Lá Cờ Ma

Chương 15: Vua trộm mộ (3)



“Đúng thế, ngôi mộ này đã góp phần làm nên danh tiếng lẫy lừng của Vệ Bất Hồi. Vì thế, chiếc chậu nạp tài, phỏng theo chậu của Thẩm Tú này vốn dĩ phải ở trong tay ông ta”.

Tôi và Vệ Tiên ăn vội đồ ăn nhanh rồi tất tả đến Tập đoàn Đóa Vân Hiên. Tìm được người ủy quyền bán đấu giá tức là tìm được Vệ Bất Hồi, hoặc người đó chí ít cũng phải có mối quan hệ khăng khít với Vệ Bất Hồi.

Thế nhưng người ta bảo mật thông tin nên lần này ngay đến thẻ phóng viên của tôi cũng không giúp ích được gì.

Lời nói của vị giám đốc lúc tiếp chúng tôi đã cản ngay ý định của chúng tôi: “Thân phận của người ủy quyền bán đấu giá phải được bảo mật, đó là quy định trong ngành của chúng tôi. Nếu để lộ thông tin ra bên ngoài, ai sẽ đảm bảo an toàn cho họ?”

Tôi giơ thẻ phóng viên rồi đưa cả danh thiếp cho ông ta xem, tôi muốn chứng tỏ mình thật tâm muốn tìm hiểu câu chuyện sưu tầm chiếc ‘chậu nạp tài phỏng theo chậu của Thẩm Tú’.

Tôi phải nói cạn lời vị giám đốc mới miễn cưỡng đồng ý sẽ giúp chúng tôi xin ý kiến của người ủy quyền bán đấu giá, nếu người này nhận lời phỏng vấn, ông ấy sẽ cho tôi thông tin liên hệ.

“Nhưng theo hiểu biết của tôi về lão tiên sinh, có lẽ ông ấy sẽ không đồng ý gặp các anh đâu”.

Bỗng nhiên, tôi sực nhớ tới một người bèn hỏi: “Không lẽ lại là… Trương Khinh tiên sinh ư?”

Vị giám đốc “á” lên một tiếng, không giấu nổi vẻ sửng sốt.

Cuộc nói chuyện tiếp sau của chúng tôi trở nên dễ dàng hơn nhiều. Vì tôi đã đoán đúng tên người ủy quyền bán đấu giá nên vị giám đốc vui vẻ cung cấp cho chúng tôi thêm một số thông tin.

Trương Khinh vốn là một nhân vật nổi tiếng trong giới sưu tầm của Thượng Hải. Hội chợ bán đấu giá mùa thu của Tập đoàn Đóa Vân Hiên lần này thiếu một bảo vật uy chấn hội trường, nên ông giám đốc Dương tuy biết tính tình của lão Trương cổ quái khó gần nhưng vẫn đành mặt dày mày dạn tới gõ cửa nhà ông lão, cầu cứu người bạn quen biết đã hơn mười năm. Nài nỉ mãi cuối cùng ông ta cũng thuyết phục được ông lão Trương Khinh đem chiếc ‘chậu nạp tài, phỏng theo chậu của Thẩm Tú’ ấy ra.

Đáng lẽ tôi phải nghĩ ra lão Trương Khinh chính là Vệ Bất Hồi từ lâu rồi chứ. Năm xưa, người bạn đồng hành thứ ba mà bốn anh em nhà họ Tôn mời tới, cũng chính là người bạn đồng hành tham gia nhiều nhất vào kế hoạch của họ, có thể ai ngoài “Vua trộm mộ”?

Biết được điều này, mọi việc sẽ vô cùng thuận lợi.

Thực ra, tôi vốn dĩ đã hoài nghi thân phận của lão Trương Khinh, ông lão luôn không chịu hợp tác với tôi nên khi nghe ông giám đốc nói thế, tôi thử thăm dò xem sao, quả nhiên tôi đã đoán đúng.

Về tới khách sạn, tôi và Vệ Tiên cùng nhau ngồi làm sáng tỏ những manh mối thu thập được kể từ khi bắt đầu cho tới thời điểm hiện tại.

Mỗi khi điều tra tới một giai đoạn nào đó, chúng tôi đều phải làm cho đầu óc tỉnh táo trở lại, vừa là để tư duy trở nên minh mẫn hơn vừa là để tĩnh tâm suy nghĩ, biết đâu có thể phát hiện ra những chi tiết quan trọng mà chúng tôi đã bỏ sót trước đó do quá hấp tấp thì sao.

Bốn anh em nhà họ Tôn muốn tìm kiếm một ngôi mộ cổ. Ngôi mộ cổ này có niên đại từ sau thời Tần, vị trí của nó nằm dưới lòng đất của “khu ba tầng”. Dựa vào những manh mối hiện có thì nhiều khả năng ngôi mộ cổ này được kiến tạo vào thời Tam Quốc. Bốn anh em nhà họ Tôn sở hữu một lá cờ có công dụng thần kì, lá cờ này giúp họ xác định được vị trí của ngôi mộ cổ.

Bốn anh em nhà họ Tôn xây dựng “khu ba tầng”, thực chất là để khoanh vùng phạm vi. Họ tiến hành giải phóng mặt bằng rồi bắt đầu đào công trình ngầm dưới lòng đất và để che mắt thiên hạ, họ phải tiến hành đồng thời cả việc xúc ủi những ngôi nhà mái bằng xung quanh và lấp ao Khâu Gia, xây vườn hoa Sạp Bắc để người đời không chú ý nhiều tới lượng đất khổng lồ mà họ vận chuyển ra khỏi “khu ba tầng”.

Tượng đài Tôn Quyền đặt tại vườn hoa Sạp Bắc và ngoại hình của bốn anh em nhà họ Tôn cho phép chúng tôi suy đoán, anh em nhà họ Tôn có thể là hậu duệ của Tôn Quyền, nên hẳn nhiên họ có những hiểu biết nhất định về ngôi mộ cổ này, chí ít thì họ cũng hiểu biết việc thâm nhập vào ngôi mộ cổ là vô cùng khó khăn, thậm chí có cả nguy hiểm rình rập nữa. Bởi thế, họ phải mời tới ba trợ thủ.

Trợ thủ đầu tiên là nhà sử học Chung Thư Đồng. Bốn anh em nhà họ Tôn hi vọng tri thức lịch sử của Chung Thư Đồng có thể giúp họ tìm kiếm ngôi mộ cổ hoặc có thể biết thêm một số chi tiết về nó. Nhưng rõ ràng ý định của họ đã thất bại. Một nhà sử học không thể biết chân tơ kẽ tóc như thế nên họ quyết định gạt bỏ Chung Thư Đồng sau vài lần thử thăm dò. Và do đó, Chung Thư Đồng gần như không biết gì về kế hoạch của bốn anh em nhà họ Tôn.

Trợ thủ thứ hai là Đại sư Viên Thông. Bốn anh em nhà họ Tôn thầm mong khả năng tiên đoán của Đại sư Viên Thông có thể giúp họ biết được một số thông tin quan trọng và cầu đảo phúc lành, tránh kị điều dữ. Nhưng họ không thể ngờ, sau khi Đại sư Viên Thông đến ở trong “khu ba tầng” thì khả năng tiên đoán của ngài vấp phải một lực cản vô cùng mạnh mà không rõ nguyên nhân. Chỉ có một lần duy nhất ngài tiên đoán thành công nhưng dự cảm đó cũng rất mơ hồ, khi ấy, bốn anh em nhà họ Tôn mất tích đã chứng minh dự cảm của Đại sư Viên Thông khá chuẩn xác. Xét từ góc độ tham gia vào kế hoạch của bốn anh em nhà họ Tôn, Đại sư Viên Thông hẳn nhiên là người ngoài cuộc.

Trợ thủ thứ ba là Trương Khinh, cũng chính là Vệ Bất Hồi. Từ trước đó rất lâu, Vệ Bất Hồi đã bắt đầu tìm kiếm ngôi mộ cổ này nhưng chỉ xác định được trên một phạm vi rộng lớn, không thể tìm thấy vị trí cụ thể của nó. Bởi thế, khi gặp bốn anh em nhà họ Tôn, ông “Vua trộm mộ” thích hành động đơn lẻ này đã nhận lời đồng hành ngay. Điều kiện mà bốn anh em nhà họ Tôn đưa ra để Vệ Bất Hối trực tiếp tham gia vào kế hoạch của họ chắc chắn là năm người cùng nhau phân chia đồ tùy táng trong đó. Vì lẽ đó, khi ở vào giai đoạn cuối cùng, khi đường hầm dưới lòng đất đã nối liền cửa vào mộ cổ, bốn anh em nhà họ Tôn sẵn sàng bỏ ngoài lời tiên đoán chẳng lành của Đại sư Viên Thông mà vẫn cùng Vệ Bất Hồi tiến vào ngôi mộ cổ. Nói chính xác hơn thì Vệ Bất Hồi có lẽ là người tiên phong mở đường, vì trong những ngôi mộ cổ như thế, khắp nơi đều có các hệ thống bảo vệ ngầm có thể lấy đi mạng sống của những kẻ cả gan bước vào.

Thời điểm quân Nhật ném bom oanh tạc Thượng Hải, đường hầm dưới lòng đất đã gần xong, bốn anh em nhà họ Tôn lo sợ công trình ấy sẽ bị tổn hại bởi bom đạn nên đã mượn sức mạnh của lá cờ ma thêm lần nữa để đuổi quân Nhật, nhờ thế mà “khu ba tầng” may mắn thoát nạn. Sau đó ít lâu, họ thâm nhập vào ngôi mộ cổ và không bao giờ trở ra được nữa.

Nhưng Vệ Bất Hối lại có thể thoát ra ngoài. Ông ta đổi tên thành Trương Khinh, mai danh ẩn tính, thôi không thể hiện uy phong của một “Vua trộm mộ” nữa. Những cổ vật thu thập được từ những lần trộm mộ trước đó khiến ông ấy trở thành một nhà sưu tầm.

Rốt cuộc ông ấy đã gặp phải điều gì dưới lòng đất? Vì sao chỉ có một mình ông ấy có thể ra ngoài?

Muốn biết được điều bí mật đó thì phải chờ đợi những lời kể trực tiếp của ông lão đó thôi.

Tôi trở lại tòa nhà ba tầng trung tâm trong tâm trạng rối bời.

Nhất là Vệ Tiên, anh chàng thường ngày vẫn có cái vẻ không kiêng sợ của một kẻ chừng như chỉ dạo chơi chốn nhân gian hôm nay bỗng trở nên rất nghiêm túc. Có lẽ, Vệ Bất Hồi là thần tượng của anh ta, một thần tượng ở nơi cao thăm thẳm mà anh ta luôn ấp ủ một niềm tôn kính vô bờ.

Hai chúng tôi đã đến trước cửa nhà lão Trương Khinh. Bàn tay của Vệ Tiên ngừng lại giây lát trên không trung rồi hạ xuống cánh cửa.

Cửa mở.

Thoáng thấy gương mặt già nua trước mặt, toàn thân Vệ Tiên run rẩy.

Tôi ngạc nhiên thấy anh ta đột ngột cúi thấp người, quỳ một chân trên mặt đất, phủ phục vái chào ông lão trước mặt.

“Vệ Tiên, con trai của Vệ Duyên Vũ bái kiến Tứ Thúc Công”.

Ông lão Trương Khinh nhìn chàng trai trẻ đang phủ phục vái chào trước mặt, lặng im hồi lâu rồi thở dài: “Đứng lên đi”. Nói rồi, ông lão quét mắt một lượt qua anh chàng bên cạnh là tôi đang đứng cách xa cánh cửa, sau đó quay người bước vào trong phòng.

Vệ Tiên đứng dậy, ngoái nhìn tôi một cái, rồi đi vào.

Tôi theo gót Vệ Tiên vào phòng.

Tôi nhìn một lượt khắp gian phòng. Đây mà là nhà của “Vua trộm mộ” ư? Cách bài trí trong nhà gần giống với gian phòng của bác Tô Miễn Tài, mọi đồ đạc đều hết sức giản dị, không thấy chút phong thái cổ kính nào như trong tưởng tượng của tôi.

“Vua trộm mộ” giàu có bạc tỷ, ấy là chưa kể nhà trưng bày bảo vật sưu tầm có khi được xây ở một nơi khác.

“Ngồi đi, tôi già rồi, khó cất chân động tay lắm, muốn uống trà thì tự rót”, ông Trương Khinh chỉ tay vào hai chiếc ghế gỗ nói.

Tôi và Vệ Tiên dè dặt ngồi xuống. Tôi có cả tá câu hỏi muốn hỏi ông lão trước mặt, nhưng lúc này để Vệ Tiên mở lời trước có lẽ tốt hơn. Anh chàng Vệ Tiên vẫn chưa hết câu nệ nên chưa biết nên bắt đầu từ đâu.

“Cháu, cháu biết anh ta hả?”, ông lão Trương Khinh liếc xéo tôi một cái nhưng lại hỏi Vệ Tiên.

“Dạ, cũng… cũng chỉ sơ sơ thôi ạ”.

Quỷ tha ma bắt, anh ta nói cái gì thế, tôi lườm anh ta một cái.

“Dạ, là như thế này ạ…”, Vệ Tiên đã lấy lại tinh thần. Anh ta tiếp lời câu hỏi của ông lão Trương Khinh, bắt đầu kể lại chân thực những sự việc từ khi anh ta bắt đầu điều tra tấm bản đồ đó cho đến lúc gặp được tôi.

Ông lão Trương Khinh, mà lúc này có lẽ nên gọi là ông lão Vệ Bất Hồi, lẳng lặng lắng nghe câu chuyện của Vệ Tiên, ngón tay gõ nhịp xuống mặt bàn, vẻ mặt không có chút thay đổi đặc biệt nào. Nhưng một người nhìn chằm chằm vào ông lão như tôi vẫn có thể phát hiện thấy đuôi mắt ông lão khẽ nhếch lên vài lần, nhất là khi Vệ Tiên nói tới những phân tích hiện tại của tôi và anh ta về sự việc năm xưa.

Xem ra những gì chúng tôi biết được đã vượt ra ngoài suy nghĩ của ông lão.