Kính Vị Tình Thương

Chương 11: Kết tân hữu thận trọng từng bước



Trời còn chưa sáng thì đã có đồng sinh tham gia khảo thí lục tục vào thành. Sau khi đăng cơ, Nam Cung Nhượng chăm lo việc nước, trọng văn sùng võ, mặc dù là cuộc thi dành cho đồng sinh nhưng cũng có yêu cầu rất cao. Con đường từ cửa thành dẫn đến sân thi đã được người quét dọn sạch sẽ từ sáng sớm, các cửa hàng xung quanh cũng đều vắng lặng.

Duẫn Châu phủ là đại châu tiếp giáp với kinh thành. Rất nhiều học sinh có cùng suy nghĩ với Tề Nhan dồn dập từ nơi khác tới, đại đa số đều một mình cõng hòm xiểng, có vài người thì mang theo thư đồng hoặc tùy tùng.

Bởi vì Nam Cung Nhượng ra sức thi hành tiết kiệm nên phần lớn các học sinh cũng ăn mặc y phục mộc mạc, nếu muốn phân biệt xuất thân của bọn họ thì chỉ có duy nhất một cách: Điệu bộ bước đi.

Những ai bước đi nhẹ nhàng, hai tay áo thoăn thoắt, còn quan sát xung quanh, nhất định đều là học sinh xuất thân nhà nghèo.

Mà những ai nhìn thẳng, bước chân vững vàng không phát ra tiếng động, hai vai ngang nhau, phần lớn đều xuất thân dòng dõi thư hương.

Nếu có người ưỡn ngực mà không ngẩng đầu, vừa lúc đặt một bàn tay trên bụng nhỏ và dưới ngực, một cái tay khác phối hợp vừa bước đi vừa vung vẫy tay áo rộng, đi đường không phát ra tiếng, người này nhất định là quý công tử thế gia đại tộc.

Điệu bộ bước đi được lưu truyền từ tiền triều tới nay, được xưng là: Tư thái phong nhã.

"Tư thái phong nhã" không chỉ đơn thuần là cách bước đi mà còn bao hàm ngôn hành và cử chỉ, có thể nói là rất nhiều phương diện. Nếu muốn lãnh hội sự tinh túy trong đó, không những cần bắt đầu luyện tập từ nhỏ mà còn cần mời sư phụ dạy lễ nghi dốc lòng truyền thụ, nhưng để mời được cũng phải trả một cái giá rất cao. Tề Nhan đã từng trông thấy loại tư thái phong nhã này từ sư phụ của nàng, nhưng đối phương thì chưa từng dạy nàng.

Tề Nhan vẫn luôn tò mò về thân phận của người đeo mặt nạ, nhưng sách mà nàng đọc đều đã được người đeo mặt nạ tự mình chọn lựa, chỉ có thể dựa vào một ít dấu vết ngày thường để lại suy đoán người đeo mặt nạ đã từng xuất thân tôn quý, thân phận thế gia.

Còn chưa tới giờ ngồi vào bàn, ở cửa sân thi đã bày sáu cái bàn vuông song song nhau, các học sinh chia làm sáu hàng yên tĩnh chờ đợi.

Lúc này đột nhiên có tiếng la hét ầm ĩ truyền đến, khiến cho các học sinh không khỏi nhíu mày ghé mắt, chỉ thấy một vị thiếu gia mặc gấm vóc mềm oặt nằm liệt ở trên kiệu, được hai ngươi dùng vai khiêng tới.

Tề Nhan chỉ nhìn lướt qua liền thu hồi ánh mắt: Đinh Phụng Sơn tới.

Gia đinh trực tiếp nâng cỗ kiệu tới trước đội ngũ ngoài cùng, thô lỗ đẩy học sinh đang đứng ở vị trí đầu ra: "Nhường chỗ!"

Vị học sinh kia thoạt nhìn mười ba mười bốn tuổi, mặc một thân trường sam bằng vải thô bị giặt đến trắng bệch, mặt tức giận đỏ bừng: "Sân thi là nơi quan trọng, sao ngươi có thể thô lỗ như thế?"

Gia đinh không để bụng, cao giọng reo lên: "Đại công tử Đinh phủ có thể dùng chỗ của ngươi là phúc khí ngươi đã tu luyện đời trước! Tránh ra!"

Thiếu niên kia giật mình, hiển nhiên là người này biết được thân phận của Đinh Phụng Sơn. Khí thế hắn lập tức yếu đi, liếc nhìn Đinh Phụng Sơn một cái, thấp giọng nói: "Nhường thì nhường." sau đó ôm hòm xiểng ra phía sau xếp hàng.

Gia đinh bỏ văn phòng tứ bảo [1] vào vải bố, đeo lên cho Đinh Phụng Sơn, khom người nói: "Thiếu gia, tiểu nhân chúc ngài kỳ khai đắc thắng ghi tên bảng vàng!"

[1] Văn phòng tứ bảo: bốn món vật quý nơi thư phòng, được sử dụng cho mục đích viết chữ, vẽ tranh. Chúng bao gồm: Bút lông, mực tàu, nghiên mực và giấy.

Không ít người ở trong lòng cười thầm: Lời của tên gia đinh này không chỉ không hợp với tình hình mà còn rất thô bỉ, nhưng một người mười chín tuổi như Đinh Phụng Sơn còn tham gia kỳ thi dành cho đồng sinh đã xem như là chuyện lạ.

Chỉ có một người hừ lạnh, khinh thường nói: "Thất phu."

Tề Nhan quay đầu lại, người nói chuyện là một vị thiếu niên trạc tuổi nàng, quần áo đơn bạc cõng hòm xiểng, bên hông đeo một cái ngọc bội trong suốt.

Thiếu niên phát hiện ánh mắt Tề Nhan thì lạnh mặt quay đầu, đối diện với đôi mắt màu hổ phách độc đáo thì sửa miệng, hỏi: "Huynh đài nghĩ như thế nào?"

Tề Nhan bình tĩnh trả lời: "Quản người khác làm chi, đều do hắn mà thôi."

Thiếu niên tinh tế phẩm vị hàm nghĩa trong lời Tề Nhan, cười gật gật đầu, cơn giận trong lòng phai nhạt không ít.

"Tại hạ Công Dương Hòe, là nhân sĩ kinh thành, tiểu tự Bạch Thạch, chính là Bạch Thạch trong "bạch thạch hào hào"."

Tề Nhan cong cong khóe miệng: "Dương chi thuỷ, bạch thạch hào hào. Tố ý chu tiêu, tùng tử vu Cao. Ký kiến quân tử, Vân hà kỳ yêu? [2]"

[2] Lời thơ "Dương chi thủy 2" của Khổng Tử

Công Dương Hòe vô cùng vui vẻ: "Huynh đài thật biết rộng, còn chưa thỉnh giáo huynh đài là ai?"

"Tề Nhan, nhân sĩ Tấn Châu, còn chưa lấy tự."

Công Dương Hòe chắp tay: "Hạnh ngộ hạnh ngộ."

Tề Nhan lễ phép đáp lại, trong lòng lại cân nhắc chuyện khác.

Kinh thành là nơi trọng địa lại vô cùng phồn hoa, hoàn toàn không cần trằn trọc đến Duẫn Châu tham gia cuộc thi dành cho đồng sinh. Hơn nữa dòng họ "Công Dương" rất đặc biệt, khiến cho Tề Nhan nghĩ tới một người.

Người đeo mặt nạ thường xuyên đưa Tề Nhan một quyển trục, bên trong là tư liệu về một ít quan viên quan trọng ở kinh thành và địa phương, trong đó Tông Chính Tự Khanh cũng mang họ Công Dương.

Mười hai người bước ra từ sân thi, bọn họ ngừng ở trước bàn vuông, cao giọng nói: "Mỗi người đều phải đặt toàn bộ vật dụng lên bàn để kiểm tra, ngay cả áo ngoài cũng phải cởi. Phàm là người trộm mang tài liệu vào phòng thi thì lập tức bước ra khỏi hàng để được xử trí khoan hồng, bằng không một khi tra ra sẽ mất tư cách dự thi ba năm!"

"Phanh" một tiếng, Đinh Phụng Sơn ném túi lên bàn vuông: "Muốn kiểm thì cứ kiểm, nhưng bản công tử không cởi y phục."

Đối phương hiển nhiên nhận ra Đinh Phụng Sơn, hắn trưng ra khuôn mặt tươi cười, kiểm tra đồ vật qua loa liền thả người. Giọng nói của Công Dương Hòe lại lần nữa truyền đến: "Người của Duẫn Châu phủ đều sợ hắn sao?"

Tề Nhan nhẹ giọng đáp: "Tại hạ mới tới Duẫn Châu, cũng không rõ tường tận."

"Hừ, ta không sợ hắn."

Tề Nhan rũ mắt không nói, nhưng nàng đã xác nhận được thân phận của Công Dương Hòe. Tông Chính Tự Khanh là tam phẩm lại là cận thần nội đình, phụ thân của Đinh Phụng Sơn - Đinh Nghi tuy có binh quyền nhưng chỉ là tứ phẩm Vệ Tướng quân, Công Dương Hòe tất nhiên không cần sợ.

Tông Chính Tự chưởng quản mọi việc liên quan đến tông tộc của hoàng đế, kết bạn với Công Dương Hòe sẽ rất có lợi cho việc báo thù sau này. Công Dương Hòe chưa bao giờ nghĩ tới: Thiếu niên mười bốn tuổi bên cạnh lại có tâm tư thâm trầm như thế.

Rất nhanh đã tới lượt đám người Tề Nhan, bọn họ không có đãi ngộ tốt như Đinh Phụng Sơn, đặt từng món lên trên bàn, cũng cởi áo ngoài giao cho viện sĩ kiểm tra.

Ngực Tề Nhan bằng phẳng, sư phụ nói không sai, thân phận nữ tử chỉ sẽ trở thành trở ngại cho việc báo thù của nàng, nàng đã uống xong toàn bộ thuốc viên, lại không có nỗi lo về sau.

Tề Nhan đi ở phía sau Công Dương Hòe, giám khảo cầm danh sách gọi tên họ và quê quán của các thí sinh. Đến lượt Công Dương Hòe, giám khảo hiển nhiên chần chờ một lát, đưa mộc bài cho Công Dương Hòe rồi hỏi: "Kinh thành?"

Công Dương Hòe gật gật đầu, giám khảo tựa hồ nghĩ tới cái gì đó. Quan chủ khảo thì lập tức vào phòng, sau thì lên đài cao nói vài câu như lệ thường, nhìn sắc trời rồi sai người cắm một nén hương dày trong đỉnh đồng: "Canh giờ đã đến, mở đề."

Khác với kỳ thi mùa xuân và kỳ thi mùa thu, cuộc thi dành cho đồng sinh tuy rằng có ba môn thi nhưng đề thi lại dễ hiểu, quy định trả lời hết toàn bộ nội dung trong ba canh giờ. Đề mục là: Thí thiếp thơ, kinh luận, luật phú, sách luận, trong bốn môn này chọn ra ba môn.

Tề Nhan mở quyển trục ra nhìn đến đề mục, màu mắt trầm xuống.

Đề mục của thí thiếp thơ là: Lấy "Tam Tự Kinh" làm đề, làm một bài thơ năm ngôn sáu vận.

Đề thứ hai là kinh luân cũng được đặt nghiêng: "Kinh Nghĩa Cùng Luận", đề bài này thoạt nhìn cổ quái, nhưng ở trong mắt người có chút căn bản, đây rõ ràng là một đề bài vô dụng!

"Kinh Nghĩa Cùng Luận" vốn là hai môn, nhưng sau khi đăng cơ, Nam Cung Nhượng cải cách khoa cử gộp chúng thành một, gọi là Kinh Luận. Ngay từ thời kỳ nam triều, bậc thầy Lưu Hiệp có áng văn Văn Tâm Điêu Long, bên trong trình bày kỹ càng tỉ mỉ về kinh nghĩa cùng luận, cũng như mối liên hệ nhân quả giữa chúng, chỉ cần lấy áng văn này sửa chữa lại một chút liền biến thành đề thi!

Đề thứ ba sách luận càng thêm vớ vẩn, giám khảo cư nhiên chọn một quốc sách ngay cả bá tánh bình dân đều biết rõ ràng: Giấy khố đổi muối dẫn.

Giấy khố đổi muối dẫn cũng là quốc sách mới mà Nam Cung Nhượng thi hành sau khi đăng cơ. Hắn tiếp nhận cục diện rối rắm từ tay hoàng đế tiền triều, Mạt Đế xa hoa dâm dật lại tiêu xài vô độ, vì thỏa mãn bản thân mà vụng trộm trưng thu thuế nặng.

Sau khi đăng cơ, Nam Cung Nhượng đã huỷ bỏ rất nhiều thuế phụ thu, lại giảm miễn thuế má, tuy rằng được bá tánh thừa nhận, nhân gian yên ổn nhưng lại không thể giải quyết được quốc khố hư không, không đủ khả năng xây dựng đất nước. Vì thế hắn ban bố một quốc sách: Giấy khố đổi muối dẫn. Triều đình vẫn dùng nhiều loại danh nghĩa để thu thuế, nhưng một số quan phủ cao hơn lệ luật sẽ đưa cho nông hộ một công văn gọi là "giấy khố", nông hộ cầm giấy khố có thể đến vận ty phủ đổi "muối dẫn".

Từ bao đời này, chỉ có quan doanh của triều đình mới có thể buôn bán muối, dân gian buôn bán muối lén lút đều bị phán tử tội. Nhưng có "muối dẫn", bọn họ trộm bán muối trong vài năm nhất định sẽ được coi là hợp pháp. Muối sinh lợi nhuận kếch xù, đặc biệt là đối với vùng duyên hải giàu có và đông đúc mà nói, quả thực chính là một vốn bốn lời! Trong lúc nhất thời, các nông hộ vì để có được "giấy khố" mà có rất nhiều người đã chủ động nộp lương thực cho quan phủ.

Nam Cung Nhượng giải quyết được tình thế khẩn cấp lại giành được tiếng thơm. Năm thứ hai hắn âm thầm hạ một ý chỉ, hiện giờ mỗi năm số lượng công văn phê duyệt muối có thể đếm trên đầu ngón tay, hàng ngàn hàng vạn bá tánh liều chết nắm "giấy khố" trong tay mà ngóng trông, mà mỗi năm đều có lượng lớn nông hộ thắt lưng buộc bụng chủ động nộp lương thực đổi lấy "giấy khố".

Khi quốc sách này được ban ra, Tề Nhan cũng chỉ mới mười tuổi, người đeo mặt nạ đã từng phân tích cho nàng lợi và hại trong đó, người đeo mặt nạ nói: Quốc sách này lấy danh nghĩa là ban ơn cho dân nhưng thực chất là âm mưu quỷ quái, đích xác giải được mối nguy hiện tại của ngụy triều.

Vào năm Tề Nhan mười ba tuổi, người đeo mặt nạ lại lần nữa lấy ra luận đề hôm đó để nàng tự mình phân tích lợi và hại, Tề Nhan nói: Quốc sách "giấy khố đổi muối dẫn" tất sẽ lụi tàn trong mười năm, bằng không nhẹ thì dân oán nổi lên bốn phía, nặng thì thiên hạ đại loạn. Nam Cung Nhượng xem thiên hạ bá tánh như rau hẹ, nuôi phì rồi cắt lấy đạm, kế sách quỷ mưu xuất hóa thần nhập. Nhưng mà, như thế xem ra người này chỉ kham vì tướng, không hề có lòng dạ rộng lượng của một vị quân vương, tầm nhìn hạn hẹp.

Người đeo mặt nạ nghe xong thì vừa lòng gật đầu, lại âm trầm nhìn Tề Nhan, nói: "Ác giả ác báo, thiên hạ của Nam Cung gia nhất định sẽ không thể trường cửu. Thời gian cho ngươi không nhiều lắm, nếu như thiên hạ này bị chôn vùi ở tay người khác, ngươi kiếp này cũng không thể báo thù cho việc mất nước diệt chủng."

Tề Nhan thoát khỏi hồi ức, nàng cầm bút lông, điểm mực nước viết một nét ở trên giấy. Trông thấy màu mực đen đều đều, nàng vén tay áo bắt đầu đề bút.

Kỳ thi đồng sinh chỉ là nước cờ đầu, Tề Nhan cố ý thu liễm mũi nhọn, văn chương viết ra cũng rất quy củ, chỉ là chữ viết tựa như nhan gân liễu cốt, thật sự không giống như được viết ra từ tay một thiếu niên mười bốn tuổi.

Đến nỗi đề thi vì sao đơn giản như thế? Trong lòng Tề Nhan đều có đáp án.

Không ngờ quyền thế của Đinh gia lại cuồn cuộn ngất trời như vậy, vì để Đinh Phụng Sơn thuận lợi thông qua, bọn họ thậm chí khống chế cả kỳ thi đồng sinh.

Em vợ của thái uý Lục Quyền, tứ phẩm Vệ Tướng quân, được lắm Đinh gia!

Tề Nhan hạ bút như nước chảy mây trôi, viết xong chữ cuối cùng liền dừng lại. Nàng đại khái kiểm tra qua một lần, đợi khi nét mực khô thì dùng giấy bản che lại, cuốn giấy vào rồi ép một miếng gỗ hình vuông lên trên, đứng dậy đến bên tiểu hào rửa sạch bút lông cùng nghiên mực.