Khanh Vốn Phong Lưu

Chương 14: Rời đi



Triệu Tuấn đạt được mục đích, lại thấy mọi người nhìn mình bằng ánh mắt khác thường, bèn ngượng ngùng dắt tay Phùng Uyển, nói lời tạ ơn Ngũ điện hạ rồi rời khỏi tửu lâu.

Vừa lên xe ngựa, y đã đứng ngồi không yên. Gương mặt thoáng đỏ thoáng xanh, trong ánh mắt nhìn Phùng Uyển cũng tràn ngập sự đấu tranh và xấu hổ.

Thấy vẻ xấu hổ của Triệu Tuấn, Phùng Uyển thầm nghĩ: Y vẫn chưa tồi tệ đến mức đó. Thời đại này, nam nhân dâng thê tử của mình cho cấp trên hưởng dụng nhiều không đếm xuể, so với bọn họ, Triệu Tuấn cũng coi là tốt.

Nhưng vậy thì sao chứ? Cuối cùng mình vẫn lâm vào kết cục như vậy.

Nghĩ đến đây, Phùng Uyển lại nhớ tới cảnh tượng trong tửu lâu, nhớ tới phu quân trước mặt mình. Cả đời cả kiếp này y không bao giờ, không bao nghĩ rằng nàng cũng có tôn nghiêm của mình. Không, không chỉ có tôn nghiêm.

Hai ngày nay, mỗi lúc Phùng Uyển thấy Triệu Tuấn nói cười nhẹ nhàng, sẽ có kích động muốn hỏi y rằng: Nếu có một ngày, y cảm thấy mình vô dụng, vừa hay lại có nữ lang có bối cảnh cao quý hơn thích y, muốn làm thê tử của y, y sẽ làm thế nào?

Đáng tiếc, nàng không có cách nào lên tiếng hỏi.

Con người này, vận mệnh chỉ có thể nắm chắc trong tay mình, mới xem như không ngu xuẩn?

Vừa về tới phủ, Triệu Tuấn đã nhướng mày, ra lệnh cho những người hầu vây quanh: “Thu dọn mấy món đồ có giá trị trong nhà.” Y quay sang quản sự, “Đi bán hai gian cửa hàng mặt tiền kia đi, nhớ là phải nhanh, chiều mai ta muốn lấy được tiền.”

Người hầu nghe vậy, lúc đầu thì ngẩn ra, sau đó ánh mắt mừng rơn. Lẽ nào lang chủ lên chức thật?

Quản sự mừng rỡ, cười tươi hỏi: “Lang chủ, có phải Ngũ điện hạ nhìn trúng ngài, lang chủ sắp thăng quan rồi, là quan mấy phẩm vậy?”

Nhìn đám người hầu hớn hở ra mặt, ánh mắt chờ mong, Triệu Tuấn cũng vui mừng, nhưng lại khó chịu. Y nhìn sang phía Phùng Uyển, sầm mặt nói: “Hỏi nhiều như vậy làm gì? Dù sao chúng ta sắp đi Đô Thành rồi.”

Bọn người hầu hơi kinh ngạc với biểu cảm phức tạp của y, nhưng trong nháy mắt đã vui vẻ trở lại: Dù thế nào đi nữa, lang chủ nhà mình đã dựa thế được Ngũ điện hạ. Có câu một người làm quan cả họ được nhờ, họ cũng thấy nở mày nở mặt.

Bọn người hầu tản ra, Mi nương yểu điệu ỏng ẹo tiến đến, nàng thi lễ với Triệu Tuấn và Phùng Uyển, khẽ nghiêng người, cúi đầu nũng nịu hỏi han: “Thiếp thân chúc mừng phu chủ, chúc mừng phu nhân.”

Triệu Tuấn nhìn thấy nàng, nở nụ cười tươi rói, phất phất tay, nói ôn hòa: “Nàng về phòng trước đi, ta nói chuyện với phu nhân đã.”

“Dạ.”

Mi nương biết, ý của phu chủ là muốn nàng chờ y trên giường, liền lặng lẽ liếc mắt đưa tình, vui vẻ trở về. Vừa đi, nàng vừa nghĩ: Không ngờ Mi nương ta cũng có ngày hôm nay, chẳng những được gả cho người ta, còn có cơ hội hưởng vinh hoa phú quý.

Triệu Tuấn đưa Phùng Uyển tới thư phòng.

Trên đường đi, Phùng Uyển chẳng nói lời nào, chỉ cúi đầu. Cũng không biết có phải vẫn tức giận vì chuyện vừa rồi không.

Nghĩ đến đây, Triệu Tuấn hơi cáu, y không kiên nhẫn thầm nghĩ: Người đó cũng chỉ cất lời nói giỡn, nàng biết rõ rằng ta không thể đắc tội với người bên cạnh Ngũ điện hạ, tại sao không thông cảm cho ta? Không phải cũng chỉ không lên tiếng khước từ thôi sao? Vậy mà nàng đã hờn dỗi.

Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng y vẫn kéo Phùng Uyển ngồi xuống sập, sau đó y dựa vào nàng, ôm eo nàng khẽ nói nhỏ nhẹ: “Uyển nương, đừng giận nữa.”

Nào ngờ Phùng Uyển lại ngẩng đầu lên, lẳng lặng nhìn y, lại nói: “Thiếp không giận.”

Không giận? Sao lại có thể?

Triệu Tuấn nghi hoặc nhìn chằm chằm vào nàng, nhưng thoáng cái y liền thở phào nhẹ nhõm: Uyển nương của ta vẫn biết đạo lý, nàng không cố tình gây sự, rất tốt rất tốt.

Y ôm eo Phùng Uyển, thơm lên má nàng, đồng thời đưa tay nựng nịu vùng thịt mềm bên hông nàng, cười hì hì nói: “Uyển nương không giận, phu chủ rất vui. Cũng không còn sớm nữa, nàng mau đi nghỉ đi.”

Dứt lời, y phất tay áo, nghênh ngang đi tới tẩm phòng của Mi nương. Đi được vài chục bước, tiếng ngâm nga lung tung kia vẫn truyền vào tai Phùng Uyển theo cơn gió.

Nếu nói vừa nãy y còn hơi xấu hổ thì bây giờ, y chỉ còn niềm vui.

Triệu Tuấn vừa đi, ngoài cửa phòng đã xuất hiện hai bóng dáng nhỏ bé lén lút. Phùng Uyển nhìn sang, nói: “Vào đi.”

Bên ngoài còn nhập nhằng một lúc, Nhung Nhi mới cúi đầu, chậm chạp tiến vào.

Nhìn vào mắt Phùng Uyển, nàng quỳ phịch xuống đất, ấp a ấp úng nói: “Phu nhân, có phải sắp chuyển nhà không? Nô tỳ phải làm sao đây?”

Nói đến phần sau, giọng nàng đã nghẹn ngào.

Cũng phải, ngày mai nàng định về nhà chăm sóc mẫu thân. Phùng Uyển đã nói là cho phép nàng nghỉ ba tháng. Nhưng một khi chuyển nhà, xa xôi ngàn dặm, cho dù nàng muốn trở lại cũng không có cách nào.

Trong thời buổi loạn lạc, đối với thứ dân bình thường mà nói, có thể có một chén cơm ăn đã tốt lắm rồi. Nhung Nhi nghĩ đến ba tháng sau, không biết phải lo cơm áo thế nào, không biết phải đi ở cho nhà ai thì vô cùng sợ sệt.

Chuyện này Phùng Uyển cũng không thể quyết định thay nàng, Phùng Uyển ôn hòa nói: “Ngươi phải tự nghĩ kỹ tất cả.”

Nhung Nhi nào có cách gì đâu, nàng hoảng đến độ khóc thành tiếng.

Đang lúc này, ngoài cửa có một bóng người cúi đầu đến gần, một tiểu nha đầu chạy vào, từ ngoài cửa đã thi lễ với Phùng Uyển, cẩn thận nói: “Nô tỳ cho là Nhung Nhi không thể trở về.”

Ả mở to hai mắt nhìn Nhung Nhi, lấy dũng khí cất tiếng dõng dạc: “Nhung Nhi, cho tỷ về phụng dưỡng song thân, đó là chủ mẫu nhân từ. Bây giờ Triệu phủ chuyển nhà tới nơi xa lạ, cũng là lúc cần người. Tỷ há lại ỷ vào lòng nhân từ của chủ mẫu, vì hiếu đạo mà vứt bỏ trung nghĩa?”

Những lời này mạch lạc rõ ràng, vô cùng có lý. Quan trọng nhất là, nó cho thấy người nói lời này cũng biết chữ, cũng biết một chút thi thư.

Người mở miệng chính là Phất Nhi. Sau khi nói xong lời này, ả rạp người xuống đất, nhận tội với Phùng Uyển: “Phất Nhi cả gan mở miệng, mạo phạm chủ mẫu, xin chủ mẫu trách phạt.”

Đúng là khéo ăn khéo nói.

Nói đến đây, đúng là trong Triệu phủ này không có nha đầu nào giống Phất Nhi.

Về tình về lý, một chủ mẫu nghe thấy vậy chắc hẳn sẽ chú ý tới nha đầu Phất Nhi này, cũng bắt đầu dùng ả phải không?

Trên sập, Phùng Uyển cười khẩy lạnh lùng.

Trong vẻ mong đợi của Phất Nhi, nàng chỉ nhìn thoáng qua rồi thờ ơ thu hồi ánh mắt. Dường như hoàn toàn không bị Phất Nhi tác động.

Trong vẻ tràn trề thất vọng của Phất Nhi, Nhung Nhi dập mạnh đầu, nói với Phùng Uyển: “Nhung Nhi sai rồi, phu nhân, nô tỳ không về nhà nữa. Nô tỳ muốn đi theo chủ mẫu, mãi mãi phụng dưỡng người.”

Phùng Uyển đứng lên, hờ hững nói: “Tùy ngươi.” Phất tay, nàng ra lệnh: “Lui xuống hết đi.”

“Dạ.”

Sau khi hai người rời đi, nàng thoáng nghe thấy Nhung Nhi hỏi, “Muội nói hay như vậy mà hình như phu nhân vẫn không thích lắm. Thật kỳ quái.”

Phất Nhi cũng không trả lời câu này.

Nháy mắt ba ngày đã trôi qua.

Mấy ngày nay, Triệu Tuấn xử lý hết thảy mọi việc trong nhà, bán hai gian hàng đổi lấy tiền, đặt mua ba chiếc xe ngựa, mang hết châu báu có giá trong nhà theo, rồi dẫn người nhà theo Ngũ điện hạ rời khỏi Nguyên Thành.

Phùng Uyển cùng mấy tỳ nữ, chen chúc trong một chiếc xe ngựa. Đi trước xe ngựa của Triệu Tuấn là xe ngựa của nhóm người thân cận Ngũ điện hạ.

Triệu phủ không dư dả, xe ngựa này cũng không lớn, năm người ngồi hơi chật chội, hơi bí bức. Phùng Uyển vén rèm lên, vươn đầu ra hóng gió.

Đằng trước nàng là một chiếc xe ngựa màu đen lẳng lặng chạy nhanh, thuộc về thiếu niên tuyệt sắc đó. Lúc này, bên trong truyền tới tiếng tiêu. Tiếng tiêu kia như phiêu đãng trong bình nguyên xanh biếc, bay bổng vờn quanh, liên tục không dứt.

Điều khiến cho Phùng Uyển thấy lạ chính là trong đội xe của Ngũ điện hạ lại không thấy bóng dáng của Ngọc lang. Không biết có phải y rời đi trước rồi không?