cúi đầu xuống cắn vào ngón tay trỏ và ngón tay giữa tên ngục tốt, máu chảy đầm đìa. Răng chàng cắm ngập vào tận xương tưởng chừng muốn cắn đứt.

Tên ngục tốt kia giật mình kinh hãi, vội xoay mình chạy ra khỏi lao phòng.

Thanh đơn đao của gã rớt xuống đất đánh "Choang" một tiếng.

Địch Vân cúi xuống cướp lấy chém liền ba đao. Tuy cánh tay chàng không còn kình lực, nhưng chiêu số vẫn tinh diệu.

Một tên ngục tốt béo mập cầm đao xông lại. Địch Vân nghiêng mình ra chiêu "Đại mẫu ca diêm thất, trường nga mỗ dực viên". Nguyên là chiêu "Đại mạc cô yên trực, trường hà lạc nhật viên". Thanh đơn đao xoay thành vòng tròn chém đánh "chát" một tiếng vào đùi ngục tốt.

Ngục tốt sợ quá vừa lăn vừa bò lui ra.

Biến diễn này làm cho máu đổ ở cửa ngục thất. Bốn tên ngục tốt thấy chàng như con cọp điên khùng chỉ chực liều mạng, chúng không dám sấn vào một cách khinh xuất, chỉ đứng ngoài cửa chửi rủa mười tám đời tổ tiên nhà Địch Vân. Những lời thô tục ô uế chúng cũng đem ra mà thóa mạ.

Địch Vân chẳng nói nửa lời, cứ đứng giữ ở cửa ngục.

Bọn ngục tốt cũng không cầu viện binh. Chúng không đánh nổi, chỉ thóa mạ một hồi rồi bỏ đi.

Bốn ngày liên tiếp, bọn ngục tốt đã chẳng đưa cơm, lại không cho nước. Đến ngày thứ năm, Địch Vân khát quá không nhịn được nữa. Hán tử điên khùng càng nóng nảy hơn. Hắn bảo chàng:

– Ngươi giả vờ chém chết ta đi là bọn chó đẻ kia phải đem nước vào.

Địch Vân không hiểu lý lẽ, cũng tự nhủ:

– Bất luận làm thế có được ích gì không, ta cũng thử coi.

Chàng liền lớn tiếng quát:

– Bọn ngươi không đem nước vào thì ta hãy chém chết tên điên khùng này rồi sẽ liệu.

Chàng xoay sống đao bổ xuống chấn song sắt bật lên những tiếng loảng choảng.

Bỗng thấy ngục tốt lật đật chạy lại quát:

– Ngươi mà đụng đến một sợi lông của hắn thì lão gia dùng đao nhọn đâm ngươi trăm nhát.

Tiếp theo gã đưa cơm nguội và nước lạnh vào.

Địch Vân cho hán tử ăn uống xong rồi hỏi:

– Chúng đã hành hạ ngươi mà lại sợ ta giết ngươi là nghĩa lý gì?

Hán tử điên khùng dương cặp mắt tròn xoe, giơ cái bát sành trong tay lên đập xuống đầu chàng, cất tiếng thóa mạ:

– Phen này ngươi lại giả vờ lấy lòng ta, ngươi tưởng ta mắc bẫy chăng?

"Choang" một tiếng! Cái bát vỡ tan. Trán Địch Vân máu chảy đầm đìa.

Chàng hoang mang lùi lại, miệng lẩm bẩm:

– Thằng cha này lại nổi cơn điên rồi.

Nhưng từ đó, những đêm trăng tròn, bọn ngục tốt vẫn đưa hán tử điên khùng ra ngoài khảo đả, hắn trở về rồi không tiết hận lên người Địch Vân nữa. Có điều hai người vẫn chẳng ai nói với ai một câu nào. Khi Địch Vân nhìn hắn nhiều thì hắn lại lượm đá liệng tới.

Đến mùa đông năm thứ ba, Địch Vân không muốn ra khỏi nhà ngục nữa.

Tuy những lúc mộng hồn say tỉnh chàng còn nhớ đến sư phụ và sư muội, nhưng hình bóng sư phụ rồi cũng nhạt dần, còn con người tha thướt của sư muội, hai má ửng hồng, cặp mắt đen láy vẫn hiện lên rõ rệt như trước đây ba năm.

Chàng không dám hy vọng ra khỏi ngục thất để tương hội cùng sư muội, mà hàng ngày không quên khấn vái Hoàng Thiêng run rủi cho sư muội vào ngục thăm chàng một lần là lấy làm mãn nguyện lắm rồi. Dù rằng hàng ngày chàng có bị hán tử điên khùng đánh đập hành hạ chàng cũng cam tâm.

Nhưng Thích Phương thủy chung vẫn không tới.

Một hôm có người đến thăm Địch Vân. Người này là một thiếu niên anh tuấn mặc áo bào da. Địch Vân cơ hồ không nhận ra, bỗng nghe gã cười hì hì hỏi:

– Địch sư huynh! Sư huynh không nhận ra tiểu đệ nữa ư? Tiểu đệ là Thẩm Thành đây mà.

Địch Vân trống ngực đánh thình thình. Chàng chỉ mong được tin tức gì về sư muội liền hỏi:

– Sư muội ta đâu?

Thẩm Thành đưa cái giỏ qua chấn song sắt vào trong, vừa cười vừa đáp:

– Đây là đồ của Vạn sư tẩu đưa cho sư huynh. Y không quên tình nghĩa cũ, nay gặp ngày đại hỷ, bảo tiểu đệ đem hai con gà, bốn cái giò heo, mười sáu tấm bánh đến biếu sư huynh.

Địch Vân hoang mang hỏi:

– Vạn sư tẩu là ai? Ngày đại hỷ gì vậy?

Thẩm Thành cười khanh khách, mặt đầy vẻ giảo hoạt, đáp:

– Vạn sư tẩu ư? Chính là Thích cô nương, sư muội của Địch sư huynh đó.

Bữa nay nàng cùng Vạn sư huynh bái đường thành thân. Y bảo tiểu đệ đưa bánh trái cùng thịt thà biếu Địch sư huynh. Như vậy há chẳng đủ là hậu tình lắm rồi?

Địch Vân người lảo đảo, phải vịn tay vào chắn song sắt. Chàng căm giận cất tiếng run run hỏi:

– Ngươi... nói nhăng nói càn gì thế? Sư muội tạ.. khi nào chịu lấy... gã họ Vạn.

Thẩm Thành cười đáp:

– Ân sư ta bị lệnh sư đâm một đao may mà không chết. Nay lão nhân gia dưỡng thương hết bệnh, bỏ qua những việc đã rồi. Lệnh sư muội ở nhà Vạn sư ca ba năm trời yêu nhau đằm thắm. Không chừng... không chừng... ha hạ.. sang năm sẽ sinh hạ một thằng nhỏ mụ mẫm, kháu khỉnh.

Ba năm chàng không gặp, nay gã đã lớn tuổi, nói giọng trào phúng đầy vẻ thành thạo.

Địch Vân hai tai ù đi. Chàng mường tượng như mình thốt ra câu hỏi:

– Sư phụ ta đâu?

Rồi tựa hồ nghe Thẩm Thành vừa cười vừa đáp:

– Ai mà biết được? Chắc lão tưởng mình giết chết người nên đã xa chạy cao bay, khi nào còn dám trở về?

Chàng còn tưởng chừng nghe Thẩm Thành nói móc:

– Vạn sư tẩu bảo Địch sư huynh hãy nằm yên trong ngục, chờ y sinh năm trai bảy gái rồi sẽ vào thăm.

Đột nhiên chàng gầm lên:

– Ngươi nói láo! Ngươi nói láo!

Rồi chàng cầm cái giỏ liệng ra. Bánh trái, thịt thà đổ tung tóe.

Bỗng chàng nhìn thấy trên tấm bánh còn khắc tám chữ đỏ "Vạn Thích liên nhân, bách niên hảo hợp".

Địch Vân nhất quyết không tin lời Thẩm Thành, bây giờ chẳng thể không tin được nữa.

Trong lúc thần trí hồ đồ, chàng nghe gã cười nói:

– Vạn sư tẩu còn bảo:

"Đáng tiếc là Địch sư huynh không thể đến uống một chung hỷ tửu"...

Địch Vân cả tay lẫn dây xiềng đột nhiên thò ra ngoài chấn song sắt nắm lấy cổ Thẩm Thành.

Thẩm Thành bở vía muốn chạy trốn, nhưng không hiểu một luồng kình lực từ đâu đưa đến cho Địch Vân nắm gã rất chặt. Mặt gã đang đỏ hồng rồi biến thành xám đen. Hai tay dẫy dụa mà không sao thoát ra được.

Tên ngục tốt nghe tiếng Thẩm Thành kêu la vội chạy lại ôm lấy người gã lôi ra. Hắn phải hết sức mới cứu thoát được tính mạng Thẩm Thành.

Địch Vân ngồi dưới đất, chẳng nói năng gì cũng không nhúc nhích.

Tên ngục tốt cười hơ hớ, lượm lấy gà thịt và bánh trái đem đi. Địch Vân trợn mắt lên nhìn hắn nhưng hắn cũng không ngó thấy.

Đêm hôm ấy vào khoảng canh ba, Địch Vân xé áo thành những mảnh nhỏ se lại làm một sợi dây, kết thòng lọng. Hai đầu buộc lên xà ngang cửa sắt trên cao rồi chui đầu vào.

Chàng không cảm thấy bi ai mà cũng không thấy phẫn nộ, chỉ biết đời người không còn gì đáng lưu luyến. Đây là lối giải thoát đau khổ một cách êm ả nhất.

Địch Vân cảm thấy sợi dây xiết cổ mỗi lúc một chặt. Hơi thở nghẹt lại. Sau một lúc, chàng mê man không biết gì nữa.

Nhưng rồi chàng dần dần tỉnh lại. Dường như một bàn tay to lớn đặt lên ngực chàng. Bàn tay này đè xuống rồi lại đưa lên. Mũi chàng đã có luồng không khí thanh lương thấu vào được.