Lật Mở Thiên Thư

Quyển 1 - Chương 4-4: Giáo sư Chung Sênh



Tôi và Mông Nhân ngủ chưa được ba tiếng đồng hồ thì phải dậy, rồi lần lượt tắm gội, còn ngái ngủ nhưng vẫn phải đến công ty, Mông Nhân còn kịp tập thể dục độ mươi phút, nói là vận động một lúc sẽ có lợi cho trí não. Tôi phải công nhận rằng Mông Nhân sống nền nếp hơn tôi rất nhiều. Chưa đầy một giờ sau khi đến công ty, thì Trần Trọng gọi điện đến, nói rằng đã có thông tin. Tôi hỏi, là những tin gì?

Ở đầu dây bên kia, Trần Trọng nói: “Đã điều tra ra nguyên nhân tử vong của Vương Cường, là ngộ độc. Cảnh sát tìm thấy ở căn hộ của Vương Cường một số vị thuốc đông y, là những thứ không được phép tùy tiện sử dụng. Có thể suy luận ra rằng anh ta đã hỗn hợp chúng lại rồi nuốt, tức là một vụ tự sát điển hình. Ở hiện trường cũng không có dấu vết vật lộn, ngoại trừ dấu vân tay và dấu giày của ba cậu chứ không có dấu hiệu của ai khác. Các dấu vết nói trên của ba cậu cũng chỉ xuất hiện ở phòng khách. Tôi không thể có tác động gì với bên cảnh sát hình sự, nhưng hiện giờ cả ba cậu chưa hẳn là đã được loại ra khỏi diện tình nghi. Cảnh sát vẫn đang truy tìm nguồn gốc các thứ đông dược ấy và nguyên nhân tự sát. Ba cậu không được đi lại lung tung, hễ cảnh sát triệu tập thì phải đến ngay. Và, cấm ba cậu không được nói ra rằng tôi đã thông tin cho biết. Tôi tin ở ba tên khốn các cậu, hiểu chưa?”

Tôi vội hứa rằng sẽ nghe lời anh ta. Và hỏi về Chung Sênh là con người như thế nào.

Trần Trọng tiếp tục nói: “Tôi đang định nói đây mà. Tôi đã nhờ người xem xét, trong kho hồ sơ không có tư liệu về Chung Sênh, nhưng có thể lên mạng tra thấy ngay...” Nghe Trần Trọng nói đến dây, tôi thấy mình thật ngớ ngẩn: nếu Chung Sênh là nhân vật có uy tín hàng đầu về lĩnh vực kia thì chắc chắn trên mạng phải có tên ông ta mới đúng! Tôi vội mở mạng ra tra cứu hai chữ “Chung Sênh”. Trần Trọng vẫn đang tiếp tục nói gì đó, tôi bỗng nhớ đến vấn đề “thuốc”, bèn hỏi Trần Trọng: “Kết quả khám nghiệm tử thi Vương Cường, có thấy vị thuốc nào tên là Khổ đậu thảo không?” Ở đầu dây bên kia, Trần Trọng bỗng ngập ngừng, rồi lớn tiếng nói: “Đúng! Có vị thuốc đó! Tôi nhớ ra rồi. Nhưng tại sao cậu lại biết? Thế mà còn nói là không liên quan gì ư? Chắc chắn các cậu vẫn đang giấu tôi chuyện gì đó!”

Tôi vội nói ngay: “Không! Anh Trọng ạ, tôi xin thề, cái chết của gã Vương Cường không liên quan gì đến ba chúng tôi cả, mà chỉ liên quan gián tiếp. Tôi xin cam đoan với anh, chúng tôi chẳng làm điều gì phạm pháp. Được chưa? Nếu chúng tôi có làm càn, thì hễ ra đường chúng tôi sẽ bị ô tô đâm chết!” Thấy tôi phát biểu hăng hái như vậy, Trần Trọng cũng nói nhẹ nhõm hơn nhưng anh vẫn truy hỏi sự thực là thế nào? Tôi chỉ đáp khi nào có kết quả thì sẽ nói hết với anh thật rõ ràng, rồi nói “tạm biệt anh nhé!”

Tôi tìm thấy “Chung Sênh” trên mạng. Ngày trước ông từng là một nguyên lão của Hội nhà văn của tỉnh, đã nhiều năm nghiên cứu các tác phẩm cổ đại, người trong nghề đều gọi ông là chuyên gia có uy tín, các tài liệu đến tay ông, ông dễ dàng kết luận đó là đồ thật hay giả. Ông không có sở thích sưu tầm, những cổ vật được người khác biếu, ông toàn tặng lại cho Viện bảo tàng. Chung Sênh còn có một trang web của riêng mình, nói mình không ham tiền tài vật chất, mình có lương hưu, có thu nhập do tham gia thỉnh giảng hoặc làm cố vấn cho các đơn vị. Ông còn nói nhiều điều khác chẳng mấy thiết thực đối với chúng tôi. Tôi giở tiếp các nội dung phía sau, tìm thấy địa chỉ “Chung Sênh hiện đang cư trú ở khu biệt thự X thành phố C” nhưng không tra thấy địa chỉ cụ thể.

Mông Nhân ngồi bên đang mải uống cà phê, tôi vội nói ngay tin này cho anh biết. Mông Nhân bèn xán lại đọc, rồi bảo tôi gọi điện cho lão Phó. Và nói, nếu hết cách rồi thì chúng ta sẽ sang đó, lão Phó vẫn quen mấy vị nhà nghề kia, chúng tôi sẽ dò la nghe ngóng để tìm ra địa chỉ cụ thể của Chung Sênh. Lão Phó nghe điện xong, thì nhất trí ngay, nhưng lại do dự, vì lần trước chúng tôi đi tìm Vương Cường thì hắn đã chết đứ đừ, lần này đi, liệu có xảy ra tình huống tương tự không? Nếu thế thì ba chúng tôi sẽ chết luôn: cảnh sát sẽ không nói nhiều, rút súng ra tuyên bố “thay mặt nhân dân và chính phủ” bóp cò xử lý chúng tôi luôn...

Tôi nói: “Đâu có thể có chuyện trùng hợp lạ đời như thế? Theo tôi, Vương Cường là gã dở hơi điển hình, chưa làm rõ vấn đề là gì thì đã tự đẩy mình đến chỗ chết. Chung Sênh là nhân vật lão thành kỳ cựu về nghiên cứu văn bản cổ đại, ông ta không thể ngớ ngẩn kiểu đó. Đừng chần chừ nữa, nếu muốn biết sự thật là gì thì ta cứ phải đi nghe ngóng xem sao. Sau đây sẽ xuất phát, cậu đánh xe lại đây đón chúng tôi đi!”

Tôi dập máy. Chưa đến mười phút sau, lão Phó phôn cho chúng tôi nói rằng anh đang đứng dưới sân công ty, và bảo chúng tôi xuống ngay. Tôi và Mông Nhân chưa xin phép sếp, thôi đành, chúng tôi cầm cái đĩa D9 “Đạo hỏa tuyến” hiện đang cực hiếm sang “hối lộ” sếp vậy! Cái đĩa này, tôi và Mông Nhân đã lùng sục khắp nơi, cuối cùng mua lại được từ một gã khốn kiếp chuyên sưu tầm đĩa, và phải chi ra một khoản tiền kha khá.

Lúc đi xuống cầu thang, tôi và Mông Nhân lầu bầu nguyền rủa lão Phó, và thề rằng, xong việc rồi sẽ bắt hắn phải chiêu đãi một chầu thật hoành tráng tốn kém mới bõ!

Xuống sân rồi, chúng tôi nhìn thấy lão Phó ngồi bên phải vô-lăng, người lái xe là Mễ Đâu. Mễ Đâu cười nói với chúng tôi: “Mau lên xe đi! Hôm nay em làm tài xế cho các anh.” Tôi nghĩ bụng, có vẻ như lão Phó đã coi Mễ Đâu là vợ mình rồi, đi đâu hắn cũng “ẵm” theo! Lên xe rồi, lão Phó mới nói Mễ Đâu cũng biết ông Chung Sênh và vẫn có giao lưu; hồi Mễ Đâu học đại học cũng từng nghe ông ta giảng bài, rồi dần trở nên thân quen, trong thâm tâm vẫn nghĩ Chung Sênh như ông nội của cô. Tôi thấy vui vui, nghĩ rằng sự việc trùng hợp thật là khéo.

Lúc đi vào khu biệt thự, anh bảo vệ nhìn thấy xe hơi Nissan Bluebird của lão Phó liền mở cổng ngay và chào hỏi tử tế, nhìn thấy Mễ Đâu thì anh ta rất khách khí. Mễ Đâu dừng xe lại giao lưu với anh bảo vệ mấy câu, rồi tiếp tục lái đi. Cô nói với chúng tôi: “Nghe nói trước đây họ cho anh ta nghỉ không làm nữa, nhưng ông Chung Sênh đã cố giữ lại, vì thế rất thân thiết với ông Chung Sênh.”

Đến sân dưới nhà Chung Sênh, chúng tôi xuống xe và nhìn thấy ông ta đang ngồi ở vườn hoa, tay cầm cuốn sách, trên bàn là bộ đồ trà. Chắc phải là trà ngon, vì chúng tôi đứng từ xa đã ngửi thấy hương thơm ngát rất hấp dẫn. Thấy chúng tôi đến, Chung Sênh chào Mễ Đâu, rồi bảo chúng tôi vào với ông, ông còn nói với lão Phó: “Tôi biết là anh sẽ đến, không ngờ anh lại đến sớm thế này. Tôi đang định đi tìm anh.”

Nghe thấy thế, tôi hiểu rằng ông già này rất tinh tường, nếu không ông sẽ không nói như vậy. Rất có thể hôm nay sẽ có những tình tiết gì đó bắt đầu sáng tỏ. Cả bốn chúng tôi đi theo ông Chung Sênh vào phòng khách. Ông bảo người giúp việc pha trà, sau đó ông mở két sắt lấy ra một cuốn sách đặt trước mặt lão Phó: “Tôi trả lại anh cái này.” Lão Phó cầm cuốn sách lên mở ra xem hồi lâu, rồi đưa cho Mông Nhân, Mông Nhân mở luôn trang cuối cùng, nhận ra vết ố cà phê vẫn còn ở đó, nhưng hình như anh vẫn chưa thể khẳng định đây chính là cuốn sách nguyên bản. Ông Chung Sênh ngồi bên bàn, mời chúng tôi hút thuốc lá, ông tự châm cho mình một điếu, rồi nói: “Cứ yên tâm, đây là bản gốc, thứ thiệt. Nhưng tôi phải thanh minh trước: không phải tôi, mà là Vương Cường đã lấy nó.”

Chúng tôi nhìn nhau, im lặng. Lão Phó hỏi: “Thế thì... tại sao nó lại đến tay bác?”

Chung Sênh lim dim mắt, thở dài. “Vương Cường là học trò cũ của tôi, là người có năng khiếu hơn cả trong mọi sinh viên tôi đã từng dạy, nhưng cũng là anh chàng ích kỷ nhất trong đó. Người ta vẫn có câu ‘cái lợi làm mờ mắt’ là thế. Sống trên đời đừng nên biến mình thành một kẻ chết rồi, vì hám một thứ lợi lộc mà biến mình thành hạng giá áo túi cơm chẳng khác gì cái xác biết đi, cuối cùng tự mình lại hại mình.”

Chúng tôi chưa thật hiểu rõ, chỉ biết Vương Cường vốn là học trò của Chung Sênh.

Chung Sênh nói tiếp: “Ngay lần đầu Vương Cường cầm cuốn sách này, anh ta đã biết ngay nó là thứ gì, và nảy lòng tham chiếm đoạt. Anh ta bèn đến hỏi tôi về chuyện cuốn sách, tôi liền nói với anh ta những nhận xét của tôi về nó. Và hỏi, có phải anh đã nhìn thấy nguyên bản cuốn sách ấy không. Vương Cường đáp rằng mình chỉ biết một số tư liệu, thấy rất có hứng thú, cho nên tôi cũng không hỏi kỹ anh ta nữa. Về sau, Vương Cường cầm một cuốn sách đến chỗ tôi, đó là sách giả, hỏi tôi có thể xác định được không. Tôi đã mở nó ra xem, thấy nội dung căn bản giống hệt bản gốc, bèn hỏi sách này ở đâu ra, nhưng Vương Cường không nói. Sau đó ít hôm, anh cầm cuốn sách đến đưa tôi xem, Vương Cường nhân lúc đó đã đánh tráo; khi tôi cầm cuốn sách từ tay Vương Cường đưa cho, tôi đã biết ngay là sách giả nhưng tôi không nói gì. Tôi biết các anh sẽ hỏi tôi ‘tại sao lại thế’... Vì, Vương Cường là học trò tôi, còn tôi, tôi cũng muốn biết nội dung mà bản chính ghi chép là gì, tôi muốn nghiên cứu nó, sau đó sẽ trả sách lại cho các anh.”

Mông Nhân hỏi: “Thưa thầy Chung Sênh, sao thầy biết cuốn sách kia là đồ giả? Trước đó thầy đã nhìn thấy cuốn sách thật hay sao?”

Chung Sênh ngẫm nghĩ rồi gật đầu: “Đã từng nhìn thấy. Nhưng không phải cuốn sách này... lát nữa tôi sẽ nói cho các anh biết. Vương Cường, sau khi lấy được cuốn sách thì đến tìm tôi vào buổi tối, anh ta tỏ ra rất phấn chấn, và nói rằng muốn cùng tôi nghiên cứu nó, chắc lần này sẽ thành công. Lúc đó tôi không rõ ‘thành công cái gì’, nhưng cũng thấy vui vui vì lại một lần nữa nhìn thấy bản gốc cuốn sách. Vương Cường cùng tôi nghiên cứu hồi lâu, rồi anh ta bỗng đứng dậy ra về, tôi không rõ tại sao. Sau đó mới biết tin về cái chết của Vương Cường. Cảnh sát đến tìm tôi, tôi kể lại với họ tất cả mọi chuyện mà mình biết, chỉ giữ kín độc một chi tiết không nói ra, vì tôi lo cảnh sát sẽ cho rằng ông già này đã giở chứng hóa điên.”

Chung Sênh nói thế khiến tôi bỗng cảm thấy hết sức hứng thú, tôi kéo ghế xích lại gần ông, hỏi: “Thưa thầy, thực ra cuốn sách này viết về gì?”

Chung Sênh vẫy tay bảo lão Phó đưa cho cuốn sách, lão Phó vâng lời ngay. Chung Sênh mở sách ra, lật vài trang, sau đó gấp đôi trang giấy lại, rồi bảo chúng tôi nhìn xem. Chúng tôi xúm lại nhìn, trang đầu, sau khi gấp lại thì hiện ra ba chữ “khổ đậu thảo”. Tôi lập tức hiểu ra vấn đề là gì. Tiếp tục xem các trang gấp sau đó, thì thấy tên ba vị thuốc bắc nữa. Tôi ngẩng đầu định hỏi, thì ông Chung Sênh đã nói luôn: “Tôi biết anh định hỏi rằng “lá bùa” ở đâu chứ gì? Các anh nhìn đây...”

Ông Chung Sênh đứng dậy khép cửa sổ lại, rồi bật ngọn đèn trên bàn, gí bìa sách sát bóng đèn. Lát sau, tôi nhìn thấy trên mặt bìa sách hiện lên hoa văn của một lá bùa nhưng chỉ có một nửa; ông Chung Sênh lại gí bìa cuối cuốn sách sát ngọn đèn, ở đây hiện ra hoa văn của nửa sau lá bùa. Tôi bèn nói ngay: “Thật là thần kỳ! Thì ra nó được ẩn giấu ở đây. Nhưng tại sao thầy lại phát hiện ra được?”