Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao

Chương 20



Một trong những lệ thường không đến nỗi nhảm nhí của dòng tiểu thuyết về bệnh nhi ung thư là Ngày Tốt Lành Cuối Cùng, trong đó nạn nhân của căn bệnh ung thư thấy mình bất ngờ có vài giờ mà cơn đau đằng đẵng đột nhiên chững lại và trong một lúc họ có thể chịu đựng được nó. Vấn đề là, tất nhiên, ta không thể nào biết rằng ngày tốt lành cuối cùng của ta chính là cái Ngày Tốt Lành Cuối Cùng. Vào thời điểm đó, với ta nó chỉ là một ngày tốt lành khác.

Tôi tạm ngưng không đến thăm anh Augustus một ngày vì thấy trong người không khỏe lắm: không có gì trầm trọng, chỉ là thấy mệt mỏi thôi. Đó là một ngày ảm đạm. Và khi anh Augustus gọi điện thoại sau năm giờ chiều, tôi đã được nối máy thở BiPAP, nay được kéo ra phòng khách để tôi có thể xem truyền hình với Ba Mẹ.

“Chào anh, Augustus,” tôi nói.

Anh trả lời với chất giọng đã khiến tim tôi xao xuyến. “Chào Hazel Grace. Em có thể nào tìm cách đến Trái Tim của Chúa vào khoảng tám giờ tối nay không?”

“Dạ được?”

“Hay quá! Ngoài ra, nếu em không phiền thì nhớ chuẩn bị một bài điếu văn.”

“Ừm,” tôi đáp.

“Anh yêu em,” anh nói.

“Và em cũng yêu anh,” tôi trả lời. Sau đó người bên kia cúp máy.

“Ừm,” tôi nói. “Con phải đến Hội Tương Trợ vào tám giờ tối nay. Có một cuộc họp khẩn cấp.”

Mẹ tắt tiếng ti-vi. “Mọi thứ vẫn ổn chứ con?”

Tôi nhìn Mẹ một thoáng, lông mày hơi nhướng lên. “Con nghĩ đó là một câu hỏi tu từ.”

“Nhưng sao lại có –”

“Bởi vì anh Gus cần con vì một lý do nào đó. Được mà mẹ, con có thể lái xe.” Tôi nghịch máy thở BiPAP hòng chờ Mẹ đến giúp tôi tháo nó ra, nhưng bà không làm thế, thay vào đó bà bảo. “Hazel, Ba Mẹ cảm thấy như dạo gần đây chẳng mấy khi gặp con nữa.”

“Đặc biệt là với người đi làm cả tuần như Ba,” Ba thêm vào.

“Anh ấy cần con,” tôi nói, cuối cùng cũng tự tháo máy thở BiPAP ra.

“Ba Mẹ cũng cần con mà, cưng,” Ba tôi nói. Ông nắm lấy cổ tay tôi, như thể tôi là đứa bé hai tuổi ngỗ ngược sắp phóng ra đường nên cần phải giữ nó lại.

“Vậy thì Ba mắc một căn bệnh ở giai đoạn cuối đi, rồi con sẽ ở nhà thường hơn.”

“Kìa, Hazel!” Mẹ tôi mắng.

“Mẹ đã từng là người không muốn con chôn chân ở nhà,” tôi nói với bà trong khi Ba vẫn giữ chặt tay tôi. “Và bây giờ Mẹ muốn để mặc anh ấy với căn bệnh rồi chết đi để con sẽ trở lại đây, bị trói chặt vào ngôi nhà này, để Mẹ có thể chăm sóc con như trước. Nhưng con không cần như vậy, Mẹ à. Con không Cần Mẹ chăm như trước nữa. Mẹ mới là người cần tận hưởng cuộc sống.”

“Hazel!” Ba vừa mắng vừa siết mạnh tay tôi hơn. “Xin lỗi Mẹ con mau.”

Tôi giật mạnh tay lại nhưng ông không chịu buông ra, và tôi không thể đặt ống trợ thở bằng một tay. Giận thật. Tất cả những gì tôi muốn làm lúc này là một cuộc Biểu Tình Nổi Loạn theo kiểu trẻ con hồi xưa, khi tôi đùng đùng bỏ ra khỏi phòng, đóng sầm cánh cửa phòng ngủ, bật inh ỏi nhạc của nhóm The Hectic Glow và giận dữ viết một bài càm ràm. Nhưng tôi không thể làm gì hết vì tôi không thể thở nổi. “Cái ống trợ thở,” tôi rên rỉ. “Con cần nó.”

Ngay lập tức Ba thả tay tôi ra và vội vàng nối ống trợ thở cho tôi. Tôi ghi nhận được cảm giác hối lỗi dâng trong mắt ông nhưng ông vẫn chưa nguôi giận. “Hazel, con xin lỗi Mẹ mau.”

“Được rồi, con xin lỗi, nhưng xin Ba Mẹ hãy cho phép con làm việc này.”

Cả hai không nói gì hết. Mẹ chỉ ngồi đó khoanh hai tay và chẳng buồn nhìn tôi. Sau một lúc, tôi đứng dậy và đi về phòng mình để viết điếu văn cho anh Augustus.

Cả Ba và Mẹ một vài lần thử đến gõ cửa phòng nhưng tôi chỉ nói rằng tôi đang làm một việc rất quan trọng. Phải lâu thật lâu mới nghĩ ra những gì tôi muốn nói, nhưng thậm chí sau đó tôi cũng không mấy hài lòng với ý đó. Trước khi tôi cơ bản hoàn thành bài điếu, tôi nhận thấy đã 7:40, nghĩa là tôi sẽ đến muộn ngay cả khi tôi không thay đồ. Vì vậy cuối cùng tôi mặc luôn cái quần ngủ bằng vải bông màu xanh nhạt, áo thun Butler của anh Gus và mang đôi dép kẹp.

Tôi bước ra khỏi phòng và tảng lờ đi qua chỗ Ba Mẹ, nhưng Ba chợt nói, “Con không được rời khỏi nhà mà không có sự cho phép của Ba Mẹ.”

“Ôi trời ơi, Ba ơi là Ba. Anh Gus chỉ muốn con viết một bài điếu văn cho ảnh thôi, được chưa? Từ giờ. Đêm nào. Tối nào. Con cũng sẽ ở rịt trong nhà. Bắt đầu từ bây giờ, vào bất cứ ngày nào, Ba Mẹ vừa lòng chưa?” Lời tôi nói khiến ông bà nín lặng.

Trên đường đi tôi mới dần bình tâm lại về chuyện Ba Mẹ lúc nãy. Tôi vòng xe ra phía sau nhà thờ và đỗ trên lối vào hình bán nguyệt, ngay sau xe anh Augustus. Cửa hậu của nhà thờ hé mở nhờ một hòn đá to bằng nắm tay chèn ngang. Bên trong. Tôi vừa tính đi lối cầu thanh nhưng cuối cùng quyết định chờ cái thang máy cổ xưa ọp ẹp.

Khi cánh cửa thang máy mở ra, tôi bước vào gian phòng hay họp Hội Tương Trợ, mấy chiếc ghế vẫn được sắp theo vòng tròn như trước. Nhưng giờ đây tôi chỉ thấy anh Gus đang ngồi trên xe lăn, ốm tong ốm teo như thây ma. Anh ngồi ở trung tâm vòng tròn, đối diện với tôi. Hẳn anh đang ngồi chờ cửa thang máy mở ra.

“Hazel Grace,” anh thốt lên, “em nhìn đẹp mê hồn.”

“Em biết thế mà?”

Chợt tôi nghe thấy tiếng sột soạt trong góc tối của căn phòng. Anh Isaac đứng đằng sau một bục giảng nhỏ bằng gỗ, tay níu lấy nó. “Anh có muốn ngồi không?” Tôi hỏi anh Isaac.

“Không, anh sắp đọc bài điếu. Em đến muộn vậy?”

“Anh đang gì… Em… sao ạ?”

Anh Gus ra hiệu cho tôi ngồi. Tôi kéo một chiếc ghế vào giữa vòng tròn cùng với anh trong khi anh xoay xe lại đối diện với anh Isaac. “Anh muốn tham gia đám tang của mình,” anh Gus nói. “Nhân đây, em sẽ phát biểu tại tang lễ của anh chứ?”

“Dạ, dĩ nhiên là thế rồi,” tôi nói, ngả đầu vào vai anh.

Tôi vòng tay ra sau lưng anh, ôm chầm cả anh lẫn chiếc xe lăn. Anh nhăn mặt. Tôi buông hai tay.

“Tuyệt quá!” anh bảo. “Anh đang hy vọng lúc đó anh sẽ tham dự với tư cách một linh hồn, nhưng để chắc ăn, anh nghĩ mình nên – à, anh không có ý đẩy em lên sân khấu đâu, nhưng chiều nay anh chợt nghĩ mình có thể tổng duyệt trước lễ tang, và nhận thấy hiện nay tinh thần anh còn khá minh mẫn nên đây là lúc thích hợp nhất cho việc này.”

“Làm sao mà anh vào được đây?” Tôi tò mò hỏi.

“Thế em có tin là họ để cửa mở suốt đêm không?” Anh Gus vặn lại.

“Ừm, không,” tôi đáp.

“Mà em cũng không nên tin.” anh Gus mỉm cười. “Dù gì, anh cũng biết nói vậy là hơi tự đề cao mình.”

“Này, mày đang đạo bài điếu văn của tao đó nha,” anh Isaac chen vào. “Phần đầu tiên là tao mô tả mày hay tự đề cao bản thân thế nào.”

Tôi bật cười.

“Được rồi, được rồi,” anh Gus nói. “Mày cứ thong thả đọc đi.”

Anh Isaac hắng giọng. “Augustus Waters là một người hay tự đề cao mình. Nhưng chúng ta tha thứ cho anh ấy. Chúng ta tha thứ cho anh không phải vì anh có một trái tim tốt đẹp theo nghĩa bóng trong khi trái tim thật của anh cứ đau lên đau xuống; hay vì anh biết cách ngậm một điếu thuốc trên miệng khéo hơn bất kỳ người không hút thuốc nào trong lịch sử; hay vì anh chỉ sống có mười tám năm trong khi anh xứng đáng được sống lâu hơn.”

“Mười bảy thôi mày,” anh Gus chỉnh.

“Tao giả định mày sống được thêm ít lâu, thằng quỷ khoái ngắt lời người khác này.

“Để tôi kể cho mọi người nghe,” anh Isaac tiếp tục, “Augustus Waters là một thằng nói nhiều đến nỗi hắn sẽ cắt ngang lời bạn tại chính lễ tang của hắn. Và hắn luôn tự kiêu: Ôi Thánh thần thiên địa ơi, thằng đó không bao giờ đi tè mà không nghĩ đến mấy lời ẩn dụ về chất thải của loài người. Mà hắn cũng rất tự đắc: Tôi tin rằng mình chưa bao giờ gặp một kẻ có vẻ bề ngoài hấp dẫn hơn thế, một kẻ có nhận thức cực kỳ sâu sắc về sức hấp dẫn trong diện mạo của mình.

“Nhưng tôi xin nói điều này: Khi các nhà khoa học tương lai xuất hiện tại nhà tôi cùng cặp mắt rô-bốt do họ chế tạo và xin tôi thử mang vào, tôi sẽ yêu cầu họ biến ngay, bởi vì tôi không muốn nhìn thấy một thế giới mà không có Gus.”

Đoạn này, tôi bắt đầu thút thít khóc.

“Và sau khi thể hiện quan điểm của mình một cách hoa mỹ, tôi sẽ lắp mắt rô-bốt vào, bởi vì biết đâu với cặp mắt rô-bốt đó ta có thể nhìn xuyên qua được áo con gái và mấy thứ khác. Augustus, bạn của tôi, thượng lộ bình an nhé.”

Anh Augustus gục gặc đầu một lúc, môi anh mím lại, và sau đó giơ một ngón cái lên ý khen anh Isaac. Sau khi đã lấy lại được bình tĩnh, anh nói thêm, “Tao sẽ cắt cái đoạn nhìn xuyên qua áo mấy em gái.”

Anh Isaac vẫn còn bám vào bục giảng. Anh bắt đầu khóc. Trán anh tì xuống thành bục và tôi thấy vai anh rung lên từng chập, cuối cùng thì anh cất tiếng, “Thằng chết tiệt, Augustus, mày muốn chỉnh điếu văn của mày ra sao thì tùy.”

“Đừng chửi thề trong Trái Tim của Chúa chứ,” anh Gus nhắc nhở.

“Thằng chết tiệt!” anh Isaac lại chửi một lần nữa, ngẩng đầu lên và nuốt nước mắt. “Hazel, anh có thể mượn tay em không?”

Tôi quên bẵng đi mất là anh không tự quay trở xuống vòng tròn được. Tôi đứng dậy, đặt tay anh lên tay tôi và từ từ dẫn anh trở lại chiếc ghế bên cạnh anh Gus nơi tôi vừa ngồi. Sau đó, tôi bước lên bục và mở mảnh giấy mà tôi đã dày công viết bài điếu văn trên đó.

“Tên tôi là Hazel. Anh Augustus Waters là tình yêu vĩ đại nhưng bất hạnh của cuộc đời tôi. Chuyện tình của chúng tôi là một bản anh hùng ca mà cứ viết thêm một câu là tôi không khỏi rơi lệ. Anh Gus biết. Anh Gus biết chứ. Tôi sẽ không kể cho mọi người nghe về chuyện tình yêu của chúng tôi, bởi vì – giống như mọi câu chuyện tình yêu đích thực – nó sẽ được chôn vùi cũng với chúng tôi, như lẽ ra phải như thế. Tôi đã hy vọng rằng anh sẽ viết điếu văn cho tôi, bởi vì tôi không muốn ai khác ngoài…” Tôi bắt đầu sụt sịt khóc. “Được rồi, làm sao để không khóc. Làm sao để tôi – bình tĩnh. Bình tĩnh nào.”

Tôi hít thở vài cái rồi quay trở lại bài viết. “Tôi không thể nói về câu chuyện tình yêu của chúng tôi, nên tôi sẽ nói về toán học. Tôi không phải là nhà toán học, nhưng tôi biết điều này: Có hằng số hà sa số con số tồn tại giữa 0 và 1. Có 0.1 này, 0.12 này, 0.112 này và còn vô số những tập hợp số khác. Tất nhiên, tập hợp số vô hạn giữa 0 và 2, hoặc giữa 0 và một triệu sẽ lớn hơn. Như vậy, có những tập hợp số vô hạn lớn hơn những tập hợp số vô hạn khác. Một nhà văn chúng tôi từng yêu thích đã dạy cho chúng tôi biết điều đó. Cho nên, có những ngày, rất nhiều ngày như vậy trong thời gian qua, tôi thấy bực tức với kích thước của tập hợp số ngày nhỏ nhoi của mình. Tôi muốn có nhiều ngày hơn so với lượng thời gian tôi có thể sống, và Chúa ơi, con muốn có nhiều thật nhiều ngày hơn cho anh Augustus Waters yêu dấu. Nhưng anh Gus, tình yêu của em, em không biết nói sao cho anh hiểu là em cảm kích thế nào về lượng thời gian ít ỏi của hai chúng ta. Em sẽ không đời nào đánh đổi nói. Anh đã cho em những giây phút vĩnh viễn trong chuỗi ngày ngắn ngủi này, và em vô vàn biết ơn anh.”