Lá Cờ Ma

Chương 17: Hài cốt của Tôn Huy Tổ



Chỉ với vài ba lần nhấc lên nhấc xuống một tấm kim loại hình thù kỳ dị, Vệ Tiên đã dễ dàng mở được cánh cửa sắt của gian phòng ngầm.

“Anh vẫn còn nhớ tình huống mà bác Chung Thư Đồng gặp phải vào buổi sớm hôm ấy khi vội vã ra ga xe lửa chứ?”

“Ừ, anh có viết việc đó vào trong cuốn Sổ tay công tác”, Vệ Tiên đóng cánh cửa lại và cả hai chúng tôi bị khóa chặt trong bóng tối sau một tiếng “bâng”.

“Bây giờ ngẫm lại tôi mới thấy lạ là tại sao mình lại bỏ qua một manh mối rõ ràng như thế, khà khà, mà ngay cả anh cũng bỏ qua nó.”

Vệ Tiên không đáp lời tôi, anh ta lấy ra một chiếc đèn pin được chế tạo đặc biệt và bật nó lên. Một luồng ánh sáng chói gắt tỏa ra từ chiếc đèn, nhưng nó không hề phát huy tác dụng giữa khoảng không gian đen như mực, mà ngược lại, càng khiến bốn bề xung quanh trở nên thâm u hơn.

Vệ Tiên điều chỉnh lại chiếc đèn pin, góc độ của tấm kính quang học có chút thay đổi, luồng ánh sáng tỏa rộng hơn hẳn. Xem ra chiếc đèn pin này là một trợ thủ đắc lực của Vệ Tiên trên đường hành tẩu lăng mộ người chết nằm sâu dưới lòng đất.

“Bây giờ thì anh đã nghĩ ra rồi chứ. Năm đó, bác Chung Thư Đồng nhìn thấy rất nhiều xe đất được chở ra khỏi một tòa nhà ba tầng, nói cách khác thì khi đó, ở tòa nhà ba tầng này có một lối vào đường hầm. Hiện nay, tòa nhà ba tầng đó đã bị dỡ bỏ, dù nó hãy còn tồn tại cũng vô tác dụng, vì sau khi công trình hoàn thành được già nửa, lối ra chỉ để vận chuyển xe chở đất đã bị lấp lại. Nhưng tòa nhà ba tầng trung tâm mà bốn anh em nhà họ Tôn năm xưa từng sống thì rất có thể vẫn còn giữ một lối vào, mà nếu lối vào đó có thật, nó phải nằm ở gian phòng ngầm của ông Tiền Lục.”

Nhờ ánh sáng của chiếc đèn pin, Vệ Tiên tìm thấy mấy cơ quan ngầm, nhưng chúng đều không có phản ứng.

“Khỉ thật, căn phòng cũ rích không thể tự ngắt nguồn điện được, lẽ nào ngày thường ông lão Tiền Lục dở dại dở điên trung thành giữ cửa cho chủ suốt sáu, bảy mươi năm không sử dụng đèn?”

Tôi nhớ lại tình cảnh lần trước tới thăm ông lão, xem chừng nhiều khả năng là thế.

Một ông lão sống trong bóng tối, chỉ vừa tưởng tượng tới cuộc sống âm u của ông lão, tôi đã thấy hơi thở của mình nặng nề thêm mấy lần rồi.

Gian phòng ngầm chỉ rộng chừng hai mươi mét vuông, tuy không rộng lắm nhưng việc tìm kiếm một đường hầm chưa hẳn có thật cũng trở nên vô cùng khó khăn nếu chỉ nhờ vào ánh sáng của đèn pin.

Tôi không rành về lĩnh vực này lắm nhưng anh chàng Vệ Tiên thì khá chuyên nghiệp. Động tác linh hoạt của anh ta nói lên điều đó. Tôi đứng ở cạnh giường, quan sát luồng ánh sáng chầm chậm chuyển động tỏa ra từ chiếc đèn pin. Anh chàng Vệ Tiên lúc sờ, lúc gõ vào những chỗ được chiếu sáng, động tác thành thạo. Không có vật nào bị xoay lật.

“Ắt có một ngày sẽ chôn thây trong mộ của người ta đấy”, trí não của tôi lại hiện lên câu nói cả quyết của ông lão Vệ Bất Hồi.

Tôi vịn tay dọc theo chiếc giường. Trên chiếc giường này hôm qua nằm chỏng chơ một thi thể cứng lạnh. Trước khi chủ nhân của thi thể ấy ra ma, ông ta đã từng cảm khái thốt lên “Ra quân chưa thắng thân mất trước - Mãi để anh hùng tay áo ướt”. Giờ này ngẫm lại, tôi mới thấy lời cảm thán ấy phần nhiều ám chỉ nỗi xót xa cho cái chết dưới lòng đất của bốn anh em nhà họ Tôn.

“Anh đi đi, đến chỗ đó, đi đi”, bên tai tôi dường như văng vẳng giọng nói khản đặc của ông lão Tiền Lục âm thầm vang vọng trong bóng tối.

Tình cảnh lúc đó tôi vẫn còn nhớ, cánh tay ông ấy vẫy vẫy về phía tôi.

Có phải ông ấy muốn chỉ cho tôi lối vào gian phòng ngầm?

Tôi nằm vật xuống giường, dát giường trơ cứng. Tôi nhớ lại động tác của ông lão Tiền Lục ngày hôm đó cũng nằm ở vị trí giống như tôi bây giờ. Hôm đó, khi tôi bước vào và đẩy cánh cửa, gian phòng le lói chút ánh sáng từ bên ngoài lọt vào, giúp tôi trông thấy lờ mờ cái hình hài đen thui của ông lão.

“Na Đa, anh đang làm gì thế?”, nghe thấy âm thanh vang lên, Vệ Tiên quay đầu lại, chiếc đèn pin trong tay anh ra rọi thẳng vào cánh tay đang huơ lên của tôi.

Tôi ngồi dậy, chỉ tay về phía khoảng không gian chênh chếch phía đối diện.

“Anh nhìn đằng kia xem, có thể là ở chỗ đó đấy!”

Ánh sáng của chiếc đèn pin chuyển hướng chiếu sang góc phòng phía tay tôi chỉ, bên đó là một chiếc tủ sách.

“Chắc chắn là không ổn rồi, ở đây không có đèn, ông ta đọc sách kiểu gì?”

“Lại đây giúp tôi một tay”, Vệ Tiên vẫy tôi.

Tủ sách nặng trịch bị chúng tôi xê dịch.

Vệ Tiên gõ gõ lên tường mấy cái.

“Lạ thật, bên trong đặc”.

“Thật không?”, tôi giơ cánh tay rờ rẫm trên tường, cảm thấy đất dưới chân đột nhiên trở nên không bằng phẳng.

Tôi giậm mạnh hai bước.

“Là khoảng không đấy!”, tôi và Vệ Tiên đồng thanh kêu lên.

“Quả nhiên là ở đây”, tôi lại cố sức giậm thêm mấy cái nữa, rồi bàn chân bỗng trở nên mềm nhũn, cả người tôi thụt mạnh xuống dưới cùng với âm thanh của đồ vật bị nứt vỡ.

Tôi “á” lên một tiếng kinh hoàng, bàn tay phải đang vùng vẫy nắm chặt lấy bàn chân của Vệ Tiên, hai chân treo lơ lửng, tôi hãi hùng không biết cái động bất ngờ xuất hiện này sâu bao nhiêu.

Chân trái của Vệ Tiên giật lùi một bước, anh ta ngồi xổm xuống tóm lấy bàn tay tôi.

“Anh thả lỏng chân tôi ra, nền đất chỗ tôi đứng cũng không chắc chắn lắm đâu, đừng để cả hai cùng rơi xuống, nắm chặt lấy tay tôi”.

Vệ Tiên hết tóm lại kéo, cuối cùng cũng lôi được tôi lên mặt đất. Chiếc đèn pin trong tay anh ta rơi xuống cái động đen ngòm. Tôi vẫn chưa thể gọi hồn vía trở về ngay được.

Lối vào này hẳn đã bị ông lão Tiền Lục đóng lại và chặn một tủ sách nặng trịch lên trên trong nhiều năm nên nó đã bắt đầu lõm xuống. Bởi thế, khi tôi giậm mạnh mấy cái, lớp đất bùn không chống đỡ nổi làm tôi thụt xuống dưới.

Đứng trên cửa động nhìn xuống dưới, tôi mới nhận ra, ban nãy nếu không tóm được chân của Vệ Tiên, tôi cũng không đến nỗi nguy hiểm vì cái động này chỉ sâu khoảng hơn hai mét, chưa đến ba mét.

Vệ Tiên vỗ vỗ vào vai tôi, nói: “Đi thôi, biết lối vào ở đây là được rồi. Hôm khác chúng ta lại tới, tôi phải chuẩn bị một số thứ. Mà anh không nhận ra là không khí ở đây hơi ngột ngạt sao?”

Tôi gật đầu, cùng Vệ Tiên bước mau ra khỏi gian phòng ngầm. Tôi có cảm giác, không khí ở đây có phần bức bối khó chịu, cũng may là mới chỉ qua sáu, bảy mươi năm nên bầu không khí bên trong không đến nỗi trở thành một luồng khí độc, giết hại tính mệnh con người.

Chiếc cửa sắt được khóa lại nhữ cũ, nhưng chìa khóa để gỡ mớ bòng bong của sáu, bảy mươi năm về trước thì chúng tôi đã nắm trong tay.

Mấy ngày sau đó, Vệ Tiên không hề liên lạc với tôi.

Những ngày sau đó, tôi không thể tập trung vào những cuộc phỏng vấn. Tôi chỉ loắng ngoắng viết bài cho xong. Mỗi khi chuông điện thoại kêu lên, tôi lại hấp tấp nhìn những con số hiện lên trên màn hình. Lòng đất mà tôi chưa từng biết đó rốt cuộc ẩn chứa điều gì?

Cuối cùng, tôi cũng nhận được điện thoại của Vệ Tiên vào năm ngày sau đó.

Anh ta đã chuẩn bị xong xuôi.

Thứ ba, ngày 22 tháng 6.

Tôi gọi điện thoại tới tòa soạn, báo rằng mình bị trật khớp chân, phải tới bệnh viện khám, nếu tình trạng tốt, buổi chiều tôi có thể đến tòa soạn. Nói cách khác là tôi đang kiếm cho mình một cái cớ để không tới tòa soạn. Không bị giam ở căn hầm đó vài ngày thì chắc cũng không sao.

Đương nhiên, vấn đề không phải là có thể bị giam ở đó vài ngày hay không, mà là có ra khỏi đó được hay không.

9 rưỡi sáng, tôi và anh chàng Vệ Tiên khệ nệ xách hai chiếc ba lô du lịch to oạch gặp nhau trên đường Phổ Tề, nơi cách tòa nhà ba tầng trung tâm không xa lắm.

“Cái này là của anh”, Vệ Tiên đưa một chiếc ba lô cho tôi.

“Đợi lát nữa hẵng xem”, Vệ Tiên vội cản khi thấy tôi khom lưng định mở khóa.

Chúng tôi chờ thêm mấy phút, chọn lúc không có người qua lại, lẻn nhanh vào cửa lớn của “khu ba tầng”. Nếu có người trông thấy hai chúng tôi ôm hai chiếc ba lô đại tướng đi vào gian phòng ngầm, chúng tôi sẽ khó lòng mà giải thích rõ với người ta cho quang minh.

Chúng tôi mở cánh cửa sắt, đặt hai chiếc ba lô du lịch vào trong, rồi quay trở ra bên ngoài, đứng dưới ánh sáng mặt trời. Cửa vẫn để ngỏ.

Trước tiên, phải khử hết luồng khí u uất bên trong cái đã.

Người dân trong “khu ba tầng” sẽ không để ý đến cánh cửa sắt của gian phòng ngầm lúc nào cũng mờ mờ tối tối bị để ngỏ. Muốn biết họ phải đi xuống dưới cầu thang, bước tới trước cánh cửa và quan sát.

“Phải đợi bao lâu?”, tôi hỏi Vệ Tiên.

“Khoảng tàn hai điếu thuốc để không khí ở lối ra trong lành hơn”, Vệ Tiên lấy ra bao thuốc, tôi rút một điếu và châm lửa.

“Tôi thấy đường hầm bên trong không nhỏ đâu, khử khí độc bằng cách này liệu ổn chứ? Tôi đọc xem phim tài liệu nước ngoài thì thấy, muốn làm không khí nơi này trở nên trong lành phải bật quạt thông gió trong một thời gian nhất định”.

“Không cần tới thứ đó, tôi đã chuẩn bị một bộ quần áo đầy đủ, có cả bình oxy nữa”, gương mặt Vệ Tiên thoáng hiện lên nụ cười.

Cánh cửa sắt lại bị đóng kín.

Hai chúng tôi đứng trước miệng hố - nơi tôi từng bị thụt xuống. Vệ Tiên cầm đèn pin soi xuống bên dưới mấy lần, rồi lấy từ trong chiếc ba lô du lịch ra một chiếc búa thép đầu nhọn, gõ xuống miệng hố mấy cái, làm miệng hố rộng gấp đôi lúc trước.

Cái nắp ông lão Tiền Lục làm để chặn trước miệng hố đã bị phá vỡ hoàn toàn. Giờ đây, chúng tôi có thể nhìn thấy một cái hố hình tròn, đường kính chừng hơn một mét hiện ra dưới ánh sáng của chiếc đèn pin. Trên bức tường phía dưới hố có gắn một chiếc cầu thang sắt đã hoen gỉ.

“Chúng ta mặc quần áo vào rồi hãy xuống dưới”, vừa nói Vệ Tiên vừa lấy từ trong ba lô một bộ quần áo.